Minh Hạnh


Đụng độ Israel-Palestine ở Amsterdam (11/2024) nhìn từ nhiều mặt

   

“Bạo loạn ở thủ đô Amsterdam của Hòa Lan: các người biểu tình ủng hộ Palestine đã tấn công các cổ động viên đội bóng Do Thái Maccabi Tel Aviv, lùng tìm những người Do Thái xem trận bóng giữa Maccabi Tel Aviv và đội Ajax của Hòa Lan, hành hung họ, với hành động kiểu ‘đột kích rồi rút nhanh’ (hit and run). Cảnh sát cơ động đã bắt giữ nhiều người. Thị trưởng Femke Halsema ra lệnh đặt thành phố trong tình trạng báo động khẩn trương. Đây là cuộc ruồng bố người Do Thái lớn nhất kể từ thời Đức Quốc Xã!…”.

Trên đây là nội dung các bản tin ngắn đặc biệt (breaking news) đã được nhiều đài TV quốc tế loan đi vào khuya thứ năm 07/11/2024 sang thứ sáu. Rạng sáng thứ sáu, khi mọi người thức dậy nghe/xem bản tin hàng đầu đều bàng hoàng với tường thuật chi tiết, cộng thêm những khúc videoclip cho thấy một số người bị tấn công bằng gậy gộc, bị đấm đá, và cảnh sát đẩy những người bị bắt lên xe bít bùng.

Bà Femke Halsema, thị trưởng Amsterdam, phát biểu khi phê phán hành động ‘chống cổ động viên bóng đá Do Thái’ vào sáng thứ sáu là “Amsterdam đang nhìn lại một ngày đen như than và ngày hôm nay còn ảm đạm hơn nữa”. Bà còn lấy từ ngữ ‘Pogrom’ gán cho hành động bạo loạn của nhóm ‘côn đồ’ Palestine. Pogrom là từ để chỉ cuộc truy sát có tổ chức với mục đích diệt chủng, thường được ám chỉ hành động khủng bố dân Do Thái. Từ ngữ này có nguồn từ chiến dịch đánh phá nhà cửa của người Do Thái trên toàn nước Đức do nazi phát động, mà cao điểm là hai ngày 09 và 10/11/1938, 1400 nhà thờ Do Thái bị phá, 7500 cửa hiệu và cơ sở làm ăn của người Do Thái bị đập phá và bị cướp (1). Cộng đồng Do Thái ở Amsterdam –một cộng đồng Do Thái lớn ở Hòa Lan – đang chuẩn bị tổ chức tưởng niệm sự kiện này cũng đúng vào ngày 07/11.

Thủ tướng Dick Schoof bỏ cuộc họp thượng đỉnh EU ở Budapest để về giải quyết. Ông nói: “tôi mắc cở vì cuộc tấn công bài Do Thái…”. Thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu ra lệnh gởi 2 máy bay cùng binh lính tới Amsterdam để đưa cấp tốc người Do Thái trở về nước (nhưng đã hủy bỏ lệnh này vào giờ chót). Cảnh sát đã được tăng cường để bảo vệ an ninh trong các khu phố Do Thái ở Amsterdam. Người Hồi Giáo cũng rút vào trong nhà.

Người chỉ nghe tin thì thấy như sắp có đụng độ lớn. Chiến tranh sắp nổ ra ở Hòa Lan! Nhưng những người ở Hòa Lan, theo dõi tin cập nhật thì nhanh chóng nhận ra một điều: Đây chỉ là một nửa sự thật. Bởi vì chỉ cần chút kinh nghiệm, người ta sẽ thắc mắc: bất cứ cuộc đụng độ nào cũng bắt nguồn từ một sự khích động. Vậy ai đã khích động? Và khích động bằng cách nào?

Hóa ra các phóng viên đã thổi phồng sự kiện và tô vẽ cho thêm giựt gân trong tình trạng căng thẳng đang leo thang giữa hai thành phần xã hội: một bên là những người ủng hộ Palestine, bên kia là những người ủng hộ Do Thái.

Vậy toàn cảnh ra sao?

Phải mất một tuần lễ, những khúc video do cảnh sát thu được và do thường dân quay đã dần dà cho thấy một chuyện khác hẳn.

Vào thứ tư 06/11, một ngày trước trận so tài giữa Do Thái (đội Maccabi Tel Aviv) và Hòa Lan (đội Ajax) trong khuôn khổ giải Europa League, người ta nhận được vài thông tin cảnh báo là sẽ có đe dọa nhắm tới những cổ động viên Maccabi Tel Aliv sẽ tới xem trận đấu, được tổ chức ở sân vận động Johan Cruijff ArenA, Amsterdam. Các cổ động viên này đã bắt đầu tới Amsterdam trong ngày này. Được tin, Nhóm Điều Phối An Ninh Chống Khủng Bố (gồm thị trưởng, đại diện cảnh sát và tư pháp) đã nghiên cứu tình hình. Họ không thấy có sự đe dọa cụ thể nào được ghi nhận. Mặc dù vậy, cuộc biểu tình ủng hộ Palestine dự trù diễn ra trước cổng sân vận động vào ngày hôm sau, trước khi trận đấu khai mạc, đã được lệnh phải dời đi 800m, ở một địa điểm nằm xa sân vận động. Mức canh phòng chống bạo động của cảnh sát cũng được nâng cao, với khoảng 800 nhân viên bố trí tại những điểm trọng yếu.

Lá cờ Palestine bị hạ trong đêm 06/11/2024. Hình: AT5

Tối đó, một nhóm khoảng 50 ủng hộ viên Maccabi kéo vào khu trung tâm Amsterdam. Họ giựt một lá cờ Palestine đang treo trên một ngôi nhà, và đập phá vài chiếc taxi. Đội ngũ tài xế taxi báo động kéo nhau tới trước sòng bài Holland Casino, nơi đang có khoảng 400 cổ động viên Do Thái tụ tập, định ‘hỏi tội’ họ, nhưng cảnh sát đã can thiệp kịp thời. Trưa hôm sau, trước giờ khai mạc, các tài xế taxi kêu gọi đồng nghiệp kéo đến ga metro gần sân vận động để ‘trả thù’, nhưng cảnh sát đã hay tin trước và ngăn chặn cuộc xung đột. Một số cổ động viên Do Thái trên đường đến sân vận động đã hò hét và đồng ca “chúng ta sẽ chiến thắng”, “IDF (Lực Lượng Phòng Vệ Israel) sẽ thắng, Đm. bọn Ả Rập”, “ở Gaza không có trường học nữa, vì không có trẻ em (ý nói tất cả đều là Hamas)”, v.v…

Cổ động viên đội bóng Maccabi Tel Aviv đang ‘đại náo’ khu phố Damrak
(trung tâm Amsterdam) sau trận so tài với Ajax

Có lẽ những câu lộng ngôn này đã làm những người ủng hộ Palestine sôi máu. Sau đó lại có thêm một lá cờ Palestine treo trước nhà bị hạ và đốt, đám tài xế taxi chửi rủa dân Do Thái… Thế là xảy ra những màn cho toán hành động lùng tìm những người Do Thái, họ xét giấy tùy thân những người ‘có vẻ Do Thái’ và hành hung những người Do Thái hoặc những người chống lại. Một số người Do Thái bị ép buộc phải hô “Free Palestine” cho họ quay phim trước khi bị đánh đập. Đám Do Thái cũng vũ trang ống nước và roi da, nhưng chỉ để đe dọa. Đội Cảnh sát Cơ động đã nhanh chóng hiện diện nhưng khá bất lực trước sự sôi sục căm thù. Họ cố gắng ngăn chặn sự chạm trán giữa hai phe, cuối cùng lực lượng cảnh sát được lệnh can thiệp bằng biện pháp mạnh, bắt những người phản đối lệnh rút lui khỏi khu vực. Những người Do Thái được đưa lên xe chở tới một nơi bí mật, được bảo vệ và ngày hôm sau cảnh sát đã hộ tống tất cả những cổ động viên Do Thái ra phi trường, có sẵn các máy bay đang chờ, để đưa họ về Do Thái.

Cảnh sát đang cố gắng tách rời hai nhóm đang xung đột tại khu vực quảng trường Dam

Rất may không có tử vong. 19 người bị thương phải cần trợ giúp y tế. Tình hình báo động khẩn trương ở Amsterdam sau đó được kéo dài thêm 1 tuần, tới thứ năm 14/11. Các cuộc biểu tình đã lên chương trình trước đó đều bị hủy bỏ. Phụ nữ được khuyến cáo nên ở trong nhà. Vài đụng độ vẫn xảy ra. Ngày 10/11, một cuộc biểu tình ủng hộ Palestine đã lên chương trình từ lâu nhưng giờ chót bị cấm, vẫn diễn ra tại quảng trường Dam ở trung tâm Amsterdam, họ viện dẫn điều trong hiến pháp ‘biểu tình là một quyền cơ bản của con người’. Cảnh sát đã hốt hết 340 người vào xe bus và đưa họ ra ngoài vùng ven đô. Ngày sau đó, một cuộc biểu tình khác, tự phát không rõ lý do, nổ ra tại vùng Tây Amsterdam, hàng trăm người đã tụ tập, đập phá xe tram, xe bus, ném gạch đá vào cảnh sát khi họ tới can thiệp và hô những khẩu hiệu chống Do Thái. Đội Cảnh sát Cơ động sau đó đã được điều tới quét sạch đám biểu tình. Những ngày tiếp theo là vài cuộc bạo loạn tự phát nổi lên đây đó nhưng không đưa tới xung đột lớn.

Tóm tắt:

Trước trận đấu đã có sự đánh giá về rủi ro bạo động. Giữa hai đội bóng không có sự bất hòa từ trước, họ vốn có tình thân hữu với nhau trong thể thao. Xung đột giữa các cổ động viên là chuyện thường thấy trong bóng đá, nên các thành viên trong Nhóm Điều Phối An Ninh Chống Khủng Bố đã kết luận là chỉ cần nâng cao mức độ cảnh giác, không cần can thiệp trước. Thế nhưng xung đột lại tới từ một hướng khác không ai ngờ.

Vì cường độ xô xát tăng quá nhanh ngoài dự đoán của mọi người, những gì âm ỉ trước đó không gây được nhiều chú ý. Những khúc phim và báo cáo tại chỗ phần lớn chỉ chú ý tới các cuộc hành hung người Do Thái. Những videoclip cho thấy họ đấm đá nạn nhân đã nằm gục trên đường, hò hét “cho tụi bây biết dân Gaza đang phải chịu đựng ra sao”, “giết hết tụi Do Thái đi” và toán cảnh sát cơ động bắt những người ủng hộ Palestine. Tất cả đều bị gán cái mác ‘bài Do Thái’ và được nhanh chóng truyền đi khắp thế giới. Theo phân tích của giới luật gia, có một sự khác biệt rõ ràng: chửi thề “đm. tụi Ả Rập” không bị quy tội “hô hào diệt chủng” nhưng “giết hết tụi Do Thái” đúng là gây hấn theo cách diệt chủng. Đó cũng là lời giải thích của bà thị trưởng Amsterdam cho câu hỏi “phải chăng có phân biệt đối xử trong vụ này khi chỉ có hình ảnh cảnh sát bắt những người của phe ủng hộ Palestine?”

Trong đoàn cổ động viên đội bóng Do Thái có một số thành viên của tổ chức Maccabi Fanatics, một tổ chức theo chủ nghĩa quốc gia quá khích và chống Ả Rập. Tổ chức này trong thời gian qua cũng đã khiêu khích nhằm tạo xung đột với các nhóm biểu tình chống chính sách của thủ tướng Benjamin Netanyahu. Mặt khác, trong cộng đồng hồi giáo ở Hòa Lan cũng có một lực lượng quá khích, Cestmocro, nhóm này luôn tìm cách khích động phong trào bài Do Thái. Tuy nhiên không ai nghĩ là sẽ xảy ra cuộc đụng độ giữa hai nhóm này. Nếu có đụng độ là đụng với cổ động viên Ajax do bất bình vì điều gì đó trong trận đấu. Còn chuyện có các hooligans trà trộn trong các fans của đội bóng tham dự là chuyện đã thành tập tục rồi, ai cũng biết.

Một điều không thể bỏ qua là tác động cực kỳ lớn của các mạng xã hội có thể làm cuộc diện xoay chuyển nhanh chóng theo hướng không ngờ. Những người ủng hộ Palestine lần này đã tận dụng Telegram và Snapchat để phát tán lời kêu gọi chống lại các cổ động viên Maccabi. Vì lời kêu gọi được rải ra cho từng nhóm nhỏ trong mạng lưới có sẵn của họ trên mạng xã hội, bộ máy truy tầm mầm mống bạo loạn không thể nhanh chóng lượng định đúng mức độ. Trên mạng X chỉ thấy những màn hành hung cổ động viên đội bóng Do Thái. Cuối cùng, mạng xã hội tràn ngập lời kêu gọi tìm người Do Thái để dằn mặt đã làm lượng thông tin nghiêng hẳn về phía đó. Các phóng viên vội vàng truyền tin nóng hổi đến khắp thế giới làm mọi người tưởng như sắp có chiến tranh tới nơi. Nhất là khi có báo cáo là vài cổ động viên Do Thái đã ‘mất tích’, nỗi lo một cuộc bắt cóc theo kiểu Hamas được thấy rõ qua các tin loan truyền. Nhưng chắc là họ đã mất tích vài chục phút trong phố đèn đỏ Amsterdam!

Các biến động thường bị nhanh chóng chính trị hóa

Thêm vào đó, trong thời đại quần chúng thích tin giựt gân, các phóng viên cũng phải chạy theo với tốc độ chóng mặt. Tin sốt dẻo thường chỉ nhắm vào một số điểm mà phóng viên đó cho là nổi bật, hợp thời. Người nhận tin cũng thường suy diễn theo cảm tính của mình. Điển hình như vụ việc trên. Thủ tướng Benjamin Netanyahu ngay đêm 06 qua 07/11 đã nhanh chóng kết án là ủng hộ viên đội bóng Do Thái bị tấn công. Ngay sau đó tổng thống Israel Isaac Herzog và cựu thủ tướng Naftal Bennett còn làm tin này trầm trọng thêm khi dùng cụm từ ‘pogrom bài Do Thái’ và ‘pogrom được tổ chức’. Ngay cả thủ tướng Hòa Lan Dick Schoof và bộ trưởng Ngoại giao David van Weel cũng tuyên bố đây là ‘cuộc tấn công bài Do Thái’. Thủ lãnh Geert Wilders của đảng ‘Vì Tự Do – PVV’ vừa thắng cử quốc hội vẻ vang, người vốn có ác cảm với người nhập cư hồi giáo (nhất là Maroc) và có cảm tình với thủ tướng Áo Viktor Orbán và với tổng thống Nga Putin lớn tiếng đả kích bà thị trưởng Amsterdam và đòi trục xuất những kẻ nào có hai quốc tịch. Còn bà này, có lẽ trong cơn bàng hoàng, so sánh hành động lùng tìm cổ động viên Do Thái để hành hung họ với chiến dịch bố ráp Do Thái của Đức Quốc Xã, và đã lỡ miệng dùng từ ‘pogrom’ gây làn sóng phản cảm từ khắp nơi. Khi toàn bộ sự việc đã dần được phơi bầy ra ánh sáng, bà được cơ hội giải thích trên truyền hình là bà ‘không có ngụ ý chính trị’. Một số cơ quan truyền thông quốc tế cũng đã tường thuật lại vụ việc một cách khách quan hơn trong các bản tin bổ túc sau ngày đó. Khi nội vụ dần sáng tỏ, các nhà bình luận đã cho rằng dùng từ ‘pogrom’ trong trường hợp này là vô lý. Ngoài ra, đây không phải là ‘chống dân Do Thái’ mà là ‘chống (dân của) quốc gia Israel’. Báo Washington Post ngày hôm sau đã xin lỗi vì loan tin không chính xác.

Cơ quan gián điệp Mossad cho hay là họ đã gởi thông tin cảnh báo tới chính phủ Hòa Lan về nguy cơ của một cuộc xung đột. Suốt một tuần sau đó, Hòa Lan đã nỗ lực truy tìm thông tin này khắp các cơ quan công quyền, nhưng cuối cùng họ phải kết luận là ‘không tìm ra’. Mossad không cho biết thêm những chi tiết!

Ngoài những người đã bị cảnh sát bắt giữ trong 2 đêm xung đột, bộ phận truy tầm tội phạm đang xem lại những khúc phim lấy được từ internet để nhận diện những người có hành động phạm pháp cụ thể. 9 ngày sau sự kiện này, ban truy tầm cho biết đã nhận diện được một số người. Sau khi phát hình đã làm mờ mặt, 9 người đã tự động nộp mình, tạm thời còn 45 người nữa đang bị truy nã. Những người này gồm cả 2 phe (con số không được tiết lộ), có những người đã rời Hòa Lan.

Thiệt thòi nhất vẫn là đội banh Maccabi và những người hâm mộ bóng đá trong mùa tranh giải Europe League 2024-2025. Để phòng xung đột, trận đấu giữa đội Do Thái và Bỉ trong tháng 9 đã bị dời sang Hungary (thay vì đấu trên sân nhà tại Bỉ). Trận đấu về, giữa 2 đội này diễn ra ngày 14-11 tại Paris, là một quyết tâm của Pháp để chứng tỏ sức mạnh của lực lượng cảnh sát theo cách họ đã làm trong thế vận hội vừa qua: 4000 cảnh sát võ trang đã chặn cách ngã đường vào sân vận động Stade de France, các quán giải khát trong vùng đóng cửa từ 3 giờ chiều, chỉ cho phép mang cờ Do Thái và cờ Bỉ vào sân vận động… Kết quả: sân vận động có sức chứa 80.000 người, chỉ bán được có 20.000 vé và cuối cùng chỉ có 16.000 người tới xem. Tức là cứ 4 khán giả là có 1 cảnh sát! Còn trận tranh tài giữa Do Thái và Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 28/11, để cho chắc ăn, cũng sẽ diễn ra tại Hungary, không có khán giả.

Một số vấn đề tiếp theo đáng được suy nghĩ

Đại diện một số tổ chức, các imam hoặc rabbi, khi được hỏi ý kiến, đều lên án hành động dùng bạo lực hành hung khách từ nước ngoài đến tham dự sự kiện thể thao và nhắm cả vào những người dân thường vô tình có mặt ở đó. Các vị này đều nói rằng đại đa số người Do Thái và người hồi giáo cư ngụ ở Hòa Lan đều muốn sống trong hòa thuận. Cho câu hỏi làm cách nào giải quyết chuyện xung đột trong xã hội Hòa Lan giữa hai phe ‘pro-Do-Thái’ và ‘pro-Palestine’, họ đều nói phải có nói chuyện với nhau giữa hai bên. Nhưng đây là nói lấy có. Khi hỏi tiếp phải khởi đầu cách nào, không ai đưa ra được một giải pháp cụ thể. Có lẽ vì sự chênh lệch quá lớn giữa số người Do Thái (30 - 40 ngàn) và số người hồi giáo (khoảng 900 ngàn) ở Hòa Lan.

Không thể phủ nhận là hiện nay đang có một sự phân cực lớn xuất hiện trong xã hội, không những ở Hòa Lan mà còn ở rất nhiều nơi trên thế giới. Riêng ở Hòa Lan, khi xung đột giữa Hamas và Israel bùng nổ, rất nhiều cuộc biểu tình ủng hộ quyền được sống của người dân Palestine và chống hành động ‘được gọi là thô bạo’ của Israel trên dải Gaza liên tục diễn ra ở các thành phố lớn. Những cuộc biểu tình này ban đầu được sự hưởng ứng rộng rãi của dân Hòa Lan, nhưng càng ngày người Hòa Lan càng thấy cuộc xung đột này quá phức tạp khi nhận chân một điều thực tế: Hamas (và cả Hezbollah) sống lẫn lộn với dân chúng và ít nhiều dựa vào dân để tạo thuận lợi cho những vụ đánh phá Israel. Họ lên án Israel tàn sát đàn bà trẻ em không nương tay ở Gaza, nhưng họ cũng không ưa Hamas hoặc Hezbollah vì chủ trương tranh đấu bằng khủng bố và bạo lực. Mặt khác, trong khá nhiều cuộc biểu tình ủng hộ Palestine đã có những hành động gây hấn khách bộ hành hoặc hò hét náo loạn làm mất trật tự công cộng. Những toán biểu tình trút cả sự phẫn nộ lên các người Do Thái đang sinh sống hoặc đang làm việc và nhất là các sinh viên. Thái độ này làm quần chúng dễ kết tội những người ủng hộ Palestine là ‘bài Do Thái’, và điều này đã hiển lộ qua biến cố vừa qua tại Amsterdam. Một dân biểu hạ viện thuộc một đảng tranh đấu cho quyền lợi của người nhập cư (nói thẳng ra là đảng này tranh đấu cho quyền lợi của cộng đồng dân nhập cư hồi giáo) khi nêu nhận xét là ông thấy có sự phân biệt đối xử trong vụ này, là những người ủng hộ Palestine bị xử ép (ghi chú thêm: tối ngày 06/11. khi lá cờ Palestine bị hạ, cảnh sát có chứng kiến nhưng không can thiệp, sự việc này đã được những người ủng hộ Palestine viện dẫn), một phóng viên đài truyền hình trong chương trình thời sự đã hỏi ngược lại: “rõ ràng hiện giờ một phụ nữ hồi giáo đầu bịt khăn hijab có thể thoải mái đi trong khu Do Thái, nhưng không có người Do Thái nào dám đội mũ kippa đi vào khu người hồi giáo, vì sao vậy?”, ông đã hoàn toàn không thể trả lời được. Người Do Thái ở Israel mặc tình hà hiếp người hồi giáo ở những quốc gia láng giềng, nhưng ở Hòa Lan người hồi giáo là mối đe dọa bị bạo hành trong mắt nhiều người Do Thái. Phải chăng đó là một hành động trả thù nhỏ mọn? Đúng là một vấn đề nan giải.

Còn các thầy cô giáo thì đang than phiền khi họ không thể nào tìm ra cách giải thích ‘tạm gọi là xuôi tai’ cho thắc mắc của học sinh cấp 1, cấp 2 về những gì các em thấy trên chương trình tin tức cho thiếu nhi. Còn các bậc cha mẹ? Không sao, họ đã có sẵn thiên kiến về chính trị làm cứu cánh rồi.

   

Minh Hạnh

____

(1) Biến cố này thường được gọi là Kristallnacht (Đêm pha lê) hoặc Pogromnacht (Đêm bạo động) do lực lượng Sturmabteilung (SA) và thường dân Đức tiến hành. Giới chức trách Đức không can dự mà đứng bên ngoài quan sát vụ việc. Tên gọi Kristallnacht có nguồn gốc từ những mảnh thủy tinh vỡ nằm rải rác trên đường phố sau khi cửa kính của các cửa hàng, tòa nhà, và giáo đường của người Do Thái bị đập phá.

 

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/xahoi/dungdoisraelpalestineoamsterdam.html


Cái Đình - 2024