Nguyễn Bảo Hưng
Hai nét đặc thù về sinh hoạt văn hóa của Paris
Từ trước đến giờ, Paris vẫn được coi là một trong những thành phố nổi danh trên thế giới, và còn được tặng cho danh hiệu là kinh đô của ánh sáng và trung tâm của văn học và nghệ thuật. Danh hiệu này, có lẽ vì Paris là thủ đô quê hương của các học giả, văn nhân, thi sĩ qua mọi thời đại như Corneille, Racine thời Cổ Điển, Voltaire, J.J. Rousseau của Kỷ nguyên Ánh Sáng (thế kỷ 18), sang đến Victor Hugo, tác giả của Les Misérables, hay Lamartine nổi tiếng với bài thơ lãng mạn Le Lac và gần đây nhất là J.P. Sartre hay A. Camus. Nghĩ vậy, không phải là không đúng. Nhưng chỉ đúng với những ai có thói quen chỉ thích chiêm ngưỡng phần nổi của một khối đá băng di chuyển mà thôi. Còn phần chìm là phần quan trọng nhất, có lẽ chỉ những ai từ phương xa lạc bước tới đây mới hiểu được tại sao Paris được tặng cho danh hiệu trung tâm văn hóa nghệ thuật của nước Pháp. Vì với cái nhìn của một khách lạ, họ mới phát hiện được rằng Paris không chỉ là kinh đô của ánh sáng, mà còn là một môi trường sinh hoạt đặc thù với một không gian văn học thuận lợi cho những ai có tâm hồn nghệ sĩ để học hỏi và phát triển tài năng của mình. Tiêu biểu và đại diện cho đám người này không ai khác hơn là Ernest Hemingway, nhà văn danh tiếng Mỹ từng được giải thưởng văn học Nobel.
Mỗi lần nghe nhắc tới tên Hemingway, chúng ta không khỏi liên tưởng tới các tác phẩm như Adieu aux Armes, Pour qui sonne le glas, Le soleil se lève aussi… mà chúng ta bắt đầu làm quen qua các bộ phim được dàn dựng theo các tác phẩm nêu trên, đã làm say mê khách mê xi-nê sành điệu Sài Gòn trong thập niên 60 của thế kỷ trước. Thành quả này, thường được coi là do năng khiếu bẩm sinh và tài hoa của ông. Năng khiếu bẩm sinh thì có, tài hoa, trái lại, phải qua học hỏi và rèn luyện mới có được. Năng khiếu cũng chỉ mới là miếng đá quí như ngọc hay kim cương tình cờ ta bắt được. Chỉ khi nào ta chịu khó bỏ công đẽo gọt, miếng đá đó mới trở thành món nữ trang sáng giá đắt tiền. Đó chính là trường hợp của Hemingway. Vốn là phóng viên cho một nhật báo ở Toronto, khi ấy mới 20 tuổi, Hemingway được phái tới Paris để làm một thiên phóng sự. Lần đầu đặt chân tới Paris, do nhạy cảm bén nhọn, Hemingway đã sớm tìm thấy nơi đây một môi trường đặc thù và một bầu không gian văn học thuận lợi giúp ông có thể học hỏi và phát triển tài năng của mình. Chính vì phát hiện được môi trường đặc thù này, Hemingway đã không ngần ngại từ bỏ nghề phóng viên, ở lại Paris cùng với vợ là Hadley gần hai năm trong những điều kiện sống khó khăn bần hàn. Đây là một quyết định hi sinh lớn, vì ông dám chấp nhận từ bỏ đồng lương cố định bảo đảm để thay thế bằng tiền nhuận bút không lấy gì chắc chắc của những bài viết khi có tờ báo chịu cho đăng. Phải có đọc Paris est une fête, ta mới hiểu tại sao Hemingway đã chọn ở lại Paris, để bước vào nghiệp văn.
Quartier Latin. Hình: Jacques Lebar
Paris est une fête không phải là một sáng tác văn chương vì không thuộc loại truyện kể hay hồi ký, mà chỉ là một sưu tập các bút ký, các tạp ghi được gom góp lại và chỉ được xuất bản sau khi ông mất như một di cảo (œvre posthume). Có lẽ vì vậy nên tựa sách ít được ai chú ý. Nhưng có đọc Paris est une fête, ta mới hiểu tại sao Hemingway lại chọn Paris làm nơi học hỏi và trau giồi bút pháp của mình. Chính nhờ vậy mà ông đã xây dựng được một sự nghiệp văn chương lẫy lừng như chúng ta đều biết. Thoạt nhìn, cái tựa Paris est une fête dễ làm ta lầm tưởng là cuốn sách này Hemingway viết ra cốt để nói về Paris như là một chốn phồn hoa đô hội. Trái lại, ngay chương mở đầu Un bon café, Place Saint-Martin, Hemingway cho thấy Paris, với ông, là một chốn hội hè vì nơi đây có những bistrot hay quán cà phê bình dân mà, chỉ với một ly cà phê sữa hay một ly rượu, ông có thể bám trụ suốt ngày để rèn luyện viết văn. Không chỉ có thế, ngay gần nơi ông trú ngụ, Quartier Latin còn là một không gian văn học thuận lợi cho những ai muốn theo đuổi nghiệp văn chương Nhờ vậy mà trong những ngày đầu của giai đoạn còn bần hàn, những lúc đói bụng ông có thể ghé lại bảo tàng viện trong vườn Luxembourg ngắm nghía những bức tranh của Cezanne, Gauguin, Toulouse-Lautrec…. để quên được bữa ăn trưa. Thêm vào đó, cũng tại khu Latin văn học, ông có thể đôi lúc ghé lại tiệm sách Shakespeare and Company của cô bạn đồng hương tốt bụng Sylvia Beach sẵn sàng cho ông tha hồ mượn sách đem về đọc mà không phải ứng tiền thế chân. Nhờ vậy mà Hemingway đã được làm quen với một số nhà văn Nga như Tchekhov, Dostoïevski để mở rộng chân trời văn học của mình. Chỉ cần một vài điều kiện thuận lợi đó thôi cũng đủ làm cho Hemingway cảm thấy hài lòng trong khung cảnh bần hàn đó, như ông đã thổ lộ cùng ta như sau: “Phát hiện cả một thế giới văn học xa lạ, và có thì giờ để đọc, trong một thành phố như Paris nơi đó ta có thể sống và làm việc thuận lợi, dù nghèo, chẳng khác gì như ta được tặng cho một kho tàng cả.”
Ừ thì cứ cho là với Quartier Latin, Paris xứng đáng với danh hiệu là trung tâm văn học của Pháp. Thế còn Paris là trung tâm của nghệ thuật thì nằm ở đâu? Muốn có câu trả lời thích đáng, ta phải tạm rời Quartier Latin bên tả ngạn sông Seine để qua phía hữu ngạn lần mò tới Quartier Montmartre sát với vùng ngoại biên ở phía Bắc. Mỗi lần được nghe nhắc tới, Montmartre làm ta liên tưởng tới các rạp hát mang tên Folies Bergère hay Moulin Rouge. Đây là sân khấu trình diễn cho vũ điệu French-Cancan nổi tiếng của Pháp nên thu hút được đông đảo người tới coi, đặc biệt là du khách. Dưới ánh đèn sáng chói, trước mắt ta là một bầy vũ nữ chân dài, cô nào cũng xinh như mộng trong chiếc áo đầm xòe màu sắc rực rỡ dài tới gót chân. Sau một hồi nhún nhẩy theo điệu nhạc vui tươi rộn rã, các cô lại bất thần giơ chân cao tới đầu như muốn đá ai một cái. Điệu bộ này khiến đám khán giả ngồi coi, phần đông là các đấng trượng phu râu ria rậm rạp, áo quần bảnh bao, mặt đang nghệt ra như dân cả ngố, cũng phải giật mình căng tròn đôi mắt để thưởng ngoạn. Chỉ cần ngần ấy thôi cũng đủ làm cho Paris xứng đáng với danh hiệu trung tâm của nghệ thuật rồi. Bởi vì dù là vũ điệu French-Cancan hay là vũ điệu ba lê (ballet) của một vở kịch, cũng đều thuộc về một ngành nghệ thuật cả. Nhưng đây mới chỉ là phần nổi của khối đá băng mà thôi. Còn muốn biết phần chìm mới là động lực giúp cho khối đá băng chuyển động, thay vì lặn sâu xuống đáy biển, ta phải leo lên tới đỉnh Montmartre mới biết được. Tại đây, bên cạnh thánh đường Montmartre oai nghiêm trắng toát, là một dãy nhà phần đông là quán cà phê hay quán ăn bình dân bao quanh một khoảng đất trống là nơi đóng đô của mộ số họa sĩ. Mỗi lần thấy ta đi qua, họ lại mời ta mua cho họ bức tranh hoặc để họa một bức hình chân dung của ta. Nhưng hình ảnh đó cũng chỉ là một bản sao chép (photocopie) mà thôi. Còn muốn biết phần nào bản chính về cái môi trường và không khí sinh hoạt của cái thời xa xưa ấy, ta cần nghe lại bản La Bohème. Chỉ cần gõ trên trang mạng Charles Aznavour – La Bohème là ta sẽ có một lô YouTube với sự trình bày của nhiều ca sĩ. Nhưng ta chỉ nên mở YouTube có hình nhà thờ Montmartre trắng toát nổi bật trên nền trời xanh để được nghe Aznavour, với giọng ca nhừa nhựa kể ta nghe câu chuyện về Montmartre của những nghệ sĩ lãng du. Có nghe YouTube này, với một vài hình ảnh xưa của Montmartre, ta mới có cơ hội làm cuộc hành trình đi tìm thời đã mất, cũng như hương vị của miếng bánh madeleine đã giúp Marcel Proust viết ra bộ sách mang tựa đề À la recherche du temps perdu nổi danh toàn cầu của ông. Thêm vào đó, ca từ của La Bohème còn cho ta thấy có những điểm tương đồng và khác biệt giữa Quartier Latin văn học và khu Montmartre, điểm hội tụ của giới nghệ sĩ nói chung và họa sĩ nói riêng. Nếu như tại Quartier Latin, chỉ cần hai năm để học hỏi và rèn luyện, Hemingway đã có thể thấy con đường vinh quang hé mở. Tại Montmartre trái lại, số phận dành cho các họa sĩ lại khắc nghiệt hơn. Điển hình là họa sĩ Hòa Lan Van Gogh đã lưu trú tại đây trên ba năm và vẽ ra hàng trăm bức tranh. Nhưng sinh thời ông chỉ bán được một bức tranh mà thôi. Chỉ sau khi tự vận vì bệnh hoạn và nghèo túng, tranh của ông mới được người đời chiếu cố. Có người không ngại bỏ ra hàng trăm triệu đô la để mua tranh của ông. Và thường không phải là người biết thưởng thức nghệ thuật, mà thuộc loại trưởng giả học làm sang như nhân vật Jourdain trong vở kịch Le Bourgeois gentilhomme của Molière. Mục đích của đám người này cốt để khoe của và phô trương cái mã văn hóa của mình mà thôi. Họ đâu có hiểu rằng chỉ vì tâm hồn nghẹ sĩ cùng với đam mê nghệ thuật của người họa sĩ, họ mới phải bỏ ra một khoản tiền kếch xù đề đem tranh mua về trưng bày phòng khách. Đó là ý nghĩa lời ca của La Bohème kể cho ta nghe về hoàn cảnh sống khó khăn của người nghệ sĩ, nhưng họ lại lấy đó làm nguồn vui, làm lẽ sống cho họ.
Trên đây là hai điểm sinh hoạt đặc thù khiến Paris, theo tôi, được tặng cho danh hiệu là trung tâm văn hóa của nước Pháp.
Nguyễn Bảo Hưng
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/vanhoa/hainetdacthuvesinhhoat.html