Lê Vạn Hoa
Định kiến giới trong trang phục ra sao?
Đồ họa: Shiv/ Luật Khoa.
Hãng đồ thể thao Nike phải đối mặt với nhiều chỉ trích gay gắt sau khi giới thiệu bộ trang phục thể thao cho vận động viên điền kinh Olympic mùa hè 2024 của đội tuyển Mỹ. [1]
Trong đó, bộ đồ của nam là áo ngắn tay, quần ngắn. Còn bộ đồ dành cho nữ là bộ liền, xẻ rất cao phần bẹn.
Trang phục mang nặng tính gia trưởng
Các nhà phê bình chỉ trích rằng loại trang phục này mang nặng tính gia trưởng (patriarchal). Nó làm hằn thêm quan niệm không đúng đắn về việc nữ giới thường phải mặc gợi cảm hơn, thay vì chú trọng vào yếu tố hiệu quả công việc một cách công bằng cho cả hai giới.
Nói cách khác, thay vì các vận động viên có thể tập trung tối đa cho phần thi của mình, thì loại trang phục mới thiết kế của Nike tạo thêm áp lực cho nữ giới khi phải làm sao đó để tránh lộ phần nhạy cảm trên cơ thể.
Tờ Times trích lời vận động viên điền kinh đã nghỉ hưu Lauren Fleshman: “Trang phục cho nữ phải nhằm phục vụ cho việc thi đấu của họ, cả về thể chất lẫn tinh thần. Nếu trang phục này thực sự giúp ích cho việc thể hiện năng lực thi đấu thì nam giới cũng nên mặc giống vậy. Loại trang phục này sinh ra từ góc nhìn gia trưởng, vốn không còn được chào đón hay cần thiết trong giới thể thao nữ”. [2]
Nhiều người hoạt động nghệ thuật cũng từng lên tiếng phản đối việc yêu cầu nữ diễn viên phải ăn mặc lộ cơ thể hơn.
Mới đây, trên thảm đỏ Giải thưởng Oliver, diễn viên Hannah Waddingham “quạt” lại một phóng viên ảnh khi người này hô với cô: “Khoe chân ra nào” (show your leg). Hannah phản ứng rất gay gắt, yêu cầu phóng viên không được nói như vậy. Phản ứng của cô được tán dương là dũng cảm và dứt khoát. [3]
Thay đổi quan điểm “đẹp thì phải chịu đau”
Ý kiến “nữ thì phải mặc thế này, thế kia” từ lâu đã trở thành một gánh nặng đặc biệt cho nữ giới. Chưa kể, quan điểm “đẹp thì phải chịu đau” từng khá phổ biến, nhưng nay lại bị chỉ trích gay gắt.
Đa số nữ giới phải mặc các loại trang phục gây đau đớn, gây giảm tập trung hoặc hạn chế vận động hơn nam giới. Đặc biệt, nữ giới thường phải đi các loại giày gây đau chân hoặc ít nhất là không thoải mái. [4]
Nữ giới chọn các loại trang phục này trong đời sống hằng ngày theo sở thích là chuyện khác. Nhưng trong nhiều môi trường làm việc, họ không được mặc loại trang phục có cùng độ dễ chịu, thoải mái vận động như nam giới.
Nhìn chung, trong khi trang phục dành cho nam giới thường được chú trọng về sự thoải mái, tối ưu hóa chức năng trong vận động và công việc, thì trang phục cho nữ giới lại bị cho là phải mang một yếu tố “nữ tính” nhất định nào đó.
Điều đáng nói, định nghĩa về sự “nữ tính” này lại thường là áp đặt, chẳng hạn như quần áo phải làm rõ phần ngực, eo, mông; còn giày dép phải có gót cao để làm phần dáng người trên “cong” hơn.
Năm 2021, mỗi vận động viên trong đội tuyển bóng chuyền nữ Na Uy bị phạt 150 Euros (ước tính khoảng hơn 4 triệu đồng) do họ mặc quần short thay vì mặc bikini để thi đấu.
Đội tuyển này đã nhiều lần kiến nghị rằng việc mặc quần bikini khiến họ không thoải mái, giảm tự tin trong thi đấu, nhưng các kiến nghị này đều bị phớt lờ. [5]
Mặc dù bị phạt tiền về “lỗi trang phục”, hành động của đội tuyển Na Uy đã gửi một thông điệp rõ ràng và thêm sức cho các phong trào chống “tình dục hóa” (sexualization) nữ giới trong thi đấu thể thao.
Trong các ngành nghề khác, nữ giới cũng thường bị áp đặt trang phục hơn nam giới. Sự áp đặt này thường gây khó khăn hơn cho công việc, gò bó cơ thể, thậm chí gây hại cho sức khỏe.
Một quan niệm hằn sâu vào xã hội là nữ giới phải chọn trang phục theo một dạng nhất định mới được cho là đẹp, ví dụ như phải chọn giày cao gót.
Năm 2015, giám đốc của Liên hoan phim Cannes đã phải lên tiếng xin lỗi về việc một phụ nữ bị từ chối bước vào thảm đỏ vì cô này không đi giày cao gót.
Để thể hiện thái độ phản đối những quan điểm kỳ thị mang nặng tính gia trưởng nói trên, diễn viên gạo cội Julia Roberts đã đi chân trần lên thảm đỏ Cannes vào năm sau đó. [6]
Ở Nhật Bản, ở nhiều công ty còn bắt buộc nhân viên phải đi giày cao gót. Phong trào #Kutoo do nhà văn Yumi Ishikawa khởi xướng đã thu hút đến 19 ngàn chữ ký ủng hộ. Họ đã nộp lên một kiến nghị nhà nước phải ra quy định cấm các công sở bắt nữ giới đi giày cao gót. Kiến nghị này ví việc bắt buộc đi giày cao gót như một hủ tục bó chân ở Trung Quốc thời hiện đại. [7]
Đã có một số công ty trên thế giới dám mạnh mẽ hơn trong việc khẳng định thay đổi quan điểm về vẻ đẹp nữ tính và đối xử nam nữ bình đẳng trong vấn đề này.
Tháng 8/2021, hãng hàng không Ukraina SkyUp tự hào ủng hộ trào lưu cho phép các nữ tiếp viên đi giày thể thao, một biểu hiện chuộng “hình ảnh hiện đại và thoải mái” hơn là “bảo thủ, cổ điển”. [8]
Trước đó, một vài hãng bay nhỏ như Fly Play của Iceland, Zipair Tokyo của Nhật Bản cũng cho phép tiếp viên mang giày thể thao màu trắng. [9]
Các quan niệm là do con người đặt ra, con người cũng có thể thay đổi nó. Chẳng hạn, trước kia nữ giới phương Tây thường phải mặc áo ngực siết chặt đến nỗi khó thở, phụ nữ Trung Quốc từng chịu nhiều đau đớn vì tục lệ bó chân.
Nay, những quan điểm đó đã bị thay thế hoàn toàn.
Các ý kiến về việc nữ giới phải ăn mặc đồ ngắn hơn, bó sát hơn, cao gót hơn, chất liệu trang phục ít thun giãn hơn nam giới... đang bộc lộ ra nhiều sai lầm và cần được điều chỉnh.
Không nên ép buộc ai phải mặc quần áo và đi giày dép theo một tiêu chuẩn áp đặt. Ai cũng có quyền sử dụng trang phục thuận tiện cho công việc và có lợi cho sức khỏe của mình.
______
Chú thích:
[1], [2]: Gordon, A. (2024, April 17). Nike’s Olympic Track Uniform Criticized as “Patriarchal”, TIME.
[3] Hannah Waddingham sharply rebukes photographer at Olivier Awards. (2024, April 16). The Independent.
[4] Why Does Women’s Clothing Have to Be So Uncomfortable? (2021). Psychology Today.
[5] Pruitt-Young, S. (2021, July 23). The Sexualization Of Women In Sports Extends Even To What They Wear, NPR.
[6] Lauren Le Vine. (2016, May 12). Julia Roberts Went Barefoot on the Cannes Red Carpet. Vanity Fair.
[7] Wakatsuki, Y., & Westcott, B. (2019, June 6). Japanese minister: High heels for women at work are “occupationally necessary and appropriate”, CNN.
[8] Mateusz Maszczynski. (2021, August 3). Flight Attendants At This Surprising Airline Will Swap Skirts for Pant Suits and High-Heels for Sneakers. PYOK.
[9] Mateusz Maszczynski. (2019, April 11). This New Asymmetrical Cabin Crew Uniform is So On Trend (And Sneakers Are Making a Return). PYOK.
Lê Vạn Hoa
Nguồn: Luật Khoa tạp chí, 22.05.2024
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/vanhoa/dinhkiengioitrongtrangphuc.html