Ɖặng Xuân Xuyến
Đọc thơ Nguyễn Văn Song viết về Mẹ
<=== Ảnh: Hoài Sơn
Đọc thơ Nguyễn Văn Song (1) viết về Mẹ, người đọc thấy sự cần cù, kiên nhẫn và trung thành của anh trong việc chọn hướng đi, chọn cách viết. Hình ảnh Mẹ trong thơ Nguyễn Văn Song luôn là hình ảnh người mẹ của làng quê nghèo khó, lam lũ, tảo tần với gam màu tối, với những hình ảnh xưa cũ quen thuộc đã được nhiều nhà thơ, nhiều thế hệ nhà thơ tiếp cận khai thác.
Tôi đã đọc khá nhiều bài thơ của nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Văn Song viết về Mẹ nhưng chưa thấy bài thơ nào anh viết về niềm vui, hạnh phúc của người mẹ, cũng chưa gặp nụ cười hay dáng mẹ đứng thẳng lưng trong các bài thơ anh đã viết! Lạ thật! Chẳng lẽ cả đời người mẹ không có được một niềm vui? Chẳng lẽ con cái được nuôi dậy nên người mẹ cũng hà tiện một nụ cười? Tôi nghĩ trên thế gian này không có người mẹ nào như thế! Và trong tâm trí của bất cứ người con nào thì những lo toan, vất vả của mẹ, những vui buồn thường nhật của tình mẫu tử sẽ luôn nằm trọn trong trái tim với đủ cung bậc, sắc thái nên ký ức về mẹ chỉ một gam màu, một cung bậc tình cảm như thế thì không thể!
Có lẽ nhà thơ Nguyễn Văn Song tâm niệm muốn lấy được sự đồng cảm của bạn đọc thì hình ảnh, ngữ điệu phải quen thuộc mới chạm tới nỗi xót thương của người đọc, mới lấy được nước mắt của người yêu thơ nên thơ viết về mẹ của nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Văn Song luôn lấy chất liệu là ngữ điệu xót xa của tâm trạng “ôn nghèo kể khổ”, bằng những hình ảnh mẹ được anh đồng nhất với hình ảnh của sự lam lũ, nghèo khó nên mới đọc thơ anh một hai bài người đọc sẽ dễ đồng cảm với “nhân vật trữ tình trong thơ” nhưng nếu đọc nhiều hơn nữa sẽ gặp sự lặp lại về ngữ điệu, về hình ảnh, sắc thái đã quá quen thuộc trong cách khai thác của nhiều nhà thơ, thành ra dù nhà thơ Nguyễn Văn Song đã cố bỏ nhiều công sức trau chuốt câu thơ, trau chuốt bài thơ để có những câu thơ chạm được vào nhịp rung cảm của bạn đọc thì với những người đọc kỹ tính một chút, ưa sự sáng tạo một chút vẫn sẽ chau mày, thiếu kiên nhẫn để ngồi đọc hết nửa tập thơ:
- “Đồng xa mót tép mò cua
Mẹ về nghẹn gió giữa trưa nắng trầy”
(Giỏ tre)
“Mùa đông lội xuống đồng làng
Mẹ gầy sương đổ bóng càng thêm xiêu”
(Mùa đông của mẹ)
“Mẹ ngồi sàng nhũng đêm dài
Sẩy từng câu hát thức ngoài thềm sương”
(Đàn cò của Mẹ)
“Mẹ ta quần mảnh, áo nâu
Đêm khuya cặm cụi ngồi khâu dưới đèn”
(Tiếng cuốc nửa đêm)
- “Giường đơn thiếu dáng mẹ gày
Nan tre buốt lạnh chở đầy hắt hiu”
(Mẹ vắng nhà)
- “Trưa hè tãi thóc, lật rơm
Bàn chân sấp ngửa chạy cơn mưa rào
Ai làm giông gió ba đào
Để cho bóng mẹ ngã nhào đổ xiêu”
(Đôi bàn chân mẹ)
Tuy kiên nhẫn và trung thành với việc chọn hướng đi, chọn cách viết nhưng mừng là nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Văn Song cũng rất ý thức tiếp thu góp ý của các bạn văn để câu thơ, bài thơ của anh thành hay, thêm cảm xúc. Ví như một lần vào trang facebook cá nhân của anh tôi “bị” mấy chữ “nhẹ bẫng”, “nháo nhào” ở 4 câu thơ cuối bài “Cõng Mẹ” ám ảnh nên viết vài dòng cảm nhận về bài thơ, với những cảm xúc rất thật về 4 câu thơ cuối bài:
“Đọc “Cõng Mẹ”, tôi rất thích 4 câu thơ cuối bài:
“Mẹ nằm nhẹ bẫng lưng con
Mà nghe muôn vạn núi non đổ ào
Lưng dài, vai rộng, thân cao
Một lần cõng mẹ nháo nhào bóng xiêu.”
Bốn câu thơ với những chữ gợi nhiều cảm xúc như: “nhẹ bẫng”, “nháo nhào” khiến câu thơ dễ thấm sâu vào trái tim người đọc. Hai chữ “nhẹ bẫng” trong câu “Mẹ nằm nhẹ bẫng lưng con” làm người đọc nghẹn lòng chưa kịp lắng xuống thì 2 chữ “nháo nhào” trong câu kết bài thơ: “Một lần cõng mẹ nháo nhào bóng xiêu” như bồi thêm để cảm xúc nơi người đọc thêm se sắt. Bốn câu thơ đó chưa đến mức tuyệt hay nhưng để viết được những câu thơ hay như thế thì ngoài tình yêu, lòng biết ơn sự vất vả hy sinh của Mẹ luôn đậm sâu trong tâm tưởng thì sức lao động, sự sáng tạo của nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Văn Song góp phần không nhỏ!”
Sau đấy, tôi được nhà thơ Nguyễn Văn Song cho biết, ban đầu 2 câu kết anh viết: “Lưng dài, vai rộng, thân cao / Một lần cõng mẹ ngã nhào bóng xiêu” nhưng khi gửi đăng ở tạp chí Văn Nghệ Quân Đội thì biên tập Lý Hữu Lượng đã gợi ý anh đổi “ngã nhào” thành “nháo nhào” vừa thể hiện đúng tâm trạng trữ tình mà chữ lại không cũ. Nhà thơ Nguyễn Văn Song thấy 2 chữ “nháo nhào” nâng câu thơ hay lên nhiều nên đã chỉnh sửa theo gợi ý của biên tập Lý Hữu Lượng.
Hà Nội, ngày 25 tháng 10-2024
Ɖặng Xuân Xuyến
(1): Nhà thơ Nguyễn Văn Song sinh năm 1974, tại Vân Điềm, Vân Hà, Đông Anh, Hà Nội. Hiện là giáo viên Trường THPT Phù Cừ, Hưng Yên. Anh đã xuất bản 2 tập thơ: Đi từ phía cổng làng, Mẹ và sen. Đoạt giải B (không có giải A) cuộc thi thơ của Báo Văn Nghệ – Hội Nhà văn Việt Nam 2019 - 2020 và nhiều giải thưởng khác.
***
Chú thích của BBT www.caidinh.com
Dưới đây là hai bài thơ trong số những bài thơ của nhà thơ Nguyễn Văn Song được tác giả nhắc đến trong bài:
Giỏ tre Nhà còn còn một chiếc giỏ tre
|
Cõng mẹ Bất ngờ mùa chuyển vô thường Ngõ nhà một đoạn vòng cua Thuở nao chân bước ngập ngừng Gặp bao gương mặt rạng cười Mẹ nằm nhẹ bẫng lưng con |
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/tho/docthonguyenvansong.html