Phan Ni Tấn


“Ché ẹ”, một loại thổ ngữ Bình Định

   

Trước khi vào đề tài chính tôi mạn phép nói qua về ông Năm Còi, người Bình Định chánh tông gắn liền với thổ âm “ché ẹ”.

Năm Còi là một võ sư Bình Định, cháu họ xa bên ngoại tôi gọi má tôi là chị Ba. Khoảng giữa thập niên 50, mỗi lần từ Bình Định lên Bản Thuột nghiên cứu cây thuốc Nam gì đó, ông đều trọ nhà ba má tôi năm bữa nửa tháng.

Tôi không biết tên thật của ông là gì, chỉ nghe má tôi gọi là chú Năm Còi. Thật ra tên cúng cơm của ông là Côi, má tôi nói, bị còi từ thuở nhỏ lớn lên trong lồng kính nên người nhà quen gọi là Còi, con thứ năm trong gia đình. Ấy, coi còi rứa nhưng đừng tưởng bở. Thân hình ông thuộc loại mình đồng da sắt là kết quả của những năm tháng kiên trì luyện tập võ nghệ. Một cú đá Tảo Địa Cước của ông đủ để ba bốn cây bắp gãy gục; còn cú đấm thôi sơn, kỹ thuật đòn đánh trong bộ môn võ thuật, đủ để thân cây chuối bầm dập, ngất ngư.

Những lần Năm Còi ở nhà ba má tôi sáng sáng xách cặp đi tới tối mịt mới về; làm gì tôi không biết nhưng cứ cuối tuần ông lại dắt tôi vô rừng luyện võ, dạy thêm cho tôi quyền cước Bình Định, đặc biệt về võ đạo. Thấy ông quê mùa cục mịch rứa mà võ thuật và võ đạo của ông thì mênh mông. Võ cổ truyền Bình Định rất uyên thâm, thể hiện tính dứt khoát ở thế thủ, nhất là thế công với sức hủy diệt dũng mãnh nhưng khi chuyển qua võ đạo thì võ cổ truyền Bình Định lại đặt nặng về mặt đạo đức, luôn giữ được tinh thần thượng võ, đề cao ngũ thường nhân, lễ, nghĩa, trí, tín.

Tôi còn nhớ hoài, lần đầu tiên nhìn Năm Còi đi quyền vừa đọc thiệu, mặc dù nghe rất lạ tai nhưng tôi phục võ nghệ của ông sát đất. Nhất là giọng Bình Định đã khó nghe mà chữ “ché ẹ!” càng lạ ác. Bằng cặp mắt sáng như điện của loài hổ dữ ông thúc tôi ra sân, giọng rổn rảng:

– Tén, xửng mưa rầu kìa. Ra sân luyện võ tiếp đi “ché ẹ” (Tấn, tạnh mưa rồi kìa. Mi ra sân luyện võ tiếp đi chớ bộ).

– Tén. Céch đánh công phu của Ngọc Trản Quyền là phửa kín đáu ché ẹ. Mi để hở hạ bộ là chớt choa rầu (Tấn. Cách đánh công phu của Ngọc Trản Quyền là phải kín đáo chớ. Mi để hở hạ bộ là chết cha rồi).

– Tén, tấu rầu, nghỉ tay đi tém còn đi ăng cơm ché ẹ! Chị Boa tau hấu kìa. (Tấn, tối rồi, nghỉ tay đi tắm còn đi ăn cơm chớ bộ. Chị Ba tao hối kìa).

– Biết rầu cha nậu! Nậu loàm được thì người ta cũng loàm được ché ẹ! (Biết rồi cha nội! Ông làm được thì người ta cũng làm được chớ bộ).

– Chị Boa ư, chời sắp tấu rầu lo mà dìa ché ẹ! (Chị Ba ơi, trời sắp tối rồi lo mà về chớ bộ)…

Nghe riết rồi tôi mới để ý thấy chữ “Ché ẹ” luôn nằm ở cuối câu nói nhằm nhấn mạnh một mệnh đề đã khẳng định. “Ché ẹ” đồng nghĩa với chữ “chứ lị” của người miền Bắc, “chớ hỉ” của người miền Trung và “chớ bộ” của miền Nam. Tuy nhiên gộp chung tiếng nói ba miền đất nước thì tiếng Nẫu lại khác biền biệt. Thí dụ người quê Nam nói “Lên trên ngọn” tức vô sâu trong núi thì Nẫu nói “Dô tuốt trỏng” hoặc người Thừa Thiên nói “Rứa hè?” thì Nẫu nói “Dãy na?” v.v…

Võ sư Năm Còi coi dữ dằn rứa nhưng người xứ Nẫu như ông vốn chất phác, bình dị, và hào phóng trong cách hành xử, trong lời ăn tiếng nói rổn rảng hằng ngày cũng như trong ca dao, tục ngữ…, thể hiện cách diễn đạt mộc mạc của người xứ dừa, xứ biển còn gọi là xứ Nẫu, tên gọi mang đậm thổ ngữ địa phương thật nẫu nẹt chân quê.

“Ai dìa sông núi Phú Yên
Cho Nẫu nhắn gởi nỗi niềm nhớ quê”

“Tiếng đồn cặp mắt em lanh
Ai nẫu không ngó, chớ anh ngó hoài”

“Chàng ơi thuyền lướt giữa dòng
Tố dông đâu mược tố, đừng có dông bỏ nàng”

“Anh về dưới Vạn Gò Bồi
Bán mắm, bán cá lần hồi cưới em”

“Nghênh ngang kìa ngọn Kim Sơn
Tình chung đất nước, không còn nắng mưa”.

Những câu ca dao tiêu biểu trên cho ta cảm nhận ngôn ngữ phong phú, bất hủ của tiếng địa phương nói lên lòng chan chứa nghĩa tình, gắn bó nước non, tự hào của người dân quê Phú Yên Bình Định. 

Có điều những ngày tháng sau này dù tôi đã cất công tìm tòi, lục lọi, học hỏi, truy cứu những câu ca dao, tục ngữ ghi lại trong các trang mạng, trang sách dầy công nghiên cứu, biên soạn ngôn ngữ văn học của dân tộc ba miền nói chung và Phú Yên Bình Định nói riêng, tôi vẫn không tìm thấy thổ ngữ “ché ẹ” cũng như không nghe thấy ai nói, dù là nói nhại, ngoài ông Năm Còi.

Riêng tôi cho rằng hai chữ “ché ẹ” cũng có thể là một yếu tố căn bản của các dấu hỏi ngã trong tiếng Việt nhằm điều chỉnh giọng chắc nịch của câu nói. Nếu phân tích kỹ chút xíu thì từ vựng “ché ẹ” đều thuộc thanh sắc đi liền nhau bằng một giọng vừa lên cao liền giật giọng xuống thấp một cách dứt khoát.

Dù sao khi nghe những giọng nói ọ ẹ, lạ tai lúc đầu của dân xứ Nẫu riết rồi trở nên thân quen, mang đậm sắc thái quê hương xứ sở của các Đầu Nậu chịu khó nai lưng ra làm đủ các thứ nghề như Nậu vựa (nghề của người làm mắm), Nậu cấy (người cấy mướn), Nậu nại (nghề làm muối), Nậu nguồn (nghề làm rừng)… Nhìn chung nghề nào cũng là nghề đều được ông cha ta thể hiện trong các câu ca dao ngọt ngào lời quê xứ Nẫu:

Ai về nhắn với nậu nguồn
Mít non gởi xuống, cá chuồn đem lên

Nậu nại tui dại như trâu
Trưa tròn con bóng vác đầu ra phơi

Chiều chiều mây phủ Đá Bia
Đá Bia mây phủ chị kia mất chồng
Mất chồng như nậu mất trâu
Chạy lên chạy xuống cái đầu chơm bơm

Anh về Bình Định thăm nhà
Tháng Hai trở lại, tháng Ba cưới nàng
Cưới nàng đội nón Gò Găng
Xấp lãnh An Thái một khăn trầu nguồn.

   

Phan Ni Tấn

(Quí vị nào từng biết hai chữ “ché ẹ” thì chỉ vẽ cho tôi học hỏi thêm. Thân kính. PNT)

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/chee.html


Cái Đình - 2024