Phạm Đình Lân
Chuyện trong làng
.
Người Tây Phương nhận xét: hễ có hai người Do Thái thì có một cuộc tranh luận. Tranh luận trở thành môn thể thao đối với họ. Tôi không dám khẳng định nhận xét này đúng hay sai vì chưa học bài dân tộc học nào trong đời. Đôi khi tôi trộm nghĩ người ta có ác cảm với người Do Thái nên nói như vậy chớ dân tộc nào không hay tranh luận. Trong xã hội loài người có hai người là đã có cãi vã nhau. Đó là sự cãi vã của vợ chồng. Khi quyền lợi va chạm thì có tranh chấp, cãi vã, chửi bới và thưa kiện. Người Việt Nam há không hay thưa kiện? Những chữ thầy kiện, thầy cãi dành cho luật sư hay những câu:
Nhất hộ hôn
Nhì điền thổ.
cho thấy hai chủ đề thường xuyên của những vụ kiện trong xã hội là hộ hôn và điền thổ. Nhưng người ta có khuynh hướng gán mọi cái xấu cho người Do Thái. Nào là người Do Thái giết Chúa. Nào là người Do Thái quá nặng về tiền bạc, lợi lộc. Nào là người Do Thái sống biệt lập và tự hào với dòng giống, ngôn ngữ và tôn giáo của mình đến nỗi có giáo đường Do Thái Giáo riêng và có nghĩa địa riêng để chôn người Do Thái khi chết v.v.. Khắp Âu Châu đâu đâu cũng có phong trào bài Do Thái từ thời Trung Cổ đến thế kỷ XX. Những nhận xét không mấy tốt đẹp về người Do Thái làm cho người ta có cảm tưởng nhân loại không tham tiền, không bất công và không kỳ thị giai cấp, chủng tộc v.v.. Nhân loại sống theo tinh thần ‘tứ hải giai huynh đệ’(?).
Tôi chưa có cái nhin rộng lớn như thế mà chỉ thấy vài chuyện trong làng mạc trước và trong thời kỳ chiến tranh. Cãi lộn và chửi lộn là chuyện xảy ra thường nhật ở các nơi đông người ở nước ta như chợ búa, bến xe, rạp hát, sân banh, lễ hội, đám cúng đình, đám giỗ trong gia tộc, đám tang, đám cưới v.v.. Cho đến buổi hoàng hôn của cuộc đời tôi vẫn chưa hiểu tại sao người ta nói đánh lộn, cãi lộn và chửi lộn. Rõ ràng hai người bực tức nhau và giải quyết nhau bằng khẩu chiến hay bằng ‘thượng cẳng tay hạ cẳng chân’. Vậy tại sao nói là lộn? Người cãi và người chửi nhau đều hữu hình tại sao nói là cãi lộn? chửi lộn? Hay là cãi nhau mãi đến lộn đề và lộn người thay vì cãi chuyện A lại nói sang chuyện B và thay vì chửi người trước mặt lại chửi đến cha ông và tổ tiên của anh ta? Có lẽ lộn là như vậy chăng? Chuyện này phải nhờ các nhà ngôn ngữ học giải thích giùm mới được sáng tỏ.
Đề tài để cãi nhau và chửi nhau rất đa dạng. Sáng sớm ra chợ mua mở hàng mà trả giá cũng bị chửi; hỏi mà không mua cũng bị chửi. Mua hàng hư thối mà đem trả cũng bị chửi. Trận giặc miệng bắt đầu. Ngày lễ cúng đình mà chia thịt không đều cũng bị trách móc chửi bới vì:
Một miếng thịt làng bằng một sàng thịt chợ.
Nói truyện Tàu không đúng tên nhân vật và sự kiện là đề tài tranh cãi đầy tính bác học của dân trong làng. Tên Triệu Khuông Dẫn, Tiết Nhơn Quí, Võ Văn Thành Đô không phát âm ngắn gọn là Triệu Dẫn, Tiết Quí, Võ Đô mà cũng không phát rõ ràng là Triệu Khuông Dẫn, Tiết Nhơn Quí hay Võ Văn Thành Đô mà là Triệu...uông Dẫn, Tiết ...Ơn Quí, Võ Văn...ành Đô! Hèn gì ngày xưa nước ta có câu:
Phép vua thua lệ làng.
Đã có lệ phát âm là như trên rồi thì các cách phát âm còn lại đều sai hết cho dù các nhà ngữ học nói thế nào cũng mặc!
Dân nông thôn thời tiền chiến rất sáng tạo và có tinh thần bảo tồn cổ tục quê hương và lời giáo huấn của Khổng-Mạnh chặt chẽ. Thấy chiếc xe không có ngựa hay trâu bò kéo mà chạy rất nhanh, lâu lâu phải ngừng để đổ nước, khói bốc lên nghi ngút nên gọi là xe hơi vì cho rằng nó chạy bằng hơi(?). Sau nghe người Pháp gọi là automobile nên gọi là xe ô-tô. Chiếc xe Motobécane có hai bánh và chạy bằng máy không biết gọi là gì nên đặt tên nó là xe ‘bình bịch’ dựa theo tiếng nổ ‘bình bịch’ của nó. Sau lấy hai âm đầu của hiệu Motobécane để đặt tên nó là xe mô-tô. Gọi là xe hủ lô vì phỏng theo cách gọi Rouleau của Pháp. Trước khi gọi là xe hủ lô, người ta gọi nó theo công dụng cán dầu hắc ngoài đường tức là xe ống cán.
Dân trong làng nghiêm khắc với những phụ nữ có chồng ngoại quốc nhất là có chồng Tây (Pháp). Phụ nữ uốn tóc quăn bị xem là người lẳng lơ mất nết. Phụ nữ mặc áo tay phùng bị xem là thiếu nết na của người phụ nữ Đông Phương. Nữ phái đi học không được khuyến khích vì sợ biết chữ họ đọc tiểu thuyết lãng mạn, trữ tình và viết thơ cho tình nhân!!
Tuy đề cao lòng yêu nước nhiều người dân làng có học văn hóa Pháp tự ‘Pháp hóa’ mình qua cách ăn mặc, hớt tóc ngắn, ca nhạc Tây như La Marseillaise, với điệp khúc:
Aux armes, citoyens
Formez vos bataillons!
Marchons, marchons!
Qu’un sang impur
Abreuve nos sillons
hay Joli Tambour với:
Trois jeunes tambours s’en revenaient de guerre
Trois jeunes tambours s’en revenaient de guerre
Et ri et ran rapataplàn
S’en revenaient de guerre
Joli tambour donne-moi donc ta rose
Fille du roi, donnez-moi votre coeur.
Joli tambour, demand’-le a mon pere
Sire le roi, donnez-moi votre fille.
hay J’ai deux Amours với:
J’ai deux amours
Mon pays et Paris
Par eux toujours
Mon coeur est ravi
Những tên Minh, Ve, Lít, Dét, Xăng, Răng, Rắc, Ri, Be, Bánh Tí, Nết, Na... thoạt mới nghe tưởng là tên Việt có ngờ đâu do là tên Tây (Pháp) viết hoa từ Émile, Pierre, Alice, Juliette, Vincent, Jean, Jacques, Henri, Robert, Petit, Ernest, Bernard v.v.
Quê ngoại tôi là bức tường thành bằng thép ngăn chặn sự thâm nhập của chữ quốc ngữ lẫn tiếng Pháp. Đa số dân làng đều không biết chữ kể cả chữ Nho. Từ ngữ dân làng dùng rất nghèo. Trụ sở hành chánh xã xây bằng gạch và có hình vuông nên gọi là nhà vuông. Thỉnh thoảng dân làng đến hội họp nên gọi là nhà hội. Trường học chỉ có hai lớp nhưng không đủ học trò phải đóng cửa vì trẻ em phải ở nhà để phụ cha mẹ trong việc đồng áng. Đứa thì giữ em. Đứa thì chăn trâu hay bò. Đứa phải cắt cỏ cho bò hay trâu ăn. Đứa lớn có sức khỏe phụ cha mẹ trong việc trồng tỉa và cày bừa. 100% trẻ nít trong làng vào thập niên 1940 không có khai sinh. Khái niệm về hôn thú và khai sinh vẫn còn xa lạ đối với dân trong làng. Nhưng không vì thế mà dân trong làng không bàn chuyện quốc sự. Dân làng cập nhật tin tức chiến sự trong và ngoài nước. Nào là một chiếc máy bay hai mình của Hoa Kỳ bị Nhật bắn rớt. Phi công nhảy dù xuống một đám mía trong xã Thanh Lộc, Gia Định. Nào là Sài Gòn bị ném bom. Nào là viên ‘thống soái’ (ý muốn nói toàn quyền Decoux) Pháp bị Nhật bắt quản thúc ở Lộc Ninh. Khi Hoa Kỳ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki thì các vị cao niên trong làng ngồi trên bàn nhậu nói về bom ‘liên tử’. Các cụ không biết chữ, không hề đọc báo lần nào nhưng vẫn biết bom ‘liên tử’ độc hại vô cùng. Bom nổ làm cho người Nhật chết vô số. Bom ‘liên tử’ trở thành đề tài nóng bỏng của các vị cao niên ở quê ngoại tôi. Người ta đi từ sự giải thích sự độc hại của bom ‘liên tử’ đến cãi nhau lớn tiếng về sự hiểu biết của mình về loại võ khí ghê gớm này với sức công phá khủng khiếp hơn cái lẫy nỏ mà Thần Kim Qui cho vua An Dương Vương để vệ quốc trước âm mưu thôn tính xứ Âu Lạc của Chao To (Triệu Đà). Người thì cho rằng bom ‘liên tử’ giết chết người hàng loạt vì mùi thối của nó. Người thì cho rằng sự độc hại của bom ‘liên tử’ do sức nóng của nó mà ra. Cuộc bàn cãi trở nên sôi nổi vì không ai chịu thua ai. Những người không có ý kiến chia ra làm bốn thành phần:
Xem như thế dân ta cũng thích tranh cãi có thua kém dân tộc nào trên thế giới đâu.
Tôi không biết số thống kê thất nghiệp của nông dân như thế nào, chỉ biết rằng nông dân ở quê ngoại tôi sống nhàn nhã lắm. Suốt đệ nhị thế chiến không một người dân ở quê ngoại và quê nội tôi chết vì chiến tranh. Ở quê ngoại và quê nội có vài người bị bịnh thủng, tay chân, mặt sưng phù, da vàng-xanh mét nhưng không chết. Lương thực và thuốc men rất thiếu thốn nhưng thức ăn như có sẵn trong thiên nhiên: củ nầng, củ nho (một loại củ dài như khoai mì <sắn> ruột trắng như tuyết ăn đỡ khát nước) ở trong rừng. Nấm mối, măng tre ở các bờ rào. Khoai lang, khoai mì <sắn>, đậu phọng, đậu xanh, đậu đen, lúa gạo vẫn được sản xuất đầy đủ. Các thức ăn làm từ khoai mì được giữ lâu ngày dưới hình thức bột khoai, bánh tráng bột khoai, bánh ếch khoai mì phơi khô. Nầng được ủ cả tháng đem ra chiên với nếp ăn với đậu phọng giã nhuyễn trộn đường với chút muối trở thành thức ăn hiếm quí. Bánh tổ được đổ thành bánh tròn, dày, đường kính 40-50cm được đem phơi khô để dành ăn khi đói bằng cách lát từng miếng nhỏ chiên với dầu phọng hay mỡ heo. Rắn, ếch nhái, cắc kè, cắc ké, cua đồng, chim muông bị đe dọa hàng ngày vì tình trạng thiếu thịt trong đệ nhị thế chiến. Đường giao thông bị gián đoạn. Việc chuyên chở lương thực từ vùng này sang vùng khác cực kỳ khó khăn. Dân làng không có nước mắm, một loại nước chấm cần thiết trong các món ăn của người Việt Nam. Bà ngoại tôi có sáng kiến dùng cua đồng nấu nước mắm. Nhờ bà có nhiều sáng kiến nên tôi sống một cuộc sống an lành và đầy đủ trong một quốc gia trong cảnh hai chủ một tớ và một cổ hai tròng.
Điều làm cho tôi ngạc nhiên khi hồi tưởng lại quê ngoại và quê nội trong thời kỳ thế giới trải qua cuộc chiến thảm khốc và Việt Nam trong cảnh một tớ hai chủ, là an ninh xã hội. Ở Bắc Bộ và vài nơi ở Bắc Trung Bộ bị nạn đói nhưng không một vụ trộm cướp nào xảy ra ở quê nội và quê ngoại tôi trong thời gian nói trên. Ở quê nội tôi nhà cửa khang trang và đẹp đẽ hơn nhà cửa ở quê ngoại nơi còn nhiều nhà không có cửa. Nhà của trung nông chỉ có róng. Chỉ có nhà của vài phú nông mới có cửa kín đáo. Thế mà trong làng không xảy ra trộm cướp. Người trông coi an ninh trong làng là ông hương quản được cấp súng và đạn nhưng ông không hề sử dụng vì không có gì để nổ súng. Vả chăng nếu bắn thì phải báo cáo lên chánh tham biện người Pháp (tỉnh trưởng) bằng một tờ ‘lập bo’ (rapport: tờ trình, phúc trình) viết bằng tiếng Pháp. Chuyện viết ‘lập bo’ rắc rối như vậy không phải là việc làm dễ dàng đối với ông hương quản.
Không lẽ thời đất nước trải qua cảnh một cổ hai tròng là thời Nghiêu Thuấn so với thời độc lập và hòa bình sao? Tôi vẫn luôn thắc mắc.
.
Phạm Đình Lân
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/vanhoa/chuyentronglang.htm