Phan Ni Tấn


Chiến tranh trong thơ Uyên Hà

      

Bởi vì ngày trước tôi là người lính sống sót trong chiến tranh nên ngày nay đọc thơ Uyên Hà tôi thấy có chiến tranh. Tập thơ Người Đứng Khóc Tay Không của nhà thơ Uyên Hà gồm có 49 bài trong đó 10 bài mang hơi hướm chiến tranh. Nhưng mà chiến tranh trong thơ Uyên Hà cho dù có nổi gò sự sống và cái chết hòa trộn vào nhau nhưng người thơ lại bày tỏ quan niệm sống còn qua hơi thơ đằm thắm, tình thơ nhẹ nhàng, hàm dưỡng những sắc điệu buồn vui. Văn học luôn sáng tạo nên những tính từ đó cứ tràn đi trong thơ khiến cho người đọc cảm nhận bao lực, bức hiếp, sinh tử trong chiến tranh lại trở thành một loại nghệ thuật tả chân.

Chiến tranh khởi đầu ở bài thơ “Mắt Xưa” là thơ bước đi tìm đôi mắt dưới bến đò ngang. Nhưng vì mắt đã thất lạc ở bến người nên Thơ và Người mãi lênh đênh. Cho nên con người “về qua bến ấy” không may đụng phải chiến tranh ở cuối dòng:

anh mai nằm chết sa trường
tưởng em lần cuối mắt ươn ướt sầu.(trang 20)

Nhưng “anh mai nằm chết” vẫn chưa tới số gọi hồn, nghĩa là “mai” vẫn còn là hôm nay nên mây trên trời vẫn còn bay và người thơ vẫn còn bồng súng. Bài thơ “Mây Bao Giờ Thôi Bay 1”, trang 21, là một bài thơ chẵn chòi có 120 từ mà từ nào đọc lên cũng thật thắm thía với “nỗi buồn không biết nói” của người lính chiến:

Anh bao giờ gác súng?
mây bao giờ thôi bay!
đường xa chân rướm mỏi
ai nghe tiếng hát này?
Nửa khung trời chờ đợi
niềm hy vọng mong manh
trong tay còn viên đạn
anh còn buồn quê anh
Khi cuộc đời mất nghĩa
mọi thứ hóa hoang đường
những hận thù bốc cháy
từng mẩu tình quê hương
Anh trở thành xa lạ
chẳng trọn sắc da vàng
nỗi buồn không biết nói
nỗi buồn người Việt Nam
Tương lai dầy ra đấy
trên triền cát sa mù
bước sau chùng bước trước
dấu chân vào hư vô
Rung rinh niềm chờ đợi
tiền tuyến mờ hậu phương
hò ơi! Con nước gọi
biển nghe buồn mênh mang
Anh bao giờ gác súng?
mây bao giờ thôi bay!
cho quê hương lớn dậy
để lúa thơm hồn này.

Trong chiến tranh, câu hỏi của người lính cứ như một loại “công án Thiền” không “đốn ngộ”.

Và bởi vì trong suốt cuộc đời đầy hệ lụy này người thơ lính không bao giờ “đốn ngộ” nên hình ảnh người nữ trong chiến tranh đành phải còng lưng, sấp mặt mang một số kiếp bi thảm: miệng “khóc suốt cuộc đời” còn tay thì “ru hoài nỗi chết”. Ta đọc ở đây bài thơ “Mây Bao Giờ Thôi Bay 2”, trang 27, là nếp thơ phong phú khi sắp đặt nỗi tang thương của thời đại gợi lên hình ảnh cuộc chiến tranh sự vật: viên đạn, mộ chí, dấu đất, chiếc nôi không người, tổ quốc… và tiếng động duy nhất là tiếng khóc không bao giờ thôi khóc:

Tôi khóc suốt mùa đông
với hình ảnh anh trước mặt
một chiếc nôi con
mang bên trong nỗi chết
Tôi khóc suốt mùa xuân
với hình ảnh anh trước mặt
viên đạn nào xuyên qua
tuổi nào rơi xuống đất
Mỗi đêm sau cửa này
tôi viên tròn đau sót
mỗi chiều bên mộ anh
tôi hôn từng dấu đất
Tôi khóc suốt cuộc đời
biết làm sao đừng khóc
còn chiếc nôi bên mình
tôi ru hoài nỗi chết
Còn chiếc nôi không người
tôi ru hoài Tổ quốc
mây bao giờ thôi bay
tôi bao giờ thôi khóc…

Bài “Người Đi Trận”, tr. 54, là bài thơ tự sự miêu tả tâm trạng người lính dấn mình vào vùng lửa đạn để rồi nhận ra sự phi lý, bất ổn trong quan hệ sống còn của kiếp người. Đằng sau chữ nghĩa của bài thơ này đã gợi lên trong lòng người đọc một niềm ray rứt khôn nguôi. Quân trang của người đi trận giống hệt như hình thù của vết thương chiến tranh:

Tôi bước đến biển rừng vàng xa lạ
người nhìn chi bao mảnh sắt bên sườn
chút niên thiếu chạy mê bùa ảo vọng
vẻ oai hùng tê dấu đạn đau thương
Tôi chẳng thấy gì xa ngoài vô vọng
tôi chẳng nghe gì át tiếng khua quân
trong bóng tối tôi bỗng thù ánh sáng
soi mặt người đối diện mắt rưng rưng
Chân tiến lên trăm ngàn đôi mắt ấy
lòng ngại ngùng chẳng hiểu chúng ra sao
khi lửa thép xéo giày từng khuôn mặt
một lũ ruồi trên tớp máu tanh tao
Tôi mơ hồ thấy mình như lạc nẻo
trong rừng sâu khi tìm vết chân thù
kẻ chiến đấu mang trong người máu Việt
trương đầy hồn mang vết rạn ưu tư
Miền đất lạ sãi lên niềm âu yếm
tôi hổ ngươi dong từng bươc chinh hành
để muôn đời vẫn làm tên phá hoại
góp bạo tàn vào nhân loại điêu linh
Mây trên rừng che khung trời trước mặt
tôi làm quen với từng xác con người
thịt xương ấy nhớp nhơ như cuộc chiến
máu bạo hành rộn rã chảy trong tôi
Đường thì xa hơn nghìn lần Nam Bắc
người xung phong lùa viễn ảnh tương tàn
nghe sau mình tiếng bom rơi đạn thét
tôi biến thành một loài thú dã man.

Trong chiến tranh, người lính vô danh khi ngã xuống đều được gọi chung là “anh hùng vô danh”. Như anh Nguyễn Ta, bạn của nhà thơ Uyên Hà chẳng hạn. Nhưng Nguyễn Ta có phần may mắn hơn những người lính chết mất xác ngoài mặt trận vì anh được các đồng đội can đảm lấy xác anh về:

Về nằm đây trong Khu Nhà Vĩnh Biệt
kẻ dấn thân yên phận đến kinh hoàng
vài ngọn nến thắp cao niếm tiếc hận
súng bây giờ còn nổ khắp quê hương
            (Trong Khu Nhà Vĩnh Biệt, tr.65)

Khẩu súng và viên đạn chỉ biết hủy diệt, không xoa dịu được lòng người như thơ văn. Cũng trong Khu Nhà Vĩnh Biệt, người thơ vẽ nên cái đẹp trong cuộc đời làm người. “Em” trong chiến tranh là một hình ảnh đẹp, dù em có đối mặt với vô vàn khổ đau. “Mẹ Cha” cũng vậy, là những hình tượng bao la, vạm vỡ của cái đẹp mầu nhiệm trước cơn tàn phá văn hóa và đạo đức của chiến tranh.

Em cúi mặt làm chi giờ phút ấy
những dáng buồn biết đổ tội cho ai
trên từng mảnh quê hương thù hay bạn
người tình thương vô kể nỗi đau này
Người Mẹ đến biết nỗi mình thua lỗ
con tôi đâu máu nó đỏ vô cùng
người Cha đến tuổi già thương chẳng khóc
nỗi sầu cao như Tổ quốc căm hờn…

Tưởng nhớ Phan Văn Điện trong bài Phần Người Chết cũng là thủ phạm của chiến tranh:

Người có nghe tiếng nổ đều khắp cả
lúc còn hơi còn sức để tung hoành
người vẫn bảo quê hương mình sẽ rộng
chân tha hồ bay nhảy khắp non sông (tr.77)

Thơ lục bát trong tập thơ Người Đứng Khóc Tay Không của Uyên Hà gồm 10 bài, xuyên qua cách dùng từ, hình tượng và âm thanh bài nào cũng chân tình thâm hậu. “Hẹn Về” là một thí dụ.

Trong chiến tranh người lính trận nào cũng ước mơ có được một ngày về, về với quê nhà sau lần hành quân, về ba ngày phép cho phố nhỏ thêm người, về với em bậu cho tình nghĩa quen hơi:

Về cho phố nhỏ thêm người
hiên khuya khua được tiếng cười của ai
về rồi phát cỏ cào gai
ẵm em lót ổ đêm dài ốm mê
Về thương ngọn suối lòng khe
áo em mát lụa anh che mái đời
về cho em bậu quen hơi
nụ khuya kín miệng hết lời nhớ nhung
Chiến chinh vó ngựa muôn trùng
Nhỡ không về được chớ hờn trách anh. (tr.74)

Nhìn chung, chiến tranh trong thơ Uyên Hà lưu giữ những kỷ niệm buồn vui trong đó cuộc chiến đã đưa Người Đứng Khóc Tay Không đi vào đời bằng những tiếng khóc giữa bạo lực và vũ khí.

Nhà thơ Uyên Hà tên thật Lê Đình Ba, sanh năm 1944 tại Đại Lộc, Quảng Nam. Có thơ đăng báo Sài Gòn và hải ngoại từ 1964 đến nay.

   

Phan Ni Tấn

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/tho/chientranhtrongthouyenha.html


Cái Đình - 2023