Ngu Yên
Thuyết Vợ Chồng Tương Đối
.
<===== Minh họa của Họa sĩ Đinh Cường
.
Câu nói này, đọc khi còn trẻ, bây giờ đã quên mất tác giả, quên luôn đề sách, chỉ nhớ vỏn vẹn: Khi nhìn trời xanh, không thấy trời xanh, màu trời xanh không vào đôi mắt.
Bạn đọc, thử dừng lại ở đây, nghĩ xem câu nói này ngụ ý gì? Có vẻ cao thâm và mù mịt, phải không? Người xưa, không quá bận rộn với đời sống, gia đình có thứ tự lớp lang, không gây nhiều hỗn loạn; họ có ít nhất ba hoặc bốn vợ mà vẫn quản lý an toàn, họ có nhiều thời giờ chiêm nghiệm, tư duy, về một điều gì, nói ra như một phương trình đầy ẩn số và biến số.
Bạn thử nhìn lên trời, một cách cụ thể, bạn sẽ thấy gì? Hoặc như nhà thơ Bùi Giáng, lùa bò vào đồi sim ăn cỏ, thả bò đi lang thang, ông nằm xuống nhìn lên trời, tự hỏi:
Cây lá bốn bên song song từng lứa
Sánh đôi nhau như ứa lệ ngàn ngàn
Hạnh phúc trời với đất mang mang
Với bò giữa rừng hoang đương gặm cỏ
Với người ngó ngất ngây đương nằm đó
Không biết trời đất có ngó mình không? (1)
Ba câu đầu ông nói về tình cảm: vạn vật sinh ra có cặp có đôi, có âm có dương; cây có lá, đất có trời, có duyên có lứa, có hạnh phúc, có khổ đau. Khái niệm đó là tình yêu, tình vợ chồng. Hai câu tiếp theo, ông nói đến thân phận của con người, hiện diện, cô đơn, hoang mang. Câu cuối, ông nói về kiếp hiện sinh. Có trời đất hay không? Nếu có, "họ" có quan tâm đến con người không? Ai làm ra chuyện lá phải xa cây? Đất phải xa trời? Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy, Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu. Ngàn dâu xanh ngắt một màu, Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai? (2)
Có vẻ như câu nhìn trời xanh, không thấy trời xanh, cũng mang ngụ ý tương tựa. Lúc còn trẻ, đọc nhưng không hiểu. Rồi lớn dần, trong đời sống rộn ràng này, mấy khi có dịp nhìn trời? Lúc nào cũng lo nhìn ngang nhìn dọc, kiếm cơm, đề phòng, lo xa… nhìn xuống khi thất vọng, khi xấu hổ, khi suy nghĩ về bản thân. Mấy khi có giờ nhìn lên trời?
Mãi đến già, (bao nhiêu tuổi gọi là già?) tôi mới hiểu câu nói này, đêm hôm đó, đêm trăng đó, tôi mới hiểu: màu trời xanh vào đôi mắt. Màu trời xanh là biến số, đồng thời là ẩn số. Tại sao?
Vì ông Einstein nói rằng, trời màu vũ trụ, vũ trụ màu đen. Làm sao thấy xanh khi nó đen?
Thuyết Nhân Sinh Tương Đối.
Hai lý thuyết lớn nhất mà con người tìm thấy trong thế kỷ 20 và 21 là thuyết Tương đối do Albert Einstein nghiên cứu về vũ trụ bao la và thuyết Lượng tử do Max Planck đề cập năm 1900, rồi được thành hình bởi Neils Bohr năm 1913, ngược lại với thuyết vũ trụ, thuyết lượng tử tìm hiểu về thế giới nhỏ nhất, thế giới của hạt (nguyên tử.) Một thuyết đi tìm những định lý của cái lớn nhất và một thuyết đi tìm những định lý của cái nhỏ nhất, bạn không thấy lạ sao? Hai thuyết này kết hợp với nhau, mở ra những bí ẩn của kiếp người.
Hai thuyết đó lớn, quá khó đến mức độ con người bình thường không thể hiểu. Họ không quan tâm, có lẽ, vì không thấy lợi ích gì. Những định luật tự nhiên lớn, nhỏ, điều khiển vũ trụ, quản lý vạn vật, điều chỉnh đời sống, tuy quan trọng nhưng vô hình, đòi hỏi một trình độ trí tuệ mới có thể cảm nhận chúng như cảm nhận Chúa Phật. Vì không thể hiểu, con người đành chấp nhận để giải quyết những thứ gì thực tế và cụ thể. Ví dụ như sinh con ra, nó đẹp hay xấu, hiền hay dữ, thông minh hay tàn tật… Làm cha mẹ phải chấp nhận 'con mình như là nó là', thì mới có thể giải quyết được những vấn đề khó khăn trong đời sống của nó và mình một cách thỏa đáng với lòng yêu thương. Thông thường những mâu thuẫn, xích mích xảy ra giữa cha mẹ và con cái là vì cha mẹ không thể chấp nhận con mình như nó là, mà muốn con mình như mình muốn là…
Bạn có biết rằng, mặt trời lên mặt trời xuống là theo định luật vũ trụ tự nhiên? Sáng và tối là luật lệ vũ trụ tự nhiên? Con người gọi là ngày và đêm là nguyên tắc tự nhiên? Ngày làm việc gì, đêm làm việc gì, ngày thức, đêm ngủ là hậu quả của các định luật tự nhiên. Tất cả hành vi con người đều bị chi phối bởi định lý, luật lệ, nguyên tắc của tự nhiên.
Thuyết tương đối có đối tượng là vũ trụ, thuyết lượng tử có đối tượng là nguyên tử, tôi đề nghị thuyết nhân sinh tương đối và nhân sinh lượng tử với đối tượng là con người.
Với mục đích cho chúng ta thấy được ý nghĩa của thuyết tương đối, thuyết lượng tử, cảm thông được những định lý vĩnh viễn, trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống của mỗi người. Định lý tự nhiên là định lý không bao giờ thay đổi. Ví dụ: "Nước mắt chảy xuôi." Quy tắc này nằm trong luật tự nhiên, lúc nào cũng đúng về vật lý cũng như tâm lý. "Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày." Không đúng sao?
Nhân sinh: cõi sống của con người là một đề tài mênh mông. Khó để phác họa qua vài ngàn trang sách. Trong cõi nhân sinh, Chữ "tình" là lớn nhất.
Nhưng tình yêu: khi đang yêu nhau thì cần gì biết lý thuyết. Biết để làm gì? Lúc đó, chỉ cần kề cận bên nhau, âu yếm, hít thở là đủ. Thời tình yêu là thời thực hành. Lý thuyết chỉ thêm vướng bận.
Nhưng tình vợ chồng thì khác. 20 năm, 50 năm, không phải là thời gian dài, như ngựa phi, chim bay, thoáng một cái, đã qua hết rồi, nhưng 20 năm, 50 năm ăn ở với nhau cho vui lòng, thì thời gian này dài lắm. Con ngựa tự động sẽ què chân, chạy cà thọt. Con chim tự nhiên sẽ mỏi cánh, bay cà quẹo. Vợ chồng may mắn sống với nhau cho đến cuối đời, không kể sứt mẻ, hàn gắn, cảm ơn Chúa Phật. Vợ chồng ly dị, ly thân, hoặc âm thầm chịu đựng như tù khổ sai, biết oán trách ai? Số mệnh? Nó là cái gì? Số mệnh là cái thùng rác khổng lồ, nơi nhân loại bỏ vào tất cả những chuyện không vừa ý.
Bất kỳ là chuyện gì, thứ gì, đều có lý thuyết của nó. Tại sao? Vì mỗi chuyện, mỗi sự việc xảy ra, đều có lý do, (cho dù không có lý do, thì không có lý do chính là lý do để xảy ra. Ngẫu nhiên là một loại lý do), tất cả đều ở trong một hệ thống. Đã có lý do, tất nhiên phải có lý thuyết, vì lý thuyết giải thích lý do. Hình ảnh và khái niệm này đã thấy rõ ràng trong tôn giáo. Những người có tinh thần khoa học cho rằng, vũ trụ, đời sống và nội tâm con người được diễn tiến trong một trật tự của vũ trụ, do các định lý tự nhiên (như một hằng số, không bao giờ thay đổi) điều khiển. Trật tự này có luật lệ và nguyên tắc. Hai định lý quan trọng là định lý Xác định và định lý Bất định. Bạn đang hiện diện đọc bài này, thuộc về nguyên lý Xác định. Khi nào bạn chết thuộc về nguyên lý Bất định.
Bỏ qua những thứ cao siêu khó hiểu, hãy quay lại với tình vợ chồng, một thứ mà hầu hết ai cũng trải qua, có kinh nghiệm, có kiến thức, mặc dù, hỏi lại, dường như ít ai hiểu rõ. Thật không? Thật. Nếu có ai tuyên bố họ đã thẩm thấu, rành rẽ tình vợ chồng, hãy tin tôi, họ đang nói dối hoặc họ có vấn đề về tâm thần.
Thuyết Tình Vợ Chồng Tương Đối.
Trước hết, hãy chia sẻ lập luận: Nếu thuyết tương đối của Einstein chứng minh được sự sinh hoạt của vũ trụ, theo tam đoạn luận, con người là thành phần của vũ trụ, như vậy, thuyết tương đối liên quan đến sinh hoạt của con người. Trong cùng luận lý, thuyết tương đối liên hệ đến sinh hoạt tình cảm, liên hệ đến sinh hoạt của tình vợ chồng.
Tình vợ chồng là gì? - Cần gì biết.
Khởi đầu là đám cưới (chấm dứt tình yêu, bước vào tình vợ chồng). Tiếp theo, thời gian kéo dài: thăng trầm, chịu đựng, yêu, cười, khóc, cãi, cắn, cào, cú, đánh, huề, dìu nhau, ôm nhau, xô nhau, gạt nhau, dối nhau,… cho đến khi hoặc ly dị hoặc chôn nhau. Một hành trình gian nan, đầy cạm bẫy, nhiều cám dỗ, dễ sa lầy, dễ nổi nóng, dễ chia tay… rồi sau cùng, ngẫm nghĩ, chẳng hiểu tại sao? Bạn tôi có lần hỏi, "hồi mới lấy nhau vợ tôi hiền như bụt, sao bây giờ dữ như hà bá?" Sự việc này cũng nằm trong quy tắc tự nhiên về tình vợ chồng. Không hiểu?
Không phải không hiểu lý do, mà vì "cái tôi" quá nhiều phức tạp, phạm nhiều lỗi lầm, rối nùi, rồi không biết phải bắt đầu hiểu từ nơi nào, lúc nào? Tình vợ chồng có thể không cần phải định nghĩa, không cần phải biết, nhưng phải sống. Điều gì đã tạo ra tình vợ chồng với những gay cấn và mùi mẫn? Đã điều khiển, đã dẫn đưa tình vợ, tình chồng đi chung với nhau cho đến hết cuộc tử sinh hoặc nửa chừng mỗi tình đi mỗi hướng?
Trả lời những câu hỏi này là đối diện với một lý thuyết và một cuộc thực hành đầy thử thách cao độ. Sống chung trong một hành trình dài, đương nhiên, phải có lý thuyết. Biết rõ lý thuyết thì thực hành bớt sầu đau. Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu. Thao tình đổ mồ hôi, sống tình bớt nước mắt.
LÝ THUYẾT HẤP LỰC TÌNH YÊU:
Thuyết tương đối có đối tượng là những định lý tự nhiên như hấp lực (trọng lực) của trái đất. Nếu không có hấp lực này, con người từ nguyên thủy đã văng vào không gian, làm gì có chúng ta ở đây. Cứ tưởng tượng chúng ta đi ngược lên trần nhà mà không rơi xuống. Hấp lực là định luật bất di bất dịch, giữ lại những gì thuộc về trái đất, kể cả con người.
Tình vợ chồng đương nhiên phải có hấp lực, nếu không, nếu hết hấp lực nửa chừng, thì tình yêu bay vào không khí và tình vợ chồng xóa sổ. Muốn vợ chồng lâu dài, phải giữ hấp lực.
Hấp lực tình yêu là gì?
Nhìn chung quanh đời sống, đâu có gì lạ, có những cặp vợ chồng yêu nhau kịch liệt rồi bỗng nhiên chia tay (hấp lực bùng nổ nhưng không lâu dài). Có những vợ chồng yêu nhau lai rai, cãi vả, hục hặc, nhưng vẫn ở bên nhau (hấp lực dai dẳng nhưng yếu.) Hấp lực tình yêu được thành hình bởi hai động lực: Khoái lạc thể lý và khao khát sống chung. Hầu hết mọi trường hợp, lúc trẻ động lực thứ nhất mạnh hơn. Về già, động lực tinh thần lấn lướt động lực thể lý. Ý muốn sống với nhau và chết bên nhau là một thứ gì rất dễ hiểu ý nghĩa, đồng thời rất khó hiểu tại sao.
Hấp lực thể lý có thể thay thế lâu dài (như li dị hoặc tử vong, sau đó tái giá) hoặc thay đổi ngắn hạn (như ngoại tình, cô điếm và gái gọi). Trong khi hấp lực khao khát được sống chung với người mình yêu tuy vô hình nhưng mạnh mẽ, đối với đa số phụ nữ, nó trở thành quyết liệt. Vì vậy, hòn vọng phu là phụ nữ chờ chồng. Ở đâu có hòn vọng phụ? Ít đàn ông khao khát sống với vợ suốt đời. Nhiều đàn ông khao khát suốt đời sống chung với nhiều vợ. Nói một cách khác, hấp lực tình bên phụ nữ có nhiều biến số xác định, trong khi nhiều biến số bất định quản lý hấp lực tình bên đàn ông. Dĩ nhiên, chúng ta chưa nói đến ẩn số.
Không nên oán trách hay xem thường khoái lạc thân xác. Đó là một trạng thái cảm giác đặc biệt của tâm sinh lý mà không có gì thay thế được. Nó không thể quên vì nó không thuộc vào trí nhớ. Nó thuộc bản thể sinh tồn và truyền giống, không quyền phép nào có thể ngăn chận. Tôi nghe và biết nhiều người vợ dùng nhu cầu sinh lý để "cai trị" chồng. Việc này nguy hiểm, vì không chỉ một mình người vợ có khả năng độc quyền ban phát sự sung sướng cho chồng. Ngược lại, đàn ông, nhiều người ban phát quá độ, uống thuốc, xức thuốc, xem phim ảnh, để đêm bảy ngày ba, khiến vợ trở thành nô lệ tình dục. Ý niệm này có thể xét lại bằng thuyết lượng tử. Hạt nhân thường đi đôi hạt âm và hạt dương, đầy trong vũ trụ. Trong tác động ở những cường độ khác nhau, hạt đôi mất đi hạt âm hoặc hạt dương trở thành hạt thiếu. Hạt này sẽ đi tìm hạt khác thế vào để trở thành hạt đôi. Trong quá trình tìm kiếm này, có khi hạt trở thành hạt ảo, phản hạt hoặc hủy diệt lẫn nhau. Nguyên tắc tự nhiên này cho thấy đời là như vậy. Hấp lực gắn bó vợ chồng, một phần là khoái lạc thể lý. Không có gì đáng chê trách hoặc khinh rẻ. Tôn giáo thường lầm lẫn về việc này, vì muốn ngăn cản sự bừa bãi, tạo ra những thứ bừa bãi khác, nhưng được danh chính ngôn thuận. Tuy nhiên, tuổi đời, tự động thôi, thể lý sẽ suy đồi, rồi suy sụp. Đến một lúc nào đó (mỗi người khác nhau) thân xác sẽ không còn chết sống với khoái lạc như những ngày xưa thân ái, mà có khả năng gặp nhau làm ngơ.
THỰC HÀNH:
Làm vợ chồng lâu ngày, có một vấn đề phải giải quyết, là thoả thuận về sinh lý.
Thỏa thuận thay vì chấp nhận. Vợ chồng người Việt, nhất là trong những thế hệ lớn. Ái tình may ăn rủi thua. Sau khi ăn ở với nhau, chuyện sinh lý có hài lòng hay không? Không nói. Sợ bị quê, mặc cảm hoặc trời đất cấm. Không nói mà vẫn ăn ở với nhau tức là chấp nhận. Chấp nhận là trung sách. Bỏ chạy là hạ sách. Cao sách là bản thảo để thỏa thuận.
Bàn thảo có nhiều đường lối, không nhất thiết phải ngồi đối diện vừa nói vừa cảm thấy hèn kém, tiểu nhân, hoặc kỳ cục. Hãy chọn một phương pháp gửi thông tin cho nhau một cách thích hợp. Kể cả việc truyền tin trong im lặng hành động. Muốn làm vợ chồng lâu dài, phải học hỏi và khám phá phương pháp thông tin cho nhau một cách hữu hiệu. Và phương pháp này cần thiết để trao đối bất kỳ những chuyện gì sẽ xảy ra trong lúc chung sống chờ đợi tóc bạc răng long. Như vậy, có phương pháp thông tin sẽ dẫn đến hiệu quả thỏa thuận.
Mỗi cặp vợ chồng có mỗi phương pháp khác nhau. Không có phương pháp nào đúng nhất, chỉ có phương pháp mà cả hai đồng ý, mà cả hai đều có một chút không hài lòng, nhưng trao đổi để thỏa mãn cho đòi hỏi thứ hai. Một đòi hỏi quan trọng hơn.
Lòng khao khát sống chung với nhau.
Ý muốn này thường bị lu mờ khi ý muốn tình dục năng nổ. Nhưng đây là động lực chủ yếu để thực hiện lời đùa 'trăm năm hạnh phúc'. (Mỗi khi đi dự đám cưới của người quen, tôi thường nghe câu chúc 'trăm năm hạnh phúc', nếu cặp vợ chồng trẻ này biết được quá trình để được hạnh phúc một trăm năm, e rằng, họ sẽ xin giảm bớt số năm.) Có thể có nhiều lý do khác nhau, nhưng khao khát sống bên nhau là một động lực của lòng đam mê và ý chí. Khi đam mê và ý chí kết hợp với nhau, tất cả những thứ khác, dù trái ý, dù khác biệt, dù động trời, dù ghê gớm, đều có thể bỏ qua.
…
Dù khóc mưa, cười nắng,
dù đất cay trời đắng,
dù thảm họa,
dù thăng trầm,
nhưng nếu đôi ta có:
bốn cái chân, một thân hình,
bốn cánh tay, một cái đầu.
hai trái tim
sẽ không bao giờ xa nhau… (3)
Khao khát sống bên nhau sẽ thể hiện trong đời sống hàng ngày: quan tâm đến vui buồn sướng khổ của người yêu; suy nghĩ tìm giải đáp những khó khăn của nhau, chung sức phá vỡ những trở ngại cho dù khác ý tranh cãi giận hờn. Chăm sóc sức khỏe, bệnh tật và nhất là: phải chăm sóc lòng yêu thương của nhau. Đó chỉ là việc thường ngày. Điều gì đã đưa vợ chồng đến trạng thái và bối cảnh đó?
Quá khứ và kết quả tình ái.
Những ai hết lòng yêu con cháu và yêu quí cảm xúc với quá khứ của hai người, sẽ có nhiều khả năng muốn chung sống với nhau.
Yêu quí cảm xúc quá khứ?
Nghĩa là, sống lại được cái đẹp của tình yêu ngày xưa trong lúc sống hôm nay. (Giá như tôi biết được điều này sớm, thì hay quá. Tuy muộn, còn hơn không.) Ai mà không có những thứ quá đẹp lúc yêu nhau, lúc mới lấy nhau. Ai mà không cảm thấy nhạt nhòa, chai quen khi kề cận bên nhau khá lâu. Biết làm cảm xúc đẹp trong quá khứ thành cảm xúc đẹp hiện tại là ẩn số trong tình yêu.
LÝ THUYẾT KHỐI 'KHÔNG GIAN-THỜI GIAN'.
Khám phá quan trọng thứ hai trong thuyết tương đối là khối "không gian-thời gian". Là khối gì?
Một người sống trên mặt đất là sống trong khối không gian ba chiều: chiều rộng, chiều ngang và chiều cao, dùng để xác định vị trí, nhưng không thể xác định vị trí chính xác của người đó nếu không có thời gian nhất định. Ví dụ, cô ấy đang đứng ở ngã tư đường Puttin và đại lộ Biden lúc 2 giờ sáng. Thông tin như vậy mới đầy đủ để xác định vị trí. Thời gian là chiều thứ tư. Gọi chung khối 4 chiều này là khối 'không gian-thờigian' (gọi tắt: kg-tg.)
Chúng ta có thể thấy ngay, vợ chồng mỗi người có mỗi khối kg-tg khác nhau. Họ chỉ có thể có chung một khối kg-tg khi họ chồng chéo lên nhau: một thân dù bốn tay bốn chân. Đó là chuyện thể lý. Còn chuyện tinh thần thì phải là một đầu, dù bốn tay, bốn chân, hai trái tim sẽ khao khát gần nhau.
Khi thể lý đã suy tàn hoặc đã được thỏa thuận (tuy cả hai chưa hết sức hài lòng nhưng cũng không mất lòng,) nỗ lực của vợ chồng là kề hai cái đầu sát dính vào nhau như một, để hai khối kg-tg nối lại với nhau.
Trong khi hấp lực tình yêu giữ vợ chồng lại với nhau thì sống là lực đẩy hai người xa nhau. Đúng như luật âm dương: Đã có lực giữ tất phải có lực tách.
Lực sống xô đẩy một thân xác thành hai, xa ra để mỗi khối kh-tg của mỗi người liên hệ với những khối khác hoặc những sự việc quyến rũ khác: tiền tài danh vọng ái tình lẻ. Tình của các hạt trong Lượng tử Vật lý cũng vậy: tìm đến nhau, dính vào nhau, bị đẩy ra. lẻ loi, biến mất, trở thành ảo, tìm trở về, hủy hoại nhau. Thế giới đó tiềm tàng trong thân thể và thần trí của mỗi người, Thế giới đó với những cặp đôi li ti tạo nên vũ trụ.
Như vậy, việc kề hai đầu thành một quan trọng hơn kề hai thân.
Nhưng ông Einstein đã khám phá ra, khối kg-tg có thể bị bẻ cong bởi một năng lượng mạnh mẽ. Ví dụ, tia sáng bị bẻ cong khi đi vào khí quyển và vùng hấp lực của trái đất. Sự kiện này lên quan đến việc du hành trong không gian.
Khoa học có thể chưa chứng minh được việc du hành trở về quá khứ, nhưng tâm lý đã chứng minh, có những cái đẹp trong quá khứ, càng ngày càng đẹp hơn vào tương lai. Chỉ tại con người nhìn trời xanh không thấy trời xanh. Tình vợ chồng lâu dài là hệ quả của thấy được màu xanh.
CHUYỆN MÀU XANH.
Theo khoa học hôm nay, các định lý tự nhiên trong vũ trụ tự điều hành, tự tồn tại vạn vật. Những định lý này đương nhiên chi phối đời sống con người. Không ai có thể thoát ra. Chỉ tại chúng ta không biết hoặc không quan tâm.
Chúng ta có vợ có chồng, không cần biết tình vợ chồng, không cần quan tâm, cứ hì hục sống qua ngày. Rồi một hôm chia tay nhau, bỏ nhau, hoặc một hôm, người này chết, còn lại người kia, có điều gì để tự hỏi lòng mình không? Có gì hối tiếc, có gì chợt hiểu ra, quá muộn?
Bây giờ, cùng vợ cùng chồng, sao không bao giờ tát cạn biển đông? Huống chi chỉ một mình? Tôi cũng vậy, cứ tưởng như trời cho sống cứ sống, không có gì đáng quan tâm. Cho đến đêm hôm đó, một đêm trăng.
Giường ngủ của vợ chồng tôi gần kề và nhìn ra một khung cửa kính lớn. Nếu không hạ màn, có thể thấy mọi hình dạng của đêm. Đẹp nhất không phải là đêm trăng tròn, mà đêm trăng khuyết mỏng. Ai đó hí con mắt vừa đủ để nhìn thấy lờ mờ có kẻ chưa ngủ đang xoa bóp lưng, không phải lưng mình. Nếu đêm có sương mù, con mắt hí tưởng chừng như kẻ nào đang giả ngủ theo dõi phim ảnh lâm li. Nhưng đêm trăng rằm, thì phải coi chừng.
Ánh trăng sáng quá khiến chúng ta có thể thấy rõ ràng, hơn cả ban ngày vì ngày quá bận rộn khó ai để ý. Thấy rõ những kết quả của hành động có tội lại càng xấu hổ, tự trách cái phẩm chất làm người ở đâu?
Tôi, vợ tôi và trăng biết nhau lâu lắm, 70 năm, trăng biết chúng tôi từ khi chưa mặc tã, mà bây giờ đã sắp phải mặc tã trở lại. Nghĩa là thân thiết như vậy mà trăng phải chờ gần ba phần tư thế kỷ để chỉ cho tôi, thế nào là màu xanh vào đôi mắt.
Khuya đó, trăng rằm, tôi mở màn, sáng soi vào vàng hoe chăn gối, lãng mạn quá.
Không. Trăng chỉ cho tôi xem thực tế và cụ thể, điều mà tôi trông thấy hàng ngày nhưng không hiểu. Trăng chỉ cho tôi nhìn rõ cái già. Hư hao, thiệt hại, khắc nghiệt.
Khi cái già ám toán con người, nó làm họ thay hình đổi dạng, thay màu, đổi sắc. Lấy mỡ chỗ thiếu bỏ vào chỗ thừa. Lấy thịt chỗ cần bỏ vào chỗ không cần. Lấy bụng bỏ vào eo. Lấy eo bỏ xuống mông, lấy mông bỏ lên trước bụng… Cái già đổi nhiều chỗ trên thân thể khiến cho họa sĩ phân vân không biết vẽ thế nào cho vừa lòng mỹ nhân. Anh bạn họa sĩ Đinh Cường có lần than với tôi, vẽ chân dung bà vợ bác sĩ này khó quá. Chỗ thừa không biết phải làm gì, mà chỗ thiếu thì không thể không trung thực. Dường như trăng thấy tôi thẹn thùng, bức xúc, nên kéo một tấm mây che mặt. Đêm mờ hơn, thấy ít rõ hơn, nhưng đã lỡ thấy rồi.
Cái già ám toán người già là định luật tự nhiên. Nhưng trăng nói với tôi, cái già ám toán ở mức độ nào, nặng hay nhẹ, sâu hay cạn, nhiều hay ít, trên người vợ là do người chồng. Ngẫm nghĩ và tưởng tượng suốt đêm: đúng thật. Nếu tôi là triệu phú, chắc chắn vợ tôi nhìn trẻ hơn nhiều (không phải vì dao kéo mà vì ít cực khổ). Nếu như tôi là nhà văn lãnh giải Nobel, chắc chắn vợ tôi sẽ đẹp hơn nhiều, vì không phải buồn rầu nhìn chồng cặm cụi viết lách chỉ được giải ăn chiều. Hèn gì, có ông nhà thơ đã viết: Không có người trẻ nào không phung phí / không có người già nào không ăn năn.
Biết phải nói gì? Biết phải làm sao? Đột nhiên, trăng lấy mây xuống, sáng lại bừng lên. Anh nhìn em nằm ngủ, vẫn như 50 năm trước, lần đầu tiên nằm ngủ bên nhau, cái đẹp đó bất tử, cái già không thể ám toán. Em nằm nghiêng thường gối đầu lên tay. Tay tê. Anh phải xoa cho tan máu. Bao nhiêu năm vẫn vậy, cái già không thể lấy đi. Từ sớm đến chiều, em làm cả trăm chuyện cho anh, bao lâu nay vẫn lập lại, cái già không thể thay đổi. Còn chuyện đó, chắc chắn cái già không xen vào, vì nó đồng ý.
Bất kỳ thứ gì hiện diện trong cuộc sống đều mang theo phần đẹp và phần xấu, phần đúng và phần sai, phần ác và phần thiện, phần khổ và phần sướng, phần âm và phần dương. Vì thấy ác, Chúa muốn cứu rỗi. Vì thấy khổ, Phật muốn cứu độ. Nếu chỉ thấy dương, không quan tâm đến âm; thấy may, không quan đến rủi; thấy tốt, không quan tâm đến xấu; dĩ nhiên là muốn sống ở đây, càng lâu càng thích. Thấy đẹp, không quan tâm đến xấu, là lúc màu xanh mới thật sự xanh.
Nguyên tắc tự nhiên của tâm lý: Nếu ta chú ý thứ gì, thứ đó sẽ càng lúc càng lớn lên. Nếu ta không quan tâm thứ gì, thứ đó càng ngày càng nhỏ lại.
Bây giờ tôi đã hiểu, nhìn trời xanh, thấy trời xanh, màu xanh vào đôi mắt. Nhìn đẹp, thấy đẹp, ý nghĩa đẹp vào đôi mắt. Nhìn tình, thấy tình, cảm xúc tình vào trái tim.
_________
(1) Anh lùa bò vào đồi sim trái chín. Thơ Bùi Giáng.
(2) Chinh Phụ Ngâm. Bản dịch, Đoàn thị Điểm.
(3) Trích, nhạc của Ngu Yên. "Bí Mật Của Nụ Cười."
.
Ngu Yên
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/vanhoa/thuyetvochongtuongdoi.html