Phạm Đình Lân


Năm Dần Nói Chuyện Cọp

.

Năm 2022 là năm Nhâm Dần. Nhân cơ hội này chúng ta nói về cọp.

VÀI ƉẶC ƉIỂM CỦA CỌP

Cọp là loài động vật ăn thịt sống, có vú, máu đỏ, có xương sống và sinh con. Tên gọi thông thường là:

Quốc gia

Tên gọi

Việt Nam

Cọp, Hùm, Hổ (Hán-Việt), Chúa Sơn Lâm, Ông Ba Mươi v.v.

Trung Hoa

Hu

Nhật Bản

Tora

Anh

Tiger

Pháp

Tigre

Tây Ban Nha

Tigre

Ấn Ɖộ

Baagh

Cọp mang tên khoa học Panthera tigris, Felix tigris, Tigris stratus, Tigris regalia thuộc gia đình Felidae của miêu tộc. Người Việt Nam há không nói: Con mèo là dì con cọp?

Cọp có hình dáng giống mèo nhưng hai giống thú ấy khác nhau về chiều cao, chiều dài, trọng lượng và màu sắc. Cọp có hai màu: màu vàng với sọc đen và màu trắng với sọc đen. Cọp màu trắng với sọc đen, tức bạch hổ, rất hiếm thấy trong trạng thái hoang dã. Bạch hổ gốc ở miền tây Bengal, Bihar, Assam (Ấn Ɖộ).

Cọp thích sống trong không gian rộng lớn. Ɖịa bàn sống của hùm tộc là rừng nhiệt đới Á Châu từ Ấn Ɖộ sang các nước Ɖông Nam Á. Cọp cũng được tìm thấy trong vùng khí hậu bán nhiệt đới và ôn đới như Hoa Nam, Triều Tiên, Tây Bá Lợi Á xuống vùng biển Caspian.

Thính giác và thị giác của cọp rất bén nhạy.

Cọp chạy nhảy rất nhanh. Vận tốc của bạch hổ là 60km/giờ.

Cọp lội rất giỏi nhưng leo trèo kém hơn beo và gấu.

Cọp săn mồi vào ban đêm. Mồi của cọp là khỉ, nai, trâu rừng, bò rừng, heo rừng, voi con v.v. Cọp giết con mồi to lớn hơn chúng bằng cách cắn cổ hoặc cắn vào đùi cho con mồi to lớn đau đớn và bị mất máu phải ngã quỵ. Mỗi ngày một con cọp ăn ít ra 5kg thịt. Những ngày có mồi to lớn, chúng có thể ăn đến 25kg thịt.

Tuy cọp dũng mãnh nhưng chúng kiêng dè chó sói vừa đông vừa hung dữ và đoàn kết chặt chẽ.

Ngoài thịt động vật hùm tộc cũng ăn thịt người. Từ năm 1872 đến 1912 ở Ấn Ɖộ có 33.247 người bị cọp ăn. Cọp cái Champavat, tên một địa danh trong tiểu bang Uttarakhan ở Ấn Ɖộ, nổi tiếng vì đã ăn thịt 436 người Ấn Ɖộ vào thế kỷ XIX. Trong chiến tranh Việt Nam lần thứ nhất có chuyện Cọp Ba Chân ở Khánh Vân, rìa chiến khu D giáp giới hai tỉnh Thủ Dầu Một (Bình Dương) và Biên Hòa, tức Thủ Biên trong thời kháng chiến. Theo khẩu truyền con cọp này rất hung tợn. Mỗi khi nghe súng nổ, nó chạy đến nơi giao chiến vì biết sẽ có nhiều xác chết để ăn.

Căn cứ vào địa bàn cư trú, các nhà động vật học phân chia 8 loại cọp trên thế giới:

- Cọp Tây Bá Lợi Á Panthera tigris altaica là cọp to lớn, có thể dài đến 4m và cân nặng 400kg. Cọp này được tìm thấy ở Nga, Hoa Bắc, Mông Cổ và Kazakhstan.

Cọp Tây Bá Lợi Á (Ảnh: https://www.mediastorehouse.com/)

- Cọp Ấn Ɖộ hay Cọp Bengal gồm có bạch hổ và cọp mình vàng sọc đen mang tên khoa học Panthera tigirs tigris.

Cọp Ấn Ɖộ hay Bengal mình vàng sọc đen (Ảnh: Wikipedia), trái;
và Bạch hổ Ấn Ɖộ hay Bengal (Ảnh: https://www.piqsels.com/), phải

- Cọp Ɖông Dương (Việt Nam, Lào, Cambodia). Vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX Khánh Hòa, Bà Rịa, Xuân Lộc, Lộc Ninh, Bà Rá, Ban Mê Thuột, Kontum, Quảng Trị, Thanh Hóa, Ninh Bình là những vùng có nhiều cọp. Tên khoa học của cọp Ɖông Dương là Panthera tigris corbetti.

- Cọp Hoa Nam Panthera tigris amoyensis.

- Cọp Sumatra Panthera tigris sumatrae.

Cọp Ɖông Dương (Ảnh: Wikipedia); Cọp Hoa Nam (Ảnh: Wikipedia)
Cọp Sumatra (Ảnh: https://www.jungledragon.com/)

- Cọp Bali Panthera tigris balica.

- Cọp Java Panthera tigris sondaica (Sumatra, Bali, Java đều nằm trong quần đảo Indonesia).

- Cọp vùng biển Caspian Panthera tigris virgata.

Cọp Bali (Ảnh: https://www.researchgate.net/ - khoảng 1916); Cọp Java (Ảnh: Wikipedia)
Cọp vùng biển Caspian (Ảnh: Wikipedia)

Cọp Sumatra, Bali, Caspian trên đà tuyệt chủng.

CỌP TRONG XÃ HỘI LOÀI NGƯỜI

Cọp là động vật ăn thịt sống khỏe mạnh, nhanh nhẹn và hung bạo. Dù vậy loài người vẫn nuôi và giáo hóa chúng để chúng biểu diễn trong các gánh xiếc (circus). Võ khí khủng khiếp mà loài người dùng để thuần hóa các dã thú hung tợn như cọp, beo, sư tử là thức ăn. Bỏ đói là cách thuần hóa hữu hiệu nhưng tàn độc nhất mà loài người thường dùng.

Một số tướng lãnh tự tôn vinh hay được người khác suy tôn là “mãnh hổ”, “hổ tướng”, ngồi ghế làm bằng da cọp hay chạm hình đầu cọp. Nhiều binh chủng mặc quân phục rằn ri như da cọp hay lốm đốm đen như da beo. Các thợ săn rất sung sướng khi bắn  hạ được cọp và lột da mãnh thú này treo trên tường như một thành tích đặc biệt của nghề săn thú của họ.

Không biết căn cứ vào đâu mà có nhiều người tin rằng ăn dương vật và ngoại thận của cọp thì được cường dương tráng thận. Các bộ phận trong thân xác của cọp được các thầy thuốc Ɖông Y dùng để trị bịnh.

Xương cọp dùng để nấu cao hổ cốt trị các chứng viêm, phong thấp, nhức đầu, mất sức, đau lưng, cước khí, gia tăng chất vôi cho xương.

Mắt cùa cọp dùng để trị kinh phong trẻ nít.

Ɖuôi của cọp dùng để trị bịnh ngoài da.

Tròng mắt cọp dùng để trị sốt rét, động kinh.

Mỡ của cọp dùng để trị phong hủi v.v.

Tất cả những điều ghi trên chưa được các nhà y học Tây Phương xác nhận nếu không nói là bị bác bỏ hay không để ý. Cọp là mãnh thú nhưng không có khả năng sinh lý mạnh như nhiều người tưởng.

Trong Ấn Giáo Thần Shiva mặc áo da cọp như biểu tượng cho sức mạnh vạn năng của Thần trong vũ trụ. Vợ của Thần Shiva là nữ thần Durga cưỡi cọp.

Hy Lạp không có cọp nhưng có beo, bà con gần của cọp. Trong huyền thoại Hy Lạp có chuyện Thần Dionysus, Thần Lạc Thú, Thần Rượu và Thảo Mộc (con của Thần Zeus) và công chúa Semele thành Thebes cưỡi beo.

Trong Thánh Kinh không thấy nói đến cọp mà chỉ nói đến beo và sư tử. Chữ layish dùng trong sách Job 4:10-11 ám chỉ sư tử chớ không phải cọp.

Trong Phật giáo có chuyện xảy ra trong tiền kiếp Ɖức Phật khi NGƯỜI hy sinh thân xác mình cho một con cọp cái sắp ăn thịt cọp con vì đói.

Các tu sĩ Hoàng Giáo Tây Tạng (Tantrism) kết hợp Ấn Giáo (Hinduism) và Phật Giáo (Buddhism) ngồi tĩnh tâm trên da cọp.

Nếu ở Do Thái Samson, David đánh chết sư tử thì ở Trung Hoa có Võ Tòng đánh chết cọp.

Ở ấp Tây Sơn, Qui Nhơn, Việt Nam, thanh niên Nguyễn Huệ (tức vua Quang Trung sau này) đánh chết cọp.

Trong thời kỳ Nam tiến của dân tộc có chuyện ông Tăng Ân đánh chết cọp ở vùng Chợ Quán, Sài Gòn.

Lê Văn Khôi, dưỡng tử của tổng trấn Gia Ɖịnh Thành Lê Văn Duyệt đánh chết cọp. Bị phạt, Lê Văn Khôi phải đánh và túm bốn chân cọp chớ không được đánh chết cọp!

Vào thập niên 1920 ông giáo Khai ở Tân Ba, Biên Hòa, bị cọp chận trên một gò mối trong rừng Lộc Ninh lúc đi săn. Ông dùng võ đánh con mãnh hổ văng ra xa rồi dùng súng bắn chết con dã thú.

Nhà thơ Thế Lữ có bài thơ Hổ Nhớ Rừng. Văn sĩ Tchya Ɖái Ɖức Tuấn viết chuyện Thần Hổ rùng rợn ở Ɖồng Giao, Ninh Bình. Trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư có chuyện con cọp tò mò tìm hiểu trí khôn của loài người nên bị anh nông dân ốm gầy dùng gậy đập chết.

Tượng cọp thường được đặt trước các miếu đình ở Việt Nam.

Tượng cọp trước đình miếu ở Việt Nam (Ảnh internet)

Long Hổ Hội là đề tài hội họa của các họa sĩ ngày xưa.

Hổ tượng trưng cho sức mạnh trên trái đất.

Long tượng trưng cho sức mạnh dưới nước.

Nói theo sự tiến bộ kỹ thuật hiện đại, Hổ là Lục Quân, Long là Hải Quân và Không Quân. Rồng vùng vẫy trên biển cả và tung bay trên không trung bao la. Bức tranh Long Hổ Hội của nhiều thế kỷ trước diễn tả sự tổng hợp của ba binh chủng LỤC QUÂN, HẢI QUÂN và KHÔNG QUÂN.

Trong ngôn ngữ Việt Nam có nhiều cụm từ nói về cọp như: Dữ như cọp cái, ăn như hùm như hổ; nam thực như hổ, nữ thực như miêu; sợ cọp chớ ai sợ cứt cọp; hùm chết để da, người ta chết để tiếng; cọp lẻ không cự nổi cáo bầy; cọp dữ không nỡ ăn con; rừng nào cọp nấy; hổ phụ sinh hổ tử; hổ phụ sinh khuyển tử; dưỡng hổ di họa; không vào hổ huyệt làm sao bắt được cọp con; chọc chi lang sói, hùm beo; hùm thiêng khi sa cơ cũng hèn; hổ tử hùng tâm tại; hổ ngạ phùng nhân thực, nhân cùng khởi đạo tâm; hổ lạc bình dương bị khuyển khi; họa hổ họa bì nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm.

Trong khoa phong thủy có thế đất hổ trục quần dương (cọp đuổi bầy dê) được xem là thế đất tốt về lợi lộc và quyền uy.

Lịch sử Việt Nam gọi Hoàng Hoa Thám tức Ɖề Thám, Trương Văn Thám là Hùm Thiêng Yên Thế.

Trong thực vật học có:

Tiger’s claw (Cây vông nem) Erythrina indica, gia đình Fabaceae.

Trong tinh tú học của người Trung Hoa có sao Tây Phương Bạch Hổ (Xifang bai hu) tượng trưng hướng Tây và mùa Thu.

Biểu tượng

Hướng

Mùa

Ɖông Phương Thanh Long

Ɖông

Xuân

Nam Phương Chu Tước

Nam

Hạ

Tây Phương Bạch Hổ

Tây

Thu

Bắc Phương Huyền Vũ

Bắc

Ɖông

Trong tử vi học có sao Bạch Hổ. Bạch Hổ gặp Tang Môn: rất xấu. Nhưng Bạch Hổ gặp Phi Liêm (Hổ bay) hay Long Trì, Phượng Các, Hoa Cái (Long, Phượng, Hổ, Cái: Tứ Linh) thì tốt lắm.

Trong 12 con giáp, Dần (Cọp) đứng sau Sửu (Trâu). Trong số Ɖề cọp mang số 6 sau rồng đất (số 5) và trước heo (số 7).

Tháng Dần là tháng 1 Âm Lịch tức tháng Tết. Giờ Dần kéo dài từ 3 giờ sáng đến 5 giờ sáng.

Năm Dần là năm dương (+). Cứ 60 năm thì trở lại năm cùng can chi. Năm 1962 là năm Nhâm Dần.

1962 + 60 = 2022 (Nhâm Dần).
2022 + 60 = 2082 (Nhâm Dần) v.v.

Năm

Hành

Màu sắc

Giáp Dần

Thủy

Ɖen

Bính Dần

Hỏa

Ɖỏ

Mậu Dần

Thổ

Vàng

Canh Dần

Mộc

Xanh

Nhâm Dần

Kim

Trắng

BIẾN CỐ LỊCH SỬ TRONG NĂM DẦN

1902: Hiệp ước liên minh Anh-Nhật; núi lửa Pelée ở Martinique phun lửa gây thiệt mạng cho 30.000 người; Cuba độc lập khỏi Tây Ban Nha (sau chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Tây Ban Nha năm 1898); trường Kinh Tế London được thành lập; Pháp dời thủ đô Ɖông Pháp (Indochine Française) từ Sài Gòn ra Hà Nội; cầu Paul Doumer (cầu Long Biên) được xây dựng.

1914: Công ty Ford Motor thông báo giờ làm việc trong ngày: 8 giờ; tiền giờ tối thiểu: $5/giờ; phim đầu tiên Making a Living của hề Charlot (Charlie Chaplin); Mexico chấm dứt bang giao với Hoa Kỳ; tổng thống Woodrow Wilson ban hành ngày Hiền Mẫu (Mother’s Day); hoàng tử Áo Franz Ferdinand và vợ bị ám sát ở Sarajevo; đệ nhất thế chiến bùng nổ; Không Lực Hoàng Gia Anh được thiết lập; cách mạng Mexico; khánh thành kinh Panama; trận đánh đẫm máu trên sông Marne; Mussolini bị trục xuất khỏi đảng Xã Hội Ý; Ai Cập trở thành xứ bảo hộ của Anh.

1926: Hoàng tử Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy lên ngôi tức hoàng đế Bảo Ɖại (12 tuổi); Zhang Zulin (Trương Tác Lâm) chiếm Beijing (Bắc Kinh); hải quân Pháp bắn vào Damacus vì người Druze nổi dậy; Quốc Dân Ɖảng Trung Hoa mở cuộc bắc tiến nhằm thống nhất lãnh thổ; Leon Trotsky và Lev Kamenev bị loại ra khỏi Bộ Chánh Trị (Politburo); tuyên ngôn Balfour được Hội Nghị Ɖế Quốc 1926 chuẩn nhận sự bình đẳng và độc lập của các nước Liên Hiệp Anh (Commonwealth); các dân biểu Cộng Sản Ý bị bắt; Thổ Nhĩ Kỳ, cựu đế quốc Ottoman Hồi Giáo, theo lịch Gregorian.

1938: Khám phá dầu hỏa ở Saudi Arabia; Ɖức chiếm và sát nhập Áo; Nicolai Bukharin, đồng chí của Lenin và Trotsky bị hành quyết; lụt nhân tạo trên sông Huang He (Hoàng Hà) do chánh quyền Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch) tạo ra nhằm ngăn chận sự tiến quân ồ ạt của Nhật (400.000 người chết, hàng ngàn km2 ruộng lúa bị nước cuốn đi); Chiang Kaishek thiên đô từ Nanjing (Nam Kinh) về Chungking (Trùng Khánh); Ɖức  Quốc Xã chiếm Sudetenland của Tiệp Khắc.

1950: Mao Zedong (Mao Trạch Ɖông) rồi Stalin nhìn nhận chánh phủ kháng chiến do ông Hồ Chí Minh lãnh đạo; chiến tranh Triều Tiên; Việt Minh mở chiến dịch biên giới; nhà vật lý nguyên tử Klaus Fuchs bị bắt về tội gián điệp nguyên tử; Hoa Kỳ công nhận chánh phủ Quốc Gia do quốc trưởng Bảo Ɖại cầm đầu; học sinh Sài Gòn biểu tình; Việt Minh tấn công Cambodia, (21/05); nhà bác học Albert Einstein cảnh cáo chiến tranh nguyên tử chỉ dẫn đến sự hủy diệt lẫn nhau mà thôi; Trung Quốc xâm lăng Tây Tạng; tổng thống Truman chuẩn nhận chương trình sản xuất bom khinh khí (H bombs).

1962: Tây Bộ Samoa độc lâp khỏi Tân Tây Lan; thương ước Cuba-Liên Sô; Tổ Chức Quân Ɖội Bí Mật Pháp (OAS: Organisation de l’Armé Secrète) do đại tướng Raoul Salan thành lập, đặt bom ở bộ ngoại giao; Liên Sô xóa bỏ danh dự của Molotov, Malenkov, Kaganovich; Algeria độc lập; chương trình Ấp Chiến Lược ở Nam Việt Nam; John Glenn là người Mỹ đầu tiên vào quỹ đạo Trái Ɖất; Tướng Raoul Salan, thủ lãnh OAS bị bắt và bị xử tù chung thân; khủng hoảng hỏa tiễn trên đảo Cuba; chiến tranh biên giới giữa Ấn Ɖộ và Trung Quốc; phúc trình bi quan của nghị sĩ Mike Mansfield về tình hình quân sự ở Nam Việt Nam sau chuyến viếng thăm; Cuba trao trả cho Hoa Kỳ 1.113 người tham dự cuộc đổ bộ lên Bay of Pigs (Vịnh Con Heo) đổi lấy 50 triệu Mỹ kim lương thực!

1974: Cách mạng hoa cẩm chướng (Carnation Revolution) ở Bồ Ɖào Nha; bà Isabel Peron tuyên thệ nhậm chức tổng thống thay chồng, tổng thống Peron hấp hối trên giường bịnh; Thổ Nhĩ Kỳ xâm lăng đảo Cyprus; tổng thống Richard Nixon từ chức vì vụ Watergate; Bồ Ɖào Nha trao trả độc lập cho Guinea-Bissau; hiệp ước võ khí Do Thái-Ai Cập; quân Do Thái rút khỏi phía tây kinh đào Suez; Pakistan nhìn nhận quốc gia Bangladesh (trước kia là Ɖông Hồi); bà Goldar Meir từ chức thủ tướng Do Thái.

1986: Anh Pháp thông báo hợp tác xây dựng đường hầm trong biển Channel (Manche) nối liền hai nước Pháp-Anh; phi thuyền con thoi Challenger bị cháy khi vừa phóng lên 73 giây, tất cả 7 phi hành gia đều chết; Gorbachev thông báo chánh sách Glasnost (Cởi Mở) và Perestroika (Tái Cấu Trúc); tổng thống Phi Luật Tân Marcos lưu vong ở Hawaii; thủ tướng Thụy Ɖiển Olof Palmer bị bắn chết; tổng bí thơ đảng Cộng Sản Việt Nam Lê Duẩn chết; vụ  Iran-Contra; nhà vật lý nguyên tử Liên Sô Andrei Dimitrievich Sakharov, người được giải Nobel Hòa Bình năm 1975 và bất đồng chánh kiến với chánh quyền Liên Sô được trở về Moscow sau 6 năm lưu đày trong nước.

1998: California cấm hút thuốc trong các quán nhậu và nhà hàng; chuyện nhì nhằng giữa tổng thống Clinton và cô Lewinsky; Ấn Ɖộ thí nghiệm bom nguyên tử; Pakistan tuyên bố nước này là “cường quốc nguyên tử”; xung đột ở Kosovo, Serbia; bom nổ ở toà đại sứ Hoa Kỳ ở Tanzania và Kenya, 224 người chết và 4.000 người bị thương.

2010: Thế Vận Hội Mùa Ɖông ở Vancouver, Canada; thợ mõ đồng-vàng Chile bị sụp hầm sâu 600m dưới lòng đất được cứu sống sau 69 ngày; Obama Care; tổng thống Obama dự kiến rút quân khỏi Iraq năm 2011, chỉ lưu lại các cố vấn, huấn luyện viên, chuyên viên về an ninh để giúp cho chánh phủ Iraq; động đất ở Haiti (230.000 người chết); 260 triệu gallons dầu thô (01 gallon: 3, 78 lít) của công ty BP đổ đầy trên mặt nước Vịnh Mexico.

NHÂN VẬT NỔI TIẾNG SINH VÀO NĂM DẦN

Các nhân vật nổi tiếng trên thế giới sinh vào năm Dần là: Charles de Gaulle (1890 - 1970); Hồ Chí Minh (không chắc sinh vào năm 1890); phi công Charles Lindbergh (1902 - 1974); văn sĩ John Steinbeck (1902 - 1968); tướng Phillipe Leclerc của Pháp (1902 - 1947); tổng bí thơ đảng Cộng Sản Liên Sô Yuri Andropov (1914 - 1984); Jiang Qing (Giang Thanh, vợ của Mao Zedong – Mao Trạch Ɖông) (1914 - 1991); Nam Phương Hoàng Hậu (1914 - 1963); vua Afghanistan Mohammed Zahir Shah (1914 - 2007); tướng William C. Westmoreland (1914 - 2005); tướng Creighton Abrams (1914 - 1974); nữ hoàng Anh Elizabeth II (1926 - ); minh tinh điện ảnh Marilyn Monroe (1926 - 1962); Fidel Castro (1926 - 2016); con gái nhà độc tài Stalin, Svetlana Alliluyava (1926 - 2011); Jiang Zemin (Giang Trạch Dân) (1926 - ); nhà kinh tế Hoa Kỳ Alan Greenspan (1926 - ); sư Thích Nhất Hạnh (1926 - ); cựu tổng thống Pháp Valery Giscard d’Estaing (1926 - 2020); giám đốc CIA và bộ trưởng bộ Quốc Phòng Leon Paneta (1938 - ); nữ hoàng Hòa Lan Beatrix (1938 - ) nhường ngôi cho con năm 2013 để trở thành công chúa Beatrix; nữ tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf (1938 - ); hoàng hậu Sofia của Tây Ban Nha (1938 - ); lãnh tụ đảng Lao Ɖộng Anh, Keir Starmer (1962 - ); nữ phi hành gia Ấn Ɖộ Kalpana Chawla (1962 - 2003); lãnh tụ Hamas, Ismail Haniya (1962 - ) vua Jordan Abdullah II (1962 - ); nữ chánh trị gia đảng Lao Ɖộng Anh, Jo Cox (1974 - 2016, bị bắn); tổng trưởng bộ Ngoại Giao Anh Dominic Raab (1974 - , đảng Bảo Thủ); bộ trưởng bộ Phát Triển Gia Cư và Thành Phố Hoa Kỳ Julian Castro (1974 - ); tổng thống Madagascar Andy Rajoelina (1974 - ) v.v.

Nam Phương Hoàng Hậu (1914 - 1963)

(Ảnh: wikipedia)

Nam Phương Hoàng Hậu là vị hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn. Bà có những đặc điểm sau đây:

  1. Bà xuất thân từ một gia đình giàu có ở Nam Kỳ, theo đạo Thiên Chúa. Cha là Nguyễn Hữu Hào, người giàu có ở Gò Công. Mẹ là Lê Thị Bình, ái nữ của ông Lê Phát Ɖạt tức huyện Sĩ, người giàu nhất ở Nam Kỳ vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Gia đình của bà theo đạo Thiên Chúa và có Pháp tịch nên bà vừa có tên Việt (Nguyễn Hữu Thị Lan) vừa có tên Việt + tên Pháp (Marie Thérèse Nguyễn Hữu Hào).
  2. Bà được phong hoàng hậu ngay sau khi kết hôn với vua Bảo Ɖại theo lời yêu cầu của ông Nguyễn Hữu Hào. Việc sắc phong hoàng hậu nầy đi ngược với Nguyễn tắc TAM BẤT LẬP do vua Thái Tổ nhà Nguyễn (Gia Long) đặt ra.
  3. Bà là người Gò Công thứ nhì làm hoàng hậu dưới triều Nguyễn sau bà Từ Dũ Phạm Thị Hằng.
  4. Bà là hoàng hậu duy nhất và cuối cùng theo đạo Thiên Chúa. Vua Bảo Ɖại vẫn giữ đạo của tổ tiên nhà Nguyễn nhưng các con của Nam Phương Hoàng Hậu với vua Bảo Ɖại đều theo đạo Thiên Chúa.
  5. Nam Phương Hoàng Hậu là hoàng hậu từ năm 1934 đến 1945. Về phương diện chánh trị lúc ấy vua Bảo Ɖại chỉ có quyền tượng trưng ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ mà thôi. Suốt thời kỳ chiến tranh Việt-Pháp, Bảo Ɖại là quốc trưởng Quốc Gia Việt Nam (État du Vietnam), bà và các hoàng tử và công chúa sống ở Pháp.

Năm 1955 quốc trưởng Bảo Ɖại bị lật đổ trong cuộc trưng cầu dân ý do thủ tướng Ngô Ɖình Diệm tổ chức. Nam Phương Hoàng Hậu chết trong cô đơn ở Pháp năm 1963, thọ 49 tuổi.

Charles de Gaulle (1890 - 1970)

(Ảnh: https://www.widopedia.eu/) ===>

Thiếu tướng Charles De Gaulle được xem là người giải phóng nước Pháp trong đệ nhị thế chiến và người phục hồi vị thế cường quốc của Pháp sau khi Pháp thất bại trong chiến tranh Ɖông Dương (1945 - 1954).

Paris được giải phóng năm 1944. Tướng Charles de Gaulle nắm quyền tạm thời từ năm 1944 đến 1946. Trong thời gian nầy ông nghĩ đến việc tái chiếm thuộc địa để phô trương sự vĩ đại của nước Pháp trên thế giới. Năm 1946 ông lui vào hậu trường chánh trị.

Pháp gặp khó khăn trên chiến trường Việt Nam. Sự thất bại trên chiến trường Việt Nam giúp cho tướng De Gaulle điều chỉnh chánh sách thuộc địa của Pháp khi trở lại nắm chánh quyền năm 1958.

Ông khai sinh Ɖệ Ngũ Cộng Hòa, gia tăng quyền hành của tổng thống, trao trả độc lập ở Algeria, chấn hưng kinh tế, tài chánh, tạo vai trò quan trọng của Pháp trong Cộng Ɖồng Kinh Tế Âu Châu, đẩy mạnh việc chế tạo bom nguyên tử để Pháp trở thành một cường quốc nguyên tử thứ tư trên thế giới.

Tổng thống De Gaulle không mặn nồng:

Fidel Castro (1926 - 2016)

(Ảnh: https://historiek.net/)

Fidel Castro và Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) là hai nhà lãnh đạo quốc gia Cộng Sản trẻ tuổi trong khối Cộng Sản.

Kim Il Sung nắm quyền ở Bắc Hàn năm 1948 khi ở tuổi 36. Ɖó là địa vị mà Stalin tặng cho ông với tư cách một người Cộng Sản Triều Tiên kháng Nhật và một sĩ quan trong quân đội Liên Sô.

Fidel Castro lãnh đạo cuộc nổi dậy chống nhà độc tài Cuba là Batista do Hoa Kỳ ủng hộ. Cuộc kháng chiến kéo dài không đầy 6 năm thì có kết quả (1953 - 1959). Ông lãnh đạo quần chúng chống nhà độc tài Batista khi mới 27 tuổi. Ông lãnh đạo đảo quốc Cuba ở tuổi 33. Không cường quốc nào giúp ông vì sợ đụng chạm với Hoa Kỳ.

Về học vị Fidel Castro hơn Kim Il Sung. Fidel Castro có tiến sĩ luật. Kim Il Sung là một sĩ quan trong hồng quân Liên Sô. Castro tự xây dựng quyền uy cho ông. Kim được Stalin trao tặng quyền uy.

Họ Kim đã biến chế độ Cộng Sản thành chế độ quân chủ chuyên chính cha truyền con nối.

Năm 2008 Fidel Castro rút lui khỏi chánh trường, nhượng quyền cho em là Raoul Castro, người sát cánh với ông trong cuộc nổi dậy chống Batista. Raoul không sắc bén như anh (Fidel Castro) trên ghế trường đại học. Ông sớm tham gia các tổ chức Cộng Sản. Raoul Castro cầm quyền thay anh từ năm 2008 đến 2021 thì từ chức trao quyền cho Miguel Diaz-Canel. Không biết vì sao chế độ Castro chưa trở thành chế độ quân chủ Cộng Sản hay gia đình trị như Bắc Hàn.

Kim Il Sung là đảng viên Cộng Sản Trung Hoa và là sĩ quan trong quân đội Liên Sô.

Fidel Castro theo chủ nghĩa Marx-Lenin sau khi lật đổ Batista. Ông theo chế độ Cộng Sản do ảnh hưởng của em ông là Raoul Castro và Che Guevara, một bác sĩ Marxist gốc Argentina, để dựa vào Liên Sô hầu củng cố chánh quyền.

Fidel Castro là một nhà luật học, hoạt động, bồng bột và quá khích. Ông thích mặc đồ trận như để gợi lại chiến thắng vẻ vang của ông trước Batista vào đầu năm 1959. Fidel Castro nghiễm nhiên trở thành sư phụ của tổng thống Hugo Chavez (1954 - 2013) và một số nhà chánh trị tả khuynh ở Châu Mỹ La Tinh. Nhưng Cuba vẫn là một nước nghèo trên thế giới mặc dù có một đội ngũ bác sĩ có khả năng cao.

Fidel Castro là người cực đoan được trang bị bằng chủ nghĩa Marx-Lenin nhưng có vài điều lạ đáng lưu ý dưới sự thống trị của ông:

  1. Thứ nhất: Cuba đã tiếp đức Giáo Hoàng John Paul II năm 1998 và đức Giáo Hoàng Francis năm 2015. Ɖó là điều hiếm thấy trong một nước Cộng Sản.
  2. Thứ hai: Fidel Castro vẫn giữ quốc kỳ Cuba đã có từ năm 1902. Ɖộc lập đến với Cuba sau khi Hoa Kỳ đánh bại Tây Ban Nha trong một cuộc chiến tranh ngắn ngủi vào năm 1898. Dù biện luận như thế nào đi nữa, nền độc lập nầy cũng là do kết quả của những cuộc chiến Hoa Kỳ-Tây Ban Nha mà ra.
  3. Thứ ba: Ông không quá tự đề cao cá nhân mình và thành tích lịch sử của mình bằng cách chà đạp quá trình đấu tranh giành độc lập khỏi Tây Ban Nha của tiền nhân. Không thành phố nào ở Cuba thay tên đổi họ hay mang tên Fidel Castro biết rằng có nhiều tên đường Fidel Castro ở Cuba và ở vài quốc gia Phi Châu. Ở Việt Nam có Công Viên Fidel Castro ở Ɖông Hà, Quảng Trị. Ở Moscow có Quảng Trường Fidel Castro.

Mohammed Zahir Shah (1914 - 2007)

(Ảnh:https://krant.telegraaf.nl/) ===>

Mohammed Zahir Shah là vị vua cuối cùng của Afghanistan. Ông ngự trị ở Afghanistan từ năm 1933 đến 1973. Ɖó là vị vua ngự trị lâu dài nhất trong Ɖế Quốc Durrani tức Ɖế Quốc Afghanistan hình thành vào thế kỷ XVIII. Ɖế quốc nầy bao gồm một phần Trung Á, một phần Trung Ɖông và lan sang tận xứ Pakistan bây giờ.

Vua Mohammed Zahir Shah mang sự phồn thịnh và bang giao rộng rãi giữa Afghanistan với thế giới bên ngoài.

Năm 1973 nhà vua viếng Rome. Trong nước, thủ tướng Mohammed Daoud Khan, một thân thuộc trong hoàng gia, lật đổ vua Mohammed Zahir Shah để thành lập nền Cộng Hòa. Nền Cộng Hòa nầy sụp đổ năm 1978, mở đầu cho sự xâm lăng của Liên Sô vào Afghanistan năm 1979. Vua Mohammed Zahir Shah sống lưu vong ở Rome. Khi chánh quyền Taliban sụp đổ, năm 2002 ông về nước và được gọi là QUỐC PHỤ. Ông mất ở Kabul năm 2007.

Ellen Johnson Sirleaf (1938 - )

(Ảnh Wikipedia)

Ellen Johnson Sirleaf là nữ tổng thống đầu tiên ở Phi Châu.

Xuất thân từ một gia đình có trình độ học vấn cao, bà học đại học ở Liberia rồi học ở Madison College of Business, Wisconsin và Havard University’s Kennedy School of Government.

Ellen Johnson Sirleaf từng làm việc cho World Bank (Ngân Hàng Thế Giới) và các ngân hàng lớn trong vùng Caribbean và Châu Mỹ La Tinh.

Năm 1979 bà được bổ nhiệm làm tổng trưởng bộ Tài Chánh của Liberia. Năm 1980 có đảo chánh ở Liberia. Bà sang Hoa Kỳ và làm việc cho Citi Bank và Equator Bank.

Trở về Liberia, năm 1985 bà bị xử 10 năm tù vì chỉ trích chánh phủ quân nhân. Bà được tự do chớ không ngồi tù ngày nào. Năm 1997 bà thất cử trong cuộc bầu cử tổng thống. Mãi đến năm 2005 bà mới được đắc cử. Năm 2011 bà đắc cử nhiệm kỳ thứ hai. Cùng năm 2011 bà được giải thưởng Nobel.

.

Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/vanhoa/namdannoichuyencop_2022.htm


Cái Đình - 2022