Phạm Công Luận


Đường qua ngã tư - ngã năm Bình Hòa

   

Ngoại trừ phía đầu đường tấp nập ồn ào với cổng vào hai cái bệnh viện, đoạn còn lại của đường Nguyễn Văn Học, nay là Nơ Trang Long chạy đến cầu Băng Ky luôn gây nhiều cảm xúc cho tôi, nhất là những dịp gần Tết với cảm giác nhẹ nhõm và bình yên. Trên đường, những cây bàng mọc rải rác với tán lá rậm, nhiều nhánh ngang mọc thành vòng, lá rất to có khi gần ba tấc, hoa nhỏ màu trắng, trái hình trái soan khi chín màu vàng. Vài cây chùm ruột với thân sần sùi. Vài cây đề lâm vồ rất to. Cây tràm bông vàng thân thẳng, thuôn thuôn, hoa màu vàng tươi. Cây mận thân xù xì vỏ màu nâu đen. Cây me keo có nhiều nhánh khẳng khiu… Có vài loại cây tôi nhận ra dễ dàng và những loại cây khác phải nhờ bác sửa xe ven đường cho biết tên gọi.

Có lúc tôi vào thăm hoạ sĩ Nguyễn Hoàng Hoanh, hoạ sĩ của trưởng Vẽ Gia Định, ngắm những bức tranh lụa đẹp mềm mại và đậm chất miền Nam chân chất với hình ảnh bà mẹ đội nó lá đi chợ về, đám cưới thôn quê, ông già và anh thanh niên ngồi đánh cờ tướng… Những người và cảnh trong tranh của ông luôn gợi tình cảm sâu kín trong lòng về quê hương, về mẹ cha đã quá vãng từ lâu, những con hẻm chạy quanh bụi tre, quanh hàng rào bông bụp thời đất Gia Định chưa biến thành đô thị chật chội như bây giờ.

Họa sĩ Nguyễn Hoàng Hoanh trong ngôi nhà gần ngã năm Bình Hòa. Ảnh: PCL

Từ nhà người dì, tôi đi bộ ra ngã năm Bình Hoà gần đó. Ngôi nhà của kịch tác gia Vi Huyền Đắc ở đâu khu ngã năm Bình Hoà này? Ngôi nhà mà nhà thơ Hoàng Tấn trong cuốn Hồi ký “Người xưa mình nhớ” mô tả chi tiết: “… là nơi cư ngụ của kịch tác gia Vi Huyền Đắc nổi tiếng một thời đấy ư? Chỉ là một ngôi nhà nhỏ, khiêm tốn nằm trong cùng của một con hẻm yên tĩnh. Nhà có một tầng lầu bằng gỗ, dẫn lên bằng những bậc thang nhỏ cũng bằng gỗ, có vẻ đã xuống cấp. Ngoài sân có một cây khế cổ thụ, gốc to. Lá bay đầy sân. Và cũng đầy sân, hoa tím rụng tả tơi..”. Nhà thơ Hoàng Hương Trang, dưỡng nữ của cụ Vi Huyền Đắc kể thêm về ông trong sách: “Hồi sinh thời, nghĩa dưỡng phụ tôi ưa thích hoa mai, trước hiên trồng một hàng mai vàng nên đặt tên cho căn nhà này là Hiên Mai Vàng. Cụ đã qua đời, để giữ kỷ niệm xưa, tôi gọi là Hiên cũ Mai vàng. Hồi sinh thời, cụ sống rất thanh lịch, giản dị, và ngăn nắp. Cụ bố trí thời gian hợp với hoàn cảnh, hợp với sức khỏe. Thường nhật, đúng 21 giờ cụ đi ngủ và thức dậy đúng 4 giờ sáng. Tự đun nước, pha trà, đốt trầm lên và ngâm Đường thi. Khoảng 5 giờ sáng ngồi vào bàn viết”.

Có một thời ở Gia Định có những người sống thoát tục như vậy, khiến tôi liên tưởng đến nhà thơ Đông Hồ sống gần đó với căn lầu “Vương giả hương đình” treo lủng lẳng những khóm phong lan và mái hiên gie ra ở căn phòng trên gác của bà Mộng Tuyết vợ ông có tên gọi là Tân Nguyệt Hiên (mái trăng non). Các nhà văn nhà thơ nhạy cảm với không khí chiến tranh và việc làm giàu thời chiến nên muốn lánh đời, thoát tục và tìm cho mình không gian bình yên như vậy giữa trung tâm đất Gia Định xưa.

Một góc nhà cổ số 237 đường Nơ Trang Long khoảng năm 2014,
nay đã bị đập bỏ. Ảnh: Nguyễn Đình

Góc ngã năm mà sau năm 1968 gọi là ngã năm Bình Hoà cũng là nơi an trú trong mười năm của ký giả nổi tiếng Trần Tấn Quốc, chủ nhiệm báo Đuốc Nhà Nam với người vợ cuối cùng, bà Thu Tâm từ năm 1963 cho đến khi bà mất. Hẻm Vệ Năng trên đường Phan Văn Trị có ngôi nhà của ông bà nằm ở đâu trong khu vực này?

Ngồi nhấm nháp tách trà cùng tôi trong căn nhà xinh xắn trên đường Hồ Xuân Hương, ông Võ Văn Phép, tám mươi năm sống ở ngã tư Bình Hoà hổi tưởng lại: “Hồi thập niên 1950, khi chưa có xa lộ Biên Hòa (xây xong năm 1961), đường Nguyễn Văn Học này là đường huyết mạch để ra phía Bắc thành phố để đến các tỉnh Đông Nam bộ và miền Trung. Đoạn đường từ trường Vẽ Gia Định lên tới cầu Băng Ky rất đông xe qua lại, các loại xe hơi và xe máy. Lúc đó, ngay ngã tư Bình Hòa, phía đường Lê Quang Định có tiệm thuốc bắc của ông Trương Văn. Gia đình ông này từng mở nhiều tiệm thuốc bắc ở Gò Vấp, Thông Tây Hội và cả ở ngã ba Cây Quéo. Tuy nhiên, khi thấy xe cộ đông đúc, ông Trương Văn nhanh nhạy đã không ngần ngại bỏ nghề thuốc Bắc, mở ngay tiệm bán phụ tùng xe gắn máy các hiệu như Vespa, xe Lambretta,... Nhờ đó, ông ăn nên làm ra một thời gian cho đến khi xa lộ Biên Hoà được thông xe. Ngày thứ bảy hay Chủ nhật mỗi tuần, các tay lái xế Vespa hay Lambretta sửa xe ở tiệm Trương Văn và đi ăn sáng ở tiệm phở Tiến Lợi và tiệm cơm tấm Bà Sáu.

Một góc sân ngôi nhà trên đường Hồ Xuân Hương -
ngã tư Bình Hòa. Ảnh: PCL

Thời đó, có hai quán ăn nổi tiếng trong vùng mà người dân Bình Hòa đều biết, nổi tiềng trước cả hai tiệm mì có hạng sau này là mì Minh Sanh và mì Cây Khế. Một là tiệm phở Tiến Lợi. hai là tiệm bán cơm tấm của bà Sáu. Ông Phép hít hà: “Cơm tấm của bà Sáu là số một, giờ hầu như không mấy ai nấu được cơm tấm ngon như bà Sáu”. Hầu như không ai biết bà tên gì, chỉ gọi là bà Sáu. Bà người miền Nam, mập mạp và phúc hậu. Cơm tấm của bà nấu rất ngon, vì gạo ngon, thịt ướp khéo, nước mắm ngon và còn vì món đồ chua. Bà không làm đồ chua bằng các thứ thông thường như củ cải, cà rốt mà là củ kiệu ngâm dấm. Món bao tử heo phá lấu và đùi gà ăn kèm với cơm được ướp bằng thứ nước sốt rất ngon. Cơm của bà tránh được điểm yếu của các hàng cơm tấm là cơm cháy bị sạn. Nhiều người thích ăn cơm tấm cháy vì nó mỏng, giòn do kết cấu của hạt tấm mỏng chứ không dày như cơm gạo thường. Nhưng vì trong hạt tấm có nhiều sạn lẫn vào, sàng sẩy không khéo thì kiểu gì trong lớp cơm cháy dưới cùng cũng có sạn. Bà Sáu hiểu điều đó nên có cách khắc phục. Mỗi ngày, bà nấu cơm bằng một cái chảo khổng lồ. Cơm chín, bà múc ra, lấy lớp cơm cháy đầu tiên cho heo ăn. Rồi bà lấy phần cơm còn lại bỏ vô chảo, để lửa than riu riu và dưới đáy chảo xuất hiện một lớp cơm cháy thứ hai. Lớp cơm này ăn rất giòn và thơm ngon khi chan nước mắm và mỡ hành vô, hoàn toàn không có sạn và không bị khét. Nhiều người lớn và đám con nít mê loại cơm này lắm. Sau này, bà Sáu sang bên kia đường Nguyễn Văn Học mua căn nhà mặt tiền đường của tiệm hớt tóc Xuân Lai. Bà mở tiệm cơm Đông Hoa Xuân ở đó, nay vẫn còn. Tuy nhiên, vừa mở được mấy ngày thì bà mất. Một trong hai người con của bà là anh Đực lớn tiếp tục nghề của mẹ. Tiệm vẫn bán cơm tấm, có món bao tử khá ngon dù dân cố cựu cho là không ngon bằng cơm bà Sáu nấu ngày xưa. Hiện nay tiệm bán cơm dùng với nhiều thức ăn, không chuyên về cơm tấm như ngày xưa nữa và do cháu nội bà Sáu điều hành. Riêng người con đầu của bà Sáu là anh Đực lớn cưới vợ, cất nhà là tiệm mì Cây Khế đối diện tiệm Đông Hoa Xuân. Nhà cất rồi nhưng hai vợ chồng không có số ở vì trong ngày rước dâu, ông Tư Trường là con của ông Bang biện Chỏi gần đó chạy chiếc xe hơi tông vào cô dâu bị thương nên không dám về ở.

Ông Bang biện Nguyễn Văn Chỏi của làng Bình Hoà và hai con,
khoảng thập niên 1950. Ảnh gia đình bà Nguyễn Thị Nam

Về ngã tư Bình Hoà, vẫn còn vài người nhắc đến tên hai nhà giàu có máu mặt của vùng này thời xưa là bà Hứa Phước Mỹ và ông Tấn Phát chủ trại cưa (nay là trụ sở Uỷ ban nhân dân phường 14 quận Bình Thạnh) nhưng không còn mấy ai tường tận về họ. Nhà bà Hứa Phước Mỹ xây kiểu Tây vẫn còn nơi đầu chợ, giờ là cửa hàng vàng bạc đá quý của nhà nước. Còn ông Tấn Phát từng có tiệm cầm đồ ngay vị trí trụ sở phường 14 bây giờ. Ông giàu từ thời Pháp, vào rừng cưa cây, khai thác lâm sản. Ở đây, thập niên 1950 từng nổi tiếng một luật sư mệnh danh là “Ông thầy nước lạnh”. Nhà ông là Hưng Gia Tự, chùa Phật tu tại gia. Trong nhà có cái giếng, mỗi cuối tuần ông múc nước giếng bỏ vô chai, đợi chiều thứ bảy nghỉ làm thì phát miễn phí cho dân chúng quanh đó đến xin để… chữa bệnh. Không biết nước này công hiệu tới mức nào mà dân đến xin nước về chữa bệnh đông nườm nượp, đến mức nhà nước thời đó vào cuối tuần lúc bốn giờ chiều phải phái cảnh sát đến để chận đường thành một chiều để không bị kẹt xe. Tên tuổi ông thầy nước lạnh cho đến giờ dân cố cựu còn nhớ.

Lăng Ông - Bà Chiểu. Ảnh: Phạm Công Luận

Ông Phép bảo: Hồi xưa, hầu như Tết nào tôi cũng cùng ba má đi viếng lăng Đức Thượng công Lê Văn Duyệt, tên gọi phổ biến là Lăng Ông. Bà con quanh vùng bảo chiều 30 tết nào cũng có ông Thủ tướng VNCH đến thắp nhang ở lăng, trong khi các vị Tổng thống thì đi nhà thờ Đức Bà. Năm nào cũng có hai viên cảnh sát dã chiến đứng gác giữ trật tự. Cho dù ban quản trị Lăng luôn chuẩn bị lộc để bà con mang về nhưng cây cối chung quanh luôn bị vặt sạch. Dưới trào tổng thống Ngô Đình Diệm, việc làm ăn phát triển nên bà con đến lăng rất đông, cảnh sát phải gắn thêm đèn xanh đèn đỏ để phân phối số người vào lăng. Nhang thắp nhiều đến mức phải gom lại bỏ xuống hố từng đợt.

Đường phố Sài Gòn bây giờ luôn đầy ắp người và xe. Nhưng khi có dịp ngồi xuống với một cư dân lâu đời trong một cuộc gặp hay trong đám giỗ, ký ức đô thị bỗng sống dậy bừng bừng, đậm đà qua lời kể….

Có một thời ông cha ta đã sống như vậy, mới đây thôi mà đã khác bây giờ lắm rồi.

   

Phạm Công Luận
Trích Facebook tác giả

 

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/xahoi/duongquangatu.html


Cái Đình - 2024