nguyễn như mÂy
Đêm núi rừng Tà-Ru
.
Trong mấy năm chuyên viết báo miền núi huyện Bác Ái (*), đây là lần đầu tiên tôi bị “lạc” sang thôn dân tộc K’ Tu ở huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) cách Đà Lạt khoảng 60 cây số – cách đèo Prenn 40 dặm về phía nam; và cách nơi tôi định tới viết bài gần cả trăm cây số, trong đó có đèo Ngoạn Mục từ Phan Rang lên theo quốc lộ 20.
Sáng ấy, tôi lang thang ở bến xe Đà Lạt và chờ bắt xe quen quá giang xuống Bác Ái. Bỗng, tôi nhìn thấy một cô gái K’ Tu tóc thề đen bóng, không đội nón và khá đẹp. Hình như cô không thích mặc áo che nắng và gió cao nguyên nhưng lại chịu xếp hàng chờ mua vé xe đò cả buổi sáng. Cô đẹp và duyên dáng trong cái váy màu đen vải thổ cẩm dệt từ bông vải địa phương. Sau lưng cô là cái gùi chỉ thấy chất đầy hoa dại nghe thơm lựng mùi núi rừng cao nguyên. Và đặc biệt là đôi ngực của cô bắt tôi phải dừng lại nhìn hồi lâu rồi đưa máy ảnh lên chụp liên tiếp cả chục “pô”. Cô nhìn thấy nhưng chỉ cười với hai hàm răng trắng tinh như mới rửa dưới suối lên. Dù đã quen nhìn ngắm các sơn nữ miền núi từ lâu nhưng sáng nay tôi cảm thấy lòng mình bồi hồi như đứa con trai mới lớn đang được người ta để ý!.. Ôi! Tôi đang được vui sướng như chưa từng có giữa trời Đà Lạt sương khói đây trời ơi!
– Anh nhà báo mua giúp em cái vé về Đơn Dương rồi muốn chụp mấy nhiêu kiểu em cũng chìu hết đó nha. Chịu hôn?
Tôi bị “lộ tẩy” nhưng may là em chỉ yêu cầu có vậy nên tôi đi thẳng vào quầy vé lấy một lúc 2 vé cho cô ấy và tôi. Khi cầm vé xe trên tay, cô sơn nữ liền đi mua 2 ổ bánh mì thịt cho hai đứa ăn trưa. Rồi thấy tôi gửi tiền lại, cô nói, giọng có vẻ giận lẫy:
– Nhà báo làm gì mà “kỳ” vậy? Có một ổ bánh mì tí xíu mà cũng trả tiền lại, coi sao được? Chứ rồi còn tiền vé xe đây ai tính?
– Anh tên Mây. Còn tên em là gì? Em là cô giáo phải không? Em đã bao nhiêu mùa lúa rẫy rồi?
Xe chạy, gió lạnh của núi rừng Đà Lạt càng lạnh thêm. Cô gái vẫn chỉ cười có vẻ vui sướng vì được lạnh chứ không phải vui vì đang ngồi bên một “nhà báo” chỉ mới 35 tuổi là tôi. Ổ bánh mì thịt được chia hai vì tôi đã ăn sáng với ban quản lý bến xe rồi. Mùi thịt da cháy khét nắng rừng của cô sơn nữ gợi tôi bỗng thấy nhớ rừng nhớ núi như tấm lòng yêu quí bản làng mình của bà con dân tộc thiểu số trên núi cao – đối tượng tôi yêu thích trong các đề tài viết báo chuyên đề của mình. Tôi đưa áo khoác cho cô nhưng cô lại khoác hết lên mình tôi phong sương rồi vừa cười vừa nói, giọng chân thành:
– Anh ngồi cạnh cửa sổ mới bị lạnh đó.
– Anh cảm ơn nhiều nhiều. Nhưng em chưa trả lời... Anh không đưa lên báo đâu, đừng ngại!
– Dạ. Em tên Ta’ Sao, từng học sư phạm tỉnh rồi ra làm giáo viên cấp một được 2 năm dưới xuôi thì em bỏ về vì nhớ núi nhớ rừng nhớ cha nhớ mẹ quá anh à...
– Ta’ Sao có nhớ rượu cần nữa phải không?
– Ôi chao! Anh nhắc chi làm cho em thấy rạo rực quá!.. Vâng! Đúng là em nhớ và thèm rượu lắm!
Ta’ Sao bất ngờ nói luôn:
– Tối nay về nhà em rồi anh sẽ uống cho say tới ba ngày sau mới tỉnh dậy đó nha.
– Một mình cô giáo uống hết một ché rượu cần không?
Ôi trời đất ơi! Nếu bây giờ anh chàng Roméo và nàng Juliette nào xa xưa có sống lại thì cũng chỉ tình tứ như chúng tôi hôm nay chứ không chắc sẽ khác gì hơn đâu! Ta’ Sao nghiêng mình hết về bên tôi rồi mỉm cười:
– Làng em hiếu khách lắm! Anh nào tới chơi rồi cũng muốn ở lại cho con gái làng bắt cưới làm chồng cả!
Làng Ta’ Sao nằm sâu trong chân núi, cách đường lộ cả 5 cây số nên tôi đi mệt nghỉ với 2 cái máy ảnh lỉnh kỉnh và một túi xách chủ yếu là cái võng bọc của dân đi rừng. Xưa, làng ở trên núi cao; nay nghe lời nhà nước vận động xuống núi trồng lúa nước, mở trạm xá, xây chợ và trường học nên đông vui. Nhưng rồi nhiều bà con vẫn chê “cái nhà chánh phủ” xây cho vì không tự nhiên như cái chòi trên rẫy nên họ kéo nhau về sống ở lưng chừng núi theo các tập tục lâu đời của mình dù có khó khăn, thiếu thốn nhiều mặt nhưng được tự do và không biết đến đồng tiền trong việc mua bán là gì!
Nhà Ta’ Sao cách chân núi hơn 2 giờ đường rừng um tùm và đầy gai tre nên tôi phải vừa đi vừa như muốn “bò” với hai cây gậy tre để leo lên. Còn cô nàng ta thì vẫn đi thẳng lưng mà lại còn đưa tay cho tôi níu theo lên dốc quanh co tới chóng mặt! Tới nơi, Ta’ Sao chưa chịu thả tay tôi ra. Lúc bấy giờ tôi mới để ý thấy cánh tay săn chắc của núi rừng kia tuy ngăm ngăm đen nhưng cứng còn hơn giây rừng bám trên đá núi. Khi đến trước một ngôi nhà sàn trống trơn từ trước ra sau, cô sơn nữ mới buông tay tôi ra rồi cho biết đó là nhà “ra riêng” của cô ấy hơn năm nay rồi để chờ ngày cưới chồng...
Sau lời giới thiệu vài nét về quê hương mình, Ta’ Sao nắm tay tôi kéo đi qua mấy con suối, qua từng bụi tre ngày xưa luôn có con cọp con beo nằm chờ rồi cuối cùng mới tới cái nhà sàn mong manh trong gió tưởng chừng như chỉ có trong phim Hollywood... Đó cũng là tài sản riêng của Ta’ Sao nhưng chỉ để nằm canh giữ rẫy ngăn con chim, con chuột và con heo rừng không về cắn phá mùa màng. Ta’ Sao hay ra đây tắm suối, có hôm ngủ lại một mình với trăng sao vằng vặc trên rừng trên núi như một nhà nghệ sĩ...
Giờ, đứng ở đây nhìn xuống, lòng tôi bỗng như chùng lại với nỗi niềm nhớ quê mình ở thành phố đã quen. Nhưng bữa ăn chiều đã được Ta’ Sao dọn ra trên tấm lá chuối xanh trải bên bờ suối. Ta’ Sao và tôi cùng ăn khoai mì lửa than từ mấy khúc tre lồ ô rồi cùng uống chung một ché rượu cần. Lòng tôi lúc này đang cảm thấy tất cả những cung điện, đền đài và cả những ngai vàng của các bậc vua chúa ngày xưa không còn một tí giá trị gì nữa so với cái chòi giữ rẫy đơn sơ nhưng rất thơ mộng và đầy chất huyền hoặc này!..
Hoàng hôn đang xuống dần bên kia núi. Ngôi sao hôm như đúng hẹn đã về. Thung lũng dưới xa kia với những đám ruộng lúa nước bà con đang canh tác. Suối chảy loang loáng chút ánh sáng chiều còn sót lại trong không gian dọc bên bờ ruộng như một dòng nước hoang vu nào với vài chiếc xuồng con nhỏ xíu như chiếc lá.
Ta’ Sao lấy thuốc lá quấn thành hai điếu to bằng ngón tay cái cho hai đứa hút. Hương vị thuốc lá rẫy ngon đến độ người hút có thể “chết tươi” ngay từ hơi khói đầu tiên chứ không phải trong vòng tay của cô bạn gái đẹp như tiên đang ngồi bên cạnh! Đó là trường hợp của tôi đêm nay với cô sơn nữ đã qua tuổi “bắt chồng”...
Ta’ Sao kể đã biết yêu và đã yêu nhưng “người ta bội bạc” lắm ơi!
– Đã cưới nhau chứ? Rồi có con không?
– Em bỏ dạy từ đó. Nay, chỉ có mình anh là người “chịu” theo em về tới đây...
– Trời ơi!..
– Anh đã có công rồi còn có lòng lên tận đây thì...
Tôi đang nằm gối đầu lên đùi Ta’ Sao vì có thể tôi đã say rượu cần đang lên men hơn là “say” tấm lòng cô giáo miền núi. Bất giác, khi nhìn lên trong ánh trăng mờ của núi rừng, tôi đã thấy đôi vú căng tròn và chắc như đá núi của Ta’ Sao nổi lên giữa bầu trời đêm đầy sao...
– Kìa, anh Mây có nghe tiếng nước suối chảy trong im lặng sâu thẳm của núi rừng không? Em đã quen nghe vậy từ nhỏ rồi... Nè anh, đừng có mà rủ em về thành phố ăn ở với anh nha. Em không “ưa” vậy đâu!
– Ta’ Sao có cho anh về dưới xuôi không?
– Nếu đi, anh mang theo hết cả núi rừng này của em thì em mới cho anh về!
Đêm của rừng núi như vô tận với sao trời giăng đầy khắp nơi. Tiếng chim rừng kêu xào xạc khắp nơi trong gió núi rì rào. Tiếng con nai con cọp kêu vang làm rung lên từng hồi dưới suối tạo thành những âm thanh êm ái mà tôi đã từng nghe. Nhưng trong cái chòi giữ rẫy này, tôi đã trở thành một chàng hoàng tử đang nằm mơ màng bên cô công chúa miền núi cao với nhiều yêu thương ngon ngọt, nồng thắm dạt dào và cả nhiều quyền uy nhất trên cõi đời này.
Lẫn trong mùi hương cỏ, hoa dại tỏa ra đầy rừng quyện với bao khói sương thơm ngát mùi giá lạnh, tôi nghe thật rõ mùi tóc thơm như sương khói của người bạn miền núi – một bông hoa rừng phảng phất mùi vị của trời đất bay thơm ngào ngạt và vô tận đến cả ngàn năm sau nữa vẫn còn thơm. Ôi! Hình như tôi vừa thoáng nhìn thấy một ngôi sao nào rơi vào trong đôi mắt khuya của cô sơn nữ...
.
nguyễn như mÂy
_________
(*) Huyện Bác Ái của tỉnh Ninh Thuận.
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/demnuirungtaru.html