Minh Hạnh


7 giai cấp xã hội hiện nay tại Hòa Lan

Văn phòng Kế hoạch Xã hội và Văn hóa Hòa Lan (Sociaal en Cultureel Planbureau – SCP) đã có vài cải tổ trong cách xếp hạng các nhóm cư dân trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên) tại Hòa Lan. Tổng số cư dân trưởng thành hiện nay là khoảng 13,6 triệu người.

Sự xếp hạng theo cách mới này, được ghi trong tập báo cáo “Bất Bình Đẳng Thời Nay” (Eigentijdse Ongelijkheid), công bố ngày 07.03.2023, dựa trên cơ bản là các ‘tài sản’, được hiểu là những gì cá nhân đang sở hữu trong các lãnh vực: kinh tế, xã hội, văn hóa, tự thân cá nhân, và qua đó tạo được một vị trí trong xã hội.

Tài sản kinh tế bao gồm trình độ học vấn, vị trí trong thị trường lao động, số tiền có thể tiêu dùng tùy ý muốn, số tiền để dành có thể lấy ra tiêu xài, bất động sản đang sở hữu (nhà cửa ruộng vườn…)

Tài sản xã hội là mức giao thiệp với gia đình/bạn bè/xã hội, mức giao tiếp với những người có thể cất nhắc hoặc giúp đỡ cá nhân thăng tiến, mức độ gia nhập các tổ chức hoặc mạng lưới có thể giúp giải quyết những khó khăn gặp phải.

Tài sản văn hóa là cách sống (có làm tăng nhận thức và kiến thức hay không), sự hiểu biết và thành thục trong sử dụng những phương tiện trong lãnh vực khoa học hiện đại, thông thạo Anh ngữ hay ngoại ngữ phổ thông, tên gọi (vì tên có thể gợi lên hình ảnh đầu tiên về cá nhân và về trình độ hoặc thành phần xã hội của cá nhân đó).

Tài sản tự thân cá nhân là những gì gắn liền với cá nhân, như diện mạo, tình trạng sức khỏe, bệnh tật, thể hình (mập/ốm, cường tráng/yếu đuối…).

Với 6800 đối tượng được khảo sát qua bản trả lời nhận lại từ các câu hỏi gởi tới họ, dưới đây là các nét chính của 7 ‘giai cấp xã hội’ từ cao tới thấp. SCP cũng minh định là từ ngữ ‘giai cấp’ dùng trong bản báo cáo đây không mang nghĩa phân biệt như tại một số quốc gia.

1. Giới lao động thượng lưu. 2,7 triệu người

Chiếm 20% số người trưởng thành, đây là nhóm dân số trong đó gần như tất cả mọi thành viên đều gặp thuận lợi, và họ cũng tự nhận như vậy. Họ thường mang tên thời thượng của Hòa Lan như Sanne và Tim, hoặc tên của những nhân vật quốc tế nổi tiếng như Floris, Barbara, Charlotte hoặc Alexander. Gần như không người nào trong nhóm này có tên Ả Rập hoặc Thổ Nhĩ Kỳ. Họ tự đánh giá cuộc sống của họ ở mức 8,1 (trong thang điểm 0-10). Nhóm này có mức học vấn trung bình cao nhất trong tất cả các nhóm và trung bình họ kiếm được nhiều tiền nhất, gần 90% có việc làm, với lợi tức trung bình hàng năm là 40.700 euro. Cơ thể và tâm thần mạnh khỏe, họ bỏ phiếu phần đông cho VVD, D66 và GroenLinks.

2. Giới trẻ giàu cơ hội. 1,2 triệu người

Nhóm này gồm những người tương đối trẻ. Với số tuổi trung bình là 34, họ đi đầu trong mọi chuyện, ngoại trừ tình trạng kinh tế. Một số trong nhóm này (1/6) còn đang theo học bậc cao đẳng hay đại học, hoặc có một việc làm không chắc chân. Hơn một nửa mắc nợ, và rất hiếm người trong nhóm này có hơn 50.000 euro tiền để dành. 97% người trong nhóm ở nhà mướn. Họ rất khéo thích nghi với hoàn cảnh, nhưng bản thân lại tự cảm thấy dễ bị tổn thương về mặt tinh thần. Họ tự đánh giá cuộc sống ở mức 7,4. Không ai biết tiếng Anh khá hơn họ và họ rất thông thạo những gì thuộc về kỹ thuật số. Khi đi bầu, họ thường chọn GroenLinks hoặc D66. Tóm lại, nhóm này có thể gọi là giai cấp thượng lưu tương lai, vì họ có một nền học vấn tốt, có một tài sản giàu có trong những lãnh vực không thuộc kinh tế và đang ở đầu con đường tạo sự nghiệp tuy chưa biết rõ phải thi thố tài năng của họ bằng cách nào.

3. Giới ngồi nhàn hưởng lợi. 1,7 triệu người.

Những người thuộc nhóm này (12% số người trưởng thành) thường đã về hưu (tuổi trung bình của nhóm là 65) và sống thoải mái trong căn nhà họ đã trả dứt nợ. Gần 20% có tiền để dành hơn nửa triệu euro. Họ tự đánh giá cuộc sống ở mức 7,9. Đa số người trong nhóm này có trình độ học vấn cao, 62% có trình độ cao đẳng hoặc đại học. Họ thường có những tên theo truyền thống văn hóa lâu đời của Hòa Lan, như Aaltje hoặc Johannes, nhiều người vẫn còn gặp khó khăn khi sử dụng computer. Họ không có nhiều giao tiếp với các tổ chức hoặc mạng lưới xã hội để có thể nhờ cậy khi cần. Số người không có gốc Tây phương trong nhóm này rất ít (4%, thấp nhất trong tất cả các nhóm). Họ siêng năng đi bầu và thường bầu cho VVD và CDA, sau đó là 50Plus. Có thể gọi nhóm này là giai cấp thượng lưu đang rút lui.

4. Giới lao động trung lưu. 3,4 triệu người.

Đây là giới trung lưu và cũng là nhóm đông nhất. Tuổi trung bình của nhóm là 41, họ thường có nhà riêng, có con cái. 10% còn ở nhà mướn. Gần như mọi người thuộc nhóm này có công ăn việc làm, 2/3 có hợp đồng lao động vĩnh viễn, tuy 53% chỉ có trình độ học vấn trung cấp hoặc thấp hơn. Mức lương trung bình của nhóm là 32.400 euro/năm. Họ không quen biết những người có thế lực có thể giúp họ tiến thân, nhưng mối quan hệ của họ với các tổ chức hoặc mạng lưới xã hội khá hơn nhóm ngồi nhàn hưởng lợi. Gần như không có ai có hơn nửa triệu tiền để dành, 60% có tiền để dành dưới mức 50 ngàn euro. Tuy phần lớn thấy không hài lòng với bề ngoài, nhưng họ đánh giá cuộc sống ở mức 7,5, và đại diện cho nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau, trong đó số ủng hộ đảng VVD trội hơn một chút.

5. Nhóm hưu trí có học vấn thấp. 2,5 triệu người.

Nhóm này có số tuổi cao nhất (trung bình 67 tuổi) và đại diện cho 18% số người trong tuổi thành niên. Ba phần tư chỉ có trình độ học vấn cấp 1 hoặc trình độ thợ cấp thấp. 57% đã về hưu, và 12% tuy không đi làm nhưng cũng không chịu khó đi tìm việc. Nhiều người có tên Willem hay Maria, hoặc tên theo truyền thống lâu đời của Hòa Lan kiểu như Aaltje/Johannes,  và thường thì họ có nhà riêng. Họ ít mang nợ, nhưng cũng không có nhiều tài sản. Tổng số tài sản họ sở hữu (vật thể và phi vật thể) ít hơn 4 nhóm trên. Hơn một nửa nhóm có tiền để dành trong khoảng 5.000 tới 50.000 euro, 29% có tiền để dành trong khoảng 50.000 - 500.000 euro. Họ tự đánh giá đời sống ở mức 7,7, mặc dù họ không phải lúc nào cũng có cuộc sống lành mạnh. Hai phần ba nhóm bị mắc chứng mập phì. Và họ thường bỏ phiếu cho CDA, PvdA hoặc 50Plus. Tóm lại, những người trong nhóm này thuộc hạng ăn chắc mặc bền, là dân Hòa Lan cố cựu ít có địa vị cao trong xã hội và do trình độ học vấn thấp, lại thêm tuổi tác cao, nên họ sống đơn giản.

6. Dân lao động bấp bênh. 1,4 triệu người.

Chiếm 10% số dân trong tuổi thành niên, nhóm này thường không hài lòng với chính họ, họ tự đánh giá cuộc sống của họ thấp nhất (6,3). Đây là nhóm trong đó phần lớn là những người tương đối thấy cuộc đời u ám. Họ cũng thường bị lâm vào tình trạng thất nghiệp (20% không có việc làm). Và nếu có việc làm, thường là việc bán thời gian, với hợp đồng có thời hạn hoặc tự lực cánh sinh với tay nghề cá nhân. Chỉ có 18% đi làm với hợp đồng lao động vĩnh viễn. 86% chỉ có chưa tới 30% lợi tức để chi dùng (trung bình mỗi năm họ chỉ có 17.000 euro để trang trải mọi nhu cầu trong nhà), và 30% mắc nợ. Tuổi trung bình của nhóm là 44. Họ thường ở nhà mướn, và phải nhận thêm trợ cấp thuê nhà, vì vậy họ không thể để dành được nhiều tiền. 13% có thể mua nhà, nhưng 2/3 trong số này mượn tiền quá mức tới nỗi họ thực sự đang ngoi ngóp trong tiền nợ để mua nhà. 44% có trình độ học vấn sơ cấp hoặc trung cấp. Cứ 6 người thì có 1 người tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học, nhưng những người này thường bị khuyết tật nào đó nên việc làm cũng không chắc chắn. Tuy nhiên, sự hiểu biết thông thạo về computer và khả năng tiếng Anh khá của nhóm đã giúp họ một phần. 30% người trong nhóm thường có những tên Hòa Lan thời đại mới như Mark hoặc Laura, mặc dù cũng có nhiều người mang tên có nguồn gốc Ả Rập như Fatima, Samir, Youssra hay Ibrahim hoặc Mohamed. Gần 1/3 nhóm có gốc không phải Tây phương, và trong nhóm này nữ nhiều hơn nam (55%). Họ cũng lười đi bầu, nhưng nếu đi bầu, họ bỏ phiếu cho PVV, SP hoặc GroenLinks, rất ít người bầu cho các đảng có lịch sử lâu đời ở Hòa Lan như CDA, VVD hoặc D66.

7. Nhóm bần cùng và sống tạm bợ. 860.000 người

Nhóm này cũng được gọi là ‘giới hạ lưu đang tàn tạ’. Những người trong nhóm này thường là dân độc thân, ít học và là nữ – những người đã về hưu (40%) với lợi tức ít ỏi, hoặc thất nghiệp mà không chịu tìm việc làm (40%). Họ đứng chót trong tất cả các loại tài sản. Chỉ có 9% đi làm với hợp đồng có thời hạn và 8% có hợp đồng lao động vĩnh viễn. 45% nhóm có trình độ cấp 1, hơn một nửa có trình độ thợ sơ cấp hoặc đã học xong cấp 1. Trong số những người tham dự cuộc thăm dò, không có ai có trình độ cao đẳng hoặc đại học. Con số người nghèo rất lớn (94%), trung bình mỗi năm họ chỉ có 17.500 euro để chi dùng cho tất cả các sinh hoạt. 70% trong số này bị mập phì và có mối giao tiếp xã hội hạn hẹp. Thế nhưng họ tự cho điểm cuộc sống của họ là 6,8. Họ là nhóm lười đi bầu nhất, Phần đông, họ bỏ phiếu cho PvdA và một số ít bầu cho PVV hoặc DENK.

Những người tham dự cuộc thăm dò cũng được hỏi về sự tự đánh giá họ trên nấc thang xã hội, và kết quả là:

Nhóm

Tên khác

Vị trí trong nấc thang xã hội
(tự đánh giá)

Mức hài lòng với cuộc sống
(tự đánh giá)

Lao động thượng lưu

Giới thượng lưu

7,6

8,1

Ngồi nhàn hưởng lợi

Giới thượng lưu đang rút lui

7,3

7,9

Lao động trung lưu

Giới trung lưu

6,6

7,5

Giới trẻ giàu cơ hội

Giới thượng lưu trong tương lai

6,5

7,4

Hưu trí có học vấn thấp

Giới hạ tầng trung lưu

6,4

7,7

Lao động bấp bênh

Giới hạ lưu của xã hội

4,9

6,3

Bần cùng & sống tạm bợ

Giới hạ lưu đang tàn tạ

4,5

6,8

Vị trí trong nấc thang xã hội, từ cao xuống thấp, theo sự tự đánh giá của các cá nhân trong nhóm

SCP cũng lập bảng phân loại theo cách trước đây (6 giai cấp thay vì 7) để người đọc có thể so sánh diễn biến trong sự phân bổ xã hội trong vòng 6 năm (từ 2014 tới 2020)

Ghi chú: Precariaat: Giới bần cùng và sống tạm bợ. Onzekere werkenden: Giới lao động bấp bênh. Comfortabel gepensioneerden: Giới nghỉ hưu nhàn nhã. Werkende middengroep: Giới lao động trung lưu. Jongere kansrijke: Giới trẻ giàu cơ hội. Gevestigde bovenlaag: Giới thượng lưu uy quyền.

Qua bảng so sánh trên ta có thể thấy là trong 6 năm đó, cơ hội thăng tiến cho lớp người trẻ đã tăng, nhưng họ phải chấp nhận nhiều rủi ro hơn. Tuy nhiên, xã hội cũng đã đáp ứng lại: những người gặp thất bại trong công ăn việc làm ít bị rơi xuống hố sâu bần cùng.

.

Minh Hạnh

_____

Ghi chú: Sự phân loại này dựa trên các số liệu lấy từ cuộc thăm dò được thực hiện cuối năm 2019 và đầu năm 2020. SCP đã mất 3 năm để phân tích và đúc kết thành bản báo cáo “Bất Bình Đẳng Thời Nay”, được phổ biến đầu tháng 03/2023. Từ thời điểm thu thập ý kiến đến ngày hoàn tất bản báo cáo, một số biến động xã hội đã xảy ra: dịch Covid-19, chiến tranh Nga-Ukraine, khủng hoảng nhiên liệu đưa tới lạm phát cao, tuy nhiên SCP cho biết là về mặt xã hội, những biến động này chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn và ảnh hưởng của nó trên sự phân bổ xã hội rất ít.

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/xahoi/7giaicapxahoi.html


Cái Đình - 2023