Phạm Ɖình Lân


Vài suy nghĩ thô thiển về Chúa Jesus

   

Bức tranh khảm Chúa Jesus trong Vương cung thánh đường
St Apollinare Nuovo ở Ravenna, Ý (Ảnh: Internet)

Ngày xưa, hàng hải chưa phát triển nên người Âu Châu xem vùng Trung Đông là phương Đông. Về sau họ gọi vùng này là Cận Đông (Near East) và Trung Hoa, Nhật Bản là Viễn Đông (Far East). Hiện nay Cận Đông được gọi là Trung Đông (Middle East).

Về phương diện địa lý, để dễ hiểu, chúng ta xem Trung Đông là Tây Á.

Á Châu là nơi xuất phát các tôn giáo lớn trên thế giới. 

Ấn Giáo có 1,2 tỷ tín đồ. Tất cả tín đồ đều là người Ấn Độ.

Phật Giáo có 520 triệu tín đồ gồm cả Nam Tông (Tiểu Thừa) và Bắc Tông (Đại Thừa). Tất cả các quốc gia Phật Giáo đều ở Châu Á: Ấn Độ (tỷ lệ tín đồ Phật Giáo rất nhỏ), Nepal (đa số theo Ấn Giáo. Phật giáo chỉ có 9%), Bhutan, Tây Tạng, Mông Cổ, Sri Lanka, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cambodia, Việt Nam, Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản.

Do Thái Giáo có trên 15 triệu tín đồ, hầu hết là người Do Thái sống trên lãnh thổ Do Thái hay ở Hoa Kỳ. Được xem là người Do Thái khi người nam hay nữ có mẹ là người Do Thái.

Lão Giáo có 8,7 triệu tín đồ người Hoa, Đài Loan (Taiwan), Hồng Kông, Singapore.

Khổng Giáo có lối 6 triệu tín đồ người Hoa, Việt Nam, Triều Tiên.

Đạo Christ  (Christianity) gồm:  

a. Thiên Chúa Giáo La Mã có 1,3 tỷ tín đồ (Âu Châu, Mỹ Châu và khắp nơi trên thế giới). Phi Luật Tân là quốc gia Á Châu có tỷ lệ tín đồ Thiên Chúa giáo lên đến 90%. 10% còn lại là tín đồ Hồi Giáo trên đảo Mindanao.

b. Tin Lành: 1 tỷ tín đồ  (Trung Âu, Bắc Âu, Tây Âu, Bắc Mỹ và khắp nơi trên thế giới). Nam Hàn là quốc gia Á Châu có 47% dân số theo đạo Tin Lành.  

c. Chính Thống Giáo Phương Đông có 300 triệu tín đồ tập trung ở các quốc gia Đông Âu như Bulgaria, Hy Lạp, Romania, Nga, Serbia, bắc Macedonia, Montenegro, Moldova, Belarus.

d. Anh Giáo (Anglicanism) có 85 triệu tín đồ nhưng Anh giáo hiện diện ở 165 quốc gia trên thế giới. 

Hồi Giáo có 1,9 tỷ tín đồ trải dài từ lục địa Phi Châu, Trung Đông, Trung Á, đến các nước Mã Lai, Indonesia, và đảo Mindanao của Phi Luật Tân. Indonesia là quốc gia Hồi Giáo đông dân nhất trong thế giới Hồi Giáo. Kế đó là Pakistan.

Thần Giáo (Shintoism) là tôn giáo của người Nhật hiện hữu từ năm 1000 trước Tây Lịch

Số tín đồ Hỏa Giáo ở Iran ngày nay không đáng kể vì Iran đã trở thành quốc gia Hồi Giáo. Vào thế kỷ IX 40% dân Iran theo Hồi Giáo. Đến thế kỷ XI tỷ lệ người Iran theo Hồi Giáo lên đến 80%. Tín đồ Hỏa Giáo ngày nay không quá 150.000 người ở Iran.

***

Nếu chấp nhận sự hiện hữu của Đấng Toàn Năng, chúng ta thấy đó là đấng có toàn quyền biến KHÔNG thành CÓ và biến CÓ thành KHÔNG theo ý muốn.  

Các vĩ nhân và siêu nhân thường trải qua những thử thách ngay từ lúc chào đời. Họ được trui rèn và thử thách ngay từ thuở ấu thời trước khi gánh vác chuyện lớn do Đấng Toàn Năng giao phó. Chúng ta không lấy làm lạ rằng các đấng siêu phàm ra đời, thì cha hay mẹ mất hay phải trải qua cảnh tang thương biến đổi hãi hùng nào đó. Đó là sự thử thách siêu nhiên mà các vị ấy phải chịu ngay khi mới chào đời. Nói cách khác, các đấng siêu phàm có dòng điện cực mạnh lấn áp dòng điện quá yếu của cha hay mẹ và người chung quanh.

Moses ra đời khi Pharaoh Tutankhamun của Ai Cập ra lịnh giết những đứa con trai mới sinh của người Do Thái bằng cách bóp mũi, chém giết hay liệng xuống sông v.v.. Các nữ hài nhi không bị chi phối bởi lịnh tàn độc này của vua Ai Cập. Mẹ ruột của Moses không liệng con mình xuống sông mà bỏ con vào một cái thùng trét chai thả xuống sông. Đứa trẻ bị thả trôi sông không chết mà được một công chúa Ai Cập vớt lên và nhận làm con nuôi. Lớn lên đứa trẻ lãnh đạo người Do Thái, những người bị các Pharaoh Ai Cập ngược đãi và biến thành nô lệ, rời khỏi Ai Cập trên đường về Đất Hứa bên kia Hồng Hải.

Bức tranh “Nachtelijke geboorte” (Chúa giáng sinh trong đêm –
Họa sĩ Hòa  Lan Geertgen tot Sint Jans – 1490). Ảnh: nl.wikipedia.org)

Chúa Jesus chào đời vào một đêm đông lạnh lẽo trong một máng cỏ trong hang lừa trong thành phố Bethlehem hẻo lánh, quê mùa. Các nhà tính tú học thấy các ngôi sao di chuyển từ phương Đông sang Jerusalem và hỏi: “Hài nhi vua người Do Thái sinh ở đâu? Chúng tôi thấy ngôi sao của Người ở phương Đông để đến cung kính và thờ lạy Người.” 

Vua Judah là Herod Archelaus hoảng sợ khi nghe những lời đồn đãi ấy ứng với lời tiên tri thành Bethlehem không phải là chốn phồn hoa đô hội nhưng sẽ có tướng tài ra đời ở đó. Thế là vua Herod Archelaus ra lịnh giết tất cả các nam hài nhi trong thành từ khi mới sinh đến 2 tuổi. Hài nhi Jesus được mẹ ẵm sang Ai Cập trốn lịnh giết trẻ em nam phái từ 2 tuổi trở xuống của vua Herod. Hoàn cảnh này cho thấy sự tương đồng giữa Moses (thế kỷ XIV tr. T.L. - thế kỷ XIII tr. T.L.) và Jesus (sinh năm 4 tr. T.L. (?) - chết năm 30 sau T.L.) và vua Herod Archelaus (sinh năm 22 tr. T.L. - chết năm 18 sau T.L.,  ngự trị từ năm 4 tr. T.L. - năm 6 sau T.L.) của xứ Judah với Pharaoh (1) Tutankhamun (ngự trị từ năm 1336 tr. T.L. - 1327 tr. T.L.) của Ai Cập.   

Sự thoát chết của Moses và Jesus ngay sau khi chào đời cho thấy cả hai đều có Thiên mệnh. Cả hai đều được sự che chở của Đấng Toàn Năng để hoàn thành sứ mạng Thiên định sau nầy. Moses hướng dẫn người Do Thái ra khỏi Ai Cập, vất bỏ kiếp đọa đày, tủi nhục, đẫm mồ hôi và nước mắt để trở về Đất Hứa trong điều kiện hầu như bất khả thi.

Moses dìu dắt người Do Thái khỏi cảnh lầm than, tủi nhục của những người ly xứ quán.

Chúa Jesus dìu dắt tâm linh nhân loại trên địa cầu hướng về sự tôn kính và tuân hành luật lệ của Đấng Toàn Năng.

Thông thường người có tiếng nói quan trọng khả dĩ thư hút được nhiều người nghe và tuân phục là những người:

Bốn đặc điểm trên hoàn toàn vắng bóng nơi Chúa Jesus (sinh năm 4 hay 6 trước T.L. - bị đóng đinh vào năm 30 sau T.L.). Người ra đời trong cảnh nghèo khổ trong một vùng quê. Không thấy lịch sử hay Thánh Kinh đề cập đến học vấn của Người. Chỉ biết rằng ngay từ buổi ấu thời, Người có khẩu khí khác thường. Từ quê lên kinh thành Jerusalem Người không một chút tự ty mặc cảm của một đứa bé quê mùa. Cũng không sợ sệt bị lạc giữa kinh thành. Trái lại Người tách rời khỏi người thân vài ba ngày để vào đền tranh luận và đối đáp với các trưởng lão thông thái khiến cho người người đều ngạc nhiên.  

Tranh vẽ “Sự tôn kính của ba nhà Thông Thái đối với chúa hài đồng Jesus”
(De Aanbidding der Wijzen) của danh họa Hòa Lan Rembrandt van Rijn  - 1632 – 1633. (Ảnh: nl.wikipedia.org).

Tổ tiên người Việt Nam chúng ta ngày xưa có câu:Không học thì dốt.
Không học mà biết là Thánh.
Học mà biết là Hiền
Học mà không biết là Ngu.

Chúa Jesus không học y khoa nhưng chữa lành nhiều chứng bịnh khác nhau (chữa lành người bị bịnh phong hủi (2), người bại, người teo tay, người mù lòa, người đau huyết v.v.).  

Người không phải là ngư phủ nhưng đã chỉ cho các ngư phủ nơi thả lưới để đánh bắt được nhiều cá.  

Người không học phép thần thông nhưng đã khiến bão tố dừng lại, đã đi trên mặt nước, biến nước thành rượu trong một tiệc cưới, xua đuổi ma quỉ ám người bịnh, sai khiến người chết sống lại, biến năm ổ bánh mì và hai con cá thành bánh mì và cá cho 5.000 người ăn không hết v.v..

Khẩu khí của Chúa Jesus là khẩu khí của Thiên nhân. Nó có uy lực khác thường không giống với khẩu khí đầy quyền uy, doạ nạt của các quân vương trên trần thế. Lời nói của người rất khẳng định, chân thật và có thần lực nên có sức lôi cuốn mạnh mẽ vô cùng. Nó trong sáng, dễ hiểu, hợp tình, hợp lý, hợp lẽ công bằng khiến người đối thoại không sao bắt bẻ nổi. Khi những người chống đối Chúa Jesus hỏi tại sao Người ăn uống trong nhà người thu thuế? Chúa Jesus hỏi ngược lại rằng: “Người thầy thuốc chữa bịnh đi tìm người mạnh khỏe để chữa hay đi tìm người bịnh để chữa?

Những người Pharisees chống đối Chúa Jesus thường đặt ra những câu hỏi nhằm gài bẫy để đưa Người vào tù tội vì chống lại nhà cầm quyền La Mã hay chống lại Mười Điều Răn của Moses. Họ hỏi Chúa Jesus có nên đóng thuế cho César không? Câu hỏi này là một cái bẫy chánh trị độc hại. Nếu trả lời “không” thì mang tội xúi giục dân chúng chống đối đế quốc La Mã. Nếu trả lời “phải đóng thuế” thì có nghĩa là tuân phục sự đô hộ của đế quốc La Mã. Chúa Jesus cầm đồng tiền có hình của hoàng đế César và nói: “Trả cho César cái gì thuộc về César. Trả cho Đấng Toàn Năng cái gì thuộc về Đấng Toàn Năng.”

Người Pharisees đem một người phụ nữ ngoại tình đến Chúa Jesus để xem Người xử trí như thế nào. Theo luật Moses người phụ nữ phạm tội ngoại tình phải chịu sự ném đá đến vong mạng.  

Nếu Chúa Jesus vì lòng nhân ái mà tuyên bố tha tội cho người phụ nữ tà dâm thì Người vi phạm cổ luật trong nước.  

Nếu Người để người phụ nữ bị ném đá thì Người chứng kiến sự đau đớn của người phụ nữ bị ném đá giữa lúc Người giảng dạy tình thương, lòng bác ái và sự tha thứ.

Cách xử trí của Chúa Jesus rất đơn giản nhưng độc đáo. Người nhìn xuống đất, vẽ một vòng tròn trước mặt đông đảo dân chúng bao quanh người phụ nữ tà dâm. Ngẩng đầu lên, Người nói: “ Ai thấy mình vô tội thì ném đá trước.” 

Lời nói đơn giản này lay động lương tri của những người hiện diện. Trước đó không lâu họ hùng hổ lên án tội tà dâm của người phụ nữ. Trong quá trình sống ai dám nói mình là người vô tội dù là tội nặng hay tội nhẹ. Những người lớn tuổi bỏ đi trước. Các người khác lần lượt rời khỏi nơi xét xử người phụ nữ tà dâm.

Lời nói của Chúa Jesus có sức thu hút kỳ lạ. Khi đi qua hồ Galilee Người gặp Simon và em là Andrew đang lưới cá. Người nói với họ theo Người không phải đi lưới cá mà đi đánh lưới người. Cả hai anh em Simon và Andrew liền theo Người. Người gặp James và John ngồi trên thuyền sắp thả lưới xuống hồ để bắt cá. Người gọi hai ngư phủ này theo Người và họ đã theo! Đó là bốn (4) ngư phủ trong số 12 môn đồ của Chúa Jesus. Trong 12 môn đồ nầy có Judas Iscariot đã phản Chúa để nhận tiền thưởng từ chánh quyền do đế quốc La Mã dựng lên.

Chúa Jesus và mười hai môn đồ trong bức tranh “Bữa ăn tối cuối cùng”,
tranh vẽ cuối những năm 1490 của họa sĩ Leonardo da Vinci (Ảnh: Wikipedia)

Mười hai (12) môn đồ của Chúa Jesus là: Simon (sau đổi thành Peter tức Pierre theo tiếng Pháp), Andrew (em của Simon tức Peter), James, John (em của James), Philip, Bartholomew (Nathaniel), Thomas, Matthew (người thu thuế), Thaddeus, Simon (Zealot: cuồng tín, nhiệt thành), Judas Iscariot (phản Chúa). Trong 12 môn đồ của Chúa Jesus có bốn (4) ngư phủ, một (1) người thu thuế, một (1) người phản bội Chúa để nhận tiền thưởng (Judas Iscariot), một (1) người nhiệt tình gần như cuồng tín với Chúa (Simon the Zealot). Hầu hết 12 môn đồ của Chúa Jesus đều là cư dân sống quanh hồ Galilee. 

Đa số những người bủa vây quanh Chúa Jesus khi nghe tin Người đến là những người bịnh, những người muốn nghe giảng tin lành và chứng kiến phép lạ. 12 môn đồ của Chúa Jesus cũng thế nhưng có điều lạ là: Do động lực nào mà họ bỏ nghề, bỏ gia đình để đi theo Chúa Jesus?  

Chúa thấu biết được người có căn duyên tốt với Người cũng như biết môn đồ nào sẽ bán Chúa hay môn đồ nào chối Chúa ba lần trước khi gà gáy sáng. Khi truyền giảng đạo Trời, Chúa Jesus ở vào tuổi đôi mươi. Một người ở tuổi đôi mươi xuất thân từ một gia đình tầm thường, không giàu có, không học vị lại có khả năng thu hút muôn người bằng lời giảng, sự chữa bịnh và các phép lạ khiến cho vua Herod Antipas (sinh năm 21 tr. T.L. - chết năm 39 sau T.L.  - vua: từ năm 6 sau T.L. đến năm 39 sau T.L.) lo sợ. Vị vua nầy tin rằng John Baptist là đấng tiên tri. Ông ra lịnh chặt đầu John Baptist, người phê phán nhà vua bỏ vợ để ăn ở với Herodias, vợ của Philip, em của nhà vua (do âm mưu của bà Herodias và con gái của bà). Sau khi John Baptist chết vua Herod Antipas muốn biết Jesus là ai để bắt cầm tù hay giao cho tòa án đế quốc La Mã xử và hành quyết.

Chúa Jesus trên thập tự giá. Tranh “Thập tự trắng” –
La Crucifixion blanche - 1938 - Marc Chagall (Ảnh internet)

Các môn đồ của Chúa Jesus đều là những ngư phủ, người thu thuế hay công dân tầm thường trong xã hội lại có đủ trình độ truyền giảng một tôn giáo mới ở các quốc gia ven Địa Trung Hải không cùng ngôn ngữ với người Do Thái. Thánh Thomas đến tận Ấn Độ để truyền giảng đạo Christ. Các vị này bị khủng bố dữ dội nhưng họ vẫn kiên trì trong nhiệm vụ truyền giảng đạo của Jesus Christ. Đức tin của họ được trả bằng máu hay tù tội.

Một trong những người nổi tiếng trong việc khủng bố tín đồ đạo Christ (đạo Thiên Chúa sau này) là Saul. Trên đường đi đến Damascus (thủ đô Syria ngày nay) để đàn áp tín đồ đạo Christ, Saul bị một ánh sáng từ trên trời chiếu xuống khiến ông mù lòa và té ngựa. Từ trên không trung ông nghe có tiếng gọi ông đừng giết đạo và ra lịnh cho ông đi đến một nơi chỉ định để làm những việc phải làm. Thị giác của Saul được phục hồi. Ông trở thành người truyền giảng đạo thay vì đàn áp và khủng bố những người theo đạo Christ. Sau khi té ngựa, mắt mù lòa rồi thị giác được phục hồi và nghe tiếng gọi trên không trung, Saul xác nhận Chúa Jesus là con của Đức Chúa Trời.

Saul là người Do Thái nói tiếng Hy Lạp. Ông chào đời năm 4 tr. T.L. ở Tarsus, Cilicia (nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ) và mất năm 64 sau T.L. ở Rome. Ông truyền giảng đạo Christ 20 năm liền ở Syria, Arabia, Cilicia, sinh quán của ông và thành lập nhiều giáo đường ở Trung Đông và đông nam Âu Châu. Năm 50 sau T.L. ông trở về Jerusalem và bị bắt giải về La Mã (Rome). Hoàng đế Nero (sinh năm 37 sau T.L. - chết năm 68 sau T.L. - hoàng đế: 54 - 68 sau T.L.) ra lịnh hành quyết ông sau khi xảy ra hỏa hoạn thiêu hủy thành Rome. Hoàng đế Nero là vị hoàng để hung bạo nổi tiếng về việc sát hại tín đồ đạo Christ. Saul được phong Thánh. Đó là Thánh Paul.

Peter tức Simon thực hành phép lạ giúp cho một người hành khất què trước cổng đền ở Jerusalem đi đứng bình thường. Các nhà truyền đạo Christ gặp phải những phản ứng bất lợi trong nước lẫn ngoài nước. Trong nước có các luật sĩ và người Pharasees tự xem mình là những người bảo vệ luật Moses mặc dù chính họ là những người không tôn trọng những gì họ dạy. Ở Hy Lạp họ đương đầu với những câu hỏi cực khó do những nhà trí thức địa phương đưa ra.

Hy Lạp há không phải là quê hương của các nhà hiền triết sao? Dù vậy nước này cũng cải sang đạo Christ do đức Jesus làm giáo chủ.  

Đế quốc La Mã lan rộng từ Tây Âu sang các quốc gia ven bờ Địa Trung Hải, kể cả quê hương của Chúa Jesus và xứ Ai Cập. Hoàng đế Nero của đế quốc La Mã (Rome) nổi tiếng là một hoàng để bạo ngược trong việc tàn sát những người La Mã đầu tiên theo đạo Christ. Cuối cùng nước Ý trở thành quốc gia Thiên Chúa Giáo và Rome (La Mã) là trung tâm của Giáo Hội Thiên Chúa Giáo.  

Simon Peter (sinh năm 1 sau T.L. - chết năm 64/68 (?) sau T.L.) được xem như vị Giáo hoàng đầu tiên của Thiên Chúa Giáo La Mã. Kẻ thống trị đã dùng mọi hình thức đàn áp dã man những người cải sang đạo mới xuất phát từ quốc gia bị trị. Cuối cùng họ đành phải chịu khuất phục trước Thiên ý. Simon Peter được phong Thánh. Đó là Thánh Peter (St Peter tức St Pierre).

Tượng Thánh Peter ở Vatican (Ảnh: Wikipedia)

Đạo Christ gặp sự chống đối dữ dội từ các vua chúa thời cổ nặng quyền uy, ưa sát phạt để bảo vệ ngai vàng hơn là tình thương; nặng óc ngã mạn hơn là khiêm tốn để chấp nhận sự bình đẳng; nặng tinh thần mạnh được yếu thua; nặng lòng ích kỷ và óc hưởng thụ hơn sự công bằng và lòng nhân ái.  

1. Cách đây 2.000 năm, từ Âu sang Á không vị quân vương nào chấp nhận Chúa Jesus là con Trời xuống trần gian. Các vua Trung Hoa và Việt Nam chịu ảnh hưởng của Khổng Giáo tự cho mình là Thiên tử (con Trời) thế Thiên hành đạo.

2. Trong xã hội Khổng Giáo ở phương Đông vắng bóng khái niệm về sự bình đẳng Nam-Nữ. Trái lại người ta thích truyền tụng những câu:

Trai năm thê, bảy thiếp
Gái chính chuyên một chồng

*

Nhất nam viết hữu
Thập nữ viết vô.

Con gái không được gia đình truyền nghề cho vì sợ bên chồng trộm nghề sau khi có chồng.  

Con gái không được đi học để tham dự các kỳ thi tam trường để đảm nhận những công việc lợi ích cho quốc gia.  

Phụ nữ có chồng bị ràng buộc bởi luật Thất Xuất, tức bảy điều cho phép người chồng bỏ vợ.

Họ chỉ được bảo vệ bởi luật Tam Bất Xuất (ba điều không được bỏ vợ). Nếu có chồng, có con nhưng tất cả là con gái thì người vợ phải cưới thiếp cho chồng để có con trai nói dõi tông đường.

3. Khái niệm một vợ, một chồng bất phân ly của Chúa Jesus làm cho vua, chúa và các quan lại phong kiến nhột nhạt. Vị vua nào cũng có nhiều cung phi mỹ nữ. Các quan lại phong kiến nào cũng theo chế độ đa thê. Chỉ ở điểm này đã thấy có sự dị biệt giữa đạo Christ và Hồi Giáo và Khổng Giáo.

***

Các quốc gia Âu Châu được Christ hóa. Thi hành phân nửa lời dạy của đấng Christ, họ sớm trở thành những quốc gia tự do, dân chủ và tiến bộ. Phải bình tâm công nhận rằng các nước Thiên Chúa Giáo, Tin Lành Giáo, Chính Thống Giáo và Anh Quốc Giáo đều có những đóng góp lớn cho văn minh nhân loại trên mọi lãnh vực sinh hoạt của loài người.  

Lễ Giáng Sinh được cử hành trước tiên ở các quốc gia theo đạo Christ. Đó là ngày 25 tháng 12 theo lịch Gregorian ở các quốc gia theo đạo Thiên Chúa La Mã, đạo Tin Lành và Anh Quốc Giáo. Các Quốc gia theo Chính Thống Giáo cử hành lễ Giáng Sinh vào ngày 07 tháng 01 theo lịch Julian. Dần dà lễ Giáng Sinh trở thành lễ quốc tế. Nhiều quốc gia trên thế giới xem ngày này là ngày lễ. Công nhân, công chức ở nhà để chuẩn bị cử hành lễ và ăn tiệc Giáng Sinh trong gia đình. Các phe lâm chiến ngưng bắn giết lẫn nhau nhân ngày Giáng Sinh.

Tranh “Đêm thinh lặng – Silent Night” của họa sĩ Viggo Johansen
(Ɖan Mạch), vẽ năm 1891 (Ảnh internet)

Đứng trên lập trường của người trần thế chúng ta khởi đầu câu hỏi: Do đâu cả thế giới cử hành ngày sinh của một người tầm thường về gia thế, học lực, tuổi tác nếu người ấy không phải là THIÊN NHÂN? Chẳng những thế năm sinh của hài nhi trong máng cỏ ở Bethlehem được dùng làm cột mốc thời gian trước và sau Chúa giáng sinh. Các môn đệ của Chúa Jesus Christ há không phải là những người tầm thường sao? Làm cách nào họ truyền giảng đạo và thành lập Giáo Hội trên xứ lạ? Thánh Peter được xem là Giáo Hoàng đầu tiên ở Rome. Tại Vatican cô Vương Cung Thánh Đường St Peter.

Ngày xưa các vua chúa nhắc nhở cho dân chúng biết ngày vạn thọ của mình chớ dân chúng không nhớ ngày ấy và cũng không cử hành lễ ấy trong nhà bằng một buổi tiệc gia đình thịnh soạn.

Trên thế giới có nhiều vĩ nhân được cả thế giới biết đến như đại văn hào Victor Hugo, nhà hoá học và vi trùng học Louis Pasteur, nhà triết học Cộng Sản Karl Marx, nhà vật lý xuất chúng Albert Einstein v.v.. 

Victor Hugo là đại văn hào Pháp nổi tiếng với tác phẩm Les Misérables, sinh ngày 26-02-1802.

Louis Pasteur, nhà hoá học và vi trùng học nổi tiếng của Pháp sinh ngày 27-12-1822.

Karl Marx, người khởi xướng chủ nghĩa Cộng Sản, tác giả của Das Kapital (Tư Bản Luận), là người Đức gốc Do Thái. Ông sinh ngày 05-05-1818.

Albert Einstein, nhà vật lý lỗi lạc Đức gốc Do Thái, người cha đẻ của thuyết tương đối, sinh ngày 14-03-1879.

Cha của văn hào Victor Hugo là tướng lãnh trong quân đội Napoléon I được ban tước quí tộc. Victor Hugo tốt nghiệp đại học luật khoa Paris nhưng ông nổi tiếng về văn thơ hơn là luật. Ước vọng của ông là thủ đô Paris mang tên ông như Washington ở Hoa Kỳ vậy. Ước mơ ấu thời của ông là trở thành một Chateaubriand thứ hai cho nước Pháp.

Louis Pasteur tốt nghiệp ENS (École Normale Supérieure) và có học vị tiến sĩ. Trên thế giới có nhiều viện nghiên cứu mang tên ông.

Karl Marx có tiến sĩ Triết Học, bắt đầu gây sóng gió ở Âu Châu với Bản Tuyên Ngôn Cộng Sản năm 1848.

Albert Einstein có tiến sĩ Vật Lý và được xem là một nhà vật lý lỗi lạc trên thế giới vào thế kỷ XX.

Nước Pháp, nước Đức và thế giới không tôn vinh ngày sinh của các vị ấy như đã tôn vinh ngày Giáng Sinh của Chúa Jesus.  

Trong các vĩ nhân ghi trên Karl Marx là người có ảnh hưởng quốc tế sâu rộng hơn cả. Chủ nghĩa của ông chinh phục Nga, Trung Hoa, Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Cuba và các nước Đông Âu sau đệ nhị thế chiến v.v.. Nhưng có nước Cộng Sản nào cử hành ngày sinh 05-05 của ông và biến ngày ấy thành quốc lễ? Thay vào đó họ tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh của các lãnh tụ của họ.

Những nhận xét trên cho thấy các vị nói trên là những vĩ nhân thành công trên trần thế mang chất PHÀM. Chúa Jesus không có danh vọng trên trần thế nhưng mang chất THIÊN, chất THÁNH nên chinh phục cả loài người trên trần thế.

    

Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.

________

Chú Thích

(1) Pharaoh: Theo từ nguyên Pharaoh là cung điện vĩ đại. Sau này Pharaoh chỉ người lãnh đạo Thần Thánh của người Ai Cập. 

(2) Phong hủi: bịnh cùi (leprosy), một trong tứ chứng nan y ngày xưa. Tứ chứng nan y là: Phong, Lao, Cổ, Lại. Lại là binh cùi. Cổ là cổ trướng, bụng to như cái trống (cổ: cái trống - cirrhosis). Lao: ho lao (TB). Phong là dạng dị ứng (allergy) gây mẩn ngứa.

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/vanhoa/vaisuynghithothien.html


Cái Đình - 2023