Lê Ngọc Vân
Facebook: Nhìn lại chặng đường 10 năm
Ngày 04/12/2014 đánh dấu một mốc thời gian quan trọng của Facebook: Mạng xã hội này vừa tròn 10 tuổi.
Khởi đi từ một ý tưởng nghịch ngợm của anh sinh viên đại học Harvard, Mark Zuckerberg, khi anh “hack” từ trang mạng của trường đại học một số hình của nữ sinh viên và đưa lên một forum mang tên The Facebook do anh làm, để những bạn học (nam giới) có thể bình phẩm. Nhưng rồi những bạn anh đã vô tình tìm ra một hướng mới, khi họ dùng mạng này để trao đổi những thông tin cá nhân với những bạn trong nhóm. Nhanh chóng, những sinh viên khác nhận ra tính năng hữu ích này, và The Facebook đã bỏ chữ “The”, vượt vòng rào trường đại học, lan ra khắp cả thế giới. Hiện nay có hơn 750 triệu “account” Facebook có sinh hoạt thường xuyên.
Tính theo phần trăm dân số, dưới đây là sự thâm nhập của Facebook trên các miền châu lục (tài liệu của Internet World Stats, số liệu 2013):
– Bắc Mỹ: 35% dân số (189 triệu người sử dụng)
– Nam Mỹ: 36% (141 triệu người sử dụng)
– Âu châu: 30% (249 triệu người sử dụng)
– Trung Ðông: 7% (24 triệu người sử dụng)
– Phi châu: 5% (51 triệu người sử dụng)
– Á châu: 6% (246 triệu người sử dụng)
– Châu Ðại dương: 41% (16 triệu người sử dụng)
Sự phổ thông hóa nhanh chóng của Facebook nằm ở chỗ người ta thích soi mói vào đời tư người khác, cộng với sự bản tính thích tự khoe thành tích cá nhân, nhưng không đủ can đảm để nói thẳng với tất cả mọi người.
***
Mười năm trước, không ai có thể ngờ Facebook đã thành một mạng xã hội lớn rộng, mang lại một số thay đổi toàn diện trong sinh hoạt nhân loại thời toàn cầu hóa. Dưới đây là một số điểm chính:
– Chuyện đến nhà thăm nhau hay điện thoại hỏi thăm mang tính cách cá nhân giảm hẳn trong khi người ta lại biết rõ sinh hoạt của nhau hơn qua Facebook. Khi gặp gỡ trò chuyện, những tin tức sinh hoạt cá nhân post lên cuối cùng trên Facebook trở thành đề tài mở đầu cho những trò chuyện tiếp theo.
– Những lời kêu gọi cho công tác thiện nguyện, truy tìm tội phạm, tìm người mất tích… dễ dàng hơn với chi phí ít hơn.
– Những mối thân tình đã mất từ xưa (bạn học, bạn đồng nghiệp…) nay dễ dàng tìm lại được.
– Những chiến dịch xin chữ ký, kêu gọi tụ họp phản đối, đình công… có thể nhanh chóng thực hiện và kết tụ được số đông người hưởng ứng.
– Những quảng cáo của cửa hiệu, nhà hàng… được gửi đến đúng đối tượng theo từng luồng thông tin, với chi phí tối thiểu. Có nghĩa là là quảng cáo có hiệu năng cao.
– Tên tuổi của công ty hay tổ chức có giao dịch trên mạng được gắn liền với số ‘Fans’: theo số liệu của Socialbakers tháng 02/2014, Walmart có hơn 32 triệu ‘Fans’, Amazon.com được gần 22 triệu. Ở Việt Nam, Zing mp3 có 1,6 triệu ‘Fans’, Samsung Mobile Vietnam hơn 1 triệu ‘Fans’, Kênh14.vn, một mạng truyền thông mới nổi, hiện đã kiếm được hơn 1 triệu fans…
***
Tốc độ lan truyền của Facebook nhanh tới mức không ngờ khiến nhiều tình huống xảy ra ngoài dự tính chỉ vì một sự sơ xuất của người gửi hay do người gửi không lượng định được tác động của Facebook trên quần chúng. Dưới đây là một số thí dụ trong sinh hoạt cá nhân:
– Hơn 10.000 người hứa sẽ đến dự buổi “big party” dưới chân tháp Eiffel (tháng 5/2010) khiến cảnh sát phải ra lệnh cấm uống rượu trong phạm vi khu vực này suốt tối hôm đó.
– Tháng 04/2010, cô Kate Miller ở Adelaide (Úc) gởi thiệp mời dự sinh nhật tại căn chung cư của cô. Cô quên không ghi “private”, kết cuộc là khi thấy con số người tham dự lên đến trên 10.000, cô đã vội vã gửi trên Facebook lời hủy bỏ buổi tiệc, nhưng không kịp nữa. Trong vòng 1 ngày đã có thêm 50.000 người hứa sẽ tới!!
– Năm tháng sau, cô bé Rebecca Javeleau 14 tuổi ở Hertfordshire (Anh quốc) đã gửi qua Facebook lời mời dự sinh nhật cô, và cô cũng đã quên ghi “private”. 21.000 người đã hứa sẽ đến, buổi tiệc tuy đã hủy bỏ trước đó, nhưng cuối cùng cảnh sát đã phải huy động một lực lượng nhân viên đông đảo để ngăn ngừa những người tụ tập có thể khích động.
Nhưng có khi cũng đã muộn…
Ngày 06/09/2012, cô Merthe trong làng Haren (tỉnh Groningen, Hòa Lan) gửi qua Facebook thiệp mời party sinh nhật 16 tuổi. Lời mời đã được dây chuyền Facebook chuyển tới khoảng 170.000 người. Một ngày sau đã có 16 ngàn người hứa sẽ đến tham dự, ngày hôm sau con số đã lên đến 23.000 người. Kinh hoảng trước tình trạng này, chính quyền địa phương đã báo động toàn quốc, cảnh sát toàn vùng được huy động để tìm biện pháp. Mặc dù cô Merthe đã rút lại tức thời lời mời và gửi một lần nữa quyết định bãi bỏ buổi tiệc, các khách hứa tới đã chuyển hướng sang một party do họ tự tạo (Project X-Haren) cũng tại làng này. Cảnh sát cố gắng cô lập và lùa họ phân tán sang những vùng ít dân cư, nhưng chỉ là dầu đổ thêm vào lửa. Kết quả là đám người bị khích động đã đập phá đường xá, công viên và nhà cửa suốt dọc một con đường từ nhà ga dẫn vào thành phố.
***
Facebook cộng chung với những mạng xã hội khác như Twitter, WhatApp… trong những năm vừa qua đã mang tới những biến chuyển thời sự lớn, với diễn tiến khó tiên liệu. Cách mạng Hoa Lài, Mùa Xuân Ả Rập… đã làm rung động cả khối Trung Ðông và Bắc Phi. Thực ra, trong những biến động này, sự tham dự của hệ thống truyền thông báo chí chính thống (các đài truyền thanh truyền hình và báo chí có cơ sở hành chánh thực sự) và cá nhân (youtube, weblogs…) đã kích thích sự tò mò của người ngoài cuộc và sự háo hức tham gia của người trong cuộc, tựa như lửa đang cháy được tiếp thêm dầu từ ba bốn phía.
Tóm lại, hiện nay, Facebook đã trở thành một phần trong sinh hoạt của những người trong các quốc gia mà tiếng nói được cấu thành từ mẫu tự có căn bản từ a, b, c. Facebook không hay chưa phổ biến lắm trong một số nước Á châu dùng ký tự trong chữ viết: Ở Trung quốc, cầu thủ bóng rổ nổi tiếng thế giới Diêu Minh (Yao Ming) chỉ được chưa tới 20.000 fans nội địa (trong số 1,5 triệu fans toàn cầu). Facebook bước vào Trung Quốc năm 2007, phải đụng độ với những mạng xã hội đã có sẵn của Trung Quốc như QQ (dành riêng cho giới trẻ, thành lập năm 1999, hiện có hơn 200 triệu tài khoản), Renren hay Kaixin. Ngoài trở ngại do bị chính quyền dùng nhiều biện pháp ngăn chặn từ gốc, điều không thể chối cãi là mạng xã hội Trung Quốc với người dân của họ đa dạng hơn Facebook rất nhiều, bởi nhu cầu lớn của dân Trung Quốc khi vào mạng xã hội là chơi game, chat và mua hàng. Mạng QQ đáp ứng hoàn toàn những nhu cầu này, kiêm luôn cả dịch vụ truy cập tin nhanh nhất. Tất cả chỉ qua 1 tài khoản. Ðiều đó khiến Facebook rất khó tạo được chỗ đứng trên thị trường Trung Quốc.
Tại Nhật Bản, Facebook có lẽ còn rất lâu mới tranh lại được 4 mạng phổ thông FC2Blog, Ameba, Livedoor và Seesaa cũng vi lý do đa dạng và cư dân mạng ở Nhật đã quen thuộc với những mạng này.
Tại Cambodia, có khoảng 700.000 người sinh hoạt trên Facebook (dân số 15 triệu).
Ở Việt Nam, Facebook có thời bị ngăn chặn gián tiếp bằng cách cản trở truy cập. Hai lý do đưa ra có lẽ được chấp nhận nhất là: 1. có sự thành lập những nhóm tranh luận về những vấn đề nhạy cảm (chính trị, tình dục, bôi xấu cá nhân…) trên Facebook, và 2. Những nhà đầu tư bóp Facebook khi thấy người ta dùng phương tiện này để thông tin thay vì điện thoại quốc tế (vì rẻ hơn). Tuy nhiên trong vài năm gần đây, Facebook đã xâm nhập xã hội Việt Nam nhanh chóng. Chuyến đi thăm “mang tiếng cá nhân” của Mark Zuckerberg vào tháng 12/2011 được nhiều người coi như bức bình phong cho một màn thương thảo dẫn đến việc đồng ý cho sự khuếch trương của Facebook nơi quốc gia này. Trong năm 2013, số người sử dụng Facebook ở Việt Nam đã tăng 100%. Hiện nay Việt Nam đã có hơn 20 triệu người dùng Facebook (Số liệu của tạp chí Công nghệ Thông tin).
***
Bên cạnh những thành tựu vượt bực đạt được trong 10 năm qua, Facebook đang phải đối đầu với những nguy cơ mới, khi người ta nhận ra một số điều không hay:
– Những thông tin gửi đi sẽ có thể đến tay những người mình không muốn. Chuyện riêng trong một nhóm khó dấu một khi đã cho lên Facebook.
– Những người có ý đồ xấu (lừa tiền, lừa tình, dụ dỗ trẻ vị thành niên…) dễ dàng hoạt động qua Facebook với tên giả.
– Những cơ quan có thể điều tra sinh hoạt cá nhân khi tuyển nhân viên hay theo dõi hành vi của nhân viên xem họ có xâm hại lợi ích của cơ quan không.
– Facebook bắt đầu tiến sang giai đoạn thu lợi do quảng cáo, họ sẽ cho xen vào trang Facebook của bạn những quảng cáo khiến cho bạn lẫn người xem bực mình.
– Một trong những nguy cơ lớn là thế hệ trẻ sẽ có thể xa lánh Facebook vì họ thấy là cha mẹ có thể tìm thấy trên Facebook những chuyện họ không muốn cho cha mẹ biết.
– Thời giờ dành cho Facebook dần dần chiếm mất quá nhiều trong sinh hoạt hàng ngày, đổi lại họ chỉ được một số thông tin “có cũng được, không có chẳng sao”.
– Sự cạnh tranh của những mạng thông tin khác như Twitter, WhatApp…
– Một số lớn những người trên tuổi 50 dùng Facebook như là album cá nhân, hay cho những chuyện… “ruồi bu”. Ða phần không có một hobby mang lại thông tin bổ ích cho người vào thăm. Tới một độ tuổi nào đó, sinh hoạt cá nhân thu hẹp lại chỉ còn trong phạm vi gia đình. Ðám trẻ, hay ngay cả bạn bè cùng lứa tuổi vào xem những trang này cảm thấy rất chán, vì sau đó ngẫm lại họ thấy không thu thập được gì mới mẻ hấp dẫn.
***
Bất kỳ sự việc gì cũng có khi lên và khi xuống. Riêng với Facebook, chưa biết trong tương lai nó sẽ xuống ra sao. Chúng ta phải chờ thêm 10 năm nữa để xem lần đánh giá tới của mạng xã hội này.
Lê Ngọc Vân
(02/2014)