Huyền Trân


Cộng đồng gốc Việt tại Mỹ: Tổn thương và sa sút trí nhớ sau chiến tranh VN

Nguồn hình ảnh, Getty Images – Chụp lại hình ảnh,
Thuyền nhân Việt Nam chờ được giải cứu vào năm 1978

Lần đầu tiên có một nghiên cứu về mối liên hệ giữa chấn thương từ chiến tranh Việt Nam với sa sút trí tuệ (dementia) trong cộng đồng người Việt đến Mỹ sau 1975. Đây là cộng đồng gốc Á đông thứ 4 tại Mỹ hiện nay với hơn 2 triệu người.

Phó Giáo sư Oanh Meyer, chuyên ngành Thần kinh học từ Đại học California-Davis, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, từng trực tiếp chứng kiến căn bệnh sa sút trí tuệ (dementia) và triệu chứng bị ảo tưởng (paranoia) này xảy ra với mẹ - bà Anh Lê, hơn 70 tuổi - một người tới Mỹ vào năm 1975.

“Mẹ tôi nói rằng bà rất lo lắng khi thấy những người lính Việt Cộng đứng bên ngoài cửa sổ, luôn cảm thấy sợ hãi khi cho rằng những người lính này đang muốn làm hại gia đình mình.” Phó Giáo sư Oanh Meyer nói với BBC.

Đôi khi bà Anh Lê nói con phải nghỉ học vì trường học bị ném bom và mọi người phải trốn dưới gầm bàn.

Nguồn hình ảnh, OANH MEYER – Chụp lại hình ảnh,
Phó Giáo sư Oanh Meyer (trái) và mẹ mình, bà Anh Lê

Từ trải nghiệm của bản thân và được biết đến nhiều trường hợp khác cũng mắc chứng bệnh giống bà Anh Lê, từ năm 2013, Phó Giáo sư Oanh Meyer bắt đầu phỏng vấn những người chăm sóc các bệnh nhân người Mỹ gốc Việt bị sa sút trí tuệ để có chương trình giúp họ hồi phục.

Cô đã luôn nghe được những câu chuyện về tổn thương sau chiến tranh Việt Nam trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

'Quá khứ ám ảnh'

Một trong những người mà Phó Giáo sư Oanh Meyer phỏng vấn là bà Quyên Vương, 57 tuổi, Giám đốc Điều hành International Children Assistance Network (ICAN) hiện đang sinh sống tại San Jose, Mỹ.

Bà Quyên Vương rời Việt Nam đến Mỹ vào năm 1981 bằng con đường vượt biên. Khi đó, bà chỉ mới 16 tuổi, ra đi cùng em nhỏ mới 11 tuổi.

Cho đến tận hôm nay, bà Quyên cho biết khoảng thời gian sống 4 tháng ở một trại tị nạn trên đảo Pulau Bidong (Malaysia) vẫn in sâu trong tâm trí.

“Dù ở trong trại tị nạn có 4 tháng nhưng tôi thật sự hiểu cảm giác của một đứa trẻ mồ côi. Mỗi ngày Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc phát một bịch thực phẩm có chút gạo, khô, muối đủ ăn. Ở trại tị nạn, ai có tiền thì mua cá hay rau cải của người dân địa phương trên đảo. Đói thì không đói nhưng buồn thì rất buồn”, bà Quyên nói với BBC News Tiếng Việt.

Nguồn hình ảnh, Getty Images – Chụp lại hình ảnh,
Trẻ em tị nạn Việt Nam trên đảo Pulau Bidong (Malaysia)

Bà Quyên cho biết khi mới qua Mỹ, bà từng có ý định nghỉ học để đi làm giúp gia đình có tiền trả tiền nhà.

“Sau khi qua Mỹ thì gia đình tôi rất nghèo, bị thiếu tiền trả tiền nhà, cả một sự khủng hoảng, khác với trước năm 1975 khi gia đình cũng đủ ăn.”

Bà cho biết stress, nặng nề, căng thẳng vào thời điểm mới đến Mỹ “đến từ mọi hướng” và “vô cùng mệt mỏi” như đi làm 30 giờ một tuần lúc học trung học.

“Cũng may lúc đó mình còn trẻ, sức chịu đựng còn dai thì mình dễ quên. Như mỗi tuần đến nhà bạn ăn phở, bún bò rồi mình cũng quên. Thế nhưng trong độ tuổi ngũ tuần, tôi thấy bắt đầu thấm mệt và có dấu hiệu quên.”

“Khi qua Mỹ thì nhu cầu phải sống còn quá mạnh cho nên mình gạt qua mọi sự bầm dập. Cho đến bây giờ khi mình lớn tuổi rồi thì mới thấm mệt và những stress, mental health [sức khỏe tâm thần] mới xuất hiện”, bà Quyên nói.

'Tổn thương phổ biến'

Nguồn hình ảnh, Getty Images – Chụp lại hình ảnh,
Những người tị nạn Việt Nam ra đi vào cuối những năm 1970 trên các con tàu gỗ

Theo Phó Giáo sư Oanh Meyer, nhiều người, giống như bà Quyên Vương, đã kể lại việc các thành viên trong gia đình mình bị những tổn thương tâm lý nặng nề từ chiến tranh Việt Nam do chứng kiến người thân hay bạn bè bị mất tích, tàu chở người tị nạn bị hải tặc tấn công hay hãm hiếp.

“Một người đang chăm sóc vợ ở tuổi 80 tại Mỹ kể lại với tôi rằng ông đã bị đi học tập cải tạo và khi đó vợ ông phải ở nhà một mình chăm sóc gia đình. Ông cho rằng vợ mình đã bị sa sút trí tuệ từ những tổn thương khi đó”, Phó Giáo sư Oanh Meyer nói với BBC News Tiếng Việt.

“Qua việc nói chuyện với gia đình những người Việt Nam và cả câu chuyện của gia đình mình, thì tôi thấy có sự liên quan giữa rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) và tổn thương (trauma) và bệnh sa sút trí tuệ (dementia). Và cho đến nay không có nghiên cứu nào được thực hiện đối với cộng đồng người Mỹ gốc Việt”, Phó Giáo sư Oanh Meyer nói với BBC

“Cụ thể là chưa có nghiên cứu nào chỉ ra mối liên hệ những áp lực (stress), những tổn thương tâm lý thời trẻ có liên quan đến bệnh sa sút trí tuệ (dementia) ở tuổi già hay không? Cách căn bệnh này xuất hiện ở cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Tôi muốn nghiên cứu về mức độ ảnh hưởng đó.”

Nguồn hình ảnh, OANH MEYER – Chụp lại hình ảnh,
Nghiên cứu của Phó Giáo sư Oanh Meyer được thực hiện
trên những người Mỹ gốc Việt từ 65 tuổi trở lên

Bắt đầu từ năm 2021, nghiên cứu của Phó Giáo sư Oanh Meyer đã nhận được khoản tiền tài trợ trị giá 7,2 triệu đôla Mỹ cho thời hạn 5 năm từ Viện Quốc gia về Lão hóa Hoa Kỳ (National Institute on Aging) để nghiên cứu nhóm người lớn tuổi ở San Jose, Sacramento và Santa Clara, thông qua phỏng vấn.

Đối tượng nghiên cứu là những người từ 65 tuổi trở lên là người Việt hoặc người Mỹ gốc Việt, sống tại Bắc California, nói tiếng Việt hoặc tiếng Anh, nhập cư từ Việt Nam.

“Hy vọng trong tương lai chúng ta có thể nhìn vào những thay đổi và dịch chuyển trong mô hình dân cư và thấy bệnh sa sút trí tuệ cũng thay đổi theo thời gian”, theo Phó Giáo sư Oanh Meyer.

Một số yếu tố khiến người Mỹ gốc Việt có nguy cơ mắc suy giảm nhận thức (cognitive impairment) cao được cho bao gồm chiến tranh và di cư, khủng hoảng tâm lý, khó khăn thời niên thiếu, trầm cảm, huyết áp cao, và bệnh tiểu đường.

Nguồn hình ảnh, Getty Images – Chụp lại hình ảnh,
Người tị nạn Việt Nam trên đường từ Nhật Bản sang Mỹ vào năm 1975

“Cộng đồng người Mỹ gốc Việt có những điểm khác biệt so với các cộng đồng người tị nạn khác tại Mỹ. Nếu chúng ta hiểu được các nhân tố ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần thì sẽ có những chương trình can thiệp sớm giúp giảm nguy cơ bệnh sa sút trí tuệ (dementia) hay mất trí nhớ (memory loss) đặc biệt đối với cộng đồng người tị nạn hay nhập cư” Phó Giáo sư Oanh Meyer cho biết.

Hiện nay nhóm nghiên cứu vẫn đang trong quá trình thu thập dữ liệu và số người cần được phỏng vấn là hơn 500 người Mỹ gốc Việt trong vòng 2 năm tới.

Phó Giáo sư Oanh Meyer cho biết vào năm 2018 đã có một nghiên cứu về mối liên hệ giữa rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) và bệnh sa sút trí tuệ của Giáo sư Rachel Whitmer từ Đại học California-Davis thực hiện đối với các thành viên hệ thống chăm sóc y tế. Và một kết quả quan trọng thu được đó là người lớn tuổi bị PTSD có nguy cơ bị sa sút trí tuệ cao hơn 70% với người không bị PTSD.

Nhiều người Việt Nam cho rằng sa sút trí tuệ (dementia) là một phần bình thường của quá trình lão hóa, nhưng đây là suy nghĩ sai.

“Sa sút trí tuệ (dementia) không phải là một phần bình thường của quá trình lão hóa (ageing). Ví dụ bạn có thể quên để quên chìa khóa nhưng nếu không biết chìa khóa dùng để làm gì là dấu hiệu bất thường”, Phó Giáo sư Oanh Meyer nói thêm.

.

Huyền Trân
Nguồn: BBC.com/vietnamese, 08.02.2022

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/xahoi/congdonggocviettaimy.htm


Cái Đình - 2022