Topa


Cây hoa Anh Đào Oshima Zakura.

.

Từ ngày tôi phải rời xa thành phố Dalat thân yêu cho đến nay, thời gian tuy không dài, nhưng cũng vừa đủ bốn mươi sáu năm qua nhanh rồi. Và, hôm nay tôi vui mừng khi được nhìn thấy lại Hoa Anh Đào Oshima Zakura mà từ lâu tôi đã không còn muốn nhớ đến loại hoa này. Nhớ đến Hoa Anh Đào Oshima Zakura là tôi sẽ nhớ lại những ngày vàng với những kỷ niệm tuyệt vời nơi thành phố mà gia đình tôi đã sống bên nhau, bên những người bạn thật đáng yêu.

Cành hoa được người bạn rất thân đem từ Nhật về tặng tôi nhân dịp bạn đi du lịch bên đó. Sở dĩ bạn đem đúng cành hoa này về tặng tôi, là vì có lần tôi đã kể cho bạn nghe về loại hoa này, mà gia đình tôi từng có được một cây trong khu vườn rộng. Kỷ niệm một thời vàng son dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa chợt trở về từ tận cùng tâm thức trong cái đầu của tôi, làm cho tôi, dù đã cố gắng giữ cho được bình tĩnh nhưng không thể ngăn dòng nước mắt đã chảy ra.

Thành phố Dalat là thành phố một thời tôi yêu và một đời tôi nhớ thương. Tôi được sinh ra và lớn lên tại thành phố này. Tôi có được tình yêu thật đẹp và cũng thật lãng mạn ở thành phố này… Và, tôi mất người yêu vĩnh viễn cũng tại thành phố này.

Thành phố Dalat… Với cái đà xây dựng như phá hoại hiện nay, không bao lâu nữa thành phố Dalat chắc chắn sẽ không còn là thành phố của miền đất lạnh. Từ một thành phố sang trọng và lịch sự như các thành phố bên Âu Châu… bây giờ đã bị ngập lụt vào mùa mưa. Những người xa xưa lắm nếu hôm nay trở về và nhìn lại thành phố, tôi tin chắc tất cả sẽ ngậm ngùi và tiếc thương cho những đồi thông tuyệt đẹp và thơ mộng đã bị tàn phá… Mà, một trong những phá bỏ được xem là ngu ngốc nhất, đó là dẹp bỏ đường ray xe lửa có răng cưa mà một thời được xem là kỳ công nhất và đẹp nhất toàn vùng Đông Nam Á.

Nhìn cành Hoa Anh Đào Oshima Zakura tôi bị xúc động mạnh. Từ lâu lắm rồi tôi không muốn nhớ đến một thành phố có nhiều loại hoa với nhiều màu sắc rực rỡ trong buổi sớm mai có nhiều sương mù và lạnh lẽo. Buổi trưa thường thì tương đối bớt lạnh hơn một chút vì có ánh mặt trời sưởi ấm; nếu như buổi trưa đó không bị mưa. Thành phố đó có rất nhiều đồi và nhiều cây thông, mà những cây thông thì cao vút thẳng tắp đứng sừng sững giữa trời xanh và ngã nghiêng theo từng cơn gió thổi, đồng thời phát ra tiếng vi vu hòa cùng tiếng chim hót và tiếng suối chảy tạo nên một thứ âm thanh để rồi có đi đâu xa chúng ta cũng phải nhớ về thành phố đó. Thành phố đó rồi đây sẽ là thành phố gì?

Thành phố Dalat những năm mới thành lập đã có rất nhiều loại Hoa Anh Đào. Nhưng, Hoa Anh Đào Oshima Zakura, chỉ có một cây trong khu vườn của ông người Pháp mới được trồng.

Những năm xa xưa lắm vào thời Pháp thuộc, ông nội của tôi làm việc với người Pháp, nên khi gặp dịp ông quý tộc người Pháp trở về cố quốc, ông nội tôi đã mua lại cái “lâu đài nhỏ” của vị quý tộc với giá… vừa bán vừa cho. Ngày đó thành phố Dalat chỉ có một cây Hoa Anh Đào Oshima Zakura được ông quý tộc đem giống từ Nhật Bản qua trồng trong vườn của ông. Ông quý tộc nói với ông nội tôi.  “Đây là cây Hoa Anh Đào Oshima Zakura mà hoa có mùi thơm rất quyến rũ và sang trọng”. Ông nội tôi cũng là người rất thích hoa, mà, Hoa Anh Đào trắng hồng Oshima Zakura là hoa mà ông nhìn thấy lần đầu tiên nên ông rất nâng niu và chăm sóc rất kỹ đến nỗi ba mẹ tôi nghĩ, ông sẽ đau khổ lắm nếu như có ai đó lỡ làm cho cây hoa bị hư hại.

Ông nội tôi qua đời rất nhiều năm trước khi tôi ra chào đời. “Bà nội mất khi ông nội còn rất trẻ, nhưng ông đã không lấy vợ khác”. Ba tôi nói với vẻ mặt rất kiêu hãnh. Chính ba tôi là người đã nói về “lịch sử” của cây Hoa Anh Đào trắng hồng Oshima Zakura cho tôi nghe. Và, tôi đã thích cây hoa từ năm tôi sáu tuổi. Mùi thơm và vẻ đẹp quý phái của loại hoa năm cánh màu trắng hồng mọc từng chùm đã quyến rũ tôi đến nỗi, gần như lúc nào tôi cũng ở bên cạnh cây hoa, ngoại trừ khi màn đêm buông xuống. Có những lúc tim tôi đau nhói lên khi nhìn thấy những bông hoa bị khô héo và rơi rụng. Khi đó tôi cảm thấy những bông hoa như không còn muốn mỉm cười với tôi, làm cho tôi buồn lắm. Tôi chưa kịp hiểu vì sao những bông hoa lại bị héo úa, thì người quản gia thật thà và trung thành của gia đình tôi đã đến và giúp tôi. Ông nói cho tôi đừng buồn: “Cây hoa có lẽ bị chim làm tổ nên cây bị bệnh”. Suýt chút nữa tôi đã cười vì câu nói của ông. Nhưng, ông đã chỉ cho tôi thấy một cái tổ chim trên cao. “Tôi sẽ dời tổ chim đi mà không làm cho những con chim con bị thương”.

Ngày hôm sau ông đem về một cái hộp bằng cây nhìn giống cái nhà nhỏ, vì, phía trên cũng có cái mái nhà và cũng có cửa ra vô nhưng cửa là hình tròn. Ông dựng một cái cây ở góc sân rồi đặt cái nhà nhỏ lên trên đỉnh cái cây. Ông đưa những con chim con vô trong cái nhà nhỏ đó. Tôi đã đi khắp thành phố nhưng tôi chưa hề nhìn thấy cái nhà nhỏ đó ở đâu cả. Con chim mẹ có lẽ cũng vui mừng lắm khi được ở trong cái nhà mới đó. Con chim mẹ sáng sớm nào cũng hót thật lâu, hót thật hay như để cảm ơn người đã cho mẹ con nó có chỗ tránh mưa tránh nắng và, còn cho thức ăn mỗi ngày nữa. Lạ lùng làm sao, từ đó những bông hoa cũng tươi tỉnh lại và không còn héo úa nữa. Trước khi thành phố phải bỏ ngõ cho những con người từ trong rừng rậm ra cai quản, tôi đã nhìn thấy thành phố có nhiều cây Hoa Anh Đào và nhiều tổ chim giống cái tổ chim của nhà tôi rồi. Nhưng, Hoa Anh Đào Oshima Zakura thì tôi vẫn chưa thấy.

***

Những ngày xa xưa lắm. Những ngày tôi còn là đứa bé con là những ngày vàng, vì cuộc sống của mọi người dưới chế độ Cộng Hòa thật thần tiên mặc dù đang bị cộng sản miền Bắc tạo ra một cuộc nội chiến thật hãi hùng, thật dã man. Khi tôi lên mười tuổi, tôi như con chim nhỏ đang chập chững những bước chân non bước đi về phía trước từ trong ngôi trường Bùi Thị Xuân nổi tiếng để một ngày không xa lắm, tôi sẽ đi vào đời. Tôi tin tưởng và nhìn về tương lai với vầng hào quang chói lọi vì được gia đình và người chung quanh thương yêu dìu dắt tôi bước từng bước, tuy chậm, nhưng lại là những bước vững chắc.

Một ngày kia tôi đi thăm vườn của ba mẹ tôi trên một cái đồi. Tôi dựng chiếc xe đạp dưới chân đồi rồi vừa đi lên đồi vừa ca vừa nhìn cảnh trời bao la tuyệt đẹp của một ngày khô ráo và nồng ấm. Bước chân của tôi cứ bước lên cái đồi cao và rộng nhưng không hề bị mệt. Trên cái đồi cao và rộng đó, ba mẹ tôi chỉ trồng có hai thứ, khoai tây và cà rốt. Trên cái đồi cao đó, có mõt điều rất lạ là tôi chưa từng nhìn thấy một cọng cỏ nào cả. Thì ra cỏ đã được những người làm vườn nhổ sạch sẽ khi vừa mới nhú lên. Sáng hôm nay nhìn cái đồi không có lấy một cọng cỏ, tôi đã nghĩ. Nếu như trên cái đồi đó không trồng hai thứ thực phẩm để nuôi sống con người thì chẳng khác nào cái đầu của của người nào đó đã bị cạo trọc lóc. Nhìn cái đồi cao và tròn giống như cái đầu người chỉ có khoai tây và cà rốt, lòng tôi dâng lên một cảm giác vui sướng đến khó tả. Tôi vui sướng vì mỗi khi khoai tây và cà rốt được đem về nhà, một số được ba mẹ tôi phân chia cho hai người làm vườn, và, sau đó số còn lại sẽ được biếu tặng các cơ sở tôn giáo và từ thiện. Phần dành cho gia đình cũng đủ dùng trong vài tháng.

Tôi bước gần đến đỉnh đồi, tôi nhìn thấy hai người đàn ông đang làm việc bên những luống khoai tây và cà rốt. Cả hai người cùng hướng mặt về phía trước mà tôi đi từ phía sau lưng họ đi tới nên cả hai người không nhìn thấy tôi. Bất chợt, một trong hai người quay mặt lại và nhìn thấy tôi. Người đó lên tiếng thật lớn gọi tôi với lời lẽ thật trìu mến:

“Cô bé ơi, lại đây tôi nói cho cô bé biết tôi có thứ mà cô rất thích nè.”

Người kia ngừng tay và quay mặt lại nhìn về phía sau. Khi tôi đến thì người đã gọi tôi liền nói với tôi:

“Tôi có một cái lồng chim và một con chim nhỏ… để trong nhà để đồ làm vườn trên kia. Cô chờ tôi một chút tôi sẽ đem đến cho cô ngay.”

Nói rồi ông ta liền bước đi như chạy. Khoảng đôi ba phút sau ông trở lại với cái lồng chim bằng tre. Tôi nhìn thấy trong lồng có một con chim có thân hình nhỏ  bé, có lẽ chỉ lớn bằng nắm tay của người đang cầm cái lồng chim. Con chim có màu vàng ở trên đầu, màu nâu và đen ở thân trên và màu trắng ở phần bụng.

Tôi vui mừng đón nhận cái lồng chim và nói lí nhí trong miệng lời cảm ơn. Tôi đưa cái lồng chim lên cao để nhìn ngắm con chim với vẻ thích thú. Con chim nhỏ chạy nhảy loạn xạ có lẽ vì nó sợ hãi. Người đã cho tôi con chim và cái lồng đã nói:

“Con chim đẹp này là chim Sơn Ca. Nó hót rất hay rất trong và, rất cao. Tôi nghĩ nó sẽ hót hay hơn nữa khi được cô bé chăm sóc. Con chim mẹ có lẽ bay đi tìm mồi nhưng không thấy quay về. Thế là tôi đem con chim vô trong nhà và cho nó ăn. Tôi mua cái lồng cho nó ở. Tôi chợt nhớ là cô rất thích hoa và chim nên hôm nay tôi đem theo. Tôi nghĩ, nếu cô lên thăm vườn ngày hôm nay thì con chim sẽ có cô chủ bé nhỏ và rất dễ thương. Nếu cô không lên đây thì chiều nay tôi sẽ đem nó đến nhà cho cô”.

Tôi lại đưa cao cái lồng chim lên và thích thú nhìn ngắm. Tôi sẽ thay mẹ nó và nuôi nó cho đến khi nó đủ lông đủ cánh rồi, tôi sẽ cho nó được tự do trở về với trời rộng bao la và với rừng thông bát ngát. “Giam giữ hoặc hành hạ những con vật hiền lành, cũng như giam giữ hoặc hành hạ những con người… vô tội; chỉ những người không có niềm tin tôn giáo nên không có trái tim của con người, mới làm vậy.” Các Sœur trong trường tôi học đã dạy tôi như vậy đó.

Tôi quay lưng đi xuống đồi. Khi tôi bước đi được một quãng xa, tôi quay đầu nhìn lại phía sau thì thấy hai người đàn ông lực lưỡng lại tiếp tục làm việc bên những luống khoai tây và cà rốt.

Cuối tuần sau vào ngày chúa nhật, tôi được ba mẹ cho phép đến thăm người làm vườn đã cho tôi cái lồng và con chim. Nhà của ông ở trong “Ấp Chiến Lược” có tên là Phát Chi, cách nhà tôi khoảng hai cây số. Con đường trải nhựa uốn quanh những ngọn đồi với rừng thông hai bên và rất ít xe cộ qua lại, một hình ảnh thật đẹp và thật lãng mạn mà tôi cũng không bao giờ quên được.

Đây là ‘khu trù mật’ đã được Tổng Thống Ngô Đình Diệm dựng lên để cho dân di cư lánh nạn cộng sản từ miền Bắc đến đây lập nghiệp. Những người ‘Bắc Kỳ’ ở đây rất hiền lành và lương thiện vô cùng. Đặc biệt là giọng nói. Giọng nói chính gốc người Hà Nội nghe thật sang và thật là dễ thương chứ không như… Người làm vườn cho gia đình tôi đã nói với tôi:

“Từ ngày thành lập Ấp cho đến nay, đồng bào ở đây chưa bao giờ bị thiếu ăn thiếu uống. Về vấn đề an ninh thì chưa bao giờ xảy ra vụ lộn xộn nào, dù là rất nhỏ. Người trong Ấp đều biết nhau nên không bao giờ có người lạ mặt nào dám vô đây để làm những chuyện khủng bố.”

Ông có một mảnh vườn nhỏ được trồng khoai tây, cà rốt và cả hành tây nữa. Căn nhà và mảnh vườn là gia tài của cả đời ông. Ông nói:

“Từ ngày đến sống nơi đây cho đến bây giờ, tôi chưa bao giờ muốn rời khỏi vùng này. Xem như suốt đời tôi sẽ gắn bó với căn nhà và mảnh đất đã cho tôi rất nhiều thứ trên cõi đời. Tất cả mọi người đều mang ơn vị Tổng Thống của nền

Đệ Nhất Cộng Hòa. Tiếc rằng, một số tướng lãnh đã sát hại Ngài…”

Ông ngưng lại và không nói tiếp. Tôi không dám hỏi vì không hiểu ông muốn gì nhưng lại không nói.

Tôi được vợ chồng ông mời ăn bữa cơm trưa với món canh dưa chua nấu với sườn heo và cá lóc chiên. Tôi đã có một ngày thật êm đềm thật thần tiên với hai người thật hiền lành và tốt bụng.

***

Ngày tháng trôi qua. Bây giờ tôi đã trở thành thiếu nữ. Tôi và anh gặp nhau khi tôi đang được ‘thụ nhân’ năm thứ nhứt trong Viện Đại Học Dalat, còn anh là giáo sư mới được về dạy tại đây. Anh sinh trưởng trong gia đình thuộc giới trung lưu tại Huế. Anh thật trí thức và thật hiền. Anh trong nhóm giáo sư hoạt động chống Việt cộng, nên anh rất thường có mặt trong những buổi hội thảo tại Huế. Những dịp về Huế hội thảo đôi ba ngày, anh thường cho tôi theo. Những dịp này tôi được anh giới thiệu những người bạn từ thuở nhỏ của anh cũng đang dạy học tại Viện Đại Học Huế.

Viện Đại Học Huế hay Viện Đại Học Dalat, và những Viện Đại Học khắp miền Nam được những vị Viện Trưởng điều hành; là nơi đào tạo những sinh viên sẽ ra làm việc giúp người, giúp đời, và xây dựng xã hội. Tại sao nhà cầm quyền Bắc Việt lại gọi là Trường Đại Học với người đứng đầu là Hiệu trưởng… như các trường học chỉ để đào tạo học sinh? Đây cũng là một trong những khác biệt rất lớn về văn hóa và giáo dục giữa chính thể Cộng Hòa và chế độ cộng sản. Việt Nam Cộng Hòa luôn trân quý những người có học thức.

Chiến tranh đã xảy ra từ lâu, nhưng thành phố sương mù và với nhiều loại hoa của tôi, của mọi người; vẫn rất yên bình. Nhửng ngày xuân Mậu Thân 1968, cả miền Nam, chỉ có Huế là bị tang thương bị thảm khốc nhứt. Sau thành phố hoa và sương mù, thành phố Huế là thành phố thứ hai tôi đến rất nhiều lần. Và, tôi đã yêu biết bao thành phố này bởi những con người thật hiền hậu thật trí thức và thật cần cù trong cuộc sống. Nhất là con trai Huế thì lãng mạn vô cùng. Cảnh vật thành phố Huế thật vô cùng thơ mộng với giòng Hương Giang lặng lờ trôi êm đềm, nhất là vào những đêm có trăng thì vô cùng đẹp như những bức tranh đẹp. Và, một kỷ niệm không bao giờ tôi quên được. Một buổi chiều kia sau bữa cơm cùng gia đình anh với các món ăn cổ truyền của Huế, anh và tôi đã hứa hẹn về một cuộc sống bền vững bên nhau đến trọn đời. Sau đó anh đã nắm chặt lấy bàn tay của tôi và đưa tôi đi dạo một đoạn đường dài dọc theo bờ sông Hương dưới ánh trăng lung linh trên dòng nước lặng lờ trôi… thật vô cùng lãng mạn và, vô cùng đẹp. Những ngày vui cùng anh ở Huế, tôi rất thích nhìn những cô gái Huế yểu điệu trong chiếc áo dài trắng cùng cái nón bài thơ nhìn ‘dễ thương ơi là dễ thương’. Nhưng, tôi thật vô cùng sững sờ khi biết thành phố này lại cũng có những con người “ăn cơm quốc gia nhưng lại thờ ma cộng sản.” Những con người này – những người bạn của anh từ thuở nhỏ – đã táng tận lương tâm, đã mất hết lương tri khi ‘đưa đường chỉ lối’ cho giặc Cộng về giết hại hơn năm ngàn đồng bào Huế vô tội… trong đó có cả gia đình anh. Thành phố Huế đã hứng chịu đau thương cả tháng trời rất ác liệt mà một phần cũng vì lệnh không được bắn phá các di tích. Việt Cộng thường hay ẩn núp tại các di tích nên các đơn vị tham chiến của quân lực Việt Nam Cộng Hòa thường phải đánh cận chiến. Trong nỗi đớn đau vì mất mát, anh đã nói với tôi: “Những cái tên như, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân…Và những cái tên khác nữa không còn tư cách gì để được đồng bào Huế tha thứ và gọi là đồng bào. Những cái tên đó sẽ ‘lưu danh thiên cổ, lưu xú vạn niên’. Đồng bào Huế chắc chắn đến ngàn đời sau vẫn sẽ không bao giờ quên tội ác của đám người này cùng đám giặc cướp. Anh xấu hổ, anh đau đớn vì đã làm bạn với những tên đồ tể man rợ đó.”

Thành phố ngàn thông và sương mù của tôi thật may mắn khi chỉ bị vài ba ngày hỗn loạn và sau đó mọi chuyện đã trở lại yên tĩnh như xưa. Một nhóm Việt cộng vài chục người làm loạn và khủng bố dân lành thì làm sao chịu nổi với những chiến binh thiện chiến của Biệt Động Quân.

Nhưng, tôi không ngờ chỉ bảy năm sau, bảy năm ngắn ngủi thôi, và… tất cả đã mất hết. Người làm vườn đã cho tôi cái lồng và con chim, chắc chắn ông đau khổ lắm trước khi bị giết khi Việt cộng với vũ khí giết người của Nga và Trung Cộng ban đêm kéo quân đến với quyết tâm san bằng cái “Ấp Chiến Lược Phát Chi”. Ông làm Trưởng Ấp Phát Chi chỉ mới hơn một năm. Ông đã cùng đồng bào từ chối sống với cộng sản nên đã chiến đấu giữ ấp chứ không chịu đầu hàng. Ông bị bắt và bị xử bắn ngay tại chỗ trước mặt vợ con và người trong ấp. Nghe tin ông bị giết, anh đã hối thúc tôi rời thành phố. Anh nói: “Một mình anh, anh sẽ dễ dàng xoay xở.” Tôi đã rớt nước mắt khi từ giã thành phố mà tôi không nghĩ sẽ là vĩnh viễn… chỉ trước hai ngày thành phố bị bỏ ngỏ. Tôi bị mất nước, bị mất gia đình. Và, bị mất anh. Anh ‘chậm chân’ nên bị giết chỉ một ngày sau khi cộng quân làm chủ thành phố đã bị bỏ ngỏ.

Người Mỹ đã đổ quân vô giúp Việt Nam Cộng Hòa chống cộng sản, nhưng rồi họ đã nhẫn tâm bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa cho kẻ ác. Ngày sắp mất miền Nam, câu nói của Ông Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bỗng xuất hiện trong cái đầu của tôi làm cho tôi vô cùng hoang mang và lo sợ. Ông đã nói:

“Đất nước còn của người Quốc Gia, còn tất cả. Đất nước mất vô tay cộng sản, mất tất cả.” Thành phố ngàn thông đã xảy ra những vụ thanh toán. Nhưng, không giống như ở Huế. Thành phố của tôi không bị như Huế vì không có hai anh em họ Hoàng Phủ và Nguyễn Đắc Xuân … Số người bị thanh toán mà tôi được biết là chín người. Anh là một trong số chín người không may mắn đó.

Khi các vị Giáo sư bạn của anh thoát được đến Sàigòn và nói cho tôi biết: 

“Anh ấy chạy vô nguyện đường ‘Năng Tĩnh’ thì bị bắt và rồi bị bắn ngay trong nguyện đường. Mấy người sinh viên nội trú đã chứng kiến sự việc và thuật lại.”

Nguyện đường ‘Năng Tĩnh’ tọa lạc trong khuôn viên Đại Học, nơi mà anh và tôi đã làm lễ thành hôn ngày nào. Tôi liền rời khỏi quê hương Việt Nam cũng chỉ trước có hai ngày Việt Nam Cộng Hòa bị cáo chung.

***

Tôi yêu nước Pháp. Mỗi năm vào những tháng nghỉ hè tôi đều đến nghỉ dưỡng ở miền Nam nước Pháp hai hoặc ba tuần. Ngoài ra mỗi lần đến Paris hay phải đi ngang qua nước Pháp, tôi thường lái xe trên những con đường quốc lộ, tuy có xa hơn đường xa lộ, nhưng, đi đường quốc lộ tôi như nhìn thấy lại thành phố xưa của tôi, thành phố đã thuộc về dĩ vãng.

Người Pháp đã khám phá rồi xây dựng lên thành phố tuyệt đẹp tuyệt thơ mộng và đài các giống như những thành phố bên Âu Châu… đã cho tôi những năm tháng vàng của tuổi hoa niên. Vừa qua tôi đọc trên mạng mục quảng cáo. Tôi thích thú lắm. Tôi ngạc nhiên lắm, khi biết được tại Thủ Đô ánh sáng của Paris có một nhà hàng Nhật mới mở và có bán món cơm cuộn với lá của cây Hoa Anh Đào Oshima Zakura. Tôi liền ghé đến để thưởng thức xem món cơm đó như thế nào.

Người chủ nhà hàng là người Nhật đã giới thiệu tôi món cơm đó mà trong thực đơn ghi: “Cơm Onigiri”. Ông chủ quán lộ nét mặt thật vui và nói ra điều mà trước đây gia đình tôi không hề biết:

“Vỏ để cuốn bên ngoài nắm cơm Onigiri, thay vì chúng tôi dùng ‘tảo biển’, chúng tôi đã dùng lá của cây Hoa Anh Đào có tên là Oshima Zakura mà chúng tôi nhập từ Nhật. Lá phải được ướp với muối rồi sau đó sẽ cuốn bên ngoài nắm cơm cho có hình bầu dục. Và, chính giữa nắm cơm có miếng cá hồi tươi và có chút sốt Wasabi.”

Tôi thật sự không ngờ về sự hữu ích của cây hoa mà tôi từng yêu thích nên tôi cứ trố hai con mắt lên nhìn ông. Ngày trước gia đình tôi không hề biết công dụng của lá mà chỉ biết thưởng thức mùi thơm của hoa thôi.

Tôi gắp nắm cơm và nhai thật chậm. Mùi thơm thoang thoảng của hoa và mùi cá hồi tươi làm cho tôi cứ muốn ăn hoài. Món cơm lạ lần đầu tiên tôi ăn, tôi khen thật lòng khi ông chủ nhà hàng đến hỏi tôi:

“Cám ơn ông đã giới thiệu. Quả thật món cơm Onigiri… ngon ơi là ngon.”

Nhìn dĩa cơm tôi chợt nhớ về thành phố nay đã quá xa rồi. Tôi nhớ về ba mẹ tôi cùng cái lâu đài nhỏ. Tôi nhớ về anh và nhớ về những người làm vườn thật thà và hiền hậu. Tất cả đã biến mất hết rồi. Trái tim tôi đập thật mạnh. Thành phố của tôi đã là của dĩ vãng. Có phải vì mùa thu của cuộc đời đã làm cho tôi nhìn lại dĩ vãng qua lăng kính với nhiều màu sắc? Rồi đây quê hương tôi cũng sẽ là dĩ vãng chăng?  Rồi đây thủ đô cũ miền Nam quê hương tôi có bị lá cờ máu của ngoại bang phất phới tung bay thay cho lá cờ máu của hiện tại? Nếu chuyện xảy ra thật, thì, lá cờ máu nào tôi sẽ thấy tốt hơn? Không có lá cờ máu nào hiện diện trên quê hương tôi là tốt hơn cả.

Thời gian bốn mươi sáu năm đi qua… Mới ngày nào đây Thủ Đô của quốc gia Việt Nam Cộng Hòa đã bị lá cờ máu, lá cờ của cướp của cướp nhà cướp đất. Lá cờ của thù hận. Lá cờ của xảo trá. Lá cờ của độc ác và của kỳ thị Nam Bắc… được cắm lên nóc Dinh Độc Lập… đã làm cho tôi – làm cho biết bao triệu người miền Nam phải khóc hận.

Bất giác tôi đưa tay làm dấu thánh giá và cầu xin:

“Xin hãy cho con chết trước khi quê hương con bị hai lá cờ máu cùng hiện diện. Một cái như hiện tại đã bị biết bao thống khổ rồi. Hai cái thì… xin cho con chết trước khi nó xảy đến.”

Sống dưới xã hội Xã Hội Chủ Nghĩa mọi con người bị đảng vắt cạn kiệt sức lao động. Một bài hát rất ‘rùng rợn” của miền Bắc mà tôi không bao giờ quên được đó là bài: Cháu lên ba. “Cháu lên ba cháu vô mẫu giáo. Cô thương cháu thì cháu không khóc nhè. Không khóc nhè để mẹ lên nương rẫy. Cha vào nhà máy, ông bà vui cấy cầy.” Khai thác sức lao động của cả người già thì… chỉ có đảng cộng sản Việt Nam làm. Già rồi nhưng vẫn không được hưởng nhàn mà vẫn phải vui vì được đi cấy cầy thì tàn nhẫn quá.

Tôi nhìn hai nắm cơm Onigiri hình bầu dục còn trên dĩa mà nhớ lại những bữa ăn ngoài trời cùng ba mẹ bên cạnh cây Hoa Anh Đào Oshima Zakura. Tôi nhớ lại những bữa cơm tối êm đềm và hạnh phúc bên ba mẹ và bên anh khi thành phố của Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa còn nguyên vẹn trên bản đồ thế giới; đã làm cho hai khóe mắt của tôi bị ngấn lệ.

Người chủ nhà hàng tuy đang rất bận rộn với khách, nhưng, ông vẫn thỉnh thoảng nhìn về chỗ tôi ngồi. Và, khi ông thấy tôi cứ nhìn chằm chằm hai nắm cơm mà không ăn, ông đi đến tôi. Không để cho ông thắc mắc và cũng không muốn ông biết tôi đang bị xúc động, tôi vội vàng lau mắt và nói ngay khi ông vừa đến bên: “Món cơm Onigiri ngon quá ông ạ. Nhưng… tôi chưa quen với wasabi. Hơi bị nồng một chút nhưng tôi sẽ dần quen thôi. Lát nữa ông cho tôi hai phần cơm Onigiri đem về nhé.” Người chủ nhà hàng cúi đầu và nói cảm ơn rồi quay người đi ra cửa đón chào những người khách mới. Từ bàn những người khách mới đó, ông thường nhìn đến tôi. Tôi nghĩ, ông không tin tôi chưa ăn quen sốt wasabi.

.

Topa (Hòa Lan)

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/cayhoaanhdao.html


Cái Đình - 2023