Chu Tất Tiến


Vấn nạn di dân lậu của Châu Âu và Mỹ Châu

   

Những cuộc hành trình dài và chết chóc của di dân lậu vẫn tiếp tục tại Châu Âu. Trong năm 2023, số di dân lậu vào Châu Âu là hơn 385.000 người, gần như gấp ba lần khi xảy ra dịch Covid những năm trước. Theo thống kê, trong thập niên vừa qua, số di dân được phép chính thức nhập vào Châu Âu cùng số di dân lậu là khoảng 29 triệu người, gây ra một sức ép rất lớn cho người dân bản xứ.

Khoảng ba ngàn người di dân lậu di chuyển bằng những chiếc tàu hay thuyền nhỏ bé, ọp ẹp đã chết khi băng qua biển Mediterranean, trong khi những người khác đi bộ qua những vùng đất chiến tranh hoặc sa mạc và chấp nhận bị bọn buôn người bắt cóc hoặc bị dân bản xứ giết chết. 

Những quốc gia thuộc Liên Âu đang phải nhức đầu đối phó với nạn di dân lậu này, nhất là với những đảng Cực Hữu gồm thành viên là những người không chấp nhận cho di dân lậu tràn vào nước họ, làm ảnh hưởng đến kinh tế, tài chánh và xã hội. Chỉ những người theo chủ nghĩa tự do là lo lắng đến vấn đề nhân quyền và sinh mạng của những kẻ di dân.

Những nghiên cứu gần đây cho biết từ năm 2015, số di dân tăng lên đột ngột vì các cuộc chiến tranh tại Afghanistan và Syria. Sau đó lại đến cuộc chiến xâm lăng Ukraine khởi đầu bởi tham vọng của Putin, làm cho dân Ukraine phải bỏ xứ mà đi, tìm kiếm một nơi trú chân an toàn. Ngoài ra còn các cuộc chiến tranh ở Trung Đông cũng làm cho số người đi tị nạn tăng vọt. Các chuyên viên ước tính trong vài thập niên vừa qua, có tới 115 triệu người mất nhà cửa, phải lưu vong thành “homeless” bất đắc dĩ.

Những cái đích tìm đến để định cư tại Châu Âu khác nhau tùy theo từng nhóm người. Cơ quan Di Dân Quốc Tế (International Organization of Migration) đã thực hiện hơn 4.000 cuộc phỏng vấn những người di cư, tị nạn vì chính trị hay kinh tế, và thấy chỉ có 6% người di dân đi theo đường Bắc Phi đến Ý nói là họ muốn đến nước Anh. Trong khi đó, những kẻ đi xuyên qua Hungary và Balkans lại không mộng tưởng đến nước Anh mà chỉ muốn đến được nước Đức.

Cũng theo cuộc nghiên cứu của cơ quan Di Dân Quốc Tế, qua cuộc phỏng vấn 473 người Iraq hiện đang ở Châu Âu về dự định di tản đến nước nào thì gần như phân nửa chọn nước Đức, và chỉ có một tỷ lệ nhỏ người gốc Iraq chọn nước Anh, còn lại thì tùy cơ ứng biến, nước nào cũng được.

Thực tế, rất nhiều người muốn chọn các quốc gia lân cận làm quê hương, như những người Syrian thì có tới 60% muốn gần tổ quốc của họ, còn lại 40% muốn đến Châu Âu, xa hẳn nơi đầy mùi khói súng.

Lý do mà đa số di dân Trung Đông và Châu Phi không muốn đến Châu Âu là vì “con đường đi tìm tự do rất khó khăn,” nguy hiểm và đầy bất trắc cho sinh mệnh của họ, nên họ vẫn muốn được định cư ở mấy quốc gia láng giềng, có ngôn ngữ và sinh hoạt tương tự, nhưng vì không còn chọn lựa nào khác, nên họ bắt buộc phải tìm đến Châu Âu.

Một nhà nghiên cứu về di dân, Colin Yeo, đã nói: “Đây là một thế giới hiện thực, cho nên không dễ dàng trả lời câu hỏi ‘tại sao?’” Cuộc nghiên cứu khác được thực hiện bởi Hội Đồng Tị Nạn (Refugee Council) trong năm 2010 thấy rằng 43 người tìm kiếm nơi để tị nạn đều nói rằng họ không thật sự muốn tới nước Anh, có lẽ là vì phương tiện di chuyển trên biển đầy sóng gió, hãi hùng, mặc dù họ sẽ được đón tiếp tốt đẹp tại Anh.

Những người di dân đều biết rằng họ không được chính phủ Pháp chấp nhận, nên đã liều mạng đi từ Pháp sang Anh. Một “clip” ngắn của đài BBC thu được cho thấy một chiếc thuyền rời bến cảng đông đúc của Pháp tiến về phía Bắc của nước Pháp. Khoảng một tiếng đồng hồ sau, chính chiếc đó lại xuất hiện lòng vòng ở một bến cảng của Pháp để nhận thêm người đi. Cảnh sát Pháp vội vã xông đến nhưng đã trễ, chiếc tàu chở di dân lậu đã vượt thoát với khoảng 40 mạng trên đó, một số đứng bám vào mạn thuyền.

Trong một chuyến tầu không may mắn đã bị lật chìm, một số đã sống sót và chiếm một khoảng đất, căng lều tạm trú. Cảnh sát Pháp đã dùng xe ủi đất đến cào hết mấy cái lều tị nạn này. Một người tị nạn than thở: “Tôi căng thẳng quá! Tôi biết rõ những người đã chết khi tàu chìm. Cảnh sát bây giờ đến tịch thu lều và đồ đạc của tôi.”

Cảnh sát Pháp trong khi phá hủy những phao cao su dự định làm thuyền vượt biển thì nói là những thanh niên này chỉ muốn trốn quân dịch mà thôi. Ngược lại, một số di dân nói là đã để dành tiền cả mấy năm trời để trốn khỏi quốc gia của họ đầy chiến tranh, khói lửa. Những người Pháp đến cứu giúp những nạn nhân bị chìm tàu nói rằng: “Đáng lẽ những chuyện này không nên để xảy ra.” Một số khác thương hại, tìm cách giúp đỡ các nạn nhân, nhưng không chấp nhận cho họ ở lại nước Pháp, do đó, họ phải nghĩ đến chuyện sang nước Anh. 

Nhìn lại các sự kiện chính trị, chiến tranh đang xảy ra hàng ngày trên thế giới, các nhà nghiên cứu cho rằng vấn nạn Di Dân Lậu vào Châu Âu không thể nào có ngày chấm dứt.

Về vấn đề di dân lậu ở Mỹ băng qua Texas và những địa điểm khác giáp giới với Nam Mỹ, nhiều chuyên gia cho rằng khó có thể ngưng được. Không những thế mà còn tiếp tục tăng thêm trong những năm tới. Lý do: hậu quả của chiến tranh, sự nghèo đói và khí hậu thay đổi khiến hàng triệu người phải bỏ nhà ra đi tay không. Một yếu tố quan trọng mà đại đa số dân Mỹ vẫn lầm tưởng khi tin rằng chỉ có biên giới Mỹ – Mexico là nguồn gốc cho các vụ vượt biên trái phép, nhưng thực tế không phải vậy. Chính Darién Gap ở Panama ở Nam Mỹ mới là đầu cầu cho di dân lậu. 

Darién Gap là một trảng rừng nhiệt đới, nằm giữa hai biển Pacific Ocean và Caribean dài hơn 100 dặm ngăn giữa Colombia và Panama. Darién Gap là một dẫy rừng rậm với rất nhiều thú dữ, đèo, vực sâu, đá nhọn, vách đứng, khó sinh sống, chỉ có vài bộ tộc gần như nguyên thủy sinh sống với điều kiện săn bắn, hái lượm. Darién Gap hoàn toàn không có đường đi, cho dù là đường mòn, phương tiện di chuyển là đi bộ băng qua rừng rậm và bằng ghe độc mộc. Với địa thế hung hiểm như thế, cả ngàn người đi qua nơi này đã mất mạng ở đây, cho nên cả hai quốc gia Colombia và Panama thả lỏng việc ngăn ngừa vượt biên. 

Theo nghiên cứu mới đây, thì trong số người vượt biên vào Mỹ qua Mexico, ngoài một số nhỏ là dân Mexico, Guatemala, Honduras, Nicaragua, El Salvador, Costa Rica, còn đa số là dân Venezuela. Từ năm 2010, Venezuela đã lâm vào cảnh nghèo đói, thất nghiệp tràn lan, bệnh tật không thuốc men. Dưới sự điều hành độc tài của chính phủ nước này, dân chúng đã năm lần, bảy lượt muốn vùng lên nhưng đều bị bàn tay sắt của lãnh đạo đập tan. Do đó, rất nhiều dân Venezuela đã phải tính chuyện di chuyển lên miền Bắc, nhưng khi vào các quốc gia phía trên, đâu đâu cũng bị xua đuổi, nên họ đành nhắm tới Hoa Kỳ. Trạm dừng chân cuối của họ là biên giới Mexico và Mỹ. Trong năm 2024, số người băng qua Darién Gap là 230.000 người. Chỉ trong tháng Tám, đã có khoảng 8000 người chuồn qua trảng rừng này. 

Để có thể giảm bớt việc vượt biên trái phép, tháng Bảy năm 2024, hành pháp của Tổng Thống Biden vừa ký kết với Panama môt văn kiện trong đó Mỹ sẽ chi trả cho Panama một số tiền để Panama trục xuất di dân lậu về Colombia. Mỹ sẽ hỗ trợ cho Panama các phương tiện dụng cụ, chuyên chở và số liệu để ngăn ngừa dân Venezuela băng qua Darién Gap.

Tháng Tám năm 2024, chuyến bay đầu tiên đã cất cánh từ Panama sang Columbia, chở toàn di dân lậu. Máy bay sẽ hạ cánh xuống phi trường quốc tế Columbia, từ đó, di dân lậu sẽ tự lo lấy thân mình, phó mặc cho may rủi.

   

Chu Tất Tiến
Tháng Chín, 2024

__________

Tham khảo:

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/xahoi/vannandidanlaucuachauau.html


Cái Đình - 2024