Nguyễn Dư


Đi phượt, đi pheo

.

Lâu quá không về thăm xóm cũ. Từ ngày...

Từ ngày bị thằng Covid-19 ác ôn trói chân. Bạn bè xì xào kháo nhau thua keo này bày keo khác. Không đi chơi bằng máy bay, xe hơi, thì đi bằng sách báo vậy. Chí lí!

Đường ta đi dài theo đất nước bao la...

Nói chung, ngày xưa dân ta ngại đi xa. Bất đắc dĩ mới phải đi. Đi tha phương cầu thực. Đi tìm đời sống thoải mái, dễ chịu hơn... Có người ra đi ngậm ngùi hẹn ngày trở lại. Có người đi biền biệt...

Từ đời Trần đến đời Nguyễn, trong hơn năm thế kỉ, vua chúa phong kiến đã nhiều lần ra lệnh bắt dân đi khai phá, khẩn hoang những vùng đất mới. Dân đi khẩn hoang hầu hết là dân nghèo. Họ âm thầm chấp nhận muôn vàn vất vả, khó khăn.

Chính những người dân đi khẩn hoang này đã gây dựng nên những làng xã mới, tiền thân của nhiều tỉnh thành sau này. Họ đã tích cực góp phần mở mang đất nước.

Nửa sau thế kỉ 20, nước ta có hai cuộc di dân tự phát, bất ngờ:

Năm 1954, đất nước bị chia đôi. Một triệu (?) người miền Bắc di cư vào Nam.

Năm 1975, chấm dứt chiến tranh. Khoảng một triệu (?) người miền Nam “vượt biên”, di cư ra nước ngoài .

Vào những năm 1980, có chính sách đưa dân đi khai phá, khẩn hoang những vùng “kinh tế mới”. Không biết kết quả ra sao?

Thời kì khó khăn dần dần qua đi. Đời sống khá lên. Ăn uống lu bù. Du lịch trở thành ngành mũi nhọn của phát triển kinh tế.

Đi du lịch...

Nước ta có đi du lịch từ bao giờ?

Bài học Chỗ quê hương đẹp hơn cả kể chuyện (năm 1948):

Một người đi du lịch đã nhiều nơi. Hôm về nhà, kẻ quen người thuộc, làng xóm, láng giềng đến chơi đông lắm. Một người bạn hỏi: “Ông đi du sơn du thuỷ, thế tất đã trông thấy nhiều cảnh đẹp. Vậy ông cho ở đâu là thú hơn cả?” Người du lịch đáp lại rằng: “Cảnh đẹp mắt tôi trông thấy đã nhiều, nhưng không đâu làm cho tôi cảm động, vui thú bằng lúc trở về chốn quê hương, trông thấy cái hàng rào, cái tường đất cũ kỹ của nhà cha mẹ tôi. Từ cái bụi tre ở xó vườn, cho đến con đường khúc khuỷu trong làng, cái gì cũng gợi ra cho tôi những mối cảm tình chứa chan, kể không sao xiết được” (1).

Khách du lịch vác ô, xách bị, đi bộ. Chắc là chỉ thăm viếng trong vùng quanh làng. Xa lắm cũng chỉ độ hai, ba chục cây số.

Đi du lịch để thấy cái hay, cái đẹp của nơi khác. Nhưng rốt cuộc chỉ có quê hương là đẹp hơn cả. Đi làm gì cho mệt.

Bên cạnh những cuộc lên đường, ra đi làm thay đổi cả vận mệnh đất nước, phải kể thêm vài kiểu đi có tên ngộ nghĩnh, xa lạ...

Đi phượt...

Thạch Lam giới thiệu tập bút ký Hà Nội băm sáu phố phường:

Người Pháp có Paris, người Anh có London, người Tàu có Thượng Hải (...). Chúng ta cũng có Hà Nội, một thành phố có nhiều vẻ đẹp, vì Hà Nội đẹp thật (chúng ta chỉ còn tìm những vẻ đẹp ấy ra), và cũng vì chúng ta yêu mến. Yêu mến Hà Nội với tâm hồn người Hà Nội, cũng như người Parisien chính hiệu yêu mến Paris...

Trong những cuộc phiếm du, ‒ phiếm du ngoài các phố Hà Nội là một cái thú vô song chỉ người Hà Nội có – ta nên chú ý đến những nét đổi thay của thành phố (...) (2).

Phiếm du là đi chơi chỗ này chỗ khác, không định chỗ nào (Phiếm là trôi nổi linh đinh. Không thiết thực. Không chuyên một việc. Du là đi chơi) (Từ điển Đào Duy Anh).

Mới đây, tình cờ được đọc bài “Một người Mỹ đã đi phượt hàng nghìn km liên tục với chiếc xe điện được độ từ xe buýt Volkswagen đời 1964” trên báo Tuổi Trẻ.

(Chiếc xe buýt VW đời cổ cải tạo thành xe điện, phượt gần 9700 km trong 43 ngày...).

Nhớ lại khoảng 5, 6 năm trước, được đọc bài giới thiệu thú đi phược của giới trẻ. (Phược hay phượt có lẽ là một, tuỳ theo cách phát âm của người viết). Hôm ấy tra tìm trong từ điển không thấy Phược nên tạm gạt đi phược qua một bên.

Lần này theo dõi hành trình của chiếc VW thì thấy chuyến đi phượt của anh chàng người Mỹ được tổ chức rất chu đáo. Anh chỉ lo xe điện mà hết điện nằm ăn vạ nơi đồng không mông quạnh thì... hơi phiền. Anh cẩn thận tra tìm những trạm xăng có cột sạc điện nằm gần lộ trình.

Nhưng mục đích chính của chuyến đi là vui đâu chầu đó. Như con bướm, khi vui nó đậu, khi buồn nó bay.

Đi chơi như vậy tiếng Hán gọi là phiếm du (như Thạch Lam phiếm du ngoài các phố Hà Nội).

Hoá ra đi phược hay đi phượt đều là phiếm du. Phược hay Phượt là biến âm của Phiếm.

Đi pheo...

Đầu thế kỉ 20, Nguyễn Thượng Hiền đưa ra một loại đi khó hiểu khác là đi pheo. Cái tên cũng bí hiểm không thua gì đi phượt.

Đi pheo nằm trong bài thơ dài Hợp quần doanh sinh thuyết của Nguyễn Thượng Hiền:

(...)
Đứa trai họ đã quen hương tục,
Từ trẻ trung đến lúc bạc đầu.
Dẫu rằng ngậm cháo, ăn rau,
Mà khi đóng góp dám đâu tiếc tiền.
Kẻ xôi thịt đồng niên biết mấy,
Lễ nghĩa gì mượn lấy mà ăn.
Nào là bái xã, kỳ thân,
Nào khi cưới hỏi, nào tuần ma chay.
Của có sẵn lâu ngày cũng hết,
Huống chi là bợm kiết xưa nay:
Cửa nhà khăn áo dắt dây,
Qua hôm giã đám, là ngày đi pheo.
Khó đến thân đi liều chẳng kể,
Chốn hương quan mấy kẻ tìm về ? (...) (3).

Sống ở làng phải theo hủ tục của làng. Phải đóng góp hết chuyện này đến chuyện kia. Người có của moi mãi cũng hết. Đám nghèo hèn thì chỉ còn nước bỏ nhà bỏ quê quán, dắt nhau đi pheo.

Đi pheo có giống đi phượt không? Chắc chắn là không vì đi phượt là đi chơi còn đi pheo là đi kiếm ăn nơi đất khách quê người.

Chữ Hán có hai chữ Phiêu (bộ Thuỷ và bộ Phong) cùng có nghĩa là Trôi nổi lênh đênh.

Phiêu bạc là Trôi dạt không định. Nay đây mai đó, không định ở chỗ nào.

Phiêu ngụ là Ở trọ nơi đất khách.

Nguyễn Thượng Hiền đã Việt hoá chữ Phiêu thành Pheo. Đi pheo là đi ở trọ nơi đất khách quê người, kiếm ăn nay đây mai đó.

Tiếng Việt ngày nay nói phiêu bạt, phiêu dạt. Tiếng Việt còn có Phiêu du nghĩa là Đi chơi, đi đến những nơi xa lạ (Từ điển Hoàng Phê)

Sớm lên ngồi lạnh non cao
Thở ra mây trắng, hút vào gió xanh...
Chợt thương con nguyệt nửa vành
Phiêu du trắng mộng bên cành thông khô...
(Giản Chi, Chợt không) (4).

Đi bát phố, đi dòm tủ kính...

Vào những năm 1950, Hà Nội có phong trào rủ nhau đi bát phố. Đi phiếm du hay đi lượn phố thì còn hiểu được, chứ đi bát phố thì có lẽ chỉ những người trong cuộc hiểu với nhau.

Cho đến ngày tình cờ thấy Battre le pavé trong Từ điển Larousse mới vỡ lẽ. Battre le pavé nghĩa là “Đi qua đi lại, phất phơ không mục đích (aller et venir par désœuvrement, sans but)”.

À, thì ra dân Hà Nội ngày xưa rủ nhau đi bát phố tức là rủ nhau đi Battre le pavé. Thật oái oăm. Mấy ông tây lô can ghi âm battre thành bát, dịch chữ pavé (vỉa hè lát đá) là phố.

Tây đi Lèche-vitrines, mấy ông đi Dòm tủ kính.

Dân Hà Nội đã tạo ra mốt mới là đi bát phố, đi dòm tủ kính.

Đi lao động, đi định cư...

Thế kỉ 21, Việt Nam mở cửa, buôn bán với rất nhiều nước. Kinh tế toàn cầu... Dân Việt tha hồ đi chơi, đi phượt, đi du lịch, đi du học, đi định cư nước ngoài... Người Việt ngày nay sinh sống tại nhiều nước. Con cháu sinh đẻ, lớn lên tại “quê hương thứ hai” đã đến đời thứ ba, thứ tư.

Vậy có còn hoàn cảnh phải đi pheo không?

Vẫn còn! Đi pheo ngày nay (theo nghĩa là đi ở trọ, kiếm ăn nơi đất khách quê người) có hai loại: đi trong nước và đi ra nước ngoài.

Đi pheo trong nước là chuyện bình thường của hầu hết các nước trên thế giới. Cả ba miền Bắc, Trung, Nam nước ta đều có nhiều người đi làm xa, cuối năm mới “về quê ăn Tết”.

Đi pheo ra nước ngoài thì khác. Có hai loại:

- Đi hợp pháp được gọi là đi xuất khẩu lao động. Phải qua dịch vụ môi giới, kí hợp đồng, đi có thời hạn. Phần đông là đi làm tại các công trường xây cất.

- Đi bất hợp pháp, gọi là trốn ra nước ngoài, do băng đảng xã hội đen tổ chức. Đàn ông, con trai thì đi “làm vườn” trồng cần sa. Đàn bà con gái thì đi làm con hầu, gái điếm. Đi không hẹn ngày về.

Đi định cư nước ngoàiđi pheo “chất lượng cao”. Trên nguyên tắc, nước đón nhận đòi hỏi phải có người bảo lãnh...

Đi du học...

Đi lấy chồng.... Xinh, Hàn, Mã, Đài... hay Âu, Mĩ, Úc gốc Việt.

Có một vụ lấy chồng người nước ngoài gây nhiều tai tiếng:

- Mùa hạ, tháng 6 năm Bính ngọ (1306), gả công chúa Huyền Trân cho vua nước Chiêm Thành là Chế Mân. Trước đây, thượng hoàng đi chơi các địa phương sang nước Chiêm Thành, đã trót hứa gả con gái cho. Các văn sĩ trong triều ngoài nội nhiều người mượn điển vua nhà Hán đem Chiêu Quân gả cho Hung Nô làm lời thơ bằng quốc ngữ để chê cười. (Vua Chiêm Thành Chế Mân đem đất hai châu Ô Lý, sau đổi thành châu Thuận và châu Hoá làm lễ vật dẫn cưới).

Mùa đông tháng 10 năm 1307, sai nhập nội hành khiển Trần Khắc Chung và an phủ sứ Đặng Văn sang Chiêm Thành đón công chúa Huyền Trân và thế tử là Đa Da về. Tục nước Chiêm Thành, hễ vua chết thì hoàng hậu phải vào đàn thiêu chết theo (...). Khắc Chung dùng thuyền nhẹ cướp lấy công chúa đem về, rồi tư thông với công chúa, loanh quanh mãi ở đường biển, lâu ngày mới về đến kinh sư (...)

Sử thần Ngô Sĩ Liên bàn: Vua giữ ngôi trời (...) mà lại đem gả (con gái) cho người xa không phải giống nòi cho đúng lời hẹn trước, rồi lại dùng mưu gian trá cướp lại về sau, thế thì tín ở đâu?

Trần Khắc Chung là người gian tà biết chừng nào? Không những là làm cái việc chó lợn này, đến sau lại vào tụi với Văn-hiến hầu vu hãm quốc phụ thượng tể vào tội phản nghịch, làm chết oan đến hơn trăm người, mà nó được hưởng phú quý trọn đời, tức như câu Khổng Tử nói rằng: “Người gian tà sống là may mà thoát nạn” ấy chăng! Song, sau khi chết rồi, gia nô của Thiệu-võ vương bới xác lên mà vằm nhỏ ra, thì lời nói của thánh nhân càng tin lắm (5).

Ngày nay ca Huế còn hát:

Nước non ngàn dặm ra đi
Cái tình chi
Mượn màu son phấn
Đền nợ Ô Lý
...

Vì lợi cho dân
Tình đem lại mà cân
Đắng cay muôn phần.

Sầu thảm quá!


Nguyễn Dư
(Lyon, 8/2022)

__________

(1) Quốc văn giáo khoa thư, Lớp dự bị, 1948, tr. 35.

(2) Tuyển tập Thạch Lam, Văn Học, 1988, tr. 167.

(3) Chương Thâu, Nguyễn Thượng Hiền, Tuyển tập thơ văn, Lao Động, 2004, tr. 403.

(4) Võ Phiến, Văn học miền Nam - Tổng quan, Văn Nghệ, 2000, tr. 148.

(5) Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Khoa Học Xã Hội, 1967, tr. 92-94.

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/vanhoa/diphuotdipheo.html


Cái Đình - 2022