Lê Ngọc Vân
Lịch sử trong cái lon: Quá khứ thuộc địa của Việt Nam qua thực phẩm đóng hộp phổ biến trong dân gian
.
Cho dù đó là cá được xếp ngay ngắn trong hộp thiếc chữ nhật hay những lát thịt giống hệt nhau nằm trong lon tròn để trong hộp đủ màu, ăn đồ hộp vẫn là một trải nghiệm kỳ lạ. Không giống như ngồi trong hàng quán ngoài đường hoặc ăn ở nhà – nơi người ta có thể thấy tận mắt đồ ăn được nấu nướng ra sao – những đồ hộp đóng gói cùng kiểu như nhau, sản xuất hàng loạt, giống in như nhau, đã được khử trùng, mà ta lấy từ trên quầy siêu thị không có một chút suy nghĩ đã che khuất đi sức lao động được đổ vào bữa ăn, cũng như nguồn gốc của nó.
Các bài viết và tường thuật chung quanh món ăn Việt Nam thường tập trung vào những món ăn được coi là độc đáo và đại diện cho nền văn hóa như phở, chả giò hay bánh bèo, và do đó vị thế độc đáo trong văn hóa của chúng được dọn ra như một nét hấp dẫn trong khoa ẩm thực trong mắt người nước ngoài và đập vào ước muốn của người tiêu thụ là được ăn một “thứ khác” có trong trí tưởng tượng.
Như nhà văn Elaine Castillo viết trong cuốn sách "Chủ nghĩa Thực dân trong Đồ Đóng Hộp” (Colonialism in a Can) do Taste xuất bản, có một sự thúc đẩy tương tự khi đưa các món như khoai lang tím, gạo nếp và adobo (1) vào ẩm thực Philippines:
Nếu bạn viết một bài báo về thực phẩm ăn Phi Luật Tân, bạn gần như bắt buộc phải đề cập đến những thứ như lá chuối, khoai lang tím, gạo nếp, tất cả đều là những thứ tôi ăn mỗi tuần – tôi không muốn giảm thiểu tầm quan trọng của chúng trong ẩm thực Phi Luật Tân hoặc ý nghĩa sâu sắc trong cuộc sống của những người ăn đồ Phi như tôi. Nhưng tôi cũng biết là thường thì việc nhấn mạnh vào những thành phần đó có nghĩa là áp đặt một cái nhìn đặc thù về ẩm thực Phi Luật Tân với mục đích chính là mang đến cho những thực khách nào không phải là người Phi những tin tức từ xa, những câu chuyện cổ tích từ một nơi xa xôi và thơm ngát. Nhưng tại sao không hỏi về cá mòi đóng hộp?
Castillo tiếp đó lập luận rằng việc lần theo dấu vết của cá mòi đóng hộp có thể tiết lộ lịch sử của chủ nghĩa đế quốc Mỹ ở Phi Luật Tân, một khía cạnh "ít lãng mạn hơn" và "đụng chạm đến những chuyện gần nhà hơn một chút." Cá mòi sốt cà chua đóng hộp cũng tồn tại ở Việt Nam – chúng nằm dài dài trong xe bánh mì và xếp chồng lên nhau trong tủ bếp, cùng với nước tương Maggi, thịt nguội đóng hộp, thịt bò xay và pa-tê trong lon. Sự hiện diện của chúng đã được thấy trước và hiếm khi người ta thắc mắc về nguồn gốc của chúng, chúng dường như tồn tại một cách ma thuật qua đường băng chuyền đã đưa chúng vào cuộc sống của chúng ta.
Cá mòi đóng hộp và sự lỡ dịp của dân da trắng
Đi ngang qua bất kỳ xe bán bánh mì nào trên đường phố Sài Gòn,
ta sẽ thấy những chồng lon cá nhỏ sốt cà chua.
Thương hiệu cá mòi (hoặc cá bạc má/cá nục) đóng hộp nổi tiếng nhất nơi dân Sài Gòn điển hình có thể là Three Lady Cooks, một thương hiệu Thái Lan thuộc công ty Royal Foods. Những lon này được biết rộng rãi qua tên Việt là cá hộp Ba Cô Gái. Trong nước, Three Lady Cooks được phân phối thông qua tổ hợp Thai Corp International, một công ty gia nhập thị trường vào cuối thập kỷ 1980. Tuy nhiên, sự xuất hiện của cá mòi đóng hộp ở Việt Nam bắt nguồn từ khi quốc gia này còn là thuộc địa của Pháp.
Mặc dù người được coi là đã phát minh ra công nghệ đóng hộp vào đầu những năm 1800 là một người Pháp, nhưng công nghệ này không phát triển mạnh ở Pháp và thực phẩm đóng hộp chưa được công chúng Pháp chú ý vào thời điểm nước này bước vào Thế chiến thứ nhất. Tuy nhiên, tại các thuộc địa, thái độ của dân chúng đối với thực phẩm đóng hộp hoàn toàn khác.
Trong cuốn Appetites and Aspirations, bà Erica J. Peters ghi nhận là thực phẩm đóng hộp có bảo quản là chế độ ăn chính của những người Pháp thực dân ở Việt Nam. Người Pháp không chịu ăn các sản phẩm địa phương, tỏ thái độ coi thường gạo, nước mắm và thức ăn trong quán vỉa hè. Trái ngược với những lý do khuôn mẫu như lo sợ về sức khỏe và vệ sinh, việc tiêu thụ hàng đóng hộp của người Pháp dựa trên tiền đề rằng những mặt hàng này đã tạo thành một “tính Pháp” được khai sáng, trong khi thực phẩm sản xuất tại địa phương tượng trưng cho khu vực của dân bị đô hộ.
Điều này không chỉ đúng ở Đông Dương mà cả các thuộc địa châu Âu khác ở châu Phi, nơi thực phẩm đóng hộp nhập khẩu từ châu Âu và đồ uống có rượu được đóng trong chai được coi là biểu tượng của dân da trắng, trong khi sản phẩm địa phương được coi là "không trắng", như Diana Miryong Natermann đã chỉ ra trong cuốn sách của bà. Do đó, trong nỗ lực "làm khác đi", cho bản thân họ tách khỏi người dân địa phương, người Pháp đã chuyển sang sử dụng các loại rau và thịt đóng hộp đắt tiền.
Cá mòi đóng hộp được người Pháp ưa chuộng. Ở Pháp, những hộp cá cơm (loại cá mòi nhỏ – chú thích của BBT) bắt đầu xuất hiện sớm hơn các loại thực phẩm đóng hộp khác. Món ăn này rất phổ biến nơi những người thuộc tầng lớp lao động, những người này thường trữ cá mòi đóng hộp để dùng khi họ không có thời gian nấu nướng. Theo một bản Đánh giá Thủy sản Thương mại năm 1956, phần dành cho Việt Nam, cá mòi đóng hộp được nhập khẩu từ Pháp và các vùng đất thuộc quyền cai trị của nước này trong thời thuộc địa thông qua một hệ thống thương mại ưu đãi, mà người tiêu dùng chính là người Pháp thực dân. Loại cá mòi đóng hộp phổ biến nhất được vô hộp với sốt cà chua, cũng là loại rẻ nhất vào thời gian đó.
Một xe bánh mì với những lon cá mòi xếp chồng lên nhau. Ảnh qua Báo Mới.
Các mặt hàng đóng hộp này cũng tiếp cận được tầng lớp trung lưu và thượng lưu ở Việt Nam. Bà Peters đề cập đến sự gia tăng tiêu thụ hàng hóa châu Âu trong giới người Việt vào đầu thế kỷ 20. Điều này có thể được chứng minh thêm bởi sự gia tăng số lượng các báo quảng cáo hàng hóa đóng hộp và rượu vang đóng chai bằng tiếng Việt. Trong khi Pháp có ngành công nghiệp đóng hộp cá mòi tại chỗ, nhưng nếu xem qua vô số các mục blog trên internet của Việt Nam và các bài báo thể hiện mối hoài niệm về món cá mòi đóng hộp trong quá khứ, họ có thể thấy các nhà văn Việt Nam say sưa kể về những hộp cá mòi Sumaco từ Maroc. Những hộp thiếc này ban đầu là của Conserval, một công ty cá mòi ở Safi, một trong những cảng cá mòi nổi tiếng nhất của Maroc.
Trong khi không chịu ăn các sản vật mà vùng đất thuộc địa cung cấp, thực dân Pháp dường như không bận tâm đến việc cá mòi của họ được đánh bắt và đóng hộp từ Safi hoặc Agadir, hai cảng cá mòi nổi tiếng của Maroc, một quốc gia đã trở thành thuộc địa của Pháp vào năm 1912. Thời Pháp đô hộ Maroc, các ngành công nghiệp như đóng hộp rau và cá mòi được phát triển.
Sau khi quân đội Pháp rời Việt Nam, nhập khẩu cá mòi đóng hộp trong nước giảm mạnh. Trong khi đó, một ngành công nghiệp địa phương đang nổi lên, bắt đầu với một nhà máy nhỏ sản xuất 8.000 hộp cá mòi mỗi ngày.
Việt Nam cũng đã sớm áp dụng công nghệ đóng hộp. Theo một bài báo đăng trên tờ Tia Sáng năm 1954, Việt Nam là nước duy nhất ở Châu Á tham dự hội nghị về công nghệ đồ hộp tại Ba Lan vào năm đó. Năm 1958, với sự giúp đỡ của Liên Xô, nhà máy sản xuất cá đóng hộp đầu tiên của cả nước được xây dựng tại tỉnh Hải Phòng. Công ty vẫn tồn tại cho đến ngày nay, và đã mở rộng sản xuất sang tất cả các loại đồ hộp với tên gọi Ha Long Canfoco.
Chính trị cơ bản của sữa đặc có đường
Bạn có thể bảo là biết người nào được nuôi nấng theo kiểu nghèo hay giàu bằng cách nhìn vào loại sữa mà người đó đã được cho bú khi còn là một bé sơ sinh. Trẻ con nhà giàu được nuôi dưỡng bằng sữa bột Guigoz. Số dân còn lại dùng sữa đặc có đường pha với nước nóng.
Sự phổ biến của sữa đặc có đường ở Sài Gòn thường khiến cho tôi tưởng là nó tồn tại ở khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi dùng sữa đặc có đường cho cà phê, bánh ngọt, nước sinh tố, bánh flan, các loại trái cây nghiền, bơ dằm (trái bơ đánh nhuyễn), dùng nó để chấm bánh mì và làm sữa chua. Chiếc lon 380 gram (sự thực là hộp sữa đặc có đường trước năm 1975 có trọng lượng ròng là 397 gram, tương đương với 14 oz. Sau 1975, khi sữa vào tay Vinamilk, nó trở thành 380 gram vì Việt Nam không muốn dùng hệ thống đo lường của Mỹ – chú thích của BBT) đồng nhất của hãng được dùng làm đơn vị đo lường khi làm sữa chua và đong gạo của Việt Nam (theo lối hiểu thông thường: bốn lon tương đương với một kg gạo). Sự nổi tiếng của nó lớn đến mức sữa bò được quần chúng hiểu là sữa đặc có đường, và bất cứ khi nào người ta nói lon gạo, "lon" thường được hiểu là lon sữa đặc có đường.
Quảng cáo sữa Ông Thọ in trên nhãn hộp diêm quẹt
Để truy tìm sự xuất hiện của những lon sữa đặc này, có lẽ cũng cần nhắc đến sự tẩy xóa của sữa tươi ở Việt Nam. Trong nghiên cứu, nhà sử học Natasha Pairaudeau đã phát hiện ra rằng ngành buôn bán sữa tươi đã tồn tại ở Việt Nam dưới thời Pháp thuộc. Hoạt động buôn bán này được vận hành bởi những người Tamils làm nghể chăn nuôi và bán sữa, vì khi đó có nhu cầu về sữa và các sản phẩm làm bằng sữa từ những người Pháp ở thuộc địa. Những người Tamil này đến Việt Nam vào cuối thế kỷ 19, bắt đầu bán sữa dê và sau đó nhập gia súc từ miền nam Ấn Độ vào để cho người Pháp có thêm lựa chọn là sữa bò, bà Peters viết trong chương “Cuộc tranh quyền và chiếm vị trí trong xã hội: Sự chiếm hữu trong ẩm thực và mối lo ở thuộc quốc Việt Nam” (Power Struggles and Social Positioning: Culinary Appropriation and Anxiety in Colonial Vietnam)..
Xe bán rong của dân Tamil. Ảnh sao chép qua bài báo của Natasha Pairaudeau.
Bà Pairaudeau ghi trong bài báo là vào những năm 1880, có không dưới 26 người Tamil làm nghề giao sữa ở Sài Gòn, họ giao sữa đến từng nhà. Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ 20, hầu hết những người giao sữa này hầu như không đủ sống và hầu hết đã bị loại khỏi xã hội, để được thay thế bằng công ty độc quyền Nestlé khi đó đã hình thành.
Theo bà Peters, lý do của sự tẩy xóa này là do những luận điệu quảng cáo bài ngoại trắng trợn từ những người thực dân Pháp. Vào đầu những năm 1900, Pháp tìm kiếm khách hàng mới cho thực phẩm dư thừa, bao gồm cả sữa đóng hộp và rượu vang. Điều này dẫn đến hàng loạt quảng cáo sữa đặc La Petite Fermière trên báo Lục Tỉnh Nhân Văn của Việt Nam. Một quảng cáo cho thấy một người bán sữa Tamil da ngăm đen, và một người đầy tớ Việt Nam da lợt đang nói với ông ta rằng sữa tươi ông giao có mùi hôi giống mùi “dê xồm”. Các cửa hàng ở Sài Gòn cũng quảng cáo độ tươi và tiệt trùng là mặt tốt của sản phẩm, trong đó nhấn mạnh vào nguồn gốc từ Pháp của thương hiệu sữa này, đánh vào quan niệm hiện đại và ý thức về thanh trùng và vệ sinh.
Luận điệu hoa mỹ này nhanh chóng biến thành một câu chuyện hoang đường khác, khuyến khích người tiêu dùng Việt Nam mua sữa bột và sữa đặc để nuôi con. Quảng cáo thứ hai của La Petite Fermière có hình ảnh một bà mẹ Việt Nam khen con của một bà mẹ khác về cân nặng và sức khỏe của chúng. Nestlé, thương hiệu Anh-Thụy Sĩ, đã thể hiện lời hùng biện tương tự trong các quảng cáo của họ được in trên các báo tiếng Việt như Phụ Nữ Tân Văn, Ngày Nay và Công Luận Báo và nhanh chóng trở nên thống trị trên thị trường.
Một ví dụ đáng chú ý là một quảng cáo nói rằng trong một cuộc thi dành cho trẻ sơ sinh được tổ chức tại Sài Gòn, 79 trong số 99 người tham gia đã được cho ăn các sản phẩm của Nestlé và 12 trong số 15 giải thưởng thuộc về những em bé uống sữa đặc hoặc sữa bột. Các quảng cáo cũng đề cập rằng chỉ có 10 trẻ được bú sữa mẹ, ám chỉ một cách tinh vi về tính ưu việt của sản phẩm công nghiệp. Vì thế, những khát vọng của những cơ quan thượng đẳng, quyền lực, những cơ quan tư sản đã được bán trở lại cho dân chúng Việt Nam.
Lời quảng cáo nói trên, đăng trên tờ Trung Hoa Tân Văn. Ảnh qua Thư viện Quốc gia Việt Nam.
Cùng lúc với Nestlé, còn có các nhãn hiệu sữa đặc có đường khác như Mont-Blanc (tên phổ thông trong dân gian: Sữa Trái Núi – chú thích của người dịch) và Vache. Những thương hiệu này không đăng nhiều quảng cáo như Nestlé, vì vậy không rõ chính xác khi nào và bằng cách nào sữa đặc có đường được sử dụng trong các mặt hàng không liên quan đến trẻ sơ sinh. Nhìn vào Ông Thọ, thương hiệu sữa đặc nổi tiếng nhất hiện nay, có thể đưa ra câu trả lời phần nào, vì sữa đặc có đường Ông Thọ không liên quan đến trẻ sơ sinh.
Thương hiệu Ông Thọ đến Việt Nam với tên gọi “Longevity” sau thời Pháp thuộc và trong cuộc chiến có Mỹ tham dự. Sữa được sản xuất bởi Foremost Dairies, một công ty Hoa Kỳ. Trong chiến tranh, công ty là nhà cung cấp sữa chính cho quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam, cùng với Meadow Gold Dairies. Bắt đầu từ năm 1964, nhà máy Foremost tại Việt Nam sản xuất 300.000 thùng sữa đặc có đường mỗi năm bằng cách nhập khẩu sữa khô không béo từ Hoa Kỳ. Mỗi thùng chứa 48 hộp. Đến năm 1969, sản lượng tăng từ 35.000 thùng lên 75.000 thùng mỗi tháng.
Trong một hồ sơ với tiêu đề "Sữa ở miền Nam Việt Nam" được lấy từ Virtual Vietnam Archive, một nguồn không được xác nhận khẳng định rằng sau năm 1967, sữa đã trở thành một sản phẩm quan trọng đối với quân đội khi các bác sĩ phát hiện họ đang điều trị cho nhiều cựu quân nhân mắc bệnh viêm dạ dày và viêm kết tràng do thiếu enzym do ruột tiết ra để tiêu hóa sữa. Trong khi Foremost Dairies sau đó ngừng hoạt động kinh doanh tại Mỹ, nhà máy của công ty này tại Việt Nam vẫn hoạt động vào những năm 1960.
Sau năm 1975, nền kinh tế được quốc hữu hóa và tập thể hóa, đưa Vinamilk trở thành chủ sở hữu của ba nhà máy sữa lớn nhất cả nước, trong đó có nhà máy sữa Foremost. Hai cơ sở còn lại là nhà máy sữa bột Nestlé và nhà máy trực thuộc Cosuvina, công ty sở hữu nhãn hiệu sữa Kim Cương (nhãn hiệu sữa đặc có đường Diamond) nổi tiếng và các nhãn hiệu như Cậu Bé Hà Lan (Dutch Boy), mang chữ Hà Lan giống đến kỳ lạ với Dutch Lady, tên mới của Foremost Dairies Vietnam. Vinamilk cũng tiếp quản công nghệ sản xuất sữa đặc có đường hiệu Ông Thọ.
Bơ trong lon Bretel và sự hoài niệm
Đi ngang qua các khu tập trung các chợ bán đồ nhập khẩu từ châu Âu hay các khu chợ dành cho người sành ăn ở Việt Nam, người ta có thể bắt gặp những lon bơ đỏ có tên Bretel và đi kèm với nó là một mức giá cắt cổ.
Một tìm kiếm đơn giản về bơ Bretel bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh sẽ mở ra vô số bài đăng trên blog, trên diễn đàn, trong cộng đồng mạng và các bài viết của người Việt Nam ở nước ngoài, chủ yếu nói về cách họ đã bỏ công tìm kiếm khắp chân trời góc bể cho ra lon bơ Bretel mà họ đã thưởng thức trong quá khứ. Bà Andrea Nguyễn đã viết về món ăn được yêu thích nhất trong một bài đăng trên mạng và món đó cũng xuất hiện trong tác phẩm Ru của Kim Thuy, khi một nhân vật trong truyện dành nhiều lời khen ngợi cho hương vị của bơ Bretel. Tư tưởng gia Phan Huy Đường, trong Một Hành Trình Tự Duy 2, có đề cập đến một quán cà phê ở Hà Nội, nơi người ta có thể thưởng thức đồ uống với một cây tăm chấm bơ Bretel và một muỗng nhỏ rượu cognac. Bơ đóng hộp Bretel cũng là loại bơ yêu thích của ông tôi để ăn với bánh mì.
Có rất ít thông tin bằng tiếng Anh về bơ đến mức khó có thể tin rằng đây từng là nhà máy sản xuất bơ lớn nhất thế giới. Các bài đăng trên mạng của người Việt Nam xin giúp tìm cho họ bơ đóng hộp Bretel thường gặp phản ứng không rõ ràng từ một người nước ngoài hoặc một yêu cầu tương tự từ những người Việt Nam khác. Đối với những người Việt Nam lớn tuổi, bơ đóng hộp Bretel tự nó chỉ là một ‘viên thời gian’ chứa đựng những thông tin về quá khứ.
Loại bơ được đề cập này ban đầu đến từ Maison Bretel Frères, một công ty bơ do hai anh em Eugene Bretel và Adolphe Bretel thành lập vào năm 1871. Bơ được làm ở vùng Manche của Normandy, Pháp. Loại bơ họ bán là beurre d’Isigny, dùng để chỉ một loại bơ đã đăng ký xuất xứ được làm từ sữa bò ở các khu vực xung quanh Isigny-du-Mer.
Trong tờ Bradstreet's Weekly: A Business Digest, Tập 19, một người đến thăm nhà máy Bretel đã kể lại những gì họ thấy ở đó. Bơ được thu mua từ các trại chăn nuôi bò sữa trong khu vực trước khi phân loại và chế biến. Bơ được tạo hình thành một khối hình hộp chữ nhật, hoặc lăn thành cây tròn và được bỏ vô hộp. Thường được gọi là bơ cuộn Normandy, những khối bơ của Bretel đã từng là một món ăn được yêu thích ở Vương quốc Anh.
Theo nhân chứng, có một loại bơ khác mà Bretel cũng đã sản xuất, được đóng gói trong hộp thiếc và dành riêng để vận chuyển đến “các nước nóng”. Muối luôn được thêm vào bơ đóng hộp này.
Một quảng cáo cho Bretel, có bơ đóng hộp. Ảnh qua Didier-Beurre.
Ở Việt Nam trong thời kỳ thuộc địa, giống như nhiều loại thực phẩm đóng hộp, bơ đóng hộp cũng là một mặt hàng bình dân trên bàn ăn của thực dân Pháp. Bà Peters lưu ý rằng các nhà hàng Pháp cao cấp ở Việt Nam sử dụng bơ đóng hộp và đánh với nước khoáng để làm thành bơ tươi, vì lúc đó bơ chỉ tồn tại ở dạng đóng hộp. Trong nghiên cứu của mình về phụ nữ Pháp sống ở Đông Dương, Marie-Paule Ha lưu ý rằng những người được phỏng vấn thường đề cập đến sữa Nestlé và bơ Bretel như những mặt hàng chủ lực phổ biến. Trên khắp các tờ báo Việt Nam đăng công thức nấu ăn vào những năm 1920 và 1930, như Phụ Nữ Tân Văn, có rất nhiều món mà trong tên gọi có từ bơ, một dấu hiệu cho thấy bơ đóng hộp cũng đã đi vào từ vựng của công chúng Việt Nam.
Maison Bretel Frères cũng là một thương hiệu nổi tiếng đã giành được nhiều giải thưởng tại các cuộc triển lãm thế giới vào thời điểm đó. Các đồ hộp của họ, tương tự như lon sữa đặc có đường của Nestlé, được dùng làm đơn vị đo lường trong thương mại gạo, như đã được ghi nhận trong một báo cáo kinh tế năm 1906 của Pháp.
Vũ Hồng Liên, trong tác phẩm Rice and Baguettes, nhận xét rằng Bretel đã phải mất một thời gian để thâm nhập thị trường Việt Nam, “nhưng một khi bơ đã vào được trong nước rồi, nó không bao giờ ra đi.” Thật vậy, trong khi Maison Bretel Frères không còn tồn tại, và khái niệm bơ đóng hộp đã phai mờ, bơ Bretel hộp thiếc vẫn tiếp tục được bán tại các chợ Việt Nam ở cả Việt Nam và các nước khác, mang đến một món hàng hoài niệm cho một thế hệ.
Các lon ngày nay có chữ viết tắt “NVT”, viết tắt của Ngô Văn Thế, người được liệt kê là người đã nộp đơn đăng ký Nhãn hiệu Quốc tế của Bretel vào năm 1964. Ông sinh năm 1944, cũng được liệt kê là tổng giám đốc của Bretel, công ty kinh doanh trong thương mại bán sỉ.
Thực phẩm đóng hộp đóng vai trò như một lời nhắc nhở hữu ích, rằng thực phẩm chúng ta ăn – và cũng là cơ thể chúng ta, có mối liên hệ chặt chẽ với hệ thống kinh tế - chính trị tạo nên điều kiện hình thành cuộc sống và cộng đồng của mỗi người trong chúng ta và lịch sử đằng sau chúng không phải lúc nào cũng trôi chảy. Những câu chuyện về thực phẩm đóng hộp cũng dệt nên một sợi dây chung giữa những người đang ở giai đoạn cuối của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa tư bản toàn cầu – những người lao động Maroc trên các cảng Safi, những người Tamil nghèo di cư bị thực dân châu Âu đẩy đến cảnh lầm than, tầng lớp lao động Pháp. người dân và người Việt Nam sống trong nước và ở hải ngoại đều có chung một trang lịch sử, cùng nếm trải sự hiện diện và con đường đi tới tương lai.
.
Nguyên tác: History in a Tin: The Colonial Past of Vietnam Through Popular Canned Food - Tác giả:
Thi Nguyen & Hannah Hoang
Người dịch: Lê Ngọc Vân
Trích từ: saigoneer.com, 30.03.2020
______
Chú thích của người dịch: (1) Adobo: Món ăn có gốc từ Tây Ban Nha, được du nhập vào Phi Luật Tân và biến cải thành món phổ thông và truyền thống của Phi, làm bằng thịt gà (đôi khi là thịt heo) ướp với tỏi, giấm và vài thứ gia vị khác rồi đem om (nấu lửa riu riu) cho tới khi mềm, có vị hơi chua, ăn với cơm trắng hoặc bánh mì, đặc điểm là đơn giản trong vật liệu và cầu kỳ trong cách nấu, và có thể để được nhiều ngày, càng để lâu càng ngon.
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/xahoi/lichsutrongcailon.htm