Lê Ngọc Vân
Cái giá Trung Quốc phải trả cho chính sách corona trở thành quá cao
Chính sách thật khắc nghiệt đã đưa đến những cuộc phản đối đặc biệt.
Người ta cũng không còn có thể kham nổi chi phí của chúng
.
Đó là cái giá của một điếu thuốc lá. Ông Jie (76) giơ một ngón tay lên. Ông thấy đó chẳng phải là một khó khăn khi hiện giờ ông phải trả cho một xét nghiệm corona. Kể từ đầu tháng 11, cư dân thành phố Quý Dương ở miền nam Trung Quốc đã phải trả 2,6 nhân dân tệ (khoảng 35 cent) trước khi há miệng cho xét nghiệm tại một trong những trạm xét nghiệm ven đường. “Cứ ba ngày lại có một lần xét nghiệm cho gần năm triệu cư dân. Cứ thử tưởng tượng đi, đó là cả mấy triệu nhân dân tệ mỗi ngày. Không có gì đáng ngạc nhiên khi chính phủ không còn khả năng chi trả nữa.”
Tại Quảng trường Zhucheng, nằm lọt thỏm giữa sông Nam Minh và đường cao tốc cắt qua phố cổ, ông Jie nhìn bạn mình đang thả diều. Ông này quả quyết là sợi dây cuốn trong ống dài tới 1000 mét. Chiếc diều biến mất cách đó vài thước, trong sương mù, giống như những ngọn núi và quảng cáo cho rượu mao đài, thuộc tỉnh Quý Châu.
Xét nghiệm Covid cũng không còn miễn phí tại nhiều nơi ở các tỉnh Tứ Xuyên, Cam Túc và Quảng Đông. Giá của nó thay đổi từ 3,5 nhân dân tệ đến 16 nhân dân tệ (khoảng 2 euro), tùy thuộc vào việc một số que thử được cho chung vào một ống nghiệm hoặc là xét nghiệm riêng lẻ cho từng cá hân.
Nhà dịch tễ học Li Wannian cho biết vào tháng 10 là có thể có tới một tỷ xét nghiệm được làm mỗi ngày. Ông tự hào về điều đó, nhưng chi phí tăng lên tới 1,8% tổng sản lượng quốc gia. Nhiều chính quyền địa phương không còn đủ khả năng trả chi phí này. Một phần năm nền kinh tế Trung Quốc đang bế tắc do các biện pháp chống corona. Quý Châu đã chi hơn ba lần số tiền mà chính phủ nhận được trong ba quý đầu năm nay.
Ít thử nghiệm hàng loạt hơn, ít phong tỏa hơn
Áp lực tài chính đó có lẽ là nguyên nhân chính dẫn đến sự “nới lỏng” mà chính quyền Bắc Kinh công bố cách đây 3 tuần. Việc thực hiện chính sách không-covid cần phải được chính xác hơn. Ít xét nghiệm đại trà hơn, ít lockdown hơn. Nếu chính sách corona trở nên dễ quản lý hơn, thì nền kinh tế có thể tiếp tục hoạt động và các chính quyền địa phương như ở Quý Dương sẽ được nhẹ nhõm một chút.
Người dân xếp hàng tại một trạm xét nghiệm ở Bắc Kinh. ©Getty Images
Nhưng biến thể omikron của virus corona không làm những màn tấn công chính xác. Virus đang lây lan nhanh hơn các cơ quan y tế có thể truy tầm ra. Và thế là số ca nhiễm đang tăng cao kỷ lục. Mỗi ngày có thêm khoảng ba mươi nghìn trường hợp, và không giống như trước đây, khi hết thành phố này đến thành phố khác bị dính và phải phong tỏa, cả nước giờ đây là một lò lửa to. Mà mùa đông vẫn còn chưa bắt đầu.
Hầu hết mọi người không còn muốn bị nhốt chặt như hồi tháng Chín. Tình trạng thiếu lương thực đã xảy ra ở một số khu vực trong tỉnh Quý Dương, trong khi những khu phố cổ và tồi tàn hơn của thành phố lại lạnh lẽo và khốn khổ khốn nạn. Bây giờ phần lớn mọi người thậm chí còn không chịu mang khẩu trang nữa. Việc kiểm tra chỉ phải thực hiện mỗi tuần một lần và nhiều người được chủ nhân trả tiền. Có thể làm được, bởi vì ở Quý Châu chỉ có khoảng chừng một trăm trường hợp mỗi ngày. Các đợt bùng phát dịch vẫn có thể kiểm soát được.
Chính phủ Trung Quốc tin tưởng vào chính sách không-covid kể từ đầu năm 2020. Như ở Úc, New Zealand, Đài Loan và Nhật Bản chẳng hạn, Trung Quốc đã cố gắng ngăn chặn virus bằng cách đóng cửa biên giới và cách ly mọi người ngay khi phát hiện họ bị nhiễm bệnh. Nhưng bây giờ đã có thuốc chích ngừa. Các bệnh viện biết cách điều trị người bị nhiễm corona. Và các biến thể mới của virus dường như ít gây tử vong hơn. Điều này đã cho các quốc gia tạm rảnh tay để từ bỏ chiến lược không-covid một cách dè dặt. Trong khi đó Trung Quốc là quốc gia duy nhất vẫn đang bám chặt vào điều này.
Không có cách nào khác, đó là thông tin theo luồng chính thức. Nhóm dân số cao tuổi, dễ bị tổn thương ở khu vực nông thôn không được bảo vệ đầy đủ chống lại virus. Theo số liệu mới đây, 65,7% người trên 80 tuổi đã được chích ngừa đầy đủ. Chỉ có 40 phần trăm đã được chích mũi tăng cường (booster).
Một trong những lý do chính của việc tồn đọng này là Trung Quốc bắt đầu chích ngừa cho dân lao động. Chưa bao giờ có sự tập trung nhắm vào lớp người cao tuổi, điều này cũng dẫn đến việc thiếu dữ liệu về nhóm tuổi đó. Hơn nữa, từ xưa vốn đã có truyền thống không tin tưởng vào thuốc chủng ngửa.
Có lẽ vì thế mà trung ương chủ yếu giao việc thực hiện cho chính quyền địa phương. Thêm vào đó, Quý Châu cũng là một trong những tỉnh nghèo nhất, với tỷ lệ mù chữ tương đối cao (8% dân số). Do đó, người ta đặt nhiều tin tưởng vào cấp ủy của địa phương. Các chi bộ đảng cấp tổ dân phố đó đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chính sách 0-covid.
Quận Huaxi đã so sánh những người trên 60 tuổi trong sổ đăng ký nhân khẩu với sổ đăng ký tiêm chủng. Mỗi ủy ban khu phố sau đó được kêu gọi phải đến hỏi thăm những người già chưa chích ngừa.
Ba anh em sống cạnh nhau
Qua cách đó họ đã làm cho các gia đình anh em nhà họ Lao đi chích ngừa. Ba ông già sống cạnh nhau trong một ngôi làng nhỏ phía bắc thành phố. “Họ đến tận cửa và khuyên chúng tôi đi chích ngừa. Thấy có vẻ như chúng tôi bị bó buộc phải làm cái gì đó,” ông Lao nói trong căn bếp của ngôi nhà ông tự xây lên. Ông hơ chân trên bếp than đang bập bùng giữa phòng. Ngoài kia, trong vườn rau trước nhà, đàn ngỗng của ông đang phá phách. “Lúc đó thì mọi người đều bị chích ngừa, kể cả ông cụ 90 tuổi sống ở cuối đường. Miễn phí." Bà Lao thừa nhận bà thấy điều đó ghê quá. "Tự nhiên mình thấy như thế. Nhưng khi thấy ai nấy đều được chích thì tôi không còn thấy sợ nữa”.
Một nhân viên dịch vụ y tế tiến hành xét nghiệm đi bộ trên đường phố
ở Bắc Kinh trong bộ quần áo bảo hộ. ©Getty Images
Biện pháp này đã đẩy tỷ lệ chích ngừa chính thức ở Quý Dương lên trên 90% theo yêu cầu. Nhưng không thể kiểm tra ngoài đường xem người ta có thực sự được chích ngừa hay chưa. Áp lực xã hội rất cao. Những người thực sự không muốn chích ngừa thường viện dẫn một căn bệnh hiện có. Ông Lý (74 tuổi) đang ngồi trên vỉa hè bên cạnh đống bưởi. “Khi những người của ủy ban khu phố đến gõ cửa, tôi nói rằng tôi không muốn chích,” ông nói. “Tôi thấy trên truyền hình rằng những người mắc bệnh tiềm ẩn không được chích ngừa. Chứng hở tim của tôi không nằm trong danh sách đó, nhưng tôi sống có một mình, vì vậy tôi nghĩ mình chẳng bị gì nếu không tiêm phòng.”
Ông Huang Yanzhong biết rằng đó là một lý do phổ biến ở những người dân vùng nông thôn. Ông là chuyên gia chăm sóc sức khỏe quốc tế tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của Hoa Kỳ. “Những người đó nghĩ rằng có chính sách 0-covid là ổn rồi. Họ cảm thấy mình được chính sách bảo vệ tốt, nhưng bản thân họ thì lại không bị phong tỏa vì khu vực rộng lớn nơi họ sinh sống không có virus.”
Đó là một bí ẩn tại sao Bắc Kinh không nỗ lực hơn để chích ngừa cho những người cao tuổi. Các nỗ lực đang được thực hiện và chắc chắn sau đợt phong tỏa ở Thượng Hải vào tháng 4 và tháng 5 năm nay, người ta đã chú ý nhiều hơn đến việc chích ngừa. Trong các chiến dịch ở Quý Dương, trái cây và rau quả miễn phí đã được phân phát, điều này đã thuyết phục những người như ông Jie chấp nhận cho chích. "Tại sao lại không? Không phải trả tiền. Và dịch vụ rất tốt, họ biếu cho mình cả trứng và mì, miễn phí.”
Cuộc biểu tình ở Bắc Kinh vào cuối tuần trước, một phần được thúc đẩy
bởi chính sách không-covid. ©Getty Images
Hơn nữa, hầu như không có trò đe dọa nằm phía sau. Ở các thành phố, khi đi vào chỗ nào đó mọi người phải chứng minh rằng họ vừa được xét nghiệm, nhưng người ta không bao giờ bắt họ đưa giấy chứng nhận đã chích ngừa. “Thật là khó hiểu,” ông Huang nói. “Chính phủ lẽ ra có thể làm khá hơn. Có lẽ họ chỉ đơn giản là bất tài mà thôi."
Trung Quốc chỉ chích ngừa bằng vắc-xin sản xuất trong nước, loại vắc-xin này không hiệu quả bằng vắc-xin mRNA được sử dụng ở châu Âu, nhưng nó ngăn ngừa được hậu quả tử vong do nhiễm bệnh. Do chính sách 0-covid, virus hầu như không phát tán trong dân chúng. Điều này có nghĩa là có rất ít khả năng miễn dịch tự nhiên, nhưng cũng có nghĩa là mọi người không biết phải làm gì với virus. Nếu bạn bị nó nhiễm vào thì sao? Bạn sẽ bị bệnh nặng nhẹ ra sao?
Bắc Kinh không chuẩn bị cho người dân về sự bất an này. Sau ba năm corona, hầu hết người dân Trung Quốc vẫn nghĩ rằng bạn phải đến bệnh viện khi nhiễm corona và cần được 'điều trị'. Cũng như không có chiến dịch chích ngừa rộng rãi, không có chiến dịch cập nhật tình hình.
Giường trong khu chăm sóc đặc biệt
Trong một cuộc họp báo cách đây hai tuần, hội đồng tư vấn y tế nói rằng các bệnh viện nên mở rộng quy mô các khoa chăm sóc đặc biệt. Điều đó mang lại hy vọng. Liệu Bắc Kinh có muốn để virus luân lưu và hạn chế thiệt hại?
Và sau đó là câu hỏi liệu Bắc Kinh có muốn đưa ra các biện pháp nới bớt ở mức khả thi để kiềm chế tình trạng bất ổn hiện tại, chẳng hạn như cuối tuần trước ở Thượng Hải hay không.
Hiện tại, sẽ không có thêm lời giải thích nào từ phía chính phủ và ý định mở rộng quy mô bệnh viện chỉ có giá trị nếu nó cũng được thực hiện. Gần sáu triệu người sẽ cần giường trong phòng chăm sóc đặc biệt nếu Bắc Kinh từ bỏ hoàn toàn chính sách 0-covid, theo ước tính của hãng tin Bloomberg. Hệ thống chăm sóc sức khỏe không thể đối phó trong tình trạng đó khi họ có chưa tới bốn giường cho một trăm nghìn dân.
“Nếu mục tiêu là giảm thiểu, chính phủ nên dự trữ thuốc và mở rộng chiến dịch chích ngừa,” ông Huang nói. Nhưng một vấn đề là có lẽ trước tiên chính phủ muốn tự nghiên cứu chế tạo ra vắc xin mRNA. Chủ nghĩa dân tộc tự tôn đã ngăn cản Trung Quốc nhập khẩu vắc xin có hiệu quả hơn, từ nước ngoài. "Thế nhưng, nếu họ nói rằng họ muốn đặt cuộc sống của mọi người lên hàng đầu, thì nó sẽ không thể ngăn chính phủ thực hiện điều này."
.
Nguyên tác: De prijs van het coronabeleid wordt voor China te hoog. Eva Rammeloo. Trouw, 28.11.2022
Người dịch: Lê Ngọc Vân
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/xahoi/caigiatrungquocphaitra.html