Uyển Nhi
Tao Nôi và Thôi Nôi
Hình: Uyển Nhi
Bé tròn một tuổi, cái mốc thật đáng yêu, thật hồi hộp, thật hạnh phúc của mẹ. Bởi lúc ấy, ba mẹ chuẩn bị lễ cúng tao nôi cho bé. Và đây là mốc rất lớn trong cuộc đời bé, nhưng, cái mốc này lại nằm trong hai chữ Tao Nôi, hoặc là Thôi Nôi. Thường thì ba mẹ bây giờ gọi là lễ cúng Thôi Nôi, chẳng còn mấy ai nhớ đến mấy chữ Tao Nôi. Còn, với ông bà xưa, lễ cúng phải là Tao Nôi. Và sự khác nhau đơn giản này nghe tưởng chừng đơn giản, nhưng hàm chứa triết lý sống và triết lý nuôi dạy con trẻ của mỗi gia đình, của mỗi bậc cha mẹ.
Hầu hết trẻ em bây giờ có năng động, có sáng tạo, có rất nhiều thứ điều kiện và tiện nghi so với trẻ con thời chúng ta còn là con nít. Nhưng, mặc dù được nuôi dạy kĩ lưỡng hơn, mặc dù được chăm từng li từng tí và được dạy về cách sống, được tiếp cận với những cuốn sách về vẻ đẹp tâm hồn cao thượng… Không hiểu sao trẻ em bây giờ vẫn lạnh lùng, lãnh cảm hơn trẻ em ngày trước, hay nói khác đi, trẻ em bây giờ dễ bị vô cảm, thiếu nhân cảm hơn so với trẻ em ngày trước?
Câu trả lời có vẻ như không hề đơn giản chút nào. Có người cho rằng do thời đại mới, yếu tố thiên nhiên trong mắt trẻ bị xóa mất, thay vào đó là thế giới công nghiệp nặng nề và vô hồn, cũng có lý! Có người lại cho rằng do vòng quay của đồng tiền và công việc, thế giới tuổi thơ của trẻ bị đánh mất quá sớm, cũng có lý! Lại có người cho rằng do nhịp sống, điệu sống của thời đại 4.0 khác hẳn với nhịp sống thời xưa, chẳng qua người lớn chưa đuổi kịp nhịp điệu sống của thời đại mới nên thấy tiếc nuối hình ảnh con trâu, cánh cò chứ thực ra, trẻ em vẫn trong veo và sống đẹp, cũng có lý chẳng kém! Thực ra, vấn đề quan trọng nhất mà chúng ta ngại hoặc không hề nhắc đến trong nuôi dạy con trẻ chính là triết lý giáo dục.
Mà triết lý giáo dục không phải cứ đến nhà trường mới nhắc đến, ngay trong mỗi gia đình đều có triết lý giáo dục tương thích với triết lý giáo dục của dân tộc, quốc gia. Nghiệt nỗi, nếu xét ở Việt Nam, chúng ta hoàn toàn đánh mất khái niệm triết lý giáo dục gia đình, bởi trong nền giáo dục toàn trị và độc quyền thì chúng ta chỉ được một quyền duy nhất là tuân thủ theo nề nếp giáo dục nhà nước. May thay, thời gian gần đây, vấn đề giáo dục được mở rộng nhờ vào công nghệ internet nên chúng ta dễ tiếp cận với các nền tri thức mới mẻ. Nhưng, chúng ta chỉ tiếp cận phần mềm chứ chưa bao giờ tiếp cận phần cứng của giáo dục bên ngoài.
Nói nghe có vẻ ngược, bởi tâm hồn phải là phần mềm, tri thức mới là phần cứng chứ! Nhưng không, tri thức chính là phần mềm chúng ta cài đặt cho con em của mình, còn phần cứng lại chính là cấu hình tâm hồn và trí tuệ mà chúng ta đã dung dưỡng, đã bồi đắp, đã kiến tạo, đã xây dựng, đã đánh đổi bằng tâm huyết để con chúng ta có được.
Phần cứng này được nuôi dưỡng bằng di truyền từ trứng nước, sau đó nuôi dưỡng bằng thực phẩm và nuôi dưỡng bằng nét đẹp tâm hồn, bằng triết lý giáo dục của chính mỗi gia đình, sau đó mới dần cho con cái chúng ta cài đặt tri thức. Đương nhiên chúng ta luôn luôn và bắt buộc phải xây dựng một cấu hình tri đức, tâm hồn tối ưu cho con chúng ta trong suốt tiến trình cài đặt phần mềm tri thức.
Nói dông dài như vậy có liên quan gì đến Thôi Nôi với Tao Nôi?
Người ta hay nói cúng Thôi Nôi (lễ mừng em bé tròn một năm tuổi), riết thành quen và mặc định lễ đó là cúng mừng em bé “thôi nôi,” tức không nằm nôi nữa. Hiểu như vậy thì cũng chả có gì đáng nói, cũng đúng chứ chẳng sai gì. Nhưng dần dần, ngay cả những người có chữ nghĩa, mời người khác dự lễ của con, cháu cũng mời Thôi Nôi.
Thực ra, cúng Thôi Nôi thì chẳng có ý nghĩa gì, nếu không nói đó hàm nghĩa rằng cúng để chia tay chiếc nôi, cúng để dứt bỏ nằm nôi. Hiểu như vậy nghe khô và “vong ơn” quá. Kỳ thực, ông bà mình nhân văn và sâu sắc hơn nhiều. Ông bà gọi là cúng Tao Nôi. Phải đọc Tao Nôi mới đúng. Vì sao?
Tao Nôi, tức là sợi dây nối chiếc nôi với cây xà, trần nhà hay thân cây, tao nôi là sợi dây nôi. Bốn sợi dây nôi tượng trưng cho bốn hướng Đông – Tây – Nam – Bắc, và mỗi hướng có một vị thần hộ mệnh, che chở nắng mưa, trái gió trở trời, cho em bé được ngủ ngon giấc.
Ngoài ra, bốn sợi dây nôi còn tượng trưng cho Đất – Nước – Gió – Lửa, bốn nguyên tố khế hợp nên sự sống theo quan niệm triết học phương Đông, tượng trưng bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông. Và quan trọng nhất là bốn sợi dây nôi tượng trưng cho bốn giai đoạn trong một đời người, cũng là bốn sự kiện mà người nào cũng phải trải qua, tức là Sinh – Lão – Bệnh – Tử.
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc khi sinh ra đời, con người là sinh linh nhạy cảm và năng nổ nhất với các qui luật của Trời - Đất, con người từ lúc lọt lòng, tức đã nghiễm nhiên bước vào các khế ước xã hội, các qui ước nhân quần và nó đeo đẳng con người cho đến lúc chết đi.
Lễ Tao Nôi, tức là lễ tạ ơn Trời Đất, ông bà đã cho con người ra đời và ban sẵn cho con người một thứ qui luật vừa dịu êm vừa khắc nghiệt, vừa nhân văn vừa trớ trêu, vừa hạnh phúc lại vừa đau khổ… Và đương nhiên, trong Lễ Tao Nôi, người đại diện cúng sẽ xin những điều tốt đẹp đến với con/cháu của mình.
Và, điểm qua trọng nhất trong lễ Tao Nôi đó là Lòng Biết Ơn. Lễ Tao Nôi bày tỏ lòng biết ơn đối với bậc sinh thành đã nắm lấy tao nôi mà ru con/cháu qua bốn mùa mưa nắng, qua những ngày nắng đổ lửa và những đêm lạnh cắt da cắt thịt. Chỉ có yêu thương mới có thể làm điều này và chỉ có lòng biết ơn mới nhìn thấy điều này…
Nôi tre mây và đệm bàng theo lối xưa còn được dùng ở vài vùng quê Việt Nam hiện nay
Nói đến đây, có lẽ, các mẹ nghiệm ra chúng ta thiếu gì trong quá trình nuôi dạy con so với người xưa rồi! Cầu chúc các mẹ luôn may mắn, hạnh phúc và viên mãn!
Uyển Nhi
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/vanhoa/taonoivathoinoi.html