Phạm Ɖình Lân


Thế Kỷ XVIII: Thế giới chuyển mình

.

Thế kỷ XVIII là thế kỷ của triết học với Jean Jacques Rousseau (1712 - 1778), Voltaire, tên thật là François Marie Arouet (1694 - 1778); Montesquieu, tên thật là Charles Louis de Secondat (1689 - 1755); John Locke (1632 - 1704), cha đẻ của chủ nghĩa tự do (liberalism); David Hume (1711 - 1776) với chủ nghĩa hoài nghi (skepticism), chủ nghĩa kinh nghiệm (impiricism) và chủ nghĩa thiên nhiên (naturalism); Immanuel Kant (1724 - 1804) v.v..

Thế kỷ XVIII là thế kỷ cách mạng: cuộc khởi nghĩa của ba anh em nhà Tây Sơn (1771 - 1801), chiến tranh cách mạng Hoa Kỳ (1775 - 1783), cách mạng ở Pháp lật đổ chế độ quân chủ do dòng họ Bourbons đại diện (1789 - 1799), cách mạng Haïti (1791 - 1804).

Thế kỷ XVIII đánh dấu sự lớn mạnh của chế độ đại nghị ở Anh, tức nới rộng chủ quyền của dân và giới hạn vương quyền. Truyền thống dân chủ của Anh đã có với Ɖại Hiến Chương Magna Carta Libertatum được ban hành ngày 12-06-1215, được củng cố thêm vào thế kỷ XVIII sau cuộc Cách Mạng Vinh Quang (Glorious Revolution) hay Cách Mạng Anh Quốc (English Revolution) năm 1688.

Thế kỷ XVIII đánh dấu cách mạng kỹ nghệ với sự tận dụng các nguồn thủy lực, hơi nước, than đá, sự phát minh máy dệt, sự phát triển ngành luyện kim v.v..

***

Cuộc khởi nghĩa của ba anh em nhà Tây Sơn được một số sử gia xem như là một cuộc cách mạng nông dân thành công ở Việt Nam. Từ cuộc khởi nghĩa này xuất hiện người anh hùng Nguyễn Huệ tức vua Quang Trung sau này.

Lợi dụng cuộc khởi nghĩa này, quân họ Trịnh nam tiến chiếm Thuận Hóa. Nguyễn Nhạc tìm cách hòa hoãn với quân họ Trịnh để đương đầu với họ Nguyễn trên đồng bằng sông Ɖồng Nai và Cửu Long. Năm 1775 Nguyễn Huệ đánh bại quân của danh tướng Tống Phước Hiệp ở Phú Yên. Nguyễn Nhạc không ngần ngại xưng vương và biến Qui Nhơn thành kinh đô.

Từ Thuận Hóa trở ra là địa bàn kiểm soát của họ Trịnh.

Quân Tây Sơn kiểm soát từ Quảng Nam vào nam. Quân Tây Sơn trên đồng bằng sông Ɖồng Nai và Cửu Long tương đối yếu. Lực lượng phò họ Nguyễn hoạt động mạnh mẽ trên vựa lúa quan trọng này. Ɖó là những người theo họ Nguyễn từ miền Trung chạy xuống đồng bằng sông Ɖồng Nai và Cửu Long và những người Minh Hương trốn lánh nhà Thanh (Qing) từ Guangdong (Quảng Ɖông) đến và được chúa Nguyễn giúp đỡ định cư trên vùng đất mới (Thủy Chân Lạp) vào cuối thế kỷ XVII. Chính những người Minh Hương này giúp đỡ họ Nguyễn về tài chánh và nhân sự rất hữu hiệu. Nguyễn Huệ đã đánh bại họ Nguyễn ở miền Nam 4 lần nhưng vẫn không diệt được họ Nguyễn mặc dù họ Nguyễn bị thảm sát gần sạch vào năm 1777 ở Long Xuyên.

Năm 1786 Nguyễn Huệ chiếm Thuận Hóa sau khi đánh bại quân họ Trịnh. Từ đó quân Tây Sơn bắc tiến diệt họ Trịnh. Sự bất hoà giữa Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ xảy ra. Họ Nguyễn tái bố trí và gầy dựng lực lượng ở Nam Kỳ.

Từ Bến Ván, Quảng Nam ra Bắc là vùng kiểm soát của Nguyễn Huệ.

Từ Bến Ván vào Bình Thuận là vùng kiểm soát của Nguyễn Nhạc. Sự kiểm soát của quân Tây Sơn ở Nam Kỳ rất lỏng lẻo. Từ năm 1787 về sau họ Nguyễn hầu như làm chủ vựa lúa miền Nam. Sự rạn nứt giữa Nguyễn Nhạc (Hoàng Ɖế Thái Ɖức) và vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) và vua Cảnh Thịnh (con của vua Quang Trung) dưới sự phụ chính của Bùi Ɖắc Tuyên năm 1793 cùng sự băng hà đột ngột của vua Quang Trung năm 1792 làm cho thanh thế của họ Nguyễn ở miền Nam càng lên cao. Mười năm sau ngày vua Quang Trung băng hà, Nguyễn Phúc Ánh thành công đánh bại quân Tây Sơn, thống nhất đất nước và lên ngôi lập ra triều Nguyễn.

Từ năm 1771 đến khi mất năm 1792 Nguyễn Huệ nêu danh trong lịch sử qua những chiến công vang dội đánh bại quân họ Nguyễn trong những năm 1775, 1777, 1783, 1784, quân Xiêm La (1784), quân họ Trịnh ở Thuận Hóa và Bắc Hà (1786), quân Mãn Thanh (1789) để trở thành một võ tướng trẻ bất bại trên hoàn cầu. Ɖiều đáng lưu ý là: ông xuất thân từ một gia đình nông dân tầm thường và không học ở trường võ bị nào. Ông cầm quân năm 18 tuổi và không bại trận lần nào trong suốt đời binh nghiệp của mình.

Tượng đài vua Quang Trung tại Bảo Tàng Viện Quang Trung,
huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định (Ảnh: vi.wikipedia.org)

Từ cuộc khởi nghĩa Tây Sơn xuất hiện một thiên tài quân sự hiếm hoi trên thế giới nhưng đất nước ta vẫn chưa thống nhất. Họ Trịnh bị diệt. Họ Nguyễn suy yếu trầm trọng nhưng vẫn còn hoạt động lẩn quất ở Nam Kỳ. Nhà Tây Sơn rạn nứt. Vua Quang Trung băng hà ở tuổi 40. Ɖó là nguồn gốc của sự lớn mạnh của họ Nguyễn ở phương Nam tiến dần về phía Bắc, đánh bại quân Tây Sơn dưới triều vua Cảnh Thịnh, con của vua Quang Trung, thống nhất sơn hà. Con thuyền Việt Nam không tiến xa về phía trước mà chỉ lẩn quẩn trong tình trạng một quốc gia độc lập thần phục Trung Hoa.

***

Chiến tranh cách mạng Hoa Kỳ là cuộc chiến tranh giành độc lập khỏi sự thống trị của người Anh, đồng thời đánh dấu sự lập quốc của 13 tiểu bang trong Liên Bang Hiệp Chủng Quốc đầu tiên vào thế kỷ XVIII.

Hoa Kỳ hội đủ các đặc điểm sau đây:

Dù muốn dù không chiến tranh Cách Mạng Hoa Kỳ cũng ảnh hưởng đến Cách Mạng 1789 của Pháp. Sự trao tặng tượng Nữ Thần Tự Do của Pháp cho Hoa Kỳ như là sự công nhận Hoa Kỳ là thành trì Tự Do và Dân Chủ trên thế giới.

Học hỏi những kinh nghiệm sẵn có từ Âu Châu, Hoa Kỳ đã tìm cho mình một hướng đi mới, một sáng kiến mới, một tổ chức mới dựa trên sức mạnh thể lực và trí tuệ do toàn dân hợp chủng đóng góp. Có dân chủ, tự do, công bằng và bình đẳng mới có sự đóng góp hăng say của mọi giai tầng xã hội, mọi chủng tộc vào việc phát triển quốc gia. Không đầy một thế kỷ sau cuộc Chiến Tranh Cách Mạng, từ 13 tiểu bang nguyên thủy Hoa Kỳ có 48 tiểu bang chạy dài từ Ɖại Tây Dương đến Thái Bình Dương với 8 triệu km2 chưa kể Alaska (1.700.000km2) và Hawaii (10.430km2). Hoa Kỳ trở thành một cường quốc kinh tế và kỹ nghệ ngang hàng với Anh Quốc trong thời gian ngắn ngủi.

Do đâu mà Hoa Kỳ đạt được kết quả kỷ lục này?

1- Do sự lãnh đạo sáng suốt, cương quyết nhưng đầy thiện tâm, thiện ý của George Washington (1732 - 1799), Quốc Phụ của Hoa Kỳ, người góp phần to lớn trong chiến tranh Cách Mạng Hoa Kỳ và sự hình thành Hiến Pháp Hoa Kỳ, một bản Hiến Pháp dân chủ công nhận mọi quyền hiến định đều do dân bầu lên, sự chuyển giao quyền hành trong trật tự và êm thắm nhằm tránh việc cướp chánh quyền bằng bạo lực. Tổng thống George Washington xứng đáng là Quốc Phụ của Hoa Kỳ. Ngoài những đóng góp của ông vào chiến thắng quân sự trên đường lập quốc của một tân quốc gia của người Âu Châu trên Bắc Mỹ, ông là vị tổng thống đầu tiên nêu gương liêm khiết, tinh thần trọng pháp và tạo niềm tin vào tương lai của một quốc gia tân lập. Mặc dù hiến pháp lúc bấy giờ không giới hạn sự tái tranh cử của vị tổng thống đương nhiệm, tổng thống George Washington từ chối ra tranh cử lần thứ ba mặc dù được dân chúng ngưỡng mộ yêu cầu. Ɖiều đó cho thấy ông không lợi dụng uy tín cá nhân để tham quyền cố vị. Ông vượt xa nhiều vị lãnh đạo tầm thường trên thế giới xưa và nay khi họ lợi dụng uy tín cá nhân dẫn đến sự lạm quyền để bám lấy quyền hành. Sự tham quyền cố vị nào cũng dẫn đến bao lực, độc tài và kỳ thị. Tổng Thống Washington tạo một tiền lệ tốt cho các tổng thống kế nhiệm noi theo nhằm đảm bảo sự ổn định chánh trị bền vững và lâu dài cho đất nước.

Một Ủy Ban Năm Thành Viên đã đệ trình lên Quốc Hội văn bản của Bản Tuyên Ngôn Ɖộc Lập
vào ngày 28-06-1776 (Ảnh: Tranh John Trumbull, 1819 –nl.wikipedia.org)

2- Chế độ dân chủ chân chính tạo công bằng và bình đẳng xã hội. Mọi công dân đều có thể tạo cho mình một tương lai tốt đẹp bằng công sức, trí tuệ và sự kiên tâm trì chí của mình. Không bao lâu sau ngày lập quốc Hoa Kỳ đã có một vị tổng thống lỗi lạc xuất thân từ một gia đình nghèo khó trong tiểu bang Kentucky. Ɖó là tổng thống Abraham Lincoln. 232 năm sau ngày Bản Tuyên Ngôn Ɖộc Lập ban hành năm 1776, Hoa Kỳ có vị tổng thống Da Ɖen đầu tiên: tổng thống Barack H. Obama. Ɖó là vị tổng thống trẻ sinh năm 1961, đắc cử tổng thống năm 2008 vào năm 47 tuổi rồi tái đắc cử nhiệm kỳ hai năm 2012. Vào thế kỷ XIX có gần 20 nhà khoa học và phát minh gốc nô lệ Da Ɖen ở miền Nam như Andrew J. Beard (1849 - 1920), Henry Blair (1804 - 1860), Solomon Brown (1829 - 1906), Hugh M. Browne (1851 - 1923), George Washington Carver (1864 - 1943) v.v.. Cho đến nay người Mỹ gốc Phi châu chỉ chiếm 14% tổng dân số trong nước. Nhưng đó là những người rất thành công nhờ có lãnh đạo và sự đoàn kết chặt chẽ. Người Mỹ gốc Phi Châu có mặt trong Hành Pháp, Lập Pháp (Lưỡng Viện Quốc Hội), Tư Pháp (Tối Cao Pháp Viện), trong các chức vụ thống đốc các tiểu bang, thị trưởng các thành phố, cảnh sát trưởng các thành phố, hội viên Hội Ɖồng Thành Phố và các chức bộ trưởng trong chánh phủ Liên Bang và Tiểu Bang v.v.. Ngày nay Hoa Kỳ có một số tỷ phú, tướng lãnh trong quân đội, kỹ thuật gia cao cấp đủ các ngành gốc người Da Ɖen. Người Mỹ gốc Phi Châu thành công lớn trong các ngành thể thao, truyền thông, giáo dục, ca nhạc. Người Do Thái bị kỳ thị và bạc đãi trên lục địa Âu Châu. Nhưng họ có một vị trí vô cùng quan trọng ở Hoa Kỳ. Chế độ dân chủ sản sinh nhiều nhân tài trên mọi lãnh vực hoạt động, nhất là khoa học, kỹ thuật, tài chánh và kinh tế học. Cho đến ngày nay chưa có nhà phát minh nào trên thế giới ngang hàng hay vượt qua nhà phát minh thiên tài Thomas Alva Edison (1847 - 1931). Ông là nhà phát minh vĩ đại nhất của Hoa Kỳ và của loài người. Ông là người Mỹ mang huyết thống Hòa Lan. Tổ tiên ông đến Canada vào thế kỷ XVIII, sau di chuyển sang Hoa Kỳ. Ông Edison chào đời ở Ohio. Ông không xuất thân từ gia đình quyền quí, lại có tật điếc sau khi bị bịnh scarlatina (Scarlet fever - sốt xuất huyết) và không có học vị như những nhà khoa học hay nhà phát minh khác. Ông có 1093 bằng phát minh cầu chứng ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Từ ngày có giải thưởng Nobel đến nay (1901 - 2022) Hoa Kỳ là quốc gia có nhiều người đoạt giải nhất thế giới với 400 giải, Anh hạng nhì với 138 giải, Ɖức hạng ba với 112 giải, Pháp hạng tư với 70 giải. Liên Sô và Nga: 32 giải, Nhật: 29 giải, Do Thái: 13 giải, Trung Quốc: 9 giải, Taiwan: 5 giải, Hong Kong: 1 giải v.v.. Ɖông đúc nhân tài xuất hiện trong nước hay từ các nơi khác tụ về Hoa Kỳ. Ɖó là món quà vô giá mà Thượng Ɖế ban cho nước này.

3- Hoa Kỳ là một quốc gia rộng lớn được bảo vệ bởi hai đại dương rộng lớn. Hoa Kỳ được thụ hưởng hòa bình (ngoại trừ cuộc nội chiến 1861 - 1864) nên sự phát triển quốc gia gặp nhiều thuận lợi: đất dai phì nhiêu, đồng bằng rộng lớn, có nhiều vùng khí hậu khác nhau nên thuận tiện cho việc sản xuất các loại cây lương thực, cây ăn trái, cây kỹ nghệ miền ôn đới, nhiệt đới, Ɖịa Trung Hải. Chính ông Karl Marx thú nhận rằng chủ nghĩa của ông không xâm nhập vào Hoa Kỳ như ở các nơi khác vì các dải đồng bằng Hoa Kỳ nuôi dân quá đầy đủ.

4- Người Mỹ thừa hưởng kinh nghiệm của người Âu Châu và tự tìm cho họ một hớng đi riêng vừa táo bạo vừa kiến hiệu. Hoa Kỳ nổi tiếng về tổ chức và quản lý. Việc phát triển kỹ nghệ được nhiều thuận lợi vì xứ có nhiều ngân hàng, nhiều kỹ thuật gia lỗi lạc và nhiều tài nguyên thiên nhiên v.v.

Những tiến bộ vượt bực của Hoa Kỳ trong hai thế chiến vừa qua cho thấy ý nghĩa của Tự Do và Dân Chủ, những đảm bảo của tinh thần trọng pháp, trọng trật tự, đoàn kết dân tộc và tiến bộ quốc gia. Sự hưng vượng về kinh tế và sức mạnh vượt bực về quân sự của Hoa Kỳ cho thấy sự sáng suốt của tổng thống George Washington và các nhà lập pháp Hoa Kỳ vào thế kỷ XVIII. Sức mạnh kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ bắt nguồn từ định chế chánh trị tôn trọng Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền và Dân Quyền minh định trong Bản Tuyên Ngôn Ɖộc Lập 1776 và Hiến Pháp 1787 có hiệu lực kể từ năm 1789. Sức mạnh tinh thần tạo ra sức mạnh vật chất. Sức mạnh vật chất sẽ suy yếu một khi sức mạnh tinh thần phai nhạt.

***

Khẩu hiệu của Cách Mạng 1789 của Pháp là Liberté (Tự Do), Égalité (Bình Ɖẳng), Fraternité (Tình Huynh Ɖệ) tượng trưng bằng ba màu Xanh, Trắng, Ɖỏ (Cờ Tam Tài) của quốc kỳ Pháp. Cách Mạng 1789 dẫn đến những cuộc giết chóc đẫm máu trong nước giữa phe cách mạng, phe bảo hoàng và tín đồ Thiên Chúa Giáo vùng Anjou và Vendée. Ngoài biên giới các vương quốc Áo-Phổ tìm cách bóp nghẹt cách mạng hầu ngăn chận làn sóng cách mạng lan rộng khắp lục địa Âu Châu.

Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền (Ảnh: nl.wikipedia.org)

Giết! Giết! Giết! Máu của người Pháp tiếp tục đổ. Tự Do, Bình Ɖẳng và Tình Huynh Ɖệ chưa thấy mà chỉ thấy máu đổ. Máu gọi máu! Người ta giết người bằng gươm giáo không kịp phải sáng chế ra máy chém (guillotine) hay đưa “tử tội”, được gọi là “phản động” (réfractaires) vào những chiếc tàu cũ đem nhận chìm ngoài khơi Ɖại Tây Dương. Robespièrre tự nhận mình là Ɖấng Tối Cao (Être Suprême) trở thành một đao phủ thủ vĩ đại gieo rắc ƉẠI KHỦNG BỐ thời cách mạng. Vua Louis XVI, rồi hoàng hậu Marie Antoinette lần lượt lên máy chém. Tướng Beauharnais, chồng của bà Joséphine, hoàng hậu của hoàng đế Napoléon I sau này, cũng bị đưa lên máy chém vì thua trận. Rồi đến phiên nhà độc tài Robespièrre và các đồng chí của ông cũng lên máy chém. Nước Pháp rơi vào cảnh “thù trong giặc ngoài”: rối loạn trong nước và chiến tranh với các nước quân chủ láng giềng.

Chiến tranh làm nổi bật vài trò của Napoléon Bonaparte. Vị tướng trẻ gốc đảo Corse này lập nhiều chiến công hiển hách trước quân Áo nhưng đạo quân viễn chinh Pháp do Napoléon Bonaparte chỉ huy bị sa lầy ở Ai Cập năm 1798. Tướng Bonaparte mở đường máu để rút quân về Pháp bằng đường bộ nhưng thất bại trước quân Anh. Ông bỏ quân sĩ Pháp ở lại Ai Cập rồi dùng thuyền nhỏ vượt Ɖịa Trung Hải để về Pháp làm cuộc đảo chánh năm 1799, lập ra chế độ Tổng Tài gồm ba vị mà ông là đệ nhất tổng tài. Năm 1802 Bonaparte tự xưng là Tổng Tài đời đời (Consul à vie). Năm 1804 ông xưng là Hoàng Ɖế Napoléon I. Chiến tranh gieo rắc khắp Âu Châu. Các nước Áo, Phổ (Prussia), Nga, Anh liên minh chống đế quốc Pháp do Napoléon đứng đầu. Năm 1812 quân Pháp xâm lăng Nga. Cuộc xâm lăng xa xôi này làm suy yếu đế triều Napoléon và dẫn đến sự sụp đổ đế chế vào năm 1815 sau khi bại trận ở Waterloo.

Cách Mạng 1789 diễn tiến theo hình trôn ốc. Chế độ quân chủ không còn. Nó được thay thế bằng chế độ độc tài và khủng bố của Robespièrre, nội chiến, chiến tranh với các nước quân chủ Âu Châu (Áo, Phổ, Nga, Anh và Thụy Ɖiển), đảo chánh ngày 18 Brumaire 1799 (11-11-1799) với sự ra đời của Tổng Tài Chế (Consulat, 1799 - 1804), sự ra đời của đế chế Napoléon (1804 - 1815), sự hồi sinh của chế độ quân chủ do dòng Bourbons đại diện (1815 - 1848), sự ra đời đế chế Napoléon III (cháu của Napoléon I, 1852 - 1870), sự thất bại của Pháp trước Ɖức năm 1870. Hoàng đế Napoléon III của Pháp bị bắt làm tù binh. Năm 1871 Paris Công Xã ra đời (Commune de Paris). Ɖó là chế độ Cộng Sản đầu tiên trên thế giới thời Ɖệ Nhất Quốc Tế Cộng Sản (First International).

86 năm sau Cách Mạng 1789 (1789 - 1875) Pháp mới thật sự là một nước Cộng Hòa Dân Chủ sau khi đệ tam Cộng Hòa Pháp ra đời.

***

Năm 1492 Christopher Columbus đến đảo La Isla Espanola (Hispaniola: Ɖảo của Tây Ban Nha, tức đảo Santo Domingo. Hiện nay phía tây của đảo này là Haïti và phía đông là Cộng Hòa Dominican) trong biển Caribbean. Người Tây Ban Nha biến người bản địa Taino và Ciboney thành những người nô lệ lao động trong hầm mỏ vàng trên đảo. Những nô lệ khai mỏ vàng chết vì bệnh lạ từ Âu Châu đến, lao động cực khổ lại thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu thuốc men và bị đánh đập tàn nhẫn. Họ chết rất nhiều đến nỗi phải đưa người nô lệ gốc Phi Châu từ các đảo khác trong biển Caribbean vào đảo.

Năm 1665 Công Ty Tây Ấn của Pháp tiếp nối người Tây Ban Nha quản trị tây bộ đảo Hispaniola. Trên đảo có một số người nô lệ Phi Châu, người mulattos tức người lai Phi Châu + da trắng (Tây Ban Nha hay Pháp) hay người bản địa + da trắng Âu Châu được giải phóng.

Năm 1789 cách mạng bùng nổ ở Pháp. Bản Tuyên Ngôn Dân Quyền và Nhân Quyền của Pháp năm 1791 hấp dẫn sự đấu tranh của người nô lệ ở tây bộ Hispaniola tức xứ Haïti sau này. Họ vùng lên chống Pháp dưới sự lãnh đạo của Toussaint Louverture (có lẽ từ chữ L’Ouverture: sự mở rộng) (1743 - 1803). Cuộc đấu tranh của người nô lệ ở tây bộ đảo Hispaniola (Haïti) kéo dài từ năm 1791 - 1804 nhưng Toussaint Louverture bị giữ và chết ở Paris một năm trước khi cuộc đấu tranh giải phóng nô lệ và tranh giành độc lập thành công năm 1804. Sự đấu tranh của Haïti thành công vì vào cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX Pháp bận chiến tranh ở Âu Châu dưới thời hoàng đế Napoléon I. Pháp phải bán Louisiana cho Hoa Kỳ và không quan tâm đến các vấn đề ở tây bán cầu để dồn nỗ lực vào chiến tranh ở Âu Châu, đương đầu với liên quân Áo-Phổ-Nga-Anh.

Haïti là quốc gia của người Da Ɖen đầu tiên và là xứ Cộng Hòa thứ nhì ở Mỹ Châu sau Hoa Kỳ. Mãi đến năm 1862 Hoa Kỳ mới công nhận Cộng Hòa Haïti. Cho đến nay Cộng Hòa Haïti vẫn còn là một quốc gia nghèo trong biển Caribbean.

***

Anh là quốc gia quân chủ có truyền thống dân chủ lâu đời. Dù vậy nước Anh đã chứng kiến những biến động chánh trị đẫm máu dẫn đến sự hành quyết vua Charles I năm 1649 theo lịnh của Oliver Cromwell (1599 - 1658). Ɖó là giai đoạn lịch sử đen tối mà người Anh không có hứng thú nhắc đến.

Anh Quốc là một hải đảo có nhiều sương mù. Ɖó là một quốc gia Âu Châu có nhiều khác biệt với các quốc gia Âu Châu trên lục địa. Người Anh trầm lặng, chuộng tự do, sự tiến bộ, thích phiêu lưu mạo hiểm, có tư tưởng mới nhưng bảo thủ và không quá cực đoan. Hầu hết các quốc gia quân chủ trên lục địa Âu Châu đều là nam phái. Chế độ quân chủ Anh có 10 nữ hoàng trong suốt chiều dài lịch sử:

  1. Boudica (30 - 60 sau TL),
  2. Bertha of Kent (565 - 602),
  3. Emma of Normandy (980 - 1052),
  4. Eleanor of Aquitaine (1122 - 1204),
  5. Isabella of France (1295 - 1358),
  6. Elizabeth I (1533 - 1603),
  7. Anne (1665 - 1714),
  8. Caroline of Ansbach (1683 - 1737),
  9. Victoria (1819 - 1901),
  10. Elizabeth II (1926 - 2022).

Pháp không có vị nữ hoàng nào cả.

Giữa chế độ Quân Chủ (Monarchy) và Cộng Hòa (Republic) họ chọn chế độ Quân Chủ (Monarchy).

Giữa Quân Chủ Chuyên Chính (Absolute Monarchy) và Quân Chủ Lập Hiến họ chọn Quân Chủ Lập Hiến (Constitutional Monarchy).

Quân của William van Orange đổ bộ ở Torbay (Anh) vào tháng 11 năm 1688
(Tranh Jan Hoynck van Papendrecht – en.wikipedia.org)

Cuộc cách mạng đại nghị bắt đầu bằng cuộc Cách Mạng Vinh Quang (Glorious Revolution) hay Cách Mạng Anh Quốc (English Revolution) năm 1688. Vua James II (1633 - 1701, vua: 1685 - 1688) bị lật đổ vì xem thường Quốc Hội (Parliament) và bị nghi ngờ có khuynh hướng công bố đạo Thiên Chúa là quốc giáo của Anh Quốc. William III dòng Orange ở Hòa Lan và vợ là Mary II lên ngôi thay thế vua James II. William III là rể của vua James II. Ông là tín hữu Tin Lành thuộc dòng Orange của Hòa Lan. Chế độ quân chủ lập hiến chào đời ở Anh tự do. Vương quyền bị giới hạn. Quốc hội tăng quyền hành. Trong khi Anh Quốc dân chủ hóa guồng máy chánh trị thì ở Pháp vua Louis XIV (1638 - 1715, vua: 1643 - 1715) tự xưng là Thái Dương Vương (Roi du Soleil), Vua Louis Vĩ Ɖại. Nhà vua dõng dạc tuyên bố: Ɖất nước chính là trẫm (L’État c’est moi).

Về phương diện tôn giáo, trước kia Anh cũng là một quốc gia Thiên Chúa Giáo từng tham gia các cuộc Thánh Chiến ở Trung Ɖông. Nhưng Anh là quốc gia sớm tách rời khỏi ảnh hưởng của Giáo Hội Thiên Chúa Vatican. Ɖó là sự khác biệt rõ nét giữa Anh và các nước Thiên Chúa Giáo Âu Châu lục địa như Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Ɖào Nha. Vương quyền, dù ở bất cứ nơi nào trên Trái Ɖất, cũng có liên hệ với Thần quyền. Anh có Anh Quốc Giáo (Anglicanism) không chịu ảnh hưởng của Vatican. Việc lật đổ vua James II cho thấy phản ứng của Anh đối với vị vua Thiên Chúa Giáo có thiện cảm với vua Louis XIV của Pháp. Cách mạng Anh (English Revolution) năm 1688 đi trước Cách Mạng 1789 của Pháp 101 năm.

Sau cuộc Cách Mạng 1688 Anh Quốc sản sinh nhiều nhà chánh trị lỗi lạc vào thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX như: William Pitt Younger (em) (1759 - 1806), giữ chức thủ tướng năm 24 tuổi và là đối thủ lợi hại nhất của Napoléon I; Spencer Perceval (1762 - 1812), ông chống lại việc buôn nô lệ xuyên Ɖại Tây Dương và là vị thủ tướng duy nhất của Anh bị ám sát chết; Arthur Wellesley, đệ nhất quận công Wellington (1769 - 1852), người thắng Napoléon I ở Waterloo năm 1815; đô đốc Arthur Philip (1738 - 1814), người thiết lập sự định cư người Âu Châu, hầu hết là người Anh và Ái Nhĩ Lan ở Úc Ɖại Lợi; William Wilbeforce (1759 - 1833), người đóng góp nhiều công sức trong đạo luật Bãi Bỏ Nô Lệ (Slavery Abolition Act, 1833), Ɖạo Luật Chống Việc Buôn Nô Lệ (Slave Trade Act). Ông cũng chủ trương chống lại sự tàn bạo đối với súc vật; Robert Clive (1725 - 1774), thống đốc Bengal, được biết đến vì sáng lập Công Ty Ɖông Ấn Anh ở Bengal v.v..

Sau Cách Mạng Anh 1688 nhiều nhà kinh tế, lý tài, nhân văn học, lý thuyết gia chánh trị xuất hiện như Adam Smith (1723 - 1790), Thomas Robert Malthus (1766 - 1834), David Hume (1711 - 1776), Cesare Beccaria (1738 - 1794), David Ricardo (1772 - 1823), James Mayer de Rothschild (1792 - 1868), Jean Baptiste Say (1767 - 1832), James Mill (1773 - 1836), William Whewell (1794 - 1866), Henry Thornton (1760 - 1815) v.v..

Nhiều nhà khoa học và nhà phát minh đủ mọi ngành xuất hiện đông đảo như: Charles Babbage (1791 - 1871), John Dalton (1766 - 1844), Joseph Priestley (1733 - 1804), Henry Cavendish (1731 - 1810), Isaac Newton (1643 - 1727), Edward Jenner (1749 - 1823), Humphry Davy (1778 - 1829), James Watt (1736 - 1819), Henry Maudslay (1771 - 1831) v.v..

Ɖến thế kỷ XIX Anh là quốc gia kỹ nghệ hàng đầu trên thế giới nhờ có nhiều thuộc địa rải rác khắp thế giới. Anh trở thành quốc gia kỹ nghệ, kinh tế, thương mại và quân sự quan trọng trên thế giới. Anh không trồng bông vải nhưng nổi tiếng về kỹ nghệ dệt vải trên thế giới. Anh không trồng thuốc lá nhưng thuốc điếu của Anh được ưa thích hơn các hiệu thuốc điếu của các nước khác. Nước Anh không to lớn nhưng đế quốc Anh chiếm 25 % đất nổi trên Ɖịa Cầu.

***

Cách mạng 1688 đánh dấu sự lớn mạnh của đảng Whig (Tự Do) đối lập với đảng Tory (Bảo Thủ). Nó mở đầu cho chế độ quân chủ lập hiến. (Constitutional monarchy) tức dân chủ hóa chế độ quân chủ để đi đến khái niệm Vua là người vô tội và bất khả xâm phạm. Vua ngự mà không trị. Vương quyền bị giới hạn. Chủ quyền của quốc hội được nới rộng.

Cách Mạng 1688 (Glorious Revolution – English Revolution) đi song song với Cách Mạng Kỹ Nghệ ở Anh, sự hình thành chủ nghĩa tư bản (Capitalism) và chủ nghĩa đế quốc (Imperialism) ở Tây Âu và Bắc Mỹ vào thế kỷ XIX. Nước Anh là nước kỹ nghệ hóa sớm nhất thế giới. Ɖến thời nữ hoàng Victoria (1819 - 1901, nữ hoàng: 1837 - 1901) đế quốc Anh lan rộng khắp thế giới nên có câu: Mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc Anh.

Anh Quốc là nơi có nhiều người Do Thái thành công trên chánh trường và các lãnh vực hoạt động khác, nhất là kinh tế, tài chánh. Ông Benjamin Disraeli (1804 - 1881) là vị thủ tướng lỗi lạc của Anh gốc Do Thái.

Karl Marx là cha đẻ của chủ nghĩa Cộng Sản. Ông là người Ɖức gốc Do Thái nhưng ông không thể sống ở Ɖức vì tể tướng Bismarck không ưa ông. Ông chống chế độ tư bản do Anh và Hoa Kỳ đại diện. Nhưng nước Anh dung chứa ông. Hiện mả của ông vẫn còn ở Anh. Ở Anh có đảng Lao Ɖộng nhưng không phải là đảng Cộng Sản. Anh và Hoa Kỳ là hai nước kỹ nghệ không hưởng ứng chủ nghĩa của Marx.

Các lãnh tụ cao cấp Cộng Sản Nga như Lenin, Trotsky cũng từng sống lưu vong ở Anh. Ɖảng Cộng Sản Việt Nam được thành lập ở Hong Kong, thành phố cảng do người Anh kiểm soát. Tống Văn Sơ (bí danh của Hồ Chí Minh sau này) từng ở tù ở Hong Kong và được chánh quyền Anh cứu bằng cách không dẫn độ ông về Việt Nam cho chánh quyền thuộc địa Pháp xử tử vì những biến động của Phong Trào Sô Viết Nghệ Tĩnh (1930) khi loan tin ông đã chết vì bịnh lao trong tù, đồng thời giúp đỡ phương tiện cho ông vượt ngục Hong Kong để lên Shanghai (Thượng Hải). Từ đó ông ngồi tàu đi Vladivostok (Hải Sâm Uy) để về Moscow bằng đường hỏa xa Xuyên Tây Bá Lợi Á (1933). Những chi tiết lịch sử tầm thường trên cho thấy tính nhân bản, trọng tự do, dân chủ và luật pháp của một nước Anh quân chủ lập hiến từ thế kỷ XVIII. Chánh quyền Anh xem Tống Văn Sơ, tức Hồ Chí Minh sau này, là một đảng viên Ɖệ Tam Quốc Tế Cộng Sản (Comintern – Third International) dưới bí danh Lin là một công dân Nga nên tìm cách đưa ông về Nga nhằm tránh bản án tử hình khiếm diện ở Việt Nam năm 1931.

Yêu tự do và dân chủ là thể hiện lòng nhân ái.

Yêu luật pháp là yêu trật tự và sự ổn định chánh trị và xã hội.

Việc xâm chiếm thuộc địa của Anh có hai mặt tốt xấu lẫn lộn nhau. Kết quả cuối cùng lại là cảnh đôi bên đều có lợi. Cố nhiên thuộc địa hưởng tỷ lệ thấp hơn quốc gia đô hộ có nhiều vốn liếng và chuyên viên kỹ thuật tạo ra thành quả vật chất. Thuộc địa chỉ hưởng trọn vẹn mọi thành quả do chế độ thuộc địa lưu lại sau khi độc lập.

Ngày nay kinh tế Ấn Ɖộ vượt hẳn kinh tế Anh Quốc. Tiếng Anh vẫn có một vị trí đặc biệt trên tiểu lục địa có dân số trên 1 tỷ người (Ấn Ɖộ), ở Hong Kong và Singapore.

Sau khi độc lập năm 1957 diện tích Mã Lai tăng lên gấp đôi so với thời kỳ thuộc địa. Anh vãn hồi trật tự chánh trị và xã hội bằng cách quét sạch du kích Cộng Sản mà đa số thành viên là người Mã Lai gốc Hoa trước khi trao trả độc lập cho Mã Lai.

Hong Kong, một làng chài lưới trở thành một thành phố cảng đặt dưới sự kiểm soát của Anh từ năm 1842 đến 1997, là một trong Tứ Hổ Kinh Tế Á Châu (Taiwan, Singapore, Ɖại Hàn, Hong Kong). Hong Kong trước 1997 và Hong Kong sau 1997 khác nhau như thế nào?

Singapore, một đảo quốc lối 700km2 với 6 triệu dân, có GDP lối 425 tỷ. Lợi tức tính theo đầu người là 79.000 Mỹ kim so với 76.000 Mỹ kim là lợi tức đồng niên tính theo đầu người của Hoa Kỳ. So sánh với Việt Nam, một quốc gia rộng 330.000 km2 với gần 100 triệu dân, ta có:

Quốc gia

GDP

Lợi tức/đầu người

Việt Nam

409 tỷ Mỹ kim

 4.200 Mỹ kim

Singapore

425 tỷ Mỹ kim

79.500 Mỹ kim

Gibraltar (1)

2,46 tỷ Mỹ kim

76.500 Mỹ kim

Các nước trong khối thịnh vượng chung như Canada, Úc Ɖại Lợi, Tân Tây Lan đều là những quốc gia có nền kinh tế hưng vượng. Canada là thành viên của G7.

Miến Ɖiện và vài đảo trong biển Caribbean không nằm trong nhận xét tổng quát ghi trên.

Nơi nào có TỰ DO, DÂN CHỦ nơi đó có PHÁT TRIỂN, TIẾN BỘ, ẤM NO và HẠNH PHÚC.

ƉỘC TÀI và BẠO LỰC là kẻ thù của những nhân tố kể trên.

.

Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.

_______________________________

Chú thích:

(1): Gibraltar là mỏm đất thuộc Anh trên bán đảo Iberia (Tây Ban Nha). Gibraltar là cửa ngõ kiểm soát việc thông thương hàng hải nối liền Ɖại Tây Dương và Ɖịa Trung Hải. Anh chiếm eo biển Gibraltar đời đời theo tinh thần hiệp ước Utrecht năm 1713. Gibraltar không phải là quốc gia mà là vùng đất thuộc Anh. Gibraltar rộng 6,7km2 với 34.000 dân (2020). Lợi tức đồng niên trung bình của dân Gibraltar là 76.500 Mỹ kim/năm.

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/xahoi/thekyxviii.html


Cái Đình - 2022