Trần Văn Phúc


Chuyện bác xe ôm

.

12 giờ 15, tôi vội vã ra khỏi bệnh viện và tìm xe ôm trước cổng. Một chiếc Exciter cũ nhận ra tôi. Bác tài xế đưa mũ bảo hiểm, tôi nói điểm đến và hỏi giá, bác cười và bảo tôi cứ yên tâm lên xe.

Bác Sĩ Lê Tuấn và những người bạn đang đợi tôi.

Điểm đến là quán cháo lòng, anh Tuấn muốn chúng tôi trải nghiệm, rất có thể sau khi rời bệnh viện về hưu anh sẽ mở ra một quán tương tự như vậy, anh bán lòng cho khách vì niềm đam mê chứ không hẳn vì kiếm miếng ăn.

Hẹn 11 giờ 45 và anh Tuấn luôn chính xác.

Tôi sốt ruột, giục bác xe ôm đi tắt qua những ngõ phố nhỏ. Bác xe ôm nói tôi hãy yên tâm, vì theo bác nếu đi ăn cướp thì nên chọn đường tắt và đón đầu, còn lại, trong các tình huống của cuộc sống không phải lúc nào đi tắt cũng tốt.

Bác xe ôm khẳng định: “Nghề lái xe ôm phải rất khoa học”.

“Ồ! Rất khoa học?” tôi ngạc nhiên hỏi lại “Làm tài xế xe ôm cũng cần có phương pháp khoa học sao?” “Đúng!” bác xe ôm giải thích “Phải biết tính toán, tính toán không chỉ lợi ích kinh tế, mà còn phải nắm được cả toán thống kê.”

Tôi bắt đầu tò mò.

Bác xe ôm nói với tôi: “Thực ra, khi mới bắt đầu công việc này, tôi xác định cực chẳng đã. Nếu có một việc gì đó làm 7 triệu mỗi tháng thì tôi không lái xe ôm. Tôi cũng giống như bao người khác, làm công việc này thấy cực nhọc vất vả, thời tiết xấu, lúc nắng lúc mưa, tắc đường và đường xa, thu nhập ít ỏi; vì thế mà tôi luôn phàn nàn. Một ngày nọ, trong lúc không có khách, tôi vào FB và tình cờ đọc được một bài viết đã khiến tôi thay đổi suy nghĩ. Bài viết đó tập trung vào nội dung đừng phàn nàn, hãy ngừng phàn nàn về cuộc sống hàng ngày, thành công sẽ đến với bất kì ai đủ kiên nhẫn hướng về phía trước. Bài viết khiến tôi nhận ra rằng, tình trạng tồi tệ hiện tại của tôi, thực ra là do chính những lời than phiền của tôi. Vì vậy, tôi quyết định ngừng phàn nàn, bắt đầu thay đổi.”

Bác xe ôm kể tiếp:

“Thời gian đầu, tôi chỉ cần đối xử với khách bằng những nụ cười, thu nhập của tôi tăng gấp đôi. Thời gian sau, tôi quan tâm đến những vui buồn của khách, thậm chí an ủi họ, thu nhập của tôi đã tăng gấp ba.”

“Và bây giờ thì bác ứng dụng khoa học?” – tôi hỏi.

“Đúng vậy!” bác xe ôm trả lời, “Tôi không chỉ biết làm cho khách hài lòng, mà còn tính toán sao cho tối ưu hoá, hợp lí nhất, để khách thực sự cảm thấy yên tâm khi ngồi sau xe của tôi”.

“Ví dụ, quãng đường từ bệnh viện đến quán cháo lòng đi đường chính là 4km, thời điểm giữa trưa vận tốc xe trung bình 40km/h, chờ bốn đèn đỏ, tổng cộng thời gian 8 phút. Nếu đi tắt trong ngõ ngách, thì quãng đường là 3,5km nhưng vận tốc trung bình chỉ 30km/h, có sáu đèn đỏ, vậy tổng thời gian là 10 phút.”

“Giá thành không chỉ tính bằng km mà còn tính bằng thời gian”.

“Đi tắt giảm được 500m, nhưng lại tăng lên 2 phút, chi phí như vậy sẽ tăng lên theo, khách bị lãng phí thời gian 2 phút. Nếu đi 8 phút tôi sẽ tính phí 60 ngàn. Nhưng 10 phút thì phải là 75 ngàn, với nhiều vị khách đến địa điểm ăn uống bạn bè đang chờ đợi, việc chi thêm 15 ngàn đồng chưa được một món ăn, mà có thể chỉ là rắc thêm tí bột ngọt. Nhưng với y bác sĩ, thì 15 ngàn đồng, đó là số tiền nên cân nhắc suy nghĩ.”

“Tại sao bác lại đề cao 15 ngàn với y bác sĩ?” – tôi hỏi.

“15 ngàn đồng,” bác xe ôm tiếp tục, “nhỏ thôi. Đúng vậy. Đó là tôi tính mỗi block 1km tôi đi mất 2 phút đồng hồ, chưa hết nửa chén hạt mít xăng, tôi lấy 15 ngàn. Một ca siêu âm 43 ngàn. Tôi chạy xe 6 phút cũng được 45 ngàn. Máy siêu âm tôi tạm tính 1 tỉ, khấu hao theo đường thẳng trong 8 năm, mỗi năm có 290 ngày làm việc, như vậy mỗi ngày phải chi ra 430 ngàn tiền máy. Mỗi ngày ê kíp siêu âm 36 ca. Nhưng phải khấu hao nhà xưởng, điện nước, vật tư tiêu hao, chi phí quản lí, chi phí đào tạo, vậy chi phí nhân công tối thiểu gồm 1 bác sĩ và 1 điều dưỡng còn lại được bao nhiêu. Chiếc xe Exciter tôi mua mới là 25 triệu, nếu cũng khấu hao theo đường thẳng trong 8 năm, thì mỗi ngày tôi chỉ mất 10 ngàn tiền khấu hao, ngoài ra tôi chẳng phải chi thêm gì trừ tiền xăng. Như vậy, tôi chạy xe khoảng hai tiếng đồng hồ, thì bằng ê kíp siêu âm làm việc ngày 8 tiếng.”

Tôi thực sự ngạc nhiên.

Sau khi nghe bác xe ôm tính toán, tôi cảm nhận đây không phải là người làm công việc lao động phổ thông, mà phải là một nhân viên kế toán.

“Đừng để khách kéo mình đi dạo phố!”

Bác xe ôm giải thích thêm để tôi hiểu: “Không phải chỉ nghề y mới cần chữ tâm, mà người làm nghề lái xe ôm cũng rất cần phải có cái tâm trong sáng. Đừng để khách kéo mình đi dạo phố. Mỗi cuốc xe, phải chủ động chọn đường đi thuận lợi, giảm thời gian, đưa khách đến nơi an toàn. Một số người nói nghề lái xe ôm phụ thuộc may rủi. Tôi nghĩ là không. Người lái xe ôm phải đứng vào vị trí của khách và suy nghĩ theo quan điểm của khách.”

Nghe đến câu này, tôi thấy có vẻ thú vị, nó hao hao giống các bài giảng trong lớp quản lí kinh doanh, điều đó làm tôi càng thêm tò mò.

“Tôi lấy ví dụ chạy xe ở cổng bệnh viện,” bác xe ôm tiếp “những người khỏi bệnh ra về, họ vui mừng nên sẵn sàng chi trả giá cao hơn và không do dự, nhưng hãy đặt mình vào người bệnh sẽ thấy phải đi viện là sự khốn nạn, đừng vì thế mà tìm cách móc túi họ.”

Dường như bác xe ôm đang nhắc nhở nghề y chúng tôi.

Bác xe ôm giải thích tiếp: “Nhiều tài xế phàn nàn rằng, thời buổi cái gì cũng đắt đỏ, giá xăng tăng gần gấp đôi, họ tự ý tăng giá vô tội vạ, họ tìm mọi lí do khác nhau để tăng giá. Khách đi xe cũng ít dần. Không ít lái xe chán nản. Nhưng tôi nói với họ, hãy nhìn vào bệnh viện, xăng dầu điện nước và tất cả các mặt hàng đều tăng, nhưng giá các dịch vụ y tế vẫn giữ nguyên như thế trong bao nhiêu năm nay. Tăng giá viện phí phải có lộ trình và nhiều năm mới có một đợt điều chỉnh. Vì thế mà lương điều dưỡng hợp đồng khoảng 5 triệu. Lương bác sĩ mới ra trường cũng không hơn bao nhiêu. Bác sĩ có thâm niên 20 năm cũng chỉ 8 triệu. Ngoại trừ vài người kiếm được cái phong bì cỏ, dạng ăn may, còn lại nhân viên y tế họ đâu có khoản thu nhập nào khác. Một bệnh viện y học cổ truyền không bằng cách nào có tiền trả lương cho nhân viên, suốt ngày kiện cáo và biểu tình, báo đài và FB liên tục ầm ĩ về chuyện này. Đó chắc chắn không phải là thực trạng ở một bệnh viện. Lái xe ôm ngược lại, ai cũng lấy đủ thứ lí do khác nhau để tăng giá, nhưng vẫn không bao giờ cải thiện được nghề nghiệp. Xe ôm vẫn mãi là xe ôm. Mặc dù thực tế, nghề xe ôm hiện tại thu nhập cao hơn bác sĩ trong bệnh viện công gấp đôi, thậm chí gấp ba nếu chịu khó chạy đủ thời gian. Tôi vẫn nói với anh em đồng nghiệp xe ôm, hãy tự nhìn lại mình xem vấn đề nằm ở đâu, nếu không thể thay đổi được mọi thứ xung quanh, thì hãy tìm cách thay đổi lại mình.”

“Thái độ quyết định mọi thứ!”

Câu nói quen thuộc này, tôi đã từng nghe nhiều CEO nói, nhưng đây là lần đầu tiên tôi nghe một người làm nghề xe ôm nói điều đó. Thái độ quyết định mọi thứ. Hãy làm việc một cách khoa học, trang bị cho mình kiến thức, kiến thức biến một người bình thường trở thành thông minh, biến người thông minh thành tài giỏi. Rõ ràng, khi có kiến thức, một người làm xe ôm chỉ mất 6 phút để kiếm được số tiền 45k, nó bằng cả ê kíp siêu âm chúng tôi hì hụi khám cho một bệnh nhân với 43k.

Một số người nói xe ôm kiếm được nhiều tiền hơn bác sĩ.

Giải thích về điều này, bác xe ôm nói với tôi rằng, ai đó khẳng định xe ôm kiếm nhiều tiền hơn bác sĩ là sai, đó chẳng qua là thái độ bác xe ôm vui vẻ, vui vẻ cùng với suy nghĩ tích cực, đã giúp bác tiến lên phía trước và kiếm được nhiều tiền. Thật tiếc, “hậu Covid-19”, một số lượng lớn bác sĩ đang trốn khỏi bệnh viện với tốc độ ngày càng nhanh, nhiều người trong số họ là xương sống của bệnh viện hàng đầu. Rất nhiều lí do để bỏ trốn, như công việc cường độ cao, mức lương quá thấp, môi trường không an toàn và những cải cách y tế không cho thấy con đường tiến về phía trước.

Những người có thể đi được đã bỏ đi.

Còn lại những ai không đi nổi, họ ở lại, ngày ngày nhìn ra cổng viện so sánh với bác lái xe ôm, với thân phận chị hàng nước, thậm chí là đứa bé đánh giày. Hãy biết trân trọng vẻ đẹp cuộc sống mang lại cho mình. Những lời nói của bác xe ôm làm cho tôi không khỏi tự ngẫm, rằng thực tế trong cuộc sống hàng ngày anh chị em nhân viên y tế chúng tôi than phiền rất nhiều, đã đến lúc chúng tôi cần phải ngừng than phiền. Làm bác sĩ, chẳng ai trong chúng tôi chết đói, tất nhiên có người đói đến lúc chết, nếu cuộc sống cứ nghèo mãi mà không có cách nào giàu lên, thì nghèo mà cảm thấy hạnh phúc cũng là một thái độ sống.

Bác xe ôm dừng xe trước quán cháo lòng.

Tôi nhìn đồng hồ, thấy chính xác 8 phút, nên gửi bác xe ôm 60k nhưng bác không nhận. Bác nói nhân viên y tế nghèo nên miễn phí. Nếu cần đi đâu cứ gọi bác, trong phạm vi 20km sẽ không lấy tiền, coi như làm từ thiện giúp đời.

Đợi tôi ở quán cháo lòng, Ts Lê Tuấn cùng những người bạn như Phương Thúy, Hoang Hong Van, họ đang thảo luận về câu chuyện bỏ nghề y và khởi nghiệp từ lòng lợn tiết canh, đó là câu chuyện anh Tuấn suy nghĩ rất nghiêm túc. Tôi, anh Tuấn, cùng những người bạn vẫn hay phàn nàn. Nhưng qua câu chuyện với bác xe ôm, tôi hiểu rằng cuộc sống ắt có núi có đường, chỉ cần khát vọng vượt lên hoàn cảnh, thay đổi thái độ không phàn nàn, tích cực làm những việc nên làm vào lúc khó khăn, thì chắc chắn chúng tôi sẽ vượt qua núi, sẽ tìm thấy con đường để đạt được mục tiêu.

Có khi nào bác xe ôm là một nhân viên y tế?

.

Bs. Trần Văn Phúc

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/chuyenbacxeom.html


Cái Đình - 2022