Lê Ngọc Vân


Lính Mỹ bị Nga bắt kể lại nhiều tháng bị đánh đập, thẩm vấn, với nhiều chi tiết.

Trong cuộc phỏng vấn cặn kẽ lần đầu kể từ khi được trả tự do,
Alex Drueke và Andy Tài Huỳnh kể lại sự ngược đãi về thể chất và tâm lý
mà họ phải chịu đựng trong 104 ngày bị giam cầm.

.

TRINITY, Alabama. - Alex Drueke và Andy Tài Huỳnh đã trốn lánh các lực lượng Nga suốt nhiều giờ, luồn lách qua các khu rừng thông và đầm lầy ở Ukraine để tránh bị phát hiện. Các cựu chiến binh Mỹ này đã bị bỏ lại – "bị bỏ rơi", họ nói – sau khi lực lượng đặc nhiệm Ukraine của họ bị tấn công và xác định rằng cơ hội sống sót tốt nhất của họ là quay trở lại căn cứ của họ ở Kharkov.

Alex Drueke, trái, và Andy Tài Huỳnh đã được trả tự do sau thời gian bị giam cầm, vào ngày 21 tháng 9.
Trong cuộc phỏng vấn truyền thông cặn kẽ lần đầu tiên kể từ khi được thả, cặp đôi này nói rằng
họ đã bị thẩm vấn, bị ngược đãi về thể chất và tâm lý,
và không được cung cấp thức ăn hoặc nước sạch. (William DeShazer/Washington Post)

Những gì tiếp theo là 104 ngày bị giam cầm cực kỳ kinh hoàng, thường xuyên đáng sợ. Họ bị thẩm vấn, bị ngược đãi về thể chất và tâm lý, và chỉ được chút ít thức ăn hoặc nước sạch, Drueke và Huỳnh nhớ lại. Ban đầu, họ được đưa vào Nga, đến một khu trại giam phức hợp, rải rác đây đó có dựng lều và được rào bằng dây thép gai, hai người cho biết. Drueke nói là những kẻ bắt giữ họ sau đó đã chuyển họ đến một “địa điểm kín đáo” nơi đó họ bị đánh đập tồi tệ hơn, và sau đó đến nơi mà họ gọi là nhà tù truyền thống hơn, do phe ly khai – được Nga hậu thuẫn – điều hành ở vùng Donetsk, miền đông Ukraine.

Drueke, 40 tuổi và Huỳnh, 27 tuổi, đã có cuộc nói chuyện với báo The Washington Post trong ba giờ tại nhà hôn thê của Huỳnh, chị Joy Black, ở một thị trấn vùng quê với khoảng 2.500 dân, ở ngoại ô Huntsville. Đây là cuộc phỏng vấn truyền thông sâu rộng đầu tiên của họ kể từ khi được trả tự do vào ngày 21 tháng 9/2022 trong khuôn khổ cuộc trao đổi tù nhân giữa Nga và Ukraine.

Họ cho biết, mỗi người đã sụt gần 15 ki-lô (30 pound) trong thời gian bị giam giữ, họ bị các vết thương, thấy rõ nhất là các vết thẹo màu đỏ và tím vẫn còn nằm nơi cổ tay đã từng bị trói. Câu chuyện của họ cho thấy cái nhìn đáng lo ngại về cách mà Nga và các lực lượng ủy nhiệm của họ ở Ukraine đối xử với những người bị đưa ra khỏi chiến trường.

Đại sứ quán Nga tại Washington không trả lời yêu cầu bình luận.

Drueke và Huỳnh gặp nhau ở Ukraine, họ đã đến nước này bất chấp những cảnh báo nghiêm khắc từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ rằng việc sử dụng vũ khí chống lại lực lượng của Nga là không an toàn và không được khuyến cáo. Họ tham gia Binh đoàn Quốc tế Phòng thủ Lãnh thổ Ukraine, một lực lượng bao gồm hàng trăm người Mỹ, người từ châu Âu và các công dân đến từ các nước ngoài khác, những người đã đáp ứng thỉnh cầu công khai do vị tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra.

Drueke và Huynh cho biết họ rất biết ơn khi còn toàn mạng và được tự do, đồng thời có được sự hỗ trợ và tình bạn của nhau trong thời gian bị giam cầm. Họ tỏ ra không hối tiếc. Theo họ, mục tiêu của họ hiện nay là thu hút được sự chú ý đến nhu cầu quân sự của Ukraine, và gia tăng sự cảnh báo về một cựu chiến binh Mỹ khác, Suedi Murekezi, người đã bị giam chung với họ trong nhiều tuần nhưng không được đưa vào danh sách trao đổi tù nhân. Ông này là một trong số ít công dân Hoa Kỳ bị Nga giam giữ, đó là những người mà, cho đến nay, một bước dàn xếp ngoại giao đột phá vẫn tỏ ra khó thực hiện.

“Alex và tôi chưa hề làm chuyện này để được nổi tiếng,” ông Huỳnh nói. "Chúng tôi không bao giờ muốn trở nên nổi tiếng.”

Andy Tài Huỳnh cho xem những sẹo từ vết thương phải chịu khi bị Nga giam cầm.
(William DeShazer/Washington Post)

Huỳnh và Alex Drueke nói rằng họ đã bị đưa đến nhiều địa điểm giam giữ trong 104 ngày bị giam cầm,
nơi họ phải đối mặt với sự ngược đãi đến héo hon cả người (William DeShazer/Washington Post)

Một ngày chiến đấu

Drueke, cựu chiến binh Hoa Kỳ và Huỳnh, từng phục vụ trong Thủy quân lục chiến, cho biết họ bị thôi thúc phải hành động sau khi nhìn thấy những hình ảnh khi cuộc chiến bắt đầu, là các gia đình Ukraine chạy loạn khỏi nhà của họ khi lực lượng Nga dã man đã san bằng các thành phố, nhưng cuối cùng chịu thất bại trong nỗ lực chiếm thủ đô Kyiv và lật đổ chính phủ của Zelensky tại đây, một chính phủ đang được phương Tây hậu thuẫn.

Drueke đã sống với các thành viên trong gia đình ở Tuscaloosa, Alabama, sau khi được chẩn đoán là một cựu chiến binh mất 100% khả năng chiến đấu, cộng với căng thẳng sau chấn thương. Ông giờ đây ngày càng hăng hái hơn trong việc đi bộ đường trường nơi vùng núi. Huỳnh, một người gốc California, đã chuyển đến miền bắc Alabama để sống cùng vị hôn thê của mình, anh tham gia các lớp học trong khu vực và làm tài xế giao hàng cho O’Reilly Auto Parts.

Anh Huỳnh đã rời Hoa Kỳ vào ngày 8 tháng 4 để tham gia một nhóm cứu trợ nhân đạo ở Ukraine, theo lời anh kể. Bốn ngày sau đó, Drueke rời Hoa Kỳ, ông tin rằng kinh nghiệm của mình trong Chiến tranh Iraq và sự quen thuộc với các loại vũ khí phương Tây sẽ có thể giúp ích cho các lực lượng Ukraine, theo ông.

Trong vòng vài ngày, họ đã ký hợp đồng với đội quân nước ngoài đóng ở Lviv, phía tây Ukraine, gần biên giới Ba Lan, gia nhập vào cùng một tiểu đoàn và nhận súng trường AK-47 dành cho việc huấn luyện nằm ở xa nơi giao chiến. Họ đã mang theo đồng phục ngụy trang của riêng mình và các trang thiết bị khác.

Cả hai đều được mang bí danh quân sự. Drueke được đặt tên là “Bama,” nhằm vinh danh tiểu bang quê hương của ông. Còn Huỳnh đã dùng tên “Hate”, đó là tên rút gọn từ “Reaper of Hate”, một bí danh mà anh sử dụng trong các trò chơi điện tử trực tuyến.

"Đó là một cái tên châm biếm vì tôi không thực sự là một người đáng ghét", anh Huỳnh nói. "Mà hoàn toàn ngược lại."

“Chúng tôi gọi anh ấy là Care Bear,” Drueke cười và nói xen vào.

Mấy người này đã quyết định là “tài nghề của họ có thể được mang ra áp dụng tốt hơn ở một nơi nào khác hơn chỗ này” trong chiến tranh, thế là họ xin hủy hợp đồng mà họ đã ký với đơn vị đầu tiên của mình, Drueke nói. Trong vài tuần tiếp theo, họ dùng xe buýt và xe lửa để di chuyển trong nước, mà họ gọi cách này là “hưởng chế độ nghỉ phép”, họ đã hội họp với các sĩ quan Ukraine về những cơ hội có thể có và ngạc nhiên khi thấy thường dân trở về nhà của họ, nằm bên trong và chung quanh thủ đô.

Do thời hạn 90 ngày của visa sắp hết, ở Kyiv họ đã tiếp cận được với một đại diện của Lực lượng Đặc nhiệm Baguette, một đơn vị quân đội liên kết với binh đoàn nước ngoài bao gồm binh lính Pháp và những người Tây phương khác. Đơn vị này đã hứa sẽ ký với Ukraine một hợp đồng quân sự, cho phép họ ở lại trong nước và chiến đấu. Lần này, họ được đưa về phía đông và được cấp súng trường CZ 208 do Tiệp sản xuất, để tới một căn cứ gần biên giới với Nga.

Sứ mạng đầu tiên của họ, vào ngày 9 tháng 6, nhưng nó cũng sẽ là sứ mạng cuối cùng của họ.

Sáng hôm đó, đơn vị của họ rời Kharkiv trên một chiếc xe bán tải (pickup) và hai chiếc xe SUV, nhắm hướng bắc. Nhiệm vụ của họ là phóng mấy chiếc máy bay không người lái nhỏ lên, theo dõi các lực lượng quân sự Nga và báo cáo những gì họ đã thấy, Drueke nói.

Nhưng đơn vị này đã bị phục kích, và trong cuộc đọ súng sau đó đã làm mọi người chạy tán loạn, ông người Mỹ cho biết. Drueke, Huỳnh và trưởng toán của họ bắt đầu tìm một xạ thủ súng máy và bắn tỉa đã mất tích, nhưng rồi chỉ để nhận ra rằng các thành viên khác của đơn vị đã lấy xe của họ – và hầu hết thức ăn cùng nước uống – và trở về căn cứ một mình, Drueke nói.

Một đại diện của Lực lượng Đặc nhiệm Baguette phủ nhận việc Drueke và Huynh bị bỏ lại, nói rằng toán đã phân tán thành năm nhóm và mỗi nhóm phải tự rút trở về lại nơi an toàn “vì không ai biết chuyện gì đã xảy ra với những người khác”. Ông từ chối giải thích. Trong một dòng tweet, đơn vị này đã ăn mừng sự trả tự do cho những người Mỹ, cảm ơn sự phục vụ của họ và gọi Drueke và Huỳnh là “những người hùng”.

Drueke và Huỳnh từ chối tiết lộ chi tiết vị trí chính xác hoặc tính cách của cuộc bắt giữ họ, nhưng thừa nhận đã nổ súng trong cuộc phục kích. Sau khi bị bắt, họ bị lột quân phục và tước khí giới, rồi bị trói. Khi họ vượt qua biên giới vào Nga, Drueke cho biết, những người bắt giữ họ đã cho họ biết vị trí mới của họ, đập vào bụng họ và nói "Nước Nga chào đón bạn."

Đánh đập

Họ cho biết là mấy người Mỹ đã gần như luôn luôn bị bịt mắt trong vài ngày sau đó. Đôi khi, những kẻ bắt giữ họ tháo khăn bịt mắt ra, cho phép họ có thể nhìn thoáng qua xung quanh. Người Nga giấu mặt sau những chiếc áo khoác da nâu rám nắng.

Trại này là một “thành phố lều”, với sáu hoặc bảy tù binh bị giam cầm trong mỗi lều, anh Huỳnh nói. Nó có hai lớp rào dây kẽm và có dây thép gai bao quanh khu nhà.

Các cuộc thẩm vấn ở đó, Drueke nói, là "khủng khiếp." Người Nga tỏ ra nghi ngờ rằng họ là thành viên có cấp bậc cao của một đơn vị quân đội Ukraine. Họ hỏi Drueke và Huỳnh liên tục xem họ có làm cho CIA hay không, ông người Mỹ nhớ lại. Họ bắt chúng tôi đứng yên trong tư thế bò bằng tay và đầu gối, bỏ mặc chúng tôi như vậy cho tới khi chân bị tê cứng. Nếu chúng tôi nhúc nhích là bị đánh. Còn ban đêm, ông Drueke và anh Huỳnh bị buộc phải đứng hàng giờ liền để không cho họ ngủ.

Drueke nói: “Họ thực sự nghĩ rằng chúng tôi đã được chính phủ của chúng tôi cử đến, hoặc đã nhận được nhiều hỗ trợ từ chính phủ. “Họ thực sự muốn đảm bảo rằng chúng tôi không nói dối về điều đó – và họ có cách để làm điều đó.”

Những tù binh Mỹ này cho biết hầu hết các tù nhân đều là người Ukraine. Một người nói tiếng Anh, có lẽ ông ta mang quốc tịch Anh. Trong vụ trao đổi tù nhân ngày 21/9, 5 công dân Anh cũng được trả tự do, cùng các nhân vật khác đến từ Maroc, Thụy Điển và Croatia, cùng với hơn 200 người Ukraine. Đổi lại là 55 quân nhân Nga và một người quen thân của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Bốn ngày sau, đám người Mỹ lại tiếp tục di chuyển, họ cho biết, bị đưa đến một trung tâm giam giữ bí mật ở vùng Donetsk, miền đông Ukraine, nơi lực lượng ly khai Nga nắm quyền. Những người Mỹ cho biết, các tù nhân đã phải đi nhiều giờ, mang túi đồ trên đầu và đổi xe bốn lần.

Drueke chỉ nhận ra Huỳnh đi cùng mình khi ông bị quăng đè lên người anh ta trong một lần chuyển xe, khiến Huỳnh phải kêu “ối” mà nhờ thế mà Drueke nhận ra, ông nói. Trong một tình huống thảm khốc như vậy, đó là một sự cứu trợ.

Bên trong căn cứ bí mật

Họ kể là họ bị đối xử tệ hơn ở địa điểm kế tiếp.

Hầu hết những người bị giam giữ được giữ trong một tầng hầm lạnh lẽo được chia thành các phòng giam lát gạch, mỗi phòng dài khoảng 5 bộ (1,5m) và rộng 2 bộ (0,6m), anh Huỳnh nhớ lại. Mỗi ngày họ được một ổ bánh mì, với nguồn nước thường có vẻ bị ô nhiễm. Anh Huỳnh kể là anh có thể nghe thấy tiếng la hét – và tiếng kêu vì đau – khi các cuộc thẩm vấn diễn ra.

“Đó là một trong những điều tệ hại nhất,” anh Huỳnh nói. "là nghe thấy mọi người bị đau đớn mà không làm được bất cứ điều gì."

Trên lầu có một căn phòng lớn hơn một chút được dùng để biệt giam. Anh Huỳnh đã ở đó hai ngày đầu tiên trước khi Drueke được đưa vào đó vài tuần. Khoảng 80 bài nhạc nổi tiếng, có cả những bài của rapper Eminem và ban nhạc metal Đức Rammstein, đã được phát thanh chĩa vào phòng liên tục trong nhiều ngày, họ nói, nó phá vỡ sự yên bình nhưng nó cho chúng tôi giết thời giờ.

“Họ thực sự biệt giam chúng tôi ở đó,” ông Drueke nói. “Đã có những lần, nhiều ngày trôi qua mà tôi không nghe tin tức gì về Andy, và rất nhiều lần tôi đã có kiểu suy nghĩ như “Trời đất ơi, họ đã giết anh ấy rồi.”

Các cuộc đánh đập vẫn tiếp tục, mà một số kẻ bắt giữ họ dường như thích giở trò hơn những người khác. Một ông người Anh, Paul Urey, bị đánh tại cùng một cơ sở và chết ở đó, Drueke và Huynh cho biết. Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine, Dmytro Kuleba, ngày 7 tháng 9 thông báo rằng chính phủ Ukraine đã khám phá ra thi thể của Urey và họ có được “những dấu hiệu cho thấy một khả năng bị tra tấn không thể nói ra được”.

Nhiều câu hỏi mà những người thẩm vấn đặt ra dường như vô nghĩa, yêu cầu những người Mỹ xác định các bức ảnh của những người mà họ không biết và khai chi tiết các sự kiện mà họ chẳng có liên quan gì đến chúng. Một trong những người này nói tiếng Anh gần như lưu loát, trong khi những người khác chỉ biết bập bẹ, Drueke nói. Ông tin rằng họ là quan chức tình báo Nga.

Trong căn phòng trên lầu, Drueke và Huỳnh mỗi người được lệnh gọi điện thoại đến các tổ chức dường như ngẫu nhiên ở Hoa Kỳ, nhiều tổ chức không được trang bị để giúp đỡ họ.

Có một lần, họ bắt Drueke gọi cho Đường dây Khủng hoảng dành cho Cựu chiến binh, một dịch vụ cung cấp việc hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho các quân nhân Mỹ sau khi họ rời quân ngũ. Drueke cho biết ông đã cố gắng khuyên can họ vì điều đó chẳng có ý nghĩa gì cả, nhưng những kẻ bắt giữ ông nhất quyết không đồng ý.

“Họ nhìn tôi và nói,‘Anh là cựu chiến binh. Và đây là một cuộc khủng hoảng!’”, ông Drueke nhớ lại, và bắt chước giọng của họ.

Nhiều cuộc gọi điện thoại chẳng đi đến đâu, họ lạc vào mê cung của tổng đài điện thoại, máy nhắn tin và có những người ở Mỹ tỏ ra hoài nghi là liệu lời cầu cứu của họ có chính đáng hay không. Nhưng một đại diện trên đường dây nóng về khủng hoảng đã cung cấp cho ông Drueke số của Bộ Ngoại giao và một cơ quan liên bang khác, có thể là Dịch vụ Bảo vệ Liên bang, một cơ quan thực thi pháp luật trực thuộc Bộ Nội An. Drueke cho biết là có người nào đó bắt máy ở lần quay số thứ hai này, họ lấy những thông tin của ông và hứa sẽ giúp đỡ. Đó là một tia hy vọng.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, nói với điều kiện giấu tên theo các quy tắc cơ bản do cơ quan này đặt ra, cho biết họ thực hiện nghiêm túc cam kết hỗ trợ công dân Hoa Kỳ ở nước ngoài, với các cơ sở ngoại giao của Hoa Kỳ đưa các nhân viên làm nhiệm vụ sau giờ làm việc để giải quyết các vấn đề liên quan đến những vụ cấp cứu có tính thập tử nhất sinh.

Vị nhân viên này cho biết: “Trong trường hợp công dân Hoa Kỳ đang bị giam giữ trong các vùng đang xảy ra chiến sự thì không thể nào cung cấp hỗ trợ trực tiếp. Bất kể các thách thức, chúng tôi luôn nỗ lực hết sức để hỗ trợ các công dân Hoa Kỳ và gia đình của họ”.

Những kẻ bắt giữ có mang vũ khí đã ra lệnh cho Drueke và Huỳnh phải xuất hiện trong các cuộc phỏng vấn mang tính tuyên truyền loan tải trên truyền thông của nhà nước Nga, và bị dòm chừng khi được ghi âm hay thu hình, ông Drueke nói. Trong một chương trình được phát vào ngày 17 tháng 6, họ đã bày tỏ sự thất vọng về nạn tham nhũng trong quân đội Ukraine và cảnh báo những người Mỹ khác nên “suy nghĩ kỹ lại” về việc tham gia nỗ lực chiến tranh. Drueke nói rằng ông vẫn thấy phiền khi phải nói những điều như vậy.

Andy Tài Huỳnh cho biết anh đã bị rệp phá khuấy khi bị nhốt và
vẫn mang những vết sẹo sau khi được thả.
(William DeShazer / Cho Washington Post)

"Tôi thực sự đã cầu nguyện cho cái chết"

Theo Drueke và Huỳnh, những người Mỹ cùng với một số tù nhân khác đã được chuyển đi khoảng 4 tuần sau đó. Đi cùng với họ là Suedi Murekezi, một cựu chiến binh Không quân Hoa Kỳ, người đã bị đưa đến địa điểm bí mật sau khi bị giam giữ ở thành phố Kherson, miền nam nước này vào tháng 6. Ông này đã sống và làm việc ở Ukraine khi Nga xâm lược, và từ chối rời khỏi đất nước. Sele Murekezi, người anh/em của Suedi, sống ở Minnesota, cho biết những kẻ ly khai do Nga hậu thuẫn đã bắt cóc ông Suedi và buộc ông ta vào tội gây hận thù.

Những người Mỹ cho biết là không có chuyện hành hung ở cơ sở tiếp theo, nhưng điều kiện vẫn rất tồi tệ. Anh Huỳnh cho biết: “Rệp gặm nhấm da của họ, để lại trên mặt các tế bào những vết máu loang lổ”. Cánh tay và lưng của anh vẫn còn nhiều sẹo do côn trùng gây ra tuy anh được thả đã hơn một tuần qua.

Và những người Mỹ không biết rằng một vụ trao đổi tù nhân đang được thảo luận, và đặt câu hỏi liệu điều đó có đúng hay không, ngay cả khi họ đã được đưa ra khỏi phòng giam và nói rằng họ đang trên đường về nhà. Mắt và tay của họ bị bịt kín và trói thật chặt bằng băng keo dùng cho việc dán thùng hàng, và họ được đưa lên chuyến bay đến một phi đạo nhỏ của Nga, trong hoàn cảnh mà họ mô tả là vô cùng đau đớn nhưng họ không cho biết đầy đủ chi tiết.

“Đối với riêng cá nhân tôi, đó là điều tồi tệ nhất,” Drueke nói. “Tôi đã rất nhiều lần nhận ra rằng tôi có thể chết, hoặc tôi đã cận kề cái chết, hoặc có lẽ tôi sắp sửa chết. Nhưng đó là lần duy nhất tôi thực sự cầu nguyện để được chết”.

Khi hạ cánh, họ được các nhân viên y tế Ả Rập Xê Út chào đón. Từ đó, họ được đưa đến Riyadh, nơi họ gặp gỡ các nhân viên của Bộ Ngoại giao và được gọi cho những người thân.

Hai người vẫn đang được chăm sóc y tế. Cả hai đều bị tê bàn tay, một triệu chứng có thể do tổn thương dây thần kinh, họ nói. Drueke thì tin chắc rằng ông rất có thể bị nứt bốn xương sườn. Còn anh Huỳnh đang phải vật lộn với chứng mất trí nhớ ngắn hạn và nói rằng tâm trí mình “sa sút” trong thời gian bị nhốt.

Cả hai người đều quan tâm đến việc giúp đỡ chính phủ Hoa Kỳ bằng cách kể lại những trải nghiệm của họ dưới bàn tay của các lực lượng của Putin, họ cho biết. Những người Mỹ khác, bao gồm ngôi sao bóng rổ của Hiệp hội Vận động viên nữ Quốc Gia (WNBA) Brittney Griner và cựu chiến binh Thủy quân lục chiến Paul Whelan, còn đang bị giam giữ trong lãnh thổ Nga vì những tội mà chính quyền Biden coi là những cáo buộc phạm pháp không có thật và không có liên quan gì đến chiến tranh.

“Nghe có vẻ sáo mòn, nhưng chúng tôi đã có cơ hội thứ hai trong đời,” ông Drueke nói. “Tôi cảm thấy giống như những trải nghiệm của chúng ta, nếu chúng ta xử sự đúng cách, chúng ta có thể có rất nhiều thứ để cống hiến cho thế giới.”

.

Nguyên tác: Americans captured by Russia detail months of beatings, interrogation. Dan Lamothe (Washington Post, 01.10.2022)
Người dịch: Lê Ngọc Vân

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/xahoi/linhmybingabat.html


Cái Đình - 2022