Nguyễn Bá Trạc


Ukraine có thể học được gì từ vị thế của Phần Lan 80 năm trước

 

GHI CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH:

Chúng tôi hiện sống ở Phần Lan, một đất nước có đường biên giới dài 1.340 km (830 mi) giáp nước Nga. Đất nước này đã mất đi một phần lãnh thổ với cuộc Chiến Mùa Đông khi Liên Bang Xô Viết xâm lấn Phần Lan. Sau cuộc chiến, Phần Lan vẫn nắm được chủ quyền, trở thành một quốc gia thuộc khối Liên Âu (EU) nhưng giữ một vị thế “tương đối trung lập" về quân sự vì không gia nhập Liên Minh NATO.

Tôi dịch bài này vì đang theo dõi tình hình Ukraine, và cũng muốn chia sẻ với bạn hữu về một quan điểm nhằm kết thúc cuộc chiến: Tác giả so cuộc chiến Nga-Ukraine ngày nay với cuộc chiến Mùa Đông giữa Liên Xô với Phần Lan mà kết thúc bằng cách Phần Lan chịu mất 1/10 lãnh thổ và giữ vị thế “trung lập”.

Đấy là cái nhìn của tác giả. Và cuộc chiến Mùa Đông đã diễn ra hơn 80 năm trước.

Nay trong hiện trạng, với những gì đang xẩy ra với cuộc chiến Ukraine thì vị thế “trung lập” của Phần Lan cũng như Thụy Điển đang được xét lại. Đa số công chúng và lãnh đạo Phần Lan hiện càng ngày càng tăng thêm ý muốn gia nhập NATO. Việc ấy - cũng như chiến cuộc Ukraine - vẫn đang diễn tiến.

Bài viết này đăng tải ngày 20/3/22. Tác giả bài viết, ông James Stavridis là một nhà báo chuyên mục Quan Điểm của tạp chí Bloomberg. Ông là Đô Đốc hải quân Hoa Kỳ hưu trí, cựu Tư Lệnh đồng minh tối cao của NATO, đồng thời là hiệu trưởng danh dự của Trường Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tufts. Ông cũng là chủ tịch hội đồng quản trị của Quỹ Rockefeller, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu tại Carlyle Group. Cuốn sách mới nhất của ông là cuốn "2034: A Novel of Next World War." @stavridisj

Xin giới thiệu với các bạn
Nguyễn Bá Trạc, Turku, Finland 21/3/22

***

Chiến tranh Mùa đông giữa người Phần Lan và Liên Xô có những điểm tương đồng quan trọng với cuộc xung đột hiện nay.

Giày trượt tuyết (ski) và mặt nạ phòng chống hơi độc là những trang bị trong đồng phục
của quân nhân Phần Lan. Hình: Three Lions/Hulton Archive via Getty Images

Vào tháng 11 năm 1939, ngay sau khi nước Đức của Hitler xâm lược Ba Lan, một quốc gia Âu Châu khổng lồ khác cũng tấn công một nước láng giềng nhỏ hơn: Nga xâm lược Phần Lan. Sau cuộc giao tranh ác liệt qua một mùa đông dài và cay đắng, chiến tranh kết thúc với Hiệp ước Hòa bình Moscow, trong đó sự nhượng bộ của Phần Lan không giống như những gì Stalin đã hy vọng khi tiến hành cuộc xâm lược của mình.

Mặc dù Quân đội Liên Xô cực kỳ vượt trội về hỏa lực và quân số, người Phần Lan vẫn có thể chiến đấu rộng lớn với người Nga cho đến khi ngưng bắn trong trận chiến mà họ gọi là Chiến tranh Mùa Đông. Kịch bản này tương tự một cách kỳ lạ với tình hình đang diễn ra hôm nay ở Ukraine, nơi nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin đang phải đối mặt với sự kháng cự dữ dội từ những người Ukraine "vụn vặt".

Hơn một thập kỷ trước, khi tôi đến thăm Helsinki với tư cách Tư Lệnh đồng minh tối cao của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, nơi đầu tiên mà người Phần Lan đưa tôi đến là Viện Bảo Tàng Chiến Tranh Mùa Đông của họ. Chúng tôi đã ở đó hai giờ, và tôi bị cuốn hút bởi lòng dũng cảm được thể hiện qua các mô hình, sa bàn, các trưng bầy, bản đồ và hình ảnh từ cuộc chiến. Tôi trân trọng một món quà mà người Phần Lan đã tặng cho tôi là một tấm bản đồ hiển thị các vị trí đóng quân, tên và khuôn mặt của các tướng lãnh Phần Lan xung quanh biên giới.

Tính theo số binh sĩ được huấn luyện, thì Liên Xô vượt trội Phần Lan vào khoảng 2 đánh 1, nhưng đáng kinh ngạc hơn là sự khác biệt ở số lượng xe tăng và máy bay chiến đấu. Người Phần Lan mỗi thứ chỉ có vài chục chiếc, trong khi Liên Xô có khoảng 5.000 chiếc xe tăng và 4.000 cái máy bay. Tuy nhiên, vào cuối cuộc xung đột, người Phần Lan đã khiến cho quân đội Liên Xô bị thiệt mạng gấp 5 lần so với quân đội của họ.

Mặc dù lợi thế ở trên không và các chiến dịch cơ giới hóa của Liên Xô cuối cùng đã vượt qua phần lớn sự kháng cự của Phần Lan, nhưng bản chất kiên quyết của quân bảo vệ đất nước và mối đe dọa của một cuộc kháng chiến nổi dậy có thể diễn ra đã giúp định hình nền hòa bình. Bất kể các mục tiêu trước chiến tranh là chinh phục toàn bộ đất nước Phần Lan, thiết lập nên một chế độ bù nhìn, Liên Xô cuối cùng đã thỏa thuận với việc giành một phần nhỏ lãnh thổ của Phần Lan (khoảng 10%) và cam kết về sự trung lập của Phần Lan.

Có thể học được gì từ Chiến tranh Nga-Phần Lan để giúp chúng ta tiếp cận các sự kiện ở Ukraine ngày nay?

Đầu tiên và quan trọng nhất, chúng ta nên đánh giá cao rằng một lực lượng quân sự quyết tâm, chiến đấu trên địa hình quê hương, có thể đối mặt được với những khó khăn mà đạt thành công trên chiến trường. Người Phần Lan có ý thức lâu dài và quyết liệt về độc lập, cũng như người Ukraine, đã bất chấp sự phản đối của Nga trong cả hai cuộc chiến. Tôi biết trực tiếp chất lượng cao của quân đội cả hai quốc gia, dưới quyền chỉ huy của tôi ở Afghanistan và trong các nhiệm vụ NATO khác.

Khi những người lính chiến đấu để bảo vệ con cái, cha mẹ, vợ chồng – và nền độc lập của quốc gia mình – họ có lợi thế tinh thần rất đáng kể so với lính nghĩa vụ và lính dự bị. Điều này đúng với người Phần Lan và vẫn là một nhân tố quan trọng trong cuộc chiến Ukraine.

Vấn đề thứ hai được áp dụng trong cả hai trường hợp là tầm quan trọng của sự hỗ trợ từ bên ngoài. Những người tình nguyện trên khắp thế giới tự do đã đến Phần Lan để chiến đấu trong Chiến Tranh Mùa Đông, đặc biệt là từ Thụy Điển. Người Phần Lan đã nhận được thiết bị chiến đấu và cũng như các hỗ trợ ngoại giao từ nhiều quốc gia. Hội Quốc Liên thủa ấy đã lên án Liên Xô xâm lược Phần Lan, cũng như Liên Hiệp Quốc ngày nay chỉ trích hành động của Nga.

Việc tăng cường những hỗ trợ từ bên ngoài vẫn rất quan trọng đối với người Ukraine. Hoa Kỳ và các đồng minh nên tăng cường mức trừng phạt đối với Nga và cung cấp nhiều vũ khí hơn mức quy định trong gói 800 triệu USD mới đây của Tổng thống Joe Biden. Bổ sung Javelin, súng bắn hỏa tiễn chống chiến xa và các loại tên lửa chống giáp khác, Stingers và các loại vũ khí tương tự cho tác chiến phòng không, máy bay không người lái Switchblade, súng máy, đạn dược và lựu đạn phóng tên lửa là rất quan trọng. Ukraine đang khao khát một hệ thống phòng không tầm xa, chẳng hạn như S300 do Liên Xô sản xuất mà Slovakia đã đề nghị gửi đến Kyiv. Đề xuất chuyển giao máy bay chiến đấu MIG-29 từ Ba Lan, mà Mỹ dập tắt vào ngày 9 tháng 3, nên được phục hồi.

Cuối cùng, các nền dân chủ phương Tây cần phải suy nghĩ về cách kết thúc chiến tranh. Mặc dù kết quả lý tưởng là Putin hoàn toàn thất trận, phải rút lui một cách nhục nhã tất cả các lực lượng của ông ta ra khỏi Ukraine, nhưng điều đó dường như khó xảy ra – đặc biệt là với kho vũ khí hạt nhân mà Nga có thể hăm he tống tiền thế giới.

Ở đây, bài học của Chiến tranh Nga-Phần Lan cho thấy một thỏa hiệp ngoại giao có thể là cần thiết. Ukraine có thể phải đảm bảo tính trung lập và đồng ý từ bỏ một số lãnh thổ trên thực tế đã nằm trong tay Nga: Crimea và vùng Donbas ở phía đông.

Đổi lại, chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy sẽ nhận được những đảm bảo an ninh – có lẽ từ Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, xây dựng trên Bản ghi nhớ Budapest mà Ukraine đã ký năm 1994 khi nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân sau khi Liên Xô sụp đổ. (Một tài liệu mà hiện đã được chứng minh là vô giá trị trong lúc đối mặt với sự xâm lược của Nga.)

Ở một khía cạnh nào đó, tất cả mọi người sẽ không thích một kết cục như vậy. Giống như trường hợp Liên Xô ở Phần Lan, Putin sẽ thất vọng vì không thể chinh phục và thôn tính được toàn bộ đất nước Ukraine. Người Ukraine sẽ không hài lòng với việc mất lãnh thổ của họ, giống như trường hợp người Phần Lan. Còn Mỹ và các đồng minh của Mỹ sẽ không thích loại bỏ các lệnh trừng phạt bất chấp những tội ác chiến tranh rõ rệt của Putin (mặc dù có thể nguôi ngoai một phần nếu điều đó xoa dịu nền kinh tế toàn cầu).

Nhưng kết quả đó sẽ ngăn chặn cuộc giao tranh, đưa người tị nạn Ukraine trở về nhà và cho phép quốc gia này tiếp tục là một quốc gia có chủ quyền mặc dù trung lập. Đôi khi sự trung lập có lợi: Phần Lan đã có thể đóng vai trò là nơi đàm phán cho Hiệp định Helsinki 1975. Hiệp định này nằm trong số những biện pháp khác đã tạo nên những đảm bảo mới cho việc bảo vệ nhân quyền của các công dân Liên Xô.

Mặc dù có những khác biệt rõ ràng, nhưng các bài học của Chiến tranh Nga-Phần Lan đã cho ra những bài học quan trọng khi chúng ta cân nhắc đến cách kết thúc của một chương tồi tệ trong lịch sử Âu châu. Những chiếc chìa khóa sẽ không chỉ là ở việc tiếp tục tinh thần phản kháng của người Ukraine và sự trợ giúp nhiều hơn từ phía bên ngoài, mà còn là ở sự sẵn sàng thỏa hiệp của tất cả các bên.

.

Original article: What Ukraine Can Learn From Finland’s Stand 80 Years Ago
James Stavridis
Nguồn: Bloomberg Opinion 20/3/2022
Nguyễn Bá Trạc dịch

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/xahoi/ukrainecothehocduocgi.html


Cái Đình - 2022