Nguyên Ngọc Hoàng Thị Quỳnh Hoa
Mình ơi!
.
Đố ai biết hai từ thân thiết dễ thương ni là ai gọi ai, người nữ gọi người nam hay người nam gọi người nữ? Bạn đoán đúng rồi. Người nữ hay người nam đều dùng hai từ ni để gọi nhau. Nhưng là hai nam nữ đã cưới nhau, thành vợ thành chồng rồi mới dùng hai từ ni được! Mà phải sống với nhau một thời gian dài nữa kìa, đồng cam cộng khổ nhiều năm mới được chứ mới cưới nhau thì không ai dùng hai chữ “mình ơi”. Chỉ là bồ bịch, dù thân thiết lắm, cũng không dùng được, phải không?
Người Việt may mắn chỉ có một tiếng nói từ Bắc vô Nam, chỉ khác nhau cái giọng thôi. Không như nhiều nơi, trong một nước mà có nhiều ngôn ngữ khác nhau như Ấn Độ, Trung Hoa. Mà không ai biết tại sao mỗi miền lại có giọng nói (accent) khác nhau, là ảnh hưởng của khí hậu, địa dư, hay nước uống, hay gồm cả ba! Tiếng Việt rất súc tích, phong phú, đa dạng, rõ ràng. Thí dụ người Anh hay Mỹ chỉ có chữ you để chỉ ngôi thứ hai, số ít hay số nhiều thì cũng một chữ you! Người Pháp thì có vous, thân mật thì tu cho ngôi thứ hai số ít, còn người Tàu chỉ độc một chữ nị. “Ngộ ái nị” (I love you). Nị hayYou ở đây có thể là người yêu, người cha, người mẹ, người thầy, người bạn, người bà con v.v. Trong khi tiếng Việt để chỉ rõ mối quan hệ giữa mọi người, có rất nhiều từ khác nhau, đôi khi phân biệt từng miền nữa. Nói đến cha mẹ, người Bắc gọi thầy mẹ, thầy u, thầy bu, cậu mợ, bố mẹ,... Người Trung gọi cha mẹ, ba mạ, chú mạ, bố mẹ, hay còn gọi bọ mạ. Người Nam gọi ba măng (Việt hóa tiếng Pháp), ba má, tía má (Việt hóa tiếng Hoa)... Để chỉ rõ vai vế của bà con, họ hàng, ta có cả một hệ thống tên gọi bên nội, bên ngoại, bên vợ, bên chồng tràng giang đại hải mà không cách chi dịch qua tiếng Anh, tiếng Pháp được! Lấy một thí dụ, người Bắc gọi anh, chị của cha mẹ và người phối ngẫu của cha mẹ là bác để chỉ người vai vế lớn hơn mà không phân biệt bên vợ hay chồng, đàn ông hay đàn bà, hay người ngoại tộc. Chú thím là để chỉ em trai của cha và vợ, cô chú thì là em gái của mẹ và chồng. Người Trung thì phân biệt nội ngoại. Phái nữ bên nội, chị hay em của cha, thì gọi là o. Chồng của chị là bác. Anh hay em trai của mẹ đều là cậu, vợ của cậu là mợ nên khi nghe gọi thì không biết cậu vai lớn hơn hay nhỏ hơn mẹ! Dì để gọi chị hay em gái của mẹ:
Chết cha còn chú,
Chết mẹ thì bú vú dì!
Chồng của dì là dượng. Dường như ngày nay người ta không muốn dùng chữ ‘dượng’ vì chữ ‘dượng’, có nghĩa ngầm không được đẹp vì cũng được dùng để gọi người chồng sau của mẹ. Vợ sau của cha thì là dì ghẻ, hay mẹ ghẻ nhưng chồng sau của mẹ không là cha ghẻ mà là dượng ghẻ, là người dưng không thân thiết chi với mình. Nay nhiều người cho chữ ‘o’ có vẻ quê nên chuyển sang ‘cô’, ‘bác’ như người Bắc. Tôi thì rất thương chữ ‘o’ vì đã gọi vậy từ khi biết nói, nghĩa là gần 90 năm rồi. Ở Huế có câu phê bình em gái, chị gái, hay em trai của chồng đối với chị dâu:
Một trăm mụ o không chi,
Ông chú thủ thỉ có khi mất chồng.
Đại danh từ ngôi thứ nhất (I/We, Je/Nous, Ngộ) thì ta có: tôi/chúng tôi, ta/chúng ta, tớ/chúng tớ, tao/tụi tao, hay người Nam dùng chữ ‘qua’ rất bình dân, thân tình. Tùy đối tượng của ta là ai mà ta chọn đại danh từ cho hợp như ông bà, cha mẹ, vợ chồng, họ hàng, người trên, kẻ dưới. Vũ Hoàng Chương than thở:
Lũ chúng ta lạc loài năm bảy đứa,
Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh!
Ngôi thứ hai: you, vous, nị cũng vậy, ta có nhiều từ để chỉ liên hệ ứng xử, đối với vợ chồng, người yêu, họ hàng, người trên, kẻ dưới, với sếp, với đồng nghiệp, quen thân, quen sơ... Với người vai vế lớn hơn, hay cấp trên người ta thêm ‘dạ thưa, dạ bẩm’ (dạ thưa ông, dạ bẩm bà) là văn hóa cung kính người trên của xứ ta. Trong gia đình hoàng tộc, chữ mệ hay mụ được gọi để chỉ cả đàn ông lẫn đàn bà. Hồi nhỏ ở Huế, tôi nhớ người ta gọi công chúa Lương Linh, con gái vua Thành Thái, là Mệ Sen. Sen là nickname của Mệ. Bảng xe hơi của Mệ Sen thì ghi rõ Princess Lương Linh nên tôi mới biết tên tộc của mệ! Em trai Mệ Sen là Mệ Kha. Tôi biết ông hoàng tử này vì ông cưới bà chị họ tôi. Dì tôi có khi gọi ông con rể là Mụ Kha. Mệ cũng là từ thân thiết để gọi bà nội, bà ngoại hay những người đàn bà lớn tuổi. Còn chữ ôn thì để chỉ ông nội, ông ngoại hay người đàn ông lớn tuổi một cách thân mật. Người Nam thì chỉ dùng một chữ Ngoại hay Nội rất dễ thương để chỉ ông bà nội, ngoại nhưng ta không biết là ông hay bà! Chữ mụ cũng được người Huế dùng để chỉ người đàn bà lớn tuổi bán chè, bán cháo hay người đàn bà ăn xin.
Người Bắc gọi con gái chưa chồng là chị, cô:
Ba cô đội gạo lên chùa,
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư...
Người Huế gọi là o:
O kia tát nước đầu đình,
Cớ sao o múc ánh trăng vàng o đổ đi!
Người con gái buôn gánh bán bưng hay làm thuê làm mướn cũng được gọi o. O ở đây khác với o là em hay chị của cha. Mụ cũng là một từ thân mật bà mẹ chồng Huế gọi con dâu. Bà không gọi tên con dâu mà gọi mụ và tên con trai (mụ Đắc là vợ con trai tên Đắc). Bạn bè thân thiết thì gọi mi xưng tau. Lứa bạn tôi là U 90 cả mà gặp nhau vẫn mi mi tau tau rộn rã tưng bừng!
Đại danh từ ngôi thứ ba: nó, hắn, ai, ông ấy, bà ấy, cô ấy, chị ấy, lão ấy, thằng/con ấy, mụ/lão ấy, v.v. tùy theo đối tượng liên hệ. Cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị của Huế thì dùng chữ ‘ai’ rất gọn trong câu hò mái đẩy:
Chiều chiều trước bến Vân Lâu,
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm, ai nhớ, ai thương.
Thuyền ai thấp thoáng bên sông,
Đưa câu mái đẩy, chạnh lòng nước non.
Người đọc biết những chữ “ai” ở đây là ai nếu nhớ chi tiết lịch sử cận đại vua Duy Tân tham gia phong trào kháng Pháp.
Hay chỉ một chữ em như trong câu ca dao:
Trúc xinh trúc mọc đầu đình,
Em xinh, em đứng một mình cũng xinh!
Trúc xinh trúc mọc bờ ao,
Em xinh, em đứng nơi nào cũng xinh
Chữ họ cũng thường được dùng trong văn chương:
Họ đã đi rồi, khôn níu lại,
Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa.
Hai chữ người ấy cũng được dùng:
Người ấy thường hay vuốt tóc tôi
Thở dài trong lúc thấy tôi vui...
Hay chỉ một chữ người như:
Người đi một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.
hay:
Cười người chớ vội cười lâu,
Cười người hôm trước, hôm sau người cười.
Ta dùng: chúng nó, tụi nó, hay họ cho số nhiều. Người mình cũng phân biệt kẻ khinh người trọng trong cách xưng hô. Kính nể thì gọi chị ấy, ông ấy, bà ấy. Khinh thì thằng ấy, con ấy hay kẻ ấy (thằng kẻ trộm, kẻ cướp, thằng sở khanh...) và một chữ chúng cho số nhiều. Còn nhớ mỗi khi quân ta đánh thắng quân Bắc phương thì ta người viết sử nói “ta đuổi chúng chạy về Tàu.”
Hai từ sui gia hay thông gia là chỉ cha mẹ vợ, cha mẹ chồng của con mình. Thân mật thì họ dùng anh sui, chị sui để gọi nhau. Tiếng Anh dùng từ kép ‘in-law’ để chỉ liên hệ gia đình trước pháp luật. Thêm chữ in-law vào vai vế trong gia đình là ta thấy ngay liên hệ: mother-in-law, father-in-law, son-in-law... Nếu ra tòa ly dị là hết liên hệ liền! Nhớ câu chuyện năm xưa, khi gặp lại một cô học trò cũ, cô giới thiệu tôi với chồng cô: “Cô giáo của em”, ông chồng – hình như cũng là giáo sư – la lên, “Cô giáo em trẻ quá mà tôi phải gọi bằng cô sao!” Tôi vội vàng an ủi, “Anh chỉ là student-in-law, không cần gọi tôi bằng cô! Chắc anh cũng vui vẻ với lời phân trần ấy!
Đôi khi bà sui gia bị gọi là mụ gia như ở miền Trung nên ca dao có câu:
Thương chồng mà khóc mụ gia,
Chớ tui với mụ không bà con chi!
Có thể nói ba miền có ba ngôn ngữ hơi khác nhau nhưng ngôn ngữ miền Bắc được xem là chuẩn. Có lẽ vì ngày xưa, một thời gian dài, nước ta chỉ là một vùng nhỏ ở châu thổ sông Hồng Hà. Mãi cho đến khi Nguyễn Hoàng chạy vào Nam dưới thời vua Lê và khai khẩn đất đai, tiến dần về phía Nam, chiếm đất của Chiêm Thành và Chân Lạp (một nửa nước Cao Miên), mở mang bờ cõi xuống đến tận Cà Mau thì nước ta mới có đủ ba miền như bây giờ. Viết văn cũng vậy, chuẩn thì phải viết theo tiếng Bắc. Viết theo tiếng Trung hay tiếng Nam thì được coi như ngôn ngữ địa phương. Nhà văn Hồ Biểu Chánh được coi như đặc thù Nam bộ. Nữ ở miền Nam thì có bà Tùng Long. Tôi không biết nhà văn nào chuyên viết tiếng Trung. Ai biết xin chỉ giáo. Trong ca nhạc cũng vậy. Ca sĩ Nam hay Trung đều học phát âm theo giọng Bắc trừ ca sĩ Trần Văn Trạch không hề đổi giọng. Ông hát giọng Nam rặt mà rất truyền cảm, rất hay. Chắc vì vậy ông được khán thính giả thương mến tặng danh hiệu Quái kiệt Trần Văn Trạch!
Cách xưng hô giữa chàng và nàng ở Việt Nam rất lý thú. Thuở ban đầu thì tôi-cô rồi đổi qua gọi tên nhau khi “tình trong như đã,” rồi anh-em khi chàng cầm được tay nàng. Sau khi thành vợ, thành chồng thì có đôi vẫn gọi nhau anh-em cho đến răng long đầu bạc, có đôi đổi cách xưng hô gọi nhau là cha mẹ của đứa con đầu lòng như Bố-cu-Tèo, Mẹ-cu-Bé. Những người khác thì sau một thời gian chung sống hạnh phúc, hợp tính hợp tình nên tuy hai người mà như một nên đổi cách xưng hô với tiếng mình thân thiết. chồng cũng là mình mà vợ cũng là mình. Mình ơi! Chữ mình nhắc tôi nhớ mấy câu ca dao tiếu lâm không biết đã được đọc ở đâu:
Vợ mình là con người ta,
Con mình là vợ đẻ ra,
Nghĩ đi nghĩ lại không bà con chi!
Chữ mình ở đây là tĩnh từ sở hữu (posessive adjective), không phải đại danh từ như “mình ơi.”
Ngoài chữ mình biểu hiện tình cảm của hai người, tuy hai mà một, tuy một mà hai, người Việt còn dùng hai chữ “nhà tôi” để chỉ vợ hay chồng mình vì họ tin tưởng chồng hay vợ là chỗ tựa vững vàng cho nhau, vững chắc như cái nhà, đem lại sự thoải mái, đầm ấm, bình an cho nhau.
“Mình ơi, em muốn đi bờ hồ” là một câu cô vợ nũng nịu nói với chồng tôi nhớ mãi từ một cuốn tiểu thuyết nào đó. Nghe câu này thôi là ta đã hình dung được một gia đình hạnh phúc, phu phụ thương yêu nhau, quý mến nhau, đùm bọc nhau. Mình ơi! Mình à! Còn từ nào dịu dàng hơn, êm tai hơn! À, còn một từ nữa cũng dễ thương không kém là chữ cưng của người Nam. “Cưng làm cho anh cái này. Cưng lấy cho em cái kia.”nghe rất bùi tai. Nhưng người Nam dùng chữ cưng cho bất kỳ ai họ thương hay không ghét chứ không phải chỉ để chỉ người chồng hay người vợ của mình. “Mình ơi” vẫn là hai chữ mà tôi nghĩ người vợ hay chồng nào cũng muốn được nghe hay được nói mỗi ngày.
.
Nguyên Ngọc Hoàng Thị Quỳnh Hoa
Cali đầu tháng 6, 2022
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/vanhoa/minhoi.html