Ngô Thị Quý Linh & Nguyễn Hiền


Người Âu châu ăn mừng Tân Niên như thế nào?

(dưới đây là nội dung bài nói chuyện, do đài Radio Saigon Houston
(Hoa Kỳ) trực tiếp phát thanh ngày 28/12/2023)

Quý Linh (QL): Thưa quý thính giả,
Đây là chương trình Văn Hóa Việt do Quý Linh thực hiện trên đài Saigon Houston mỗi tháng một lần vào ngày thứ năm của tuần lễ thứ tư.
Hôm nay chúng tôi rất hân hạnh được mời Dược sĩ Nguyễn Hiền đến với chương trình Văn Hóa Việt. Xin kính chào DS. Nguyễn Hiền.
Xin mời DS. Nguyễn Hiền lên tiếng chào quý thính giả của đài Saigon Houston.

NH (NH): Kính chào quý thính giả của đài phát thanh Sài Gòn Houston. Kính chào chị Quý Linh.

QL: Thưa quý thính giả, nhân được đọc một số bài bút ký và du ký của DS. Nguyễn Hiền, nhận thấy ông là người từng trải, lịch duyệt, đi thăm nơi nào cũng tìm hiểu cặn kẽ về nơi đó từ phong tục, sinh sống đến thói quen, ẩm thực, v.v... cho nên chúng tôi đã mời DS. Nguyễn Hiền đến chương trình Văn Hóa Việt để ông có dịp chia sẻ đề tài: “Người Âu châu ăn mừng Tân Niên như thế nào.”

Thưa anh, anh sinh sống ở Hòa Lan đã hơn 40 năm, chắc anh đã du lịch khắp Âu châu và chắc là anh biết rất nhiều về phong tục của người Âu châu. Chỉ còn ba ngày nữa Năm Mới 2024 sẽ bắt đầu. Xin mời anh đến với chương trình Văn Hóa Việt hôm nay để anh đưa thính giả đi “du lịch” một số các nước Âu châu và biết về phong tục ăn mừng Tân Niên của người Âu châu và người Việt mình ở Âu châu như thế nào.

NH: Kính chào chị Ngô Thị Quý Linh, kính chào quý thính giả của Đài Phát thanh Saigon Houston. Tôi rất vui khi được chị Quý Linh mời nói chuyện với quý thính giả về vài nét chính trong sinh hoạt đón Giao Thừa và ăn mừng Tân Niên của người Âu châu. Tuy nhiên tôi phải nói ngay là kiến thức của tôi về vấn đề này rất hạn hẹp. Bởi vì, thưa quý thính giả, Giao Thừa và Tân Niên là dịp gia đình xum họp và hội ngộ. Bữa tiệc cuối năm vì vậy không có chỗ cho khách ngoài vòng gia đình. Với du khách từ phương xa tới, dịp Giao Thừa và Tân Niên thường làm tăng nỗi cô đơn trong họ, khi có cảm giác mình bị gạt ra ngoài lề xã hội. Đó là chưa nói tới nỗi vất vả khi tìm một chỗ ăn uống trong khung cảnh tôi phải nói là ‘hoang tàn’: tiệm đóng cửa, rác đầy đường, trời lạnh buốt. Những nhà hàng mở cửa thì đầy kín. Nhiều người cao tuổi bị một chứng bệnh tiếng Anh gọi là Intermittent Claudication (tiếng Việt gọi là Chứng Đau Cách Hồi), do xơ vữa động mạch hoặc viêm tắc động mạch, thường xảy ra ở chân và vùng mông, đưa đến thiếu máu nuôi cơ, khiến họ đi bộ một quãng là chân hoặc mông bị đau nhức như chuột rút, chỉ có cách là dừng lại nghỉ năm mười phút. Có một từ dân gian dùng để gọi bệnh này là “nhìn tủ kiếng”, vì người bệnh khi đó thường làm bộ ngắm quần áo hoặc đồ đạc chưng trong tủ kiếng của các gian hàng hai bên đường. Trong ngày đầu năm mà lỡ bị cái nạn này thì thật khổ.

Hơn mười năm trước, tôi có chuyến du lịch Việt Nam trong dịp Giáng Sinh. Chiều cuối năm tôi đáp máy bay về lại Hòa Lan, xuống phi trường Schiphol vào buổi sáng đầu năm, năm đó là năm 2013, lần đầu tiên trong đời tôi ngạc nhiên thấy phi trường vắng tanh, các trạm kiểm soát đều mở toang cửa, cảnh sát và nhân viên an ninh phi trường cũng chẳng thấy ai. Có nghĩa là từ máy bay bước ra nơi lấy hành lý, rồi kéo vali đi thẳng ra khỏi phi trường, chẳng phải trình paspoort, khám xét gì cả.

Từ những trải nghiệm cụ thể trong những ngày đầu năm như vậy, tôi có thể rút ra kết luận “ai sao ta vậy”. Nếu mọi người vui Xuân với gia đình thì mình cũng chẳng nên làm khác, chỉ chuốc khổ vào thân.

Tuy nhiên, trong công việc, có thời gian tôi phải đi công tác thường xuyên ở một số nước Âu châu, do công ty tôi, tuy trụ sở chính nằm ở Đức, nhưng họ có đặt chi nhánh ở nhiều quốc gia khác. Khi đó tôi làm trong bộ phận sản xuất. Nghe tôi nói tới đây, chắc chị Quý Linh và quý thính giả nghĩ đến những người đầu tắt mặt tối ở các phân xưởng, làm bạn với máy móc. Nhưng ở tầng lớp bên trên, đó là một thế giới hoàn toàn khác. Là những cuộc hội họp liên miên trong nội bộ và với đối tác, những màn đấu trí, lập kế hoạch…, mà những chuyện này lại thường xảy ra trên bàn tiệc thay vì bàn hội nghị, vì đó là nơi nhanh chóng tạo được đồng thuận và lập mối quan hệ, mà cũng là nơi dễ dụ cho đối thủ để lộ sơ hở. Chính nhờ những câu chuyện quanh các bữa ăn mà tôi có được một số kiến thức hoặc trải nghiệm về các món ăn ở nhiều nước Âu châu.

QL: Như thế chắc là anh ít có dịp ăn mừng Năm Mới ở những nước Âu châu? Nhưng chắc chắn là anh có thể chia sẻ với thính giả về một số tục lệ đặc biệt của Hòa Lan, là nước mà anh đã định cư hơn 40 năm.

NH: Thưa chị Quý Linh, thưa quý thính giả. Quả thực tôi chưa từng có dịp ăn mừng Năm Mới ở những nước Âu châu, ngoài Hòa Lan, và tôi không nghĩ sẽ có dịp ăn mừng Năm Mới với người bản xứ Âu châu, vì lý do tôi đã nêu trên, bữa tiệc Tân Niên là bữa ăn gia đình. Và ngay cả ăn mừng Tân Niên với người Hòa Lan chắc cũng không có, vì bên sui gia với gia đình tôi cũng không là người Hòa Lan.

Nhưng vì ở Hòa Lan tới nay đã hơn 40 năm, tôi cũng có vài lần được mời tham dự bữa tiệc Giáng Sinh và tiệc trước ngày Tất Niên. Do đó, tôi có cơ hội nói chuyện với họ về phong tục trong dịp cuối năm. Tôi phải nói ngay là Hòa Lan, cũng như mọi quốc gia khác, có những tục lệ đặc biệt vào dịp cuối năm cũ đầu năm mới. Tuy nhiên, do ảnh hưởng toàn cầu hóa, do khối người nhập cư ngày càng lớn, với văn hóa của riêng họ, tục lệ của chính quốc gia sẽ lần lần bị mất đi hoặc chỉ còn tồn tại ở một số vùng, đồng thời một số tục lệ của những người nhập cư sẽ được xã hội chấp nhận, nhưng có khi bị biến thể.

Hai tục lệ trong dịp Giao thừa và Tân niên còn phổ thông ở Hòa Lan mà tôi muốn kể cho quý thính giả nghe sau đây là trò bắn khí đá lúc Giao Thừa và màn nhảy xuống biển đầu năm.

Bắn khí đá có nguồn gốc từ nhiều thế kỷ trước, mà cho tới nay vẫn chưa thể xác định từ lúc nào. Mục đích nguyên thủy là đốt lửa và tạo ra tiếng động trong ngày mặt trời xuống thấp nhất, tức là ngày 21 hay 22 tháng 12 tại một số quốc gia Bắc Âu. Tục lệ lúc đó là người cha và con trai vào rừng đốn một khúc gỗ mang về để trước lò sưởi, người mẹ và con gái rưới rượu lên và châm lửa. Đồng thời người ta thổi tù và, mục đích của tục này là cầu cho mọi sự yên bình và không bị cháy nhà. Khúc gỗ nếu chưa cháy hết sẽ được cất đi, để tới năm sau mang ra làm mồi lửa cho khúc gỗ mới. Khúc gỗ trong tục lệ này về sau được người Pháp biến thể thành chiếc bánh kem bûche de Noël có hình một khúc của thân cây trong dịp Giáng Sinh, rồi lan truyền khắp nơi. Tiếng Anh gọi bánh này là Yule log, Yule là từ Yule festival, ngày lễ hội tôi vừa kể, với tục đốt khúc cây cầu an. Tục đốt khúc cây sau này biến thể thành tục gom cây thông sau ngày đầu năm, chất thành đống rồi đốt.

Còn tiếng nổ? Đến thế kỷ 19, khi ở Hòa Lan người ta tìm ra cách chế tạo khí đá (Calcium carbide), tục bắn khí đá như hiện giờ được thành hình và trở thành phổ thông từ khoảng năm 1930. Khi xưa Hòa Lan là một nước nông nghiệp và chăn nuôi. Trong các trại nuôi bò sữa, người ta vắt sữa và đổ vào thùng bằng thép (sau này là thùng nhôm). Thùng này có dạng hình ống, trông giống như bình gas hiện giờ, chứa được 40 lít (tức hơn 10 gallons một chút), có nắp tựa như vung nồi. Thùng được để ngoài cửa, mỗi ngày hai lần có xe tới lấy để chở tới nơi bán sữa hoặc tới các nhà làm bơ, làm cheese. Người ta lấy những thùng sữa cũ, bỏ khí đá vào, đổ nước, cục khí đá gặp nước sẽ cho khí acetylen bốc ra. Mỗi lần bắn như vậy cần chừng 5kg (10 pound) khí đá, giá hiện giờ khoảng 45 đô la. Thùng được đậy nắp lại, hoặc người ta nhét một trái banh nhựa vào miệng. Đáy thùng có đục một lỗ để châm ngòi lửa. Khí acetylen phát nổ, làm bung nắp hoặc bung trái banh, kèm theo tiếng nổ lớn như tiếng súng đại bác. Trò này từ lâu đã bị cấm ở các thành phố lớn, chỉ còn thịnh hành ở một số vùng quê, và luôn gây tranh cãi về tai nạn có thể xảy ra, mặc dù năm 2014 trò này đã được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của Hòa Lan. Bởi vậy năm nào cũng có người bị thương hoặc bị chết, nhưng vẫn không thể cấm được.

Màn nhảy xuống biển đầu năm không phải chỉ có ở Hòa Lan. Ở Đức,  Bỉ hay Bắc Mỹ cũng có, nhưng Hòa Lan là nơi có nhiều người tham gia nhất. Ngâm nước biển đầu năm thực sự có nguồn gốc từ Vancouver. Hòa Lan chính thức tổ chức lần đầu tiên vào năm 1960. Ở Hòa Lan trong dịp đầu năm có nhiều nơi tổ chức hội này. Bãi biển Scheveningen ở The Hague là nơi đông người tham dự nhất thế giới, đó là ban tổ chức đã đặt giới hạn ở con số 10 ngàn người. Họ kiểm soát bằng cách thu tiền vào cửa ngay tại chỗ, mỗi người 4 euro, không bán vé trước. Tới trễ ráng chịu. Mọi người tụ tập trên bãi, mặc đồ tắm, cùng nhau làm một số động tác thể dục warming-up cho nóng người và sau tiếng pháo hiệu, sợi dây chắn đứt ngang, mọi người ùa xuống biển, lội ra xa khoảng trăm thước (nước tới cổ) rồi lội trở lại, khi lên bờ được một chén súp đậu Hòa Lan ăn cho ấm bụng, và ly trà nóng. Người ta tin là ngâm nước biển đầu năm như vậy sẽ tăng sức đề kháng của cơ thể và cho cảm giác hạnh phúc. Thực sự cảm giác hạnh phúc là do cơ thể khi bị buộc làm một việc thực căng thẳng hoặc khi bị đau nhức tột độ hoặc dai dẳng, não sẽ tiết ra các chất endorphines làm giảm đau và cho ta cảm giác dễ chịu và lạc quan. Quý thính giả chắc thắc mắc thời tiết lúc đó ra sao. Thường thường nước biển vào ngày đó khoảng 40-45ºF, ngoài trời nhiệt độ khoảng 50-55ºF, có năm xuống tới khoảng 35 ºF hoặc lạnh hơn, nhưng nhiệt độ không đáng sợ bằng gió. Có những năm gió quá mạnh hoặc trời quá lạnh, cũng như hai năm 2021 và 2022, do dịch covid-19 người ta đã phải hủy màn này. Để giải quyết cho những người ham vui không muốn bỏ qua truyền thống này, một tổ chức đã nghĩ ra giải pháp ‘nhảy xuống biển với lon nước’. Họ tặng cho mỗi người điền mẫu xin được 2 lon nước biển 1 lít để họ tự xối lên mình. Dĩ nhiên lon nước có in thương hiệu của nhà tài trợ, là công ty mỗi năm cung cấp súp đậu cho những người tham dự cuộc chơi.

QL: Hai tục lệ này của người Hòa Lan thật khác thường. Cảm ơn đã chia sẻ.

Tôi nghe nói người Đức ăn mừng Năm Mới bằng một bữa tiệc rất thịnh soạn. Không biết điều tôi nghe đó có đúng không? Những món ăn đặc biệt Tân Niên của người Đức là những món gì? Người Việt có bánh chưng ăn trong ba ngày Tết, người Đức ăn món đặc biệt nào?

NH: Điều này không đúng lắm. Người dân Âu châu thường có bữa tiệc thịnh soạn vào ngày Giáng Sinh. Khi xưa những gia đình Đức thượng lưu có thể làm hai lần tiệc vào dịp cuối năm, tức là họ chuẩn bị đón giao thừa cũng bằng một bữa tiệc lớn, bữa tiệc này kéo dài cho đến quá nửa đêm. Nhưng hiện nay ít người còn chịu khó làm 2 bữa tiệc cách nhau 7 ngày như vậy. Sau bữa tiệc Giáng Sinh người ta còn được nghỉ ít nhất 1 ngày nữa, học sinh được nghỉ 1 tuần hoặc hơn, một vài cơ quan hãng xưởng cũng nghỉ hoạt động trong tuần lễ đó. Còn sau ngày đầu năm gần như tất cả mọi sinh hoạt đều trở lại bình thường. Đó là chưa kể đêm Giao Thừa người ta đã thức khuya để đốt pháo hoặc xem đốt pháo. Ngày đầu năm, khi thức dậy mọi người nói chung rất là mệt, và khi nghĩ tới hôm sau đã phải đi làm rồi thì không còn hứng thú ăn uống nữa.

Hiện nay còn một vấn đề quan trọng, là nhiều người quá mập. Do đó bữa ăn Tất Niên của người Đức hiện nay thường là một bữa tiệc có thể được bày biện xôm tụ nhưng thực khách có thể ăn chậm rãi và tự chọn, tự làm. Hai món phổ thông nhất trong dịp này là gourmet và raclette. Gourmet gồm những món nhỏ, thường là chiên hoặc nướng, do chính người ăn tự làm theo khẩu vị. Ăn tới đâu làm tới đó, mỗi lần một vài miếng, thịt, cá, rau đậu, xúc xích, khoai tây… Ưu điểm lớn nhất của gourmet là bữa tiệc có thể kéo dài rất lâu, vừa ăn vừa uống vừa nói chuyện vừa nghỉ ngơi chờ phút giao thừa. Ưu điểm thứ hai của gourmet là ít bị lệ thuộc vào túi tiền. Không giàu có thì mua những thứ dễ kiếm, phổ thông, và đương nhiên ít tốn tiền. Muốn tổ chức sang trọng thì chọn những thứ khó tìm, quý hiếm, nhiều thứ rượu khác nhau. Tóm lại, vui là chính.

Món Raclette có nguồn gốc từ Thụy Sĩ. Nguyên thủy của món này là khi ăn, người ta hơ nóng một cục cheese, rồi cạo phần cheese bên ngoài đã mềm và trét nó lên nửa củ khoai tây đã nấu chín. Món này hấp dẫn ở không khí thân mật, thích hợp cho những tiệc không có nhiều người. Tuy nhiên, hiện nay có khuynh hướng kết hợp cả hai thứ gourmet và raclette, có khi thêm cả fondue. Fondue là món cheese của Thụy Sĩ được trộn chung với rượu nho, cho vào nồi và được hâm âm ỉ bằng đèn cầy hoặc đèn cồn cho tới khi thành sệt như nước sauce, ăn bằng cách lấy cây nĩa dài xiên bánh mì, khoai và nhúng vào đó. Muốn ăn Fondue đúng mùi đúng vị thì phải tới Thụy Sĩ vào dịp cuối năm, đó là món có lẽ không thể thiếu của họ trong dịp này. Những Fondue bán trong siêu thị của các nước khác thường là làm cho có, để đáp ứng túi tiền của đại chúng họ thường dùng cheese làm nhái theo cách của Pháp, rẻ hơn.

Tôi nghĩ là nhiều vị trong số quý thính giả đang theo dõi chương trình này cũng đã biết qua về những món này, vì chúng đã trở nên phổ thông trên toàn thế giới, cho nên chỉ nói sơ qua. Trong dịp cuối năm, tóm lại có hai bữa tiệc, trong ngày Giáng Sinh người Đức thường ăn gà tây nướng, còn nếu như họ thấy con gà tây lớn quá thì ăn vịt xiêm nướng, với khoai tây và bắp cải chua. Vì sao ăn vịt xiêm mà không ăn vịt ta? Vịt xiêm, tức là con ngan, người Anh Mỹ gọi con này là Muscovy duck, đặc điểm là thịt nó mềm mà không hôi như vịt ta. Tùy hoàn cảnh, có gia đình làm món gà vịt nướng này cho buổi tiệc tất niên và ăn gourmet trong ngày Giáng Sinh.

Cho tới đây, tôi chỉ nói về những bữa tiệc trong dịp Tất Niên và Tân Niên trong khung cảnh gia đình. Những người độc thân, vì hoàn cảnh không thể hoặc không muốn về thăm nhà, và những cặp vợ chồng trẻ chưa có con, thường chung nhau tổ chức tiệc cho nhóm bạn đồng cảnh ngộ và tâm trạng, hoặc hẹn nhau đi ăn nhà hàng. Những gia đình không có điều kiện hoặc không thích tổ chức ăn tại nhà cũng chọn cách này. Nhiều nhà hàng trong dịp cuối năm không nhận đặt bàn cho một người, cho họ ngồi riêng trong một góc kín, hoặc giới hạn trong một khoảng thời gian nào đó. Vì bàn ăn cho một người trong lúc này phá hư không khí vui nhộn.

Vậy bữa tiệc cuối năm cho một người ra sao?

Một điểm đặc biệt trong tối cuối năm tại Đức là đài truyền hình năm nào cũng cho chiếu một phim hài đen trắng, có tựa là Dinner For One (Bữa Tối Cho Một Người), có nhiều xuất chiếu. Phim dài chưa tới 18 phút, với nhân vật là hai cây hài người Anh, tên May Warden và Freddie Frinton. Phim ra mắt năm 1963, sau đó, vào năm 1972 được một đài truyền hình địa phương ở Đức chiếu và đột nhiên nổi tiếng tới độ từ đó cho tới nay, trong ngày cuối năm có hơn một nửa dân Đức ngồi xem lại để cười với nhau, mặc dù họ đã xem cả chục lần rồi.

Tóm tắt truyện phim: Cô Sophie (do May Warden đóng) là một phụ nữ người Anh giàu có, cô có thói quen mỗi năm tổ chức tiệc sinh nhật, mời bốn người bạn thân nhất của mình là Sir Toby, Đô đốc Von Schneider, ông Pommeroy và ông Winterbottom tới dự. Nhưng cô Sophie hiện đã chín chục tuổi (theo tục xưa, phụ nữ chưa chồng tuy cao tuổi vẫn được gọi là ‘cô’), và cả bốn người bạn của cô đều đã qua đời. Tuy nhiên, Sophie muốn truyền thống đó vẫn phải được tiếp tục. Vì mấy người bạn không thể có mặt, cô nhờ ông quản gia James (do Freddie Frinton thủ vai) đóng vai cả bốn vị khách, vì ông hiểu rõ tính cách của mấy ông bạn này, kể cả những tật kỳ quặc của họ.

Bữa ăn có 4 món, mỗi món cô Sophie chọn một loại rượu thích hợp, báo hại ông quản gia James phải tiếp rượu cho cô và cho cả bốn người bạn vô hình. Ông phải đại diện từng người nâng ly chúc mừng gia chủ và uống cạn ly; nhưng cứ mỗi vòng như vậy ông lại vô ý vấp vào chiếc đầu cọp của tấm thảm lót sàn phòng, suýt té. Càng về cuối, ông càng trở nên say tới mức lộn xộn mọi thứ, và rất khó khăn cố tránh đầu con cọp mà vẫn bị vấp.

Cứ trước mỗi món, James hỏi cô Sophie: "Cũng theo cách như năm rồi, phải không cô Sophie?" (The same procedure as last year, Miss Sophie?), và cô trả lời: "Cùng một cách thức như mọi năm, James!" (The same procedure as every year, James). Khi mãn tiệc, cô Sophie bảo là cô đi ngủ, thế là James loạng choạng nắm tay cô cùng đi lên cầu thang. Khi đó James lập lại câu đã hỏi nhiều lần trong suốt bữa tiệc: "Cũng theo cách như năm rồi, phải không cô Sophie?" (The same procedure as last year, Miss Sophie?), và cô cũng lập lại câu trả lời: "Cùng một cách thức như mọi năm, James!" (The same procedure as every year, James). James quay lại và nháy mắt nói với máy quay phim: "Chà, tôi sẽ ráng hết sức mình."

Quý thính giả theo dõi hết chương trình Văn Hóa Việt hôm nay, nên vào YouTube tìm xem phim này. Tôi xin nhắc lại, tựa phim là Dinner For One. Phim nói tiếng Anh.

QL: Cảm ơn anh đã giới thiệu phim Dinner For One có vẻ rất hào hứng. Sau buổi nói chuyện này, tôi cũng sẽ lên youtube tìm cuốn phim này để xem.

Nước Ý cũng là một dân tộc được biết tiếng về ẩm thực. Chắc họ cũng ăn tiệc rất thịnh soạn. Xin mời anh chia sẻ về những món ăn đặc biệt của người Ý vào dịp Năm Mới.

NH: Đúng như chị Quý Linh nhận xét. Người Ý có nhiều món ăn, trong đó có vài món mà tên đã trở thành phổ thông trên toàn thế giới. Đó là Pizza và Spaghetti. Hai món này có đặc điểm là rất đa dạng, mỗi vùng có tên riêng cho chúng. Về giá cả thì có thể từ rất bình dân cho tới hạng cao cấp. Pizza có thể được trang trí bằng các nguyên vật liệu có màu như bức tranh lập thể xanh-đỏ-trắng-vàng-nâu rất bắt mắt; hoặc giản dị tối đa, như Pizza Margherita, món pizza được sáng chế để tôn vinh hoàng hậu Margherita của Ý khi bà đến thăm tòa lâu đài hoàng gia ở Napoli. Pizza Margherita là món pizza phổ thông nhất, phần topping chỉ có cà chua và mozzarela (một loại cheese mềm, nguyên thủy làm từ sữa trâu), thêm vài lá húng tây (basil). Vậy thì nó có đặc điểm gì? Thưa quý thính giả, đặc điểm của món Pizza Margherita là ba màu trên mặt: đỏ của cà chua, trắng của cheese và xanh lục của lá húng, đó là ba màu của lá cờ Ý.

Pizza và Spaghetti khi nhập vào các quốc gia khác được biến thể theo khẩu vị của người dân trong quốc gia đó, người dân dùng những gì quen thuộc trong môi trường sống của họ. Sự chế biến này đã sản sinh ra nhiều loại Pizza như Pizza thịt gà, thịt cừu cho tới cả món spaghetti xào giòn ở Malaysia hoặc spaghetti ăn chung với cơm ở vài quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha.

Trong một số trường hợp, dân Ý thấy những biến cải này đáp ứng khẩu vị của họ và thế là họ nhập trở lại vào Ý, làm giàu thêm sự đa dạng của món ăn. Thế nhưng, những người Ý sành ăn, và cả nhiều chủ nhà hàng nữa, đả kích sự pha trộn cẩu thả, không để ý đến sự chỏi nhau trong mùi vị khi trộn lung tung mọi thứ với nhau. Thí dụ những miếng thơm trong món Pizza Hawaii phá mùi vị của cheese (do trong trái thơm có chất bromelain làm tê lưỡi), thịt gà vì có vị lạt lẽo nên bị mùi cheese nhấn chìm mất, cá và đồ biển có mùi tanh nên không thể đi chung với cheese được v.v. Do đó, tuy trở thành đa dạng nhưng trên thực tế nhà hàng dùng những thứ ngoại lai này để câu du khách bằng một thực đơn dài.

Không như nhiều người tưởng lầm là Ý chỉ có pizza, spaghetti, macaroni, lasagne là chính. Mấy món này phổ thông, nhất là trong giới du khách, vì nó rẻ mà coi đẹp mắt. Thực đơn nhà hàng Ý chính cống có rất nhiều món. Đầu bếp Ý rất để ý tới cách hòa hợp các mùi vị trong món ăn theo kiểu của họ, và cách nấu. Kiểu nấu này nhiều khi làm buồn lòng dân du lịch lúc đói bụng và làm đầu bếp cũng buồn lây vì thấy khách không hiểu sự chú tâm của họ. Đầu bếp Ý hãnh diện nếu họ có thể tự làm món ăn từ đầu tới cuối theo lối truyền thống của địa phương hoặc của gia đình, bột do họ tự nhồi và cắt, không nấu một lần cho nhiều người v.v. Nhất là thịt thà rau đậu phải đúng loại. Nếu tìm hiểu kỹ sẽ thấy người Ý nấu rất đơn giản, nhưng do sự đơn giản mà thành rất khó nấu cho ngon.

Có lần trong dịp đi công tác ở Milan, các bạn đồng nghiệp Ý mời tôi vào dùng bữa tối trong một nhà hàng loại sang. Tới món thứ nhì, ông đầu bếp dọn cho mỗi người một đĩa to tướng, nhưng trong lòng đĩa chỉ trơn trụi chừng ba gắp spaghetti luộc. Rồi ông trịnh trọng mang ra một củ màu đen sần sùi đã cắt dở một khúc, lớn cỡ hơn nắm tay, lót trong khăn trắng. Ông chậm rãi lấy con dao bào, xắt cho mỗi đĩa bốn năm lát mỏng te. Xong. Cả bàn lấy nĩa khều từng sợi spaghetti nhâm nhi cùng với mấy lát sậm sựt, tôi chẳng hiểu đây là món gì, lạt lẽo vô vị. Mọi người thấy tôi ngồi im, hỏi tôi nghĩ sao. Tôi đành nói là không thấy gì đặc biệt. Chẳng lẽ nói nó làm tôi nhớ lại thời ăn độn mì sợi? Khi hiểu ra, mới biết đó là spaghetti làm theo lối truyền thống của gia đình chủ nhà hàng, và mấy lát đó là nấm truffle đặc biệt ông mới đào được mấy ngày trước. Chẳng biết bữa ăn đó có giá bao nhiêu, hiện giờ nấm truffle đen lớn cỡ đó, nếu may mắn tìm được nơi có bán, thì phải trả 1 euro hoặc hơn cho 1 gram.

Nhưng quả thực người Ý có rất nhiều món ăn được ướp rất ngon, theo khẩu vị của người Á Đông mình. Bữa ăn Ý đúng nghĩa có năm sáu đợt: đầu tiên là món khai vị (antipasto) bằng bánh khô ăn với nhiều loại thịt cá ướp khói, rau ngâm chua và trái olive v.v., món đầu (primo) nặng bụng hơn một chút, với cơm hoặc các món làm bằng bột (pasta) ăn với đồ biển hoặc rau, món thứ nhì (secondo) là món chính gồm các loại thịt cá. Sau món chính này sẽ có một khay các loại cheese và trái cây, tiếp theo là món tráng miệng, thường là bánh ngọt nên họ gọi là dolce, và chấm dứt bằng cà phê hoặc các loại rượu uống cho tiêu. Trong bữa tiệc Giáng Sinh khi tới dolce người ta thường ăn bánh panettone hoặc pandoro. Cả hai thứ bánh ngọt này thường rất lớn. Panettone có hình như chiếc mũ, có nho và các loại trái cây phơi khô, cùng các loại hột. Pandoro cũng có hình tương tự nhưng có nhiều múi, bánh này đẫm bơ và có phủ một lớp đường bột bên ngoài. Là nước ba bề giáp biển, họ có nhiều món cá. Nước Ý rất dài, với nhiều sản vật khác nhau nên bữa Tất Niên, Tân Niên cũng khác nhau tùy theo vùng, nhưng nói chung là có nhiều món và số lượng cũng nhiều hơn ngày thường. Ngoài ra dân Ý thích ăn đồ nhồi. Cá, đồ biển phổ thông ở miền Nam. Bữa tiệc Giáng Sinh hoặc cuối năm ở vùng này thường có các loại pasta nấu với đồ biển, sò hến… Lên miền trung người ta thường có món lươn nướng lò, nướng lửa, hoặc chiên trong những buổi tiệc cuối năm. Phía Bắc vì xa biển nên bữa tiệc cuối năm thường có hai món truyền thống của Ý là xúc xích heo Cotechino, thứ lớn như cổ tay, và giò heo rút xương dồn thịt, giò heo này họ gọi là zampone (tương đương với từ jambon của Pháp) nhưng làm bằng khúc bắp chân, tới móng luôn, không như jambon làm từ phần đùi như người Việt quen ăn. Những món này luôn luôn được bày bên trên một lớp đậu lăng (lentils) nấu với cà chua, cà rốt, cần tây, rau thơm, dầu olive v.v. và rượu nho đỏ. Khi chuông nhà thờ đổ báo hiệu giao thừa, người ta thường ăn nho, bánh toast và uống rượu spumante là rượu nho sủi bọt tương tự champagne. Người Ý trong phút giao thừa không nhất thiết phải ăn 12 trái nho như ở Tây Ban Nha để hy vọng may mắn suốt 12 tháng trong năm mới.

Đương nhiên một số tiết mục người dân Ý không thể bỏ qua trong những ngày này là đón nghe sứ điệp của Đức Giáo Hoàng vào ngày Giáng Sinh, lời chúc của Ngài trong ngày đầu năm.

QL:  Món bánh chưng của người Việt không những là món ăn đặc biệt ngày Tết mà còn có sự tích về món ăn cổ truyền đó. Không biết trong các món ăn mừng Năm Mới của người Âu châu có món ăn nào có kèm cổ tích không?

NH: Chắc chắn là một số món ăn có liên quan đến tục lệ thời xa xưa hoặc một câu chuyện thần thoại nào đó, nhưng thực tình tôi không biết câu chuyện nào hấp dẫn để kể. Tôi nghĩ có thể nêu hai thí dụ sau đây.

Vào tháng 12, người Đức có tục uống Glühwein, là rượu nho đỏ nấu với quế, đinh hương, hồi, vỏ cam, đường và mật ong. Rượu này uống nóng, là món không thể thiếu trong các chợ Giáng Sinh, các quầy hàng có bán đủ loại xúc xích nướng ăn tại chỗ uống kèm với Glühwein cho ấm bụng. Người ta cho là rượu này được ông tổ Y khoa Hipprocrates, người Hy Lạp (sống vào thế kỷ thứ 5 trước công nguyên) nghĩ ra, rượu này khi đó có tên là hipocras, uống khai vị và giúp tiêu hóa, phòng được nhiều chứng bệnh. Đó là hồi xưa, hiện nay do chạy theo lợi nhuận, Glühwein phần lớn được làm từ rượu xấu nấu với nhiều đường.

Và câu chuyện thứ hai: Hòa Lan và một số quốc gia vẫn còn giữ tục đón ông thánh Nicolas thay vì đón ông già Noël. Thánh Nicolas là một vị giám mục tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ngài sống vào thế kỷ thứ 3 và mất vào ngày 6 tháng 12 năm 340. Sau khi qua đời, Ngài được phong thánh. Thánh Nicolas nổi tiếng là người hào phóng, yêu trẻ em và là vị thần đỡ đầu những thương nhân, chủ lò bánh… Ngài đã từng đi khắp Âu châu, và phân phát kẹo bánh cho trẻ em. Hòa Lan là nước tổ chức đón thánh Nicolas tưng bừng nhất. Khoảng giữa tháng 11 các thành phố đều tổ chức buổi lễ đón Ngài, theo tục truyền Ngài đi tàu thủy từ Tây Ban Nha đến Hòa Lan cùng với đoàn tùy tùng có tên chung là Piet Đen, khắp người bôi đen, tóc quăn, môi đỏ chót. Xuống tàu, ngài lên ngựa trắng, theo sau là đoàn Piet vác những bao bố đựng quà theo hộ tống (ông già Noël phải tự vác bao quà !), đi một vòng phố, hai bên đường mọi người chen nhau chào đón, được các Piet cho bánh pepernoot, là một thứ bánh bột dai có dạng nửa viên bi, nhỏ cỡ đốt ngón tay cái, có vị quế, nhục đậu khấu, gừng, cardamom và đinh hương. Các Piet cũng ném tung bánh này ra đường (trước kia trẻ em xúm nhau lượm, nay gần như không còn nữa vì vấn đề vệ sinh). Đó là buổi đón tiếp toàn quốc, tuần kế tiếp là buổi đón tiếp tại các địa phương, với ý nghĩa là Ngài đang đi du hành xem xét các nơi. Người nào tốt sẽ có thưởng, kẻ nào xấu ác thì sẽ bị la rầy hoặc bị phạt. Tối ngày 5/12 là tối phát quà chính thức trước khi Ngài lên tàu trở về Tây Ban Nha lại. Gia đình có thể thuê một ‘ông thánh Nicolas’ đến thăm và mang theo bao quà cho mọi người (thực ra là do gia đình mua và ghi món quà đó cho ai, kèm thêm vài hàng về người đó để ông Thánh Nicolas có thể đọc và chúc tụng). Ai để giày dép trước cửa hoặc dưới lò sưởi thì khuya 04 sang 05/12 sẽ thấy món quà nhỏ trong giày dép. Trường học và nhiều cơ quan cũng tổ chức ngày cho ông Thánh Nicolas tới thăm và phát quà, siêu thị cũng có nơi cho các em để giày dép cho ông Thánh này bỏ quà vô (bánh kẹo hoặc trái cây). Tới khoảng 6 tuổi thì các em hiểu là ông thánh này không có thực.

Đó là tục lệ đặc biệt từ rất lâu, còn bánh pepernoot thực ra là có nguồn gốc khác: nó tượng trưng những hạt giống do nông dân rải trên ruộng, và mang ý nghĩa đem giàu sang và hạnh phúc tới, và là biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở. Khi xưa, vào tháng 12 người Hòa Lan có tục ném vãi bánh pepernoot trong phòng cho trẻ em lượm, đó là họ bắt chước hành động của nhà nông gieo hạt ngoài đồng. Trong những nắm bánh đó, người ta có cho vào vài đồng bạc cắc, ai lượm được sẽ gặp may mắn. Tục này ở một số quốc gia đã biến cải thành tục ném gạo ra mọi hướng trong lễ cưới, hoặc rắc confetti trong các buổi tiệc.

Như vậy, ta thấy là một tục lệ hiện nay như tục đón ông thánh Nicolas ở Hòa Lan có thể bắt nguồn từ nhiều tục lệ khác nhau, được nhập chung lại.

QL: Dân tộc Tô Cách Lan (Scotland) có phong tục gì đặc biệt không? Có phải họ có một bài hát mà họ đặc biệt hát để mừng Năm Mới không? Xin mời anh chia sẻ đến thính giả.

NH: Trong giây phút chia tay năm cũ và đón năm mới, người dân tại một số quốc gia nói tiếng Anh có tục nắm tay nhau và cùng hát bài Auld Lang Syne. Bài này nguyên là một bài dân ca cổ do Robert Burns chép lại theo lời dân gian hát (và viết thêm một khúc) vào cuối thế kỷ 18 bằng tiếng Tô Cách Lan (Scottish). Nó trở thành một phong tục của dân Tô Cách Lan và dần dà đã lan sang nhiều quốc gia khác trong Liên Hiệp Anh, rồi nhiều nước khác cũng cho bản này vào chương trình đêm giao thừa của họ. Ở phút đếm ngược thời gian khi đón giao thừa, radio và TV cũng thường hòa tấu bản này.

Ở Việt Nam, bản này thường được hát khi chia tay trong những sinh hoạt cộng đồng, trước kia là một bản đồng ca chia tay trong các buổi sinh hoạt tập thể, trại hè hoặc trại họp mặt Hướng Đạo (jamboree) trên toàn thế giới. Nó có lời như sau:

“Vì đâu anh em chúng ta ngày nay sắp cùng bùi ngùi xa cách
Cớ sao ta không còn trông rồi đây có ngày mình còn gặp nhau…”

Khi đó nhiều người, trong đó có tôi, tưởng đây là một bản nhạc Pháp với tựa được nhiều người biết là “Ce n’est qu’un au revoir” (thực ra bản nhạc có tựa chính thức là “Chant des adieux”). Bản nhạc này đã được nhà thơ/nhà văn Thế Lữ dịch ra với tựa “Bài Ca Tạm Biệt”. Tôi muốn nói rõ như vậy vì sau ngày 30/04/1975 Hội Hướng Đạo Việt Nam đã bị giải tán, mặc dù Hồ Chí Minh có thời từng là hội trưởng danh dự. “Bài Ca Tạm Biệt” cũng không còn được hát nữa, và bây giờ trong nước người ta hát với lời như sau:“Giờ đây anh em chúng ta cùng nhau giã từ lòng còn lưu luyến
Cách xa nhưng ta hằng mong rồi đây có ngày còn được gặp nhau”.

Ngoài ra chắc nhiều vị trong quý thính giả đây cũng đã từng nghe nhạc chế của bài này:

Ò e Robert đánh đu, Tarzan nhảy dù, Zorro bắn súng…

QL: Tôi hay nghe nhắc đến một tục lệ của người Pháp là hôn nhau dưới cây mistletoe để được may mắn. Xin anh giải nghĩa cây mistletoe là cây gì và tục lệ ấy có đúng ý nghĩa như thế không.

NH: Mistletoe là một loại cây tầm gửi, có nơi gọi là chùm gửi. Cây này là loại bán ký sinh, chim ăn trái cây này, phân chim rớt xuống, gặp môi trường thuận lợi (ở vài loại cây) sẽ mọc rễ bám vào cây chủ để hút chất dinh dưỡng. Cây tầm gửi mọc thành một tụm lớn trên tàng cây chủ, nếu mạnh quá thì cây chủ có thể chết.

Theo một truyện thần thoại ở những xứ Bắc Âu, khi xưa có vị thần Mặt Trời Mùa Xuân tên là Balder. Chừng nào Balder còn sống thì cung điện của ông sẽ tỏa ánh sáng khắp nơi trên trái đất. Một hôm Balder, khi còn trẻ, ngủ mơ thấy mình sẽ bị giết, sợ quá nên anh kể lại với mẹ là thần Frigga, là nữ thần của sắc đẹp và tình yêu. Bà này cũng mơ thấy như vậy, nên tin rằng đây là điềm xấu, do đó bà bắt mọi người và cả muông thú, cây cối đều phải thề là không bao giờ làm tổn thương Balder. Vạn vật đều thề, chỉ có cây tầm gửi là không chịu thề. Nữ thần Frigga cũng sơ ý không thấy sự sơ sót này. Khi Balder lớn lên, các vị thần khác có trò tiêu khiển là ném cây cối vào Balder để thấy là Balder không thể chết. Cho tới khi anh chàng kia tên Loki, thần của sự Ác, khám phá ra bí mật này, đã làm mũi tên bằng thân cây tầm gởi, tẩm thuốc độc và dụ cho người em mù của Balder bắn trúng, Balder bị chết. Bà mẹ, tức nữ thần Frigga đau buồn quá, than khóc và các giọt nước mắt của bà hóa thành trái tầm gửi, hình tròn, bóng láng và có màu trắng. Nước mắt của bà đã làm động lòng các vị thần tối cao, họ cho Balder lại sự sống và cho thần Frigga quyền hành cai quản cây tầm gửi. Frigga bèn đem cây tầm gửi gắn chặt vào các cây khác để không ai có thể dùng nó làm vũ khí được nữa. Người nào đi ngang qua những cây có tầm gửi bám sẽ được thần Frigga, là nữ thần của tình yêu, hôn.

Đây là một trong nhiều phiên bản của thần thoại về cây mistletoe, tức cây tầm gửi. Các phiên bản khác nhau khá xa, từ đoạn Balder bị trúng tên chết. Tôi thấy chỉ có phiên bản tôi vừa kể mới giải thích được lý do vì sao người Pháp treo chùm tầm gửi khô lên trần nhà, và cặp nào hôn nhau dưới cây tầm gửi vào dịp tất niên sẽ được may mắn trong năm. Cũng có nơi cho là nếu cô gái nào cho bạn hôn dưới cây tầm gửi thì có nghĩa là năm tới cô ta sẽ kết hôn. Những nơi khác cho cây tầm gửi là một biểu tượng cho tình thương yêu và sự sống lâu dài.

QL: Người Pháp là một dân tộc lịch duyệt, sành ăn, ăn ngon nấu khéo, không những là các món nấu bằng thịt mà cả bánh ngọt nữa. Xin mời anh chia sẻ về những món ăn ngon của người Pháp để mừng Năm Mới.

NH: Nước Pháp nổi tiếng từ xưa là có nhiều món ăn ngon, bằng chứng là những món ăn cầu kỳ một chút thường mang tên Pháp. Pháp cũng như Ý, rất khéo trong việc chọn những gia vị cho món ăn. Họ dùng nhiều cây hương liệu tươi, nhiều nhà trồng những thứ này trong vườn. Khi xưa, để tránh phung phí, người Pháp nghĩ ra một số món nấu bằng đồ ăn còn dư hôm trước, và sau này nhờ sáng tạo trong cách nấu, các món này đã dần dần được cải tiến, nâng cấp trở thành những món đặc biệt trong nhà hàng, như các món Bouillabaisse (súp nấu bằng các loại cá), Ratatouille (nhiều thứ rau hầm chung với các loại gia vị và hương liệu), Bœuf bourguignon (thịt heo hầm chung với thịt bò trong nước dùng có pha rượu vang đỏ và một số hương liệu) v.v. Ý không chú trọng nhiều đến cách bày biện món ăn cho đẹp mắt, họ chỉ cần nhiều món và ngon. Pháp chăm chút cho hình thức của món ăn, mọi thứ hài hòa về lượng cũng như về màu sắc, tất cả phải cân đối hòa hợp với nhau. Người Anh thì để ý nhiều đến những đồ phụ tùng, chén bát, muỗng nĩa phải đẹp.

Nước Pháp nổi tiếng phong phú về rượu và fromage (cheese). Nếu mỗi ngày bạn thử một loại fromage thì hết năm chưa giáp vòng. Người ta ước tính Pháp khoảng 400 loại cheese khác nhau. Về rượu mạnh, Pháp có nhiều tên đã được cầu chứng độc quyền như Cognac, Champagne, Armagnac… do gắn liền với tên địa phương sản xuất. Về rượu nho, người ta ước tính Pháp có khoảng trên dưới 4000 loại, được khoanh thành từng vùng rượu. Khi người Pháp nói ‘uống’ không thêm chữ gì phía sau thì có nghĩa là ‘uống rượu’. Dân Pháp khá cầu kỳ trong ăn uống, mỗi món có thứ rượu riêng. Họ cũng không quen với cách vừa đi vừa ăn. Ăn uống là phải có bàn ghế đàng hoàng, có khăn tay, có ly rượu. Nói tóm lại, phải thể hiện được phong cách nhàn nhã.

Vì những phức tạp như vậy (cách nấu món ăn, chọn rượu thích hợp) và do cách sinh hoạt lấy không khí quán xá làm vui, trong dịp Giáng Sinh và Năm Mới người Pháp cũng có cách riêng của họ.

Bữa tiệc Giáng Sinh thường được tổ chức trong phạm vi cha mẹ và con cái vào tối 24, không phải ngày 25 như nhiều nước Âu châu. Bữa tối 24/12 gọi là Réveillon de Noël cho người trong nhà, nhiều gia đình dành bữa trưa ngày 25/12 cho đại gia đình. Bữa tiệc Giáng Sinh tối 24 rất thịnh soạn, gần như bắt đầu bằng các món pâté gan ngỗng hoặc gan vịt, các loại hải sản như tôm cua sò hến trong đó thường có con sò điệp, cá ướp khói, ốc sên nhồi bơ, ăn chung với bánh mì hoặc các loại bánh khô. Uống champagne. Kế đến là món chính, hoặc gà tây nhồi hạt dẻ đút lò, hoặc gà trống thiến, hoặc thịt rừng. Xong món thịt, tới một mâm fromage rồi cà phê, bánh ngọt v.v.

Bữa ăn giao thừa tối 31/12 là cho bạn bè. Tại các thành phố bữa ăn này thường được tổ chức trong nhà hàng. Cũng gồm các món như tối Giáng Sinh, nhưng món chính nhẹ bụng hơn. Bữa ăn này thường kéo dài đến nửa khuya.

Ngày 06/01 dân Pháp thường tổ chức Lễ Hiển Linh, tức lễ kỷ niệm chuyến viếng thăm của các đạo sĩ chào mừng chúa Jesus mới ra đời. Trong lễ này người Pháp ăn chiếc Bánh Vua (hay Bánh Ba Vua), tiếng Pháp là Galette de Rois, tiếng Anh là King Cake. Ở Pháp, bánh này hình tròn dẹp, nhân hạnh nhân nghiền trộn với bơ và đường. Trong chiếc bánh có giấu một bức tượng nhỏ, bánh được chia đều, người nào được miếng bánh có tượng sẽ được chúc mừng cho sự may mắn sẽ đến trong năm, người đó sẽ được đội chiếc vương miện bằng giấy màu vàng có sẵn trong hộp.

Tục ăn Bánh Vua không chỉ có ở Pháp. Rất nhiều nước tổ chức Lễ Hiển Linh trong tháng 1 hoặc một lễ tương tự trước mùa carnaval. Hình nhân trong Bánh Vua cũng thay đổi tùy quốc gia. Thí dụ tại Hy Lạp, bánh này gọi là Vasilopita (vasilo là vua, pita là bánh), bên trong có dấu một đồng bạc cắc. Bánh Vua hiện nay còn đi ra ngoài phạm vi tôn giáo, như hiện nay trong nhiều bữa tiệc ở Hòa Lan, người ta cũng làm thứ bánh có dấu tượng bên trong như một tiết mục giúp vui.

QL: Người Âu châu có chú ý đến y phục ngày Tết như người Việt không? Chẳng hạn như may quần áo mới, màu sắc vui vẻ, tránh màu trắng hoặc đen, v.v...

NH: Đương nhiên là mọi người đều muốn năm mới có bộ quần áo mới, thứ mình ưa thích thì bây giờ có cớ để tiêu xài mà ít cần đắn đo. Tháng 12 nhiều người được lương tháng 13, được tiền thưởng v.v., rồi hầu hết các tiệm bán quần áo, nữ trang đều hạ giá để kiếm doanh số mà báo cáo thành tích. Màn hạ giá ‘Black Friday’ mấy năm gần đây bắt đầu xâm nhập xã hội Âu châu, và ngày càng lậm. Năm nay không phải chỉ một ngày Black Friday mà nhiều tiệm làm nguyên một tuần ‘Đen’.

Về màu sắc quần áo ngày Tết, người Âu châu ít quan tâm đến màu sắc. Nhiều người chịu ảnh hưởng của trào lưu fast fashion, vài tháng lại có đợt y phục kiểu mới và màu mới. Nói đúng ra, màu là do các tay chuyên về trend và mode định trước cả năm, vì sau đó còn phải qua giai đoạn chuẩn bị vải vóc và thiết kế kiểu. Hiện giờ rất ít người mặc màu đen hoặc trắng.

Tây Ban Nha và Ý có tục nữ giới ngày cuối năm mặc đồ lót màu đỏ. Màu đỏ mang ý nghĩa may mắn sẽ tới trong năm mới. Muốn theo đúng tục lệ này, vào lúc giao thừa họ phải cởi đồ lót và đốt.

QL: Người Việt ở Âu châu ăn mừng Tất Niên và Tân Niên như thế nào???

NH: Tất Niên và Tân Niên với người Việt ở Âu châu không quan trọng, vì sau Tân Niên trên dưới một tháng là tới Tết Nguyên Đán, ngày Tết quan trọng nhất của người Việt. Dịp Giáng Sinh và đón mừng năm mới dương lịch, với đại đa số người Việt đi làm ăn lương, là được nghỉ một tuần, là được lên lương, có khi được tiền thưởng. Một số cơ quan có thùng quà Giáng Sinh cho nhân viên, có tổ chức tiệc cuối năm, vài nơi có tiệc đầu năm trong tuần lễ đầu năm, khi mọi người đi làm lại đầy đủ.

Phần lớn gia đình người Việt, dù có đạo hay không, cũng có cây thông hoặc treo thứ gì đó đặc biệt vào dịp Giáng Sinh. Các giáo xứ tổ chức thánh lễ, dân mình người nào muốn theo tục ăn réveillon đêm 24 thì ăn gà tây nướng, như đã quen cách ở Việt Nam, nhưng số này không nhiều, vì con gà tây quá lớn so với sức ăn của người Việt. Bởi vậy, nếu họ làm tiệc Giáng Sinh thì thường cũng chỉ là bữa tiệc thông thường, có các món heo quay vịt quay và tôm cua, gỏi, chả giò, cà ri, ra-gu v.v., tóm lại không có gì đặc biệt cho ngày Giáng Sinh, ngoại trừ món quà trao cho nhau.

Vào tối Tất Niên, nhiều người Việt ở Âu châu cũng tụ họp ăn uống theo nhóm. Ăn nhậu, hát karaoke, có nhóm bày trò chơi bài. Khi xưa, vào dịp cuối năm, có những tours nhạc hội từ Hoa Kỳ qua Âu châu lưu diễn nhưng bây giờ gần như không còn nữa. Trào lưu mới là cố gắng dàn xếp để về Việt Nam du lịch và thăm gia đình, tốt nhất là có thể kéo dài tới Tết Nguyên Đán. Đó là do người lao động ở Âu châu được hưởng nhiều ngày nghỉ hơn ở Hoa Kỳ.

QL: Xin anh cho biết ảnh hưởng của xã hội trên tập tục ăn mừng Tất Niên và Tân Niên ở Âu châu như thế nào.

NH: Cũng như Tết Nguyên Đán ở Việt Nam, phải có cái ‘không khí Tết’ mới làm mọi người háo hức trông chờ Giáng Sinh hoặc đón mừng năm mới.

Ở Âu châu, tôi không rõ hồi xưa có sinh hoạt gì báo hiệu sắp sang năm mới hay không. Bây giờ thì mọi người biết là sau Giáng Sinh một tuần là bước sang năm mới, do đó không cần thiết phải có một biểu tượng gì báo hiệu năm sắp hết, ngoài những cuốn lịch bày bán trong tiệm sách, và các biển quảng cáo hạ giá cuối năm. Nhưng lịch năm mới hiện nay người ta đã rao bán từ tháng 11, còn biển quảng cáo được nhập chung với Giáng Sinh rồi.

Để thấy ‘không khí Tết’ quan trọng ra sao, tôi kể cho quý vị một kinh nghiệm bản thân: cách nay gần 20 năm, tôi làm một chuyến du lịch Ai Cập vào tháng 12. Khi quay trở lại thủ đô Cairo để về lại Hòa Lan, tôi tình cờ thấy trong tủ kính của tiệm kia có để hình nộm ông già Noel. Giật mình, mới nhớ ra chỉ còn vài ngày nữa là Giáng Sinh rồi, vậy mà trong suốt thời gian ở Ai Cập, tôi hoàn toàn không thấy gì khác lạ trong sinh hoạt.

Còn riêng ở Hòa Lan có một thứ tạo nên không khí chuẩn bị Tết đặc biệt. Đó là thứ bánh chỉ có bán trong dịp cuối năm: bánh oliebol, dịch nghĩa là bánh có hình viên tròn, chiên dầu. Bánh này làm bằng bột mì pha men, trong bột có trộn nho khô và táo xắt nhỏ, rồi nhồi với sữa và trứng. Sau khi bột dậy, dùng 2 chiếc muỗng ướt để múc bột thành cục nhỏ bằng trái banh pingpong và thả vào chảo dầu sôi chiên cho vàng đều. Vớt bánh, để ráo dầu rồi rắc đường bột.

Bánh Oliebol ngon thường được bán tại những xe đậu dọc đường trong phố, hoặc trong tiệm bánh. Nhiều gia đình cũng tự làm, vì không khó và bánh này phải ăn nóng. Mùi dầu chiên phảng phất trong không khí vào những ngày cận Tết là một mùi đặc biệt. Tuy nhiên phải mất cả chục năm tôi mới cảm được cái ‘không khí Tết’ rất Hòa Lan này, và trong lòng cũng cảm thấy bồi hồi khi nghĩ tới một năm sắp qua đi. Bánh này được ăn vào ngày cuối năm, nhưng vào tuần cuối cùng của năm cũ, mọi người đã ăn lai rai rồi.

Bánh oliebol có nguồn gốc từ khoảng 2 ngàn năm trước. Khi đó người ta lấy bột quấn chung quanh các món dâng cúng vào ngày đầu năm (ngày này không phải là ngày 01 tháng giêng như bây giờ), đem chiên trong mỡ và bên ngoài rắc bột trắng để làm vừa lòng các vị thần, bánh có mỡ sẽ làm gươm của các vị ác thần bị trơn khiến họ không chém được. Tới thời trung cổ, những gia đình giàu có làm thứ bánh bột chiên gần giống như oliebol hiện giờ nhưng có nhiều hương liệu hơn, để cho những người đói kém. Khi đó bánh có hình dẹp hơn bánh oliebol hiện nay. Bánh oliebol như hiện nay lần đầu tiên được ghi trong sách là cuối thế kỷ 17, và khi đó có tên là olykoek (bánh chiên dầu, koek là cake trong tiếng Anh). Đầu thế kỷ 18, những người Hòa Lan định cư ở vùng Manhattan (khi đó có tên là New Amsterdam) bắt đầu làm bánh này. Để bảo đảm bánh chín khi chiên, họ khoét lỗ ở giữa, và đó là những chiếc bánh doughnut đầu tiên, lần lần được biến cải thành doughnut như hiện nay.

Đây là một câu chuyện cho quý thính giả biết thêm một chút về lịch sử. Còn về các bữa tiệc Tất Niên và Tân Niên, thì nói chung, những bữa ăn này đều rất thịnh soạn, đến thừa mứa. Gia chủ muốn qua bữa ăn này cho thấy sự phú túc của gia đình. Các khách mời phải được tiếp đãi đàng hoàng, không muốn để ai buồn phiền. Do đó, các món ăn có nhiều thịt, dầu mỡ, tốt nhất là có những món khó tìm, khó làm như thịt rừng, tôm hùm, dùng những thứ rau lạ. Bánh phải thật là ngọt, trái cây phải là thứ ngon, hiếm.

Nhưng thực tế hiện nay rất khác. Cuộc sống ngày một tất bật hơn. Những thế hệ trẻ ngày càng ít người biết nấu những món cổ truyền rắc rối, hoặc không có thời giờ nấu, hoặc không muốn làm công mọi cho cả chục người. Mà thiên hạ giờ đây cũng khác: người này chỉ uống bia không độ, người kia dị ứng với tôm cua, với đậu phộng, người khác ăn chay, v.v.. Không thể chiều tất cả mọi người được. Gia chủ cũng khó trông cậy có người nhà đến sớm phụ giúp nấu nướng như ngày xưa, rồi ngày hôm sau lại phải hì hục thu dọn một đống đồ ăn dư, đổ bỏ thì tiếc, giữ lại thì ăn được cả tuần. Ngoài ra, dân nhập cư đến từ những xứ Hồi giáo mang theo văn hóa của họ. Họ thấy Giáng Sinh không quan trọng. Nhưng họ giúp rất nhiều trong việc duy trì sinh hoạt 24/7 vì trong dịp Giáng Sinh và đầu năm họ chịu khó đi làm để lấy tiền phụ trội trong ngày lễ, để cho đồng nghiệp người bản xứ có thể nghỉ thoải mái. Và liên lạc gia đình trong xã hội hiện nay cũng lợt lạt, do mỗi người hoặc mỗi cặp có cuộc sống riêng. Do đó, khuynh hướng hiện tại là tiệc nhỏ làm ở nhà, tiệc lớn ra nhà hàng. Tiệc nhỏ sự thực cũng ít khi phải nấu khi trong siêu thị có bán đồ ướp sẵn, rau cũng đã xắt nhỏ, rất tiện. Khuynh hướng mới, và có nhiều khả năng trở nên phổ thông trong tương lai, là đặt món ăn nấu sẵn mang tới nhà đúng giờ đã định.

Kể từ khoảng năm 2008, khi kinh tế chạy theo mô hình của Hoa Kỳ, cuộc sống của người dân Âu châu chịu nhiều xáo trộn. Mọi sinh hoạt dần dần trở thành 24/7. Nhà máy làm ba ca, với 5 kíp thợ luân phiên nhau. Rồi những xung đột, chiến tranh liên tục khiến làn sóng người nhập cư với văn hóa và tập tục hoàn toàn khác. Thêm những phong trào phản đối tại nhiều quốc gia. Những biến động này đang bắt người dân phải thích ứng với sự thay đổi liên tục trong xã hội. Tôi nêu vài thí dụ cụ thể ở Hòa Lan: những người tị nạn Syria, Afghanistan, Ukraine đang ở trong các trại tiếp cư làm chính quyền một số địa phương phải ra lệnh cấm hoặc hạn chế đốt pháo, vì tiếng nổ làm những người tị nạn này hoảng sợ, họ tưởng bị pháo kích hoặc bị tấn công.

Thí dụ thứ hai là truyền thống đón ông thánh Nicolas với bầy tùy tùng Piet Đen, từ bao nhiêu năm nay đã thành truyền thống, thì bây giờ bị những nhóm ‘da đen’ biểu tình phản đối vì họ cho đó là biểu tượng của sự kỳ thị, gây cho trẻ em ý tưởng là người da đen phải là nô lệ hoặc làm tôi tớ cho người da trắng. Những phản đối này gay gắt tới mức bây giờ đại đa số Piet chỉ còn bôi mặt sơ sài, tóc ít quăn, môi không bôi son đỏ nữa. Ngay cả hình Piet Đen cũng bị lấy xuống khỏi Facebook và Instagram.

QL: Thưa anh, thời gian dành cho chương trình Văn Hóa Việt sắp chấm dứt. Xin anh cho lời kết cho đề tài nói chuyện hôm nay.

NH: Như tôi vừa trình bày thì quý thính giả cũng nhận ra là: với người Âu châu, ngày Giáng Sinh quan trọng hơn ngày Tân Niên.

Âu châu nguyên thủy là xứ theo Thiên Chúa Giáo hoặc có niềm tin vào Chúa Giê Su cho dù họ không là tín đồ của một tôn giáo thờ Chúa Jesus. Thêm vào đó, văn hóa La Mã-Hy Lạp đã ăn sâu vào đời sống người dân, với những truyện về các vị thần, về những huyền bí. Ngày Giáng Sinh mang một ý nghĩa tâm linh rõ ràng. Ngày đầu năm mới là một ngày mang tính hành chính, chỉ là một mốc thời gian do con người định ra (Đức Giáo Hoàng Gregorius, vào năm 1582). Nó không như ngày mồng một Tết Nguyên Đán, mỗi người Việt đều thêm một tuổi (tuổi ta). Thời xa xưa, người ta mừng năm mới vào ngày chuyển từ tiết đông sang tiết xuân, tức là ăn mừng vào lúc vạn vật bắt đầu tỉnh giấc và sinh hoạt lại. Ngày đầu năm dương lịch, tại Âu châu, là đầu mùa đông. Trong dân gian, người ta đánh dấu ngày đầu năm bằng tiếng chuông, tiếng nổ. Bây giờ, vào lúc giao thừa, nhà thờ đổ chuông, dân chúng đốt pháo.

Nhưng có một điểm tình cờ khiến ngày Tất Niên cũng mang một ý nghĩa tâm linh nào đó, tuy không quan trọng như ngày Giáng Sinh.

Giao Thừa, tiếng Anh là New Year’s Eve, đêm của năm mới. Nhưng nhiều quốc gia Âu châu gọi ngày cuối năm dương lịch bằng một tên khác, trong đó có chữ Sylvester (Đức, Áo), Sylvestre (Pháp, Bỉ), Sylvestro (Ý) hoặc một từ có âm tương tự. Sylvestre là ai.

Đó là Sylvestro I, Giáo Hoàng thứ 33 của giáo hội Công Giáo. Ngài mất vào ngày 31/12 năm 335. Theo truyền thống Công giáo khi xưa, hầu hết các vị thánh Công Giáo được giáo hội dành cho một ngày trong năm. Ngày Tất Niên trở thành ngày của thánh Sylvestro I, gọi tắt là Sylvestro, Sylvestre, hay Sylvester.

Đêm giao thừa hiện nay là dịp cho bạn bè gặp nhau nói chuyện vui. Năm mới ai cũng hy vọng sẽ tốt hơn, mình sẽ gặp may. Nhiều người dùng bữa tiệc Tất Niên để tự hứa một điều nào đó sẽ làm trong năm mới, như bỏ hút thuốc, xóa bỏ những bất hòa với người nào đó.

Và để thay cho lời kết, tôi xin chúc quý thính giả năm mới được mọi sự như ý. Cũng chúc chị Quý Linh năm mới còn đủ sức khỏe và nghị lực để duy trì chương trình Văn Hóa Việt, một chương trình rất bổ ích cho người Việt xa xứ.

QL: Xin cảm ơn Dược sĩ Nguyễn Hiền đã dành thì giờ quý báu đến với chương trình Văn Hóa Việt.
Xin cảm ơn quý thính giả đã theo dõi chương trình hôm nay và xin kính chúc quý thính giả Năm Mới như ý và nhiều thành công.

   

Ngô Thị Quý Linh & Nguyễn Hiền

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/vanhoa/nguoiauchauanmungtannien_2023.html


Cái Đình - 2023