Topa


Cơm không lành canh không ngọt

.

Tiếng súng tấn công nổ rền vang từ rạng sáng ngày mười tháng ba năm một chín bảy lăm khi quân Bắc Việt tấn công vô thành phố Ban Mê Thuột. Đó là tiếng súng mở màn cho những ngày sau cùng của cuộc chiến ý thức hệ. Miền Bắc dốc toàn lực lượng quyết cướp trọn Miền Nam Việt Nam giàu có khi người Mỹ đã bỏ rơi miền Nam.

Tôi là quân nhân của binh chủng Nhảy Dù; thuộc Lữ Đoàn 3. Sau khi thành phố Ban Mê Thuột thất thủ, Lữ Đoàn của chúng tôi được lệnh đến lập phòng tuyến trấn giữ đèo M`Drak - Khánh Dương ngăn không cho Cộng quân tiến đến Nha Trang. Sau những thiệt hại tại Quân đoàn 1, quân số Lữ Đoàn 3 Dù nay chỉ còn hơn một ngàn quân. Vũ khí và đạn dược vô cùng thiếu thốn nên chúng tôi phải tiết kiệm tối đa. Mặc dù đang ở thế yếu hơn Bắc quân rất nhiều, nhưng, quân của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến sẽ đến tiếp viện cùng với vũ khí và đạn dược. Trong khi chờ đợi quân tiếp viện, chúng tôi quyết giữ vững phòng tuyến và sẽ đánh đến viên đạn cuối cùng, đánh đến người cuối cùng, nếu Bắc quân liều lĩnh tấn công chúng tôi; mặc dù chúng có đến ba Sư đoàn là F10, 316 và 320… đang tiến về tuyến phòng thủ của chúng tôi.

“Đất nước còn, còn tất cả. Đất nước mất, mất tất cả.” Câu nói của vị Tổng Thống kiêm Tổng Tư Lệnh, chúng tôi không bao giờ quên.

Nhưng, tối ngày hai mươi chín tháng ba năm một chín bảy lăm, Lữ Đoàn 3 Dù bị cả ba Sư đoàn tấn công nên thiệt hại rất nặng. Chúng tôi đã chiến đấu suốt đêm suốt ngày không ngừng nghỉ. Nhưng, ba ngày sau, tức ngày một tháng tư bảy lăm các tuyến rồi cũng bị Cộng quân tràn ngập vì quân tiếp viện cũng như đạn dược không đến được. Chúng tôi phải rút lui. Và, đang trên đường rút lui, tôi đã bắt được hắn. Hắn khai là lính thuộc Sư đoàn 320.

Trận Khánh Dương là trận chiến lớn sau cùng của Miền Nam Việt Nam tại Vùng Hai chiến thuật. Khi Lữ Đoàn 3 Dù phải bỏ tuyến phòng thủ để rút về Nam, xem như Nha Trang rồi sẽ mất, và, Quân Đoàn Hai cũng khó mà tồn tại được. Thế nhưng, vì không có quân tiếp viện nên chúng tôi bắt buộc phải rút lui.

Hắn đi lẻ loi như đang muốn dò tìm xem chúng tôi còn ém quân nơi nào không. Hắn, người tù binh sau cùng trong cuộc chiến mà tôi bắt được còn rất trẻ. Khi bị tôi bắt, hai con mắt của hắn nhìn tôi ngơ ngác vì không ngờ. Hắn quá sợ hãi. Tôi phải thả hắn vì không thể giam giữ được. Giết tù binh, quân đội Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ làm vì tuân theo quy ước Genève. Tôi nói… cho oai:

“Tôi tha cho anh chứ không bắt anh. Trong khi tôi bắn chỉ thiên, anh phải chạy cho nhanh về phía đồng đội của anh. Nếu anh chạy chậm thì…”

Hắn nhìn tôi như không tin những lời tôi nói. Và, hắn liền biến mất ngay khi tôi bắn chỉ thiên bốn phát bằng cây súng AK 47 của hắn mà tôi đã tịch thu.

***

Chiến tranh chấm dứt đã hai năm rưỡi. Tôi gặp lại hắn tại chợ trời Sàigòn vào một buổi sáng có mưa nhỏ, trong một hoàn cảnh mà hắn là người đi mua quần áo, còn tôi là người bán quần áo. Tôi hành nghề buôn bán quần áo cũ ở chợ trời cũng vì tôi không muốn ra trình diện. Tôi không tin những gì cộng sản nói. Tôi luôn phải đội cái nón lưỡi trai cả ban ngày lẫn ban đêm để che phần phía trên mặt. Tôi sợ những tên “cách mạng ba mươi.” Tôi sợ những tên ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản trong cái gọi là, thành phần thứ ba… Hai loại người này là những con người đốn mạt vì muốn lập công với cộng sản mong được chia phần nên, bọn chúng tỏ uy quyền còn hơn cả cộng sản chính hiệu nữa.

Tôi vừa trong quán café bước ra thì gặp hắn khi tôi chưa kịp đội lại nón. Tôi nhận ra hắn cách dễ dàng dù chỉ gặp một lần cách nay gần ba năm, chỉ vì hắn có cái nốt ruồi lớn bằng hột đậu đen nằm ngay trên chóp mũi. Hắn nhìn tôi với vẻ còn ngờ ngợ vì chưa nhận ra. Thấy vậy tôi liền lên tiếng hỏi để cho hắn không nghĩ là tôi sợ:

“Chào anh. Anh và tôi đã gặp nhau rồi. Anh còn nhớ tôi không?”

Bây giờ hắn đã nhớ ra tôi. Hắn hỏi:

“À… à… anh đấy à. Anh làm gì ở đây?”

Tôi nói theo kiểu Việt Cộng:

“Tôi buôn bán quần áo. Hòa bình rồi. Hết chiến tranh rồi, nhưng đất nước còn nhiều khó khăn nên tạm thời tôi phải kiếm sống bằng nghề buôn bán… cho qua ngày.”

“Thế… anh học tập về khi nào vậy?”

Tôi trả lời cách mạnh mẽ:

“Về khoảng ba tháng nay.”

Tôi hỏi để hắn đừng hỏi:

“Anh cần mua thứ gì không?”

“Tôi cần mua vài ba cái quần tây và áo sơ mi đem về Bắc… làm quà.”

Tôi đưa hắn lại sạp quần áo của tôi gần đó. Nói là sạp cho có vẻ vậy thôi, chứ nó là cái tủ nhỏ cao một thước rưỡi, bề dài tám mươi phân bề ngang năm mươi phân. Tôi mở bọc quần áo ra cho hắn lựa. Hắn lựa được bốn cái quần tây và năm cái áo sơ mi dài tay. Sau khi mua bán xong, hắn mời tôi:

“Tôi mời anh đi uống café. Tôi có vài điều muốn nói với anh.”

Mặc dù không hề muốn, nhưng tôi đã gật đầu. Nếu tôi từ chối, tôi sợ hắn tiểu nhân và sẽ có những chuyện mà tôi chưa đoán được. Dù sao… tôi đang ‘có tật nên thường hay giật mình.’

Tôi đưa hắn đến khu Tôn Thất Đạm. Nơi đó tôi có bạn bè nhiều và đang buôn bán máy móc ở đây. Sau khi café được đem ra, hắn nói và mắt thì vẫn luôn nhìn ngay tôi.

“Tôi vẫn thường nhớ đến anh. Dù sao anh cũng là người tốt với tôi. Tôi vẫn luôn mong được gặp lại anh sau ba tuần ngày chúng tôi vô Sàigòn. Tôi muốn gặp anh là để có lời khuyên anh thôi… như là cách để trả ơn anh.”

Hắn ngưng nói và cầm ly café lên uống. Tôi vẫn nhìn ngay hắn với sự lo lắng. Tôi nghĩ: “Mình sẽ không nói gì nhiều để tránh những sơ hở.” Hắn nói tiếp sau khi đặt ly café xuống:

“Tôi đang là sinh viên năm thứ hai kinh tế thì bị gọi đi B với lời hứa là: “Miền Nam sắp được giải phóng rồi. Các anh vô phụ giúp cán bộ ổn định an ninh và giữ trật tự chứ không phải chiến đấu gì cả. Sau khi miền Nam ổn định rồi, các anh lại được trở về đây để học tập tiếp.”

Hắn ngưng nói và quay mặt nhìn ra đường rồi quay lại nói tiếp:

“Nếu hôm đó người bắt tôi không phải là anh mà là người khác thì… không biết bây giờ tôi đã ra sao rồi. Tôi được học tập là, quân Dù rất ác liệt. Ác liệt trong chiến đấu và ác liệt với tù binh. Đó là một trong những điều tôi được biết khi lên đường vô Nam. Sau khi chúng tôi chiếm… chúng tôi vô Sàigòn được hai tuần, tôi đã hiểu ra là, những gì tôi được học tập đều là tuyên truyền láo cả. Quân đội và nhân dân Miền Nam chỉ mong muốn hòa bình. Họ cầm súng là chỉ để tự vệ thôi. Sau đó tôi muốn gặp lại anh vô cùng. Vì muốn gặp anh nên tôi có đến trại Nhảy Dù Hoàng Hoa Thám. Nếu gặp lại anh tôi sẽ nói với anh rằng, anh hãy trốn bằng mọi cách chứ đừng nghe những gì cách mạng nói và hứa. Với quân hàm Thiếu úy mà lại là lính Dù thì… anh cũng phải mất vài năm khốn khổ chứ không ít. Khi nãy gặp anh, tôi thấy anh có thái độ lo lắng như sợ hãi tôi. Vì tôi được tiếp xúc nhiều nên, nhìn thái độ của anh, tôi đoán biết anh… trốn trình diện học tập. Tôi mời anh uống café là vì tôi có lời muốn khuyên anh. Hãy bằng mọi cách đi khỏi nơi đây như người ta đang tìm cách ra đi. Hai ngày nữa tôi được phép về thăm gia đình tôi ngoài Bắc. Thời gian dài gần ba năm sau chiến tranh cộng thêm hơn một năm trên dãy Trường Sơn đã đủ cho tôi hiểu những lời hứa của cách mạng như thế nào rồi. Ông Thiệu… Ông Tổng Thống Miền Nam thế mà hay. Ông đã để lại câu nói thật hay mà những người lính chúng tôi phải nể phục.

Bố mẹ tôi rất mong gặp tôi. Sau khi gặp bố mẹ tôi rồi, có lẽ tôi cũng… Tôi mong sau này anh và tôi sẽ cùng gặp lại nhau trong một hoàn cảnh bớt khốn nạn hơn hiện tại.”

Và, giờ đây chúng tôi gặp lại nhau và ngồi cùng chuyến bay. Tôi sống và làm việc tại thành phố Amsterdam của Vương Quốc Hòa Lan. Hắn sống và làm việc tại Tiểu bang Texas của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Trên đường về Hà Nội, chuyến bay có hắn phải ghé qua phi trường Schiphol Amsterdam rồi ghé qua Bangkok. Tôi đi du lịch Thái Lan.

Tôi nghĩ, hắn và tôi có duyên… tao ngộ nên trong chuyến bay này, hắn lại ngồi cạnh tôi. Chúng tôi đã cùng nhắc lại chuyện mấy mươi năm trước ở mặt trận Khánh Dương. Hắn có vẻ xúc động khi nhắc lại ngày xa xưa đó. Dĩ nhiên tôi cũng xúc động nhưng cố không để lộ ra mặt. Làm sao không xúc động cho được khi hình ảnh những bạn bè của tôi và những người lính thân cận với tôi phải nằm lại nơi đó một cách tức tưởi. Tôi sẽ nhớ hoài thôi cho đến ngày tôi từ giã cõi đời.

Suốt chặng đường bay hơn chín ngàn cây số, tôi vì chịu nghe hơn nói, nên hắn có cơ hội được trút hết ra những điều u uẩn còn đang chất chứa trong lòng hắn từ bao lâu nay. Tôi được nghe hắn kể về cuộc sống từ sau ngày hắn và tôi chia tay ở quán café trên đường Tôn Thất Đạm Sàigòn. Hắn nói huyên thuyên suốt chặng đường bay dài mà không hề biết mệt. Nhưng. Có một chuyện mà tôi thấy thật thú vị, chuyện chính hắn đã nghĩ ra những cách làm thật kỳ lạ mà hắn gọi là, quỷ kế… chỉ để đối phó với một người đàn bà mà hắn gọi là vợ.

Hắn có dáng người không đẹp. Người nào mới gặp hắn lần đầu cũng rất khó có cảm tình cũng vì hắn vừa thấp vừa ốm tong ốm teo đến quắt cả người lại. Tôi độ chừng hắn cao chỉ một thước năm mươi lăm là cùng. Hắn cân nặng… có lẽ cũng chừng ba mươi lăm bốn mươi ký là tối đa. Hắn có đôi con mắt ti hí đặt trên cái mặt dài như mặt ngựa. Mà, đối với người Việt Nam, những ai có đôi mắt này, gần như bị mọi người e ngại tiếp xúc. “Những người ti hí mắt lươn, trai thì trộm cướp gái buôn chồng người.” Ông bà ta đã nói vậy.

Nhưng, ngoài những khuyết điểm đó, hắn có được ba ưu điểm mà tôi ghi nhận được. Có học và rất biết nhận xét. Nói chuyện luôn tỏ ra chân thật và có căn nguyên. Dù sao hắn cũng từng là sinh viên năm thứ hai kinh tế, mặc dù không thể so sánh được với các sinh viên của Miền Nam học cùng năm. Ưu điểm cuối là hắn nói chuyện rất có duyên, rất lôi cuốn người nghe.

Sau bữa ăn khá ngon miệng, cùng với lon bia, hắn bắt đầu nói về cái mà hắn gọi là, quỷ kế: “Hồi tôi mới vượt biên từ Hải Phòng qua đến Campuchia, rồi qua được đến Mỹ. Vì cái tướng của tôi nên khi đi xin việc làm, các ông bà chủ là người Việt mình đều viện đủ lý do để từ chối. Làm cho Mỹ thì tôi không đủ khả năng về ngôn ngữ. Người mình nhìn tướng của tôi rồi nói: “Cái tướng nhỏ thó mà lại teo quắt như con mắm thế kia thì… làm cái “chuyện kia” có lẽ cũng chẳng ra hồn ra vía gì đâu; nói gì đến làm việc.” Thế là người ta lầm cả. Chuyện giường chiếu là chuyện bí mật, chỉ có người trong cuộc mới nắm bắt được cái bí quyết nó như thế nào để làm thỏa mãn người mình yêu và yêu mình. Thế mà anh biết không, cứ đều đều một tuần hai đêm, một đêm ba cữ tôi lâm trận với vợ. Tôi không giấu anh là tôi cũng cần phải có sự trợ giúp của một loại thuốc của “thằng” Trung Quốc sản xuất nữa.”

Hắn ngưng nói và lấy ra từ trong cái túi nhỏ mà hắn luôn đeo bên người; một viên thuốc hình tròn bằng đầu ngón tay út; trong cái lọ bằng nhựa màu trắng và đưa cho tôi xem… Anh nói sao? Hậu quả à? Không. Tôi hoàn toàn không sợ hậu quả gì cả anh à. Gần như cả thế giới bây giờ đều bị “thằng” Trung Quốc đầu độc bằng đủ mọi thứ chứ đâu phải riêng gì viên thuốc bé tí tẹo này đâu. Không biết người Việt mình bên Âu Châu như thế nào, chứ bên Mỹ thì hàng hóa của Trung Quốc vẫn là number one đấy anh ạ. Tôi tặng anh viên thuốc này, và nếu có dịp anh cứ hỏi bác sĩ xem nó có tác hại gì không. Vợ tôi à? Chúng tôi cưới nhau khi tôi về Bắc lần tôi về thăm ông bà cụ tôi lần đầu mà tôi có nói với anh năm anh và tôi gặp nhau tại Sàigòn đấy. Ông bà lo cho tôi tất cả đấy chứ. Bây giờ bố mẹ tôi mất rồi, mất khi tôi đang sống bên này. Tôi về lần  này là để bán cái mảnh đất nhỏ nhoi của tổ tiên để lại. Cũng vì một sai lầm thứ hai mà tôi gọi đó là quỷ kế… Anh không hiểu là phải rồi. Để tôi kể đầu đuôi câu chuyện cho anh nghe nhé. Tôi không nói xấu vợ tôi. Nhưng, quả thật là nàng rất mạnh về “chuyện ấy” lắm. Khi tôi gặp nàng lần đầu, điều làm cho tôi chú ý đến nàng trước tiên là, mái tóc. Mái tóc thật đen và thật dầy. Tôi đã đọc ở đâu đó từ một cuốn sách được xuất bản ở sàigòn… rất lâu lắm rồi, đại loại như, người phụ nữ nào có mái tóc thật dầy thì khả năng tình dục ở người đó phải nói là… siêu hạng vì mạnh như cơn bão táp. Để làm cho nàng thỏa mãn, tôi đã sang tận bên Trung Quốc để tìm cho ra loại thuốc mà tôi vừa cho anh một viên đấy. Mặc dù tôi vẫn đều đều phục vụ nàng mỗi tuần hai đêm, mỗi đêm ba cữ, thế mà nàng vẫn phản bội tôi để đi với cuộc tình mới. Tôi tự hỏi, người đàn ông mới của nàng sẽ làm sao? Làm sao để có thể ba cữ trong một đêm như tôi được; nếu như không nhờ đến “thằng” Trung Quốc. Chính vì người tình mới của nàng lại là thằng bạn thân của tôi, nên tôi biết rất rõ cái khả năng… giường chiếu của nó…. Anh nói sao? À, nàng là người Hải Phòng anh ạ. Nàng sinh năm một chín sáu lăm. Tôi hơn nàng mười tuổi. Bố của nàng từng làm quản giáo trại tù cải tạo các sĩ quan miền Nam ở một cái xó xỉnh nào đó trong tận rừng sâu vùng có dãy núi Hoàng Liên Sơn đấy. Khi tôi về đến Hải Phòng mới được dăm ba ngày thì ông ấy mất vì bệnh sốt rét rừng. Nàng và mẹ nàng sinh sống bằng cách nào thì tôi cũng chẳng để ý đến; chỉ biết là, rất đơn sơ. Mỗi lần tôi đến thăm nàng thì mẹ nàng xem tôi như là ân nhân chứ không phải là con rể tương lai. Nàng và mẹ nàng đãi tôi những món ngon chế biến rất công phu và, rất cầu kỳ của miền Bắc, nên tôi đã thường xuyên đến nhà nàng hơn.

Người vợ mà tôi thương tôi yêu để rồi chúng tôi lấy nhau cũng vào mùa mưa. Và, khi tôi bảo lãnh nàng qua Mỹ cũng đúng vào mùa mưa. Để rồi khi nàng bỏ tôi ra đi với người đàn ông khác… cũng lại vào những ngày có mưa. Anh nói sao? Anh cũng thích mưa à. Lúc trên đường vô Nam, tôi rất ghét mưa. Mưa làm cho tôi, cho những đồng đội của tôi khổ sở biết bao nhiêu trong những ngày vượt Trường Sơn. Nhưng, khi tôi gặp nàng thì không hiểu sao tôi lại thích mưa và thích được nhìn những giọt mưa rơi xuống vũng nước, khi đó giọt mưa giống như cái bông cái hoa vừa nở và, cũng giống cái bánh bèo nữa… anh ạ. Khi nhìn mưa rơi tôi cảm được cái hay cái tình tự của từng giọt mưa. Tôi có thể ngồi hằng giờ và liên tục để nhìn mưa rơi. Đó là những lúc tôi được suy nghĩ nhiều nhất và sống về quá khứ nhiều nhất… của những trận mưa thật kinh khủng trong những ngày phải vượt Trường Sơn cho kịp hợp quân để… Anh còn nhớ không, tôi gặp lại anh lần đầu sau chiến tranh, hôm ấy trời cũng có mưa đấy. Khi tôi về đến Hải Phòng thì tin tức chiến sự cho biết sắp bùng nổ. Nhưng, lần này chúng tôi sẽ đánh với “thằng” Trung Quốc. Thế là tôi mau chóng tìm đường đi vượt biên và, tôi vượt biên thành công.

Từ Campuchia, sau bốn năm sống trong trại tỵ nạn, tôi được nhận cho qua Mỹ. Khi đến Mỹ tôi liền làm thủ tục xin bảo lãnh vợ tôi qua đoàn tụ. “Thằng” Mỹ thế mà tốt quá đấy chứ…

“Bạn nói về… quỷ kế là như thế nào?”

“Câu chuyện là như thế này. Có đôi lúc tôi cũng nghĩ về những cuộc tình tạm với các cô gái giang hồ đã thoát ra khỏi vòng tay tôi, lại do chính tôi đạo diễn… để so sánh với cuộc tình mà tôi đồng ý với bố mẹ tôi. Số là tôi có một thằng bạn mà ngày xưa cũng vượt Trường Sơn nhưng không cùng đơn vị. Cùng là dân Bắc Kỳ trên xứ người nên cả hai chúng tôi mau chóng đến với nhau và trở nên thân thiết… khi ấy vợ tôi chưa qua đoàn tụ với tôi. Tôi không biết thằng bạn tôi có bệnh gì không, nhưng không bao giờ tôi thấy hắn có người phụ nữ nào cả. Hắn là họa sĩ nhưng chưa được nổi tiếng. Và, có lẽ vì vậy mà hắn không có, hoặc, các cô nàng chê hắn chăng? Có lần hắn tuyên bố trước mặt bạn bè trong bữa ăn: “Không một người phụ nữ nào có thể làm cho tao xiêu lòng được. Lý do chỉ vì tao quá chán ngán cái cảnh mất tự do như người tù phải luôn nghe lời tên quản giáo bắt phải làm những công việc nặng nhọc mà mình thì đang đói và mệt gần đứt cả hơi.” Với một người như thằng bạn họa sĩ gàn dở này thì anh bảo tôi phải làm sao cho hắn gục ngã trước những người đẹp đây. Tôi rủ hắn về Việt Nam ‘xả xui’. Hắn từ chối và còn nói ra những lời đạo đức để dạy dỗ tôi nữa. Tôi nghi hắn bị liệt dương vì mỗi lần hắn ngủ dậy ở nhà tôi, tôi thấy “thằng nhỏ”của hắn không có dấu hiệu nào tỏ ra mạnh khỏe hay cứng cáp cả. Cũng vì tin hắn bị như tôi nghĩ nên tôi không ngờ những lần sau này hắn ngủ ở nhà tôi, hắn và vợ tôi lại có tinh ý với nhau… thế mới đau cho tôi chứ. Tôi bắt gặp cả hai có những ánh mắt trao cho nhau thật là tình tứ, mà tôi thì cứ làm như không biết gì cả. Nói thật với anh, tôi có thể làm “chuyện ấy” nhiều hơn để thỏa mãn vợ vẫn được anh à. Nhưng, tôi không ngờ là nàng lại xem chuyện tình dục nặng đến phải lẹo tẹo với thằng bạn họa sĩ khốn nạn của tôi. Từ đó nàng và tôi thường xảy ra những chuyện lục đục mà ông bà mình nói: “Cơm không lành canh không ngọt” ấy mà.

Muốn trắc nghiệm sự việc cho chính xác, tôi liền nghĩ ra một… quỷ kế. Một hôm, trong bữa ăn trưa có hắn và vợ tôi, tôi nói với vợ: “Em à. Lát nữa anh phải đi xa vì có công việc mới cho anh và có thể đêm nay anh về rất trễ. Em đừng chờ cơm, khi nào anh về anh sẽ điện thoại cho em biết trước khoảng một giờ.” Quay qua hắn tôi nói: “Tao bận công việc phải đi gấp nên nhờ mày chở vợ tao đi mua ít đồ dùng được không?” Hắn làm mặt tỉnh queo: “Mày bận đi đâu thì cứ… yên tâm mà đi. Mày nhờ tao chuyện gì chứ chuyện chở vợ mày đi mua đồ thì có gì là nặng nhọc đâu mà mày phải hỏi chứ.” Khi hắn chở vợ tôi đi, tôi liền lấy cái khoan ra và khoan một lỗ nhỏ thật kín đáo ngay cánh cửa tủ quần áo của tôi mà tôi giữ chìa khóa. Cánh cửa tủ quần áo đối diện với cái giường của vợ chồng tôi. Và, tôi vô đứng trong cái tủ đó. Tôi cũng cẩn thận cầm theo cái lon lớn để nếu có buồn tiểu thì… vẫn yên tâm.

Khoảng bốn mươi lăm phút sau thì vợ tôi và hắn cùng bước vô phòng ngủ. Thường ngày hắn cứ như con gà bị mắc mưa ấy. Thế mà giờ đây hắn lột xác để trở thành con hổ đói đang vồ con mồi. Vừa vào trong phòng, hắn liền vồ lấy vợ tôi và vật ra giường. Vợ tôi thì… cũng như mọi khi. Nghĩa là nàng giống y như nữ võ sĩ đô vật chính cống của Nhật Bản vậy. Nàng cũng ôm chầm lấy hắn và… hai người lăn lộn một chút rồi người này lột quần áo cho người kia và… làm tình. Phải công tâm mà nói thì, hắn làm cũng ra trò ra trống hẳn hoi đấy anh ạ. Không hiểu sao lúc ấy tôi lại bình tĩnh vô cùng anh ạ. Tôi suy nghĩ rất nhiều và, tôi nhận biết là, cũng vì mình bị mặc cảm bởi cái hình dạng xấu xí của mình, nên tôi có vẻ như chấp nhận sự việc đang diễn ra trước mắt. Nhưng, tôi khinh bỉ nàng. Tôi khinh bỉ nhưng tôi lại cũng thông cảm về sự phản bội của người đàn bà mà tôi rất thương yêu. Nàng đẹp và vẫn còn trẻ nên ít nhiều gì nàng cũng bị mặc cảm với bạn bè về tôi. Tôi nghĩ, ngày xưa nàng đến với tôi vì khi ấy Việt Kiều chưa có ai về như bây giờ. Họa hoằn lắm mới thấy một vài anh đi du học ở các nước Xã Hội Chủ Nghĩa… đói meo đói mốc ấy mà. Con người mà, ít ai chịu chấp nhận những gì mình đang có. Khi có được cái này lại thường muốn có cái khác vì tưởng là sẽ tốt hơn. Ông bà ta vẫn thường khuyên con cháu là, ‘đừng đứng núi này mà trông qua núi nọ…’ là vậy. Cái xã hội Xã Hội Chủ Nghĩa nó đã chuyền vào máu của chúng tôi chất dịch bệnh. Bệnh dối trá, Bệnh gian trá. Bệnh sĩ diện. Bệnh tham lam. Bệnh rình mò hàng xóm; rình mò người chung quanh để báo cáo lập công… nên, toàn xã hội miền Bắc ai ai cũng đều bị đại dịch hành hạ mà không biết đến bao giờ mới có thuốc chữa. Bởi vậy khi nhà cầm quyền miền Bắc ép buộc người miền Nam phải sống và hành động như người miền Bắc thì làm sao người miền Nam chấp nhận được chứ. Đó chẳng khác gì cuộc tình duyên bị cưỡng ép nên mấy mươi năm rồi mà hai miền vẫn “cơm không lành canh không ngọt” là vậy.

Nàng và tôi, cũng như thằng bạn họa sĩ khốn nạn, nếu như cả ba người chúng tôi không được sống trong một quốc gia văn minh và giàu mạnh như Hoa Kỳ, thì giờ đây chúng tôi hành động có lẽ còn tệ hơn nhiếu.”

Trong khi hắn ngung nói để… thở. Tôi hỏi:

“Bạn có nghe hai người nói gì với nhau không?”

“Không anh. Không hiểu sao tôi không nghe được hai người nói gì với nhau cả. Nhưng, đến một lúc gần như sắp… tận cùng của tột đỉnh, tôi nghe nàng la lớn,

Đập mạnh đi anh.” Tôi hiểu ý của nàng muốn gì vì, bốn chữ đó nàng cũng nói vậy với tôi. Lúc đó tôi nghĩ thằng bạn họa sĩ khốn nạn kia, rồi đây cũng sẽ tuyên bố là, khi lâm trận thì ít ra cũng phải hai lần. Mà, thật vậy anh à. Thằng họa sĩ khốn nạn làm tình được đến hai lần trong một thời gian không dài đấy anh ạ. Nếu rồi đây hắn tìm được “thằng” Trung Quốc thì… Nếu không thì nàng lại đi tìm cuộc tình mới thôi. Tôi vẫn thắc mắc là, tại sao lại có những người đàn bà Việt Nam ‘mạnh’ đến thế chứ.

Sau đó, nàng âm thầm bỏ tôi để ra đi với thằng bạn họa sĩ đểu cáng. Sau nhiều đêm suy nghĩ đến nát cả óc, tôi liền nảy ra một quỷ kế thứ hai để cho nàng một bài học. Ngày hôm sau mỗi khi đi ra đường, tôi ăn diện… tối đa. Nghĩa là tôi mặc quần áo hiệu thật sang, thật bảnh bao và xài tiền cũng rộng rãi hơn…”

Tôi ngắt ngang và hỏi hắn:

“Bạn có tiền nhiều như vậy sao?”

“Nói nhỏ anh nghe. Đồ hiệu… nhái sản xuất lậu đấy anh à. Ai đâu mà tự nhiên dám đòi xem đồ tôi đang mặc có phải thứ thiệt hay dỏm. Còn xài tiền rộng rãi có nghĩa là tôi để lại tiền dư trong nhà hàng nhiều hơn mọi khi một ít. Người ta thấy tôi bỗng chốc thay đổi thì đồn là tôi trúng số. Thế là người ta đã trúng kế của tôi rồi. Những khi có ai đó hỏi, tôi làm bộ ỡm ờ, “Thì… trúng cũng chẳng có là bao. Nhưng tiền gửi ngân hàng cũng đủ cho tôi sống đến mãn đời.” Đúng như… quỷ kế mà tôi đang thực hiện, người đàn bà dâm đãng và phản bội đã bị trúng kế.

Một buổi chiều có mưa tầm tã, nàng quay về và khóc lóc xin tôi tha thứ. Nhìn nàng khóc nhưng lòng tôi thì lại nguội lạnh chứ không như người dân toàn miền Bắc của những năm xa xưa lắm đã trúng kế của ‘bác’. Người mà có thời tôi đã tôn kính như thần như thánh vậy. Bây giờ có lẽ tất cả người miền Bắc đã biết ông ấy đóng kịch. Ông ấy làm bộ khóc lóc và lau nước mắt sau khi đã cho giết chết mấy trăm ngàn người vô tội theo lệnh của đảng đàn anh. Khốn nạn hơn cả là ông ta đã cho giết luôn cả người đàn bà cô thế và là ân nhân của đảng. Đã vậy mà thôi sao, ông ấy còn viết sách tạo dựng ra những tội ác mà người đàn bà đó không hề làm.

Trở lại chuyện của tôi với con… với người đàn bà phản bội. Tôi hỏi nàng như tôi vẫn thường hỏi mỗi khi nàng vắng nhà ít ngày mới về. Nhưng, lần này tôi không còn thái độ vồn vã như mọi khi nữa. Tôi hỏi: “Em đi đâu thời gian qua và em sinh sống ra sao?  Em hãy kể cho anh nghe xem nào.” Nàng vừa sụt sùi vừa nói: “Anh tha lỗi cho em. Lần này sẽ không có một người nào hay một động lực nào có thể làm cho em rời khỏi anh được. Em… Em ngu dại quá.” Nàng ôm tôi và gục đầu vào vai tôi khóc như mưa vậy. Không hiểu sao tôi lại tin là nàng khóc thật chứ không đóng kịch. Những giọt nước mắt nóng hổi thấm vào vai tôi. Tôi đứng lặng yên để cho nàng khóc. Lúc đó tôi chợt nghĩ, nếu như tôi đừng thực hiện cái quỷ kế thứ nhất thì sẽ không cần đến cái quỷ kế thứ hai. Như vậy thì tôi cũng không cần phải về để bán miếng đất của tổ tiên mà làm gì. Tôi vẫn còn yêu nàng nên tôi không muốn nàng xấu hổ khi biết bị trúng quỷ kế của tôi nên tôi phải về.”

“Bạn vẫn còn yêu người đàn bà ấy thật à?”

“Hỏi thật anh chứ… Như tôi đây thì chỉ có… ma mới muốn sáp vô với tôi thôi. Về Việt Nam có các em thì… chẳng khác gì trâu già rồi mà còn muốn gặm cỏ non. Nếu tôi ngu dại mà đem em nào đó ở Việt Nam qua đến đây, thì ngay lập tức, em ấy sẽ cắm lên đầu tôi hai cái sừng to tướng ngay. Dù tôi khinh bỉ nàng. Nhưng… nghĩ lại thì… có vẫn còn hơn không anh ạ. Anh thấy tôi nhận định như thế có đúng không chứ?”

Hắn hỏi nhưng không đợi tôi trả lời mà nói tiếp liền:

“Lúc đó ngoài trời vẫn còn mưa nhưng nặng hạt hơn. Tôi nhìn trời và mỉm cười. Tôi lại có một kỷ niệm nữa với mưa. Một kỷ niệm thật buồn và thật đau… anh ạ.”

***

Phi trường Bangkok chiều nay đang có mưa khi máy bay đáp xuống phi đạo. Ngồi trong lòng máy bay nhìn ra ngoài qua ô cửa kính nhỏ. Những giọt mưa rơi nhạt nhòa trên khung cửa kính làm cho tôi như thấy lại ngày nào những dòng nước mắt cũng chảy nhạt nhòa trên gương mặt của những đồng đội và, của triệu triệu người miền Nam trong buổi sáng định mệnh bỗng thấy mình bị mất tất cả.

Mưa nơi đây cách Sàigòn chỉ hơn một giờ bay… Sao tôi thấy xa xôi vời vợi như không bao giờ tôi có thể đến đó được. Nhìn mưa, tôi cố tìm trong đó một chút âm vang của những ngày đơn vị chuyển quân từ Sàigòn ra vùng hỏa tuyến cũng bằng máy bay khi trời đang mưa. Dù với những cố gắng, nhưng đã không thể làm cho tôi bồi hồi xúc động như những khi nhìn mưa rơi của những năm xa xưa lắm nơi quê nhà. Nhìn mưa Thái Lan sao nhớ mưa Sàigòn quá! Đi đến bất cứ nơi nào trên thế giới cũng làm tôi nhớ về Sàigòn. Hai tiếng Sàigòn thương yêu đã thấm đậm trong tim trong máu và, trong tận cùng xương tủy của người miền Nam nên, chỉ bị xem như tạm thời thôi chứ không bị vĩnh viễn phải mang tên của con…  Người miền Nam làm sao quên được một ngày cuối tháng tư nghiệt ngã Thủ đô đã bị giày xéo dưới gót chân của những người cùng dòng máu và màu da, nhưng, lại mang trái tim của loài ma quỷ.

Hắn và tôi sẽ chia tay chỉ một lát nữa đây thôi. Hắn nói với vẻ thật lưu luyến:

“Phải chi anh cùng về Việt Nam thì thú biết mấy. Anh sẽ đưa tôi đi thăm khắp miền Nam mà tôi chỉ nghe nói là đẹp lắm, chứ chưa thấy qua nơi nào cả… ngoài một Sàigòn khi ấy đang hỗn loạn. Rồi tôi sẽ đưa anh đi thăm khắp miền Bắc và thăm Hải Phòng quê tôi. Nơi đó tôi biết rõ các ngóc ngách như nằm trong lòng bàn tay tôi. Miền Nam có ông nhạc sĩ… mà tôi quên tên nhưng, tôi nhớ nằm lòng câu hát mà ông đặt cho bản nhạc vì có nhắc đến quê tôi. Mỗi lần nghe bài hát đó làm tôi xúc động vô cùng anh ạ. Tôi hát không hay nhưng tôi sẽ hát đoạn ấy cho anh nghe nhé: “Hôm qua Sàigòn bây giờ có mặt tại Kon Tum, chiều nay khăn gói ra Trung sớm mai này ta về Hải Phòng…” Hải Phòng là quê tôi. Ước mơ thật đẹp và thật lãng mạn của những con người chân thật sống trong một xã hội không bị sự dối trá và gian trá, không bị sự đe dọa và thù hằn chi phối nên tưởng, sau chiến tranh mọi sự sẽ như bức tranh tuyệt đẹp. Vì bức tranh toàn những hình ảnh chết chóc, ly tán và thù hận nên ước mơ đó không bao giờ đến được với ông nhạc sĩ và với triệu triệu người miền Nam chỉ vì một chủ nghĩa đã chủ trương kỳ thị và tận diệt để được cầm quyền.”

Quả thật hắn hát không hay ho gì cả. Cứ như cái trống bể mà cố đánh nên tiếng không thanh mà chỉ nghe ồ ồ. Vì sợ tôi không nghe rõ, hắn cố rướn cổ lên hát nên có hơi lớn tiếng làm nhiều người quay nhìn hắn. Có lẽ người ta tưởng hắn đang gây sự với tôi?

Thấy tôi không có phản ứng gì mà lại cứ quay mặt nhìn ra ngoài trời nên hắn hỏi:

“Anh thấy gì ngoài đó và… anh đang nghĩ gì?”

Tôi quay lại nhìn hắn. Tôi thấy hắn thật dễ mến và thật dễ gần gũi. Ngày ấy… và bây giờ, thời gian cũng đã hơn bốn mươi năm trôi qua rồi, nhưng lòng hận thù và kỳ thị người Miền Nam thì vẫn không thay đổi bao nhiêu. Sự ngăn cách giữa hai miền Nam Bắc vẫn còn như ngày nào. Sự ngăn cách đó đang thể hiện giữa hắn và tôi. Hắn được về miền Bắc Việt Nam nhưng tôi lại không được về miền Nam Việt Nam thương yêu của tôi mà tôi hằng mong chờ. Tôi không thể cúi đầu cong lưng để ca tụng những cái ác. Tôi không thể ca tụng những điều bất công vẫn xảy ra hằng ngày với đồng bào Miền Nam từ hơn bốn mươi năm qua mà, vẫn chưa có dấu hiệu gì thay đổi đối với đại đa số đồng bào. Tôi không thể làm ngược với lương tâm để được về ăn chùm khế ngọt. Tôi rất mong một lần được nghe lại tiếng mưa rơi khi đêm về trong thành phố thương yêu của tôi, thành phố thương yêu của những người Việt lưu vong; của những người bạn của tôi vẫn đang mong chờ một ngày về khi quê hương không còn sự hận thù không còn chia rẽ và kỳ thị.

Hắn vẫn đang nhìn tôi chờ đợi tôi trả lời câu hỏi của hắn. Tôi bắt tay hắn đồng thời nói câu cuối cùng trước khi chia tay vì hành khách đang tiến bước dần đến phía cửa máy bay:

“Tôi đang nhìn mưa và chợt nhớ về một ngày xa xưa lắm. Ngày đó bạn và tôi đã gặp nhau trong máu lửa và hận thù tại Khánh Dương. Sau chiến tranh chúng ta đã gặp lại nhau. Và, chúng ta đã là bạn thật sự của nhau từ ngày đó. Chúng ta có cùng ngôn ngữ và dòng máu đỏ da vàng. Chúng ta là đồng bào với nhau vì có cùng trái tim biết yêu thương và biết quý trọng lẽ công bằng. Tôi chân thành chúc bạn những ngày về thăm quê hương Việt Nam thương yêu thật bình an, thật nồng ấm, và, thật vui.”

.

Topa (Hòa Lan)

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/comkhonglanh.htm


Cái Đình - 2021