Trí Quang
Nhận diện KOLs
Một người sử dụng internet đang xem trang Facebook của Chính phủ tại Hà Nội (minh họa)
KOLs, viết tắt từ Key Opinion Leader, từ khoảng gần chục năm nay phổ biến trên mạng xã hội Việt Nam. Họ là những người có chuyên môn về một lĩnh vực và thông qua kiến thức hay chia sẻ trên mạng, họ có sức ảnh hưởng đến một cộng đồng nhất định. Có bao nhiêu lĩnh vực trong cuộc sống thì có bấy nhiêu nhân lên với x lần KOLs.
KOLs là ai?
Ngoài những thần tượng trong giới biểu diễn, số KOLs đông và lâu dài nhất thường có nguồn gốc từ những người làm báo. Tiếp đến là những người làm nghề cần sử dụng ngôn ngữ và sáng tạo, như nhà văn, nhà nghiên cứu xã hội, kiến trúc sư, họa sĩ, luật sư...
Điều này không lạ. Nghề báo cần sự quảng giao, có lợi thế đi lại, gặp gỡ, tiếp xúc rất nhiều người trong mọi giới. Nghề nghiệp này mang lại thông tin và kiến thức phong phú, là những yếu tố có sức thu hút người đọc lâu dài.
Những người làm báo giỏi lại là những người thông minh, có óc quan sát sắc bén, khả năng tư duy và phân tích sắc sảo. Nhiều người có cách viết đặc sắc làm nên dấu ấn cá nhân, viết hài hước hay tình cảm đều hết sức lay động.
Sự thiếu tự do về báo chí, thiếu tự do ngôn luận ở Việt Nam cũng chính là nguồn dinh dưỡng thần kỳ bón cho cái cây mạng xã hội ở Việt Nam nở cành vươn nhánh đến mức thần tốc. Không đủ không gian và không được tự do bung tỏa hết lên mặt báo những điều tai nghe mắt thấy hay canh cánh trong lòng về tình hình chính trị, xã hội, pháp luật, đời sống… nhiều nhà báo quay qua xây dựng và sử dụng mạng xã hội thành phiên bản báo chí đặc biệt của riêng họ.
Thời gian đầu của trào lưu này, khái niệm KOLs vẫn chưa phổ biến. Sự nhiệt tình và trong sáng của nhiều KOLs vẫn chưa bị mang ra để thử độ thật khi va chạm với tiền.
Người đọc được lợi nhiều nhất ở quãng này.
Trăm hoa đua nở, những cây bút xuất sắc trên mọi lĩnh vực xuất hiện rất nhiều. Có những nhà báo, bác sĩ, luật sư, kiến trúc sư, họa sĩ, nhà văn… mà lượng đọc, tương tác và chia sẻ trên các bài đăng của họ ở trang cá nhân nhiều hơn cả một số tờ báo .
Cùng với đó, những người kinh doanh vốn cực kỳ nhanh nhạy với tiền đã nhìn ra tiềm năng quảng cáo ở những KOLs. Họ lập tức đề nghị được trả tiền cho các status có nhắc đến thương hiệu, mặt hàng của mình.
Cuộc mua bán
Sau đó thì anh dũng tiến lên, từ việc chỉ nhắc đến thương hiệu trong bài viết thì đến viết hẳn một bài quảng cáo. Tùy vào phạm vi tiếp cận, số likes và nhiều yếu tố đánh giá khác, các KOLs chăm chỉ nhận viết quảng cáo thu được số tiền rất khá. Thậm chí nó cao gấp nhiều lần thu nhập từ công việc chính đến nỗi nhiều người quên luôn cả việc chính và mục đích họ sử dụng mạng xã hội ban đầu. Ngày đêm, chất xám vốn dành cho nghiên cứu và sáng tạo được vét hết để viết ra những post quảng cáo ngày càng mới lạ, giật gân, hài hước, lay động, thu hút người đọc hơn.
Cuộc cạnh tranh trực tiếp này gay gắt và quyết liệt.
Việc thông tin, chia sẻ kiến thức và nhận thức cho cộng đồng vốn vất vả, không được trả công, lại dễ bị chuốc thù oán. Nhẹ nhất là bị ném đá trên mạng. Thậm chí có thể bị cơ quan an ninh mời lên uống trà.
Còn viết những chuyện vô thưởng vô phạt, lôi bản thân ra giải trí cho cộng đồng, mà ấm ăn nhất là khai thác ngóc ngách đời tư những ngôi sao showbiz Việt Nam thì đề tài mênh mông, lượng đọc khủng khiếp, kéo theo giá tiền cho quảng cáo cũng đụng nóc.
Vì thế mạng xã hội Việt Nam đã chứng kiến không ít KOLs biến màu rất nhanh chóng.
Một người dùng Facebook trên điện thoại di động ở Hà Nội (minh họa). Reuters
Lính đánh thuê
Tuy nhiên, ăn quảng cáo theo từng post vừa nhọc, mất nhiều thời gian và chất xám, thu nhập lại không ổn định. Vẫn là ăn tiền lẻ! Những bộ óc nhanh nhạy bèn chuyển địa bàn kiếm tiền trên các báo truyền thống sang trang mạng cá nhân.
Các tổ nhiều likes ra đời, quy tụ những KOLs đang hot về chính trị, xã hội. Tổng lượng fans/lượt tiếp cận/tương tác/người đọc của cả nhóm, do tác động qua lại lẫn nhau, cao gấp nhiều lần tầm ảnh hưởng đơn lẻ của một người. Có background mạnh này trong tay, họ đi nhận và được đặt hàng các gói truyền thông cho các doanh nghiệp, chính khách, doanh nhân, trong và ngoài quốc doanh.
Mục đích vẫn là như cũ: quảng cáo, đánh đấm đối thủ hoặc giải cứu truyền thông. Như trên các báo truyền thống trước kia.
Nhưng viết trên báo ít nhất cũng phải trưng ra chứng cớ, phân tích, chứng minh. Còn viết trên mạng xã hội thì thoải mái, bay bổng, tha hồ phán thậm chí không cần chứng cớ, nhưng tốc độ lan tỏa cũng như thổi bùng mức ảnh hưởng lên với sự hỗ trợ của công nghệ, là khủng khiếp.
Cả những nhóm từng mang cái tên rất kêu về độ sạch sẽ của báo chí cũng bị phanh phui đã nhận các gói truyền thông của nhiều doanh nghiệp.
Sẽ có người hỏi: Làm báo mà không nhận tiền quảng cáo thì sống bằng gì?
Đấy thật là câu hỏi đúng.
Câu trả lời đúng cho câu hỏi đó là:
– Sống bằng lương và nhuận bút.
Những nhà báo chân chính không thể nào làm giàu bằng nghề nghiệp. Họ chỉ có thể sống đủ.
Các tờ báo tất nhiên phải nhận quảng cáo để có nguồn thu, nhưng trong các tờ báo có kiểm soát nội bộ chặt chẽ, bộ phận quảng cáo luôn tách rời bộ phận nội dung. Nhà báo nhận lương, thưởng và nhuận bút cùng các khoản phúc lợi khác từ nhiều khoản kinh doanh của tờ báo, trong đó quảng cáo là một khoản chủ yếu. Nhưng để đảm bảo tính trung thực và độc lập (cho dù rất tương đối) của thông tin trên báo chí, mà điều này tạo nên vị thế của tờ báo, giúp tăng giá trị về mọi mặt – kể cả kinh doanh, thì người làm nội dung tuyệt đối không được trực tiếp làm việc với doanh nghiệp để thương lượng các hợp đồng quảng cáo.
Đó là vì những khoản tiền lớn dễ kiếm nhưng không từ lao động nghề nghiệp chắc chắn sẽ khiến tư duy của người làm báo lung lay và méo lệch. Sẽ đến lúc nào đó họ thỏa hiệp với tiền bạc để bẻ cong ngòi bút của mình, và cuối cùng trở thành công cụ cho bất cứ ai bỏ tiền ra thuê họ. Thông tin họ đưa lúc đó sẽ là thông tin bẩn, nhằm thao túng dư luận và kiếm lợi cho ông chủ.
Mạng xã hội ở Việt Nam từng bóc mẽ và chứng kiến khá nhiều “nhà báo” đã bị tha hóa, hoặc chủ động tha hóa theo cách thức này.
Vì thế cần rất cẩn trọng khi tiếp nhận thông tin từ các KOLs. Với trình độ sử dụng ngôn ngữ sắc sảo và sự am hiểu tâm lý đám đông, các thông tin họ đưa ra thường nửa thật nửa hư, nhằm thao túng dư luận phục vụ cho mục đích hầu hạ ông chủ và kiếm tiền (không sạch) của mình.
Vì sao lại chỉ có nửa hư mà không là thông tin giả hoàn toàn?
Vì phần đầu là thông tin thật sẽ khiến người khác tin tưởng. Khi đã tin tưởng, người đọc sẽ không kiểm chứng những phần khác nữa. Đó là cơ hội để họ đưa vào các thông tin giả hoặc các kết luận có mục đích không trung thực nhằm tác động, bẻ cong dư luận phục vụ cho ý đồ của mình.
Tuy mỗi người một văn phong, một lĩnh vực, nhưng dấu hiệu chung để nhận ra các KOLs đánh thuê cũng không khó:
Người đọc nên đọc từ nhiều nguồn khác nhau và luôn luôn kiểm chứng lại thông tin. Đặc biệt nên giữ vị trí khách quan, không quá gần gũi thân thiết với “thần tượng” của mình, vì cảm xúc và sự phụ thuộc vào thần tượng sẽ khiến bạn mất tư duy độc lập và sự tỉnh táo.
.
Trí Quang
Nguồn: RFA, 09.05.2023
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/xahoi/nhandienkols.html