Võ Kỳ Điền


Mạn đàm

Luân Hoán, một đời thơ

Kính thưa quí quan khách, quí thân hữu, cùng quí văn hữu,

Trưa nay tôi được hân hạnh gặp gỡ quí vị trong hội trường to lớn đẹp đẽ nầy, tôi được ban tổ chức sắp xếp để trình bày cùng quí vị vài nhận định về tập sách Luân HoánMột Đời Thơ” vừa được xuất bản. Hồi nãy nhà văn Trà Lũ đã hết sức duyên dáng giới thiệu quyển Phiếm của nhà văn Song Thao, cũng vừa mới xuất bản. Tôi say mê theo dõi và tự hỏi, tại sao nhà văn Trà Lũ lại nói hay đến như vậy? Câu trả lời khá dễ dàng, Song Thao viết truyện phiếm từ lâu ở Montréal, tay nghề lão luyện, đọc rất đã, Trà Lũ cũng là tay viết truyện phiếm rất cừ khôi, ở Toronto nầy. Hai cái 'rất' đó gặp nhau, thì tôi và quí vị nghe không mê man sao được.

Hỏi xong rồi giựt mình, phần tôi và nhà thơ Luân Hoán ra sao. Trời đất! Ban tổ chức sắp xếp có lộn không, sao mà tréo ngoe vậy? Từ hồi nào tới giờ, tôi chưa hề làm được một câu thơ, nói thiệt, đừng nói chi làm được tới một bài thơ. Không biết thơ là gì mà lại dám nói về thi sĩ, thì có lạ không? Có lẽ biết tôi và thi sĩ có quen nhau, cùng tuổi tác, cùng cư ngụ chung một thành phố, nên ban tổ chức mời chăng?

Thôi, được mời là cũng đủ vui rồi, dại gì mà thắc mắc, thi sĩ Bùi Giáng cũng đã từng nói -vui thôi mà! Tôi cũng vì -vui thôi mà, nên nhận đại, nhớ có hỏi thêm ban tổ chức -tôi sẽ nói gì về tập sách mới in của Luân Hoán. Ðược ông đại diện ban tổ chức Ðoàn Phế trả lời ngon lành -xứ nầy là xứ tự do, anh muốn nói gì thì nói. Ðược lời như mở tấc lòng, tôi bèn bắt chước cách viết chuyện phiếm của hai nhà văn Trà Lũ và Song Thao mà nói lên cảm tưởng khi đọc xong tập sách mới in của nhà thơ Luân Hoán để hầu quí vị.

Nhận tập sách biếu đẹp đẽ trong tay tôi thấy khá nặng, quyển sách trông bề thế, được in ấn trang nhã mỹ thuật, không kể các trang lót và chiếc bìa cứng, đã tới 604 trang đầy chữ rồi. Hai bìa đều có hình nhà thơ, mặt mày tươi rói. Bìa trước thì bạn hiền cười mỉm, bìa lưng thì bạn hiền cười thoải mái. Tôi dẹp hết công việc, bỏ ra trọn một ngày ròng, đọc tập sách từ sáng cho tới chiều, từ chiều đọc tới khuya và rán đọc nhanh cho tới hết. Ðọc xong xếp sách lại, suy nghĩ tới, suy nghĩ lui, mới chợt thấy ông Ðoàn Phế thiệt khéo léo và tinh tường.

Cuốn sách thoạt nhìn tưởng là thơ mà hổng phải thơ, tưởng của một người mà của nhiều người. Thơ đã biến thành văn. Một tác giả thành 68 tác giả, 68 tác giả viết về một tác giả. Người được bạn bè thương mến nhắc tới gần 600 trang sách, đó là thi sĩ Luân Hoán. Ngộ ghê chưa. Nó là cuốn sách viết bằng văn xuôi rõ ràng, ai cũng hiểu được, ai nói cũng được đâu cần phải là nhà thơ hay thi sĩ. Vậy là tôi yên tâm, vừa bụng và hết áy náy. Nó là tập hợp những bài viết về Luân Hoán của 68 anh em văn nghệ sĩ, những người quen biết, có kỷ niệm nhiều ít với thi sĩ!

Trước hết tôi nói về các người viết. Mỗi bài mỗi vẻ, mỗi sắc thái, bài nào cũng đặc biệt. Khi đọc từng tác giả, tôi vừa thấy hình dáng Luân Hoán hiện ra, vừa thấy luôn con người của tác giả bài viết. Cả hai chủ và khách chuyện trò, giao tiếp, thù tạc trong một khoảng thời gian, không gian gần gũi nào đó, có lâu có mau. Văn tức là người mà. Ước chi tôi có nhiều thì giờ, tôi sẽ nhẩn nhơ tỉ mỉ giới thiệu từng người viết một để quí vị thấy được nét đặc biệt từng người nhưng mà thời gian trưa nay được ban tổ chức tính từng phút nên tôi phải làm cuộc lựa chọn tượng trưng. Tuy nói là lựa chọn, không phải là đánh giá người viết, mà lựa chọn vài nét tiêu biểu con người thi sĩ Luân Hoán để mong giới thiệu hầu quí vị.

Tất cả gồm 68 vị văn sĩ, thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ, sử gia, ký giả, điêu khắc gia, giáo sư, học giả và đặc biệt có một vị là hàng xóm, tiếc quá không thấy ghi nghề nghiệp, viết một bài rất hay và cái tựa chữ dùng rất khéo: 'Luân Hoán, nhìn từ bên hông'. Mới đọc tưởng là ông nhìn Luân Hoán từ bên sườn, nhè đâu bên hông là bên hông nhà. Tác giả bài viết, ông Nguyễn Quốc Tường, sanh năm 1948 tại Hà Nội, có tấm lòng quí mến văn chương, ái mộ trân trọng nhứt là yêu mến thi sĩ, có những kỷ niệm với nhà thơ khi cư ngụ chung xóm.

Ông viết: -Trên đường đi, chúng tôi cứ thắc mắc, chẳng lẽ Luân Hoán lại là cái ông lầm lì, khó ưa ở ngay từng dưới, ông ta trẻ trung như thế sao có cô con gái lớn vậy. -tôi hy vọng một ngày nào đó được thấy anh Luân Hoán uống rượu say sưa, ôm vầng trăng nhào vô đống tuyết trước cửa nhà đánh một giấc cho tới sáng! Tôi tưởng tượng đến những nàng thơ ái mộ anh, cứ đến bấm chuông gọi cửa liên tục, làm phiền lòng nàng thơ thứ thiệt đang ở ngay cạnh anh, khiến nàng nổi cơn tam bành, xuất chiêu sư tử Hà Ðông. Viết xong, tác giả tự điều chỉnh ngay: - Sự tưởng tượng của tôi mãi rồi cũng chỉ là tưởng tượng, không có gì xảy ra hết. Luân Hoán là một người bạn dễ chịu, cởi mở, không lầm lì, khó ưa tí nào. Cách sinh hoạt của anh còn điều độ, nghiêm chỉnh hơn tôi nhiều. Ngoài tài làm thơ, anh còn có tài nuôi cá, nuôi chim.

Bây giờ, tôi tin rằng ông Nguyễn Quốc Tường đã hiểu rõ người bạn hàng xóm của mình. Thi sĩ Luân Hoán chỉ nhận thơ qua địa chỉ khác và e-mail các người đẹp ái mộ, giấu kín mít làm sao chị Lý biết. Vợ trong nhà đã không biết thì làm sao tôi và ông biết được.

Nhà văn Hồ Ðình Nghiêm đã có lần viết cách nuôi chim và chơi chim của Luân Hoán. Hình như nhà văn kể tên còn thiếu một loài chim quí mà cả đời thi sĩ yêu thích, say mê. Ông Tường ơi, anh Luân Hoán không thèm ôm trăng đâu mà chỉ thích ôm cái khác, tôi không dám nói ra cho ông nghe! Qua đây, tôi cũng xin mạn phép tưởng tượng về tác giả Nguyễn Quốc Tường, tuy không ghi nghề nghiệp nhưng qua bài viết, tôi đoán ông đã từng viết văn, hoặc có dịp sinh hoạt văn chương và là một người viết văn có tài.

Lần giở những trang kế, tôi thấy một bài của nhà thơ tài hoa Phan Ni Tấn. Nhà thơ Phan Ni Tấn và Luân Hoán quen thân nhau trên hai mươi năm rồi còn gì. Nhà thơ mà gặp nhà thơ thì, nói theo nhà văn Trà Lũ, là vui quá sức lẽ mình. Nhưng thi sĩ Phan Ni Tấn nhận xét về chị Luân Hoán nhiều hơn: -Chị, dáng người thon thả, nhẹ nhàng, nét mặt hiền hòa, tánh tình mộc mạc, dễ thương. Nhưng cái dễ mến và dễ nhớ nhất ở chị vẫn là cái giọng Quảng trọ trẹ, nằng nặng, chậm rãi và hiền khô. Lạ một điều là lâu nay tôi quen bất cứ người bạn Quảng Nam Ðà Nẵng nào thì dường như cái giọng đặc trưng của họ chẳng đổi khác bao giờ. Có trôi giạt xa quê hương nghìn trùng, theo thời gian đời sống có đổi có thay, có trầm có bổng, nhưng cái hồn quê xanh ngát kia cũng có cái giọng nằng nặng, âm hưởng riêng biệt kia vẫn cứ thủy chung như nhất.

Không riêng gì tôi, hễ ai có dịp tiếp xúc với chị Lý cũng đều cảm mến cái tính hiền lành, hoà nhã của chị. Nhà thơ viết tiếp: -Nhìn hai vai mảnh khảnh của chị gánh chịu hết nắng mưa cuộc đời, tôi liên tưởng đến hình ảnh cái cò trong thơ Trần Tế Xương: quanh năm buôn bán ở mom sông, nuôi đủ năm con với một chồng. Có lẽ đây cũng là một trong những mạch nguồn để người bạn đời được đặc biệt ngợi ca trong cõi thơ Luân Hoán -trộn chút tình ta vào bột giặt, vò nhẹ nhàng bởi sợ em đau, vải còn đượm mùi thịt da em ngát, tay bùi ngùi như đang vuốt ve nhau. Bài thơ Giặt Áo Quần Cho Vợ trong tập Ngơ Ngác Cõi Người là một bài thơ hay và cảm động. Hay vì sự cảm xúc chân thật, đặc biệt trong ngôn ngữ và hình tượng. Ngay câu mở đầu đã thấy hay: -trộn chút tình ta vào bột giặt, vò nhẹ nhàng bởi sợ em đau. Chỉ vò tấm vải thôi mà cũng lo sợ em đau thì quả là thương người bạn vàng hết ý.

Tôi đọc ngang qua đây, bâng khuâng tự hỏi, không biết thi sĩ Phan Ni Tấn viết cho bạn mình hay tự viết cho mình? Nhà thơ Luân Hoán giặt quần áo cho vợ thì chắc gì nhà thơ Phan Ni Tấn không bửa củi, giăng mùng, gánh nước giúp vợ sao? Chỉ có khác nhau là kẻ khoe, người giấu. Chị Lý Phước Ninh tần tảo, chị Khiếm Rạch Giá, sớm hôm dãi dầu, có khác gì nhau. Sao mà hai bạn có hai bà vợ hao hao giống nhau, hiền lành dễ thương giống nhau, lo cho chồng cho con giống nhau. Còn gì nữa, cùng có trái tim nghệ sĩ giống nhau, không ham mê bằng cấp với hột xoàn, vui với cái vui của chồng, buồn với cái buồn của chồng. Người mình từng nói về mẫu người vợ hiền ngày trước như vậy. Mà vợ hiền là phải như vậy. Hai bạn quả là có phước, kiếp trước chắc tu hành đúng chín kiếp, chưa hề phạm giới lần nào.

Người bạn đời của nhà thơ thì như vậy còn thi sĩ thì sao? Tôi khá tò mò và trông chờ một mẩu chuyện phiếm quen thuộc. Tại sao chưa đọc Song Thao? Ðọc xong 'Luân Hoán Thường Ngày' tôi sướng quá, như thấy con người thi sĩ Luân Hoán rõ nét. Song Thao viết chuyện phiếm thì không chê vào đâu được. Viết phiếm là nghề ruột của chàng mà. Chỉ mới đoạn đầu: -Luân Hoán hả, có gì lạ không? -Có gì lạ đâu! -Tác Giả Việt Nam tới đâu rồi? -Thì cũng vậy vậy thôi. -Có làm thêm được ai khôông? -Không, mấy hôm nay lười biếng quá. -Rồi chừng nào mới xong? -Lúc nào xong thì xong. -Cố làm cho xong đi cha nộí! -Ờ thì làm chứ!

Câu -có làm thêm được ai không, có nghĩa là có thêm được một tác giả nào trong website Tác giả Việt Nam của Luân Hoán hay không? Xin quí vị và các bạn đừng hiểu lầm chữ 'làm'. Rồi tới đoạn chuyện thi sĩ nuôi chim: -Nầy, anh có nuôi chim không? Mang con chim của tôi về mà nuôi. -Sao vậy? Con chim đó hót hay lắm mà. -Thì hót hay chứ sao? Mà còn hót suốt ngày nữa chứ, dễ thương lắm. -Vậy sao anh không nuôi nữa? -Lười biếng quá, anh ơi! -Dân nuôi chim từ Ðà Nẵng tới Montréal mà bây giờ sao lại chán chim rồi? -Nuôi nó bận quá! -Thế còn cá thì sao? -Cá thì vẫn nuôi, nhưng nuôi ít thôi.! -Tưởng anh chán cả chim lẫn cá! Này, nhưng chim và cá cơ hữu vẫn còn trong nhà chứ? -(cười) Thứ đó thì đâu có bỏ được. Vừa thôi chứ, cha nộí!

 

Hình trái: Luân Hoán, Trần Gia Phụng, Võ Kỳ Điền, Song Thao.
Hình phải: Võ Kỳ Điền, Song Thao, Luân Hoán, Phan Ni Tấn

Câu chuyện bâng quơ, đối đáp hằng ngày của hai người bạn thân. Nếu chúng ta để ý thì thấy câu hỏi ngắn và câu trả lời còn ngắn hơn. Mà chớ có tưởng lầm hai người không biết nói chuyện. Một vị là nhà văn lớn, một vị là thi sĩ lớn đó. Nghề của hai vị là nghề sử dụng ngôn ngữ đến độ nhuần nhuyễn. Cách nói chuyện là lạ như vậy, không giống những câu chuyện chúng ta nói hằng ngày.

Ngàn năm trước đức Khổng Tử đã nhận xét -quân tử đàm giao đạm nhược thủy. Người hỏi, người đáp, câu chuyện thiệt tình lạt như nước lạnh. Tình cảm thương mến nhau họ giấu trong trái tim, cần lắm thì mới nói vài tiếng, còn ra thì im lặng. Im lặng mới là vàng mà, còn nói ra là bạc đó. Vị nào ưa nói và nói nhiều thì có ngày sẽ bị khánh tận cho coi.

Ðể hiểu rõ hơn nếp sinh hoạt của thi sĩ, tôi xin trích dẫn câu hỏi của nhà báo Nguyễn Mạnh Trinh. Một ngày của thi sĩ Luân Hoán? -Một ngày của tôi hoàn toàn không giống nhau. Sự thay đổi và khác biệt tùy thuộc vào nhiều yếu tố: thời tiết/ tình cảm gia đình/ giao dịch với người chung quanh/ những cao hứng bất ngờ, vân vân... Nhiều khi sau khi mở hộp thư đã thay đổi toàn bộ chương trình đã dự tính. Dù sao tôi cũng có điểm nầy gần như cố định: ngày nào tôi cũng bỏ ít nhứt 10 phút để ngó trời, ngó đất, nhìn thiên hạ đi đường, tôi vốn sợ cô đơn.

Tôi xin phép được xen vô chỗ nầy – nhân danh bạn nhà thơ, quen biết trên hai mươi năm, tôi dám nói là thi sĩ nói lộn rồi, thời gian ngó trời, ngó đất và… ngó đầm của thi sĩ không phải tính bằng 'phút' mà phải tính bằng 'giờ'. Có rất nhiều bài tôi muốn nhắc, có rất nhiều điều muốn nói nhưng thời gian không còn nhiều nên tôi phải nói lẹ đến người bạn ở phương xa Boston. Nếu không nhắc đến bài 'Tán Gẫu Về Một Người Làm Thơ ' là một sự thiếu sót lớn.

Nhà văn Lâm Chương đã viết về Luân Hoán như vầy: -Cao Thoại Châu giới thiệu một anh chàng rụt rè như con gái, bảo đấy là nhà thơ Luân Hoán. Tôi hơi ngỡ ngàng trước một Luân Hoán hoàn toàn khác với tưởng tượng của tôi. Thời gian đã xa lắm rồi, tôi không nhớ chúng tôi đã nói những gì trong lần gặp đó. Vài lần sau, tôi đến chơi với người bạn cùng đại đội với Luân Hoán. Thấy tôi, anh mỉm cười thay thế một lời chào. Chỉ vậy thôi, không quấn quít ba hoa chích choè. Cuối tuần anh em văn nghệ hay lên phòng chiến tranh chính trị họp bàn về tờ nguyệt san Bộ Binh Thủ Ðức. Luân Hoán ít khi xuất hiện ở đây. Tôi ham vui, cũng léng phéng tới chơi nhưng không biết nói gì, nên ra đứng ngoài hiên hút thuốc.

Chỉ mới vài dòng tôi đã thấy rõ được con người Lâm Chương. Lâm Chương mới gặp Luân Hoán lần đầu và phê ngay - anh chàng rụt rè như con gái. Ba chữ 'bảo đấy là' có vẻ cười cợt, mỉa mai. Tôi có dịp ở nhà Lâm Chương vài ngày, đi chơi với bạn vài lần, hễ vắng mặt bạn, muốn kiếm, thì chỉ việc chạy ra ngoài, thế nào cũng thấy bạn hút thuốc bên tường. Lâm Chương hút thuốc đến nỗi vàng mấy ngón tay. Tôi tạm kết luận, hễ muốn viết văn hay như Lâm Chương thì phải tập hút thuốc cho nhiều. -Tôi cũng có một thời mon men muốn ngồi vào chiếc chiếu dành cho các nhà thơ. Hằng đêm mất ngủ, bóp trán làm thơ. Có lúc gần đạt được danh hiệu thi sĩ, nhưng cuối cùng đành bỏ cuộc. Làm thơ thật vô cùng vất vả, phải kiên trì lắm mới làm được một bài thơ cho ra hồn. Tôi vốn ù lì, cục mịch, thiếu tính kiên nhãn, lại không có năng khiếu đặc biệt về thơ thì làm sao có thể ngồi chung chiếu với những bậc thầy của chữ nghiã mà tác phẩm của họ là tinh túy của ngôn ngữ? Biết mình không thể làm thi sĩ, tôi chọn làm chiến sĩ. Danh phận nào cũng có chữ sĩ đi kèm cũng tốt. Mười năm lăn lóc chiến trường, đạn không bén đến da tôi. Có thể tôi gặp thằng xạ thủ bắn tồi, cũng có thể tôi né đạn giỏi. Nhiều người bảo tôi phần số may mắn. Tôi bảo không phải vậy. Và đọc thơ Nguyễn Du -xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều. Bởi không làm thi sĩ nên khi qua những làng mạc, tôi biết đề phòng du kích bắn sẻ. Bởi không làm thi sĩ nên khi vào những khu rừng hắc ám, tôi biết đặt mình trong tư thế sẵn sàng nổ súng vào bất cứ con gì nhúc nhích trước mặt (bắn chậm thì chết). Bởi không làm thi sĩ nên khi đi trên những con đường mòn, tôi biết quan sát mìn bẫy và coi chừng bị phục kích. Bởi không làm thi sĩ nên khi vượt qua một chiếc cầu, tôi biết làm sao để tránh bị làm bia bắn. Tóm lại bởi không làm thi sĩ nên khi đi giữa làn tên mũi đạn, tôi không hề mơ mộng viễn vông. Còn Luân Hoán thì sao? Hỏi tức là trả lời. Khó mà kiêm luôn một lúc hai cái danh hiệu có chữ sĩ đi kèm mà bản chất hoàn toàn đối nghịch nhau. Thi sĩ là người làm đẹp cuộc đời bằng thơ. Chiến sĩ là kẻ xung sát hủy diệt sự sống làm cuộc đời vốn đã đau khổ càng thêm đẫm máu. Luân Hoán thuộc dạng thứ nhứt, tôi thuộc dạng thứ hai.

Những dòng cuối cùng Lâm Chương viết bằng trái tim xúc động chân thành: Chúng ta đã đi qua một thời kỳ khủng khiếp, nhìn lại mới biết ớn lạnh. Một đoạn đường gai lửa, tử thần rình rập theo mỗi bước chân. Vậy mà ta xách súng đi lơ ngơ như đi bắn chim. Hành quân vào rừng như đi picnic. Nhởn nhơ trên chiến trường như chốn rong chơi. Tàn cuộc, ta vẫn còn sống. Lạ thật! Tuổi đời càng cao, đời người càng lún xuống. Ðất đã lên tới ngực rồi nhưng với nền y khoa tân tiến bây giờ, bọn mình còn lâu mới bắt đầu xây kim tỉnh. Và ông Bùi Giáng cũng còn lâu mới gặp lại bọn mình. Hãy làm thơ, làm thơ và làm thơ nữa đi. Luân Hoán ơi! Qua đó chúng ta thấy được bóng dáng nhà văn Lâm Chương.

Ðó là một mẫu đàn ông hùng mạnh, ngang tàng, hơi 'lựu đạn' một chút và cực kỳ thông minh, tinh tế, hèn chi nét văn thật sắc bén, phóng túng, khi viết ngòi bút anh tung hoành y như khi cầm súng lâm trận, lúc nào cũng sẵn sàng đối diện kẻ thù, xung quanh lửa đạn bời bời... Nhờ vào cái bản sắc đó câu văn của Lâm Chương như có lửa. Tiếc quá, Lâm Chương chỉ mới là nhà văn lớn, chứ chưa đạt được danh hiệu thi sĩ. Thế mới biết, làm thơ khó hơn viết văn. Dù sao thì nhà văn Lâm Chương cũng 'xém' được làm thi sĩ, còn biết bao nhiêu người muốn cái chữ 'xém' đó, dầu cho đứng gần thi sĩ Luân Hoán trên hai mươi năm, như tôi đây, cũng còn chưa được.

***

Ðể kết luận chúng ta thấy được gì sau khi đọc xong quyển sách quí. Trước mắt là thi sĩ Luân Hoán thật hiền lành, dễ thương, đa tài, đa tình, đầy nghệ sĩ tính và trọn đời đam mê thi ca. Thi sĩ đã sống, mê thơ, yêu thơ và làm thơ không ngừng nghỉ, làm thơ như món nợ đời phải trả, không, làm thơ như một thú vui từ kiếp nào xa xăm lắm. Ði hành quân mà như đi cắm trại, nằm trên mìn bẫy mà cứ tưởng là nằm trên thảm cỏ lót đầy hoa. Mộng mà như thực, thực mà như mộng. Sống trọn vẹn bằng trái tim đam mê như vậy tôi cho là một cuộc sống đẹp đúng nghĩa. Tính toán nhiều quá khiến cuộc sống đâm ra mất vui.

Ngàn năm trước Lý Bạch đã từng thốt: -nhân sinh đắc ý tu tận hoan, mạc sử kim tôn không đối nguyệt, bởi vì đời người chỉ có trăm năm, khi đắc ý nên tận hưởng những gì yêu thích. Nhà thơ Luân Hoán thiệt là thông minh, thiệt là biết hưởng hạnh phúc trời cho. Ðiểm nhận xét thứ hai là nhờ có 68 tác giả tài hoa đóng góp bài vở mới hoàn thành được quyển sách quí nầy. Mỗi người hiện diện như một người bạn, thân yêu, quen thuộc, thương mến, hãnh diện, sung sướng khi nói về người bạn thi sĩ, bằng những lời lẽ trong sáng nhứt, đẹp đẽ nhứt, chân thành nhứt. Mỗi người mỗi vẻ, không ai giống ai, vì mỗi tác giả hoặc tiếp xúc, giao thiệp hoặc chỉ nghe danh, tham dự vào đời thi sĩ một giai đoạn, có ngắn, có dài, mà viết lên những kỷ niệm bên nhau vui có, buồn có, gian truân có, thơ mộng có. Kỷ niệm thì bao giờ cũng đẹp. Thời gian rồi sẽ qua đi nhưng tình cảm thương mến quí trọng nhau sẽ ở lại, mãi mãi.

Tìm hiểu lý do tại sao nhà thơ Luân Hoán lại có nhiều bạn quí như thế, trong khi ông rất ít nói, khá kém trong việc xã giao hằng ngày. Ðiểm chánh yếu là Luân Hoán tham dự vào cái thế giới thơ văn không hề có ý niệm hơn thua, tranh giành, không hề để ý tới lợi danh. Khi anh giao tiếp với bạn bè, đối đãi nhau bằng tình cảm trân quí, nhứt là cùng sở thích văn chương nghệ thuật. Tìm được người bạn hiểu được mình và yêu thương mình, cùng sở thích, trong cõi đời nầy có phải chuyện dễ? Không phải đâu. Khó lắm, quí vị thử ngó lại coi cung Nô Bộc trong lá số Tử Vi của mình.

Tóm lại nếu muốn hiểu về quan niệm đời sống thi sĩ thì dễ quá, chúng ta đọc lại bài viết của nhà văn Song Thao, đã ghi trung thực trong cuộc phỏng vấn thi sĩ Luân Hoán, được chính thi sĩ trả lời: -Thôi đi cha nội. Vui chơi mà. Chơi cho đến nơi đến chốn chớ. Muốn chơi theo kiểu Luân Hoán, thưa quí vị và các bạn, thiệt là khó, đếm đi đếm lại cho kỹ, thời nầy có được bao nhiêu người đâu. Thành thật cám ơn quí vị và quí bạn.

.

Võ Kỳ Điền

(Bài nói chuyện buổi ra mắt sách của Song Thao và Luân Hoán tại Toronto ngày 19 june 2005 tại Hội Trường Noel Ryan Hall / Mississauga. Ontario do Hope for Kids tổ chức )

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/tho/luanhoanmotdoitho.html


Cái Đình - 2023