Hoàng Giang
Việt Nam, quốc gia nhập khẩu hàng đầu đang vật lộn với rác thải nhựa, làm hiển lộ những giới hạn của cuộc mua bán có trị giá hàng tỉ đô
Người dân phân loại rác thải nhựa ở làng Minh Khai, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Reuters
Vô số bao nylon phế thải trôi lình bình trên con kênh chảy qua làng Minh Khai,
nơi có những con đường hẹp ngổn ngang những núi rác nhựa cao,
lòi từ trong sân trước nhà dân ra tới ngoài ngõ và chồng chất
gần các lò đốt những rác không thể tái chế.
‘Làng nghề tái chế nhựa’ theo như tên dân gian gọi, nằm cách thủ đô Hà Nội chừng một giờ xe. Ngôi làng này là một trong những điểm đến cuối cùng của rác nhựa đã được lọc lựa, nhập từ Nhật Bản, Mỹ và châu Âu.
Các đại biểu tại hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc ở Hàn Quốc tuần này thảo luận về các quy tắc toàn cầu mới được thỏa thuận để có thể hạn chế hoạt động mua bán rác thải này, mà theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc cho thấy ngành thương mại này có trị giá 3,8 tỷ USD trong năm 2023. Các đòi hỏi chặt chẽ hơn từ trong nước về nhập khẩu rác thải cũng sẽ được áp dụng tại Việt Nam kể từ năm tới.
Quốc gia Đông Nam Á này đã nổi lên thành nhà nhập khẩu nhựa phế thải lớn trong những năm gần đây sau khi Trung Quốc – từng là nước nhập khẩu rác nhựa lớn nhất thế giới – năm 2018 đã ban hành các biện pháp cấm nhập rác thải. Cụ thể, Việt Nam là quốc gia nhập khẩu lớn thứ tư trên toàn thế giới vào năm 2022, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Nhưng sự tăng cường nhập rác thải nhựa lại xảy ra trong khi quốc gia này vẫn đang phải vật lộn với vấn đề tái chế rác của chính họ.
Mặc dù các biện pháp hạn chế nhập khẩu được ban hành thêm có thể giúp giảm hoạt động buôn bán rác thải, nhưng quy mô lớn rộng của ngành công nghiệp không chính thức này có thể làm công tác kiểm soát và giám sát luồng thương mại và tốc độ tái chế trở nên khó khăn, các chuyên gia và quan chức nhận định như vậy.
Từ phân loại đến chôn vùi
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới trong báo cáo năm 2021, có hơn một phần tư khả năng tái chế nhựa của Việt Nam tập trung tại các làng nghề như làng Minh Khai. Ngân hàng Thế giới trong báo cáo này cũng cho biết thêm rằng công suất dự phòng của Việt Nam để xử lý nhựa nhập khẩu là 300.000 tấn.
Con số này thấp hơn nhiều so với 420.000 tấn phế liệu nhựa mà Việt Nam nhập khẩu năm 2023, theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, nó không phản ánh được toàn bộ khối lượng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam không trả lời yêu cầu (của Reuters) muốn được biết về các số liệu mới nhất.
Các nhà nghiên cứu nhận định việc không phân loại rác thải nhựa đúng cách cả trong và ngoài Việt Nam đang cản trở quá trình tái chế tại nước này. Theo báo cáo năm 2023 của Tổ chức Quốc tế về Bảo Tồn Thiên nhiên (WWF) được chính phủ hỗ trợ, chỉ có 30% rác thải nhựa phát sinh ở Việt Nam là được phân loại.
Và với hậu quả là, bất chấp chi phí vận chuyển cao, các cơ sở tái chế ở Việt Nam vẫn nhập rác thải nhựa từ nước ngoài do chất lượng tốt hơn, theo công ty nghiên cứu FiinGroup ở Việt Nam.
Tuy nhiên, một nghiên cứu khác, được công bố vào tháng giêng năm nay, đã ước tính là Việt Nam chỉ tái chế tối đa một phần ba lượng nhựa thải nhập khẩu.
Nhà nghiên cứu Kaustubh Thapa, một trong nhiều tác giả của nghiên cứu này, từ Đại học Utrecht (Hà Lan) nói rằng một phần nguyên nhân là vì một số loại nhựa nhập khẩu thường được trộn với rác thải hữu cơ gây khó khăn cho việc xử lý hoặc không thể xử lý được.
Tuy nhiên, một người làm nghề tái chế ở làng Minh Khai lại tỏ ra lạc quan. “Số rác thải nhập khẩu không thể tái chế thường chỉ khoảng 5% khối lượng thôi, nhưng đôi khi cũng lên tới 25%,” Chi – người từ chối tiết lộ đầy đủ họ tên – đã trả lời cho câu hỏi (do Reuters) đặt ra.
Hầu hết người dân tại làng này khi được trực tiếp liên hệ hoặc gọi điện thoại đều từ chối nói chuyện với giới truyền thông vì sợ ảnh hưởng đến công ăn việc làm của họ.
Phần lớn nhựa không được thể tái chế bị tống vào các bãi rác không có vệ sinh và khoảng 15% được thải trực tiếp ra môi trường và đại dương, theo báo cáo của WWF.
“Việc xuất khẩu rác thải để được tái chế đến những nơi xem chừng không có đủ năng lực tái chế làm dấy lên câu hỏi về tính công bằng và tính bền vững”, bài nghiên cứu của ông Thapa và các đồng tác giả kết luận.
Nguyên tác: Top importer Vietnam struggles to recycle plastic waste, exposing limits of multibillion dollar trade | Francesco Guarascio & Khanh Vu, được Sonali Paul biên tập | Reuters, 26.11.2024
Người dịch: Hoàng Giang
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/xahoi/vietnamquocgianhapkhau.html