Nguyễn thị Cỏ May


“Chàng” hay “Nàng” sẽ không còn nữa!

.

Ở đây muốn nói rõ là “Nam/Nữ, Trai/Gái, Đực/Cái” sẽ chánh thức không còn nữa trong ngôn ngữ phổ thông hay cả trên văn tự hành chánh của Âu châu. Người ta muốn xóa đi cặp nhị phân (binaire).

Không biết phải chăng để bắt đầu mà ở Bỉ (Belgique) chánh phủ sẽ xóa bỏ trong căn cước dân Bỉ khoảng ghi giới tính Nam/Nữ (Tin RTBF – Le Point 30/11/21). Họ sẽ ghi chỗ Nam hay Nữ đó như thế nào, chưa nghe nói rõ.

Cụ thể chủ trương này, trước nhứt, nhằm ghi nhận người mà không bị kẹt theo nhị phân vì căn cước từ nay sẽ không còn cặp Nam/Nữ nữa.

Một quyết định cực kỳ quan trọng. Chỉ còn các mặt kỹ thuật cần phải được thảo luận. Bà Jessika Soors, phát ngôn nhơn của Bộ Trưởng “Bình đẳng giới tính, Bình đẳng cơ hội và Đa dạng” (Egalité des genres, Egalité des chances et à la Diversité) đã không ngần ngại nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề “Chúng tôi sẽ thực hiện điều này trong thời gian ngắn nhứt”. Dĩ nhiên Bộ Nội vụ sẽ phân tách ảnh hưởng của thứ thẻ căn cước mới này khi nó không còn khoảng Nam/Nữ.

Năm 2019, người ta đã bắt đầu suy nghĩ về việc từ xưa nay ghi giới tính trong giấy căn cước ở Bỉ. Lúc đó, Tòa Bảo hiến đã cho rằng cứ duy trì cách phân loại con người theo đàn ông và đàn bà trong giấy khai sanh thật không ổn. Chánh phủ liên bang vẫn chưa tìm được một giải pháp thỏa đáng để xóa bỏ những khuyết điểm do hành chánh lâu đời để lại. Vì vậy có một giả thiết đề nghị để xác định giới tính hãy dùng dùng dấu X. Nhưng ý nghĩ này nhanh chóng bị hủy bỏ.

Sau cùng, theo một văn thư trình Quốc hội cho năm 2022, chánh phủ Bỉ quyết định xóa bỏ trên giấy tờ hành chánh như thẻ căn cước, giấy khai sanh, khoảng ghi giới tính. Một dự luật đã được Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ soạn thảo.

Quyển cẩm nang của Ủy hội Âu châu

Trong lúc chủ trương xóa bỏ giới tính đang gây nhiều phản ứng mạnh, trong chánh giới và cả trong dân chúng qua báo chí, thì bà Ủy viên Âu châu Helena Dalli vừa được bầu gần đây, Dân biểu và Bộ trưởng Phụ nữ, đảng viên Xã hội chủ nghĩa của xứ Malte (đảo), đưa ra quyển cẩm nang đề nghị xóa bỏ sự phân biệt giới tính, xóa bỏ một số từ ngữ mang tính phân biệt hoặc quá riêng biệt. Quyển cẩm nang vừa kịp thò ra, bị dư luận la ó, cả Liên Âu, làm cho bà ta vội rút lại và giải thích “vì chỉ mới là dự án, chưa hoàn chỉnh, sẽ coi lại và phổ biến sau”.

Liên Âu có qui chế như quốc tế về nhơn sự. Ủy viên như bà Helena Dalli được trả lương 25.000€/ tháng, bỏ túi trọn vì không phải trả một thứ chi phí xã hội như người làm công hay làm nghề tự do. Và xứ Malte của bà là nơi cấp giấy thông hành cho vc với giá trăm ngàn US$/cái.

Điều đáng để ý thêm, dĩ nhiên không có nghĩa là hay, bà Helena Dalli phổ biến một quyển cẩm nang như một kiểu mẫu nghĩ đúng theo văn hóa anh-mỹ dành cho nhơn viên công chức Bruxelles. Helena Dalli cũng chính là người đã tiếp hội Femyso, “Thanh niên Âu châu” trong quĩ đạo “Anh em hồi giáo” (tổ chức làm thánh chiến nhằm hồi giáo hóa Âu châu trước mắt), vận động cho tự do quàng khăng che mặt, một lần bị dư luận phản ứng khá ồn ào.

Trở lại quyển cẩm nang. Vì bị phản đối, bà Helena Dalli rút lại để coi lại nhưng vẫn còn trên mạng, dưới dạng anh ngữ. Bà coi đây như là quyển cẩm nang gối đầu giường của giới ưu tú âu châu vì đây là ngôn ngữ chánh thức của Âu châu. Bà coi thuyết “wokisme” như một tôn giáo mới và thật sự, theo bà, nó không gì khác hơn là cách nghĩ đúng của người ưu tú ngày nay.

Xin lược kể ra vài cách nghĩ đúng theo cẩm nang của bà Helena Dalli. Trước tiên, bà yêu cầu không nên có những cách nói làm xúc phạm để tránh làm tổn thương người khác như dùng những cách xưng hô, thưa gởi, quá sống sượng như “Quí bà, Quí ông” (Mesdames, Messieurs) mà không ai biết đó là nói với ai. Nay nó không còn hợp thời nữa.

Vậy tại sao không nói “Các đồng nghiệp thân ái” hoặc “Các bạn tham dự”. Như vậy tránh được sự phân biệt đối xử mang tính Nam/Nữ trong đó. Phải chọn cách nói bao gồm chung hài hòa các thành phần từ đồng tính, dị tính, chuyển tính, nhị phân, bất nhị phân..., đến những thứ đầu gà đít vịt…, thứ gender fluid, thứ giới tính xuyên quốc gia….

Nhưng khi nói “Các đồng nghiệp”, “Các bạn”…, trong đó có hàm ý Nam/Nữ hay không?

Cả tiếng “công dân” (citoyen), bà cũng kêu gọi không nên dùng trong nói và viết để chỉ chung người dân một cách bao quát. Như nói “Mỗi công dân làm việc phải biết những quyền lợi của mình” thì từ nay nên nói “Tất cả những người lao động đều phải biết quyền lợi của mình” để tránh đụng chạm tới những người vô tổ quốc và những di dân vì những người tuy cùng ở Âu châu nhưng họ không phải đều là “công dân”!

Khi viết Âu Châu hay Liên Âu (UE = Union Européenne) nên nghĩ như vậy mình đã làm tổn thương những người ukrainiens, bosniens, albanais..., vì những người này là người Âu châu nhung xứ của họ không nằm trong Liên Âu (UE). Con người vô cùng phức tạp với những đặc tánh khác nhau nên khi đề cặp tới con người nên tránh bỏ sót ai vì sơ suất.

Bà Helena Dalli tránh, như tránh bịnh sida, dùng những từ ngữ chỉ quá rõ giới tính như tiếng “workman” hoặc tiếng “policeman” vì nam tính trong tiếp vĩ ngữ “man” quá nặng, nó vượt qua sức chịu đựng của chúng ta.

Từ khi bà Helena Dalli kêu gọi không đề cặp tới giới tính thì những tiếng được bà dùng để thay thế trở thành những quả bom trăm ký.

Lửa là phát minh lớn của con người (homme)” là cách nói phải dứt khoát tránh vì người được nói là người đàn ông. Nó biểu hiện rõ sự áp đảo của nam tính, của sức mạnh phụ quyền, một thứ tân thực dân da trắng. Vậy tại sao không nói một cách hay hơn “Lửa là một phát minh lớn của con người (hay nhơn loại?)”.

Vậy khi nhà cháy, theo cẩm nang, thì không nên kêu lính cứu hỏa vì lính cứu hỏa là đàn ông (Le Pompier, thuộc giống đực – Chưa có La Pompière, tiếng giống cái)!

Cứ căn cứ theo cẩm nang của bà Helena Dalli, thì ở nhà, khi nói chuyện với ba của bà, thì bà sẽ gọi ông ấy như thế nào? Thưa ba, thưa cha, thưa bố..., đều không tránh khỏi tính nhị phân.

Xa hơn, cẩm nang sẽ dạy thưa với Hồng Y, Giáo hoàng, Linh mục,… cách nào cho ổn? Rồi khi nói tới Ông Trời mà phải tránh giới tính?

Những tiếng quen thuộc trong tôn giáo bị xóa bỏ

Vẫn theo bà Ủy hội Âu châu Helena Dalli, những tiếng quen thuộc trong tôn giáo nên tránh vì nó hàm ý miệt thị. Trước hết, đây là ý chánh của bà Helena Dalli được viết ra rõ ràng “Hãy tránh cho rằng tất cả mọi người đều là công giáo”. Vì vậy nên tránh dùng những tiếng chỉ ngày lễ mà khi nói lên, người ta sẽ hiểu ngay là nói tới tôn giáo nào. Như tiếng Pâques, Noël, Toussaint,... mà nên nói Lễ mùa Xuân, Lễ cuối năm, Lễ mùa Thu,…

Và cũng theo cách cải tiến mới này, người ta sẽ không nên dùng những tên như “Marie”, “Jean”, không những xác định rõ giới tính, mà còn gợi lại nguồn gốc quá đau thương của anh em chúng ta khác tín ngưỡng.

Ủy hội “Bình đẳng, Đa dạng” của Âu châu đang vận động các cơ chế hãy thật sự bảo đảm thực hiện sự đa dạng về mặt chủng tộc và thiểu số, cả về mặt nhơn dạng, thể chất, tuổi tác... Hãy chọn lựa những hình ảnh của người thiểu số, chủng tộc khác nhau, chưng bày như đây đúng là dân âu châu.

Không nên nói “Những di dân phi châu chỉ có thể tìm được những việc làm không chuyên môn” vì nói như vậy hàm ý khinh miệt người phi châu mà nên nói “Cơ chế lao động thiếu  tính bình đẳng cơ hội nên dẫn đến tình trạng nhiều di dân phi châu phải làm những công việc không chuyên môn”.

Nhưng hòa hợp không chỉ ở hình ảnh mà phải tiến tới phá vỡ khuôn khổ cũ như Nam/Nữ.

“Il” hay “Elle” – “Chàng” hay “Nàng”?

Đại danh từ tiếng pháp chỉ giống đực “Il” và chỉ giống cái “Elle” nay phải hợp lại làm một để tránh phân biệt Nam/Nữ, trở thành một đại danh từ mới không chỉ rõ giống nào hết”IEL”, ghép chung hai tiếng ilelle.

Nhưng nếu chỉ đề cặp ở Âu châu, với Ủy hội của bà Helena Dalli, thì chắc đã không thành vấn đề nghiêm trọng. Đây lại đưa vào Từ điển Robert danh tiếng, tuy chỉ trên mạng. Thế là các giới chức pháp, từ học giả, hàn lâm tới báo chí, đều đồng loạt lên tiếng phản đối quyết liệt. Nhưng chưa thấy Từ điển Robert xóa bỏ.

Ba vần “i, e, l” có vẻ vô hại nhưng ghép lại thành một chữ, nó chỉ những đặc tính không thể chấp nhận được. Nó muốn chỉ một “người không giới tính”. Không Nam, không Nữ.

Không chịu nổi, ông Tổng trưởng giáo dục Pháp công kích “Không nên nhồi nặn tiếng pháp như vậy dù với những lý do nào đi nữa”.

Vấn đề bình đẳng giới tính do bà Helena Dalli nêu ra tuy bị chống đối nhưng có không ít người hưởng ứng. Sẽ thành luật hay không, chưa biết.

Bà Helena Dalli nhiệt tình đổi mới, hủy bỏ cái trật tự cũ triệt để, không chỉ vì bà là Bộ trưởng Bình đẳng của Malte và Ủy viên Âu châu, mà chính vì bà là đảng viên Dân chủ-Xã hội và cực kỳ cấp tiến.

Đối với di dân và vấn đề chủng tộc, bà tỏ ra là người hết lòng theo chủ thuyết “wokisme”.

Cứ nghĩ nếu mai này, Âu châu thực hiện xóa bỏ thật sự giới tính, không còn Il Elle (Chàng và Nàng) nữa thì phải chăng con người ta cùng chấp nhận cách sống mới, cấp tiến, là sống dộng đầu xuống đất, chổng cẳng lên Trời?

Và các bà Âu châu xưa nay mặc váy (jupe), nay, đổi mới, phải mặc quần!

.

Nguyễn thị Cỏ May

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/xahoi/changhaynangsekhongcon.htm


Cái Đình - 2021