Lê Ngọc Vân
Bị vùi dập cho đến mệt nhoài bởi cuộc phong tỏa lâu nhất của Trung Quốc, thành phố thương mại Thụy Lệ (Ruili) đã biến thành một phòng xét nghiệm dưới sự giám sát
.
Nhờ vào việc buôn bán ngọc bích, Thụy Lệ (Ruili) trước đây là một trong những thành phố sôi động nhất ở Trung Quốc.
Nhưng sau hai trăm ngày bị phong tỏa, thị trấn biên giới này đã biến thành một phòng xét nghiệm
của nhà nước chuyên đi giám sát. Người dân bảo nhau: Mei banfa: bó tay.
Thụy Lệ, một thành phố nằm sâu trong vùng tây nam Trung Quốc,
với cảnh tượng hoang vắng. Hình: Visual China Group/Getty Images
Từ Kim Cảng, một ngôi làng sặc sỡ nằm ở chân đê dọc theo con sông làm biên giới giữa Trung Quốc và Miến Điện, chỉ cần chưa đến một phút đi xe đạp là đến khu thượng lưu Mãnh Mão (Mengmao), trên đại lộ dọc bờ sông, nơi mà xưa kia bạn đã từng thấy được cảnh quan xinh đẹp khi chiêm ngưỡng dòng nước lờ đờ trôi. Chỉ cần chưa đầy một phút đạp xe, nhưng đó là một trải nghiệm tưởng như không thực. Giống y như một chuyến du hành xuyên qua bộ phim khoa học viễn tưởng kiểu rối loạn, một bản tiên đoán về một tương lai theo cách của George Orwell.
Khởi đầu là một máy thu hình, đặt phía trái của cây rào chắn, mà bạn phải để cho nó quét khuôn mặt mình. Chỉ có những người nào đã cho phép sử dụng chi tiết cá nhân và đã được thử đầy đủ thì chiếc rào chắn mới dở lên cho bạn qua. Bên phải là hai người quản lý khu vực đang ngồi: đó là những công chức có nhiệm vụ canh chừng 180 cư dân – 155 người Trung, 25 người Miến – trong một khu vực đã được chỉ định cho họ. Những nhân viên ngồi canh mang bên mình một danh sách tên, và một thùng nước tẩy trùng.
Sau đó ta sẽ đi tiếp giữa hai bức màn ngăn màu đen, cao chừng 5 thước, che kín toàn khu khuất tầm mắt. Trên những bức màn che này có treo những biểu ngữ màu đỏ với những khẩu hiệu như: ‘Hãy tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc chiến đẩy lùi ranh giới dịch bệnh’, hoặc ‘Mỗi làng là một pháo đài, mỗi nhà là một trạm gác, mỗi người là một quan sát viên.’ Và, bên trên con đường hầm dẫn ra Kim Cảng: ‘Bảo vệ phòng tuyến ranh giới, sẵn sàng hy sinh’.
Phong tỏa lâu nhất trên toàn Trung Quốc
Thụy Lệ chào đón quý vị, một thành phố nằm sâu trong vùng tây nam Trung Quốc, sát dọc theo biên giới với Miến Điện. Cho tới 3 năm trước đây, nơi này là một trong những thành phố sôi động nhất của Trung Quốc, một thỏi nam châm thu hút các thương gia, nghệ nhân và du khách. Hiện nay Thụy Lệ nổi tiếng vì một lý do không đáng để ganh tị: trong tất cả các thành phố, đây là thành phố chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi chính sách ‘không covid’ (zerocovid). Thành phố bị phong tỏa lâu nhất trên toàn cõi Trung Quốc.
Cuộc phong tỏa Vũ Hán kéo dài 77 ngày. Thượng Hải chính thức chịu hai tháng, tuy nhiều cư dân trên thực tế bị nhốt trong nhà lâu hơn, và những biện pháp phong tỏa tạm thời cho từng khu vực vẫn còn kéo dài cho đến ngày hôm nay. Nhưng trong hai năm rưởi vừa qua, các cư dân Thụy Lệ đã chịu chín lần phong tỏa liên tiếp nhau, tổng cộng hơn hai trăm ngày. Khu thương mại quan trọng nhất, Thư Cáo (Jiegao, cũng được gọi là Thư Cố), đã bị sơ tán và đã trở thành chốn không người, để ngăn sự xâm nhập covid từ phía Miến Điện tới. Hơn nửa số cư dân đã rời bỏ thành phố trong hai năm qua.
Một khu chợ trống không tại Thụy Lệ. Hình: Leen Vervaeke
Gần đây, Thụy Lệ đã chính thức mở cửa lại, lần đầu tiên sau 1 năm. Nhà cầm quyền địa phương nói là các cư dân được phép ra vào thành phố, ngay cả ra vào trong khu Thư Cáo trước kia đã từng bị di tản. Điều đó, khi nói ra, nghe như thể dịch covid trong vùng đã nằm trong tầm kiểm soát, và Thụy Lệ bắt đầu khôi phục trở lại. Khu buôn bán ngọc bích đã mở cửa lại, những thương gia được khuyến khích quay trở lại và giới chức địa phương thậm chí còn bắt đầu một chiến dịch quảng cáo du lịch. Thụy Lệ đã được phục hồi danh dự.
Đây là khoảng khắc cho một chuyến viếng thăm phòng tuyến đã bị tổn hại nặng do chính sách zerocovid. Thành phố đã thực sự hồi sinh chưa? Những gì còn sót lại của một khu thương mại Thư Cáo đầy sinh khí? Người dân nơi đây ra sao sau hai trăm ngày phong tỏa? Và vì sao họ phải cho máy nhận diện và đi giữa hai bức màn đen?
Người nào đến thăm Thụy Lệ trong những ngày này sẽ bắt gặp một thị trấn nhỏ mất sinh khí, với sự pha trộn sắc thái giữa Trung Quốc và Miến Điện. Phố xá đầy chùa chiền có nóc màu kim nhũ và tượng voi, những cửa hàng với ghi chú bằng hai thứ tiếng, và các cây xoài cùng sầu riêng trĩu nặng trái chín. Rõ ràng đây là một thành phố thịnh vượng, với các biệt thự xa hoa và các cơ sở thương mại trang trí lộng lẫy. Nhưng, nó cũng hết sức yên tịnh. Hầu như không có lưu thông, và phần lớn các cửa hàng đều đóng, như thể tất cả thành phố đều chìm trong giấc ngủ trưa êm ả.
Thủ đô ngọc bích
Khác ra sao, so với ba năm về trước? Trước thời covid Thụy Lệ nổi tiếng là ‘thủ đô ngọc bích’, những viên đá quý màu trắng hoặc xanh lục mà dân Trung Quốc chịu chi những số tiền khổng lồ để mua chúng. Người Tàu cho rằng ngọc bích có khả năng bảo vệ, họ còn đánh giá nó cao hơn cả vàng. Và thế là Thụy Lệ ngày trước ngả hẳn sang ngọc bích: có một ngôi chợ lớn chuyên buôn bán ngọc thô, một mạng lưới những người mài giũa, chạm khắc và những nghệ nhân khác, rồi hàng ngàn cửa hàng ngọc bích, đầy ngập nhẫn, vòng đeo tay, xâu chuỗi và bùa hộ mệnh.
Ngọc bích Thụy Lệ là cả một huyền thoại, và chúng hấp dẫn dân chuộng ngọc khắp Trung Quốc. ‘Mỗi ngày ở đây có nhiều chiếc bus to chở đầy du khách đậu kín, cả mấy cây số chung quanh chợ ngọc bích không thể kiếm ra nơi có thể đậu xe.’, bà Wei Qinyan, một người bán máy vi tính 33 tuổi nói. Mười năm trước bà đã đến Thụy Lệ lập nghiệp. ‘Hồi đó, nếu các vị muốn đến chợ vào giờ này (4 giờ chiều) thì gần như không thể chen lấn để vào. Bây giờ thì không như thế nữa rồi. Mọi người có thể thoải mái đến đây bất cứ giờ nào cũng được.’
Sự thành công của Thụy Lệ là nhờ vào vị trí địa dư, thành phố nằm ngay biên giới với Miến Điện, nơi 90 phần trăm ngọc bích trên toàn thế giới được khai thác. Mọi thứ tập trung nơi khu Thư Cáo, một dẻo đất của Thụy Lệ trên bờ nam của con sông ranh giới, như một bán đảo Trung Quốc trên đất Miến. Vào đầu thiên niên kỷ này, một khu thương mại biên giới được lập nên và người dân vùng này được qua lại tự do. Thư Cáo trở thành nơi gặp gỡ lý tưởng cho thương buôn Miến Điện và Trung Quốc, và từ đó địa điểm này đã trở thành cái nút trong giới buôn ngọc bích.
‘Chúng tôi ngày nào cũng đến chợ Thư Cáo,’ bà Xie nói. Có quê ở Giang Tây, một tỉnh ven biển phía đông, bà dọn nhà đến Thụy Lệ năm 2008 để mong tìm một cuộc sống khá hơn. ‘Hồi đó mỗi ngày có cả ngàn dân buôn ngọc tới đây, cả hàng tấn ngọc thô trực tiếp từ những mỏ ở Miến Điện đổ vào. Nếu chúng tôi thấy viên đá nào vừa mắt là chúng tôi mua ngay và cắt một đường để xem thử. Nếu nó tốt, chúng tôi giữ lại, còn nếu không thì chúng tôi bán nó, coi như gặp rủi.’
Dân Tàu ham mê cờ bạc
Bà Xie xuất thân từ một gia đình có truyền thống buôn bán ngọc bích, nhưng bà thấy ở Thụy Lệ một cách làm ăn béo bở: chơi trò may rủi với ngọc. Ngọc thô, vừa được cắt mặt để xem thử cho thấy bên trong ra sao, nhưng giá trị của nó còn thay đổi nhiều tùy theo độ sáng và độ tinh khiết của viên đá. Điều này hấp dẫn những người Trung Quốc mê cờ bạc, họ mơ ngày nào đó mua được viên đá với giá rẻ mà trong đó ẩn giấu một kho tàng bất ngờ, thế nhưng – đương nhiên – thường là họ mất tiền toi.
Bà Xie đầu tư vào một khách sạn nhỏ ở Thụy Lệ. Tại gian sảnh tiếp khách, bà thiết lập một phòng trưng bày ngọc gia truyền của bà, còn những gian phòng bên trên được bà cho các người ham trò may rủi trong việc mua bán ngọc thuê. Những người này trưng bày ngọc thô của họ trong những phòng nhá nhem tối, cho những người ham may rủi dùng đèn bấm xem xét độ phản chiếu của viên ngọc. Trước nạn dịch covid mỗi ngày có năm sáu chục người thử vận may tại đây. ‘Đúng là kiếm tiền thoải mái,’ bà Xie nói. ‘Du khách này, dân thương buôn này, người nào cũng có tiền. Chẳng cần phải làm gì nhiều.’
Dùng chiếc đèn bấm soi để đánh giá chất lượng của viên ngọc bích từ một viên đá thô
Cứ như thế Thụy Lệ trở thành thiên đường Trung Quốc. Một thành phố đầy ngọc bích và nữ trang, sòng bài và tiền ra vào như nước. Nhưng cũng như thường xảy ra khi dễ kiếm tiền, là có hơi hám. Nhiều mỏ ngọc bích Miến Điện đã được khai thác trong tình trạng mờ ám, người ta dùng nó cho việc tài trợ cuộc chiến giữa các lực lượng võ trang trong nước. Cũng có một lượng lớn ngọc bích được chuyển lậu qua biên giới với Trung Quốc qua dân buôn lậu. Ở Thụy Lệ có nhiều sắc dân thiểu số, qua liên hệ gia đình ở hai bên biên giới, họ tạo thành những mạng lưới buôn lậu.
‘Dân buôn lậu dấu đá trong xe hơi của họ,’ ông Leng, một thương gia buôn sỉ trong lãnh vực vòng đeo tay và đeo cổ, nói. Ông nói toạc tất cả mà không sợ ai, vì chuyện buôn lậu đã trở thành dĩ vãng. ‘Bọn họ dùng xe hơi Nhật, dọn trống bên dưới sàn xe và thồn đá vào trong đó. Khi nào chúng tôi kiếm được hàng tấn đá, chúng tôi nhờ cả làng vận chuyển nó một cách bí mật. Trong làng mọi người quen mặt nhau. Họ chuyển hàng qua biên giới và chia nhau tiền. Giá rẻ mạt.’
Một lỗ hổng trong bong bóng zerocovid
Nhưng rồi dịch covid bộc phát, và sự hỗn độn nơi Thụy Lệ – do đường biên giới ‘bị lủng nhiều chỗ’ – trở thành một vấn đề. Trong khi Trung Quốc áp dụng chính sách zerocovid thì Miến Điện tràn ngập virus. Năm 2021 lại có đảo chính ở nước này do nhóm quân nhân phát động, đã gây nên cuộc nội chiến. Người tị nạn Miến Điện bắt đầu đi theo con đường buôn lậu ngọc bích thời trước để lén vào Trung Quốc, mang theo virus trong người. Thụy Lệ trở thành lỗ thủng trong bong bóng zerocovid của Trung Quốc. Thành phố bị đóng cửa.
Ba chiếc bàn làm việc bằng cây, những đầu khoan đủ cỡ, dây dẫn nước và các ngọn đèn chói mắt: căn phòng trọ của Chen Xueqiang được cải biến thành xưởng chế tác ngọc. Ông Chen là một nghệ nhân chạm khắc bậc thầy ở Phúc Kiến, thành phố ven bờ biển phía đông. Năm 2004 ông đến Thụy Lệ mở một cơ xưởng với hai chục nhân công. Nhưng rồi dịch covid bộc phát và Thụy Lệ chịu phong tỏa, làm ông Chen phải đóng cơ sở. Hai năm qua ông nằm nhà, trong căn phòng trọ của ông để làm tiếp nghề chạm khắc.
Từ khi có dịch covid, Thụy Lệ chịu phong tỏa nhiều lần nhất khiến cho cư dân ở đó không còn có thể đếm nổi là bao nhiêu lần nữa. Họ bị bắt ở trong nhà vào cuối năm 2020, đầu năm 2021, nửa năm cuối 2021, Tết âm lịch 2022 và sau đó còn một trận nữa. Các trường học đóng cửa suốt năm 2021. Ngành buôn bán ngọc bích ngừng lại, thậm chí mua bán qua mạng cũng bị cấm, vì gửi hàng qua bựu điện từ Thụy Lệ bị cấm.
‘Cứ liên tục đóng, mở, đóng, mở,’ bà Xie, người bán ngọc, nói. ‘Đôi lúc họ nói là chúng tôi được phép mở lại, nhưng tuần sau đó lại phải đóng cửa. Như vậy làm sao buôn bán gì được. Chúng tôi chỉ được phép ra ngoài để mua đồ ăn, và chúng tôi phải chịu xét nghiệm mỗi ngày. Cứ thế ngày này qua ngày khác: ăn và thử, ăn và thử. Có lúc tôi chẳng thèm kéo màn cửa lên nữa. Chúng tôi cứ ở trong nhà với màn cửa đóng kín và sinh hoạt trong đó.’
‘Rồi chắc chắn là mọi chuyện sẽ khá lên’
Phong tỏa càng lâu thì càng có nhiều người rời bỏ Thụy Lệ. Theo công chức chính phủ, được báo chí Trung quốc trích dẫn lại, số cư dân từ 500 ngàn người trước khi có dịch covid (tính luôn cả những thương gia người Miến) đã giảm xuống còn 200 ngàn vào cuối năm 2021. Khi toàn bộ dân chúng vào tháng tư 2021 bị bắt phải xét nghiệm, có 380 ngàn xét nghiệm đã được thực hiện, một năm sau đó chỉ còn có 190 ngàn. Đa phần chỉ có những thương buôn với cửa hàng riêng và kho ngọc riêng là còn ở lại.
Ông Chen, một nghệ nhân giàu kinh nghiệm trong ngành chạm khắc đóng cửa cơ xưởng và thấy là cả hai chục công nhân của ông rời bỏ Thụy Lệ. Suốt mấy tháng trường ông nằm nhà để khắc bức tượng Quan Âm, một vị bồ tát tượng trưng cho lòng từ bi. Ông coi đây là một sự đầu tư: bắt đầu từ một viên đá thô trị giá 79 ngàn euro, ông hy vọng kết thúc với bức tượng có giá là 300 ngàn euro. Ông cho biết: ‘Tôi đang ăn dần vào tiền để dành. Nhưng nếu nạn dịch qua đi, tôi sẽ mang những viên đá của tôi ra và bán chúng.’
Những gian trưng bày hàng khóa cửa ở Thụy Lệ. Hình: Leen Vervaede
Bà Xie bán ngọc thấy tất cả các khách thuê khách sạn của bà bỏ đi, nên bà cho thằng con với đứa cháu cũng đi khỏi luôn, còn bà ở lại Thụy Lệ suốt thời gian phong tỏa. ‘Nếu mướn nhà mà có chuyện gì xảy ra, chỉ cần xách gói ra đi. Nhưng với cả số hàng bán buôn, chúng tôi không thể bỏ đi như vậy được. Chúng tôi đã giữ được gần ba năm rồi, thì bây giờ chúng tôi cũng không bỏ nó. Chắc chắn là mọi chuyện sẽ khá lên. Nhà nước đang cố gắng đưa dân chúng trở lại, để cứu lấy ngôi chợ và thành phố.’
‘Chắc chắn là mọi chuyện sẽ khá lên' – nghe như một câu thần chú được nhà cầm quyền địa phương lập đi lập lại, còn cư dân thì bám chặt vào nó. Kể từ cuối tháng ba (2022) Thụy Lệ đã hết bị phong tỏa, các cửa hàng được phép mở cửa lại từ cuối tháng tư, và một ngôi chợ ngọc bích mới xây, nằm bên ngoài Thư Cáo, được mở cửa. Những thương gia đã quay trở lại, và bà Xie trong những ngày vừa qua lại có khách thuê phòng trọ trong khách sạn của bà, cho dù bà đã phải giảm giá nhiều. Chỉ còn thiếu có mỗi khách hàng. Những tay buôn bán ngọc và những người bán đá theo kiểu may rủi ngồi buồn xo, lướt mạng trên máy điện thoại của họ.
Nhiệm vụ chính của người quản lý mạng lưới dân cư
Chính phủ tự tin rằng lần này dịch covid thực sự nằm trong tầm kiểm soát. Muốn có được chuyện này, họ đã ban bố nhiều biện pháp quyết liệt. Biên giới giữa Thụy Lệ và Miến Điện – dài 170km và trước kia luôn được coi là ngoài tầm kiểm soát – thì nay đã bị đóng kín hoàn toàn. Dọc theo con sông biên giới có dựng một hàng rào cao 5 thước, có tấm vải nhựa đen bao phủ. Cây cối bị đốn, ban đêm có đèn chiếu sáng quắc và cảnh sát từ khắp nơi trên Trung Quốc được điều tới để tuần tra dọc hàng rào.
Những biện pháp can thiệp vào Thư Cáo thật là quyết liệt, nơi mà trước dịch covid có 15 ngàn người sinh sống. Tháng tám năm 2021 khu thương mãi biên giới bị hoàn toàn sơ tán. Phần lớn những người Miến Điện bị trục xuất, và người Trung Quốc bị dồn lên xe bus chở đến các khách sạn cách ly để sau đó được chở về cho sống tại Thụy Lệ. Kể từ khi đó Thư Cáo trở thành một vùng trái độn chống lại covid. Cả khu hoàn toàn bị bỏ phế, chỉ còn chừng trăm dân.
Ít lộ liễu hơn, nhưng ít nhất cũng quan trọng không kém: tại Thụy Lệ hệ thống mạng lưới quản lý cư dân được ban hành. Toàn bộ thành phố được chia ra thành từng ô – như những mắt trong cái lưới – có từ 150 tới 200 người, và mỗi ô có một người quản lý, gọi là quản lý ô. Hệ thống kiểm soát kiểu này đã có trên toàn quốc, nhưng bình thường nó hoạt động một cách kín đáo, nằm chìm phía sau hậu trường. Nhưng ở Thụy Lệ người quản lý ô lại lãnh một nhiệm vụ chính: họ cung cấp thực phẩm và thuốc men cho cư dân trong những đợt phong tỏa, kiểm soát sự ra vào khu, và sắp đặt cho mọi người được xét nghiệm đầy đủ.
Một bà buôn ngọc bích đang xem xét số đá mà bà bán nó theo kiểu may rủi. Hình: Leen Vervaeke
Quyền hạn của những người quản lý ô tại Thụy Lệ thay đổi thường xuyên, tùy theo mức độ nghiêm trọng của nạn dịch. Nhưng cho dù bây giờ Thụy Lệ đã chính thức mở cửa, người dân vẫn phải xin người quản lý ô cho phép họ đi ra hoặc đi vào thành phố. Tại những trạm kiểm soát chung quanh Thụy Lệ và ở cổng vào những tòa gia cư quan trọng trong thành phố, như chợ ngọc bích hay bệnh viện người ta dựng cổng có gắn thiết bị nhận diện. Chỉ có những người có phép của người quản lý ô mới đi qua được. Những hệ thống nhận diện tương tự cũng đang thành hình ở khắp nơi trên Trung Quốc.
Phòng xét nghiệm của nhà nước chuyên giám sát
Thụy Lệ trở thành một phòng xét nghiệm của nhà nước Trung Quốc chuyên giám sát, nhưng phần lớn người dân dường như không thấy đó là chuyện lạ. Họ than phiền về những mặt đặc thù của chính sách zerocovid – như chi phí của khách sạn cách ly, sự hạn chế trong trợ cấp – nhưng tự họ hoàn toàn không đặt nghi vấn về chính sách. Chính sách zerocovid đối với họ là chuyện đương nhiên phải có, thể như trái đất thì tròn và mỗi ngày có 24 giờ vậy. Và Thụy Lệ chỉ bị mỗi tội là giáp ranh với Miến Điện, nơi covid đang tung hoành như chỗ không người. Vậy thì kiểm soát gắt gao hơn đúng là giải pháp duy nhất nếu mình không muốn bị phong tỏa, theo họ nghĩ.
‘Hồi trước chuyện này không cần,’ bà bán máy vi tính tên Wei nói. ‘Hồi đó không có trạm kiểm soát trên đường cao tốc, người ta có thể đi tới đi lui lúc nào tùy ý. Nhưng bây giờ người ta cần biết người nào từ đâu đến, nếu không thì người ta lén lút nhập. Nếu họ mang theo virus thì cả thành phố lại bị phong tỏa nữa.’ Bà Xie bán ngọc tóm tắt bằng câu phản đối tiếng Hoa thông dụng: ‘Mei banfa, bó tay thôi; xét cho cùng, tại vì chúng tôi ở trong một thị trấn sát biên giới.’
Mei banfa – cụm từ này ở Trung Quốc được nghe thường xuyên đến mức nó gần như trở thành một châm ngôn. Nhưng không nơi nào người ta nghe thấy nó nhiều như ở Thụy Lệ. Nó trở thành một thành ngữ trên cửa miệng, ở một đất nước mà sự phản kháng đối với chính phủ hiếm khi có hiệu quả và việc tuân thủ khiến cuộc sống dễ dàng hơn rất nhiều. Có lẽ cũng từ việc tự kiểm duyệt, như một cách xua một chủ đề nhạy cảm ra khỏi sự suy nghĩ. Mà đây cũng là cách để có được sự kiên trì, không dừng lại quá lâu trước trở ngại, mà hãy đứng lên và đi tiếp.
Những con buôn với các cục đá của trò mua bán theo cách may nhờ rủi chịu. Hình: Leen Vervaeke
Thái độ này, ở dạng cực đoan nhất, có thể thấy ở Thư Cáo. Kể từ đầu tháng sáu (2022) cư dân được phép vào trong khu nếu xuất trình được kết quả xét nghiệm âm tính. Trên thực tế dường như mọi ràng buộc được áp dụng: người dân cho biết là họ phải có phép của người quản lý ô, và nhận được một khoảng thời hạn ấn định, thí dụ để họ đến cửa hàng quen của họ để lấy hàng.
Hai năm trong cô đơn
Người nào vào trong vùng Thư Cáo sẽ gặp một thành phố ma. Những con đường thẳng tắp đã chết lặng, bất cứ nơi nào bạn nhìn cũng giống như hậu cảnh của một cuốn phim về những gì sau ngày tận thế. Tất cả cửa cuốn đều đóng kín, có dán giấy niêm phong, và chó hoang lang thang bữa bãi giữa đường. Thỉnh thoảng một xe tuần tiễu của cảnh sát chạy ngang, còn ngoài ra tuyệt nhiên chẳng có ai nữa. Cho tới khi bất chợt, nơi cuối con phố trống, tại một cửa hiệu đang mở, có một người ngồi dưới tấm cửa cuốn lên nửa chừng.
Người cưỡi xe máy chạy ngang cổng có gắn thiết bị nhận diện. Hình Leen Vervaeke
Ông này nói là ông đến từ Hồ Nam, cách đây 2.000km. Từ năm 2002 ông sống ở Thư Cáo, và có một cửa hàng ngọc bích với một tủ sắt đầy ngọc. Khi Thư Cáo bị sơ tán, ông được phép đặc biệt ở lại, phép này chỉ cấp cho một trăm thương gia. ‘Tôi phải trông chừng cửa hiệu,’ ông nói. ‘Chúng tôi vừa mới thu được 1 triệu nhân dân tệ (tương đương 150 ngàn euro) tiền bán đá. Nói dại, giả sử khi đó chúng tôi bị mất chỗ này thì sẽ ra sao?’
Bởi thế ông đã ở lại, khi tất cả cư dân bị dồn lên các chuyến xe bus và chở ra khỏi thành phố. Ông đã sống hai năm vừa qua như một nhà ẩn dật trên gác của căn nhà, mỗi tuần nhận thực phẩm một lần của chính phủ, và cố gắng giết thời giờ. Ông cho biết: ‘Tôi xem truyền hình, và video từ Tiktok. Tôi uống trà. Thỉnh thoảng tôi ra ngoài, ở đây, ngay trước cửa hiệu, nhưng không được lâu, vì cảnh sát đi tuần tra. Chúng tôi không được phép rời khỏi nhà.’
Hai năm trong cô đơn, hai năm bị nhốt trong nhà. Ông ta có trở nên điên chăng? Ông già Hồ Nam nhún vai, lại bắt đầu với ‘mei baifa’, nhưng tự dưng ông bật ra. ‘Trận dịch này kéo dài quá lâu. Tôi không chịu đựng thêm được nữa. Tôi đã mất hết tiền bạc, tôi không thể trả lại số tiền tôi đã vay mượn. Ở đây tôi còn có của cải, là cửa hiệu và mấy cục đá, nếu không thì tôi đã bỏ đi từ lâu rồi. Khi nào tôi bán được chúng là tôi cuốn gói khỏi đây ngay. Tôi ngồi đây chỉ để canh cửa, thật là vô ích một cách chó đẻ.’
***
Ghi chú: Người đàn ông Hồ Nam ở Thư Cáo không muốn cho biết tên. Những tay buôn Xie và Leng chỉ cho biết họ mà thôi. Ở Trung Quốc nếu nói chuyện với truyền thông (ngoại quốc) thì có thể bị nhà nước trừng trị.
.
Nguyên tác: Murw gebeukt door de langste lockdown van China is handelsstad Ruili veranderd in een surveillancelab. Leen Vervaeke.
Trích từ: De Volkskrant, 23/07/2022
Người dịch: Lê Ngọc Vân
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/xahoi/bivuidapchodenmet.html