Linh Vang


Đánh rơi hạnh phúc

.

9 giờ 30 phút sáng ngày 30 tháng 4, năm 1975. Đài phát thanh Sài Gòn phát lời Tổng Thống Dương Văn Minh:

“Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân Lực Cộng Hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải Phóng Miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn. Đường lối, chủ trương của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc để cứu sinh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải giữa người Việt Nam để khỏi phí phạm xương máu người Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả các anh em chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa hãy bình tĩnh, ngưng nổ súng, và ở đâu, ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng vì chúng tôi ở đây chờ gặp Chánh phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận về lễ bàn giao chính quyền trong vòng trật tự và tránh sự đổ máu vô ích của đồng bào.”(1)

Lịch sử Việt Nam đã sang trang. Giờ phút đó, chàng đang ngồi ở phòng khách nhà nàng. Cha nàng còn ở ngoài Trung. Mẹ nàng thì đang bôn ba tìm tin tức về ông. Hai đứa em nhỏ của nàng còn hồn nhiên giành đồ chơi, la ó. Nhà đông đúc bà con nội ngoại từ ngoài Trung chạy vào và Cao Nguyên chạy xuống, đang tá túc. Người lớn, mặt lo âu đang lắng nghe radio. Chàng rủ nàng đi, ý định này chàng đã đề cập với nàng cả tuần trước đó. Những phương tiện hy vọng đi được: Tới tòa đại sứ Mỹ. Vào phi trường Tân Sơn Nhứt. Ra bến tàu. Nàng chưa dứt khoát. Hai người yêu nhau nhiều năm, nhưng nàng vẫn chưa nhận lời cầu hôn của chàng. Thời điểm này chưa có gì là của nhau, trên mặt giấy tờ, nàng đã không quyết định được. Mặt nàng buồn so, muốn khóc mà không khóc nổi.

Từ nhà nàng bước ra, chàng chỉ biết là phần mình phải tìm cách đi thôi. Con hẻm chật hẹp đã có nhiều chú lính ngố mặc quân phục miền Bắc cầm súng đứng ngơ ngác. Súng nổ lẻ tẻ đâu đó. Ngoài đầu hẻm, có một ông nằm chết, máu trên người còn tươi. Người người ngược xuôi, không ai buồn để ý. Ngoài đường lớn, mũ, áo quần của lính VNCH được vất rải rác đây đó. Một bé gái chừng năm, sáu tuổi đi lạc, đứng khóc thảm thương, cũng không ai dừng lại hỏi han xem con cái nhà ai, làm sao mà đi lạc. Chàng có dừng xe lại, nhìn thoáng qua nó, rồi cũng tiếp tục phóng xe vespa đi. Lựu đạn nổ ở đâu đó, đã nghe mùi khét lẹt. Có nhà hẳn là chủ đã bỏ đi bị thiên hạ hôi của, chạy vô chạy ra, khiêng đồ đạc, những gì có thể khiêng được.

Chàng chạy ra bến tàu, may mắn leo lên được tàu Trường Xuân giữa cảnh người hỗn độn, chen lấn. Tàu rời bến xế chiều ngày 30 tháng tư, năm 1975 với gần 4 ngàn người đủ thành phần – giai cấp, nam nữ, già trẻ, lớn bé. Con tàu trải qua bao gian nan, khó khăn, rồi cũng ì ạch ra khỏi hải phận Việt Nam và đến được HongKong. Chờ đợi ở đó chừng năm tháng, chàng được nước Mỹ nhận, cho vào định cư.

Về gia đình nàng cũng như cả phần lớn người dân Miền Nam Việt Nam, từ ngày 30 tháng tư năm đó chịu bao nhiêu bão táp sóng gió ào ạt đổ ập tới.

*

Trong quán cà phê nhìn ra đường Lê Lợi, một trong những con đường còn may mắn mang tên cũ của trước năm 1975, chàng và nàng gặp lại nhau sau bao năm xa cách. Tóc chàng đã bạc nhiều; tóc nàng cũng vậy thôi, có điều đã nhuộm đen để che giấu màu bạc, nhưng vẫn còn những sợi dài ló ra từ bên trong tóc và những sợi ngắn củn vừa lún phún mọc ra. Nàng vẫn còn nét mảnh mai của ngày xưa; nhưng chàng thì trắng và phát tướng ra, như một ông chủ của một tiệm bán thịt heo quay ở Chợ Cũ, trên đường Hàm Nghi. Thật ra, là do chàng ở xứ lạnh thiếu ánh mặt trời, mà chàng lại ít hoạt động, không thích tập thể dục. Đôi mắt nàng vẫn đen to, nhưng có nét mệt mỏi, buồn buồn. Chàng nhận ra ngay sự thay đổi này, nhìn nàng có chút ái ngại.

Nàng đã có sự chọn lựa – tình yêu và lối sống. Ngày đó, nàng bảo là nàng có yêu chàng nhưng còn trẻ để nhận lời cầu hôn, và nàng đã từ chối hai lần lời cầu hôn của chàng. Trong tình yêu, ai mà chẳng muốn mình sống bên cạnh người mình yêu. Tình yêu của nàng cho chàng không đủ mạnh để nàng nhận lời cầu hôn chăng? Rồi biến cố 1975 đã không cho chàng có thêm một lần nào để cầu hôn nàng nữa. Chàng chạy được ra nước ngoài. Nàng bị kẹt ở lại. Họ bặt tin nhau vài năm. Chàng nghe tin nàng đã lấy chồng – qua một người bạn. Nhớ ngày đó, chàng buồn lắm, bỏ buổi làm, ra quán rượu ngồi uống một mình, một cái tavern Mỹ mà trước đó chưa bao giờ chàng vào, thường thấy đông khách và trước quán đậu nhiều chiếc xe mô tô Harley. Không lâu sau đó, chàng cũng lấy vợ, vợ sinh con đẻ cái, cả chồng vợ đều tất bật với những lo toan của đời sống. Cả chàng và nàng đều không ai tìm ai, dù đôi lúc có nghĩ tới nhau.

Một ngày bất ngờ, lại qua một người bạn khác, từ một địa chỉ e-mail, họ có đường dây để liên lạc lại. Rồi những cú phôn. Vài lần facetime, không nhiều, vì nàng ngại ngùng, sợ chàng nhìn gần, thấy quá rõ khuôn mặt đã tàn phai của nàng. Nhưng cũng chỉ là những thăm hỏi thông thường, không đi sâu vào đời nhau. Nàng không hỏi: Anh sống có hạnh phúc không? Chàng không hỏi: Em sống có hạnh phúc không? Vì ai cũng ngại, ngại gì thì không nói ra, nhưng cả chàng và nàng đều mơ hồ là không nên. Nàng không còn bị ràng buộc gì nữa, cũng được mấy năm rồi, sau một hôn nhân có nhiều bạo động, đã bất hạnh gặp phải một người chồng hay dùng vũ lực đối với nàng; và phải khó khăn lắm, nàng mới thoát ra được vòng kềm kẹp của người ấy. Khi thoát chạy được, nàng không bao giờ dám quay đầu nhìn lại. Cho dù ra đi với hai bàn tay trắng, bỏ cả đứa con thương yêu của mình với người chồng cũ. Vì nó là cháu nội trai duy nhất của đại gia đình ấy, cháu đích tôn, nên họ không cho nàng dẫn theo. Một câu nói của bà mẹ chồng như hù dọa nàng, phải để cho chúng tôi nuôi, nếu cô muốn yên thân. Họ có tiền, và qua những năm sống chung với gia đình giàu có và quyền hành đó, nàng biết là họ có thể làm bất cứ điều gì.

Về người chồng cũ của nàng, nhìn Phúc thì không ai biết được bản chất của con người ấy. Cao ráo, nước da ngâm, nụ cười nửa miệng, ăn nói nhẹ nhàng. Bởi vậy nàng mới lầm, mới nhận lời kết hôn. Mà có lẽ đúng thời điểm đó, nàng cần một người đàn ông để có chỗ nương tựa nữa; vì gia đình nàng không còn ai, cha mất không bao lâu trong trại cải tạo, mẹ lấy chồng khác, rồi theo chồng về Pháp (ông dượng có quốc tịch Pháp), đưa hai em nàng đi theo, còn nàng thì bị bỏ lại. Cô sinh viên Văn khoa duyên dáng ngày nào giờ buộc phải bươn chải tự kiếm sống. Và sống ở Việt Nam vào thời bao cấp không phải là dễ. Có nhiều lần nàng tưởng nàng sắp sa chân vào bùn lầy. Đã làm đủ nghề để sống. Giữ xe đạp, gắn máy; buôn thuốc lá; buôn cà phê; đan thuê (vụng về học những mũi đan đầu tiên), phụ làm bánh Trung thu để bán. Dạo buôn cà phê, một lần từ Đà Lạt về, nàng ngồi cạnh một bà bác, bác thấy nàng còn trẻ, xinh đẹp, nên đã khuyên nàng, con đừng đi buôn đường xa nữa, thân gái một mình không tốt, ngay cả tài xế xe lơ gì cũng bắt chẹt mình được. Và bác kể, có lần xe đò ngừng, bắt hành khách chờ đợi sốt ruột, để tài xế dẫn một cô nọ vào rừng, làm chuyện gì thì hẳn con đã đoán biết rồi. Mình đi buôn lậu, làm sao mà chúng không biết cái tẩy của mình. Xe có hư dọc đường ngay khu rừng vắng vẻ, thì mình cũng không biết là có hư thật hay không.

Sau khi liên lạc được nhau, một lần chàng gửi tiền giúp nàng, đã hỏi nàng:

“Em sống ra sao?”

Nàng trả lời:

“Em nhận lần này, nhưng anh đừng gửi nữa vì bây giờ, về mặt cơm gạo áo tiền, thì em cũng đã ổn định.”

Một ngày của hơn ba mươi năm sau, chàng quyết định về thăm Việt Nam, về một mình, để cho nàng biết là chàng vẫn yêu nàng hay để biết lòng dạ của chính chàng. Về lần đầu! Chàng không còn thấy Sài Gòn xưa cũ nữa, mà nó đã thay đổi quá nhiều. Quá xô bồ, đường phố, người người ngược xuôi, xe gắn máy ngợp đầy, làm chàng chóng mặt. Những cô gái chạy xe gắn máy, bịt mặt kín vì tránh khói bụi ô nhiễm, người ta chỉ còn thấy được đôi mắt của họ, như những ninjas thời đại. Và chàng nhìn nàng mong tưởng như nhìn Sài Gòn xưa cũ – một thời mà con đường Trần Quý Cáp (bây giờ đã bị đổi tên) còn cây dài bóng mát với hai hàng me cao. Cả hai khi đó còn trẻ lắm. Chàng mới ra trường, mới vào đời, vừa có việc làm, sống một mình ở thành phố, còn gia đình chàng ở dưới quê; và nàng còn học năm thứ ba Văn Khoa. Giờ đây, không thấy gì cảnh cũ, người xưa. Nàng như đọc được tâm trạng của chàng, nghĩ thầm, Sài Gòn đã không còn như xưa, và như vậy thật sự có lẽ chàng đã không còn yêu mình. Đúng không Quân?

Chàng nắm bàn tay gầy guộc của nàng, hỏi nhẹ:

– Bao năm qua em sống như thế nào? Có hạnh phúc không?

Nàng không trả lời thẳng câu hỏi của chàng, mà hỏi lại chàng:

– Thế nào mới cho là có hạnh phúc?

– Với anh, không vui không buồn. Là đủ hạnh phúc rồi.

Trong câu trả lời của chàng, nàng không đoán được chàng có hạnh phúc hay không, vì cuộc sống của chàng nghe kể cũng có lúc lên, lúc xuống; lúc thành công, lúc thất bại trong việc lo nuôi sống gia đình; mấy đứa con học giỏi, rất ngoan; về người vợ, chàng lại ít đề cập tới. Chị ấy có đẹp không?

– Dù thế nào, bây giờ anh cũng không thể cầu hôn em được nữa.

Nói xong – một câu nói nửa như trách móc, nửa như vui đùa – chàng lại cười, sao ngày ấy em làm cao quá, Hà nhỉ?

Nàng biết: Một hạnh phúc mà nàng đã có thể có trong tay, mà nàng đã đánh rơi. Đã không nhận lời cầu hôn của chàng, đã không theo chàng chạy ra khỏi Việt Nam vào cái ngày cuối tháng tư năm ấy. Hai người đã có thể cùng nhau có một mái ấm gia đình với vài đứa con ngoan, xinh đẹp. Nàng tự trách mình. Giờ quá muộn màng!

Mưa giăng giăng, rồi nặng hạt, đã bắt đầu tạt vào chỗ hai người ngồi ở hiên quán cà phê, mà họ lại chưa muốn đi đâu hay chia tay, nên vào bàn bên trong, ngồi nán. Ngoài đường, những chiếc xe gắn máy chạy vụt qua, thỉnh thoảng mới có một chiếc xe hơi, mọi người ai cũng vội vã như mong về nhà sớm hơn.

– Sài Gòn còn lụt lội như ngày xưa không em?

– Còn tệ hơn nhiều, ngồi một hồi anh sẽ thấy nước dâng lên; nhưng không ai có một phương pháp nào để cải thiện, dù Việt Nam có không biết bao nhiêu là ông tiến sĩ!

Nàng bật cười nói thêm: Tiến sĩ chạy xe ôm, tiến sĩ đi giao hàng, đi giao thức ăn. Hay tiến sĩ chi chi đó mà về quê giúp cha mẹ làm rẫy, làm ruộng!

Nàng đưa đề nghị… khi gia đình anh, con cái đã thành người thì anh hãy về sống với em trong những năm cuối cuộc đời. Một đề nghị viển vông, mơ hồ. Chàng biết vậy. Một đề nghị như thế chỉ có thể nghĩ ra từ… nàng – một con người luôn sống khác người. Nàng đã đánh mất cái hạnh phúc của nàng, giờ muốn có lại mà không được thì tiếc nuối chăng? Nhưng có gì bảo đảm trong chục năm nữa? Sức khỏe, những đổi thay trong tình cảm? Chàng đã từng thấy một người bạn của chàng đã thôi vợ, sau hơn 30 năm sống chung, có hai con, để quay về với người tình xưa, là bạn học thời trung học. Nhưng chàng thì không thể làm như thế được, anh không biết anh có còn yêu em không, dù trước đây anh cũng đã nghĩ, con người chỉ sống một lần, sao không sống theo ý mình.

– Làm sao được, em?

Chàng chỉ nhẹ nhàng nói thế để nàng khỏi buồn, vì thật ra, chàng cũng đã đổi thay, cái tình yêu ngày xưa và nhiều năm sau đó chàng dành cho nàng đã không còn nữa. Vì nàng đã không là nàng của ngày xưa. Cũng như Sài Gòn, với bao nhớ nhung khi sống xa nó, giờ chàng nhìn nó như một nơi chốn xa lạ. Như hôm nào, có ghé qua khuôn viên trường Kiến Trúc xưa, có ngôi trường thân yêu cũ, mới đầu chàng nhìn có chút buồn bã, nhưng rồi cũng chẳng có gì luyến tiếc khi bước đi.

Chàng hối hận là đã về Việt Nam, đã gặp lại nàng, đã nhìn lại Sài Gòn không còn như xưa… Và chàng thất vọng quá: mọi thứ đã thay đổi quá nhiều. Giữa chàng và nàng, giá gì đừng gặp nhau. Mà thôi! Có như vậy thì lòng chàng mới dứt hẳn những ý nghĩ vu vơ, và tâm tư không còn luyến lưu gì cả – không ai có thể quay lại sống lại cảnh xưa. Giờ chàng đã nhìn ra: Tình yêu cho nàng – cái rung động của con tim khi nghĩ tới nàng đã không còn nữa. Ai cũng có đời sống riêng biệt của mình rồi.

Chàng thấy đói bụng, chợt nhớ ra là hai người đã chưa ăn gì, từ lúc gặp nhau. Nhưng chàng lại không muốn rủ nàng đi ăn, rồi ngồi với nàng thêm chút nào nữa. Chàng lên tiếng, để anh đưa em về.

Lúc taxi bỏ nàng nơi nhà trọ, chàng không xuống xe, để nàng xuống một mình. Khi xe bắt đầu lăn bánh, chàng xoay lưng nhìn qua màn kính sau lốm đốm những giọt mưa, thấy nàng cũng quay người lại nhìn theo xe. Rồi bóng nàng thất thểu trong ánh đèn vàng mờ của con đường trước nhà. Chàng bỗng thấy nhói tim, buồn bã, và ái ngại cho nàng, vì biết là nàng sẽ khóc, khóc thật nhiều.

Lần này thì chính nàng sẽ tái tê nhiều hơn chàng, so với lần chia tay năm ấy.

.

Linh Vang

_________

(1) Lấy từ YouTube: Lời đầu hàng của tổng thống VNCH Dương Văn Minh

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/danhroihanhphuc.html


Cái Đình - 2023