nguyễn như mÂy


c h ù a

.

Chùa nằm hiu hắt và cô đơn ở lưng chừng núi. Đứng ở lưng núi bên này nhìn qua đã thấy chùa thấp thoáng trong sương khói hay rừng lá xanh thẳm. Từ lâu, trong những chuyến đi viết phóng sự miền núi, tôi đã vài lần nhìn thấy và từng mơ ước có ngày mình được vãng cảnh chùa này. Bất ngờ hôm nay có “duyên” không hẹn trước, tôi dành gần trọn một ngày đường vượt núi, băng qua mấy đoạn rừng tre, lội qua nhiều con suối mới tới được chùa.

Nghe nói trên núi có chùa
Sư cụ quanh năm sương khói
Ta quyết một lần lặn lội
Tìm chùa; và để tìm ta ...

Thầy trụ trì khoảng 80 tuổi nhưng trông rất phương phi, mạnh khoẻ trong sinh hoạt. Với sức khoẻ của một sa di ở tận núi cao, một năm hai lần thầy xuống núi, đi và về bằng “du hành” (đi chân trần) gần 150 cây số để về thăm và làm việc với chùa tỉnh.

Tôi vui vì được thầy hoan hỉ mời ở lại vài ngày cho có bạn đàm đạo với thầy. Nhưng tuyệt nhiên trong các câu chuyện, thầy không hề nói gì về mình và ngôi chùa nghèo lợp tranh, vách tre nứa trên núi cao này. Thầy cũng không hề cho biết tại sao chùa có mặt ở lưng chừng núi để rồi từ rất lâu, chẳng thấy bóng dáng một vị Phật tử hay một khách thập phương nào lên lạy Phật. Và, thầy cũng không có bất cứ một câu hỏi nào về tôi, về “duyên” nào đưa đẩy tôi đến với chùa, với thầy hôm nay... Trong khi thầy tụng niệm, tôi ngồi hút thuốc lặng lẽ trước cửa chùa nhìn ra cảnh đêm tối đang ngập tràn trong sương khói núi rừng mùa thu. Đêm xuống, trời vẫn có trăng nhưng sương khói nhiều và dầy quá nên tìm hoài không thấy. Chim ăn đêm bay xào xạc với những tiếng kêu thất thanh nghe rất tội nghiệp. Tiếp theo là tiếng vượn hú vang vang từng hồi chen trong nhịp chày giã gạo đêm trăng từ bên kia núi vọng qua; tất cả tạo thành một điệu nhạc rừng núi hoang vu đang bắt đầu cho một đêm lạnh giá khói sương. Tôi còn nghe trong cả ngôi chùa bay lồng lộng mùi khói thơm của chất nhựa cây ngo thầy thắp sáng thay đèn ở bàn thờ Phật... Đột nhiên, đêm của đại ngàn bỗng chìm vào giây phút vắng im và cô tịch trong một thời gian khá lâu làm tôi rất ngạc nhiên. Thầy cho biết đó là lúc cọp beo đi săn mồi, các loài vật khác sợ nên vội tìm chỗ ẩn mình... Dần dần, tôi chợt lắng nghe lòng mình đang nhẹ trôi dần theo lời kinh kệ, chuông mõ vang vang giữa núi rừng vắng lặng như thinh không. Lòng tôi lại thấy thanh thản vô cùng!

Tôi đi nhiều nơi khắp cả nước nhưng chưa bao giờ “dám” bước chân vào những ngôi chùa sang trọng, lộng lẫy và hiện đại như cung điện sơn son thếp vàng của các vua chúa ngày xưa đang có đầy dẫy khắp nơi:

Chùa sơn son thếp vàng
Lộng lẫy như cung điện
Ta, bá tánh lang thang
Thương Phật còn dâu biển !..

Tôi không phải là tín đồ Phật giáo. Nhưng với Phật Thích Ca, tôi yêu quí và kính trọng tư tưởng về con đường giải thoát “lục dục thất tình” của Ngài. Trong tâm hồn tôi, Ngài luôn là một Người Thầy, một tượng đài của sự Im Lặng trước bao nhiêu phong ba bão tố cuộc đời trần thế. Và, tôi biết suốt mấy mươi năm qua mình vẫn đang luyện tập cách học làm sao giữ cho được sự Im Lặng ấy, dù biết là rất khó, rất khó!..

Tôi đã xin và thầy trụ trì chấp nhận cho tôi một ngày nào đó được về chùa để cùng thầy kinh kệ và dưa muối đạm bạc khi tôi không còn biết đi con đường nào trong cuộc đời:

Cùng đường, quay về chùa
Sống nhờ cơm bá tánh
Lại xin làm việc cũ:
Sáng chiều quét lá đa ...

Bữa ăn đầu tiên của đời tôi trong một ngôi chùa tận trên núi cao mù mịt khói sương được thầy khoản đãi rất trân trọng, dù đó chỉ là mấy củ khoai mì, khoai lang và bắp luộc ăn với muối do hai thầy trò đi “lao động” lúc xế chiều sau chùa. Sống đạm bạc với kinh kệ như vậy nhưng thầy đã “trụ trì” chùa này suốt trên 50 năm rồi! Hằng năm, trong các lễ hội truyền thống dân tộc miền núi và ngày Kỷ niệm Phật Thích Ca ra đời, bà con dân tộc chung quanh đã vượt đèo núi cao, rừng sâu để gùi bắp, khoai, dầu rái và cả rượu cần tới cúng chùa. Thậm chí, họ còn xin ở lại cả tuần để lợp lại mái tranh nhà chùa hay rủ nhau đắp lại các bờ ruộng quanh chùa cho chắc chắn để thầy trụ trì giữ được nước mưa cho việc gieo trồng lúa rẫy...

Tôi ở lại với thầy hơn một tuần. Hai thầy trò vẫn rất ít nói gì với nhau. Buổi sáng, sau chầu kinh và trống chuông công phu, tôi dọn bắp và khoai ra rồi không quên rót thêm chén rượu cần mời thầy. Trước chùa có một cây đa lớn tuổi hơn tuổi tôi, lá dầy sum sê, đủ chỗ cho cả một rừng chim ở. Sáng nay, chim rừng ngủ dậy hót líu lo vang trời trên đó như cùng muốn nói chuyện với hai thầy trò chúng tôi. Trưa, thầy rủ tôi vào núi hái măng và các loại trái cây về cúng Phật. Dọc đường về, thầy còn kiếm thêm nhiều củi khô rồi gùi trên vai để về nấu cơm.

Hôm tôi chia tay về xuôi, hai thầy trò bịn rịn hồi lâu. Tôi biết thầy buồn nhưng cố giấu trong lòng. Thầy ra sau vườn hái lá chuối để gói cho tôi đem về biếu gia đình khá nhiều măng rừng đã phơi khô. Tôi có cảm tưởng như chúng tôi là hai cha con đang tiễn biệt nhau đi xa ngàn trùng và không dám hẹn ngày quay lại!

Xuống nửa chừng dốc núi, tôi quay lại nhìn thấy  thầy trong dáng áo nâu sòng vẫn còn đứng bên cây đa trước sân chùa vẫy tay tạm biệt:

Đang giữa đường phiêu bạt
Nghe thoảng tiếng chuông chùa
Phải chăng mình còn lạc
Giữa cuộc đời gió mưa

.

nguyễn như mÂy

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/chua.html


Cái Đình - 2023