Minh Hạnh


‘Trại Mập’ ngày càng trở nên phổ thông hơn ở Trung Quốc.

‘Cháu phải giảm cân để có thể được vào học trong một trường tốt’

Trẻ em thực hiện thư giãn bắp thịt sau khi tập bơi tại trại giảm cân ở Bắc Kinh. Ảnh Getty.

Thừa cân và béo phì có nguy cơ trở thành một cuộc khủng hoảng y tế ở Trung Quốc. Các bậc cha mẹ lo xa đã gởi con đến các trại giảm cân, nơi chúng tập thể dục thể thao nhiều giờ liền kmỗi ngày trong nhiều tuần để làm tiêu mỡ.

Những người tham gia chương trình tập luyện, từng người một, lần lượt bước vào phòng của huấn luyện viên mỗi buổi sáng để đứng lên bàn cân. Đó là một thủ tục cố định để có thể theo dõi một cách tốt đẹp xem mỗi người đã giảm được bao nhiêu kí lô. Ông Thiên Tạo, giám đốc trại cho biết: “Chúng tôi cũng cân mọi người vào buổi tối, vì nếu họ nặng hơn nhiều thì hẳn là có điều gì đó không ổn”.

Địa điểm này là một ốc đảo xanh ở rìa thành phố Lang Phường của Trung Quốc, cách Bắc Kinh ba giờ lái xe về hướng nam. Với diện tích 10.000 mét vuông, trại có đủ chỗ cho một số khách sạn nơi trẻ em có thể ngủ nghỉ, một hồ bơi, nhiều sân và hội trường thể thao. Ma Thuật Giang Trung, như tên gọi của trại, ngoài địa điểm này còn có bốn trại nữa ở những nơi khác tại Trung Quốc. “Chúng tôi thay đổi lối sống và cơ thể của bạn. Khi trở về bên người thân với thân hình thon gọn hơn, mọi người cảm thấy như là có phép lạ vậy”, ông Thiên giải thích về cái tên này như thế.

Chương trình bao gồm hai lượt tập vào buổi sáng và hai lượt vào buổi chiều. Học viên nào thấy có nhu cầu sẽ được học thêm một cữ nữa về luyện tim mạch, vào buổi tối.

Số cân trong cái ứng dụng (app) chung cho nhóm

Ông Thiên nói: “Một số em lén ăn thêm ngoài bữa của chúng tôi. Những học viên tham gia nếu bị bắt quả tang làm điều này hoặc khi cân thấy nặng hơn có thể sẽ phải theo một chương trình tập luyện nặng nhọc hơn vào ngày hôm sau để bù đắp lại sự thiệt hại. Phụ huynh được thông báo về quá trình giảm cân của tất cả trẻ em thông qua cái app chung cho nhóm.

Tiểu Yến, mười một tuổi, được mẹ ghi tên tham dự trại. “Má em nghĩ là nếu em giảm cân được một chút thì em sẽ coi đẹp mắt hơn.” Em này đã đi được gần nửa chặng đường của chương trình kéo dài 4 tuần và đã giảm được 5 kí. Mục tiêu của em là chỉ còn nặng 50 kg nhưng em vẫn còn 6,5 kg nữa để theo đuổi.

Trong buổi tập đầu tiên trong ngày, huấn luyện viên Trần Yên Sơn khuyến khích thêm các em quá nặng cân. Anh Trần mỉm cười trong lúc tập các bài tập giống như quyền Anh với bọn trẻ. Một số học sinh chưa hoàn toàn tỉnh ngủ đã thay cái ngáp bằng nhịp thở hổn hển trong vòng vài phút.

Nếu anh Trần thấy ai đó không cố gắng, cả lớp phải thực hiện lại động tác ‘ngồi dậy-nằm xuống’ hai mươi lần để phạt. “Ai không chịu làm vậy?”, những đứa trẻ nào cảm thấy chúng không bị lưu ý thì càm ràm. Tiểu Yến thở dốc, em này vốn ghét bài tập cơ bụng và giờ đây em còn phải tập nhiều hơn nữa.

Em lại thấy thích các bài tập tim, như nhảy dây. Em mong là các bạn bè của mình cũng sẽ đến tham dự trại. “Để rồi tụi nó cũng sẽ thấy những gì em đã phải chịu đựng ở đây,” em vừa nói vừa hổn hển khi cố gắng nâng người lên cao, lần cuối cùng.

Chỉ số BMI được tính vào kỳ thi tuyển sinh

Khác với Tiểu Yến, Bằng Vũ (13 tuổi) đã tự mình đăng ký tham gia chương trình. Em nghe một người bạn cùng lớp kể rằng em này đã giảm được 9kg trong hai tuần nhờ trại giảm cân. Bằng Vũ nói: “Tôi khá nặng cân, nếu sắp tới đây muốn được nhận vào một trường trung học tốt thì tôi phải giảm cân để có thể đạt điểm cao”.

Ở Trung Quốc, BMI (Chỉ số Thể trọng) được coi là một phần của điểm kiểm tra thể lực, được tính vào kỳ thi chọn trường trung học nào học sinh có thể theo học. Nếu Bằng Vũ giảm tổng cộng 9kg, cậu có lẽ sẽ nhận được điểm đậu trong bản đánh giá này.

Việc có trọng lượng cơ thể được coi là mạnh khỏe đóng một vai trò quan trọng trong giáo dục là do chính quyền Trung Quốc đã cam kết trong những năm gần đây trong việc bài trừ tình trạng gia tăng thừa cân và béo phì trong dân chúng. Theo cuộc điều tra dân số mới nhất năm 2020 của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, 19% trẻ em trong độ tuổi đi học bị thừa cân. Năm 1985 con số này chỉ là 2,6%. Con số này cao hơn nhiều ở người trưởng thành: 50,7% bị thừa cân hoặc béo phì vào năm 2020. Ở Trung Quốc, người dân được cho là thừa cân với chỉ số BMI là 24 và béo phì với chỉ số BMI là 28. Để so sánh: ở Hòa Lan con số này lần lượt là 25 và 30.

Kể từ sau đại dịch corona, các công ty Trung Quốc chuyên về các chương trình giảm cân theo kiểu trại tập luyện đã mọc lên như nấm. Năm ngoái có hơn năm trăm công ty loại này, tức là tăng hai trăm so với năm 2019. Một số công ty có hàng chục, thậm chí đôi khi hàng trăm địa điểm.

Sức khỏe thành quan trọng hơn do đại dịch

“Trong thời kỳ đại dịch, mọi người bắt đầu coi trọng sức khỏe của mình hơn. Đó là lý do tại sao nhiều trại như vậy đã xuất hiện trong vài năm qua,” ông Thiên, giám đốc cơ sở trại Lang Phường nói. Sự phổ biến của các kênh truyền thông xã hội cũng đóng một vai trò. Trên Douyin (TikTok Trung quốc), tên tiếng Trung của TikTok và đối thủ cạnh tranh Xiaohongshu (Tiểu Hồng Thư), các thử thách thường xuyên được lan truyền trong đó phụ nữ cho thiên hạ xem họ thon thả thế nào.

Ông huấn luyện viên Vương chuẩn bị bữa ăn trưa cho các em và xúc một lượng rau, thịt và cơm theo lượng đã định vào đĩa của mọi người. “Trung Quốc đi sau châu Âu và Mỹ nhiều năm. Ông tin rằng mọi người không nhận thức được hoặc biết rất ít về lợi ích của việc tập thể dục.

Bọn trẻ lại không thích bữa ăn lắm. “Đồ ăn thì hôi còn thịt chẳng thấy có mùi vị gì cả,” có người phàn nàn. Nhưng khi Huấn luyện viên Vương đến cạnh bên, các em thiếu niên giả bộ như đang thưởng thức bữa trưa của mình. Một số người ngấu nghiến thức ăn để có thể chơi game trên điện thoại trước khi chương trình buổi chiều bắt đầu.

Mảnh mai mà vẫn phải giảm cân

Huấn luyện viên Trần Yên Sơn tập luyện cho các em giảm mập. Ảnh Cindy Huijgen.

“Bọn con gái chú ý đến vóc dáng của mình hơn con trai. Nhìn cô ấy kìa.” Ông Vương chỉ vào một cô gái mảnh khảnh với mái tóc đen dài buộc đuôi ngựa. “Cô ấy không béo, nhưng cô ấy vẫn đến trại của chúng tôi để giảm bớt mỡ,” ông nói.

Theo ông Vương, trẻ em thường thiếu cơ hội vận động. Điều này là do áp lực học tập ở trường quá cao. Ông giải thích: “Các bậc cha mẹ thích cho con mình bỏ lớp thể dục để có thời gian ôn thi.”

Không giống như các nước châu Âu và Mỹ, béo phì ở Trung Quốc là vấn đề lớn hơn đối với những người có thu nhập cao hơn. Vì thế ở Trung Quốc người ta vẫn còn nói đến “căn bệnh của người giàu”. Mặc dù khoảng cách đang được thu hẹp theo từng năm và các chuyên gia Trung Quốc kỳ vọng nó sẽ đảo ngược trong thời gian tới.

Béo phì còn nguy hiểm hơn rối loạn ăn uống

Vương Ngọc Phát thuộc Trung tâm Khoa học Y tế Trung Quốc cho biết: “Chúng tôi thấy rằng các chuẩn mực xã hội và lý tưởng về sắc đẹp đang bắt đầu đóng vai trò quan trọng nơi phụ nữ sống ở thành phố”. Ông cũng là cựu giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Béo phì nơi Trẻ em tại Đại học Johns Hopkins.

Ông Vương nhận thấy chứng rối loạn ăn uống đang bắt đầu trở thành một vấn đề do diễn biến này. “Như cô cháu gái của tôi chẳng hạn. Trước khi lên trung học, cháu bị ám ảnh bởi cân nặng của mình. Cháu ăn mỗi ngày mỗi ít đi và thành rất gầy”, ông kể lại. Tuy nhiên, ông Vương vẫn nghĩ là hậu quả về mặt y tế và kinh tế của chứng béo phì sẽ đặt ra những thách thức lớn hơn cho Trung Quốc trong tương lai gần.

Cái chết của cô Cuihua, người có ảnh hưởng (influencer) vào năm ngoái cho thấy nỗi ám ảnh giảm cân có thể nguy hiểm đến mức nào. Cô gái 21 tuổi đặt mục tiêu giảm 100kg, bằng 2/3 cân nặng của cô lúc ban đầu. Cô đã đăng ký tham gia một số trại giảm cân và giảm được 27 kg trong vòng hai tháng.

Bởi vì cô đã chia sẻ trải nghiệm của mình trên mạng Douyin, là nơi cô, với tên trên mạng là ‘Comback Cuihua’ có hơn chín ngàn người theo, nên có lúc cô đã được các trại tài trợ để quảng cáo cho họ. Trong một trại gần thành phố Tây An của Trung Quốc, Cuihua cho biết cô cảm thấy không khỏe. Theo truyền thông địa phương, cô đã gục ngã trong một buổi tập. Sau đó cô Cuihua đã qua đời trong bệnh viện.

Trên mạng xã hội Trung Quốc, một số người có tài khoản trên đó bắt đầu lên tiếng phản đối vẻ đẹp mảnh mai lý tưởng của phụ nữ. Mặc dù Trung Quốc dường như cũng đi sau Mỹ và các nước châu Âu nhiều năm trong khía cạnh nhìn cơ thể cách tích cực (chấp nhận tất cả mọi người ở bất cứ hình dạng và kích cỡ nào) cũng như trong nguy cơ gặp rối loạn ăn uống.

Tuy nhiên, tại địa điểm Lang Phường của trại Ma Thuật, ông giám đốc Thiên hứa rằng những người tham gia sẽ được giúp giảm cân một cách có trách nhiệm. Ông cho biết ông rất hiểu các con vì chính ông cũng đã từng phải vật lộn với cơ thể của mình. “Lúc nặng nhất tôi cân nặng tới 110kg. Khi đó tôi đã thôi việc để có thể tập trung vào thể trọng của mình.”

Chính nhờ câu chuyện thành công của chính mình mà ông tự tin là có thể hướng dẫn học viên đúng cách trong quá trình giảm cân. Ông Thiên cho biết ông đã giúp được khoảng từ 500 tới 600 người đến tham gia chương trình.

Không có ấn tượng tốt với việc giảm cân

Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ em đều hài lòng với sự tiến bộ của mình. Em Hạo Thiên mười ba tuổi hoàn toàn không muốn đến trại Ma Thuật, nhưng mẹ cô vẫn đăng ký cho em. Trước khi đến trại, Hạo Thiên nặng 72kg. Hiện trọng lượng của em đã giảm xuống còn có 64 kí.

Hạo Thiên chẳng có vẻ gì là thấy ấn tượng với sự kỳ diệu trong việc giảm cân của em. “Cháu bị thừa cân và mẹ cháu muốn cháu khỏe mạnh hơn. Cháu rất giận.”

   

Nguyên tác: ‘Fat Camps’ steeds populairder in China.  Cindy Huijgen (Trouw, 06.05.2024)
Người dịch: Minh Hạnh

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/xahoi/traimapngaycangtronenphothong.html


Cái Đình - 2024