Trần Ngọc
Báo cáo thường niên 2022 về nạn buôn người từ Việt Nam
Cảnh sát Anh quốc đang nghiên cứu hiện trường khi phát giác 39 người chết trong xe tải đông lạnh
Vào cuối tháng 10/2019 một chiếc xe tải bị chặn ở Grays (Anh quốc). Trong xe có 39 thi thể – gồm 8 phụ nữ và 31 thanh niên, tất cả đều là người Việt Nam, tất cả đã chết do thiếu dưỡng khí hoặc/và nhiệt độ quá cao trong xe. Tài xế lái chiếc xe này lái xe từ Zeebrugge (Bỉ) để đưa xuống phà sang Anh sau đó đã bị tuyên án 15 năm tù.
Trong vụ này, cũng như trong vài cuộc điều tra trước đây về mạng lưới buôn người từ Việt Nam, Trung tâm Di dân Liên bang của Bỉ – mang tên Myria – đã đóng góp một phần lớn trong việc truy tìm nguồn gốc và bản chất của sự việc. Trong bản báo cáo thường niên năm 2022 về nạn buôn người được công bố vào tháng 12/2022, Myria đã cho thấy nạn buôn người qua hình thức ép buộc phải trả tiền có quy mô lớn hơn người ta tưởng. Ngoài ra, trong vụ chết ngạt trong xe tải năm 2019, khi so sánh dấu tay, họ đã truy ra là 38 người trong số 39 nạn nhân này đã có thời gian lưu trú ở Hòa Lan. Bản báo cáo là diễn tiến và kết quả điều tra của 2 hồ sơ về nạn buôn người từ Việt Nam, vào năm 2012-2013 và vào năm 2019.
Dưới đây là một số điểm quan trọng:
Hồ sơ buôn người
1. Hồ sơ Bruxelles 2012-2013
– Trong vụ này đã có 6 người bị truy tố. Phần lớn những người nhúng tay trong đường dây này có quê quán tại Nghệ An. Tổ buôn người ở Bỉ được điều hành do một thanh niên Bỉ gốc Việt trong hạng tuổi 20-30, tuy nhiên Bỉ chỉ là trạm trung gian chuyển người. Người đi lậu từ Việt Nam phần lớn đi qua Nga, Tiệp/CH Slovakia, Ba Lan, Đức; hoặc theo con đường Ukraine-Bồ Đào Nha, Pháp để tới Bruxelles (Bỉ). Tại đây họ được giấu trong những căn nhà an toàn có canh gác, để chờ thời cơ đi qua ngã Calais tới Anh Quốc. Những người hoạt động ở Bỉ chịu trách nhiệm trong giai đoạn cuối này. Họ sẽ dùng xe riêng hoặc xe chở hàng để đưa những người đi lậu đến cái trại gọi là “Vietnam City” ở Angres (miền bắc Pháp) với sự đồng thuận của ông thị trưởng địa phương. Trong vụ này có sự giúp sức của một “người Tây phương”, có lẽ là người Irak.
Để đi lậu sang Anh, có 2 giá: giá thường, nhảy xe lậu, giá khoảng 2500 euro, và giá VIP đi xe có sự thông đồng với tài xế, có thể được cấp giấy giả, với giá tới 6000 euro. Giá cho chặng đường trước đó cao hơn nhiều. Về chặng đường cuối, từ Bỉ sang Anh Quốc, thân nhân ở Việt Nam phải đặt cọc phân nửa cho cha mẹ của một thanh niên làm đầu nậu ở Bỉ, và sau khi tới Anh sẽ phải trả số tiền còn lại. Nếu chậm trả thì người đi lậu sẽ bị nhốt sau khi vào Anh và thân nhân sẽ bị áp lực phải trả tiền.
2. Hồ sơ Essex
Cuộc điều tra được mở ra sau khi chiếc xe tải đông lạnh với 39 thi thể được phát giác. Cuộc điều tra, một mảng của cuộc điều tra liên quốc gia Bỉ-Pháp-Đức-Hòa Lan-Ái Nhĩ Lan, khởi đầu từ hai căn nhà an toàn, nơi xuất phát của chuyến xe định mệnh. Từ đó người ta đã lần ra đường dây đưa người, được coi là đã bám rễ ở Bỉ từ 2018 hoặc trước đó, và đã thực hiện nhiều vụ. Trong vụ Essex, các nạn nhân đã phải trả khoảng 13.000 euro cho chặng đường từ Việt Nam đến Bỉ, và khoảng 12.000 euro cho chặng từ Bỉ sang Anh. Khi tới các căn nhà an toàn ở Đức, thân nhân phải trả hết số tiền cho chặng đầu, thì họ mới thả người ra, và khi đến được Anh quốc, thân nhân sẽ phải trả nốt số tiền cho chặng sau để mua tự do cho nạn nhân. Theo lời khai, có người đã phải trả tổng cộng 40.000 euro. Ngay sau khi vụ việc Essex bị phát giác, các người trong đường dây đưa người không ngại ngùng tăng giá thêm 7.000 bảng Anh cho chặng cuối. Chặng đường vượt eo biển Manche được giao cho những tổ chức tội phạm của Ái Nhĩ Lan và Roumanie lo, dưới tên là những cơ sở vận chuyển hàng hóa.
Hệ thống đưa lậu người từ Việt Nam có quy mô lớn hơn người ta tưởng nhiều. Tại Ba Lan cũng có các tổ hoạt động. Có những kẻ điều hợp từng chặng, ngay cả tại Đan Mạch cũng có người trong tổ chức bảo đảm một đường dây đưa người theo ngã các nước Bắc Âu. Có nghi phạm khai là người này đã hoạt động trong guồng máy từ năm 2001 ở Đức và Ba Lan, và chưa từng bị bắt. Có những trạm trung chuyển ở Đông Âu và Nam Âu, họ mướn cả người Trung Quốc làm bảo vệ.
Một căn nhà an toàn quan trọng ở Đức nằm trong chợ Đồng Xuân (Berlin) giữ nhiệm vụ điều hợp trung ương cho mạng lưới Âu châu. Trong khi chờ đợi thân nhân ở Việt Nam trả tiền, những người đi lậu bị họ giữ và bắt phải đi làm trong chợ Đồng Xuân để trả chi phí, thường là họ phải bán những hàng làm nhái, hàng giả (thuốc lá và thuốc tây) hoặc làm trong nhà hàng.
Tại Pháp, có những người điều hành đường dây và trại đưa người, họ đóng đô ở Vitry-sur Seine (gần Paris). Bên cạnh đó, ở Grenoble cũng có nơi đón người từ Đức sang, giam giữ họ và bắt họ làm việc trả nợ.
Ở Việt Nam có những tổ chức lo tìm người và dàn xếp chuyến đi. Qua mạng xã hội hoặc truyền nhau qua thân nhân, bạn bè hay do người đã ra đi rỉ tai lại. Ngoài ra, những tổ chức này sẽ cấp visa làm việc thông qua trung gian các văn phòng tìm việc ở Roumanie, Hung và Ba Lan. Thí dụ họ nhận được visa làm việc trong lò giết mổ gà hoặc thu hoạch hoa màu theo thời vụ. Cũng có khi họ được cấp visa du học hoặc du lịch, bao gồm cả giấy tờ giả lẫn giấy tờ thực.
Con đường được người chọn đi, đa phần là theo ngã đường bộ xuyên Âu châu, cụ thể là qua các quốc gia: Nga, Bạch Nga hoặc Latvia, sau đó qua Litva, Ba Lan, Tiệp, Slovakia, Đức, Bỉ rồi tới Hòa Lan hoặc Pháp. Có những người chỉ nhằm mục đích tới Anh Quốc, nhưng cũng có những người chỉ muốn tới Đức mà thôi.
Con đường hướng Bắc Âu do một tổ chức ở Đan Mạch điều hợp, họ cấp visa du lịch tới Phần Lan, Thụy Điển và Na Uy, thường là dưới hình thức du lịch cho nhóm học sinh. Đi qua ngã Phần Lan có cách làm trọn gói đi lậu giá 16.000 euro bao gồm cả chi phí xin nhập quốc tịch sau 5 năm cư trú.
Bên cạnh đó có con đường đi lậu qua ngã Trung Quốc, từ đó đáp máy bay qua thẳng Paris. Con đường khác là bay tới Mã Lai qua trạm trung chuyển ở Thổ Nhĩ Kỳ (ngược đường), nhưng tại đây có xe đón hoặc phải đi bộ qua Hy Lạp, Malta, Tây Ban Nha để tới được Pháp.
Chặng đường cuối thường bắt đầu ở Calais phía bắc nước Pháp, trong vùng này họ được giữ trong một căn phòng tập thể dục bỏ không hoặc những căn nhà hoang ở dọc đường cao tốc chạy qua thị xã Angres, với sự cho phép của chính quyền địa phương. Cũng có thể họ được chở tới hải cảng Zeebrugge (Bỉ) và được xe hàng chở thẳng sang bến phà qua Anh Quốc.
Chặng đường cuối này cũng có giá của nó. Với giá thường, phải ngồi trong thùng xe. Giá VIP giao động trong khoảng 10.000 - 14.000 euro, có khi lên tới 19.000 euro. Với giá này, có thể được ngồi trong ca-bin xe, hoặc được cho vào trong container chở chó hoặc chở ngựa, vì qua cách này có thể làm cho chó của cảnh sát không đánh hơi được. Ở Pháp có một tổ chức chuyên lo vụ chở người giá VIP kiểu này, tuy nhiên có nhiều người bị đánh lừa, trả giá VIP mà vẫn phải chui trong container đồ lạnh.
Một em vị thành niên cho biết em đã được đi ca-nô. Em khác cho biết ngoài số tiền 13.000 bảng Anh cho chặng đường từ Pháp, em đã phải trả thêm 6.000 bảng Anh cho ‘câu chuyện chứng tỏ em là trẻ vị thành niên’.
Có ít nhất 2 căn chung cư ở Bruxelles được làm thành căn nhà an toàn kể từ năm 2018, tên lóng là “kho”, người di dân được gọi là “gà” hoặc “hàng”. Ít nhất 14 người trong số 39 nạn nhân ở Essex đã ở trong 2 căn nhà này. Có người đã ở đây nửa năm do gia đình chưa kiếm đủ tiền để trả. Tại đây các người đi lậu phải đưa giấy tờ cho họ giữ, có người canh gác thường xuyên, cấm họ làm ồn ào…, nhưng có người đã bỏ trốn khỏi những căn nhà này. Một số nhân vật trong đường dây khi bị phát giác cũng giả bộ như người đi lậu. Thí dụ có một ông trung úy điều hành đường dây nằm tại Berlin cũng đã có lần đi cùng một nạn nhân sang Bỉ. Những người được tổ chức cho trà trộn vào có nhiệm vụ gây cho những người khác niềm tin là cái giá họ phải trả là rẻ lắm, vì những người được gài vào sẽ kể là họ phải trả nhiều tiền hơn.
Có những dấu hiệu cho thấy sự liên lạc chặt chẽ giữa đường dây đưa người và đường dây cho vay tiền ăn lời cao để dụ cho nạn nhân lâm vào cảnh phải cật lực làm mà không trả được nợ. Tại Tây Ban Nha người ta tìm được sự liên lạc giữa đường dây đưa người và đường dây trồng cần sa.
Phương tiện liên lạc thường dùng là Viber, WhatsApp và Facebook. Phương tiện chuyển tiền thường dùng là Western Union và các đường dây chuyển tiền lậu của tư nhân.
Tổng kết lại, số tiền trung bình phải trả cho chặng đường từ Bỉ tới Anh Quốc là gần 12 ngàn euro/người. Đã có 195 người nhập lậu bị thẩm vấn. Số tiền trung bình phải trả cho chặng đường từ Việt Nam tới Âu châu là gần 13 ngàn euro/người. Đã có 355 người bị phát giác. Tổng cộng số tiền người đi lậu phải trả, ghi nhận được trong cuộc điều tra này như vậy là hơn 7 triệu euro. Riêng chuyến xe tải với 39 nạn nhân Essex đã thu được số tiền tối thiểu là 460.000 euro.
Hồ sơ ghi nhận là trong một số trường hợp nhóm điều tra ở Bỉ đã gởi hình chụp vân tay hoặc chụp hộ chiếu bị nghi ngờ (ảnh không rõ) cho Việt Nam để nhờ xác nhận lý lịch, nhưng họ không thể xác nhận, hoặc không trả lời yêu cầu điều tra của Bỉ.
Cuộc điều tra ở Bỉ đã phanh phui ra chi tiết chặng đường cuối cùng đưa đến cái chết của 39 nạn nhân. Phần lớn trong bọn họ được xe tư nhân đưa từ Anderlecht, Paris và Berlin tới Bierne, tại đây họ được đưa lên toa xe vận tải hàng lạnh, chở đến cảng Zeebrugge, tại đây toa lạnh được đưa xuống tàu sang Anh, khi tới nơi có một chiếc xe kéo khác tới kéo đi. Vì hệ thống lạnh và quạt thông gió trên xe đã được tắt, nên họ đã chết vì ngạt thở.
Lý do đi
Tất cả những người ra đi vì muốn tìm việc làm ở Âu châu để có cuộc sống khá hơn và có thể giúp đỡ gia đình. Một em vị thành niên khai là đầu tiên người anh đi, kế đến cha em xúi em đi và bản thân em cũng muốn đi. Một em khác khai là những người đi đó không phải lúc nào cũng biết trước là họ sẽ được đưa tới đâu. Em này thoạt đầu chỉ muốn qua Nga làm, nhưng đã bị đưa tới Đức, em đã bỏ trốn khi tới Berlin vì nhóm buôn người dụ em đi tiếp tới Anh và như thế em sẽ phải trả thêm 12.000 euro nữa.
Trong vụ chết ngạt ở Essex người ta đã tìm thấy trong điện thoại nhiều chi tiết có giá trị, như giấy xin việc ở trại gà Roumanie với tiền lương 530 euro/tháng, một số danh sách tên những người đi trong cùng nhóm, một nạn nhân đã thỏa thuận đi với giá tổng cộng 47.000 USD, nhiều biên nhận thu tiền. Trong vài trường hợp, tổ chức đã trả tiền lại cho gia đình, nhưng trong những trường hợp khác, thân nhân vẫn phải tiếp tục trả nợ mặc dù người đi đã qua đời.
Báo cáo cũng ghi chi tiết khoảng 10 vụ trẻ em vị thành niên bị bắt trong các cuộc ruồng bố hoặc do tố cáo, các trẻ em vị thành niên này đã được giao cho các trung tâm coi sóc trẻ vị thành niên ngoại quốc không có cha mẹ. Tuy các trung tâm này có sự kiểm soát nhưng không tránh khỏi chuyện có những em đã bỏ trốn và mất tích, có em trốn đi rồi bị bắt lại khi đang cố đi sang Anh Quốc.
Tóm lược những khuyến cáo/đề nghị của Myria trong bản báo cáo
1. Những người Việt làm lậu trong những lĩnh vực rủi ro phải được coi như là có khả năng họ là những nạn nhân của nạn buôn người qua hình thức cho vướng nợ và phải được các hệ thống nhà nước chuyển giao cho các trung tâm đặc biệt lo cho nạn nhân của tệ nạn buôn người. Các lĩnh vực rủi ro nêu trong mục này gồm có: tiệm làm móng, nhà hàng v.v..
2. Phải cảnh giác trước những tình huống vì phải trả nợ mà bị ép buộc làm những việc phạm pháp, như làm trong các trại trồng cần sa.
3. Phải tìm ra được mối quan hệ giữa việc cho những nạn nhân người Việt mắc nợ với đường dây buôn người.
4. Phải đặc biệt chú ý và thấu hiểu các đặc điểm văn hóa của những nạn nhân người Việt trong các đường dây buôn người hoặc đưa lậu người để có thể gây được sự tín nhiệm nơi họ.
5. Phải có những biện pháp đặc biệt nhằm bảo vệ những trẻ vị thành niên ngoại quốc gốc Việt không có phụ huynh đi cùng, thí dụ như giúp cho các em này sống trong một môi trường an toàn và thoải mái cho các em.
6. Phải quan tâm tới việc bảo vệ những nạn nhân không có một cơ quan đại diện nào lo cho họ, những nạn nhân này nằm trong một nhóm dễ bị hại nhất, chẳng hạn như các nạn nhân người Việt trong tình trạng nợ nần chồng chất.
7. Cung cấp các phương tiện cần thiết để đảm bảo cho một bộ máy hữu hiệu trong việc phát hiện ra những nạn nhân không có một cơ quan nào khác lo cho họ.
8. Phải sử dụng các mạng xã hội như một phương tiện trong nghiên cứu.
9. Đầu tư nhiều hơn vào hợp tác quốc tế trong các cuộc điều tra phức tạp về buôn người nhằm triệt phá các tổ chức tội phạm.
10. Gắn các cuộc điều tra tài chính có quy mô lớn vào một chuỗi hoạt động điều tra có tầm vóc quốc tế.
.
Trần Ngọc
_____
Xem nguyên văn báo cáo thường niên 2022 của Myria:
Ghi chú: Một số đề nghị do Myria đưa ra trên thực tế không có hiệu quả, vì thân nhân ở Việt Nam bị đường dây cho vay dùng vũ lực ép buộc phải trả tiền, hoặc vì họ đã mượn tiền của người quen nên bắt buộc phải trả.
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/xahoi/baocaothuongnien2022.html