Trần Ngọc


Dân làm việc tại Hòa Lan đã thu xếp mọi chuyện (hơi quá) hoàn hảo

.

Là một người Mỹ chăm chỉ, James Kennedy đã phải làm quen
với phong cách thoải mái hơn khi làm việc ở Hòa Lan.
Bây giờ thì ông lại nhìn ra những lợi ích của việc này.
Cho dù ẩn tàng trong đó cũng có chút it tự mãn trong nền đạo đức về lao động
của người Hòa Lan khi so với những người không theo kịp họ.

***

‘Ông bạn phải đi nghỉ hè năm nay, nói thực đấy.’ Đó là lời khuyên đầu tiên tôi nhận được tại nơi làm việc sau khi chuyển đến Hòa Lan. Lúc đó là tháng 6 năm 2003 và tôi mới bắt đầu tại Amsterdam với tư cách là giáo sư của Đại học Tự do. Tôi đã chuẩn bị để sẵn sàng làm việc suốt mùa hè. Tại sao lại nghỉ hè? Tôi vừa mới đáp xuống đây mà, sao lại vậy? Nhưng một đồng nghiệp lại cho rằng đó không là ý ​​hay và thực tâm lo ngại rằng tôi sẽ kiệt sức ngay lập tức. Bỏ qua một kỳ nghỉ là không tốt cho sức khỏe và đó không phải là điều nên làm ở Hòa Lan.

Vốn là một người Mỹ làm việc chăm chỉ, tôi đã rơi vào một đất nước có số ngày nghỉ phép tối thiểu theo luật định, luật pháp ấn định phải có phần phụ trội cho kỳ nghỉ được tính thêm vào trong tiền lương của bạn và những kỳ nghỉ yên tĩnh khi dường như không có công việc gì phải làm cả. Những ngày lễ vô ích có từ thời trung cổ như Lễ Thăng Thiên (ngày Chúa lên trời – thư viện có thực sự phải đóng cửa vì điều đó không?) đã chi phối chương trình làm việc của tôi. Tôi đã phải học cách làm việc với những người không làm việc toàn thời gian, mà chỉ làm một số buổi nhất định trong tuần – thường là do bản thân họ thích như vậy. Bạn cũng thường không thể liên lạc với họ sau 5 giờ chiều hoặc vào cuối tuần. Và họ ghi nhớ chính xác về lịch của các kỳ nghỉ và ngày nghỉ phép của họ. Thế rồi tôi hiểu vì sao người Hòa Lan làm việc ít giờ nhất so với tất cả người châu Âu.

Cho tới nay, sau mười tám năm ở Hòa Lan, tôi đã nhiều phần trở thành người Hòa Lan. Tôi thực sự yêu thích những kỳ nghỉ. Và tôi cũng nhận ra rằng có những mặt tệ trong vấn đề đạo đức lao động nơi người Mỹ. Điều khiến tôi kinh tởm là Bill Gates nhớ biển số xe của các nhân viên của mình để dò biết xem ai đã làm việc buổi tối và cuối tuần, còn Elon Musk ủng hộ một tuần làm việc từ 80 đến 100 giờ để có thể thay đổi thế giới. Theo viện thống kê Gallup, trong năm 2014 người Mỹ làm việc trung bình 47 giờ một tuần.

Người Mỹ làm việc gần 1800 giờ một năm, người Hòa Lan chỉ hơn 1400 giờ

Tại Hòa Lan, thời khóa biểu làm việc trung bình trong năm 2019 là 31 giờ mỗi tuần. Điều này chủ yếu là do rất nhiều phụ nữ Hòa Lan làm việc bán thời gian. Rất ít người Hòa Lan – nam hay nữ – làm việc hơn 41 giờ một tuần. Các con số đôi khi khó so sánh, nhưng một nghiên cứu của Văn phòng Thống kê Trung ương (CBS) cho thấy người Mỹ làm việc gần 1800 giờ một năm và người Hòa Lan chỉ hơn 1400 giờ một năm. Tính theo giờ, điều này giúp tiết kiệm trọn một ngày làm việc mỗi tuần.

Mặt khác, chúng ta cũng không nên cường độ hóa sự khác biệt giữa Hòa Lan và Mỹ. Hoa Kỳ và Tây Âu đã kinh qua những quá trình tương tự, trong đó sự gia tăng đáng kể về năng suất và sự thịnh vượng đã không thực sự dẫn đến sự tăng gia công việc một cách tương đối mà nhiều người đã mong chờ cũng như hy vọng. Mặc dù ý nghĩa của việc làm ăn lương ở Hòa Lan đã giảm đi trong những thập kỷ gần đây, nhưng công việc vẫn là một phần xác định bản sắc trong nhân cách của bạn và những người không có được cơ hội này thường thèm khát.

Kể từ năm 1960, đã có những nẻo đường cách ngăn người Tây Âu với người Mỹ. Người Tây Âu dùng năng suất tăng vọt của họ để cho họ có được nhiều ngày nghỉ hơn, còn người Mỹ muốn chuyển đổi năng suất đã gia tăng của họ thành số thu nhập nhiều hơn. Điều này trên thực tế đã cho thấy rõ ràng là người Mỹ sau những năm 1970 đã trở thành những người tham việc. Sự phân chia này là một trong những lý do tại sao tôi, với tư cách là một người Mỹ, có cảm giác giống như là tôi đã hạ cánh trên một hành tinh khác sau khi đến Hòa Lan.

Quan tâm nhiều hơn đến hạnh phúc

Trong những năm ‘70 có xu hướng cho rằng công việc được trả lương không còn là trọng tâm nữa và phúc lợi đáng được quan tâm hơn. Các nhà phê bình văn hóa cho rằng sự khác biệt lâu đời giữa lao động được trả lương và lao động không được trả công, cũng như giữa người có việc làm và người thất nghiệp, không còn có thể bảo vệ được về mặt đạo đức. Theo J.P. Kuiper, giáo sư của Đại học Tự do, người đầu tiên ở Hòa Lan đã đưa ra đề xuất về thu nhập cơ bản vào năm 1975, đã cho rằng nếu chỉ nhắm vào việc làm ăn lương mà thôi, là ta đã đi ra ngoài bản chất của con người. Ta phải thấy đó là chuyện làm sao để có một ‘cuộc đời đích thực của riêng bạn’ và một sự ‘hiện thân của cá nhân của bạn’. Miễn là khi bạn đã theo đuổi quan điểm này, thì việc bạn dành thời gian để ‘ngủ, đi du lịch, ăn uống, giao dịch ngân hàng, dệt vải, làm tình hay mua sắm’ không thành vấn đề.

Nghe có vẻ lý tưởng, nhưng những người ủng hộ một quan điểm khác về việc làm ăn lương muốn trước nhất là phải có cái gì hiện thực đã. Sự chỉ trích nhắm vào đạo đức truyền thống trong lao động – tức là chĩa mũi dùi vào việc làm được trả lương, đã không thực sự bùng nổ cho đến giữa thập kỷ ‘70, trong bối cảnh lo ngại rằng việc làm đầy đủ sẽ không bao giờ quay trở lại. Do đó, người Hòa Lan bắt đầu phải có suy nghĩ khác về công việc, vì hàng trăm ngàn người Hòa Lan, theo kỳ vọng, sẽ không bao giờ được tuyển dụng nữa. Ý tưởng về thu nhập cơ bản sẽ không bao giờ hoàn toàn biến mất và nó sẽ quay trở lại, một phần là do cuốn sách Tiền Biếu Không Cho Mọi Người (Gratis Geld voor Iedereen) của Rutger Bregman's (2014).

Ham làm, nhưng có chừng mực. Một sự cân bằng tốt giữa công việc và đời tư. Ý thức trách nhiệm và niềm đam mê cho cuộc sống.

Có lẽ từ thập kỷ ‘90 trở đi, người Hòa Lan đã thực sự thành công trong việc kết hợp đạo đức lao động của những năm ‘50 với sự chú trọng vào con người từ những năm ‘70. Bằng cách này, họ đã trở thành một trong những giống dân hạnh phúc nhất thế giới và họ ít bị căng thẳng về công việc hơn những dân châu Âu khác.

Tuy nhiên, điều tôi thấy nổi bật nhất về đạo đức lao động của Hòa Lan kể từ năm 1945 là cách hành xử cơ bản không thay đổi. Bất chấp sự trỗi dậy của thịnh vượng, của nhà nước phúc lợi, của quan điểm coi trọng văn hóa trong công việc và giảm giờ làm việc, hệ thống giá trị của Hòa Lan về công việc vẫn còn nguyên vẹn: nó như cái nguồn của sự thịnh vượng, như một bằng chứng về trách nhiệm xã hội, như một biểu hiện bản sắc độc đáo của riêng họ.

Dân Hòa Lan không ngại làm việc

Quan điểm của tôi về đạo đức lao động của Hòa Lan đã thay đổi ít nhiều kể từ khi tôi đến Hòa Lan. Người Hòa Lan không ngại ngùng trong công việc, mà là những người vui vẻ và thích làm công việc của họ. Họ muốn tăng thêm giá trị và đóng góp cho xã hội. Họ cũng giữ lời hứa của mình. Họ ít hứa hẹn hơn người Mỹ, nhưng cung cấp những gì họ đã thỏa thuận và đôi khi còn nhiều hơn thế nữa. Họ chú tâm vào công việc trong những giờ làm việc đã định trước, không có nhiều căng thẳng, trừ khi sắp đến thời hạn phải xong việc được giao.

Ngoài ra họ cũng thích một bầu không khí làm việc vui vẻ, thỉnh thoảng được trò chuyện và trân quý những phút giải lao bên chiếc máy pha cà phê. Hơn những người châu Âu khác, người Hòa Lan coi trọng khía cạnh xã hội của công việc; hầu như tất cả người dân Hòa Lan coi ‘những người dễ chịu khi cùng nhau làm việc’ là một yếu tố quan trọng của công việc. Tốt nhất là đừng có quá nhiều phân chia thứ bậc cao thấp – tuy nó có thể dẫn đến các thỏa thuận không rõ ràng trong công việc – nhưng cho bạn cảm giác rằng bạn phải cùng nhau hoàn thành công việc.

Cuối cùng, tôi đi đến kết luận rằng người Hòa Lan có đạo đức lao động tốt hơn người Mỹ bởi vì nó giữ được cân bằng. Họ hạnh phúc hơn, có năng suất cao hơn và đạt được sự cân bằng hơn. Tất nhiên, với tư cách là một người tiêu dùng, tôi vẫn mong mỏi nhịp độ, sự nhiệt tình và tinh thần kinh doanh của người Mỹ. Đôi khi phải mất một thời gian dài trước khi đến lượt tôi với tư cách là khách hàng; còn các công ty nhỏ rao bán sản phẩm của họ một cách nhiệt tình và chịu đi tới từng người để chào hàng thì rất hiếm thấy ở đây. Tôi cũng mong muốn người Hòa Lan nỗ lực hơn nữa để thực hiện các thỏa thuận, ngay cả khi điều đó gây bất tiện cho họ. Nhưng không phải lúc nào tôi cũng phải mất kiên nhẫn; và rồi tôi cũng tìm được cách của mình.

Tinh thần làm việc có thể tốt hơn, nhưng cơ hội để bạn có thể vui vẻ ca hát khi đi làm ở Hòa Lan không được phân bổ đồng đều. Ở Hòa Lan vẫn còn nhiều người sống bên lề. Việc làm cho người khuyết tật hầu như không tăng và tôi có ấn tượng rằng người Hòa Lan không thực sự bận tâm về điều đó. Tôi cũng biết, qua những cuộc tiếp xúc cá nhân, người ta đã gặp khó khăn ra sao để tìm việc làm với tư cách là một người đã có địa vị cao trong xã hội, thấy những rào cản mà họ gặp là rất sốc: đó là thị trường lao động yêu cầu phải có bằng cấp nào đó mà những người có địa vị không có hoặc không thể có được, các thị xã không cho phép họ theo các khóa học mà vẫn được giữ trợ cấp đang lãnh, những yêu cầu về ngôn ngữ để có thể tiếp cận với công việc hoặc với các khóa đào tạo thì cao, việc thành lập doanh nghiệp của riêng bạn phải tuân theo nhiều luật lệ. Hơn nữa, họ hầu như không được thêm gì về mặt tài chính nếu họ thôi trợ cấp xã hội và nhận một công việc được trả lương thấp. Tại Hoa Kỳ, các công ty khởi nghiệp của di dân thường là đầu tàu của nền kinh tế địa phương; nhưng ở Hòa Lan, họ phụ thuộc trong một thời gian dài vào việc tiếp máu từ trợ cấp khó khăn và các dịch vụ xã hội. Khả năng trở thành một ‘người Hòa Lan chăm chỉ’ đôi khi dường như là một lý tưởng không thể đạt được.

Bất bình đẳng đã thực sự gia tăng giữa những người có và không có việc làm

Mặc dù ‘tham gia vào đời sống chung’ nhấn mạnh vào ‘làm, làm và làm thêm nữa’, nhưng các quy luật và sự chu cấp từ xã hội cũng đã làm cho một số các nhóm người Hòa Lan đã bị tụt lại phía sau và dường như không còn là một phần của xã hội nữa. Mặc dù không ai ở Hòa Lan chết đói, nhưng cũng không có tình đoàn kết thực sự với những người bị thiệt thòi và bị gạt ra ngoài lề xã hội. Bất bình đẳng đã thực sự gia tăng giữa những người có và không có việc làm.

Nhìn theo cách này, đạo đức lao động một cách có trật tự của hầu hết người Hòa Lan có sự tự mãn nào đó, khiến họ cảm thấy tự tôn và không còn có thể nhìn thấy thế giới công việc của những người phải sống nhờ hoặc những người thất nghiệp. Theo quan điểm của tôi, sự tự thỏa mãn theo cái kiểu ‘ồ-cái-gì-chúng-ta-cũng-đã-sắp-xếp-được-cả-rồi’ là một trong những tệ nạn lớn nhất của người Hòa Lan và có thể dẫn đến thái độ tự phụ đối với những kẻ lười biếng không biết tìm cách đạt được như họ.

Câu hỏi được đặt ra là liệu đạo đức lao động của Hòa Lan có đang thay đổi vì bản chất công việc đang thay đổi hay không. Cuộc khủng hoảng do virus corona có thể đã thúc đẩy sự phát triển trên thị trường lao động đang được diễn ra. Nó đã mang lại cho nhân viên nhiều cơ hội hơn để lựa chọn công việc phù hợp với họ thông qua việc tản quyền nơi làm việc, làm việc trực tuyến, theo ngành học mới hoặc bắt đầu với một công việc khác. Ở xứ sở của tôi, sự bùng phát của virus corona và sự chuyển dịch bên trong thị trường lao động đang thúc đẩy cuộc tranh luận về ước muốn làm việc ít giờ hơn. Đồng thời, virus đã thực sự củng cố xu hướng tăng cường trong công việc: người ta mong đợi là nhân viên phải biết được là họ giỏi ở những mặt nào, và phải linh hoạt, phải tiếp tục phát triển khả năng của mình, tháo vát khi làm trực tuyến, và có thể đối phó với sự phức tạp khi làm chung trong toán: người ta đòi hỏi rất nhiều từ mọi cá nhân và điều này cũng có thể đưa đến nhiều thất bại hơn. Nền kinh tế cũ sẽ không quay trở lại đâu, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu nền kinh tế mới có dẫn đến đoàn kết hơn không và liệu ý thức làm việc của người Hòa Lan có thay đổi từ chuyện này hay không.

.

Nguyên tác: De werkende Hollander heeft het (iets te) goed voor elkaar. James Kennedy. Trouw, 03/10/2021
Người dịch: Trần Ngọc

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/vanhoa/danlamviectaihoalan.htm


Cái Đình - 2021