Phạm Ɖình Lân


Năm Thìn nói chuyện Rồng

   

Năm 2024 là năm Giáp Thìn tức năm con Rồng. Hàng năm cứ mỗi dạo Xuân về chúng ta có dịp nói qua về con vật trong năm. Trong những trang dưới đây chúng ta thử bàn về chuyện Rồng.

Khái niệm về Rồng

Rồng là một con vật thật hay tưởng tượng? Nếu là con vật tưởng tượng tại sao người Đông Phương và Tây Phương đều có tên gọi Rồng hay Long và Dragon? Và người Việt Nam tự nhận mình là con Rồng Cháu Tiên?

Khái niệm về Rồng (Long) ở Đông Phương và Tây Phương hoàn toàn khác nhau.

Ở Trung Hoa, Việt Nam, Triều Tiên Rồng đứng đầu trong Tứ Linh: Long, Lân, Qui, Phượng. Rồng là con vật có sức mạnh khủng khiếp, biểu tượng cho Vương quyền. Theo hình vẽ Rồng có mình dài như mình Rắn, Mãng Xà, có vảy to, miệng rộng, có sừng và có bốn chân, mỗi chân có 5 ngón với móng vuốt dài và nhọn.

Rồng sống trên mặt đất, dưới nước và có thể bay bổng lên không trung mặc dù trong hình vẽ không thấy Rồng Đông Phương có cánh. Căn cứ vào sự mô tả này ta thấy Rồng là loài bò sát, sống nửa nước, nửa đất, có sức mạnh hơn Sấu, Mãng Xà và Đại Bàng. Nói theo từ ngữ quân sự, Rồng tượng trưng cho Hải Quân, Không Quân và Thủy Lục Quân.

Theo Hán-Việt Rồng là Long. Mắt vua gọi là long nhãn, thân thể vua gọi là long thể, áo vua mặc là long bào, giường vua nằm gọi là long sàng v.v.. Long bào lúc nào cũng có thêu hình con Rồng to lớn, bốn chân, mỗi chân có 5 móng.

Rồng năm móng là Rồng của Vua. Rồng ba móng là Rồng của thứ dân. Đó là hình Rồng được vẽ trên tô, chén ăn cơm của thứ dân (tuy nhiên ngày nay phần đông các lò gốm đã bỏ quy luật này).

Người Đông Phương quí trọng Rồng. Nào là thân mẫu Hán Cao Tổ (Liu Pang – Lưu Bang) mang thai ông khi nằm chiêm bao thấy Rồng giáng. Nào là vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư, Ninh Bình, về thành Đại La thấy Rồng thăng lên mây nên đặt tên kinh đô mới là Thăng Long (Hà Nội) v.v..

Các nhà vũ trụ học Trung Hoa có phân biệt bốn loại Rồng:

  1. Thiên Long kiểm soát các Thần trên Thiên Đình.
  2. Ẩn Tàng Long kiểm soát các kho tàng chôn dưới đất.
  3. Địa Long kiểm soát biển, sông nước, ao hồ.
  4. Thần Long kiểm soát gió, mưa, giông, bão.

Rồng có vị trí đặc biệt trong Phật Giáo, Lão Giáo và Khổng Giáo.

Khái niệm về Rồng sớm xuất hiện ở Cận Đông tức Trung Đông bây giờ. Rồng hiện diện trong văn chương và nghệ thuật trong vùng Lưỡng Hà Châu (Mesopotamia). Rồng được xem như một loài Rắn khổng lồ dưới nước là hình ảnh của Thần bão tố. Trong Tân Ước Kinh phần Revelation (Khải Huyền) 12:3 có đề cập đến một con Rồng lớn màu đỏ, có 7 đầu, 10 sừng. Trên đầu có 7 mão triều thiên. Theo Thánh Kinh thì Rồng là quỉ Satan.

Trong huyền thoại Hy Lạp Rồng là một loài Rắn khổng lồ có răng sắc bén, có nọc độc và có nhiều đầu. Rồng vừa bảo vệ vừa có những đặc tính khủng khiếp theo huyền thoại Hy Lạp và La Mã. Trong huyền thoại Hy Lạp có một cuộc giao đấu giữa Thần Apollo với Rồng Pytho.

Khái niệm về Rồng giữa Ấn Giáo và Phật Giáo hoàn toàn khác nhau.

Trong Ấn Giáo Rồng Vritra cản trở gió mưa, gây ra hạn hán, thất mùa và che mặt trời gây ra cảnh tăm tối.

Rồng Vritra Trong Ấn Giáo (Ảnh: aminoapps.com)

Trong Phật Giáo Rồng là biểu tượng của sức mạnh và sự sáng suốt.

Trong huyền thoại Thần Giáo Nhật (Shintoism) có chuyện Thần Phong và Đại Dương (Thần Gió và Biển Cả) Susanoo giết con rắn khổng lồ 8 đầu, 8 đuôi. Đó là Rồng Yamata no Orochi.

Thần Susanoo giết Rồng Yamata no Orochi,
tranh mộc bản của Toyohara Chikanobu

Vị trí của Rồng trong xã hội loài người

Tên gọi Giao Chỉ cho thấy châu thổ sông Hồng ngày xưa có nhiều giao long và cá sấu. Giao long là thuồng luồng, một loài thủy quái phá hoại khủng khiếp theo sự tin tưởng của người Việt cổ. Rồng có phải là hình ảnh của thuồng luồng vì mang tên giao long (Jiaolong)? Hay giao long chỉ là loại sấu nước ngọt trên sông Yangtze (sông Dương Tử hay Trường Giang) mang tên khoa học Alligator sinensis, gia đình Alligatoridae?

Người Nhật gọi thuồng luồng hay giao long là Koryu. Đó là Rồng sống dưới nước.

Theo truyền thuyết, Giao long phải mất từ 500 năm đến 1.000 năm mới trở thành Rồng.

Rồng phải mất 1.000 năm mới trở thành Giác Long tức Rồng có sừng.

Giác Long phải mất 1.000 năm mới có cánh bay bổng lên mây xanh.

Thân thuộc của Rồng là Thuồng Luồng, Mãng Xà, Cá Sấu v.v.. Thân thuộc nhỏ nhất của Rồng là Trùn tức Địa Long, mình trần không vảy, không chân. Tên khoa học của địa long là Pheretima asiatica, gia đình Megascolecidae. Một thân thuộc nhỏ khác là Rắn Liu Điu. Gọi là rắn nhưng đó là loài bò sát giống như Cắc Ké, Thằn Lằn có đuôi dài và bốn chân. Tên khoa học của Rắn Liu Điu là Takydromus sexlineatus, gia đình Lacertidae.

Rồng Komodo (Ảnh: wildlifespotten.nl)

Hiện nay trên quần đảo Indonesia còn một loài bò sát to lớn và hung tợn. Đó là Rồng Komodo. Người Indonesia gọi Rồng Komodo là Biawak raksasa nghĩa là con Kỳ Đà khổng lồ hay Cá Sấu trên cạn. Rồng Komodo dài từ 2 - 3m, cân nặng từ 50 - 170kg. Nước miếng của Rồng Komodo rất độc. Từ năm 1996 đến 2020 Rồng Komodo gây tử vong cho 1.400 người Indonesia.

Các vật to lớn như Khổng Tượng dù bị xem là tuyệt chủng nhưng người ta vẫn còn tìm thấy dấu tích Khổng Tượng chôn lấp dưới các tảng băng dày đặc ở Tây Bá Lợi Á nên Khổng Tượng có tên khoa học Mammuthus primigenius và gia đình Tượng tộc Elephantidae. Rồng, Thuồng Luồng không có tên khoa học và gia đình động vật. Chỉ có truyền thuyết về sự tàn độc, phá hại ghê gớm của Thuồng Luồng nên người Việt cổ phải thờ kính; ngư dân phải xăm mình cho giống vảy cá; ghe thuyền vẽ cặp mắt cho giống các loài thủy quái để không bị chúng quấy nhiễu.

Chuyện Long Vương Hà Bá, năm Thìn bão lụt là những chuyện khủng khiếp trong dân gian ngày xưa khi nói đến Rồng và năm Thìn.

Ông Đào Duy Từ (1572 - 1634) là tác giả của Ngọa Long Cương, đã ví mình với Kong Ming Zhuge Liang (Khổng Minh Gia Cát Lượng). Ngọa Long Cương cũng là tên của một đỉnh núi trong tỉnh Henan (Hà Nam), Trung Hoa.

Ông Jin Yong (Kim Dung, 1924 - 2018) viết Thiên Long Bát Bộ (Tian Long Ba Bu).

Các vật quanh đức vua đều có chữ Long như đã nói ở phần đầu của bài viết. Nhiều cụm từ trong tiếng Việt có chữ Long (Rồng) như: Rồng bay Phượng múa; Long tinh Hổ mãnh (Khôn như Rồng, mạnh như Cọp); Long vân hội, Rồng gặp mây, Cọp gặp gió; Long phụ, Tiên mẫu (Cha Rồng, mẹ Tiên) v.v..

Nhiều địa danh ở Việt Nam và trên thế giới có chữ Long như sông Hắc Long (Heilong jiang), Vịnh Hạ Long, Thăng Long, Bái Tử Long, cầu Long Biên, cầu Hàm Rồng, Long An, Long Điền, Long Hải, Long Tân, Vĩnh Long, Long Khánh, sông Cửu Long (Mekong) v.v..

Hình tượng Rồng vào thời Trần (Ảnh: chiasekienthuc.net)

Ở Nhật có đảng Hắc Long (Amur River Society - Kokuryukai) chủ trương biên cương Nhật Bản đến tận bờ Hắc Long Giang (Amur River: sông Hắc Long –Heilong jiang).

Trong phong thủy xây dựng nhà cửa có Thanh Long (Rồng Xanh - hướng Đông), Bạch Hổ (Cọp Trắng - hướng Tây), Chu Tước (Chim Sẻ Đỏ/Phượng - hướng Nam), Huyền Vũ (Rùa Đen - hướng Bắc). Những người giàu có tìm thầy địa lý xem thế đất có Long mạch để chôn cất người thân với hy vọng con cháu đời đời quyền uy, vinh hiển.

Trong tinh tú học Tây Phương có sao Draco (Long tinh).

Trong tinh tú học Trung Hoa có sao Thanh Long (Azure Dragon).

Trong thực vật học có nhiều loại thảo mộc mang tên Dragon hay Long (Rồng) như: Dragon head (Long thủ bạc hà Tây Ban Nha – Dracocephalum ibericum), Dragon’s scale fern (Dương xỉ vảy Rồng – Pyrrosia piloselloides), Dragon’s tongue (Lưỡi Rồng/Lá Lưỡi Cọp – Sauropus rostratus), Dragon’s blood tree (Long mộc – Long huyết mộc – Dracaena draco), Long căn (Dragon root – Arum dracontinum), Long Cóc (Cây Sấu trắng – Dracontomelon duperreanum), Long đảm thảo (Cỏ Mật Rồng – Gentiana scabra), Long huyết (Dây mây – Dragon blood – Calamus draco), Long nhãn (Nephelium longana), Thanh Long (trái Thanh Long – Hylocereus undatus) v.v..

Gan Rồng là một món ăn quí hiếm đứng đầu Bát Trân: 1. gan Rồng, 2. tủy Phượng, 3. chả Cú, 4. bào thai Beo, 5. đuôi cá Gáy, 6. tay Gấu, 7. môi Lười Ươi, 8. nhượng Heo con.

Trong ca dao có câu:

Bao giờ cá lý hóa long,
Đền ơn cha mẹ ẵm bồng ngày xưa.

Trong hội hoạ, điêu khắc có chủ đề lưỡng Long tranh châu; Long Hổ Hội; Long, Lân, Qui, Phượng v.v..

Trong Tử Vi có sao Thanh Long, tứ linh (Long Trì, Phượng Các, Bạch Hổ, Hoa Cái).

Hình tượng tứ linh (Ảnh internet)

Trong đề 40 còn có ba số dành cho Rồng: số 5 (Địa Long <Trùn>), số 10 (Rồng nằm) và số 26 (Rồng bay)

Trong 12 con Giáp, năm con Rồng gọi là năm Thìn sau năm Mão (Thố: con Thỏ theo lịch Trung Hoa) và trước năm Tỵ (Rắn).

Năm Thìn là năm Dương (+). Ta có:

 Năm

Hành

Màu sắc

Giáp Thìn

Hỏa

Đỏ

Bính Thìn

Thổ

Vàng

Mậu Thìn

Mộc

Xanh

Canh Thìn

Kim  

Trắng

Nhâm Thìn

Thủy

Ɖen

*** Xem thêm “Rồng: Ɖệ Nhất Tứ Linh” của tác giả Phạm Ɖình Lân

Biến cố lịch sử vào năm Thìn

1904: Nhật tấn công Nga trên cảng Port Arthur (Lushan – Lữ Thuận). Nga bị đánh bại trên bộ lẫn ngoài biển, biểu tình ở London phản đối việc du nhập 80.000 người lao động Trung Hoa vào Nam Phi; quân viễn chinh Anh chiếm lấy thủ đô Lhassa của Tây Tạng; tổng thống Hoa Kỳ Theodore Roosevelt (CH) công bố hệ luận về chủ nghĩa Monroe đối với các Quốc gia Âu Châu về các nước Châu Mỹ La Tinh.

1916: Hải chiến Jutland giữa Anh và Đức, Anh nắm thế thượng phong; vua Duy Tân bị đày sang đảo Réunion, Khải Định lên ngôi thay vua Duy Tân; cuộc nổi dậy vào ngày Phục Sinh ở Ái Nhĩ Lan (chống Anh); thỏa hiệp Anh-Pháp Sykes-Picot về việc phân chia ảnh hưởng trên đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ); Áo- Hung tấn công Montenegro; tàu chiến Pháp thả thủy lôi ngoài khơi Syria gây tử vọng cho 374 người; quân Nga hoàng chiếm một thành phố của Thổ Nhĩ Kỳ; Đức đánh chìm tàu Lusitania, trên đó có nhiều hành khách người Mỹ; trận đánh Verdun làm cho Pétain nổi danh trên thế giới không phải vì Pháp đánh bại Đức mà vì họ cầm cự một cách anh dũng trước sự tấn công đẫm máu của Đức; quân Hoa Kỳ đổ bộ lên Cộng Hòa Dominican và lưu lại đó đến năm 1924; công ty hàng không Boeing bắt đầu hoạt động.

Nữ phi công Hoa Kỳ Armelia Earhart, gần 31 tuổi vào mùa xuân năm 1928 (Ảnh: bostonglobe.com)

1928: Sự xuất hiện hình Chuột Mickey Mouse; nữ phi công Hoa Kỳ Armelia Earhart là người phụ nữ đầu tiên lái phi cơ vượt Đại Tây Dương; sự khám phá thuốc trụ sinh Penicillin; đập St Francis Dam, bắc Los Angeles, California, vỡ gây thiệt mạng 600 người; đại nguyên soái Mãn Châu, Zhang Zuolin (Trương Tác Lâm) bị Nhật ám sát bằng bom trên xe lửa; Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch) đánh bại các đốc quân miền Bắc, thống nhất Trung Hoa, chống Cộng Sản, trục xuất các huấn luyện viên Liên Sô; Hoa Kỳ nhìn nhận chánh phủ do thống chế Chiang Kaishek đứng đầu; kế hoạch ngũ niên đầu tiên ở Liên Sô.

1940: Đức xâm chiếm Na Uy, Đan Mạch, Bỉ, Luxembourg, Hòa Lan, Pháp; Trotsky bị ám sát chết ở Mexico; Estonia, Latvia, và Lithuania bị sát nhập vào Liên Sô; Liên Sô tấn công Phần Lan; Ý sát nhập Albania; quân Đồng Minh đổ bộ lên Na Uy; Himmler, thủ lãnh SS của Đức (Schutzstaffel: Đội Bảo Vệ), ra lịnh thành lập trại tập trung Auschwitz; hủy bỏ Thế Vận Hội mùa hè 1940 dự trù ở Tokyo rồi Helsinki (Phần Lan) vì chiến tranh; Winston Churchill lên làm thủ tướng Anh. Ông tuyên bố: “Tôi không có gì đề hiến dâng ngoài máu, sự lao lực nhọc nhằn, và mồ hôi”; chiếc trực thăng Hoa Kỳ đầu tiên đã cất cánh; quân Đồng Minh triệt thoái khỏi Dunkerque, Pháp; De Gaulle vừa được thăng thiếu tướng và giữ chức thứ trưởng bộ Quốc Phòng; De Gaulle sang Anh từ Bordeaux; Romania nhượng Bessarabia cho Liên Sô; thống chế Pétain lãnh đạo chánh phủ Vichy thân Đức; Đức sát nhập Alsace, Lorraine; Nhật tiến quân vào Bắc Bộ Việt Nam.

1952: Bão lụt ở Phan Thiết và Biên Hòa; vua George VI của Anh băng hà, công chúa Elizabeth lên ngôi tức nữ hoàng Elizabeth II; quốc Vương Farouk của Ai Cập bị lật đổ; Anh có bom nguyên tử; Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ (hai nước láng giềng bất thuận thảo) gia nhập NATO (Minh Ước Bắc Đại Tây Dương – North Atlantic Treaty Organization); tướng Eisenhower đắc cử tổng thống Hoa Kỳ; quân Anh chiếm Ismailia trong vùng kinh đào Suez; đảo chánh ở Cuba do tướng Batista lãnh đạo; tác phẩm The Old Man And The Sea – Ngư Ông và Biển Cả của Ernest Hemingway.

1964: Chỉnh lý nội bộ ở Sàigòn do tướng Nguyễn Khánh lãnh đạo; bão lụt miền Trung Nam Việt Nam; biến cố trên Vịnh Bắc Bộ; Hoa Kỳ oanh tạc miền Bắc; trận đánh Bình Giả; tiến sĩ Martin Luther King được giải thưởng Nobel Hòa Bình; Đức Giáo Hoàng Paul VI viếng thăm Jordan và Do Thái; Nikita Khrushchev viếng thăm Ai Cập; Nelson Mandela bị xử tù chung thân ở Nam Phi; ứng cử viên Johnson (DC) thắng ứng cử viên Goldwater (CH) trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1964; thị trường chung các nước Á Rập, Ai Cập, Iraq, Jordan, Kuwait, Syria; xung đột giữa Indonesia và Mã Lại về bắc đảo Borneo; Leonid Brezhnev thay thế Nikita Khrushchev trong chức vụ tổng bí thơ đảng Cộng Sản Liên Sô; triết gia Pháp Jean Paul Sartre từ chối không lãnh giải thưởng Nobel Hòa Bình; Faisal kế nghiệp Saud làm vua Saudi Arabia; Dorothy Hodgkin, nữ khoa học gia Anh đầu tiên lãnh giải thưởng Nobel Hóa Học về công trình nghiên cứu về penicillin và sinh tố B12.

1976: Quốc hiệu của nước Việt Nam thống nhất: Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam; Jimmy Carter (DC) thắng tổng thống Gerald Ford (CH), người thay thế tổng thống Nixon từ chức vì vụ Watergate; thủ tướng Zhou Enlai (Châu Ân Lai) rồi chủ tịch Mao Zedong (Mao Trạch Đông) lần lượt qua đời; động đất ở Tangshan, tỉnh Hebei (Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, Trung Hoa); đảo chánh ở Argentina lật đổ nữ tổng thống Isabel Peron, vợ của nhà độc tài Peron; Hội Đồng Bảo An LHQ biểu quyết thuận cho Tổ Chức Giải Phóng Palestine tham dự các cuộc thảo luận của Hội Đồng An Ninh LHQ; đặc vụ Do Thái tấn công phi trường Entebbe, Uganda, giải thoát các con tin bị Palestine bắt giữ trong một chuyến bay của Air France; Indonesia biến Đông Timor thành một tỉnh; Thế Vận Hội Montreal, Canada; nội chiến ở Lebanon; Trinidad và Tobago độc lập khỏi Anh; Fidel Castro, tổng bí thơ đảng Cộng Sản Cuba giữ luôn chức vụ chủ tịch nhà nước; Phi Luật Tân thiết lập bang giao với Liên Sô; công ty computer Apple bắt đầu hoạt động

1988: Thế Vận Hội Seoul, Nam Hàn; chiến tranh Iraq-Iran kết thúc; lụt ở Pakistan và Sudan; Liên Sô rút quân ra khỏi Afghanistan; ống dẫn dầu Scotland trên Bắc Hải nổ, 165 người chết; biểu tình đòi dân chủ ở Miến Điện; cầu Bosphorus thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ hoàn thành, cầu dài 1.510m với 8 đường xe hơi; Iraq tấn công người Kurds bằng hơi độc; động đất ở Armenia; đình công ở Ba Lan (lúc ấy còn là một nước Cộng Sản); tổng thống Antonio Noriega của Panama bị buộc tội buôn lậu ma túy và rửa tiền; Trung Quốc chiếm một phần của quần đảo Trường Sa của CHXHCNVN bằng võ lực; đường hầm Seikan của Nhật là đường hầm nối liền thành phố Aomori trên đảo Honshu với thành phố Hakodate trên đảo Hokkaido, dài 54km và sâu dưới mặt nước biển 244m.

2000: Ứng cử viên Cộng Hòa George W. Bush hơn ứng cử viên Dân Chủ Al Gore vài trăm phiếu ở Florida để chánh thức thắng cử trong cuộc bầu cử năm 2000; chuyến bay của phi cơ Concorde của công ty Air France bị tai nạn khi mới cất cánh, 109 hành khách tử nạn, 5 người dưới đất chết; Thế Vận Hội Úc Đại Lợi; khám phá lịch sử ở cảng Alexandria, Ai Cập: nhà của Cleopatra và Mark Anthony; tàu USS Cole bị đánh bom; Đức Giáo Hoàng John Paul II viếng Do Thái; bịnh bò điên (Mad cow disease); Hoa Kỳ chấm dứt sự kiểm soát kinh đào Panama nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương; động đất ở Indonesia và Azerbaijan; Ý ân xá Mehmet Ali Ağca, người Thổ Nhĩ Kỳ ám sát Đức Giáo Hoàng John Paul II năm 1981; chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Il và tổng thống Nam Hàn Kim Dae Jung gặp nhau ở Pyongyang (Bình Nhưỡng – Bắc Hàn); tổng thống Bill Clinton viếng Việt Nam.

2012: Barack Obama (DC) thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ hai; không quân Do Thái oanh tạc dải Gaza; tổng thống Đức Christian Wulff từ chức vì tham nhũng; Vladimir Putin đắc cử tổng thống lần thứ ba với nhiệm kỳ 6 năm thay vì 4 năm như trước trong một cuộc bầu cử bị nghi ngờ không trong sạch; Indonesia đình chỉ việc nhập cảng thịt bò của Hoa Kỳ khi được tin bò ở California bị bịnh (bịnh bò điên); François Hollande đắc cử tổng thống Pháp; Coca Cola bắt đầu kinh doanh ở Miến Điện sau 60 năm gián đoạn; nữ lực sĩ Saudi Arabia được phép tranh giải trong Thế Vận Hội lần đầu tiên; Thế Vận Hội London, Anh Quốc; Mohammed Morsi tuyên thệ nhậm chức vụ tổng thống Ai Cập; cựu tổng thống Argentina là Jorge Rafael Videla bị xử 50 năm tù vì tội bắt cóc các đứa trẻ sinh trong gia đình các tù nhân chánh trị.

Nhân vật lịch sử trên thế giới sinh vào năm Thìn

Nhân vật lịch sử sinh vào năm Thìn tạm tóm tắt như sau: Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình), Vladimir Putin, J. Robert Oppenheimer, Martin Luther King, Che Guevara, Boris Johnson, François Mitterand, thi sĩ Xuân Diệu (Ngô Xuân Diệu 1916 - 1985), Harold Wilson, Eugene McCarthy (1916 - 2005), Sirimavo Bandaranaike, Jimmy Carter, Zulfikar Ali Bhutto, Bruce Lee (Lý Tiểu Long) v.v..

DENG XIAOPING (ĐẶNG TIỀU BÌNH (1904 - 1997)

<=== (Ảnh: Wikipedia)

Deng Xiaoping sinh năm 1904 ở Guang’an, tỉnh Sichuan (Quảng An, Tứ Xuyên) và mất năm 1997 ở Beijing (Bắc Kinh).

Chúng ta tạm xem ông là một lãnh đạo Cộng Sản canh tân mặc dù sắc thái chánh trị độc tài, đảng trị vẫn bất di bất dịch ở Trung Quốc trong thời kỳ lãnh đạo của ông. Ông là người mạnh dạn đưa ra Bốn Hiện Đại Hóa biến Trung Quốc thành một cường quốc kinh tế và quân sự quan trọng trên thế giới giữa lúc Mao Zedong (Mao Trạch Đông) vẫn giáo điều, ương ngạnh, chỉ chú trọng đến sức mạnh quân sự mà không có phương hướng cụ thể biến CHNDTQ thành một cường quốc kinh tế.

Deng Xiaoping có cái nhìn phóng khoáng vì trong thời gian 1920 - 1924 ông học ở Pháp và ở Liên Sô vào những năm 1925 - 1926. Về nước ông giữ nhiều chức vụ quan trọng trong thời Cộng Hòa Sô Viết Jiangxi (Giang Tây) do Mao Zedong thành lập năm 1931. Khi Cộng Hòa Soviet Jiangxi bị Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch) tấn công, ông theo Mao Zedong trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh (Wan Li Zhang Zheng, 1934 - 1935) lên Shaanxi (Thiểm Tây). Năm 1949 Cộng Sản Trung Quốc đánh bại quân Quốc Dân Đảng của Chiang Kaishek. Năm 1952 Deng Xiaoping làm phó thủ tướng. Năm 1954 ông là tổng bí thơ đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Deng Xiaoping thân với chủ tịch Liu Shaoqi (Lưu Thiếu Kỳ), người thay thế Mao vào năm 1959 sau khi Bước Tiến Nhảy Vọt của Mao thất bại làm cho 38 triệu dân CHNDTQ bị chết đói! Nguồn gốc của sự thân thiện này là vì Liu và Deng đều được thụ huấn ở Moscow? Mao chuộng khả năng của Deng Xiaoping nhưng hoài nghi sự trung thành của Deng đối với ông vì sự thân thiện giữa Deng và Liu Shaoqi, người mà Mao rất ghét vì thay thế ông trong ghế chủ tịch CHNDTQ vào năm 1959. Liu Shaoqi bị Hồng Vệ Binh hành hạ, xỉ vả, đánh đập và bỏ đói đến chết một cách thảm thương trong Cách Mạng Văn Hoá (1966 - 1976). Deng Xiaoping may mắn được sống sót vì không công khai chỉ trích hay nghịch ý với Mao như Peng Dehuai (Bành Đức Hoài) và Liu Shaoqi. Ông cũng không tỏ ra nguy hiểm như Lin Biao (Lâm Bưu). Ngoài ra ông còn được sự che chở của thủ tướng Zhou Enlai (Châu Ân Lai).

Trong Cách Mạng Văn Hóa do Mao Zedong và vợ là Jiangqing (Giang Thanh) phát động Deng Xiaoping bị giáng cấp và phải làm thợ thay nhớt xe, một công việc mà ông từng làm cho hãng Renault khi còn học ở Pháp. Năm 1975 nhờ sự giúp đỡ của thủ tướng Zhou Enlai ông được phục chức trong đảng. Ông có hy vọng giữ chúc thủ tướng thay thế Zhou Enlai.

Năm 1976 Zhou Enlai mất. Mao đưa Hua Guofeng (Hoa Quốc Phong) lên làm thủ tướng. Phe đảng của Jiangqing định lật đổ Deng Xiaoping. Cũng năm nầy Mao qua đời. Hua Guofeng (Hoa Quốc Phong) lãnh đạo đảng và là thủ tướng. Ông ra lịnh bắt giam Jiangqing và dẹp Tứ Nhân Bang, phe đảng của Jiangqing. Năm 1977 Hua Guofeng phục chức cho Deng Xiaoping.

Deng Xiaoping nghiêng hẳn theo Hoa Kỳ để học hỏi tổ chức kinh tế, tài chánh và khoa học kỹ thuật nơi quốc gia trẻ này. Nhiều sinh viên Trung Quốc du học ở Hoa Kỳ. Deng Xiaoping không quan tâm đến Liên Sô. Sự trỗi dậy của Trung Quốc bắt đầu từ đó. Trung Quốc sát cánh với Hoa Kỳ khi lên án Liên Sô xâm lăng Afghanistan và tẩy chay Thế Vận Hội Moscow năm 1980. Tổng thống Hoa Kỳ, Jimmy Carter, được Deng Xiaoping thông báo cho biết sẽ đánh CHXHCNVN năm 1979. Cuộc chiến tranh biên giới với CHXHCNVN năm 1979 và việc đàn áp đẫm máu sinh viên đấu tranh dân chủ năm 1989 làm lu mờ danh thơm của Deng Xiaoping trên thế giới. Nhưng không thể chối cãi được rằng Trung Quốc vươn lên là nhờ chương trình Bốn Hiện Đại Hóa và chủ thuyết “Mèo trắng, Mèo đen gì cũng được miễn bắt được chuột” của Deng Xiaoping.

Hai vị lãnh đạo kế nghiệp Deng Xiaoping để hoàn thành Bốn Hiện Đại Hóa thành công là Jiang Zemin (Giang Trạch Dân) và Hu Jintao (Hồ Cẩm Đào) không được sự nể trọng của người lãnh đạo CHNDTQ hiện này là Xi Jinping (Tập Cận Bình).

VLADIMIR PUTIN (1952 - )

<=== (Ảnh: rand.org)

Vladimir Putin sinh năm 1952 ở Leningrad tức St Petersburg trong một gia đình bình dân. Nguồn gốc gia đình bình dân giúp ích cho sự tiến thân của ông được trơn tru trong xã hội Cộng Sản. Ông nội của ông nấu ăn cho Lenin rồi Stalin. Dưới lăng kính của chế độ Cộng Sản, Vladimir Putin là người có lý lịch trong sáng. Ông có thế lực vì có ông nội, người được sự tin cẩn của những lãnh tụ Cộng Sản nên được chọn làm người nấu ăn cho Lenin và Stalin, linh hồn của Cách Mạng Vô Sản Tháng 10 năm 1917 (theo lịch Julian).

Putin học luật ở Đại Học Leningrad và làm sĩ quan KGB (Komitet Gosudarstvennoy Bezopasnosti), Cơ Quan Mật Vụ, Tình Báo, Gián Điệp của Liên Sô. Cấp bậc cuối cùng của ông trong ngành An ninh, Mật vụ và Tình Báo, Gián Điệp là trung tá. Ông hoạt động ở Đông Đức. Sau 15 năm phục vụ với tư cách sĩ quan KGB ông giải ngũ và về làm việc với thị trưởng thành phố Leningrad (1990). Năm 1991 Liên Sô sụp đổ. Năm 1994 Putin là phó thị trưởng thành phố St Petersburg (Leningrad cải danh). Năm 1998 tổng thống Boris Yeltsin bổ nhiệm Putin làm giám đốc FSB (Cơ Quan An Ninh Liên Bang – Federal’naya Sluzhba Bezopasnosti tức Cơ Quan Phản Gián Liên Bang). Năm 1999 Yeltsin từ chức và chọn Putin thay thế ông để Putin ân xá cho mình. Năm 1999 Putin làm thủ tướng. Từ năm 2000 đến 2008 ông là tổng thống Nga (2 nhiệm kỳ). Theo hiến pháp tổng thống chỉ tại vị hai nhiệm kỳ mà thôi. Putin đưa Dmitry Medvedev ra tranh tổng thống để ông giữ chức thủ tướng. Trong thời gian 2008 - 2012 Putin vận động Quốc Hội sửa đổi nhiệm kỳ tổng thống thành sáu năm thay vì bốn năm và không giới hạn việc tái tranh cử sau hai nhiệm kỳ   như trước. Năm 2012 ông ra tranh cử tổng thống lần thứ ba với nhiệm kỳ 6 năm (2012 - 2018). Dĩ nhiên ông đắc cử dễ dàng. Năm 2018 ông tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống 6 năm lần thứ hai (2018 - 2024). Tính đến năm 2023 ông Putin cầm quyền được 24 năm. Ông dự trù cầm quyền đến năm 2036!

Vladimir Putin là nhà độc tài thời hậu Cộng Sản ở Nga. Ông gạt bỏ các đối thủ đối lập bằng cách cầm tù họ, đầu độc hay ám sát họ. Ông là người quyết đoán và có nhiều thủ đoạn chánh trị hơn người tiền nhiệm của ông là Yeltsin. Ông thành công trong việc tái lập trật tự xã hội sau khi Liên Sô sụp đổ; ổn định tình hình ở Chechnya, gặm nhấm một phần lãnh thổ của Georgia (2008), thành công trong việc bảo vệ nhà độc tài Syria là Assad (2013), sát nhập bán đảo Crimea vào Liên Bang Nga (2014) và lập khu tự trị của người Nga hay nói tiếng Nga trên xứ Ukraine (2014) rồi tổ chức trưng cầu dân ý để sát nhập vào nước Nga (2022); phát huy ảnh hưởng của Nga ở Belarus, Venezuela, phát huy tình hữu nghị với Trung Quốc, Ấn Độ, CHXHCNVN, Bắc Hàn, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran; được sự nể trọng đặc biệt của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Dưới thời tổng thống Vladimir Putin kinh tế Nga dựa vào việc bán võ khí, xuất cảng dầu khí, than đá, vàng và kim cương. Thành công lớn của Putin là:

  1. Được sự quí mến và ủng hộ tích cực của Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga.
  2. Được sự nể trọng của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
  3. Kích thích sự tự hào dân tộc của người Nga bằng cách phô diễn sức mạnh quân sự, hù doạ các nước láng giềng, nhất là các cựu Cộng Hòa Sô Viết trước kia. Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO, và là cựu đế quốc Ottoman rất ghét Nga, nay trở thành bạn của nước Nga của Putin. Saudi Arabia, nước Hồi Giáo khác là đồng minh lâu đời của Hoa Kỳ, tìm cách tiếp cận với Nga để mua võ khí và gần đây nghiêng về Trung Quốc, làm hòa với Iran. Iran, một Quốc gia Hồi Giáo thuộc phái Shiite kiên định lập trường chống Anh-Mỹ nên ngả theo Nga và Trung Quốc.

Người ta tìm thấy hai hình ảnh trong Vladimir Putin:

a. Hình ảnh của nhà độc tài Stalin mà Putin ngưỡng mộ: Stalin nới rộng 5 triệu km2 cho Nga khi thành lập Liên Sô và ảnh hưởng sâu đậm trên 850.000km2 ở Đông Âu sau đệ nhị thế chiến. Putin thực hiện không trọn vẹn 0,016% sự nghiệp bành trướng lãnh thổ của Stalin! Nếu ông duy trì sự lãnh đạo đến năm 2036 như dự tính thì bản lãnh độc tài của ông ngang hàng hay hơn cả Stalin. Stalin nắm quyền từ năm 1922 đến 1953 (31 năm). Nếu Putin nắm quyền đến năm 2036 như mong mỏi thì ông nắm quyền 37 năm! Stalin gây ra nạn đói (Holodomor - chết đói) ở Ukraine năm 1932 - 1933. Putin xâm chiếm 15% diện tích Ukraine 2014 rồi 2022. Cuộc xâm lăng Ukraine của Nga hiện đang tiếp diễn. Liên Sô có hai nhà lãnh đạo Cộng Sản gốc người Ukraine. Đó là Nikita Khrushchev và Leonid Brezhnev. Stalin rất ghét Khrushchev. Ông chửi bới và đe dọa Khrushchev trong thời kỳ quân Đức vây hãm Stalingrad. Khi nắm chức vụ tổng bí thơ đảng và thủ tướng Liên Sô, Khrushchev trao trả bán đảo Crimea cho Cộng Hoà Sô Viết Ukraine (1956) và hạ bệ thần tượng Stalin.

b. Hình ảnh của các Nga hoàng với quyền uy tối thượng và đời sống xa hoa: Ông Putin có nhiều dinh thự, nhà nghỉ mát nguy nga tráng lệ như cung điện của Nga hoàng ngày xưa trị giá cả tỷ Mỹ kim. Dư luận cho rằng ông là người giàu nhất thế giới chớ không phải Elon Musk, Jeff Bezos hay Bill Gates. Cách ăn diện của ông hơn hẳn các tổng thống Hoa Kỳ, Pháp và thủ tướng Anh, Nhật Bản v.v..

Hào quang của Vladimir Putin bắt đầu mờ dần sau cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine ngày 24-02-2022. Quân xâm lăng gặp sự kháng cự ngoan cường của Ukraine dưới sự lãnh đạo của tổng thống Vladimir Zelensky, người chấp nhận hiểm nguy khi từ chối sự giúp đỡ của các nước phương Tây để rời khỏi Ukraine. Các nước phương Tây nhất là Hoa Kỳ, Anh, Hòa Lan, Đan Mạch, Na Uy, Đức, Pháp, Ba Lan mạnh dạn giúp đỡ Ukraine chống lại sự xâm lăng trắng trợn của Nga, một cường quốc có quyền phủ quyết tại tổ chức LHQ. Hậu quả của cuộc xâm lăng Ukraine tạm ghi sơ khởi như sau:

  1. Chiến tranh xâm lăng ở Ukraine phô bày sự yếu kém của quân đội Nga về chiến thuật, chỉ huy, hậu cần, khả năng tác chiến của binh sĩ v.v.. Nga phải cần đến máy bay không người lái của Iran và võ khí của Bắc Hàn! Trong 18 tháng chiến tranh Nga có hàng trăm ngàn binh sĩ thương vong; nhiều phi cơ, xe tăng bị bắn hạ. Hàng chục tướng tá Nga chết trong cuộc xâm lăng Ukraine. Ngay cả Moscow cũng bị phi cơ không người lái bắn phá. Nước bị xâm lăng phản công nước xâm lăng ngay tại thủ đô của họ. Đó là một điều đáng suy nghĩ đối với một cường quốc từng cạnh tranh ngang ngửa với Hoa Kỳ từ sau đệ nhị thế chiến đến năm 1991. Tổng thống Putin của Nga chỉ còn hy vọng mong manh vào kết quả cuộc bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ năm 2024. Tổng thơ ký NATO là Jens Stoltenberg cho rằng trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Liên Sô là cường quốc quân sự đáng sợ trên thế giới. Trong chiến tranh Nga-Ukraine quân đội Nga cũng là quân đội thứ hai!
  2. Nhiều nước mua võ khí do Nga sản xuất bắt đầu nghi ngờ hiệu năng của chúng. Ấn Độ và Trung Quốc là hai quốc gia to lớn và đông dân mua võ khí của Nga hay sản xuất võ khí mô phỏng theo võ khí của Nga.
  3. Nước Nga bị các nước Tây Phương cô lập về kinh tế, tài chánh, ngoại giao và nhiều lãnh vực hoạt động khác. Năm 2024 Thế Vận Hội tổ chức tại Paris nhưng Thế Vận Hội Paris không hoan nghinh sự có mặt của các lực sĩ Nga.
  4. Bản thân ông Putin bị Toà Án Hình Sự Quốc Tế The Hague truy nã vì tội ác chiến tranh và bắt cóc trẻ em Ukraine đem về Nga nên ông phải dè dặt, không ra khỏi nước Nga. Ông vắng mặt trong hội nghị G-20 ở Indonesia năm 2022, hội nghị thượng đỉnh của khối BRICS (Brazil-Russia-China-South Africa) ở Nam Phi năm 2023 và vắng mặt trong hội nghị G-20 vào tháng 9 năm 2023 ở Ấn Độ. Xi Jinping (Tập Cận Bình) cũng vắng mặt trong hội nghị G-20 ở Ấn Độ kỳ này. Putin kẹt vì không thắng trong cuộc chiến tranh Ukraine, vì lịnh truy nã của Toà Án Hình Sự Quốc Tế, vì nội bộ Nga lủng củng, vì kinh tế Nga suy yếu rõ rệt do lịnh cấm vận từ các nước Tây Phương và các công ty ngoại quốc lần lượt rời khỏi Nga. Xi Jinping cũng gặp nhiều khó khăn trong nội bộ đảng, sự suy sụp kinh tế sau dịch Covid-19 và việc các công ty ngoại quốc rời Trung Quốc để đầu tư ở các nước khác trong vùng.
  5. Sự hung hãn của Putin làm cho NATO có thêm hai thành viên: Phần Lan và Thụy Điển. Nga có thêm hai đối thủ từng có đường lối trung lập lâu đời. Nga mất ảnh hưởng trên biển Baltic khi hai quốc gia trung lập Phần Lan và Thụy Điển là thành viên của NATO. Không thắng trong chiến tranh Nga-Ukraine, bị Toà Án Hình Sự Quốc Tế truy nã, uy tín của Putin tan vỡ trong tâm trí của Xi Jinping, người ôm ấp mộng xâm chiếm Taiwan giữa lúc Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn tạo một liên mình khá vững mạnh ở Đông Bắc Á Châu.

JULIUS ROBERT OPPENHEIMER (1904 - 1967)

<=== (Ảnh: losalamosreporter.com)

Julius Robert Oppenheimer là cha đẻ của bom nguyên tử trên thế giới. Ông chào đời năm 1904 tại thành phố New York và mất tại Princeton, New Jersey, năm 1967.

Xuất thân trong gia đình giàu có, cha ông là một người Mỹ nhập cư gốc Đức làm giàu nhờ nhập cảng vải vóc và nguyên liệu dệt ở New York. Oppenheimer học đại học Harvard và tốt nghiệp đại học nầy vào năm 1925. Ông sang Anh và làm việc trong phòng thí nghiệm Cavendish thuộc đại học Cambridge dưới sự điều khiển của nhà vật lý Ernest Rutherford nổi tiếng về việc nghiên cứu cấu trúc nguyên tử trên thế giới. Từ Anh, Oppenheimer giao tiếp với các nhà vật lý nổi tiếng ở các trường đại học Đức và Thụy Sĩ. Về nước ông dạy vật lý cho Học Viện Kỹ Thuật California, Berkeley, CA.

Năm 1933 Adolf Hitler nắm chánh quyền ở Đức. Phong trào bài Do Thái diễn ra. Nhà vật lý Albert Einstein rời Đức sang Hoa Kỳ, một năm trước khi Hitler nắm chánh quyền. Năm 1939 ông báo động hiểm họa do Hitler gây ra cho nhân loại nếu Đức sản xuất được bom nguyên tử.

Sau biến cố Pearl Harbor vào tháng 12 năm 1941 Hoa Kỳ tham chiến chống phe Trục Đức-Ý-Nhật. Oppenheimer được bổ nhiệm làm giám đốc Phòng Thí Nghiệm Los Alamos, New Mexico, trong thời gian triển khai bom nguyên tử (1943 - 1945). Ngày 16-07-1945 trái bom nguyên tử đầu tiên thí nghiệm thành công ở Alamogordo, New Mexico. Ngày 6 rồi 9-8-1945 hai trái bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima và Nagasaki để buộc Nhật phải đầu hàng vô điều kiện. Hai trái bom nguyên tử cướp đi sự sống của 200.000 người Nhật. Sự tàn hại khủng khiếp của bom nguyên tử làm cho Oppenheimer ray rứt không ít. Tháng 10 năm 1945 ông từ chức. Từ năm 1947 đến 1952 ông điều khiển Học Viện Nghiên Cứu Tiên Tiến.

Năm 1949 Liên Sô thí nghiệm trái bom nguyên từ đầu tiên thành công. Hoa Kỳ không còn là quốc gia độc quyền về võ khí nguyên tử. Họ nghĩ đến việc sản xuất bơm H (bom khinh khí). Ông Oppenheimer từ chối việc nghiên cứu và triển khai bom H. Liên hệ giữa ông và tổng thống Harry Truman bắt đầu căng thẳng về sự việc này.

Cuối năm 1953 An Ninh Quân Đội Hoa Kỳ đưa ra một báo cáo bất lợi cho Oppenheimer. Theo báo cáo, nhà vật lý này có liên hệ với các nhà hoạt động Cộng Sản. Ông không chịu tiết lộ danh tánh của một cán bộ Sô Viết mà ông biết và từ chối về việc sản xuất bom H. Năm 1954 ông bị đưa ra tòa. Tòa phán quyết ông không phạm tội phản quốc nhưng ông không được tiếp cận với các bí mật quân sự.

Năm 1963 ông được tổng thống Johnson ban giải thưởng Enrico Fermi, giải thưởng cao quí mang tên nhà vật lý nguyên tử Hoa Kỳ gốc Ý tiên phong trong kỷ nguyên nguyên tử.

Julius Robert Oppenheimer mất ở Princeton, New Jersy năm 1967.

   

Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/vanhoa/namthinnoichuyenrong_2024.html


Cái Đình - 2024