nguyễn như mÂy


Biệt thự trên đồi

   

   

<=== Tranh Nguyễn Văn Chung

   

Đầu mùa thu năm 1984, với một số tiền nho nhỏ, tôi trở thành chủ nhân ông của ngôi biệt thự bốn mùa lồng lộng trăng và gió núi mây ngàn. Biệt thự được xây trên đỉnh một ngọn đồi hoang (cao khoảng gần trăm mét) mọc toàn cỏ dại xanh rì. Tuy biệt thự không đầy đủ tiện nghi nhưng ở đây bốn mùa đầy trăng và gió núi mây ngàn rất thơ mộng, hợp với tâm hồn lãng đãng của tôi. Có thể nói rằng không nơi nào trên thế giới có được một “biệt thự” đẹp như thế này. Ngay dưới chân đồi là đưỡng quốc lộ 28B chạy  từ Phan Thiết lên Đà Lạt (160 km) qua ngã Lương Sơn của huyện Bắc Bình. Ở đồi bên kia đường lộ có đèo Đại Ninh tuy không cao nhưng khá nguy hiểm nếu gặp hôm trời mưa to gió lớn. Từ đây, qua ống dòm, tôi có thể nhìn thấy Phan Thiết ở tận cõi xa mờ.

Anh Ka Chót, một tay đi rừng dày dạn trong vùng đã giúp tôi có được một nơi “week-end” đẹp và thơ mộng nhất. Tôi chỉ nói ý chính về hình dáng ngôi nhà giống như cái chòi giữ rẫy của nhà anh và đưa anh mấy tháng lương của mình rồi về. Hơn 10 ngày sau, anh nhắn tôi lên làm lễ khánh thành ngôi biệt thự.

Anh mua nhiều rượu cần, lo cả một con nai tơ quay lửa than, cơm gạo lúa mới và nhiều món ăn chế biến từ khoai sắn trên rẫy, ngoài ra, anh còn rủ bốn bạn gái mới lớn của thôn anh tới say trọn một đêm múa hát cồng chiêng bên đống lửa rừng đốt toàn bằng tre lồ ô. Anh đã “ngoại giao” thêm vài bạn dân tộc Chăm đem đầy đủ một dàn trống kèn từ Phan Rang vào. Thấy bạn bè đông, tôi hỏi chỗ đâu ngủ cho đủ thì Ka Chót “phê” tôi ngay:

– Trời ơi! Bọn tui là dân núi rừng mà lo cái gì! Chỗ nào ngả lưng được thì đó là giường nằm mà...

Đứng dưới đường quốc lộ nhìn lên, ai cũng thấy biệt thự đỏ rực lửa rừng trong tiếng trống kèn, ca hát bập bùng dưới ánh trăng tròn giá lạnh. Gọi là biệt thự chứ thật ra đó là một cái chòi rộng vài mét vuông cách mặt đất khoảng hai mét – ở dưới là nền cỏ xanh có thể trải chiếu ngủ... Biệt thự làm hoàn toàn bằng tranh tre nứa lá với một bếp lửa hồng đặt giữa sàn nhà trên tấm tôn dày. Ka Chót cùng đám thợ của làng đã thi đua ngày đêm để thực hiện xong cho kịp đêm trăng tròn.

Theo tập tục của bà con miền núi khi “ăn nhà mới”, tôi nhẹ nhàng bước lên nhà sàn trước trong vai trò chủ nhà với trên hai tay là hai ché rượu cần có cắm sẵn hai gié lúa rẫy tượng trưng sự sung túc mùa màng. Rồi tất cả đều lên ngồi uống rượu, múa hát quanh bếp lửa khi chiều đang xuống dần... Từ đó, cứ sáng thứ bảy là tôi chạy xe lên với nhiều gạo, mắm, cá khô... cho vài ngày ở lại đàn đúm với gió với mây... Ka Chót lãnh việc  lo rượu cần và thuốc lá rẫy cho mọi người – lúc này chỉ còn vợ chồng Ka Chót, ông Ké Ho giữ rẫy gần đó và tôi. Nhà Ka Chót ở lưng chừng đồi bên bìa rừng. Tôi bắt tay làm loa gọi là nghe tiếng anh trả lời nhưng phải đợi tiếng gọi vượt qua mấy lớp núi rừng rồi mới quay về tai tôi. Ka Chót bảo:

– Nhà mình ở ngược đất của Giàng nên ai muốn nghe phải chờ nó lên tới “trển” rồi mới vọng xuống lại.

Một hôm, tôi đứng ở nhà Ka Chót vờ gọi anh thì nghe tiếng của mình như có cánh bay vun vút qua mấy tầng trời rồi mới “hạ cánh” xuống tai anh. Và, cũng từ khoảng cách đó, nhiều đêm tôi bỗng thức giấc trong sự ngỡ ngàng khi chợt nghe thoang thoảng tiếng suối chảy róc rách thật êm như tiếng đàn đá ai gõ trong đêm vắng của núi rừng sâu thẳm. Thật ra là suối đang chảy phía sau rẫy cách nhà anh mấy công đất...

Ka Chót dẫn tôi đi sâu vào chân núi bên kia rừng để bẻ măng. Tôi cứ sợ anh lạc đường vì hai đứa đi khuất trong một rừng lau cao ngất. Trong khi đó thì anh lo nắm tay tôi để cho tôi dễ trèo lên dốc đá đầy rêu phong trơn trợt.

Khi về, trời chiều đang bắt đầu xuống khắp núi rừng. Tới lưng chừng núi, tôi gặp một mặt trăng tròn và to như một cái nhà đang ở ngay sát bên mình. Thấy tôi đứng lại để ngắm vầng trăng đang sừng sững trước mặt, Ka Chót hỏi vui: 

– Tôi hái ông trăng này cho anh đem về làm quà gia đình nha?

– To quá! Làm sao vác cho nổi?

– Dễ lắm anh Mây à.

– Bày cho tôi đi, Ka Chót!

– Hai anh em ta lăn nó xuống rồi kêu xe chở về! Khó chi đâu!..

Chúng tôi đã chụp hình cho nhau trước vầng trăng vàng rực ấy để kỷ niệm. Những tấm hình ấy giờ vẫn còn đây.

Về tới “Biệt Thự” vừa lúc cơm gạo trắng với đủ loại khoai mì khoai lang luộc cũng vừa chín. Chuyện nhà bếp này do vợ Ka Chót lo. Rồi lại rượu cần với mã-la, ca hát rầm rầm cả một góc núi rừng đầy ánh trăng... 

Chiều nay, ngọn đồi của rừng núi ông bà vẫn còn đó. Ngôi biệt thự – nhà sàn xưa – không còn một chút vết tích gì sau nhiều năm tôi không lên nữa nên đành bỏ hoang. Vài con bò ai thả rong đang ăn cỏ trên miếng đất kỷ niệm xưa. Đỉnh đồi vẫn cứ lồng lộng gió trời với hàng cây so đũa do tôi và Ka Chót trồng từ ngày nào nay lặng đứng chơ vơ giữa trời cao. Con đường đất do đám thợ rừng mở từ dưới chân đồi lên nay chỉ còn trơ đá sỏi do trời mưa lâu ngày phá ra tan hoang. Tôi dừng xe bên chân đồi xưa để nghe lòng mình thoáng một chút bồi hồi với bao kỷ niệm lãng mạn của thời đang tuổi ba mươi mấy ấy.

Nay đèo Đại Ninh vẫn tấp nập xe khách, xe rau. Bên này là nơi tôi từng có ngôi biệt thự đẹp, thơ mộng và sang trọng nhất thế giới giờ đã thành dĩ vãng. Tôi nhìn quanh như để tìm Ka Chót, người bạn rừng xanh đã chăm sóc tôi từng củ khoai, giấc ngủ giữa núi rừng hoang dại ngày nào. Ka Chót xưa của tôi nay về đâu, có biết tôi đang đứng đây chờ anh để hai đứa mình về ôm nhau ngủ trong cái Biệt Thự-Nhà Sàn lộng gió và trăng ngàn ngày nào không? Và kia, trong những chuyến xe qua lại bên chân đồi hẻo lánh này giờ còn biết có ai là tay tài xế xe tải đã bỏ mặc xe bên đường để lội bộ lên Biệt Thự uống rượu cần, ngắm trăng với tôi dịp Tết đầu lúa rẫy năm nào của làng Ka Chót không?

   

nguyễn như mÂy

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/bietthutrendoi.html


Cái Đình - 2025