nguyễn như mÂy


b ế p   l ử a   đ ư ờ n g   k h u y a

Vì mãi mê ngắm cảnh đẹp và lo chụp hình dọc đường đi chơi từ Huế vào nên khi tôi về tới đỉnh đèo Hải Vân thì vừa đúng 1 giờ sáng vào tháng cuối năm âm lịch; cũng vừa lúc phải dừng chân cho cả người và xe được nghỉ hoạt động sau khi chạy một mạch từ Huế vào.

Dọc đường trời rất lạnh, lạnh tê buốt hai bàn tay lái xe gắn máy, lạnh cả hai ống chân ngồi lâu nên đã bị sưng phù; và còn lạnh suốt hai vai giang hồ phong sương mòn mỏi sau những phong ba cuộc đời cũng rất... phong sương của mình!

Thấy tôi tấp xe vào, cả đám đàn ông có vẻ như là dân tài xế xe thồ đang ngồi sưởi quanh đống lửa cháy đỏ rực chẳng những không ngạc nhiên gì mà lại còn gọi:

– Vào đây cùng sưởi với tụi em đi “đàn anh”!

Có lẽ họ thấy một ông già như tôi mà bao nhiêu mặt mũi, tóc tai bù xù và đen thui vì nắng và khói xe hơi dọc đường trường bám đầy cả trên tóc và trên áo gió bạc màu gió bụi nên mới nói vậy chăng?

Đó là một nhóm khoảng 10 người ở nhiều độ tuổi khác nhau đang ngồi quanh đống lửa cháy đỏ bên lề đường xe chạy, chỉ cách di tích Hải Vân Quan chừng trăm bước đi. Đây là đỉnh cuối cùng và cao nhất của đèo lại vừa là khúc quanh khá rộng và đẹp mắt.

Trời mùa đông của Huế và Quảng Nam như có “hẹn” nhau cùng buốt lạnh ngay trên đỉnh đèo Hải Vân, biên giới về hành chánh giữa hai tỉnh đều có ít nhiều liên hệ đến bà con ruột thịt của tôi, một kẻ thích lấy việc rong chơi đường trường này làm một thú vui “cô đơn” nhất là: chạy xe gắn máy suốt gần hai ngàn cây số ra - vào chơi cho thỏa “mộng giang hồ”! Tức là từ xa xưa, tôi đã có bà con bên Nội và bên Ngoại từng là công dân của cả hai xứ Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam...

Một anh lớn tuổi trong đám tài xế xe thồ nhường chỗ cho tôi ngồi bệch xuống đất sát bên cạnh. Họ đang chuyền tay nhau một chén rượu Làng Chuồn của Huế để mong được sưởi ấm chút “cõi lòng” giữa đêm giá rét. Tới phiên tôi uống tiếp nửa chén rượu “xoay vòng” (dù tôi mới nhập bọn). Xong, theo yêu cầu của người lớn tuổi nhất trong nhóm, tôi phải “thành thật khai báo” vài dòng trích ngang của mình.

– Răng mà không đi ban ngày cho bảo đảm?

Tôi kể sơ rằng do mình ham chơi dọc đường...

– Nhà báo hỉ?

Họ cứ thấy ai mang máy ảnh và cỏ vẻ “phong trần” đều là “nhà báo” cả! Còn chính họ, tất cả họ trước đây đều là “người làm công ăn lương” trong cơ quan, nhưng do đủ thứ “này nọ” mà nay họ đều trở thành “giặc lái” xe thồ để may ra còn có thể kiếm tí gạo nuôi gia đình mình!..

Gió và sương thổi qua đỉnh đèo cao hun hút từng cơn làm cho đống lửa chốc chốc lại nổ tí tách rồi bùng sáng lên như để soi rõ từng gương mặt sạm đen của các bạn trong “ngành dịch vụ” đưa đón khách thập phương lạc bước tới đây... Xa xa, trước mặt tôi tận dưới kia là những ánh đèn mơ hồ trong khói sương của Đà Nẵng thuộc đất Quảng Nam, quê Mẹ của tôi. Phía sau lưng mịt mù trong gió khuya, tôi không sao nhìn thấy đâu là núi rừng của đèo Hải Vân, đâu là xứ Huế thần kinh và đâu là con đường dốc hồi nãy tôi chạy xe lên. Tất cả đã chìm dần vào những mù sương giá lạnh không tên!..

Xưa, “Hải Vân Quan” nằm trên phần đất của Chămpa, nơi ban đầu các chúa Nguyễn xứ Đàng Trong chỉ xin đặt một trạm “thâu thuế muối”. Nhưng sau khi vua Trần Nhân Tông gả cô em gái mình là Công chúa Huyền Trân cho vua Chămpa là Chế Mân năm 1307, các vùng đất rộng và đẹp của xứ Chămpa là Quảng Nam và Thuận Hoá dần dần trở thành đất đai của tổ quốc ta, trong đó sau này có di tích Hải Vân Quan ngày nay.

Cuộc rượu vẫn diễn ra tuần tự và vui vẻ giữa chúng tôi. Mồi “nhắm” chỉ là dĩa muối ớt “trơn” nhưng “cay xé họng” và hoàn toàn không có thêm một tí gì để đáng được gọi là “chất đưa cay”!.. Trong lớp sương giá đang phủ đầy quanh chúng tôi, bất ngờ chúng tôi cùng chợt nhìn thấy một ngôi sao băng rất to màu xanh sáng hình như là của ai đó vừa buông tay thả bay lướt qua bầu trời khuya trên đỉnh đèo làm cho mọi người ai cũng lặng im suy nghĩ mông lung; riêng tôi cảm thấy một điều gì đó vẫn rất mơ hồ vừa thoáng qua trong nỗi lòng của một tên phiêu bạt vô danh đang “thả neo” giữa cuộc nhậu mà cả một đống lửa khuya không sao bù đắp được hết cho nỗi lạnh lùng và tê tái của những người đàn ông hầu hết đang độ tuổi trên dưới 50...

Anh Lê Tân, dân An Cựu của đất Thần kinh cho biết: vì không bị đi lính như anh ruột mình nên anh đã theo học lớp Anh văn của Hội Việt Mỹ ở Sài Gòn để về dạy tư kiếm tiền nuôi vợ con. Chỉ vì vậy mà anh phải đi “học” 6 năm sau năm 1975 (!); khi về nhà thì theo lời anh mô tả chỉ trong hai từ đơn giản là: “tanh bành”! Cuối cùng, anh vay tiền mua chiếc xe “xi-cà-que” này để kiếm sống...

Người trẻ nhất đêm ấy là Vương nhưng cả đời không làm “vua” mà chỉ là một “giặc lái” có quê và nhà cửa đàng hoàng ở Ngã ba Huế của Đà Nẵng. Vì có anh rể là sĩ quan nên Vương được người ta cho “mất dạy, vô lương” về làm “thợ đụng”, riết rồi đành chọn cuộc sống trôi nổi với chiếc xe “cà-tàng” này. Vương 46 tuổi và không có nhà cửa, vợ con nên một thân một mình ăn ở luôn trên đèo heo hút gió này đã hơn mười năm rồi...

Rượu Làng Chuồn nổi danh bao đời nay của xứ Huế đúng là ngon “tuyệt-cú-mèo” như rượu Làng Vân Hà Nội hay rượu Bàu Đá của “xứ Nẫu” Bình Định. Anh em chúng tôi không hẹn mà từ bốn phương hội tụ về với nhau trên đỉnh đèo lạnh giá này để rồi cùng “cưa” trọn vẹn 2 lít “chất đốt” cay và đắng...

Quán cà phê trên đèo đang bắt đầu đỏ lửa sớm cho việc mua bán một ngày mới. Trong khi đó, trời như có tí mưa bụi bay ngang qua vai áo tôi. Bếp lửa khuya trên nẻo đường gió bụi đang tàn dần trong gió sớm mai. Mọi người lặng lẽ kéo nhau vào quán. Té ra, đây là quán của một “nàng” xưa từng là hoa khôi lớp 12 trường Hai Bà Trưng ở Huế, là bà con xa bên nhà vợ của anh Tân – người trong nhóm. Trước khi chia tay, tôi xin được chiêu đãi cả nhóm bạn mới quen một chầu ăn sáng và cà phê trong quán của hoa khôi Tạ Thu. Ai cũng vui vẻ nhận lời và hứa sẽ đón tôi trong chuyến ra sắp tới nữa để cùng vui với họ, với núi đèo Hải Vân...

Xuống đèo, tôi dừng lại đốt thêm điếu thuốc cho đỡ thấy lạnh và viết bài thơ tứ tuyệt:

Nhen bếp lửa dọc đường
Biết mình không đủ ấm
Thèm ai còn chút lạnh
San sẻ bớt đêm buồn...

Ks. Thăng Long, Đà Nẵng, 1998
nguyễn như mÂy

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/bepluaduongkhuya.html


Cái Đình - 2022