Topa
Bi kịch
Mùa Noël năm nay, cũng giống như mấy mùa Noël trước, ông Tân không đi dự lễ đêm. Ông buồn chán quá nên suốt đêm ông ngồi uống rượu một mình cho đến khi ông không thể uống được nữa, ông đi ngủ.
Mấy ngày Lễ rồi cũng trôi qua, người ta lại chuẩn bị để đón một năm Dương lịch mới với nhiều niềm vui và hy vọng. Ông Tân không vui nhưng ông có hy vọng. Ông hy vọng sẽ được sống như những ngày êm ấm khi vợ của ông và ông vẫn còn… “cơm lành canh ngọt.”
Ông Tân nhìn lên cái đồng hồ treo tường và nói thầm: “Chỉ còn hai tiếng bảy phút nữa, năm mới sẽ lại đến với mọi người sống trên quả địa cầu này.” Nói rồi ông đi đến cửa sổ và nhìn ra đường. Đêm nay người Hòa Lan sẽ có hai thứ khó có thể thiếu trên bàn. Bánh oliebol và rượu Champagne. Người Việt thì… xôm hơn. Nếu không rượu Champagne thì sẽ là những chai rượu chát đỏ, hoặc rượu mạnh, hoặc bia, và, những món ăn ngon “tuyệt cú mèo”.
Đêm nay ông Tân sẽ đón năm mới lần thứ hai mươi tám tại quê hương tạm dung “đất thấp tình nồng” này. Đêm nay ông Tân sẽ đón năm mới cùng người vợ… tóc không còn xanh mà tình thì cũng không còn nồng nữa. Từ hơn ba năm qua ông Tân không còn như mọi người, ông không còn thấy thích thú với những lễ nghi đón chào mừng năm mới với những niềm tin và những hy vọng. Từ hơn ba năm qua ông đã bỏ hết thú vui và đành phải xa lánh bạn bè vì ông không còn muốn tiếp bạn bè tại nhà nữa. Ông không muốn bạn bè đến nhà là vì vợ ông đã không còn kính nể ông nữa. Vợ của ông sẵn sàng mạt sát ông trước mặt mọi người. Ngoài ra ông cũng không muốn mình phải ngửa tay xin tiền vợ để mua rượu, mặc dù tiền đó do chính ông kiếm được qua công việc kinh doanh. Vợ của ông thường xuyên dày vò đay nghiến ông ngay cả khi bạn bè của ông đang hiện diện trong nhà… thì làm sao ông dám mời bạn bè đến với ông. Vợ ông đã khinh bỉ và coi thường ông ra mặt mỗi khi bà nổi trận lôi đình… cũng vì một lỗi lầm mà ông đã phạm phải do sơ ý.
Những năm đầu tiên khi ông vô ở trong căn nhà này, cứ gần đến giờ chuyển giao qua năm mới là ông đã chuẩn bị xong bữa tiệc để đón bạn bè đến chung vui với vợ chồng ông, để rồi khi đồng hồ gõ mười hai tiếng báo hiệu giờ cuối cùng trong năm, ông khui chai champagne và cùng bạn bè nâng ly chúc mừng một năm mới… với nhiều may mắn và thuận lợi trong công việc. Thời gian đó năm nào ông cũng đốt một tràng pháo dài khoảng mười thước để đón chào ngày đầu năm. Những gia đình cư ngụ chung quanh khu ông ở luôn chờ đón đúng mười hai giờ đêm để ra xem nhà ông đốt pháo. Và, khi tiếng pháo vừa dứt là họ vỗ tay thật lớn rồi đưa ngón cái lên như là lời chúc mừng.
Nhìn ra đường từ cửa phòng làm việc, ông Tân thấy tiêng tiếc là, từ nhiều năm qua thành phố mà ông đang trú ngụ không một lần có tuyết rơi trong tháng cuối cùng của một năm. Không như những năm xa xưa khi ông mới đến tỵ nạn ở đây. Khi đó, mùa đông đến là tuyết rơi trắng xóa trên các mái nhà và các con đường tạo nên cảnh trí thật đẹp như những bức tranh tuyệt đẹp và cũng thật là lãng mạn. Âu Châu vào mùa đông mà không có tuyết thì không đẹp. Nhìn giống như người đàn bà vừa thức dậy sau một đêm ngủ vùi và chưa kịp trang điểm. Mấy ngày trước đây tin thời tiết có thông báo: “Mùa đông trắng sẽ không còn thường xuyên. Nhưng khí hậu thì vẫn lạnh.”
“Không còn tôn trọng nhau thì không thể nào chung sống với nhau được.” Ông Tân nghĩ vậy và ông muốn bỏ nhà ra đi từ lâu rồi. Nhưng, nghĩ mãi mà cho đến nay ông vẫn chưa tìm ra câu giải đáp là, đi đâu? Ông đã năm mươi mốt tuổi, và như vậy ông tự xem như đã quá trễ để được bắt đầu làm lại mọi việc.
Ông Tân quay vô nhìn cái máy computer nhưng ông biết mình sẽ không thể viết được một chữ nào. Đầu óc ông luôn nặng trĩu bao lo âu buồn bực vì người đàn bà và vì nhiều chuyện khác nữa. Ông muốn viết lại câu chuyện về… Những ngày xa xưa lắm, khi đó ông Tân còn kẹt lại quê nhà và ông phải kiếm sống bằng cách buôn bán lặt vặt ngoài chợ trời cho qua ngày và… chờ cơ hội thoát thân. Trong cuộc sống khá chật vật, ông Tân đã gặp một người phụ nữ và yêu rồi lấy người phụ nữ trẻ và đẹp đó. Chung sống với nhau được hai năm, ông Tân cùng vợ vượt biển trong chuyến đi đầu tiên và đã được chiếc tàu Smith Lloyd 104 của Hòa Lan vớt; sau bốn ngày năm đêm trên biển. Người thân thích ruột thịt của ông đi chuyến thứ nhì thì… Chiếc ghe nhỏ nhưng chở quá nhiều người nên bị chìm khi một cơn bão lớn thổi đến.
Ông Tân rời khỏi bàn làm việc và đứng lên. Ông đi tới đi lui trong phòng cho cái đầu bớt căng thẳng. Nhưng, đầu óc ông cứ ngổn ngang bao nỗi lo buồn phiền nên lúc nào mặt của ông cũng như đang nhăn nhó. Đành rằng cơ sở do ông tạo dựng cũng có sự đóng góp công sức của vợ, thế mà nay vợ ông đã nhẫn tâm biến ông thành tên ‘ôsin’. Đang là Giám đốc cơ sở kinh doanh may mặc – tuy nhỏ thôi – nhưng đó là công việc mà ông rất yêu thích. Nhờ công việc này mà ông có dịp đi đến nhiều quốc gia để giao thiệp mua bán. Thế mà nay vợ ông lại giao cho ông công việc nấu ăn giặt giũ quần áo và lau nhà nên tự ái và lòng thù hận của ông mỗi ngày mỗi dâng cao hơn. Ông Tân đã bao lần muốn tự hủy hoại cuộc sống, nhưng vì luật tôn giáo cấm giáo dân tự tử nên ông phải sống trong sự giày vò đau khổ đã hơn ba năm qua.
“Giết nhau đâu bởi chỉ gươm đao. Giết nhau chỉ bởi âu sầu... ác ghê.” Mỗi khi ngồi vào bàn làm việc là ông thường lẩm nhẩm câu ví này mà ông không nhớ đã đọc được trên một tờ báo điện tử nào đó, và rất lấy làm tâm đắc. Ông cho hành động của vợ đối với ông là ác độc.
Ông Tân lại quay nhìn ra đường và rồi ông nhớ lại để rồi hối tiếc vì cái sơ ý tai hại của những ngày ông còn vùng vẫy trên thương trường. Ngày đó, sau một ngày làm việc tại Việt Nam, ông Tân cùng bè bạn đi vũ trường. Đêm đó ông đã bị cô vũ nữ xinh đẹp dùng đủ mọi chiêu thức theo bám ông bởi vì ông chi tiền quá rộng rãi. Trong một lúc ông sơ ý, cô vũ nữ đã lấy được cái visiting card của ông mà ông không hề hay biết. Cô vũ nữ đó đã gọi điện thoại qua bên đây để được gặp ông. Vợ ông bắt máy và giả làm người thư ký… Từ đó định mệnh đã đưa ông đến tình trạng, danh thì bại còn thân thì sống dở chết dở như ngày nay. Tìm cách để trả thù lại người vợ thì ông không muốn. Ông chỉ muốn lặng lẽ lánh đi thật xa để vĩnh viễn không bao giờ gặp lại mặt vợ. Nhưng, đi đâu? Đi đâu? Đó là câu hỏi mà ông chưa có câu trả lời. Bạn bè thì… có lẽ không một ai dám, hay muốn chứa ông vì, một điều chắc chắn là, ông sẽ làm phiền bạn nhiều hơn là làm lợi cho bạn. Người thân thích ruột thịt thì ông cũng không còn một ai, và thế là từ hơn ba năm qua ông cứ lẩn quẩn mãi với ý định mà ông chưa thực hành được. Vợ của ông nghĩ, ông không còn thương yêu gì bà vì hai người đã ngủ riêng từ hơn một năm qua, nhưng, điều đó bà không còn quan tâm mà bà chỉ nghĩ đến đứa con trai và làm sao để kiếm thật nhiều tiền thôi. Còn ông ở trong nhà này là bà còn kiếm ra tiền. Ông mà bỏ đi thì bà sẽ bị khốn đốn ngay. Giấy tờ, sổ sách, và điều hành công việc đều do ông “có ý kiến” nên mọi việc mới được trôi chảy từ bao lâu nay. Tuy nhiên, bà cũng không sợ ông bỏ đi vì bà biết, ông không có chỗ để mà đi. Vì vậy khi nào bực mình bà lại lôi chuyện cũ ra giày vò ông: “Tôi đâu có thể giúp anh sống với con nhỏ đó được. Anh muốn sống với nó mà không được nên lúc nào anh cũng kiếm chuyện với tôi. Anh hứa hẹn gì với nó để nó phôn qua đây tìm anh. Anh phải sống thực tế vì đây là chỗ của anh chứ không phải bên kia. Tôi không ngờ anh đối xử tệ hại với tôi như vậy. Để anh đi làm ăn bên đó chứ đâu phải để anh đi mèo mỡ. Nếu anh không muốn ở đây nữa thì anh cứ việc đi đi, tôi không cần.”
Những lần nghe lời đay nghiến như vậy ông lại nhịn, nên bà càng được trớn hơn. Và, lần hồi điệp khúc đó được đều đặn lập lại mỗi khi bà nổi giận. Càng ngày ông Tân càng trở nên âu sầu và tuyệt vọng hơn.
Chỉ còn khoảng thời gian ngăn ngắn nữa thôi, Vương quốc Hòa Lan sẽ tưng bừng đón năm mới với những tiếng pháo vang dội cả bầu trời. Ông Tân đi đến ngồi trước máy computer và chờ đợi, thì, bất ngờ cánh cửa phòng bật mở làm ông giật nẩy mình lên. Vợ ông xuất hiện và hỏi như viên công an tra hỏi tội phạm:
“Anh viết cái gì đó?”
Hỏi rồi bà đi lại nhìn chăm chăm vô cái màn hình. Ông Tân giận đến điên lên vì thấy sự hỗn láo quá đáng của vợ nên ông đã thẳng tay đấm vô giữa mặt bà một cái đấm thật mạnh. Đây là lần đầu tiên ông Tân đánh vợ. Bất ngờ bị một cái đấm quá mạnh ngay giữa mặt, bà liền bật ngửa ra sau, và, cái đầu của bà đập mạnh vô cái tay cầm bằng sắt của cánh cửa. Bà không kịp la lên một tiếng nào, rồi liền té sấp mặt xuống nền nhà và… bất động. Chỗ bị thương nơi đầu máu chảy ra lênh láng. Và, chỉ dăm ba giây sau thì bà tắt thở. Bây giờ ông Tân mới cuống cuồng lên vì không biết phải làm gì. Ông đập đầu vô tường than khóc rồi ông đi tới đi lui nhìn cái xác mà ông không có một chút gì thương cảm. Ông không muốn bị tù nên ông không nghĩ đến chuyện phải báo cảnh sát, dù rằng sự việc không phải ông cố ý.
Chuông đồng hồ gõ mười hai tiếng. Pháo nổ vang rền cả khu vực ông ở và bầu trời thì sáng rực. Ông Tân không còn tâm trí đâu để mà xem đốt pháo. Ông ngồi nhìn xác vợ. Ông cảm thấy lo và sợ chứ ông không có một chút gì gọi là xúc động hay hối hận. Ông nghĩ, phải giải quyết cái xác này như thế nào cho ổn thỏa bây giờ đây? Vì chưa biết phải làm như thế nào với cái xác, nên ông đi ra vườn mà ông không biết mình đi ra đó để làm gì. Nhìn cái vườn, ông thấy ngổn ngang những thứ ông mua về từ mấy năm trước với ý định đào cái hồ để nuôi cá. Nhìn cái máy bơm để lọc nước cho hồ cá và những vật dụng để xây hồ, ông bỗng nảy ra ý định sẽ chôn cái xác của bà vợ “độc ác” dưới cái hồ cá. Xác được chôn dưới hồ cá thì ít ra ông cũng qua được sự lo lắng và sợ hãi trong một thời gian. Nhưng, phải sớm tìm cách ‘hợp pháp hóa’ về sự biến mất của bà thì mới an toàn. An toàn được đến lúc nào thì hay lúc đó. Phải tính toán thật kỹ mới được. Nếu không khéo để cảnh sát nghi ngờ rồi đến nhà điều tra thì chắn chắn sẽ lòi ra và đi tù. Với kỹ thuật điều tra tiên tiến của thế kỷ thứ hai mươi mốt thì… Ông Tân không dám nghĩ tiếp. Ông sợ mình bị… “thần hồn nát thần tính”.
Công việc đầu tiên ông cần phải làm gấp là, ông đi vô nhà kho lấy cuộn nylon mà ông đã mua từ hơn ba năm trước. Ông có tất cả hai cuộn. Mỗi cuộn dài đến sáu thước và bề ngang một thước mốt, đủ để cho ông ‘gói’ bà vợ lại cho kỹ để khi tiệm bán đồ xây dựng mở cửa là ông sẽ bắt tay vô thực hành kế hoạch ngay. Nghĩ là làm liền. Ông vô nhà kho rồi khệ nệ ôm trước một cuộn đem lên phòng. Ông bắt tay ngay vô việc cuộn cái xác lại cho gọn. Để cho cái xác được kín đáo hơn, ông đi ra nhà kho ôm tiếp cuộn nylon thứ hai và đem lên phòng. Trong khi gói cái xác, ông suy tính đến việc rồi đây phải trả lời làm sao cho hợp lý với thằng con khi lâu quá nó không thấy mặt mẹ nó, mặc dầu có khi cả hai ba tháng nó mới về thăm nhà một lần. Nó đã ra ở riêng với bạn gái của nó từ lâu rồi. Sau đó là những người đàn bà bạn của bả nữa. Riêng việc ký tên chi thu tiền bạc cho khách hàng và ngân hàng, đây không phải là chuyện làm cho ông phải lo nghĩ vì ông vẫn thường ký tên thay cho bà. “Thôi thì cứ từ từ tới đâu sẽ giải quyết tới đó.” Bây giờ cái đầu của ông đang nhức như có ai đó đang búa mạnh vô nên có muốn làm gì thì cũng khó thực hành ngay được.
Sáng sớm ngày đầu tiên của năm mới, ông Tân đi vô nhà kho lấy cuốc, xẻng và cái khoan dài dùng để khoan đặt cột hàng rào. Công việc đào hồ nuôi cá và giấu xác được bắt đầu. Cách phòng khách ba thước rưỡi, ông bắt đầu khoan đất. Ông làm thật nhanh và liên tục không kể giờ giấc. Ông sợ đào hồ chậm thì cái xác sẽ bị rữa.
Cuối cùng, sau ba ngày rưỡi thì cái hồ đã được ông Tân đào xong. Cái hồ hình tròn với đường kính một thước chín mươi phân và sâu ba thước rưỡi. Ông Tân lên lầu nhưng ông không muốn ẵm, không muốn vác, mà kéo cái xác bà vợ xuống dưới nhà rồi kéo ra hồ. Đặt cái xác xuống hồ xong, ông đổ đất lên cao chừng một thước rưỡi. Tiếp đến ông đổ xi măng đã trộn lên lớp đất đó… Cái hồ cá bây giờ còn lại một thước rưỡi chiều cao, đủ để cho nước, cá và cây cảnh. Ba ngày sau khi xi măng đã hoàn toàn khô, ông lót trên nền xi măng tấm nhựa màu đen và dầy mà người Hòa Lan cũng dùng để làm hồ cá.
Đến hôm nay nữa là đúng mười hai ngày. Ông Tân rất hài lòng vì cái hồ cá rộng và đẹp hơn cả sự mong đợi. Cũng may khi trước ông chọn mua căn nhà này vì căn nhà biệt lập. Bên trái căn nhà được ngăn chia bởi hàng rào bằng cây của nhà ông và hàng cây kiểng của nhà hàng xóm. Bên phải là con hẻm, vì vậy mọi vật dụng để xây hồ cá đều được ông đem vô vườn cách dễ dàng. Ông rất yên tâm vì những người chung quanh ông không một ai dòm ngó đến việc ông làm.
Ông Tân đang loay hoay thả sáu con cá mới vừa mua vô hồ thì chuông điện thoại trong túi reo lên. Nhìn vô màn hình của điện thoại, ông Tân nhìn thấy tên người gọi hiện lên, nhưng ông làm như không biết người gọi là ai. Ông lên tiếng:
“Tôi là… Tân đây!”
Từ đầu bên kia một giọng nói trong trẻo của phái nữ vang lên:
“Em chào anh Tân. Em là Luyến đây anh. Anh và chị Thảo khỏe không? Lâu quá em không gặp chị Thảo, chị khỏe không anh?”
Cô Luyến, bạn của vợ ông gọi điện thoại hỏi thăm. Từ ngày… án mạng xảy ra cho đến hôm nay, người đầu tiên tìm vợ ông là cô Luyến này. Ông cố giữ giọng thật bình tĩnh để nói chuyện mặc dù trái tim của ông đang đập loạn xạ,
“Cám ơn cô Luyến. Anh thì… khỏe lắm. Nhưng, bà xã của anh thì hay bị mệt, bị nhức đầu và thường xuyên bị ngất xỉu nên hiện bả đang nghỉ dưỡng sức bên Việt Nam và chưa biết ngày nào bả mới trở về lại bên đây.”
“Ô! Chị đang dưỡng bệnh bên Việt Nam hả anh? Anh biết không, ông xã của em trước khi qua đời cũng bị tình trạng bệnh giống y như chị Thảo đó anh. Đến khi bác sĩ khám phá ra đó là ung thư màng óc thì chỉ độ dăm ba hôm là... đi. Em phôn định mời chị đến em ăn cơm vì lâu quá hai chị em cũng không gặp nhau. Hay là... anh đến ăn với em đi. Em ăn một mình buồn quá anh ạ. Em đã chuẩn bị hết rồi. Thức ăn ngon và nhiều lắm anh à.”
Ông Tân ngập ngừng một lúc rồi trả lời:
“Thôi… để lần khác được không cô Luyến?”
“Lần khác hả? Lần khác là lần nào anh? Biết bao giờ anh mới đến nhà em mà anh cứ hẹn hoài. Hơn nữa thức ăn có hơi nhiều. Anh đến ăn… giùm em đi anh.”
Ông Tân đang mệt vì dọn dẹp và nghĩ, lát nữa ông lại phải nấu ăn, nên ông nói:
“ Ừ... cũng được, anh sẽ đến… ăn với em.”
“Vậy tối nay sáu giờ anh Tân có mặt nhé. Sớm hơn càng tốt chứ không có gì trở ngại đâu anh.”
“... Ừ, thì… anh sẽ cố gắng đến sớm.”
Đút cái điện thoại vô lại túi quần, ông Tân đứng nhìn cái hồ cá và nghĩ về Luyến. Cô Luyến hiện nay mới ngoài ba mươi tuổi. Lập gia đình được hai năm thì chồng qua đời. Hai vợ chồng Luyến chưa có con và Luyến ở vậy đến nay cũng khoảng hơn năm rồi. Luyến cũng đang để ý tìm chọn người bạn đời tiếp nối, nhưng, những người trẻ tuổi thì không ai dám xung phong vì đa số sự nghiệp chưa vững chắc. Và, một điều chắc chắn là, họ e ngại bởi Luyến rất giỏi kinh doanh và có trình độ học vấn cao. Những người lớn tuổi hơn thì đều đã có gia đình. Luyến tuy qua lại như chị em ruột với Thảo, nhưng xem ra Luyến cũng không thích hợp với Thảo lắm. Tính tình của Thảo hay xét nét hay bình phẩm mọi người từng li từng tí một nên Luyến đến với Thảo cũng chỉ thuần về chuyện kinh doanh thôi.
Năm giờ năm mươi lăm phút, ông Tân được Luyến tiếp đón ngay cửa với nụ cười thật rạng rỡ:
“Em có làm thêm món mì Quảng mà anh thích. Hy vọng là anh sẽ thấy ngon miệng.”
Ông Tân nói nịnh:
“Ừ... anh biết Luyến nấu ăn ngon lắm.”
“Anh… Anh đã ăn ở đây lần nào đâu mà anh biết em nấu ăn ngon.”
Khi nói câu đó Luyến trề cái môi dưới ra trông thật là có duyên.
“Thì anh nghe Thảo kể lại sau mỗi lần đến đây.”
“Mấy lần đó em đều có mời anh đến luôn đó chứ. Nhưng chị Thảo nói anh bận vả lại anh không thích đi ăn ở ngoài.”
Ông Tân cay đắng khi nghe Luyến nói. Thì ra bà xã ông cũng tước đoạt luôn cái thú vui của ông là giao tiếp với mọi người. Hay là bà ấy lại ghen luôn với cả những người bạn của bả?
“Anh suy nghĩ gì vậy? Anh lo cho chị Thảo nhiều quá thì cũng chẳng giải quyết được gì. Cố vui lên để thấy đời là đẹp và để bữa ăn tối nay anh thấy được ngon miệng chứ.”
Ông Tân thả lời thăm dò:
“Anh nghĩ Thảo... chắc không qua khỏi em à. Hồi chiều anh muốn nói sự thật cho em nghe… nhưng lại thôi. Luyến biết không, bà xã của anh bị bệnh y như chồng của em khi xưa vậy. Hiện tại thì bà bị hành hạ đau đớn từng giây từng phút mà chưa biết chừng nào... đi. Anh nghĩ, nếu Thảo qua đời sớm thì có lẽ sướng hơn em à. Sống mà cứ bị hành hạ đau đớn và không đi đâu hay tự làm việc gì cho bản thân được thì... cũng tội chứ. Phải vậy không Luyến?”
“Thế sao anh không đem chị về đây?”
“Bà ấy... muốn chết ở quê nhà nên không chịu về lại đây nữa.”
Luyến gật gật cái đầu ra điều thông hiểu. Luyến nói:
“Mọi người rồi thì ai cũng phải tuần tự đến phiên thôi. Tình trạng của chị Thảo thì cũng nên ‘đi’ sớm cho khỏi đau đớn thể xác và khỏi làm khổ người sống. Nếu chị ấy phải ở luôn bên đấy thì mỗi ngày anh cứ ghé đây ăn cơm với em cho vui. Anh ăn một mình có lẽ cũng buồn, vả lại ăn những thức ăn làm sẵn để trong tủ đông thì không ngon lắm và cũng không bổ dưỡng gì cả đâu.”
Ông Tân nhìn cặp mắt của Luyến khi nói câu đó ông biết nàng có một ý khác nữa. Trong lúc này ông cũng cần có một người ở bên cạnh để bớt suy nghĩ và bớt lo lắng. Đến hôm nay ông đã nói với những người khách hàng hỏi thăm bà vợ ông là bà đang trị bệnh ở Việt Nam. Nhờ vậy mà không còn ai thắc mắc về sự vắng mặt lâu ngày của bà nữa. Nhưng, liệu rồi chuyện này sẽ kéo dài được bao lâu. Phải tìm một cái xác nào đó bên Việt Nam có cùng tên cùng tuổi rồi “mua” để hợp thức hóa đối với cảnh sát tại địa phương về sau này. Ở Việt Nam thì vấn đề này không khó lắm, chỉ cần có tiền và cần thời gian là tìm được.
Thấy ông Tân im lặng lâu nên Luyến tưởng ông ngại. Luyến nói:
“Anh Tân đừng ngại gì cả. Mình xem nhau như người trong nhà cả mà. Vả lại… chắc không ai rảnh rỗi gì mà để ý đến chuyện anh đến ăn cơm ở đây. Nếu họ có nghĩ gì thì cũng mặc kệ họ, hơi sức đâu mà anh sợ họ dị nghị chứ.”
Ông Tân vừa gật đầu vừa cười tươi như mở hội trong lòng:
“Luyến nói rất đúng. Hơi sức đâu mà để ý đến dư luận chứ.”
Ông Tân biết Luyến rất cởi mở với mọi người và với Thảo. Có lần Thảo nói: ‘Em cũng để ý tìm cho chị Luyến một người đàng hoàng trong giới bè bạn, nhưng ông nào cũng có gia đình cả rồi. Còn bạn bè mới quen biết sau này bên quê nhà thì em không biết rành về họ lắm, nên không dám giới thiệu.”
Ông Tân đề nghị:
“Từ chiều ngày mai anh sẽ đến ăn cơm với em. Anh sẽ phụ đóng...”
“Thôi nhe! Đừng có nói chuyện tiền bạc gì với em hết nhe. Có anh đến ăn chung là em vui rồi. Ăn một mình hoài vừa buồn vừa chán thấy bà đi. Nếu anh muốn ăn món gì thì cứ tự nhiên nói cho em biết chứ đừng ngại gì hết nghe anh?”
Ông Tân gật đầu và cùng Luyến đi đến bàn ăn.
***
Hơn mười tháng lặng lẽ trôi qua kể từ khi ông Tân qua lại với Luyến. Sự gần gũi đã đưa hai người cùng đi đến quyết định chung sống với nhau gần như là vợ chồng. Luyến nghĩ, Thảo sẽ mau qua đời nên mình phải chuẩn bị sẵn sàng mọi chuyện để công khai cho bạn bè và người thân thuộc biết. Luyến không ngờ hơn mười tháng trôi qua rồi mà Thảo vẫn còn sống. Nhân dịp sắp đến Tết Dương lịch, nên Luyến đề nghị:
“Anh Tân à, anh thu xếp để cùng em về Việt Nam một chuyến. Em muốn thăm gia đình của em mà lâu rồi em chưa về thăm. Nhân dịp này anh đưa em đến thăm chị Thảo để xem tình trạng của chị ấy ra sao. Anh thấy có gì làm cho anh phải khó nghĩ không?”
Ông Tân làm vẻ mặt như hớn hở:
“Anh cũng định… đưa em về Việt Nam nhân tiện anh đến thăm Thảo luôn. Nay em tính như vậy thì thuận lợi quá chứ có gì mà khó nghĩ đâu.”
Sáng sớm ngày hôm sau ông Tân trở về nhà, Và, trước khi đi làm việc, ông gởi điện thư về Việt Nam cho một người bạn rất thân mà ông từng giúp đỡ khi còn làm ăn với trong nước. Ba tiếng sau, ông Tân nhận được email hồi âm với nội dung:
“Công việc mà anh Tân nhờ rất khó ở bên đó. Nhưng, với bên này thì không có gì mà không làm được. Anh cũng biết là, ở bên này hễ có tiền người ta mua tiên còn được. Chứ… ba cái chuyện lẻ tẻ đó thì… xong ngay thôi.”
Ông Tân xoa hai tay vô với nhau và lộ rõ nét hớn hở ra trên mặt. Ông nghĩ: “Sau khi từ Việt Nam trở về lại đây thì mọi chuyện có lẽ cũng xong xuôi. Khi mọi chuyện giải quyết đâu vô đó rồi, mình sẽ chính thức chung sống với Luyến. Luyến là người đàn bà trên cả… tuyệt vời. Mình có… căn tu nên mới gặp được Luyến.”
***
Những ngày cuối năm trên quê hương tuy không có tuyết nhưng thời tiết khá mát mẻ làm cho mọi người đang đi trên đường phố luôn vui cười trò chuyện hớn hở. Đêm nay là đúng một năm chuyện sóng gió trong gia đình ông Tân êm đềm trôi qua. Đêm nay, ở nơi đây sẽ không có pháo đốt mừng năm mới. Nhưng, trong lòng ông Tân lại như có pháo nổ tưng bừng vì hạnh phúc mà Luyến đã đem lại cho ông. Năm mới lại đến làm ông nhớ lại cảnh rùng rợn đã xảy ra gần một năm trước đây đã biến ông trở thành tên sát nhân. Cũng may là con ông đi làm ở nước ngoài nên, có lẽ vì công việc hay vì ham làm mà nó chỉ viết thư về thăm hỏi, vì vậy mà ông vẫn còn trì hoãn được. Rồi đây mọi chuyện sẽ trôi qua êm đẹp cho đến khi nào… hồ cá tự nhiên nổ tung lên thì khi đó cái xác mới bị phát giác.
Đến nay ông Tân và Luyến về Việt Nam đã được sáu ngày. Hôm nay là ngày cuối trên quê hương. Ngày mai, ngày đầu tiên của năm mới hai người sẽ rời Việt Nam và đi chuyến bay lúc tám giờ sáng vì muốn ghé Thái Lan chơi ít ngày. Ông Tân nhìn Luyến đang chải tóc. Mái tóc mềm mại của Luyến thả dài qua bờ vai. Mái tóc đen tuyền màu tự nhiên mà ông rất thích. Ông thường âu yếm vuốt lên mái tóc đó. Mỗi lần vuốt là mỗi lần ông thầm thì cám ơn Thượng Đế. Chải tóc xong, Luyến đứng phắt dậy làm như vừa nhớ ra điều gì. Luyến lấy từ trong tủ lạnh ra một chai nước nhỏ bằng một phần năm lít. Luyến cầm chai nước và nói:
“Suýt chút là em quên chai nước này.”
Luyến đưa chai nước nhỏ ra trước mặt ông Tân rồi nói tiếp:
“Vì chai nước nhỏ này mà mấy ngày qua người nhà của em đã khổ công tìm kiếm mới tìm ra ông thầy thuốc Đông Y… nổi tiếng nhất Sàigòn. Đây không phải là thuốc mà là một hỗn hợp được pha chế bởi ba thứ là, cam pha với mật ong và gốc của cây quế thật già. Ông thầy thuốc nói, khi uống vô thì người bị hành đau đớn sẽ cảm thấy mát trong người và giảm đau ngay. Người bình thường uống vô sẽ ăn ngon ngủ yên thẳng giấc và tăng thêm sức lực. Em đã uống thử và… công hiệu vô cùng anh Tân à. Hôm nay em muốn biếu chị Thảo chai nước uống cho giảm đau đớn. Nếu thấy công hiệu thì người nhà của em sẽ mỗi tuần đem đến cho chị một lần là bảy chai. ”
Ông Tân cảm thấy lo nhưng liền trấn tĩnh và nói:
“ Nhưng… Anh phải nói điều này để em thông cảm cho bà ấy là, bà bị đau đớn thể xác đến nỗi nhan sắc bây giờ quá tàn tạ nên mặc cảm em à. Bà ấy không muốn gặp bất cứ người nào cả, ngoài bác sĩ và nhân viên y tế. Nhiều lúc anh muốn đến thăm mà bả cũng không muốn cho nữa.”
Luyến mỉm cười như thông cảm. Luyến nói như có ý lo cho Thảo:
“Em hiểu mà anh Tân. Anh cứ lên hỏi chị trước. Nếu chị ấy đồng ý cho em lên gặp thì em mới lên, còn chị ấy không đồng ý thì anh đưa cho chị chai nước và nói là em gởi chị uống cho bớt đau.”
Ông Tân nhìn Luyến với ánh mắt trìu mến thương yêu. Ông không ngờ Luyến
lại có lòng tốt với bạn chứ không như người đàn bà...
***
Ông Tân và Luyến đang trên đường đến căn nhà mà ông đã hỏi mượn người bạn để cho vở kịch được hoàn toàn như kế hoạch. Theo kế hoạch đã định trước thì, từ sáu giờ bạn của ông đưa vợ con đi ăn tiệm và sau đó đi phố xem đốt pháo bông mừng năm mới Dương lịch. Từ sáu giờ chiều cho đến mười hai giờ đêm ông Tân được toàn quyền sử dụng căn nhà. Ông Tân sẽ đưa Luyến đến căn nhà của người bạn và sau đó nói là Thảo không muốn tiếp bất cứ người nào cả là... xong. Người bạn của ông cũng đã lo cho ông một việc quan trọng theo kế hoạch mà ông đã nhờ. Một người “có thẩm quyền” sẽ làm giấy báo tử đúng tên đúng tuổi của Thảo và có con dấu chứng nhận. Vị này tuyên bố “chuyện dễ như… lấy đồ từ trong túi ra và chắc ăn như… bắp.”
Trên đường phố lúc này rất nhiều người đã ra đường. Thiên hạ vui mừng hớn hở lộ ra trên từng khuôn mặt… để tiễn năm cũ qua đi với nhiều lo âu trong cuộc sống và chào đón một năm mới với nhiều niềm tin yêu và hy vọng… mà chỉ một chút nữa sẽ đến với mọi người. Có rất nhiều khách du lịch Tây phương đang vừa đi vừa ca hát cười nói vui vẻ làm ông Tân cũng cảm thấy yêu đời hơn. Ông hy vọng là sang năm mới mọi chuyện sẽ diễn tiến thuận lợi để cái xác của bà vợ hung dữ nằm im đó cho đến… ngàn thu. Ông quay qua ôm chặt Luyến và đặt lên môi nàng một cái hôn. Ông rất yêu Luyến vì nàng luôn chìu chuộng và lo cho ông không thiếu một thứ gì. Nhứt là, Luyến không bao giờ lớn tiếng với ông dù nhiều lúc ông bực mình vì cái xác nằm dưới hồ cứ ám ảnh ông làm cho cái mặt của ông cau có cứ như là đang giận lắm vậy. Từ ngày ăn cơm ở nhà Luyến, ông không muốn về nhà ngủ vì sợ. Lần đầu ông xin Luyến cho ông ngủ ở bộ băng ghế trong phòng khách. Và, đêm hôm đó đã đưa ông và Luyến đến… ngày hôm nay. Ông vui mừng vì sau ngày hôm nay ông sẽ nhận được giấy tờ báo tử của người đàn bà mà mỗi khi nhớ đến ông vẫn còn rùng mình vì sợ.
Khi Luyến và ông bước vô trong căn nhà có ba tầng lầu mà Luyến tin Thảo đang nằm trị bệnh. Luyến nói:
“Anh lên thăm chị và hỏi xem chị có cho em lên thăm chị không nhé.”
Luyến lấy từ trong giỏ xách tay ra chai nước màu vàng có lợn cợn xác của ruột trái cam và căn dặn:
“Anh nhớ cho chị uống liền nhé. Vị đông y bảo đảm là sẽ công hiệu liền đó.”
Ông Tân đón chai nước và cúi hôn lên môi Luyến rồi ông đi thẳng lên lầu. Đến trước căn phòng ở tầng một, ông Tân mở cửa và bước hẳn vô bên trong. Ông đứng nhìn chai nước rồi nói thầm:
“Luyến tốt thật! Người như vậy thì chắc chắn sẽ đem lại cho mình hạnh phúc thật sự chứ không như cái mụ vợ chỉ biết ghen bóng ghen gió rồi tìm đủ cách để trả thù mình. Thôi, dù sao thì tôi cũng xin... bà đừng ghen với Luyến nhé. Chuyện năm trước chẳng qua chỉ là rủi ro chứ tôi nào cố tình. Bây giờ có lẽ bà cũng đã hiểu chuyện bà ghen là vô lý rồi phải không. Mấy con nhỏ đó làm sao bằng... bà mà bà lại ghen và trù dập tôi tơi bời hoa lá như vậy chứ.”
Nói lẩm nhẩm một mình xong, sẵn cũng đang khát, ông Tân mở nút chai nước cam và uống một hơi cạn chai nước rồi bước ra cửa. Trước khi đóng cửa phòng, ông nói vọng vô trong như nói với người vợ đang nằm ở trong đó. Ông nói lớn tiếng cốt để cho Luyến nghe được:
“Thôi tôi đi nghe bà. Chai nước coi vậy mà công hiệu quá hả bà. Thôi tôi đi nha. Hẹn gặp lại bà.”
Ông Tân nhìn xuống phòng khách thì thấy Luyến cũng vừa xếp tờ quảng cáo mà chủ nhà đã đặt sẵn trên bàn. Luyến ngước mặt lên nhìn ông với đôi mắt thật tình tứ nhưng không có vẻ gì là nghi ngờ ông đang đóng kịch. Khi ông Tân đến gần bên, Luyến hỏi:
“Cho chị uống rồi hả anh?”
Ông Tân vòng tay ôm ngang eo của Luyến và trả lời:
“Xong rồi em! Nước công hiệu thật em à. Mới uống vô mà bả đã cảm thấy như không còn đau đớn gì nữa.”
Luyến nhìn ông Tân với ánh mắt ngạc nhiên nhưng không nói không hỏi. Luyến nghĩ ông Tân nói cho Luyến vui thôi. Vì, hai tiếng nữa Thảo mới hết đau đớn… vĩnh viễn. Chai nước đó có thuốc diệt cỏ Paraquat là hóa chất cực độc mà chính tay Luyến pha vô chai nước thì không bao giờ có chuyện “mới uống vô mà bà đã cảm thấy như không còn đau đớn gì nữa.”
Luyến đã tìm hiểu về loại thuốc độc Cyanide. Nhưng, nếu Luyến tìm mua loại này thì có thể kế hoạch sẽ bị lộ ngay. Việt Kiều về đây mà tự tìm mua hay nhờ người mua giúp Cyanide thì chắc là ‘có vấn đề’. Nghĩ vậy nên Luyến phải tìm mua thuốc diệt cỏ Paraquat để… diệt cỏ. Theo Luyến tự tìm hiểu thì được biết, loại thuốc này rất độc nên nhà cầm quyền Việt Nam đã cấm từ lâu rồi. Nhưng, cấm là cấm đối với những người không có tiền thôi. Người bán thuốc này đã đòi giá rất cao, mà giá thật là bao nhiêu thì Luyến không cần biết. Luyến phải mua vì rất đúng bài bản. Khi uống phải paraquat thì người uống sẽ bị nôn rất nhiều. Bị đau rát và viêm loét cổ họng… trong vòng hai tiếng chất độc sẽ ngấm vô máu hút vô phổi và phổi bị xơ cứng rồi… đi luôn. Luyến phải mua loại thuốc độc này cho Thảo uống vì, thứ thuốc độc này là đúng với bệnh trạng hiện tại của Thảo nên sẽ không một ai nghi ngờ.
Trên đường trở về khách sạn, Luyến nhìn ông Tân và phân vân không biết có nên nói thật cho ông biết hay không. Nếu nói thì sẽ nói làm sao cho ông hiếu? Luyến nghĩ câu phải nói sẽ là: “Em nói điều này xin anh thông cảm và hiểu cho em nhé. Em vì yêu anh nên không thể kéo dài cuộc sống không chính thức bên anh vì vậy em đã “giúp” chị ấy “đi” mau hơn. Vì, trước sau rồi chị ấy cũng phải “đi” chứ không phải em có ác ý với chị ấy đâu. Em đã bỏ thuốc độc diệt cỏ vô chai nước cam cho chị ấy uống. Sáng sớm ngày mai khi hai đứa mình rời khỏi nơi đây thì lúc đó cảnh sát có phát giác ra chị ấy bị đầu độc thì tụi mình cũng đã... đi xa rồi.”
Nhưng, Luyến nghĩ lại là không nên nói điều đó với ông Tân lúc này. Vì, có thể ông sẽ nghĩ Luyến có thủ đoạn thâm sâu và sợ Luyến về sau này: “Hay nhứt là mình đừng nói gì cả. Chẳng ai khám nghiệm xác của người bệnh ung thư làm gì… cho mất thì giờ.” Luyến nghĩ vậy.
Luyến quay mặt nhìn ông Tân và hỏi:
“Sắp đến giờ đốt pháo bông chưa anh?”
Ông Tân đưa cái tay đeo đồng hồ lên nhìn và nói:
“Còn đến hai tiếng bảy phút nữa… em à.”
Nói xong câu nói đó, ông Tân cũng vừa chợt nhớ đến buổi tối xảy ra chuyện ông vô tình làm vợ chết. Tối hôm đó cũng… đúng hai tiếng bảy phút sẽ bước qua năm mới như buổi tối hôm nay. Ông Tân mỉm cười vì cho sự trùng hợp này là một sự lý thú. Lần trước cũng thời gian này thì xảy ra tang tóc. Hôm nay thì… hạnh phúc sẽ thật sự đến với ông cùng người đàn bà mà ông luôn luôn khen ngợi. Chợt nhớ đến đêm nay sẽ là năm Dương lịch đầu tiên của ông và người sẽ là vợ của ông. Ông đề nghị:
“Còn đến hai tiếng bảy phút nữa… Mình đi bộ dọc theo đường Lê Lợi rồi vô Thương xá Tax xem người ta buôn bán. Nhân tiện anh cũng muốn mua một món quà tặng em kỷ niệm nhân ngày đầu năm. Sau đó mình sẽ đi ăn chút gì đó rồi về khách sạn. Em đồng ý chứ?”
Luyến gật đầu. Luyến không trả lời câu hỏi chỉ vì trong lòng Luyến thấy vô cùng hạnh phúc và thật mãn nguyện về ông.
Đi trong Thương xá được gần một tiếng thì ông Tân cảm thấy rất khó chịu trong người; ông cảm thấy khó thở quá nên muốn trở về khách sạn ngay. Khi về đến khách sạn Luyến nói:
“Anh lên phòng trước nha, em muốn điện thoại về nhà một chút rồi sẽ lên sau.”
Ông Tân bước vô thang máy để lên phòng với thái độ thật vội vã. Ông vừa bước đi vừa ôm lấy cổ họng. Ông nghĩ, có lẽ vì không khí không trong lành nên ông bị đau cổ. Khi vô đến trong phòng, ông Tân vội vã đi vô nhà tắm đến quên cả đóng cửa phòng ngủ và phòng tắm. Trước mắt ông bỗng như có lớp sương mù trắng và dầy đặc làm cho ông không thể nhìn rõ chung quanh. Ông muốn thở sâu một cái, nhưng nhịp thở nghẹn lại và ông thấy thật sự khó khăn để làm việc đó. Đầu của ông gần như bị tê liệt làm cho ông không thể nghĩ ngợi được điều gì nữa. Cái miệng của ông thì như người bị chết khát vì khô ran. Ông cố gắng nuốt một chút nước bọt từ lợi thì một cơn buồn nôn cực độ dâng lên. Ông ngã xuống cạnh cái bồn cầu. Dù cho cổ họng khô ran nhưng lúc này nước miếng liên hồi trào ra từ miệng. Cơn buồn nôn kinh khủng lại trào lên từ bụng dưới và, ông đã nôn ói liên tục. Mặc dù cố sức thở nhưng ông không thu được nhiều không khí, cảm giác như không khí không đi qua mũi hay miệng mà chỉ thấm qua lỗ tai. Một cơn đau kịch liệt bóp nghẹt trái tim ông. Ông cảm được mạch máu ở thái dương căng phồng và chạy rần rật. Khi nhắm mắt, ông cảm thấy vô cùng hoảng sợ, như thể ông bị kéo với vận tốc cực nhanh và cực mạnh vô một khoảng không gian rộng bao la rồi bất ngờ rơi xuống một vùng nước xoáy giữa đại dương. Ông chới với và hoảng hốt đưa hai tay ra phía trước quờ quạng như muốn nắm lấy bất một vật nào đó. Hơi nóng ẩm ướt lan tỏa khắp người ông, và, từng đợt nóng lạnh cứ luân chuyển trong cơ thể ông. Trong đầu, trong cổ họng, trong tim, trong bụng… làm cho ông bị đau đớn vô cùng. Ông muốn gọi Luyến nhưng cổ họng như bị chận lại, không phát ra nổi lời nào vì ông vẫn nôn liên tục. Ông nằm im và cố hít không khí để thở. Nhưng, hai cánh tay của ông đã từ từ buông xuôi…
Ông nằm im bất động.
Điện thoại xong Luyến đi lên phòng. Thấy phòng không đóng cửa Luyến đi thẳng vô trong. Nhìn quanh không thấy ông Tân đâu, Luyến nghĩ ông trong nhà tắm. Luyến mở truyền hình lên xem cảnh thiên hạ đi ngoài đường chờ đón xem đốt pháo bông sẽ xảy ra chỉ trong mười mấy phút nữa thôi. Thiên hạ đang vui mà Luyến cũng vui nữa. Luyến vui không chỉ vì cái đồng hồ mắc tiền ông Tân vừa mua tặng trong Thương xá Tax, mà vui vì mai đây khi về lại bên kia rồi, ông Tân và Luyến sẽ công khai chung sống với nhau mà không sợ bạn bè hay những người quen biết dị nghị là Luyến cướp chồng bạn.
Bây giờ là mười hai giờ kém ba phút. Còn ba phút nữa là đến giờ bước qua năm mới. “Ông Tân làm gì trong phòng tắm gần cả giờ đồng hồ rồi mà vẫn chưa ra?” Luyến nghĩ vậy và đứng lên đi đến phòng tắm gõ cửa. Nhưng, không một tiếng động nào bên trong phát ra. Vì cánh cửa phòng tắm mở hé nên Luyến đẩy cửa nhìn vô trong. Luyến đứng chết lặng nhìn quang cảnh trong phòng tắm mà không tin ở hai con mắt của mình. Mùi cam và quế xông lên nồng nặc làm cho Luyến chợt hiểu ra nguyên nhân. Nhất là khi nhìn thấy những thứ thức ăn mà ông Tân ăn lúc chiều thì giờ đây đã tuôn ra xung quanh chỗ ông nằm. Luyến không hiểu nổi tại sao ông Tân lại uống chai nước đó mà không để Thảo uống. Hèn gì khi ông Tân từ trong phòng của Thảo đi ra, Luyến đã ngửi được mùi quế nhưng lại cứ tưởng ông Tân vì mở chai nước cho Thảo uống và làm nước văng vô áo của ông. Đứng nhìn… xác ông Tân một lúc. Luyến hiểu mình phải làm những điều cần thiết nào trước tiên. Luyến bình tĩnh đi trở ra phòng ngủ và gọi xuống phòng tiếp tân khách sạn:
“Dạ phòng tiếp tân chúng tôi nghe.”
“Tôi gọi từ phòng 205. Tôi xin báo là, chúng tôi sẽ ở đây thêm ba ngày nữa vì sáng ngày mai tôi có công chuyện cần giải quyết ở Vũng Tàu. Xin cho người đem passport của tôi lên phòng. Có thể sáng ngày mai tôi sẽ đi Vũng Tàu sớm.”
“Dạ, chúng tôi sẽ cho người đem passport của bà lên ngay.”
Và, ngay sau khi nhận được giấy tờ, Luyến đã bỏ tất cả vật dụng cũng như quần áo lại phòng và chỉ ra đi với những giấy tờ cần thiết thôi.
***
Luyến thoát khỏi Việt Nam và trở về nhà an toàn. Từ ngày về đến nay, Luyến hạn chế giao thiệp với những người không phải là người thân. Luyến cũng không muốn đọc tin tức trên mạng vì, ngay ngày về đến nhà, Luyến đã dẹp cái computer để không phải nhìn đến nó nữa. Luyến không muốn đọc tin tức xem công an Việt Nam đã làm gì với cái xác của ông Tân và không người nhận. Luyến cũng không muốn biết công an Việt Nam đã điều tra ra sao và có truy nã thủ phạm hay không. Luyến nghĩ, “Dù gì thì chai nước đó cũng do chính mình pha chế. Hơn nữa mình đã bỏ khách sạn ra đi như tên tội phạm trốn chạy ngay trong đêm giao thừa khi xảy ra sự việc.” Luyến đã rời khỏi khách sạn như người đi xem thành phố về đêm. Vì, Luyến đi nhưng không đem theo bất cứ vật gì bên mình, kể cả cái bóp đeo vai luôn luôn bên Luyến mỗi khi đi ra đường. Mấy người nhân viên trực và bảo vệ khách sạn đã chào khi nhìn thấy Luyến đi.
Luyến rời khỏi Việt Nam vào sáng sớm ngày hôm sau. Dù Luyến không trực tiếp gây ra cái chết của ông Tân, nhưng, tình thì ngay nhưng lý lại gian… nên cũng đủ cho Luyến kẹt lại Việt Nam không biết là bao lâu và tốn không biết bao nhiêu là tiền để lo lót. Chuyện này mà đổ bể ở Việt Nam thì các cán bộ chấp pháp và các cán bộ tòa án sẽ mừng lắm.
Luyến cũng thường xuyên nghĩ về Thảo. Không hiểu Thảo đã biết tin ông Tân chưa? Ông Tân không còn thì ai sẽ là người lo cho Thảo? Có một điều mà Luyến không thể nào hiểu được là, tại sao ông Tân lại uống chai nước có thuốc độc? Đó chính là điều đã làm cho Luyến thắc mắc đến mang bệnh mất ngủ. Và, hai năm sau Luyến mới có được lời giải khi đứa con của ông Tân bán căn nhà. Người chủ mới muốn làm lại cái phòng khách cho dài thêm ba thước và dẹp cái hồ cá. Thợ xây dựng khi đào để làm móng làm nền và đã phát giác…
***
Mỗi khi nhớ lại chuyện cũ, Luyến vẫn bị rùng mình vì thấy: “Mình thật may mắn. Việt Nam là quốc gia có nạn làm tiền, có nạn ăn hối lộ nhứt nhì thế giới mà mình đã thoát được thì vĩnh viễn mình sẽ không bao giờ dám trở lại, dù chỉ là quá cảnh. Phòng ngừa trước những bất trắc có thể xảy đến vẫn tốt hơn.”
Cho đến ngày từ giã cuộc đời nơi cõi tạm này, Luyến vẫn một mực quả quyết: “Chính tôi bị gạt mà không biết. Nếu tôi lấy hắn thì không biết khi nào đó tôi sẽ bị hắn cho “đi”. Nếu hắn còn sống, thì sẽ còn những người đàn bà sau tôi tiếp tục bị giết. Hắn là tên sát nhân lạnh lùng nhờ có dáng vẻ trí thức và cũng đẹp người nữa”.
Topa (Hòa Lan)
topahoalan1@gmail.com
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/bikich.html