Khoa Mai
Những mảnh ký ức từ sóng nước.
Hàng ngàn vạn chuyến ra khơi.
May mắn có.
Bi kịch cũng không ít.
Trong trăm ngàn người bước xuống thuyền.
Có người được số phận mỉm cười.
Nhưng cũng có những đôi chân, mà khi định mệnh xuống tay, đã mãi mãi không có cơ hội bước lên bờ…
Cái giá phải trả cho Tự Do không hề rẻ!
Viết lại để hồi tưởng một lần đi về hướng mặt trời.
35 năm đã trôi qua.
Nhưng vết hằn từ chuyến đi vẫn mãi còn đó…
Mùng 9 tết Kỷ Tỵ 1989.
Giờ G.
Từ nhà ém, chúng tôi theo người dẫn đường lom khom men theo bờ ruộng rồi chui vào rẫy bắp cao hơn đầu người.
Đó đây tiếng chó sủa râm ran.
Trên cao trăng thượng huyền soi rõ bóng người.
Vượt biên mà sao xui, trúng ngay ngày có trăng vậy nè!
Trong rẫy, chúng tôi được lệnh nằm xuống trên nền đất khô ráp, đợi khuya sẽ có người dắt xuống ghe.
Nép mình giữa những luống bắp, ngửa mặt nhìn trời đêm.
Trăng khuya nơi đây thật huyền ảo.
Làm người Sàigòn thiệt thòi ghê. Ánh đèn đô thị làm trăng sao luôn mờ khuất.
Trong một thoáng, chợt thấy mình bay cao giữa các vì sao…
Gió mát trăng thanh đưa tâm trí thoát bỏ thực tại, ru hồn vào mộng…
Có tiếng cô em gọi tên.
Giật mình tỉnh giấc.
Vườn bắp lao xao bước chân.
Trời ạ.
Vượt biên mà cũng còn ngủ quên được!
Giờ thứ nhất.
Không biết ghe đi đã bao lâu.
Tâm trí căng thẳng như đây đàn.
Một phút thôi, giờ cũng hoá vô tận...
Tiếng mái chèo khua nước chợt ngưng bặt.
Một cú va khá mạnh. Thân ghe rung chuyển.
“Taxi” đã ra tới cửa Vàm Láng rồi chắc!?
Chẳng đợi hiệu lệnh, mọi người trên ghe nhất loạt bật dậy, hất tung mái lá dừa nguỵ trang phủ kín trên nóc ghe.
Chiếc tam bản đã cặp sát vào mạn “cá lớn”.
Chen lấn, xô đẩy.
Hoảng loạn lan dần!
Chiếc ghe nhỏ chòng chành, nghiêng hẳn qua một bên.
Con nít bắt đầu gào khóc. Tiếng người lớn í ới gọi nhau, dù ai cũng biết, trong khoảnh khắc này, bất cứ âm thanh, tiếng động nào đều cũng có thể dẫn đến một cái kết bi kịch cho chuyến đi.
Mưa rả rích. Trăng khuya khuất bóng. Màn đêm dày đặc chung quanh đầy đe doạ, nhưng cũng vô tình tạo thành một bình phong che chắn.
Sóng nước làm chiếc ghe liên tục hạ xuống thấp rồi lại nâng lên cao quá tầm tay với.
Giữa hai ghe là khoảng trống của thuỷ thần.
Lúc này chẳng còn ai nghĩ đến chuyện giúp nhau.
Run rẩy vì căng thẳng…
Sợ hãi đến độ người ta quên thở, quên luôn chính sự sợ hãi.
Giờ là lúc bản năng sinh tồn lên tiếng.
Rồi mạnh ai nấy nhảy qua ghe lớn.
Cứ nhắm mắt và nhảy bừa!
Cô em tôi nhảy qua trước.
Tôi phóng theo.
Lao phóng rồi. Giờ chỉ là theo lao!
Lạy Trời cho chúng con được bình yên!
Khuya đầu tiên.
Chiếc ghe nhỏ vật vã giữa biển khơi.
Bầu trời, và 80 con người trên ghe cùng nghiêng ngả theo.
Anh em tôi gia nhập “biệt đội say sóng” ngay từ phút đầu.
Say quặn ruột gan.
Trước tiên, có tí cơm hẩm với cá khô “nạp” vào từ nhà ém.
Lôi ra, “ta trả hết cho người”.
Bao tử sạch loáng chỉ sau một thoáng.
Rồi là phiên mật xanh mật vàng.
Cuối cùng thì… ói khan.
Cứ nấc lên, vặn hết cả người mà chẳng có tí gì để cho ra.
Tiếp tục như vầy chắc chết mất!
Ờ, mà chưa nghe nói có ai chết vì say sóng cả.
Cũng yên tâm phần nào.
Nhưng mệt lử.
Lật người nhìn trời qua khe hẹp.
Trời và biển hoà làm một. Tít trên cao những đốm sao đêm lấp lánh đẹp huyền diệu.
Trong một thoáng, quên mất “cơn say”,
quên luôn mình đang giữa sóng nước mênh mông mịt mùng…
Sáng ngày thứ nhất.
Nắng đầu ngày ném những tia vàng nhạt vào hầm tàu.
Khẽ hé mắt nhìn.
Chung quanh mờ mờ những bóng người ngồi, nằm thiêm thiếp.
Hầm ghe thật ngột ngạt.
Một mùi chua chua từ những gì “dân say” thải ra hoà quyện với mùi tanh của gió biển bao trùm khoảng không gian nhỏ hẹp.
Cố gượng bò lên rồi ngồi dựa lưng vào lườn ghe.
Cổ họng khô rát. Hôm qua xin nước. Ai đó đưa cho ca nước sông đục đỏ phù sa. Khát khô cổ mà một hớp nuốt cũng không trôi.
Quay đầu quẹt mặt vào cánh tay áo.
Ôi. Người mình cũng chua loét!
Đầu tóc chắc hẳn nhìn kinh khủng lắm.
Giờ mà gặp lại thì đến má cũng không nhận ra con!
Không biết ghe đang đi về đâu nhỉ?
Đã ra tới hải phận quốc tế chưa?
Trong nỗi hoang mang vô định.
Giữa đại dương mênh mông không bến bờ,
sinh mạng tất cả chúng con xin trao hết vào tay Thượng đế.
Sáng ngày thứ hai của hải trình.
Chợt tỉnh giấc.
Đã bớt say, nhưng mệt rã rời. Mấy ngày nay chả có tí gì vào bụng.
Đảo mắt nhìn quanh.
Sáng rồi. Vậy là thêm một đêm nữa đã trôi qua…
Nắng lên chói loà.
Biển hôm nay yên lặng hiền hoà. Tiếng sóng ì ọp đập nhẹ vào mạn thuyền.
Tạ ơn Trời con thuyền vẫn bình an.
Tiếng máy tàu vẫn xịch xịch tấu điệp khúc của riêng mình.
Đánh thức cô em dậy.
Rời chỗ này thôi. Mùi dưới hầm ghe chịu hết nổi rồi!
Mò lên boong kiếm chút không khí trong lành.
Giờ thứ ba mươi ba.
Lên boong rồi không còn muốn trở xuống hầm ghe nữa, dù boong tàu chật ních người.
Ngày chưa muộn mà nắng đã gay gắt.
Gió biển lồng lộng phả hơi nóng ngột ngạt xuống những thân người nằm, ngồi la liệt.
Những chỗ tốt đã bị chiếm dụng từ đời nào.
Rốt cuộc cũng tìm được một góc trống gần phía mũi.
Căng chiếc áo mưa lên đầu che nắng. Miếng ny lông cũng muốn tan chảy vì nóng.
Khắp bốn hướng, màu xanh biển trải dài đến vô tận, lấp lánh ánh mặt trời như dát bạc.
Lại chóng mặt rồi.
Thèm sao một ly đá chanh!
Giờ thứ ba mươi lăm.
– “Có tàu lớn. Có tàu lớn!”
– “Đâu? Đâu? Hướng nào?”
– “Có phải tàu quốc doanh hông? Mọi người ngồi hết xuống coi!”
– “Ai giữ ống dòm. Dòm coi cờ nước nào”.
– “…À, ờ… Chia làm bốn. Phần xanh dưới trái, phần đỏ trên phải. Sao xanh trên trái. Sao đỏ dưới phải. Ù á!… íu biết cờ thằng nào luôn! Thấy sao đỏ sao nghi quá”.
Tôi nhón chân ngó theo hướng ống dòm.
– “Cờ Panama”. Tôi buột miệng.
Những ánh mắt nhìn tôi ngạc nhiên dò hỏi.
– “Pa-na-ma!”. Tôi lập lại.
– “Chắc không cha nội?”
– “Chắc mà. Không phải cờ cộng sản đâu”. Tôi trấn an.
Bất giác mọi người trên boong cùng thở phào.
Hy vọng đang nhen nhóm.
Giờ thứ ba mươi sáu.
Mặc cho mọi nỗ lực kêu gào tuyệt vọng từ chiếc ghe nhỏ, con tàu dầu khổng lồ vượt mặt chúng tôi rồi xa dần, xa dần…
Những ánh mắt thất thần dõi theo cho đến khi con tàu chỉ còn là một chấm nhỏ ở cuối chân trời.
Những tia hy vọng cuối cùng rồi cũng theo bọt sóng tan trong đại dương.
Từng người nối nhau ngồi phịch xuống sàn. Yên lặng bao trùm.
Chiếc ghe lại lạch phạch lết theo hướng cũ.
– “Nó quay lại, nó quay lại!”. Tiếng ai đó hét lên.
Người trên ghe lại nhốn nháo.
– “Thiệt nó trở lại hông?!”
Những gương mặt thất vọng cách đó ít phút bỗng chợt bừng lên nét hy vọng.
Mọi ánh mắt cùng đổ dồn vào hướng con tàu lúc nãy.
Quả đúng là nó đang quay đầu vòng lại.
– “Chắc nó đợi mình đó!”
– “Chạy tới đi! Lẹ lẹ giùm cái đi mấy anh!”
Chiếc ghe tội nghiệp như chợt hồi sinh, lính quính bẻ hướng, gồng người hối hả băng mình về hướng chấm đen nhỏ nơi cuối trời …
Chấm nhỏ của một hy vọng lớn…
Hy vọng về một ngày mai tự do và tươi sáng…
Giờ thứ ba mươi chín.
Thuyền nhân cuối cùng đã leo lên tới nơi.
Vẫn chưa thực sự tin là tám mươi người chúng tôi đã an toàn trên boong của con tàu dầu khổng lồ ESSO Port Dickson.
Hai thuỷ thủ nhảy xuống ghe giúp chúng tôi lên lúc nãy cũng đã quay trở lại sau khi khoan thủng lòng ghe.
Từ boong tàu lớn, con thuyền nhỏ nhìn như chiếc lá tre giữa biển khơi mênh mông.
Ai cũng biết ra đi là đánh cược với mạng sống.
Nhưng chỉ khi chứng kiến cảnh tượng con thuyền nhỏ chìm dần trong làn nước mới cảm nhận hết được sự liều lĩnh của kẻ ra đi.
Trước chuyến này tôi chưa bao giờ đi biển.
Chưa đi nên chưa sợ.
Chưa đi nên cũng chẳng thể nào hình dung được hết những rủi ro và nguy hiểm mà biển khơi có thể đem đến.
80 mạng người trên chiếc ghe bé xíu, cũ kỹ và rệu rão!
Nghe nói một chiếc “taxi” không đến được điểm hẹn. Nếu không tổng số sẽ không là 80 mà sẽ là 120, hoặc hơn nữa.
Chỉ nghĩ đến thôi cũng đủ kinh hoàng.
May mà tránh được cướp biển.
May mà sóng yên biển lặng.
May mà chúng tôi đã được cứu vớt chỉ sau chưa đầy hai ngày tính từ lúc thuyền rời cửa biển.
Không đủ can đảm nghĩ tiếp đến việc chiếc ghe với từng đó con người sẽ chống đỡ thế nào với cướp biển, sẽ xoay trở thế nào trong giông bão.
Rồi lương thực, rồi nước uống…
Chúng tôi quả đã gặp may.
Hay nói theo người có niềm tin, Thượng Đế đã giơ cao tay che chở; đã ôm lấy chúng tôi và con thuyền vào lòng.
Chiếc ghe nhỏ đã hoàn thành sứ mạng của nó, sứ mạng đem chúng tôi về phía chân trời tự do.
Giờ là lúc nó được yên nghỉ trong vòng tay của biển.
Con thuyền nhỏ trôi ra xa, chìm dần rồi khuất hẳn trong làn nước tím thẫm, mang theo nó một phần những mảnh ghép đời thuyền nhân: quê hương, gia đình, tuổi thơ, bạn bè, kỷ niệm, mộng ước…
*
Cám ơn con thuyền,
Và vĩnh biệt!
Sweden, tháng 11, 2024
Khoa Mai
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/tho/nhungmanhkyuc.html