Trần Văn Tích


Dâu tiên

.

Bonn có hai cửa hàng bán thực phẩm Á đông do người Việt nam làm chủ, hoạt động từ cả chục năm đến mấy chục năm nay. Cách đây dăm ba năm, Bonn có thêm hai cửa hàng bán thực phẩm Á đông do người Tàu quản lý, có vẻ là Tàu lục địa chứ không phải Tàu Đài loan. Cả hai tiệm Tàu đều ra công phát triển, cạnh tranh ráo riết, càng ngày càng có thêm nhiều món hàng, đặc biệt là có thêm những món hàng mới. So với hai tiệm Việt nam, hai tiệm Tàu có một số mặt hàng mà người Việt không bày bán. Tuần lễ vừa qua, tôi thấy tiệm Tàu ở trung tâm Bonn bày bán một thứ trái cây tươi mới lạ, tên chữ Hán in cỡ chữ khối vuông lớn theo lối giản thể là “Tiên Dương Mai”. Tiên là tươi ngọt, dương mai là mơ tây. Tên khoa học được ghi trên hộp trái cây là Myrica rubra, tên tiếng Anh là Red bayberry. Giá bán khá đắt, mỗi hộp 500 g để giá 16,99€.

Red bayberry cũng có ở Việt nam. Dân chúng ở quê tôi (Quảng Trị, Vĩnh Linh) gọi loại trái đó là dâu tiên; cho nên tôi dùng tên này để đặt đầu đề cho bài viết. Một tên khác được đồng hương sử dụng là dâu rượu. Tại một số tỉnh Miền Bắc như Quảng Ninh, Lào Cai, trái còn mang tên dâu rừng. Bên Tàu, dâu tiên có tên chữ Hán là giang mai, thanh mai, dương mai. Tên khoa học chính xác là Myrica rubra Sieb. et Zucc., thuộc họ Myricaceae.

Theo thư tịch học thực vật học và dược liệu học thì cây dâu tiên cao từ nửa mét đến một mét, mọc hoang trên các đồi núi như các cây sim tím, cây khuynh diệp. Quả có đường kính từ 5mm đến 1cm; khi xanh có màu xanh, khi chín màu đỏ tím, đỏ sậm, bề mặt quả tròn, căng mọng, trên mặt quả có rất nhiều gợn; thoạt trông giống như quả kép của quả dâu tằm, có lẽ do thế nên dân chúng mới gọi là quả dâu. Quả dâu tiên ăn tươi có mùi thơm, vị thanh ngọt, phảng phất vị chua chát rất nhẹ. Hạch dày và cứng. Người dân Vĩnh Linh thu hái dâu tiên vào mùa quả chín từ tháng chạp đến tháng ba dương lịch. Dân quê đặt nón dưới gốc cây, tuốt quả cho rụng vào nón rồi mang về phơi khô, sau đó đem đồ cho chín rồi phơi khô lại lần nữa; chế biến như vậy quả để lâu sẽ không bị mọt. Dâu rừng cũng được bà con ăn ngay (ăn tươi) hay ngâm với đường, với mật để làm thức uống giải nhiệt mùa hè. Trên thị trường quốc nội, dâu tiên bán với giá khá cao, khoảng từ 90.000 đồng đến 120.000 đồng một kilô. Nếu thử tính toán theo hối xuất hiện thời, một Âu kim đổi được trên dưới 25.000 đồng, thì giá bán 16,99€ mỗi hộp 500 gr ở chợ Tàu Bonn là giá bán cắt cổ.

Quả thanh mai có cân bằng axit-đường tốt và là nguồn cung cấp thiamin, riboflavin, carotene, khoáng chất, chất xơ; quả cũng có hàm lượng vitamin rất cao. Đó cũng là một nguồn cung cấp chất chống oxy hóa tương tự như màu đỏ của rượu vang. Ngoài anthocyanin, bayberry còn chứa flavonol, ellagitannin và các hợp chất phenolic như axit gallic, quercetin hexoside v.v.. Các monosacarit như rhamnose, arabinose, mannose, glucose và galactose được tìm thấy trong loại quả mọng này cũng như các khoáng chất như canxi (Ca), magiê (Mg), kali (K), sắt (Fe) và đồng (Cu). Thảo dược cổ đại Trung Hoacho rằng dâu tiên có vị chua và ngọt, tính bình, có công năng thanh nhiệt bổ phế. Vỏ thân cây được sử dụng như một chất làm se để điều trị ngộ độc thạch tín, bệnh ngoài da, vết thương và loét. Hạt được dùng để điều trị mồ hôi chân ra nhiều và trái cây được sử dụng để điều trị chứng ho, bệnh tim và các bệnh về dạ dày như loét.

Tuần lễ vừa qua, bên cạnh quả dâu tiên được đóng gói bày bán, tôi còn thấy xuất hiện trên kệ hoa quả ở tiệm Tàu loại mít đỏ. Trên internet, mít đỏ đang được quảng bá mạnh mẽ ở trong nước và được xem là có mùi vị ngon ngọt hơn mít thường. Mít đỏ Red Jack Fruit Product of Vietnam đóng gói 200g bán với giá 6,99€ bên cạnh mít thường của Thái Lan mỗi hộp 500g giá 11,99€. Trái lê Đại Hàn Korea Singo Birnen SüdKorea mỗi kilô giá 4,99€, trái lớn cỡ 7, 8cm đường kính, màu vàng trông như trài xoài. Hoa quả mà tôi hay mua là bí đao, gọi là Ton Kua (Đông Qua), bán từng lát lớn đường kính 12, 13cm, bề dày 2, 3cm, mỗi kilô giá 3,99€. Thực phẩm khô sản xuất ở Việt Nam có nhiều thứ bánh tráng, mang rất nhiều tên nhãn hiệu khác nhau, có thứ tròn, có thứ vuông. Có cả bánh hỏi mà tên tiếng Pháp là Vermicelles de Riz. Kẹo mè xửng Huế cũng có mặt. Không thấy có gạo Việt Nam, chỉ có gạo Thái Lan, hiệu Jasminreis Longkorn Royal Thai, gạo hạt dài hương hoa nhài, bao 18 kg, giá bán 27,99€. Chao bán ở tiệm thực phẩm do người Việt làm chủ sản xuất ở Việt Nam hoặc ở Đài Loan hay Hoa Lục. Tiệm Tàu có nhiều loại chao hơn. Có thứ chao đỏ, Red Beancurd, Tofu Rouge; có thứ Preserved Beancurd in Chilli Oil; loại này hợp khẩu vị mấy cha con tôi hơn. Đặc biệt chỉ có tiệm Tàu mới bán rượu nếp là thứ rượu làm bằng cơm nếp ủ với men, ăn cả cái lẫn nước mà thuở bé mẹ tôi vẫn làm và anh em chúng tôi rất thích. Rượu nếp sản xuất tại Đài Loan và Hoa Lục nhưng tôi thích loại của Đài Loan hơn. Một chai 500 g giá 6,99€. Rượu nếp có chai để tên chữ Hán là Mễ Phát Diếu (nếp lên men) có chai lại được gọi là Điềm Tửu Nhưỡng (Gây Rượu Ngọt). Nấm kim châm, Kim châm cô, Gold Needle Mushroom thoạt tiên chỉ thấy bày bán tại các kệ hàng chợ Tàu, dần dà chiếm lĩnh thị trường chợ thực phẩm Á đông và cả chợ thực phẩm Đức. Theo tài liệu thực vật học thì nấm kim châm là sản phẩm của Tàu, của Nhật và của Đại Hàn. Có thể xào nấm với bơ tỏi, xào nấm với trứng gà, xào nấm với thịt heo cùng với cà chua để thay đổi khẩu vị.

***

Sau 75 người Việt Nam bỗng dưng bị phân tán trên khắp địa cầu và một nhu cầu mới xuất hiện, nhu cầu trao đổi tiếp xúc với cái xa, cái lạ. Ngôn ngữ, công cụ giao tế của quần chúng, một sớm một chiều bỗng bị thách thức, thử nghiệm trong những môi trường mới. Nó tự dưng phải mang một nhiệm vụ tân thời vì cuộc sống nơi xứ người đòi hỏi những tín hiệu thông báo thích đáng nhằm làm cho lời nói ra, chữ ghi lại phát huy đến mức cao nhất khả năng trao đổi, giao thiệp, liên lạc, biên chép, thuyết minh, tồn trữ.

Hãy lấy một ví dụ cụ thể: phở. Thuở còn ở trong nước, không ai băn khoăn về nội hàm ý nghĩa của đơn vị ngôn ngữ này. Có chăng chỉ là sự phân biệt thể loại: phở tái, phở chín, phở tàu bay, phở gà, phở 79. Nhưng ở quận 13 Paris thì phở không còn thuộc đặc quyền thưởng thức của người Việt lưu vong; các sắc dân khác cũng tham gia ăn phở; trong khi công cụ trao đổi không còn là tiếng Việt mà là tiếng Pháp. Gì chứ để chỉ phở thì các ông tây bà đầm đã có tiếng gọi thích nghi từ lâu: soupe chinoise. Nhưng chính do đây mà thành chuyện. Soupe lả cháo, chinoise là tàu. Phở đâu phải cháo tàu. Tuy nhiên tiếng nói chữ viết vốn mang tính ước lệ nên quán lệ ngôn ngữ chấp nhận rằng phở là soupe chinoise, thành ra chúng ta đành bấm bụng chịu vậy. Thế nhưng đại gia đình phở còn có hủ tiếu, bún riêu, bún bò, bánh canh, miến. Phải động não tìm chữ, chẳng hạn để ghi tên các món ăn này trên thực đơn dành cho thực khách khác màu da, khác tiếng nói. Và thế là ngôn ngữ lưu vong trải qua một quá trình không ngừng giãn nỡ, đàn hồi để đáp ứng nhu cầu giao tế ngày càng to lớn của cộng đồng tỵ nạn. Quá trình đó chủ yếu sẽ hình thành và cố định hai thao tác cơ bản là thao tác lựa chọn và thao tác kết hợp. Thao tác lựa chọn dựa trên khả năng của ngôn ngữ qua đó các đơn vị ngôn ngữ có thể luân phiên cho nhau nhờ vào tính tương đồng giữa chúng. Thao tác kết hợp dựa trên khả năng khác của hoạt động ngôn ngữ khiến các yếu tố ngôn ngữ có thể đặt bên cạnh nhau nhờ vào mối quan hệ tương cận giữa chúng. (Tôi dùng chữ “thao tác” theo nghĩa của từ điển Hoàng Phê chứ không theo nghĩa của từ điển Lê Văn Đức-Lê Ngọc Trụ).

Chợ Bàu Sen bán nhiều thứ cá, chẳng hạn cá sòng, cá thu, cá ngừ. Mỗi thứ cá có tên gọi minh bạch, rõ ràng, được người bán và người mua đồng hương đồng lòng chấp thuận. Trong tiếng Pháp tiếng Anh, có những từ ngữ tương đồng có thể luân phiên thay thế: cá sòng là mackerel, maquereau; cá thu là tuna, thon. Nhưng đến cá ngừ thì đã gặp khó khăn lúng túng. Trong siêu thị Tang Frères ở quận 13, cá ngừ có khi mang tên maquereau, có khi lại được gọi là thon. Thon, do quán lệ ngôn ngữ, lẽ ra phải để dành cho cá thu, maquereau nếu do quan hệ ngôn ngữ tương cận mà dùng chỉ cá ngừ thì có khi cá sòng sẽ đâm đơn đi kiện. Đó là chưa kể tới các thứ cá mà địa bàn sinh trưởng quen thuộc là sông ngòi hay bờ biển Việt Nam: cá lóc (cá tràu, cá quả), cá thác lác, cá diếc, cá rô; nay vì nhu cầu ẩm thực cần được nhập cảng hay di thực qua xứ người thì đăng bộ với tên gì đây? Cửa hàng bán thực phẩm Á châu của người Việt ở Bonn nhập cảng chả cá thác lác từ Việt Nam qua ngả Hoà Lan. Tên gọi của hải sản này bằng tiếng Đức là Gummifisch, cá cao su! Con cá Hering mà người Đức rất ngưỡng mộ mang tên tiếng Anh là herring, tiếng Pháp là hareng. Từ điển Đào Duy Anh dịch là “một giống cá mòi”! Con hareng đóng hộp, con hareng vô chai, con hareng xông khói, con hareng đông lạnh, có giống cá mòi chút nào đâu! Từ điển Đức-Việt dịch Sardelle là cá đối; trật lất, nếu đối chiếu với thị trường cá mú bên ni. Mắm nêm tiếng Anh gọi là salted anchovies, tiếng Đức là gepökelter Anchovis. Pháp-Việt từ điển Thanh Nghị dịch anchois là cá đối, Đào Duy Anh dịch là cá chày, cá đối, Anh-Việt từ điển Nguyễn Văn Khôn cũng dịch anchovy là cá đối. Rõ ràng thực tế thị trường đã phủ nhận khoa từ điển học một cách phũ phàng vì chúng ta đều biết mắm nêm không phải làm bằng cá đối mà bằng cá duội, thứ cá nhỏ con, chỉ dài chừng 5-6cm trong khi cá đối nhiều vảy và lớn ít nhất cũng 15-20cm. Như vậy quần chúng vốn là chủ nhân của ngôn ngữ nói và viết đã dùng quyền phủ quyết để bác bỏ quyết nghị của giới biên soạn từ điển tự điển và đã dành cho cá duội tên gọi Anchovy, Anchois, Anchovis. Thực tiễn ngôn ngữ chợ búa đã thắng. Cũng theo chiều hướng đó, okra tiếng Anh là đậu bắp, tên gọi chắc chắn, dứt khoát; khác với Nguyễn Văn Khôn thích nghĩa trong Anh-Việt từ điển: “okra: cây bắp cày, một giống cây ngưu bàng”!

Có thể kể thêm rất nhiều ví dụ khác. Ở quốc ngoại và sau ngày 30 tháng tư đen tối và bần cùng, tiếng nước ta đã gặp gỡ một cơ duyên mới, đã sinh sống một môi trường mới, đã kinh qua một hoàn cảnh mới. Nó giàu hẳn lên khi chủ nhân của nó cũng giàu hẳn lên. Giàu hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

.

Trần Văn Tích
08.06.2023

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/vanhoa/dautien.html


Cái Đình - 2023