nguyễn như mÂy


Đám tang nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – Tranh Trần Viết Thục

Nghe bạn thân là nhạc sĩ Từ Huy báo tin nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã trút hơi thở cuối cùng ở bịnh viện, tôi cứ tưởng đó là tin giả vì đang nhằm ngày “Cá tháng tư“ (Poisson d’Avril) nên phải hỏi lại bạn hai ba lần cho chắc ăn. (Anh Sơn sinh năm 1939, lớn hơn tôi 10 tuổi). Sẵn máu “đi bụi” mới từ Huế vừa về tới nhà chưa đầy một ngày, tôi liền đổ đầy bình xăng rồi từ Phan Thiết chạy suốt 200km vào tận sân nhà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (ở số 47C đường Phạm Ngọc Thạch, quận Ba – Sài Gòn ) là nơi tôi đã đến thăm. (Trước đó, tôi có gặp anh vài lần ở Hội quán Nghệ sĩ gần nhà thờ Đức Bà hoặc tại trụ sở Hội văn nghệ thành phố (81, Trần Quốc Thảo).

Khi tôi vào tới nơi thì gia đình đã làm xong lễ thành phục. Công ty nước ngọt Pepsi (của anh Phạm Phú Ngọc Trai) cử nhiều nhân viên mặc đồng phục tới phục vụ nước uống cho khách đến viếng đám tang. Họ còn tổ chức giữ xe miễn phí cho khách ở dọc hai bên đường và đầy kín trong các khoảng sân rộng của những biệt thự sang trọng gần đó suốt ngày đêm. Có vài cặp vợ chồng từ Thủ Đức hay Nhà Bè cơm đùm cơm nắm qua rồi tự giăng giây giữ xe hai bánh ngay trên hai bên lề đường để kiếm tiền. Con đường ấy xưa giờ vốn khá đẹp và yên tĩnh nhưng hôm nay đã trở nên náo nhiệt và tấp nập người và xe vì đang có đám tang. Ở hai ngã tư đầu đường, người ta bắc hai băng ghế dài của trường học chận ngang để cản xe hơi vào.

Trưởng và phó ban lễ tang là các nhạc sĩ Chủ tịch và phó chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố – là bạn thân của nhạc sĩ quá cố. Trong khi đó, nhạc hoà tấu các tình khúc của Trịnh Công Sơn được phát ra loa nhè nhẹ trong suốt lễ tang thay cho sự tụng niệm của tôn giáo. Rất nhiều vòng hoa của các chức sắc từ Hà Nội đến Sài Gòn được dựng hoặc treo quanh quan tài đặt giữa nhà vốn là phòng khách của anh Sơn bên cạnh các vòng hoa tang của các ca sĩ Khánh Ly và Hồng Nhung. Nơi đây, tôi đã từng được chiêm ngưỡng và nghe anh Sơn nói về những bức tranh sơn dầu do anh sáng tác như: “Người hát rong” (Troubadour), “Bóng Thơ” (Poetic Shadow), “Tự Hoạ” (Self-Portrait)... Đặt bên cạnh quan tài là tượng Trịnh Công Sơn bán thân do điêu khắc gia Phạm Văn Hạng sáng tác tặng nhạc sĩ lúc sinh thời.

Khách viếng đông suốt cả ngày – kể cả đến tận khuya. Vì tang gia có thông báo xin không nhận phúng điếu nên đã có rất nhiều vòng hoa của bạn bè hoặc của người ái mộ nhạc Trịnh Công Sơn từ những địa phương ở rất xa Sài Gòn như miền Tây hay ở tận cuối miền Trung mang đến. Người trong các tổ chức, đoàn thể nhà nước lẫn của tư nhân lặng lẽ xếp hàng để nối đuôi nhau đi thành hàng dài từ đầu hẻm vào để thắp nhang cho anh. Có khá đông khách viếng là nữ sinh mặc áo dài trắng vừa đi học về đang rưng rưng nước mắt khi thắp nhang. Tất cả mọi người đến viếng đều phải đăng ký trước để ban tổ chức sắp xếp rồi trịnh trọng gọi ra loa mời vào thắp nhang...

Trong nhà, hương thơm từ các vòng hoa tang toả ngát khắp nơi như để làm dịu lại không khí đầu tháng tư của Sài Gòn. Cô bạn bán hoa ở chợ Bến Thành kể: mỗi khi có đoàn nào tới mua hoa thì người bán đều hỏi: “Mua hoa cho đám tang nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phải không?” Họ còn gọi điện lên cho Đà Lạt gửi thêm hoa để bán phục vụ tang lễ.

Ban đầu, hàng trăm vòng hoa tang được dựng sát hai bên vách dọc con hẻm dài khoảng hơn 50 mét đi vào nhà nhạc sĩ. Sau, người nhà phải giăng thêm nhiều lớp dây khác để có chỗ treo thêm nhiều vòng hoa tới sau đến nỗi dần dần đã không còn một chỗ trống nên cuối cùng, người ta phải đành xếp các vòng hoa nép lên nhau suốt trên hai bên vách ra tới tận đầu con hẻm...

Ngoài những đoàn chức sắc, tu sĩ, tín đồ các tôn giáo cũng như khá đông kiều bào ở nước ngoài mới về đến thắp nhang còn có đông đảo những đoàn khách phương xa trong nước bao xe hoặc đi xe lửa, máy bay từ Hà Nội vào vừa đến nơi ngay lúc nửa đêm – họ vội vàng đến ngay để thắp nhang. Trong số bạn thân của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ Huế vào có quí anh Bửu Ý, Nguyễn Xuân Hoa, Cao Hữu Điền, Nguyễn Phú Yên... đã đi máy bay từ Huế vào. Ôi! Lúc ấy người nhạc sĩ của chúng ta đã ngủ yên trong áo quan đóng kín rồi nên họ đành đưa tay ra chạm nhẹ vào áo quan để thay cho lời chào vĩnh biệt người bạn thân yêu của mình ...

Vài đoàn nữ sinh với áo dài trắng đã vừa thắp nhang vừa khóc thút thít trước linh cửu nhạc sĩ. Họ quí mến và luôn dành cho anh một tình cảm đẹp của tuổi học trò với những “Diễm xưa”, “Nắng thuỷ tinh”, “Gọi tên bốn mùa” lãng đãng chất thơ mộng... Không ai bảo ai trong việc giữ gìn sự yên lặng cho giấc ngủ của người quá cố, đến nỗi khi có tiếng khóc nào đó bỗng vang lên trong đám tang là mọi người như muốn sự yên lặng của thinh không được kéo dài ra mãi trong đêm khuya. Còn có nhiều toán thợ máy đang áo quần lem luốc, công nhân các ngành điện, nước hoặc nhiều chị tiểu thương khắp Sài Gòn cũng tranh thủ tới thắp nhang cho nhạc sĩ. Tuy lượng khách đến đông quá nhưng tất cả họ đều vui lòng xếp hàng một ngay ngắn để vừa bước tới cắm cây nhang xong là phải vội ra cho người sau bước tiếp ngay lên thế chỗ! Nhiều vị khách còn tranh thủ chụp hình lại chân dung nhạc sĩ dựng ngay trước đầu áo quan sau khi đã thắp nhang. Tuy lúc ấy thời gian có kéo dài thêm vài giây đối với người đứng sau đang chờ được bước lên nhưng tất cả họ đều nhường nhau giây phút thiêng liêng ấy. Tất cả họ đều ít nhiều thuộc lòng những bản tình ca của Trịnh Công Sơn với tất cả tâm hồn yêu mê âm nhạc của mình. Ngay từ các năm 1967, 1968, phong trào hát nhạc Trịnh với tiếng hát Khánh Ly, Lệ Thu... đã gây bao xôn xao, lôi cuốn như triều dâng thác đổ giữa đất Sài Gòn. Cả miền Nam cũng đều rung động theo nhịp hát “phản chiến” của dòng nhạc Trịnh Công Sơn... Lúc ấy, dù đi bất cứ đâu ở miền Nam người ta cũng hát hay cũng nghe vang vọng những Ca khúc Da Vàng qua các bài hát như Gia tài của mẹ, Xin cho tôi, Đại bác ru đêm... đầy bi thương của thế hệ... Tất cả các quán cà phê và hầu hết các phòng trà thời bấy giờ đều nghe cất lên lời ca của Trịnh Công Sơn...

Sáng hôm sau là ngày chính thức nhạc sĩ xa lìa chốn nhân gian để về cõi vĩnh hằng. Người đến dự đám tang đông quá nên đã đứng tràn ra dầy đặc hết đoạn đường Phạm Ngọc Thạch ngay từ sáng sớm. Các Đài truyền hình NHK. của Nhật Bản hay giới phóng viên các hãng tin nước ngoài như AP, A.FP, Reuter, CNN... cũng có mặt đông đủ để đưa tin với các trạm thu hình và phát sóng đi khắp thế giới được gấp rút dựng lên từ nửa đêm trước ở bên kia đường đối diện con hẻm vào nhà nhạc sĩ.

Một chiếc xe 12 chỗ sơn màu đen được dùng làm xe tang. Nữ sinh của Sài Gòn rủ nhau thức đêm để kết nên những vòng hoa sứ trắng quấn quanh trên mái xe tang. Trên đường di quan từ nhà ra tới đầu hẻm là hai người đàn ông trong bộ áo cánh vàng, chân quấn xà cạp màu đỏ, đầu đội nón lá sơn hai vòng tròn màu vàng và đỏ đóng vai lính Nam triều ngày xưa (?) cầm hai cái lọng màu vàng có thêu hình rồng bước đi chầm chậm ngay sau quan tài. Sau cùng là nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn độc tấu saxo hai ca khúc “Cát bụi” và “Một cõi đi về” nổi tiếng của nhạc sĩ quá cố... Tuy ban tổ chức có lo thuê sẵn nhiều xe khách 50 chỗ để chở người đi điếu nhưng lúc xe tang ra tới đường, đã có hàng ngàn người ái mộ đi xe gắn máy kéo thành dòng tràn theo sau để cùng hướng về nghĩa trang Gò Dưa là nơi an nghỉ của nhạc sĩ. Lúc bấy giờ, vẫn còn nhiều tổ chức hay các cá nhân mang vòng hoa tới phúng điếu nhưng vì đám tang đã đi rồi nên tất cả những vòng hoa ấy đều được gom lại để một bên trên lề đường. Nhiều bạn bè văn nghệ và người ái mộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ khắp nơi trong nước nghe tin nhưng do về không kịp để thắp nhang bái biệt nên đành phải đứng hai bên đường chờ được tiễn đưa anh một bước đường trần trong sự bùi ngùi thương tiếc... Lần đầu tiên trong đời người viết bài này được tham dự một đám tang lớn nhất và đông người tham dự nhất đất nước nên suốt dọc đường quay về Phan Thiết, đã vừa lái xe gắn máy vừa hát lại tất cả những bài hát mình yêu thích của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với lòng quí mến dành cho Anh...

   

nguyễn như mÂy

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/damtangnhacsitrinhcongson.html


Cái Đình - 2024