Minh Hạnh
Khi thượng đế thành tội phạm
Nawin Harpal, chủ siêu thị Boon’s bên cạnh màn hình
kiểm soát của 34 chiếc camera. Hình: Ruud Voest
Gần năm năm trước, cuối 2019, Trung Quốc đã làm thế giới rúng động khi họ thiết lập áp dụng mạng lưới theo dõi cá nhân qua nhân dạng ở Quý Châu. Các dữ kiện thu thập do các camera gắn khắp nơi sẽ được công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cho vào hồ sơ cá nhân với mục đích xét hạnh kiểm của từng người, từ đó sẽ cho ra những biện pháp thưởng hoặc phạt cho từng cá nhân. Các tổ chức nhân quyền lên tiếng phản đối vì nó xâm phạm quá nhiều vào đời tư của người dân, và những sai sót do lỗi của lập trình sẽ dính liền với cá nhân đó cả đời. Và rồi sẽ không còn chống đối trong xã hội nữa, vì những hành động mang tính đối kháng sẽ bị diệt từ khi mới phát sinh.
Khi đó, trên báo có đăng một cuộc phỏng vấn ngắn với một cư dân Trung Quốc, ông (hay bà) này phát biểu đại khái: “thì có sao đâu. Điều này tốt. Nếu mình không làm điều gì sai trái tại sao phải sợ?” Đoạn phỏng vấn ngắn này chắc ít người còn nhớ.
Nhưng giờ đây chuyện Trung Quốc bắt đầu xảy ra ở một số nơi ở Hà Lan. Một trong những nơi đó là siêu thị Boon’s nằm trong khu trung tâm Utrecht, thành phố lớn thứ 4. Utrecht là trung tâm giao thông của Hà Lan, là thành phố mang tiếng đắt đỏ, nhiều người nghèo, và đông sinh viên. Khu phố chung quanh siêu thị Boon’s – một hệ thống siêu thị nhỏ – luôn tấp nập du khách và giới trẻ thích mua sắm, đi dạo ăn uống. Siêu thị Boon’s có lợi điểm nữa là mở cửa tới nửa đêm, và giá tương đối rẻ.
Nhưng theo ông chủ Nawin Harpal của chi nhánh này thì nạn trộm cắp ở đây rất cao. Vì đa số khách hàng chỉ mua một vài món – chai nước, chiếc bánh v.v., họ cầm tay hoặc bỏ vô giỏ xách cá nhân, có khi đút trong túi cho tiện. Ông không thể biết có bao nhiêu khách hàng trộm đồ, chỉ biết là thường xuyên thấy số tồn kho thực tế khác xa sổ sách. Kiểm soát bất chợt chỉ phát hiện một vài người mỗi tuần. Bởi vậy theo ông, cách tốt nhất là phải dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo. Đầu năm 2024 ông đã cho gắn hệ thống kiểm soát 24/7 dùng công nghệ AI do công ty Veesion của Pháp cung cấp để qua đó chặn bắt trộm có hiệu quả hơn.
Trong siêu thị Boon’s ở Utrecht, với diện tích bằng một cửa tiệm cỡ trung, có gắn tất cả 34 chiếc camera theo dõi mọi khách hàng từ khi mới bước chân vào. Khu vực được các camera quét chiếm khoảng 80% diện tích mặt bằng. 20% còn lại nằm trong khu vực gần quầy tính tiền, nơi đó có sẵn nhân viên có nhiệm vụ giúp đỡ khách hàng, và thêm nhiệm vụ kiểm soát theo hướng dẫn của hệ thống canh. Máy quay truyền hình ảnh tới công cụ AI, bằng thuật toán công cụ này có thể phân tích và xác định mục đích của khách hàng qua diễn tiến mọi hành động của họ. Nếu thấy nghi ngờ, máy sẽ lưu đoạn phim, và gởi tin báo ngay cho nhân viên kiểm soát, người này sẽ chặn khách hàng khả nghi khi người đó bắt đầu trả tiền và khám giỏ, khám túi. Nếu cần bằng chứng, có thể xem lại những đoạn phim máy đã lưu.
Sau khi đặt máy, ông chủ cho biết giờ đây đã bắt được vài vụ trộm mỗi ngày thay vì một vài lần mỗi tuần như trước kia. Nhưng vụ đặt máy đã tạo ra nhiều xôn xao trong dư luận. Người ta phản đối chuyện xâm phạm đời tư cá nhân qua việc thu hình kể cả khuôn mặt, và kế đó là sự lầm lẫn của máy. Có người lấy khăn trong túi, hỉ mũi xong rồi đút khăn trở lại vô túi cũng bị coi là ‘nghi ngờ trộm cắp’. Có người thực tình bỏ quên một món nhỏ trong túi áo khoác mà không tính tiền (như gói kẹo cao su) cũng bị kết tội.
Khi bị bắt gặp không trả tiền món hàng, khách hàng sẽ bị tiệm phạt 181 euro, nếu nhận tội. Nếu không nhận tội, tiệm sẽ gọi cảnh sát tới làm biên bản, ‘có khả năng’ bị đưa ra tòa. Nếu nhận tội, ngoài tiền phạt, có thể bị ‘cấm cửa’ một thời gian (thường là 1 năm). Ở khu thương mại tại ga trung tâm Utrecht người ta còn đi xa hơn một bước. Khoảng một nửa số tiệm trong khu này đã thỏa thuận với nhau là nếu khách hàng ăn trộm tái phạm thì sẽ bị cấm vào tất cả những tiệm này. Gần giống như Trung Quốc, chỉ khác là chưa ‘cấm cửa’ bằng cách dùng camera nhận dạng mà chỉ dùng người kiểm soát.
‘Khách hàng là thượng đế’, câu châm ngôn giờ đây đã trở thành ‘khách hàng là tội phạm’. Vì nó nằm ở quan niệm ‘trước tiên phải coi chừng kẻo bị khách ăn trộm.’ Và ở chỗ ‘nếu phát hiện sai sót, đó là do lỗi của khách hàng.’ Một phần cũng do khách hàng thời nay. Chuyện muôn đời là thằng ăn cắp có trước, sau đó mới có cảnh sát. Mỗi năm khi nghe các siêu thị tổng kết ‘siêu lời’ thì nhiều người nghĩ “ăn trộm một chút thôi, họ vẫn còn lời khủng”.
Riêng ông chủ siêu thị, Nawin Harpal, rất hài lòng với kết quả thu được, vì tính ra nó rẻ hơn chi phí cho thiết bị kiểm soát. Cái lợi thứ hai là khách hàng dùng giỏ hàng của siêu thị nhiều hơn để khỏi bị xét. Ông khuyên các siêu thị khác nên gắn loại thiết bị này. Các chuyên viên IT thì thận trọng hơn: “Thời gian đầu có thể có sai sót, đó là điều tất nhiên. Nhưng các hệ thống AI vẫn phải ‘học’ data và càng ngày càng hoạt động chính xác hơn.” Một chuyên viên IT cho biết: “có thể có chuyện khách hàng thưa ngược lại vì làm mất danh dự của họ” một khi máy báo nghi ngờ họ ăn trộm nhưng khi khám xét không thấy bằng chứng. Tốt hơn là lúc này nên cử một người ngồi canh monitor suốt ngày và đánh giá tình hình theo nhận thức con người thay vì dùng trí phán đoán của kỹ thuật số khi nó chưa được hoàn thiện.
Minh Hạnh
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/xahoi/khithuongdethanhtoipham.html