Thùy Dương
Olympic Paris 2024 : Nước Pháp dùng thể thao để tôn vinh văn hóa - nghệ thuật và lịch sử
Thế Vận Hội Paris 2024 đã khép lại vào tối 11/08/2024 sau hơn hai tuần tranh tài
giữa các vận động viên đến từ khắp nơi trên thế giới. Thế nhưng, dư âm có lẽ sẽ còn đọng lại
lâu dài với thời gian, bởi Thế Vận Hội Paris không chỉ đơn thuần là một cuộc tranh tài thể thao
với nhiều kỷ lục và huy chương. Nhờ đầu óc tổ chức, sức sáng tạo vô hạn của nước Pháp,
thể thao, văn hóa – nghệ thuật và lịch sử đan xen, hòa quyện, góp phần tôn vinh lẫn nhau.
Đoàn đua xe đạp đi ngang qua giáo đường Thánh Tâm (Sacré Cœur) ở khu đồi Monmartre
nổi tiếng ở Paris, Pháp, ngày 03/08/2024. AP - Vadim Ghirda
Trên trang mạng nghiên cứu The Conversation ngày 08/08/2024, Anne Gombault, giáo sư về chiến lược và hành vi tổ chức, giám đốc Kedge Arts School, Kedge Business School, nhấn mạnh đến việc Pháp đã tạo nên một hình mẫu về việc biến sự kiện thể thao Thế Vận Hội và Thế Vận Hội cho người khuyết tật thành một sự kiện văn hóa vô cùng lớn, qua đó Paris khẳng định được vị thế “độc nhất vô nhị” của một nền văn hóa Pháp không giới hạn, được tạo nên nhờ phối hợp và khả năng thích ứng giữa các nội dung văn hóa, dù là không đồng nhất, gần gũi hay xa lạ.
Thế Vận Hội trở thành sứ giả văn hóa cho nước Pháp
Đối với chuyên gia Anne Gombault, Thế Vận Hội Paris 2024 là nền tảng ngoại giao văn hóa lớn cho nước chủ nhà Pháp. Nhà nghiên cứu của Kedge Arts School, Kedge Business School, nhắc lại là chương trình văn hóa của Thế Vận Hội Olympic (hành trình rước đuốc, các buổi lễ, hoạt động văn hóa) đều được Ủy ban thế Vận Quốc tế đề ra quy định và quản lý, các Thế Vận Hội cũng phải tuân thủ các nghi thức và biểu tượng.
Tuy nhiên, Ủy ban thế Vận Quốc tế cũng trao quyền quan trọng cho nước chủ nhà đăng cai đề ra đường hướng văn hóa và nghệ thuật cho sự kiện lớn này, và có thể tự hào khẳng định “thương hiệu quốc gia” và các giá trị của quốc gia trong sự kiện được xem là cơ hội lớn để đối thoại với phần còn lại của thế giới. Như vậy, văn hóa được nước chủ nhà huy động như một công cụ chính trị nhằm tạo ra hình ảnh quốc gia như mong muốn, để kể về lịch sử quốc gia, quảng bá nước đó ra thế giới …
Nếu như Thế Vận Hội Berlin 1936 sử dụng nghệ thuật và văn hóa để tuyên truyền cho Đức quốc xã, Sydney 2000 tôn vinh công cuộc hòa giải với thổ dân, Bắc Kinh 2008 là cuộc phô trương sức mạnh văn hóa của Trung Quốc… thì Paris 2024 đã chọn minh họa vị thế của văn hóa tại Pháp, với sức mạnh của một Nhà nước văn hóa, có chính sách văn hóa vô cùng phát triển, với di sản vật thể và phi vật thể đặc biệt, với cấu trúc sáng tạo đa ngành, sự xuất sắc của nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật thị giác và thiết kế đồ họa, với các hình thức văn hóa đô thị, nghệ thuật và thiết kế thủ công, các ngành công nghiệp sáng tạo, bao gồm ngành công nghiệp xa hoa hàng đầu thế giới, du lịch cũng như ngành công nghiệp trò chơi điện tử và giải trí…
Thế Vận Hội quảng bá di sản Pháp
Thông qua việc tổ chức thi đấu tại các công trình trên khắp cả nước, Pháp đã thực hiện “chiến lược di sản”, vừa bảo đảm tính bền vững vừa mang tính thử nghiệm.
Nghi lễ rước đuốc tiếp sức được thực hiện với 10.000 người nổi tiếng trong lĩnh vực thể thao, văn hóa hoặc xã hội tại hơn 400 thành phố ở nhiều vùng trên toàn nước Pháp, trong đó có 5 vùng lãnh thổ hải ngoại. Theo chuyên gia Anne Gombault, hành trình rước đuốc như vậy đã giúp quảng bá lịch sử nước Pháp và các di sản tự nhiên và phi vật thể trên khắp cả nước.
Đương nhiên, cũng không thể không nói tới sông Seine, nơi diễn ra lễ khai mạc, và rất nhiều di sản kiến trúc là nơi diễn ra các cuộc tranh tài, như cung điện Versailles (môn đua ngựa, 5 môn phối hợp), tháp Eiffel (bóng chuyền bãi biển, trượt ván). Về di sản phi vật thể Pháp và khối Pháp ngữ, có thể nói tới tuyệt phẩm Ngợi Ca Tình Yêu (L’Hymne à l’amour) của danh ca Pháp Edith Piaf, được tái hiện qua giọng ca diva người Canada Célion Dion, làm thổn thức biết bao con tim khán giả ở cuối chương trình khai mạc Thế Vận Hội.
Lễ khai mạc và bế mạc Thế Vận Hội là nơi tôn vinh văn hóa đại chúng, với tính đa dạng trong âm nhạc, từ nhạc cổ điển đến tạp kỹ, nhạc rap, metal, electro, và sự góp mặt của các ngôi sao trong nước và quốc tế.
Những sáng tạo công nghệ Pháp cũng là một điểm nhấn khác của Thế Vận Hội Paris, trong đó phải kể tới ngọn đuốc và đài lửa do Mathieu Lehanneur thiết kế, kỵ mã khoác lá cờ Olympic cưỡi ngựa sắt lướt trên sông Seine, và đặc biệt là đài lửa bay. Qua đó, theo nhà nghiên cứu Anne Gombault, Pháp khẳng định là một quốc gia lớn về sáng tạo đương đại chứ không chỉ là một quốc gia lâu đời về văn hóa.
2000 sự kiện Olympic văn hóa
Nói đến khía cạnh văn hóa trước, trong và sau Thế Vận Hội, cũng không thể không nói tới chuỗi sự kiện mang tên “Olympic Văn Hóa” (Olympiades culturelles). Theo đài France Musique (thuộc tổ hợp đài phát thanh Radio France) ngày 25/06, năm nay có 2.000 sự kiện được gắn nhãn “Olympic Văn Hóa”. Đây vốn dĩ là một chương trình do Ủy ban Thế vận Quốc tế phát động kể từ Olympic Barcelona 1992. Thế nhưng, điểm tạo nên khác biệt cho mỗi kỳ Thế Vận Hội là chương trình văn hóa - nghệ thuật này do nước chủ nhà tự do thực hiện theo cách riêng của họ.
Đối với Olympic Mùa Hè 2024, Pháp muốn triển khai chương trình văn hóa - nghệ thuật trên toàn lãnh thổ, với các sự kiện gồm nhiều môn văn hóa - nghệ thuật, từ truyện tranh, opera, ẩm thực, đến khiêu vũ và thậm chí cả xiếc. Các cuộc triển lãm về thể thao và lịch sử Olympic đặc biệt được chú ý.
Dấu ấn lịch sử tại các cuộc tranh tài thể thao
Paris 2024 cũng vinh danh lịch sử quốc gia khi đặt nhiều nhiều địa điểm thi đấu tại những nơi có các tượng đài lịch sử mang nhiều ý nghĩa, chẳng hạn tượng thống chế Joffre (thời Đệ nhất Thế chiến) cưỡi ngựa được trông thấy trong khu thi đấu judo ở khuôn viên Champs de Mars.
Khuôn viên này nằm ở tả ngạn sông Seine nơi không chỉ có ngọn tháp nổi tiếng thu hút đông du khách quốc tế hàng đầu thế giới mà còn mà khu vực thi đấu nhiều môn thể thao và mang đậm dấu ấn lịch sử, với quảng trường Trocadéro và điện Chaillot, ở hữu ngạn sông Seine. Điện Chaillot, được xây nhân dịp Triển Lãm Toàn Cầu 1937, là nơi 11 năm sau, vào năm 1948, bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền đã được Liên Hiệp Quốc thông qua. Giữa hai cánh của điện Chaillot là lối vào Quảng trường Tự do và Nhân quyền, được ghi khắc điều 1 của bản Tuyên ngôn về Quyền con người và Quyền công dân năm 1789, theo đó “Con người được sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi”.
Ban tổ chức Thế Vận Hội Paris 2024 (Paris 2024 Olympics) cũng rất khéo léo tái hiện các sự kiện lịch sử Pháp qua các cuộc thi. Theo trang tin chính thức của ban tổ chức Thế Vận Hội Paris 2024 (Paris 2024 Olympics), ẩn sau lộ trình hơn 42km của cuộc thi Marathon cho giới vận động viên chuyên nghiệp và “Marathon Pour Tous” (Marathon cho tất cả mọi người) là sự tưởng niệm và tôn vinh một thời điểm quan trọng về lịch sử - văn hóa Pháp và Cách mạng Pháp: cuộc tuần hành của phụ nữ từ Paris đến cung điện Versailles vào ngày 05/10/1789.
Nhìn lại lịch sử, theo trang mạng Geo, đây là cuộc tuần hành của vài ngàn người phụ nữ Paris đến cung điện Versailles, nơi vua Louis 16 và hoàng hậu Marie-Antoinette ở, buộc vua và hoàng hậu phải trở về ở hẳn Paris trong bối cảnh Paris đang bị nạn đói hoành hành. Như vậy, cuộc thi trong khuôn khổ Thế Vận Hội cũng là nhằm tôn vinh lịch sử của nước chủ nhà.
Với khả năng tổ chức điêu luyện, với vốn văn hóa - nghệ thuật lâu đời và óc sáng tạo bất tận, nước Pháp đã khiến Olympic không còn đơn thuần là sự kiện tôn vinh thể thao, dẫu là sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, mà còn là một sự kiện kết nối thế thao với văn hóa, nghệ thuật và lịch sử.
Thùy Dương
Nguồn: rfi.fr, 14/08/2024
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/vanhoa/olympicparis2024.html