Lê Mai Lĩnh
Đứa con thứ nhất, tác phẩm đầu tiên (định mệnh) của người cầm bút
Tranh: HOÀNG THANH TÂM
Đã từ lâu, trong giới sinh hoạt văn chương, người ta nghe nói nhiều tới cụm từ “Tác phẩm đầu tiên, Đứa con thứ nhất”, nhưng chưa nghe thấy có ai lên tiếng, nói rõ về cụm từ này, (rất hấp dẫn với người đọc và người viết) mà tôi nghĩ, đó là một thiếu sót, về phía những nhà nhận định, phê bình văn học.
Trong khi, tác phẩm đầu tiên, đứa con thứ nhất, lại là một sự “khủng khiếp”, là một Định Mệnh, của người cầm bút và văn chương nói chung.
Tác phẩm đầu tiên, đứa con thứ nhất, sự ra đời của nó, đôi lúc, nhiều lúc, làm nên cơn địa chấn văn chương toàn cầu hay văn chương của một quốc gia.
Tác phẩm đầu tay của nhà văn Pháp, François Sagan, Buồn Ơi Chào Mi (Bonjour Tristesse) là một thí dụ, một hiện tượng văn học toàn cầu.
Năm 1956, văn chương miền Nam, với sự ra đời của hai tác giả với hai tác phẩm đầu tiên, không khủng khiếp quá sao, đã làm đảo lộn, thay chiều, dòng thơ và tùy bút trước đó.
Tôi muốn nói tới tập thơ của thi sĩ Thanh Tâm Tuyền, “ Tôi Không Còn Cô Độc” và tập tùy bút của nhà văn Mai Thảo, “Đêm Giã Từ Hà Nội.”
Hai ông, TTT, MT, là hai lượng phù sa văn chương của Hà Nội vào Sài Gòn sau hiệp định Geneva, 20/7/1954, qua cuộc di cư 1 triệu người.
Và 2 năm sau, 1956, hai tác phẩm đầu tiên của hai ông, xuất hiện, như một quả đại pháo, khai mở mùa xuân văn chương miền Nam.
Từ đó, thơ và tùy bút, thay áo mới.
Ta hãy đọc thơ TTT, trong thi phẩm “Tôi không còn cô độc”
“Anh sợ những cột đèn đổ xuống,
Rồi dây điện cuốn lấy chúng ta,
Bóp chết mọi hi vọng,
Nên anh dìu em đi xa.Ði đi chúng ta đến công viên,
Nơi anh sẽ hôn em đắm đuối,
Ôi môi em như mật đắng,
Như móng sắc thương đau.
Ði đi anh đưa em vào quán rượu,
Có một chút Paris,
Ðể anh được làm thi sĩ,
Hay nửa đêm Hà nội,
Anh là thằng điên khùng,
Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới.*
Chiếc kèn hát mãi than van,
Ðiệu nhạc gầy níu nhau tuyệt vọng,
Sao tuổi trẻ quá buồn,
như con mắt giận dữ,
Sao tuổi trẻ quá buồn,
như bàn ghế không bầy.
Thôi em hãy đứng dậy,
người bán hàng đã ngủ sau quầy,
anh đưa em đi trốn,
những giày vò ngày mai.”
Sau đây là đoạn mở đầu cho tùy bút “Đêm giã từ Hà Nội “của nhà văn Mai Thảo: (hãy chú ý cách chấm câu, ngắt quãng)
“Từ chỗ anh đứng, Phượng nhìn sang bờ đường bên kia. Những tảng bóng tối đã đặc lại thành khối hình. Từng chiếc một, những hàng mái Hà Nội nhòa dần. Phượng nhìn lên những hàng mái cũ kỹ, đau yếu ấy, giữa một phút giây nhoè nhạt, anh cảm thấy chúng chứa đựng rất nhiều tâm sự, rất nhiều nỗi niềm. Những tâm sự câm lặng. Những nỗi niềm nghẹn uất.
Của Hà Nội. Của anh nữa.
Dưới những hàng mái cong trũng, ngập đầy lá mùa kia, đang xảy ra những tâm trạng, những biến đổi gì mà ở bên này đường Phượng không đoán hiểu được.
Hà Nội đang đổi màu.
Đứng bên này bờ đường nhìn sang, Phượng bắt đầu tiếp nhận với một thứ cảm giác ớn lạnh, cách biệt, anh đã đứng trên một bờ vĩ tuyến mà nhìn về một vĩ tuyến bên kia. Bên ấy, có những hình ảnh chia cắt, đứt đoạn.
Bên ấy, có những hình chiến lũy, những hàng rào dây thép gai, những đoạn đường cấm, những vùng không người.
Phượng cũng không hiểu tại sao nữa. Giờ này anh còn là người của Hà Nội, thở nhịp thở của Hà Nội, đau niềm đau của Hà Nội, mà Hà Nội hình như đã ở bên kia.”
Năm 1956, cũng là thời điểm của tạp chí Sáng Tạo, là người khổng lồ trong các tạp chí.
Người ta thường nói, tuổi trẻ háo thắng, nhưng những năm đó, các ông trung niên văn nghệ này cũng háo thắng, như còn tuổi trẻ.
Trên tạp chí Sáng Tạo, các ông trung niên Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Sỹ Tế, Vũ Khắc Khoan, Nghiêm Xuân Hồng, Mặc Đỗ... , mở những bàn tròn hội luận văn chương, họ đòi đào huyệt, chôn Tự Lực Văn Đoàn, chôn thơ mới, chôn Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, cũng không tha.
Năm đó, kẻ hậu sinh này 14 xuân xanh, ngoài giới tuyến Quảng Trị, cũng viết thư vào cho hội nghị, xin xung phong, đem cuốc, xẻng vào, phụ việc đào huyệt.
(chi tiết này, tui phịa, không có mô nà)
Nhưng có một điều không phịa, là những năm tuổi 14 đó, cậu đã học thuộc lòng những truyện ngắn của nhà văn Mai Thảo: Luân, Bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời, Bầy thỏ ngày sinh nhật....
Đứa con đầu tiên, tác phẩm thứ nhất, là Định mệnh của người cầm bút.
Cũng không sai, nếu nói, đó là quà tặng của Thượng đế.
Nó quan trọng vô cùng, nó ảnh hưởng vô cùng, suốt cuộc đời cầm bút của người chọn văn chương làm trò chơi.
Nó là tâm huyết.
Là cái thực nhất.
Bản ngã anh, nhân cách anh, văn phong anh, tương lai anh, định hình đi lên, là từ đó.
Nhưng nó cũng đi xuống, bế mạc cuộc đời, từ đó, nếu anh không theo dõi, lắng nghe, điều chỉnh vinh quang và hố thẳm.
Tác phẩm đầu tiên, là một đứa con, mà cha, mẹ nó (tác giả) thai nghén lâu nhất, dài nhất, khổ lụy vô cùng.
Ở người đàn bà, thời gian cho một người con ra đời là 9 tháng 10 ngày, ở nhà văn (thơ) là 10 năm hay hơn, 20, 30, cho đứa con (tác phẩm) thứ nhất, tùy thuộc hoàn cảnh, môi trường, rủi may, vận số.
Mười năm cho trăn trở, nghĩ suy.
Mười năm cho âu lo, phập phồng.
Mười năm trong khấn nguyện, cầu trời, khấn Phật.
Người mẹ mang thai, còn có chồng, mẹ, cha, anh em, bên cạnh, hàn huyên tâm sự, sẻ chia ngọt bùi, mặn, nồng, chua, chát.
Nhà văn, thơ, một mình lủi thủi, một mình mình biết, một mình mình hay.
Và chế độ bồi dưỡng cũng khác.
Người mẹ, mang bầu con so, giò heo, đu đủ hầm, cho có sữa, cho con bú.
Nhà văn, thơ, chuẩn bị cho đứa con đầu, tác phẩm đầu, là cà phê, thuốc lá, hiếm khi, là rượu.
Chuẩn bị cho đứa con so ra đời, người mẹ may, mua, tã lót, giường mùng, xin áo quần cũ, kỵ mua áo quần mới, sợ xui.
Nhà văn, thơ, chuẩn bị tinh thần cho đứa con đầu chào đời trong nhà in, không là nhà hộ sinh, như những người mẹ.
Lo chạy, vay, bốc hụi, để có tiền in.
Thậm chí, bán những bộ áo quần vía, xe đạp cà tàng cho đủ sở hụi.
Kinh nghiệm xương máu của bản thân, không phịa, mô nà.
Sau đây là mười nhà văn, nhà thơ có đứa con đầu tiên, đem về vinh quang cho mình và góp phần giá trị cho nền văn học miền Nam trước ngày 30/4/1975:
Đêm giã từ Hà nội, Mai Thảo /Tôi không còn cô độc, Thanh Tâm Tuyền / Dấu binh lửa, Phan nhật Nam / Thở dài, Tuý Hồng / Nhã ca mới, Nhã Ca / Tặng vật tỏ tình, Trần Dạ Từ / Hoá thân, Viên Linh / Chiến tranh Việt Nam và Tôi, Nguyễn Bắc Sơn / Thơ Nguyên Sa, Nguyên Sa/ Nỗi Buồn Nhược Tiểu, Sương Biên Thùy.
Còn sau đó tới nay, trong nước và quốc ngoại thì sao?
– Trong nước, tới nay, văn chương, còn trong đêm đen lịch sử, nên số lượng người cầm bút và “tác phẩm đầu tiên” gây tiếng nổ, ấn tượng, không nhiều:
Thụy Sơn/ My Thục/ Trần thị Cổ Tích/ Như Không/ Nguyễn Hữu Thụy/ Nguyễn Hữu Thời/ Lê văn Trung/ Châu Thạch/ Hồ Trung Chính/ Kha Tiệm Ly/ Nguyễn Phú Yên/ Nguyễn Cầm Thy.
Trong 12 tác giả trên, có 4 “đứa con đầu tiên”, ghi dấu thiên thu:
– Hải ngoại, nhờ môi trường Tự do và điều kiện kinh tế không khó khăn cùng với lòng hoài hương, đau đáu nỗi đau quê nhà, nên số lượng người cầm bút vô số kể:
Hàn Hương Giang/ Ý Nhi-Nguyễn thị Dung/ Nguyễn Nguyệt/ Mỹ Nhung/ Diệm Trân/ Hồng Thủy/ Cung Lan/ Trương Anh Thụy/ Nguyễn Ngọc Dung/ Thúy Messegee, Lang Phạm/Kim Loan/ Phan Nữ Lan/ Tưởng Nhung/Lê Nhung/ Tạo Hoàng/ Trần Trung Đạo/ Hạ Quốc Huy/ Phạm Tín An Ninh/ Thanh Đặng/ Thông Đặng/ Nguyễn Ngọc/ Dan Hoàng/ Cung Minh Huân/ Phạm Ngũ Yên/ Yên Sơn/ Nguyễn Hàn Chung, Lương Thư Trung/ Phạm văn Nhàn, Trần Doãn Nho/ Phạm Tương Như/ Vĩnh Tuấn/ Như Phong/ Tuý Hà/Trần Vấn Lệ/ Võ Thạnh Văn/ Mỹ Nhung/ Đào Đông Khê/ Huỳnh Công Ánh, Luân Hoán/ Phan Ni Tấn/ Đêm Mơ/ Ben Oh/ Lê Hữu Minh Toán/ Nguyễn Đức Nhị/ Đặng Toán/ Thục Uyên/ Phan Khâm/
Với Góp Nhặt Hương Đời của nhà văn, nhà thơ Ý Nhi-Nguyễn thị Dung.
Trong số 50 người cầm bút hải ngoại tôi biết, trường hợp thi sĩ, nhà văn Ý Nhi-Nguyễn thị Dung, với tác phẩm đầu tiên, đứa con thứ nhất GÓP NHẶT HƯƠNG ĐỜI, tôi có vài ký ức sâu, nhưng không đậm.
Tôi biết bà qua nhà văn, thi sĩ Hồng Thủy, chủ tịch văn bút vùng Đông/Bắc Hoa Kỳ.
Từ đó, thỉnh thoảng bà gởi cho tôi tùy bút, truyện ngắn, thơ, xem và cho ý kiến.
Tôi vẫn nghĩ, mình chỉ là mầm già văn nghệ, chẳng là, cây đa cây đề gì.
Nhưng bà và chủ tịch Hồng Thủy, vẫn khoác cho tôi, hàng đa, đề.
Ừ, thì đa, đề.
Cãi nhau với những người đàn bà, lại đẹp, là không thông minh.
Tôi thấy văn phong, luyến láy, hình tượng trong văn chương bà, mang dáng dấp, nhan sắc văn chương nhà văn Mai Thảo.
Trong một truyện ngắn, mà bà ưng ý nhất, mà, trong Góp Nhặt Hương Đời, bà cho vào vị trí đầu tiên, có nhân vật tên Luân, trùng tên truyện ngắn Luân, mà tôi đã học thuộc lòng như cháo (cúng cô hồn) năm 14 tuổi.
Từ đó, bà và tôi, hóa ra là, cùng có chung một ông thầy văn chương, nhà văn Mai Thảo.
Từ đó, tôi thương bà, như đứa em.
Tôi mà nói không thật, xin ông trời cứ phạt tôi, rút lại cái license viết văn, cho bõ ghét.
Có lần, khi thấy đủ chân tình, tôi hỏi bà.
“Có phải bà là tiểu thư Hà Nội và con nhà giàu?”
Tiểu thư thì đúng, nhà giàu thì không. Bà nói với tôi như thế.
Trong khi tôi biết, ông ngoại bà, làm quan nhà Nguyễn, cụ thân sinh có cửa hàng lớn và cũng là nhà thơ, bút hiệu Thiên Tôn. Bà đi học có xe nhà đưa đón. Bà, cũng là cháu của nhà văn Thạch Lam, là bác.
Tôi muốn viết thêm, nhưng tôi không cho phép mình viết thêm.
Kết luận, những ai, người Hà Nội, những ai yêu Hà Nội, không nên không có, trong tủ sách, trên gối của mình, một hương thoang thoảng mùi thơm của một tiểu thư Góp Nhặt Hương Đời, trao tặng cho những cuộc người và cuộc đời.
Lẽ nào chỉ có thế thôi sao.
Chỉ có thế thôi sao, đâu có vui.
Nên chi, để cho vui, tôi xin gởi quà tặng tới mọi người, một bài thơ tình tôi làm đã lâu, trước lúc qua dậy thì mấy tháng.
Quà Tặng Mùa Thu.
Anh tặng em những chiếc lá vàng,
Như tín hiệu, mùa thu đã tới.
Ôi mùa thu Đông Bắc đẹp như tranh tĩnh vật.
Rừng thu, nội cỏ, ngàn cây,
Rực rỡ những màu thu chói lọi.
Lá muôn sắc, rừng muôn hương, mây muôn phương,
Tình một cõi.
Em trong anh.
Anh trong em.Em hãy đến với mùa thu Đông Bắc,
Để cùng nhau nghĩ về mùa thu Hà Nội.
Của Tự Lực Văn Đoàn.
Với Hương Cốm Xanh, Cỗ Ngư Hồng, Hồ Gươm Trắng, Một Cột Nâu ...
Của ba mươi sáu phố phường lượt là lụa bạch.
Để nhớ tới những năm tháng học trò,
gối đầu lên Thạch Lam, Nhất Linh
Hoàng Đạo, Khái Hưng:
Hồn Bướm Mơ Tiên, Đôi Bạn, Đoạn Tuyệt, Sợi Tóc,
Bùn Lầy Nước Đọng.Trong phong thư lá vàng gởi tặng em, quà mùa thu,
Anh đã gởi theo cái vé máy bay one way.
Nghĩa là, em sang mà không về.
Em tới mà không lui.
Em sẽ an giấc ngàn thu cũng thi sĩ:
Đồi Thông Hai Mộ.Nếu em còn yêu đời, chưa muốn tới giờ lâm chung,
Chưa muốn chọn cho mình phút lâm chung.
Em hay ở lại bên nớ.
Anh bên ni, sẽ chôn em trong núi lá vàng,
Anh tưởng tượng như thế.Và mỗi ngày, anh ra huyệt mộ, lạnh không em?
Anh sẽ đọc thơ ru em ngủ.
Tiếng thơ anh,
Có thể là âm thanh của loài chó sói, mùa động tình.
Tiếng thơ anh,
Có thể là tiếng vi vu của mây lang thang, gió phiêu du.
Tiếng thơ anh,
Có thể là dư âm cuồng nộ của một gã tình si.
Tiếng thơ anh,
Có thể là lời tuyệt vọng cuối đời của thi sĩ đam mê tình ái.
Tiếng thơ anh,
Tiếng thơ anh.Em,
Nàng Thơ.
Em có thể đến mà cũng có thể không.
Nhưng mùa thu và lá vàng Đông Bắc luôn chờ đợi và mong em đến.
Em bình tĩnh, bình thản, bình tâm,
Mở lòng Bác Ái, Từ Bi,
Không kém phần Hỷ Xả.
Mà lên đường..
Từ hôm nay,
24/24
7/7
30/30
12/12
100/100Anh có mặt tại phòng đợi,
Chờ Nàng Thơ.Amen.
Lê Mai Lĩnh
(Phóng bút)
Feb 24/2025.
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/duaconthunhat.html