Nguyễn Minh Tâm


Sau khi Án lệ Roe v. Wade bị tiêu hủy, nhiều khó khăn trong vấn đề phá thai

.

Vài tuần lễ sau khi bản thảo quyết định của Tối Cao Pháp Viện bị lộ ra ngoài, một khẩu hiệu thường được hô hào là: “We won’t go back.” “Chúng ta sẽ không cho phép phá thai trở lại”. Khẩu hiệu này được hô lớn trong những cuộc biểu tình tuần hành của phe chống phá thai. Khẩu hiệu nghe rất cương quyết, song cũng gượng ép, và vô lý. Nó báo trước một thời đại sắp tới sẽ có những biện pháp đàn áp, và lạc hậu. Trong đó, không những quyền được phá thai của người phụ nữ bị xóa bỏ hẳn, mà còn kéo theo nhiều thủ tục pháp lý phức tạp. Bản nháp về quyết định của TCPV được đề nghị trong vụ kiện Dobbs chống Jackson Women’s Health Organization là gì? Bản thảo này liên quan đến một đạo luật ở Mississippi cấm phá thai sau khi thụ thai được 15 tuần lễ, với một ngoại lệ duy nhất được chấp nhận là khi sức khỏe của người mẹ, hay thai nhi bị đe dọa. Ngay cả trường hợp bị hãm hiếp, hay loạn luân cũng không được xem là ngoại lệ. Đến nay, Tối Cao Pháp Viện vừa chính thức công bố quyết định Lật Ngược Hẳn Án Lệ Roe v. Wade, và xóa bỏ quyền hiến định cho phép người phụ nữ phá thai. Tòa Án Tối Cao muốn đảm bảo rằng việc phá thai hiện đang bị xem là bất hợp pháp, hay bị hạn chế, ở 20 tiểu bang phải được áp dụng nghiêm chỉnh. Khẩu hiệu hô hào trong những cuộc tuần hành: “Chúng ta sẽ không cho phép phá thai trở lại” rõ ràng là một sự ly hôn, đoạn tuyệt, với những gì đang có trong thực tế. Có lẽ đây là dấu hiệu cho thấy một khi phe cực hữu nắm được quyền bính trong Tối Cao Pháp Viện họ sẽ tung hoành, đi xa hết mức. Thật là khó hiểu, và khó đoán trước được.

Lập trường ủng hộ phá thai chưa bao giờ lên cao như hiện nay với hơn hai phần ba dân chúng Mỹ ủng hộ việc duy trì án lệ Roe v. Wade, và 57% dân chúng khẳng định phá thai vì bất cứ lý do gì cũng là quyền của người phụ nữ. Tuy tình hình thực tế là như vậy, nhưng nhiều quan chức trong Đảng Cộng Hòa xác nhận rằng họ sẽ tìm mọi cách để làm ra luật liên bang, áp dụng trên toàn quốc, cấm hẳn việc phá thai, khi đảng Cộng Hòa nắm được cả lưỡng viện Quốc Hội cũng như chức vụ Tổng thống.Từ nay trở đi, bất cứ ai, nếu để có thai, người ấy bắt buộc phải đối phó với tình hình thực tế là tại một nửa số tiểu bang ở nước Mỹ nằm trong tay các nhà lập pháp tin rằng “nhân vị tính” (personhood) hay sự tạo hình một con người, và tính chất tự trị (autonomy – muốn làm gì theo ý của mình) là hai sự kiện có điều kiện mới được phép làm. Những người theo chủ trương này cho rằng khi bạn – hay một người phụ nữ –  để cho có thai với người khác, dù cho dưới bất kỳ hoàn cảnh nào, bạn hay người phụ nữ ấy có nhiệm vụ – theo luật định – là phải trải qua những khó khăn, đau khổ của việc mang thai, sanh đứa trẻ ra đời, và nuôi dưỡng đứa trẻ ấy trong hai chục năm, hay hơn nữa, bất kể những việc đó có thể đưa đến những hậu quả tai hại trầm trọng cho cá nhân, cho thân thể, cho trái tim, cho khối óc, và cho gia đình của bạn, cũng như khả năng mưu sinh đem thức ăn về cho gia đình, kế hoạch cho đời bạn, cuộc sống, và sinh thú của cuộc đời.  

Khẩu hiệu: “We won’t go back” (“Chúng ta sẽ không cho phép phá thai trở lại theo án lệ Roe v Wade”) là tiếng kêu gọi không đúng, nó chỉ biểu lộ một sự khước từ, chối bỏ. Song khẩu hiệu này nêu lên một sự thực là trong tương lai, những gì chúng ta quen sống, quen suy nghĩ theo quan niệm từ trước khi có án lệ Roe sẽ khác đi rất nhiều. Thuở xưa, người phụ nữ phải tìm cách phá thai lén lút, vì nó bất hợp pháp, và hiện tượng bị chết vì phá thai là điều thường xảy ra. Sự nguy hiểm đó bây giờ sẽ xảy ra ở khắp nơi, và có thể đem lại những hậu quả tai hại hơn. Từ nay chúng ta sẽ bước sang một thời đại trong đó việc phá thai không những không an toàn, mà người nào muốn tìm cách phá thai còn bị theo dõi ở nhiều tiểu bang, hay bị truy tố hình sự. Người bị theo dõi, và truy tố hình sự gồm có người phụ nữ đang mang thai, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên làm việc ở y viện phụ trách phá thai, thân nhân, hay bạn bè giúp đưa người phụ nữ đi phá thai cũng bị truy tố ra tòa. Người phụ nữ lỡ có một bào thai không mạnh khỏe đành phải chịu bó tay, không có cách nào giải quyết cái thai được. Những ai tin rằng phán quyết mới của Tối Cao Pháp Viện không làm thay đổi gì nhiều là sai lầm, hay không hiểu rõ tình hình ở cấp tiểu bang. Nhiều tiểu bang chống phá thai, xem việc thụ thai của người phụ nữ như một hình phạt mà người phụ nữ phải gánh chịu. Tình hình sẽ còn tệ hại hơn sau khi án lệ Roe không còn giá trị nữa.

Tại những tiểu bang cấm phá thai, từ nay trở đi bất cứ phụ nữ nào để sẩy thai sau khoảng thời gian luật định có thể bị điều tra, và kết tội hình. Khi đó, những thủ tục điều tra phức tạp như lùng kiếm, thu thập tài liệu từ những cuộc điện thoại, đến những lời nhắn, biên lai trả tiền thuốc, đều bị đem ra điều tra nếu cơ quan điều tra nghi rằng việc sẩy thai là do cố tình. Thậm chí khi công tố viên không tìm ra đủ lý lẽ để buộc tội, chính những nhân viên điều tra có thể trừng phạt vì không tìm ra đủ bằng chứng vụ sẩy thai là do cố tình.  

Cách đây năm năm, chị Lattice Fisher, một bà mẹ Da Đen có ba con ở Mississippi, làm ở tổng đài điện thoại trong sở cảnh sát, đồng lương $11 một giờ. Bà đang có thai, và cái thai bị chết ở thời điểm được 36 tuần. Khi bị điều tra, bà thú nhận bà không muốn có thêm con nữa, vì không đủ khả năng nuôi con. Bà thú nhận tất cả những gì bà làm cho người điều tra viên biết. Họ đi tìm tòi, lục lọi chứng từ để làm bằng chứng, bà đã dùng thuốc phá thai, một loại thuốc điều kinh cực mạnh – mifepristone và misoprostol.

Hai loại thuốc phá thai kể trên là lý do giúp người phụ nữ không còn phải lén lút đi tìm cách phá thai. Hai loại thuốc này có thể mua dễ dàng qua điện thoại, hay gửi qua bưu điện. Khi dùng thuốc đúng theo toa, chắc chắn việc phá thai sẽ hiệu nghiệm đến mức từ 95% đến 98% cho những bào thai ở trong bụng được 11 tuần lễ. Hiện nay tại Hoa Kỳ, 90% trường hợp phá thai đều dùng thuốc này. Hơn phân nửa các trường hợp phá thai trong nước đều chỉ cần dùng thuốc này là đủ. Tại 19 tiểu bang, các bác sĩ bị cấm không được kê toa cho thuốc phá thai qua điện thoại, nhưng đa số phụ nữ đều có thể xin thuốc phá thai qua nhân viên y tế ở chẩn y viện, hay đi đến tiểu bang khác mua, hoặc mua ở nước ngoài. Ví dụ như bà Rebecca Gomperts, người đứng đầu tổ chức Aid Access trụ sở ở Austria sẵn sàng cung cấp thuốc phá thai cho những phụ nữ sống tại những tiểu bang bị cấm phá thai. Bà còn gửi thuốc phá thai qua đường bưu điện cho phụ nữ khắp nơi trên thế giới qua địa chỉ Women on Web. Bà Gomperts quảng cáo thuốc phá thai rất tốt như sau: Một số bác sĩ có lòng tốt sẵn sàng viết toa thuốc điều kinh mạnh cho bất cứ ai lo sợ mình có thể bị dính bầu. Loại thuốc điều kinh này có thể xóa bỏ mọi dấu tích mang thai. Thuốc Misoprostol còn được dùng để trị bệnh loét bao tử, vì thế theo bà Gomperts không có lý do gì để bị cấm đoán không cho dùng loại thuốc này. Bà so sánh nếu bạn mua thuốc tẩy trắng ở ngoài chợ còn nguy hiểm hơn loại thuốc phá thai này.  

Trở lại trường hợp của chị Lattice Fisher, không có bằng chứng nào cho thấy chị đã dùng thuốc phá thai. Chị cả quyết nói rằng cái thai bị chết tự nhiên, không phải do thuốc. Trường hợp đó có thể xảy ra, cứ 160 trường hợp phụ nữ thụ thai ở Hoa Kỳ thì có một vụ hư thai tự nhiên. Tuy nhiên, chị vẫn bị kết tội sát nhân cấp độ hai, và bị giam trong nhà tù vài tuần lễ. Sau khi đóng một trăm ngàn đô la thế chân, chị mới được tạm tha. Ông Scott Colom, một luật sư thành phố có tinh thần cấp tiến đã cố gắng tranh đấu cho chị không bị kết tội sát nhân. Một đại bồi thẩm đoàn được triệu tập, họ sử dụng phương pháp cũ là “thử phao” cho biết bào thai của chị Fisher có thể được sinh ra mạnh khỏe. Vì thế chị Fisher lại bị từ chối miễn tội. Vụ kiện kéo dài suốt hơn ba năm.  

Ngay cả trường hợp đặt mua thuốc phá thai qua bưu điện ở những tiểu bang bị cấm phá thai cũng bị coi là vi phạm luật. (Tiểu bang Missouri mới đây đề nghị coi việc gửi thuốc phá thai giống như vận chuyển ma túy bất hợp pháp. Tiểu bang Louisiana làm ra luật xem việc gửi thuốc phá thai qua bưu điện đến cư dân của tiểu bang là một tội hình sự, và có thể bị tù sáu tháng). Tại nhiều tiểu bang, để tránh rủi ro vi phạm luật, người phụ nữ thường phải lái xe ra khỏi biên giới tiểu bang để mua thuốc phá thai. Chẳng hạn như ở Texas, người phụ nữ chỉ việc lái xe sang Mễ tây Cơ để mua thuốc ở các cửa hàng bán thuốc không bị luật lệ cấm. Tại đó, nhiều khi dược sĩ không chỉ dẫn rành rẽ cách sử dụng thuốc. Một số phụ nữ vì thiếu phương tiện tiền bạc, không được tự do đi du lịch, nên phải mua thuốc phá thai qua bưu điện mà không biết cách sử dụng. Thuốc phá thai tương đối an toàn, và hiệu nghiệm, song bệnh nhân cần phải được nhân viên y tế hướng dẫn và theo dõi cẩn thận. Phụ nữ ở những tiểu bang bị cấm phá thai, khi tự ý dùng thuốc lấy sẽ phải hy sinh giữa sự rủi ro cho sức khỏe của mình để đổi lấy tự do.  

Hiện nay, hàng năm thường có khoảng một triệu vụ phá thai, hay hư thai xảy ra ở nước Mỹ, và hai sự kiện này khó có thể phân biệt rõ được. Vì lý do này, những tiểu bang cấm phá thai thường có ý muốn tò mò xem xét kỹ để phân biệt hai hiện tượng này. Một vài tiểu bang đã lập ra hồ sơ gốc về trường hợp những phụ nữ mang thai muốn tìm cách phá thai. Năm ngoái, tiểu bang Arkansas thông qua đạo luật Every Mom Matters Act. Luật này buộc người phụ nữ nào muốn tìm cách phá thai phải gọi điện thoại “hotline” của tiểu bang để đăng ký và cung cấp tên tuổi, lý lịch đầy đủ. Từ đó đến nay, có thêm sáu tiểu bang bắt chước làm ra luật tương tự. Đường dây điện thoại nóng do các trung tâm gọi là “Crisis Pregnancy Center” do các tổ chức Cơ Đốc Giáo điều hành. Nhiều tổ chức còn giả trang là chẩn y viện phụ trách phá thai. Nhưng thực ra họ mời người phụ nữ đến để khuyên, hay làm áp lực, để người phụ nữ đừng đi phá thai. Ngoài ra, họ không cung cấp một dịch vụ y tế nào cả. Những trung tâm về Crisis Pregnancy – Khủng hoảng Thai Nghén – hiện nay mọc ra rất nhiều ở Hoa Kỳ, gấp ba lần số chẩn y viện phụ trách phá thai. Họ không cung cấp một dịch vụ y tế nào, và không giống như các bệnh viện, họ không bảo vệ thông tin riêng tư của những người đến nhờ vào dịch vụ của họ. Tài liệu do các Crisis Pregnancy Center được cung cấp cho nhiều nơi. Người ta có thể lấy tên tuổi, địa chỉ, hoàn cảnh gia đình, lịch sử bệnh lý, hay hoạt động tình dục của người phụ nữ, kể cả hình ảnh ultrasound để gây áp lực cho người đến Trung Tâm xin giúp đỡ.

Nếu bạn mang thai, nhiều khi điện thoại của bạn đã biết ngay, trước khi bạn bè thân biết tin này. Nền kinh tế giao dịch qua internet giúp người ta truy nguyên mọi việc mua bán, hay tìm kiếm bạn từng làm. Những đạo luật giống như đạo luật S.B 8 của Texas khuyến khích bất cứ tư nhân nào cũng có thể khởi kiện một người nào đó khi biết người ấy muốn đi phá thai, hay khuyên người khác đi phá thai. Người ấy có đủ mọi cách để truy tầm tài liệu, chứng từ để truy tố người bị nghi ngờ khuyến khích phá thai. (Tổ chức tên là The National Right to Life Committee vừa phát hành một chính sách đề nghị áp dụng ở những tiểu bang cấm phá thai những trừng phạt hình sự dành cho bất cứ ai cung cấp thông tin về phương pháp tự phá thai lấy, hoặc được chỉ dẫn qua điện thoại, qua internet, hay phương tiện truyền thông nào khác. Một ký giả làm việc cho tờ báo Vice mới đây bỏ ra 160 đô la để mua một bộ tài liệu thu thập hình ảnh ở hơn 600 chẩn y viện của tổ chức Planned Parenthood (chuyên lo dịch vụ phá thai, thụ thai). Người thực hiện bộ phim tài liệu này dùng nó để bán lấy tiền. Ông ta đã đi đến tận nơi thu hình những chuyến đi đến chẩn y viện của từng bệnh nhân. Năm nay, các nhà làm luật ở Missouri đề nghị biện pháp cho phép tư nhân được quyền khởi kiện bất cứ ai giúp đỡ cư dân của tiểu bang đi sang tiểu bang khác phá thai. Giống như bộ luật SB 8 của Texas, dự luật ở Missouri thưởng $10,000 đô la cho nguyên đơn nếu việc đưa thông tin này là đúng. Xét theo khía cạnh lịch sử, luật này tương tự như đạo luật tìm bắt người nô lệ đang lẩn trốn – The Fugitive Slave Act – thời năm 1793.  

Cho đến nay, đối tượng chính của đạo luật SB 8 chỉ nhắm vào những người cung cấp dịch vụ phá thai, chứ không nhắm vào người muốn đi phá thai. Nhưng có lẽ điều này sẽ thay đổi. Tiểu bang Connecticut, một tiểu bang tương đối cấp tiến, vừa mới thông qua một đạo luật ngăn cấm những cơ quan ở địa phương không được cộng tác với thủ tục truy tố người ở ngoài tiểu bang đến đây nhờ phá thai. Tiểu bang Connecticut buộc các cơ quan địa phương phải bảo vệ bí mật hồ sơ y khoa của bệnh nhân ở ngoài tiểu bang đến đây. Nhiều tiểu bang cấp tiến khác cũng làm ra luật tương tự. Nếu những tiểu bang cấm phá thai không thể thưa kiện những bác sĩ ở tiểu bang khác, và nếu việc gửi thuốc phá thai qua bưu điện không thể truy xét được thì tiểu bang cấm phá thai không thể làm gì được, ngoại trừ họ phải nhắm đến việc trừng phạt chính người đi xin phá thai. Một tổ chức bảo thủ của Cơ Đốc Giáo, tên là The Stream, mới đây cho phát hành một tài liệu đề nghị bắt giam những phụ nữ tìm cách phá thai, đem nhốt họ vào nhà thương điên. Hồi tháng Năm, tiểu bang Louisiana đưa ra dự luật đề nghị truy tố người đi phá thai tội sát nhân. Đề nghị này sau đó được rút lại, nhưng rõ ràng người đi tìm cách phá thai ở tiểu bang này đã bị hăm dọa sẽ bị tội hình.

Quan niệm thần học là học thuyết chính của phong trào chống phá thai.

Quan niệm này cho rằng kể từ lúc thụ thai, phôi thai – embryo – hay thai nhi – fetus – đã là một hình nhân đầy đủ, vì thế cần phải được đối xử ngang hàng (hay có khi còn cao hơn) vị thế của một con người. Hệ luận của học thuyết này về khía cạnh pháp lý là nên xem tất cả mọi hình thức phá thai như thụ thai nhân tạo, cấy thai, hay nạo thai, kể cả viên thuốc morning-after, uống sau khi giao hợp, đều mang tính chất của tội sát nhân. Quan niệm trên thực là quá khắt khe theo lối suy nghĩ thông thường của một người Mỹ trung bình ủng hộ phong trào chống phá thai. Tuy nhiên, rõ ràng là phong trào chống phá thai hiện nay đang công khai tìm cách đưa quan niệm thai nhi mang tính chất một hình nhân là nền tảng của luật về phá thai ở Hoa Kỳ.  

Nếu thai nhi được xem là một con người, khi đó nền tảng pháp lý sẽ được viết lại, sáng chế ra sao để khiến cho một hình nhân vừa hình thành trong bụng mẹ sẽ có đủ quyền để bảo vệ cho sinh mạng của mình – giống như luật Savita Halappanavar ở Ái Nhĩ Lan, áp dụng học thuyết thai nhi là hình nhân cho mãi đến năm 2018, hay luật Izabela Sabor ở Ba Lan coi mọi hình thức phá thai là bất hợp pháp – và phải chết. Luật khắt khe như trên không còn xuất hiện trong xã hội của chúng ta nữa. Ở Ba Lan, phụ nữ có thai bị ung thư thường không được phép chữa bằng hóa trị vì sợ ảnh hưởng đến sinh mạng của thai nhi.

Hai tiểu bang Georgia và Alabama đã có luật xem thai nhi là hình nhân, và những luật này không còn bị xem là vi hiến. Những đạo luật như vậy đã biện minh rõ ràng cho việc kết tội hình cho những ai làm hư cái thai. Do đó, người phụ nữ sẽ bị bắt giữ, tống giam, hay tạm giữ ở một nơi nào đó do tiểu bang kiểm soát để sẵn sàng can thiệp nếu tình nghi người phụ nữ có thể làm phương hại đến thai nhi. Chính sách này đã được thử nghiệm nhiều lần đối với thành phần phụ nữ thiểu số, hay lợi tức thấp trong suốt bốn thập niên vừa qua. Tổ chức National Advocates for Pregnant Women thu thập được 1800 vụ can thiệp của chính quyền tiểu bang đối với những rắc rối liên quan đến người phụ nữ đang mang thai trong khoảng thời gian từ năm 1973 đến năm 2020. Tổ chức này thường cung cấp dịch vụ pháp lý bênh vực cho những phụ nữ phải ra tòa vì những vấn đề liên quan đến thai nghén. Ngay cả trường hợp ở California, tiểu bang công khai cấm truy tố người phụ nữ bị hư thai tội sát nhân, nhưng các vị công tố theo khuynh hướng bảo thủ vẫn cứ kết tội người phụ nữ.   

Cho đến nay, phần lớn những vụ truy tố phụ nữ liên quan đến thai nghén thường chỉ xoay quanh việc sử dụng ma túy. Những phụ nữ dùng ma túy trong lúc có thai, hay đi cai nghiện trong lúc có bầu thường bị truy tố về tội bạo hành trẻ em, sao lãng chăm sóc con cái, hay phân phối ma túy cho trẻ nhỏ, hoặc tấn công bằng vũ khí chết người. Tội ngộ sát, tội giết người. Năm 2020, ở tiểu bang Alabama, nhân viên công lực điều tra một phụ nữ tên là Kim Blalock về tội dùng hóa chất gây nguy hại cho trẻ nhỏ vì bà ta đã thú nhận với nhân viên phòng hộ sinh là bà đã dùng thuốc “hydrocodone”, thuốc giảm đau để đối phó với cơn đau nhức đang hành hạ bà. (Luật sư thành phố truy tố bà tội dùng toa thuốc giả – đây là một tội hình – nhưng sau đó đều được tha bổng, miễn tố.). Ở tiểu bang Oklahoma lúc gần đây có một loạt những vụ truy tố hình sự những phụ nữ sử dụng ma túy khiến bị sẩy thai. Họ bị truy tố tội ngộ sát – manslaughter. Ở Wisconsin, luật tiểu bang cho phép giam giữ phụ nữ đang mang thai, để chữa trị vì tình nghi họ sử dụng thuốc, nhân danh để bảo vệ thai nhi. Mỗi năm ở tiểu bang này có khoảng 400 phụ nữ bị giam giữ vì tình nghi dùng ma túy. Một dự luật được đề nghị ở tiểu bang Wyoming sử dụng cùng một lập luận cho rằng khi mang thai, nếu người phụ nữ dùng ma túy, người đó có thể bị truy tố về tội làm nguy hiểm đến tính mạng của trẻ nhỏ. Ở tiểu bang Tennessee có luật Fetal Assault Law coi việc phụ nữ mang thai mà dùng ma túy là giết thai nhi – fetus-. Luật này bị thu hồi sau hai năm áp dụng bởi vì luật đó dẫn đến hậu quả không ngờ làm cho số trẻ em bị chết lúc sơ sinh gia tăng, vì việc chăm sóc cho bà mẹ lúc mang thai – prenatal care – không được áp dụng nghiêm chỉnh.  

Phong trào “pro-choice” ủng hộ việc cho phép phụ nữ phá thai hầu như quên không biết đến xu hướng muốn biến việc mang thai thành một vấn đề hình sự, giống như họ đã không để ý đến tính chất không hợp thời của án lệ Roe. Rất nhiều người trong phong trào “pro-choice” đã mặc nhiên chấp nhận rằng phụ nữ nghèo, và thiểu số sống ở những tiểu bang bảo thủ bị mất phương tiện phá thai từ trước khi Tối Cao Pháp Viện đưa ra phán quyết mới đây. Phong trào này âm thầm xem những phụ nữ này nếu bị bắt giam, bị sẩy thai, thai nhi chết trong bụng mẹ, là những trường hợp ở ngoài lề. Họ là những phụ nữ kém may mắn, không được đối xử ngang hàng với dòng chính. Tháng trước, nhà báo Rebecca Traister viết một bài xã luận nói rằng những phụ nữ nghèo, hay thiểu số không phải là những người bên lề, chẳng qua là họ không được đả động đến. Rõ ràng là sự khác biệt giữa hai giai cấp quá lớn.

Việc mang thai thực ra nguy hiểm hơn việc phá thai gấp 30 lần.

Nhiều nghiên cứu ước tính rằng khi cấm phá thai số trẻ nhỏ chết liên quan đến thai nghén sẽ tăng thêm 21% trên toàn quốc. Ngay lúc này, sẽ có một số phụ nữ bị chết vì lệnh cấm phá thai. Những phụ nữ này chết không phải vì lén lút đi phá thai, song vì bị từ chối, bị chính quyền can thiệp để trì hoãn, hay ước muốn của họ bị làm ngơ không có ai muốn giúp. Họ sẽ chết vì bị nhiễm trùng, bị băng huyết vì họ cố tình muốn bỏ cái thai mà họ không muốn có. Phe chống phá thai dễ dàng chấp nhận cái chết như vậy, và xem đó là chuyện bình thường, một tai nạn nhỏ.  

Trong lúc đó, việc cấm phá thai sẽ làm cho những phụ nữ đang mang thai trở nên bất lực, tổn thương, vì họ không muốn mang thai, và gặp nhiều khó khăn với việc dùng thuốc. Các y sĩ làm việc ở những tiểu bang cấm phá thai chỉ còn rất ít, và họ cảm thấy khó làm việc khi phải chữa trị cho những trường hợp bị sẩy thai. Họ sợ rằng khi chữa trị cho bệnh nhân, họ có thể bị vu oan là làm việc phá thai giúp cho bệnh nhân. Một phụ nữ ở Texas kể lại rằng bà đã phải lái xe suốt 15 giờ đến New Mexico để lấy thai nhi ra vì bà mang thai ngoài tử cung. Theo định nghĩa trường hợp đậu thai ngoài tử cung khó có thể sống sót, và rất nguy hiểm. Loại thuốc điều kinh Misoprostol thường được cho bệnh nhân dùng khi bị sẩy thai, vì nó giúp tử cung trục thai nhi ra ngoài. Nhiều dược sĩ ở Texas sợ bị truy tố hình sự nên thường phải từ chối bán loại thuốc này cho bệnh nhân. Nếu trường hợp sẩy thai không được theo dõi để chữa trị cho đúng người phụ nữ có thể bị nhiễm trùng tử cung, tử cung bị thủng, trở thành vô sinh, và có khi bị chết.  

Phần lớn những trường hợp bị sẩy thai là do những yếu tố ngoài tầm kiểm soát của con người: bị bệnh, tình trạng tử cung, hay nhau thai gặp sự cố bất thường, hay cơ thể không được bình thường. Nhưng hầu hết phụ nữ mang thai ở Mỹ đều được chỉ dẫn, khuyên bảo họ có trách nhiệm chăm lo cho thai nhi, chẳng hạn phải tránh uống rượu, cà phê, không ăn thịt gà tây bán ở các tiệm tạp hóa, không ngồi phòng tắm nước nóng, không dùng ma túy, phải tập thể dục thường xuyên, dùng thuốc dưỡng thai đúng như bác sĩ chỉ dẫn. Những trường hợp sẩy thai chỉ xảy ra vì những yếu tố cơ cấu chẳng hạn như nghèo khó, môi trường ở gần hóa chất, phải làm việc ca đêm. Khi thai nhi được nhiều tiểu bang công nhận có tình chất một hình nhân, trở thành luật ở nhiều tiểu bang, người phụ nữ đang mang thai có thể bị cấm đi du lịch, cấm làm một số việc có thể phương hại cho đưa trẻ chưa chào đời.  

Cách đây nửa thế kỷ, phong trào chống phá thai chủ yếu là do nhóm cấp tiến, nhóm chống chiến tranh, những người theo đạo Công Giáo hưởng oeo phe đứng ra cổ vũ. Ngày nay thì khác, phong trào chống phá thai do các nhóm bảo thủ, nhóm truyền giáo – evangelical – nhóm quá khích, đầu óc hẹp hòi chủ trương. Họ không màng gì đến việc chính quyền cần giúp đỡ người phụ nữ khi họ mang thai. Họ chỉ suy nghĩ một chiều là khi cái trứng đã hình thành trong bụng, tức là đã có một hình nhân, vì thế phải bảo vệ mạng sống của hình nhân đó. Mặc dù nhóm này có đề nghị những giải pháp để giải quyết vấn đề như bỏ đứa trẻ vào gia đình nhận con nuôi, thủ tục cho phép gia đình nhận con nuôi, và một vài tổ chức tư nhân giúp nuôi đứa trẻ được sinh ra. Học giả Mary Ziegler nêu ra một điểm cần để ý là phong trào chống phá thai ngày nay cho rằng “chiến lược chống phá thai của những thập niên trước đây là nhút nhát, không dứt khoát, và phản tác dụng”. Trong vòng bốn năm trở lại đây, 11 tiểu bang đã làm ra luật cấm phá thai dưới mọi hoàn cảnh, không có ngoại lệ, thậm chí cái thai xảy ra là do bị hãm hiếp, hay loạn luân cũng không được xem là ngoại lệ. Trước đây, người ta xem những sự cấm đoán này là quá đáng, là cực đoan.

Ngày nay ở Texas,người ta đã áp dụng thẳng thừng trường hợp những em bé gái tuổi mới lên 9, 10 hay 11 lỡ mang thai vì bị hãm hiếp cũng không được phá thai. Các em này không hiểu cả ý nghĩa của từ ngữ tình dục – sex, hay bạo hành – abuse – là gì. Nhiều phụ nữ phải ngồi đợi rất lâu trong phỏng cấp cứu của bệnh viện vì bị sẩy thai, song vẫn bị từ chối chữa trị khi máu bị nhiễm trùng. Lý do là vì tim của thai nhi – fetus – chưa ngừng đập. Nhiều phụ nữ sẽ oán hận, mà không nói ra được, khi phải sống ở nước này, nuôi năm sáu đứa con, trong lúc họ biết rằng họ không đủ khả năng để nuôi nhiều con đến như vậy.  

Với tất cả những mâu thuẫn, gian truân như kể trên, nhiều người trong nhóm pro-choice – ủng hộ phá thai, đã phải ngậm ngùi than rằng phá thai là một điều cần thiết bất hạnh – unfortunate necessity. Đây là chiến lược đề cao quyền chọn lựa của người phụ nữ. Họ nhấn mạnh đến quyền được sinh đẻ, quyền được có con – reproductive rights – thay vì phải chấp nhận công lý cho việc sinh đẻ – reproductive justice. Chúng ta sẽ đi đến chiến lược mới như sau: Chúng ta sẽ không trở lại thời kỳ trước khi có án lệ Roe, và chúng ta cũng chẳng nên công nhận thời đại kế tiếp sau khi án lệ Roe bị tiêu hủy bởi vì nó ít cay đắng hơn, nhưng vẫn chưa đủ. Chúng ta cần đòi hỏi nhiều hơn. Chúng ta phải tiếp tục đòi quyền được phá thai. Xem đó là một sự cần thiết tiên quyết để có công lý, và bình đẳng cho người phụ nữ.

.

Nguyên tác: We’re Not Going Back to the Time Before Roe. We’re Going Somewhere Worse. Jia Tolentino
The New Yorker, 04.07.2022
Người dịch: Nguyễn Minh Tâm

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/xahoi/saukhianleroe.html


Cái Đình - 2022