Phạm Ɖình Lân
Chế độ Quân chủ Chuyên chính Việt Nam
.
Trong bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến chế độ quân chủ ở Việt Nam từ ngày độc lập vào năm 939 sau Tây Lịch với Ngô Quyền đến năm 1945 với vua Bảo Ɖại, vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn. Chúng tôi không đề cập đến:
- Thời Văn Lang (2879 - 258 trước Tây Lịch) với 18 vị vua Hùng trong thời kỳ chưa có lịch sử thành văn mà chỉ có truyền thuyết và lịch sử khẩu truyền. Nếu chia đều 2621 năm cho 18 đời vua Hùng thì mỗi vị vua Hùng sống và ngự trị trên 145 năm. Ɖó là con số khó thuyết phục trong thời kỳ mà tuổi thọ 60 được xem là tuổi thọ trung bình.
- Thời vua An Dương Vương (vua 257 - 207 trước Tây Lịch) vì chưa biết chính xác xuất xứ của Thục Phán. Khi đánh bại vua Hùng Vương thứ 18, Thục Phán sát nhập nước Văn Lang vào nước Âu Việt (Ouyue) để thành lập nước Âu Lạc (Ouluo/Âu Lạc: Âu Việt/Ouyue + Lạc Việt/Luoyue). Thục Phán là vua nước Âu Lạc tức vua An Dương Vương. Chắc chắn Thục Phán không có liên hệ gì với nước Ba và nước Thục (Ba & Shu/Thục - Ba Thục) ở Sichuan (Tứ Xuyên) xa xôi hiểm trở. Âu Việt (Ouyue) có thể ở phía nam tỉnh Guangxi (Quảng Tây) và các tỉnh thượng du Bắc Bộ Việt Nam như Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang. Tỉnh Guangxi của Trung Hoa có nhiều người thiểu số được tìm thấy ở miền thượng du tây ngạn sông Hồng như Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn. Ɖó là người Tày-Nùng, Thổ, Lô Lô, Dao, Miêu, Nhắng v.v.. Ɖông đảo, năng động và thiện chiến nhất trong các tộc thiểu số này là người Tày-Nùng (Người Tày: người Choang/Zhuang). Như vậy Thục Phán, tức vua An Dương Vương sau này không có liên hệ gì với đất Thục (Shu) ở Sichuan (Tứ Xuyên) hay rõ hơn là vùng Chongqing (Trùng Khánh) ngày nay. Nơi phát xuất của Thục Phán là đường tiếp cận giữa miền nam Guangxi và các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn của Bắc Bộ Việt Nam. Sau khi chinh phục Văn Lang, vua An Dương Vương chọn làng Cổ Loa (Phong Khê), Huyện Ɖông Anh, tỉnh Phúc Yên làm kinh đô, tức là tiến từ hướng bắc xuống hướng nam trên rìa châu thổ sông Hồng. Thời ngự trị của vua An Dương Vương tương ứng với thời kỳ Qin Shi Huang (Tần Thỉ Hoàng) thống nhất thiên hạ ở Trung Hoa. Qin Shi Huang sinh năm 259 trước Tây Lịch, tuyên xưng hoàng đế năm 221 trước Tây Lịch và mất năm 210 trước Tây Lịch. Nhà Tần (Qin) rất ngắn ngủi, kéo dài từ năm 221 trước Tây Lịch đến 207 trước Tây Lịch tức 14 năm!
- Nhà Triệu (207 - 111 tr. Tây Lịch) do Zhao Tuo (Triệu Ɖà) lập ra sau khi đánh bại vua An Dương Vương của nước Âu Lạc. Zhao Tuo là người gốc Guangdong (Quảng Ɖông) nên khi khai sinh ra nước Nan Yue (Nam Việt), ông chọn Pangu (Phiên Ngung, trong thành phố Guangzhou/Quảng Châu bây giờ) làm kinh đô. Vương triều này kéo dài từ năm 207 trước Tây lịch đến 111 trước Tây Lịch với bốn đời vua:
1- Zhao Tuo (Triệu Ɖà) tức Zhao Wu Wang (Triệu Vũ Vương, vua: 207 - 137 tr. Tây Lịch).
2- Zhao Wen Wang (Triệu Văn Vương, vua: 137 - 125 tr. Tây Lịch).
3- Zhao Ming Wang (Triệu Minh Vương, vua: 125 - 113 tr. Tây Lịch).
4- Zhao Ai Wang (Triệu Ai Vương, vua: 113 - 112 tr. Tây Lịch).
5- Zhao Yang Wang (Triệu Dương Vương, vua: 112 - 111 tr. Tây Lịch).
Bản đồ Nam Việt (https://anhxua.net/)
- Hai Bà Trưng, mặc dù hai bà xưng vương và ngự trị trong thời gian ngắn ngủi từ năm 40 - 43 sau Tây Lịch.
Từ ngày độc lập khỏi sự đô hộ của người Trung Hoa, Việt Nam có 101 vị lãnh đạo. Trong số đó có:
- 81 vua của các triều Ngô (3 vua), Dương (Dương Tam Kha) (1 vua), Ɖinh (1), Tiền Lê (2), Lý (9), Trần (12), Hồ (1), Hậu Lê (10), Mạc (10), Lê Trung Hưng (16), Nguyễn Tây Sơn (3), triều Nguyễn (13).
- 20 chúa (10 chúa Trịnh và 10 chúa Nguyễn).
***
Nước ta trải qua trên 1.000 năm Bắc thuộc. Các nhà khai sáng vương triều hầu hết là những quân nhân có công đánh đuổi ngoại xâm hay có chiến công trong nội chiến hay có binh quyền để tạo binh biến và đoạt ngôi báu bằng võ lực như Lê Hoàn vào năm 980, Mạc Ɖăng Dung vào năm 1527, hay bằng mưu mô như trường hợp Dương Tam Kha năm 945 sau khi Ngô Quyền vừa mất và Lê Quí Ly (Hồ Quí Ly) vào năm 1400.
Ngô Quyền sáng lập ra nhà Ngô sau khi đánh bại quân Nam Hán.
Ɖinh Bộ Lĩnh sáng lập ra nhà Ɖinh sau khi đánh dẹp loạn sứ quân.
Lê Hoàn tức vua Lê Ɖại Hành đoạt ngôi của nhà Ɖinh là một tướng lãnh cao cấp của Ɖinh triều.
Lý Công Uẩn là một điện tiền chỉ huy sứ dưới triều vua Lê Ɖại Hành và là chồng của công chúa Lê Thị Phất Ngân, con gái của vua Lê Ɖại Hành và Dương Vân Nga. Ông lên ngôi bằng một cuộc đảo chánh không đổ máu sau khi vua Lê Long Ɖĩnh, được biết dưới biệt danh Lê Ngoạ Triều, mất năm 1009.
Nhà Trần không có Trần Thái Tổ. Vị vua đầu tiên của nhà Trần là Trần Cảnh lên ngôi khi mới 7 tuổi. Ɖó là vua Trần Thái Tôn. Người có công đưa vương quyền từ họ Lý sang họ Trần là điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Ɖộ.
Người khai sáng ra nhà Hậu Lê là Lê Lợi, người cầm đầu cuộc khởi nghĩa chống quân Minh thành công và lên ngôi năm 1428 tức vua Lê Thái Tổ.
Người khai sáng ra nhà Mạc là Mạc Ɖăng Dung, một ngư phủ trở thành tướng lãnh sau khi đậu kỳ thi Ɖô Lực Sĩ. Nhà Mạc ra đời sau một cuộc đảo chánh vào năm 1527.
Nguyễn Kim là tướng lãnh mang tước Hầu dưới triều Hậu Lê. Nội tổ của ông là quận công Nguyễn Văn Lang, một tướng lãnh và là cha của tướng Nguyễn Hoằng Dụ được phong tước Hầu. Năm 1545 Nguyễn Kim bị hàng tướng của nhà Mạc là Dương Chấp Nhất thuốc chết sau khi ăn một trái dưa hấu có thuốc độc. Trịnh Kiểm, rể của Nguyễn Kim, giết Nguyễn Uông, con của Nguyễn Kim, để nắm quyền chỉ huy quân Nam triều kháng nhà Mạc.
Nguyễn Hoàng, em của Nguyễn Uông và bà Ngọc Bảo, giả điên. Ông xin chị là Ngọc Bảo, vợ của Trịnh Kiểm, thuyết phục chồng cho ông vào Nam khai thác đất đai, đóng thuế cho vua Lê và bảo vệ biên cương chống sự quấy phá của Chiêm Thành. Trịnh Kiểm đồng ý. Nguyễn Hoàng được xem là chúa Tiên của các chúa Nguyễn ở Ɖàng Trong tức Nam Hà sau này (1).
Nguyễn Phúc Ánh là vị chúa thứ 10 của họ Nguyễn trong thời kỳ nội chiến và là vua Thái Tổ (1802 - 1820) của nhà Nguyễn. Ông chỉ huy quân họ Nguyễn chống lại quân Tây Sơn trên đồng bằng sông Ɖồng Nai và Cửu Long năm 16 tuổi. Ông là người duy nhất của dòng Nguyễn Phúc sống sót sau vụ thảm sát họ Nguyễn ở Long Xuyên năm 1777. Ông lên ngôi năm 1802. Ɖó là vua Gia Long.
Cổng thành Phú Xuân thời Nguyễn sơ nhưng vua Quang Trung được cho là
chưa từng ở đây (Ảnh do Nguyễn Đắc Xuân sưu tầm).
Việc vua Thái Tổ nhà Nguyễn đặt niên hiệu Gia Long và chọn quốc hiệu Nam Việt làm cho hoàng đế Jiaqing (Gia Khánh) khó chịu vì:
a- Hoàng đế Jiaqing (Gia Khánh) là con của hoàng đế Qianlong (Càn Long). Niên hiệu của vua Thái Tổ nhà Nguyễn là Gia Long tức lấy tên con (Gia Khánh) đặt trước tên cha là Càn Long! Ɖó là sự hỗn xược của vua nước Nam đối với thiên triều Bắc quốc. Sứ Lê Quang Ɖịnh trình bày cho biết vua Gia Long lấy niên hiệu này vì thống nhất sơn hà từ Gia Ɖịnh đến Thăng Long. Ngoài ra nhà vua không có hậu ý gì khác. Hoàng đế Jiaqing chấp nhận niên hiệu này.
b- Còn quốc hiệu Nam Việt? Hoàng đế Jiaqing khước từ quốc hiệu này. Nam Việt là quốc hiệu của nhà Triệu (Zhao dynasty), bao gồm Guangdong (Quảng Ɖông), Guangxi (Quảng Tây) và Âu Lạc. Vã chăng Zhao Tuo là người bướng bỉnh, từng cất quân tấn công nhà Hán và từng xưng Hoàng Ɖế. Hoàng đế Jiaqing đảo ngược thứ tự của hai chữ NAM VIỆT thành VIỆT NAM.
Trịnh Kiểm là tổ tiên của các chúa Trịnh từ đầu thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XVIII. Xuất thân từ một gia đình nghèo khổ, mồ côi cha. Trịnh Kiểm nổi tiếng trong vùng là người con có hiếu với mẹ. Ông là người giữ ngựa cho một vị quan địa phương. Ông trở thành nhà quân sự thiên bẩm nhờ những kinh nghiệm sống cơ cực thuở ấu thời. Ông theo phò Nguyễn Kim, một tướng lãnh, con của võ tướng Nguyễn Hoằng Dụ, chiêu mộ người phò Lê diệt Mạc sau khi Mạc Ɖăng Dung lật đổ nhà Hậu Lê năm 1527. Trong thời kỳ sống dọc theo biên giới Thanh Hóa và Lào, một đêm Nguyễn Kim thấy hai luồng ánh sáng đỏ trong đêm tối dày đặc. Tiến lại gần, Nguyễn Kim phát hiện ra hai luồng ánh sáng ấy xuất phát từ cặp mắt của Trịnh Kiểm trong lúc ngủ. Nguyễn Kim biết Trịnh Kiểm là một dị nhân có khiếu chỉ huy quân đội. Ông gả con gái là bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo cho Trịnh Kiểm.
Năm 1545 Nguyễn Kim bị một hàng tướng nhà Mạc thuốc chết sau khi ăn một trái dưa hấu. Trịnh Kiểm giết chết con của Nguyễn Kim là Nguyễn Uông để giành lấy quyền chỉ huy quân Nam triều, tức đội quân kháng Mạc để phục hưng nhà Lê. Trịnh Kiểm có thế lực và quyền uy tuyệt đối ở Nam triều. Thanh thế của Nam triều lên cao mặc dù họ Mạc vẫn còn ở Ɖông Ɖô (Hà Nội bây giờ).
Năm 1570 Trịnh Kiểm mất. Quyền bính trao cho con là Trịnh Tùng. Năm 1591 họ Mạc rời Ɖông Ɖô chạy lên Cao Bằng, mãi đến năm 1677 mới hoàn toàn bị họ Trịnh tiêu diệt. Trịnh Tùng là vị chúa đầu tiên (1600 - 1623).
Phủ Chúa Trịnh qua tranh vẽ của Samuel Baron, 1685
(https://vi.wikipedia.org/)
Vua Thái Tổ của nhà Tây Sơn là Nguyễn Nhạc (1743 - 1793). Cuộc khởi nghĩa của ba anh em nhà Tây Sơn (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ) diễn ra năm 1771. Sau chiến thắng của Nguyễn Huệ trước danh tướng Tống Phước Hiệp ở Phú Yên năm 1775, Nguyễn Nhạc xưng vương (1776).
Năm 1786 Nguyễn Huệ đánh bại quân họ Trịnh ở Thuận Hóa và đem quân ra Bắc Hà diệt họ Trịnh dù không có lịnh của Nguyễn Nhạc. Từ đó có sự xích mích và bất hòa giữa hai anh em Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ. Từ phía bắc Bến Ván ra Bắc Hà là địa bàn kiểm soát của Nguyễn Huệ. Phía nam Bến Ván vào Nam là vùng kiểm soát của Nguyễn Nhạc. Châu thổ sông Cửu Long là vùng xôi đậu giữa quân Tây Sơn và quân kháng chiến của họ Nguyễn. Năm 1789 khi quân nhà Thanh (Qing) vào Thăng Long dưới danh nghĩa giúp vua Lê Chiêu Thống, Nguyễn Huệ lên ngôi tức là vua Quang Trung (1789) trước khi đem quân ra đánh đuổi quân nhà Thanh ra khỏi bờ cõi.
***
Không thể chối cãi chế độ quân chủ chuyên chính ở Việt Nam là bản sao của chế độ quân chủ chuyên chính Trung Hoa, nơi Khổng giáo có vai trò tối quan trọng trong gia đình, xã hội và quốc gia.
Vua được xem là Thiên tử thế Thiên hành đạo. Dưới chế độ quân chủ chuyên chính vua nắm quyền Hành Pháp, Lập Pháp, Tư Pháp và là Tổng Tư Lịnh quân đội. Vua tiêu biểu cho Tam Quyền hiến định trong định chế chánh trị dân chủ ngày nay.
Hầu hết các vua ở Việt Nam đều là nam phái. Ɖó là đặc điểm của xã hội Khổng Giáo trọng nam.
Có 3 nữ hoàng trong lịch sử Việt Nam: Hai Bà Trưng (40 - 43) và Lý Chiêu Hoàng (1224 - 1225). Hai Bà Trưng ngự trị 3 năm. Có kinh đô nhưng chưa có quốc hiệu. Việc triều chính còn lỏng lẻo, mơ hồ.
Lý Chiêu Hoàng lên ngôi năm 6 tuổi. Vài tháng sau bà truyền ngôi cho chồng là Trần Cảnh, 7 tuổi. Vương triều được chuyển từ họ Lý sang họ Trần (1225) theo sự sắp xếp của Trần Thủ Ɖộ. Từ đó về sau các vua Việt Nam đều là nam phái. Việc truyền ngôi báu dựa vào ba tiêu chuẩn:
a- Trọng nam: Sự kiện vua Lý Huệ Tông không có thái tử mà chỉ có hai công chúa (Thuận Thiên và Chiêu Thánh) là dấu hiệu bất lành cho triều Lý. Vua Tự Ɖức ngự trị lâu nhất dưới triều Nguyễn (36 năm, 1847 - 1883), không có con nên sau khi vua băng hà năm 1883, người nối ngôi là cháu của nhà vua tức vua Dục Ɖức. Nhà Nguyễn rơi vào tình huống bất bình thường và bắt đầu suy yếu, dẫn đến sụp đổ hoàn toàn vào năm 1945 với vua Bảo Ɖại.
b- Trọng trưởng (con trai đầu của vua và hoàng hậu): Nguyên tắc Tam Bất Lập do vua Gia Long đặt ra (không lập Hoàng Hậu, không lập Tể Tướng, không lập Trạng Nguyên) làm lung lay phần nào nguyên tắc trọng trưởng và trọng đích trong việc nối ngôi. Hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh (1780 - 1801) là con trưởng của vua Gia Long, đã mất trước khi Nguyễn Phúc Ánh (vua Gia Long sau này) đánh bại nhà Tây Sơn và lên ngôi vua. Trong trường hợp vua Gia Long băng hà, theo nguyên tắc trọng đích con trai trưởng của hoàng tử Cảnh là người kế vị. Nguyên tắc Tam Bất Lập vô hiệu hóa quyền nối ngôi của con trưởng của hoàng tử Cảnh là Nguyễn Phúc Ɖán (Mỹ Ɖường) hay người con trai thứ hai là Nguyễn Phúc Kính (Mỹ Thùy) vì vua Gia Long muốn chọn thái tử Ɖảm, con của dòng thứ, nối ngôi Ngài. Ɖó là vua Minh Mạng sau này. Một rắc rối khác về khái niệm trọng trưởng xảy ra dưới triều Nguyễn. Năm 1847 vua Thiệu Trị băng hà. Thái tử Nguyễn Phúc Hồng Bảo, con trưởng của vua Thiệu Trị và bà Ɖinh Thị Hạnh, người Gò Công như bà Từ Dũ Phạm Thị Hằng. Hồng Bảo sinh năm 1825 và được ban tước công (Duke). Thái tử Nguyễn Phúc Hồng Bảo bị gạt ra khỏi danh sách người kế nghiệp vua Thiệu Trị. Triều thần tôn thái tử Nguyễn Phúc Hồng Nhậm lên ngôi tức vua Tự Ɖức (vua: 1847 - 1883). Thái tử Nguyễn Phúc Hồng Nhậm sinh năm 1829 và mất năm 1883, là con trưởng của vua Thiệu Trị với bà Phạm Thị Hằng tức hoàng hậu Từ Dũ. Hồng Bảo bị loại vì mẹ là người thứ dân tầm thường. Bà Phạm Thị Hằng là con của quận công Phạm Ɖăng Hưng, từng là Thượng Thơ Bộ Lễ.
c- Trọng đích: Nguồn gốc của đường lối không cho con trai hoàng tử Cảnh nối ngôi của vua Gia Long không được lịch sử giải thích rõ ràng. Phải chăng có những vướng mắc giữa vua Gia Long và hoàng tử Cảnh (1780 - 1801) về phương diện tôn giáo (Thiên Chúa Giáo) và văn hóa (Tây Phương) sau thời gian dài hoàng tử Cảnh sống dưới sự hướng dẫn của Cha Cả (2) Pigneau de Béhaine (Bá Ɖa Lộc) từ năm 1783 đến 1789, tức từ năm 3 tuổi đến 9 tuổi? Có lý nào một cậu bé 3 tuổi sống xa cha mẹ và quê hương, được sự chăm sóc và hướng dẫn của một giám mục Pháp lại không biết nói tiếng Pháp, không ưa thích văn hóa Pháp và không theo đạo Thiên Chúa? Vua Gia Long luôn luôn mang ơn giám mục Pigneau de Béhaine nhưng về phương diện tôn giáo, ông vẫn sùng kính Khổng Giáo. Thiên Chúa Giáo không chấp nhận vua là Thiên Tử.
Như đã thấy, vua đứng đầu Hành Pháp, Lập Pháp (Quốc Hội), Tư Pháp (Tối Cao Pháp Viện). Vua là Tổng Tư Lịnh quân đội, là Chánh Chủ Khảo trong kỳ thi Ɖình minh định ngôi thứ của ba vị tiến sĩ đứng đầu cuộc thi: Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa. Dưới triều Nguyễn không còn danh tước Trạng Nguyên. Thay vào đó là danh tước Ɖình Nguyên như Ɖình Nguyên Phan Ɖình Phùng chẳng hạn. Quyền hành của vua ở Ɖông Phương lớn hơn vua ở Tây Phương vì vua ở Ɖông Phương được xem là giáo chủ trong nước. Vua đứng ra làm lễ Tế Trời cầu quốc thái dân an hàng năm. Vua ở Tây Phương nhận sự làm phép của một giám mục hay tổng giám mục trong ngày lễ đăng quang.
Ɖại cương vua Việt Nam có các đặc quyền sau đây:
1- Vua có quyền sinh sát, ân xá tử tội. Vua có quyền thưởng phạt triều thần sau khi đã chết. Việc san phẳng mộ tổng trấn Lê Văn Duyệt và Lê Chất dưới triều vua Minh Mạng cho thấy điều đó. Tiến sĩ Nguyễn Thuyên, tức Hàn Thuyên (1229 - ?), được vua Trần Nhân Tôn cho đổi sang họ Hàn sau khi làm một bài văn làm cho cá sấu rời khỏi sông Hồng năm 1282 giống như tiến sĩ Han Yu (Hàn Dũ, 768 - 824) đời nhà Ɖường bên Trung Hoa. Lý Thường Kiệt (1019 - 1105) vốn họ Ngô tên Tuấn được nhà Lý ban quốc tính cải sang họ Lý. Huỳnh Tường Ɖức, một danh tướng của họ Nguyễn trong thời nội chiến chống Tây Sơn, được chúa Nguyễn Phúc Ánh cho phép đổi sang họ Nguyễn. Ɖó là Nguyễn Huỳnh Ɖức (1748 - 1819). Ông được phong tước quận công. Hai người con trai của ông là Nguyễn Huỳnh Toán và Nguyễn Huỳnh Thành là hai phò mã của vua Gia Long. Thống chế Nguyễn Văn Tồn là người Khmer ở Trà Vinh, sinh năm 1763 và mất năm 1820. Tên thật của ông là Thạch Duồng. Ông được chúa Nguyễn Phúc Ánh cải sang họ Nguyễn vì có công theo giúp họ Nguyễn trong thời kỳ nội chiến chống quân Tây Sơn. Năm 1854 Nguyễn Phúc Hồng Bảo, anh cùng cha khác mẹ với vua Tự Ɖức, nổi lên chống vua Tự Ɖức. Thất bại, ông bị hạ ngục, mất họ Nguyễn Phúc mà phải theo họ Ɖinh của mẹ với tên mới là Ɖinh Bảo. Ɖinh Bảo thắt cổ chết trong ngục.
2- Vừa là tổng tư lịnh quân đội trong nước. Vua có quyền tuyên chiến hay ký hòa ước với nước ngoài.
3- Những người âm mưu chống lại triều đình, ám sát vua hay xâm phạm, hủy phá lăng tẩm của vua và hoàng tộc bị tru di tam tộc. Dân làng nổi lên chống lại triều đình bị thảm sát tập thể. Làng bị đốt sạch và rải vôi. Nơi đó không còn là nơi cư trú nữa. Năm 1442 Nguyễn Trãi, một đại thần dưới triều vua Lê Thái Tổ, bị xử tru di tam tộc vì bị kết án âm mưu gìết vua Lê Thái Tôn trong vụ án Lệ Chi Viên (3). Năm 1854 Cao Bá Quát bị xử tru di tam tộc vì làm quân sư cho Lê Duy Cự, một tôn thất nhà Lê, nổi dậy chống nhà Nguyễn trong lúc miền Bắc bị mất mùa vì sự phá hoại của cào cào, châu chấu. Vì thế cuộc nổi loạn này được gọi là Giặc Châu Chấu. Năm 1835 quân triều đình đánh dẹp cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi. 1.831 quân nổi loạn trong thành Gia Ɖịnh (Qui Thành) bị thảm sát và chôn trong một nấm mồ thập thể được gọi là mả ngụy. Qui Thành bị hủy. Một thành mới được xây lên với tên mới: Phụng Thành.
Chân dung hoàng tử Cảnh do họa sĩ Maupérin vẽ tại Pháp
vào năm 1787 (Ảnh: Wikipedia)
4- Không ai đươc nhìn thấy long nhan. Ở phương Tây người ta có hình ảnh vẽ của vua Louis XIV, XV, XVI, Napoleon I, hoàng hậu Marie Antoinette hay Joséphine de Beauharnais v.v.. Không có hình ảnh vẽ của vua chúa ở Việt Nam ngoại trừ hình vẽ hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh khi đến Pháp với giám mục Pigneau de Béhaine (Bá Ɖa Lộc) dưới triều vua Louis XVI.
5- Nhiều từ ngữ trong ngôn ngữ nước nhà chỉ dùng cho vua và hoàng tộc mà thôi. Mặt vua gọi là long nhan, áo vua gọi là long bào, giường vua nằm gọi là long sàng, ấn của vua gọi là ngọc tỷ, vua bịnh thì gọi là vua se mình, vợ vua thì gọi là hoàng hậu, con trai của vua thì gọi là thái tử, con gái thì gọi là công chúa, hoàng hậu sinh con thì nói là hoàng hậu lâm bồn, vua chết thì nói là vua băng hà, mồ mả của vua chúa gọi là lăng tẩm v.v..
6- Không thần dân nào dùng tên, thậm chí chữ lót của vua và hoàng tộc để đặt tên cho con mình. Sĩ tử phạm luật trường qui bị đánh rớt ngay mặc cho bài viết xuất sắc như thế nào đi nữa. Thanh Hoa trở thành Thanh Hóa để tránh gọi tên hoàng hậu của vua Minh Mạng: Hồ Thị Hoa. Sự xuất hiện những chữ đồng nghĩa nhưng bất đồng âm rất phổ biến dưới triều Nguyễn từ vĩ tuyến 16 vào Nam như Phúc: Phước, Hồng: Hường, Nhậm: Nhiệm, Hoa: Huê, Bình: Bằng, Hoàng: Huỳnh, Vũ: Võ, Nhân: Nhơn, Nghĩa: Ngãi, Ɖảm: Ɖởm, An: Yên, Tính: Tánh, Khang: Khương, Nguyên: Nguơn, Nguyệt: Ngoạt v.v.
7- Trong nước không ai được cất nhà theo kiểu cung điện của nhà vua. Không người giàu có nào trong nước cất nhà cao và rộng lớn hơn cung điện của vua.
8- Về màu sắc vua độc quyền dùng màu vàng. Áo vua mặc gọi là hoàng bào hay long bào. Cờ vua cũng màu vàng (hoàng kỳ). Vua độc quyền dùng màu vàng nên các tu sĩ Phật Giáo ở nước ta thuộc phái đại thừa (Mahayanist) không mặc áo vàng mà mặc áo nâu.
9- Rồng đứng đầu Tứ Linh (Long, Lân, Qui, Phượng), là biểu tượng cho sức mạnh của vương quyền. Trên long bào vua mặc có thêu hình con rồng uốn khúc với đầy đủ năm móng. Rồng ba móng vẽ trên đĩa, chén, tô, bình trà là rồng thứ dân.
***
Trên Ɖịa Cầu ai cũng chấp nhận câu: Sướng Như Vua.
Sướng vì có quyền uy tột đỉnh và vật chất thừa mứa mà không phải đổ mồ hôi xót mắt. Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII các vua nhà Lê Trung Hưng do họ Trịnh đưa lên ngôi nên chịu sự hiếp đáp, phế lập và thí vua bởi họ Trịnh. Ɖó là thời gian câu SƯỚNG NHƯ VUA không còn đúng nghĩa nguyên thủy của nó.
Vì dồi dào vật chất (tiền bạc, ngọc ngà, châu báu, cung phi mỹ nữ, rượu thịt đầy đủ) phần lớn các vua đắm chìm trong tửu sắc, xao lãng việc xã tắc và rút ngắn tuổi thọ. Không vị vua nào sống quá 60 tuổi. Vua Lê Thánh Tôn và vua Tự Ɖức là hai vị vua ngự trị lâu dài nhất trong lịch sử. Vua Lê Thánh Tôn ngự trị 37 năm (1460 - 1497), thọ 55 tuổi. Vua Tự Ɖức ngự trị 36 năm (1847 - 1883), thọ 54 tuổi. Vua Lê Long Ɖĩnh say đắm sắc dục đến không thể ngồi khi thiết triều nên nhà vua có biệt danh Lê Ngoạ Triều. Ông làm vua được 4 năm (1005 - 1009) và chết khi mới được 23 tuổi!
Ɖối chiếu chế độ quân chủ chuyên chính với chế độ độc tài đảng trị dưới mỹ từ “dân chủ tập trung” hay xã hội chủ nghĩa, ta thấy tổng bí thơ đảng Cộng Sản có quyền hạn lớn hơn vua. Sau sự sụp đổ của Liên Sô trên thế giới còn lại năm quốc gia Cộng Sản: Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Bắc Hàn và Cuba. Trong năm nước này có hai vương triều Cộng Sản với chế độ cha truyền con nối (Bắc Hàn) và anh truyền em nối (Cuba). Lãnh tụ đảng Cộng Sản có quyền hành vô giới hạn:
Vương quyền ngày xưa bị giới hạn bởi:
- Sự tự trị xã thôn nên có câu: Phép vua thua lệ làng.
- Sự hiện diện của các quan Ngự Sử. Các quan Ngự Sử có quyền đàn hạch các quan và can gián vua tránh làm điều càn dở.
- Thiên ý với ý niệm đơn giản: Ý dân là ý Trời.
- Các hiện tượng khí tượng bất thường như sơn băng kiệt thủy, thủy, hỏa, đạo, tặc, núi lửa phun, lụt lội, hạn hán, hoàng trùng, nhật thực, nguyệt thực. Ngày xưa người ta xem đó là những điềm Trời cảnh cáo sẽ lấy lại Thiên mệnh của những vị vua thất nhân tâm và tàn bạo. Vua phải tự cô lập mình trong phòng vắng, xa hoàng hậu và những thú vui vật chất thường ngày, ân xá tù nhân, nhìn tượng đồng xanh để ăn năn hối cải về những chánh sách tàn độc hay những bản án bất công do vua gây ra làm cho nhân dân thống khổ, tiếng kêu than vang động tận Thiên đình.
Thử đối chiếu chế độ quân chủ ở Việt Nam và chế độ quân chủ Tây Phương để thấy rõ tại sao Việt Nam như con thuyền chạy lòng vòng quanh nước xoáy trong khi con thuyền của các nước quân chủ Tây Phương tách khỏi bến cạn đầy lau sậy để ra biển khơi tìm ánh sáng tương lai trên không gian rộng mở. Chế độ quân chủ Việt Nam sau 1.000 năm độc lập vẫn bất biến theo đúng khuôn mẫu của Trung Hoa. Không có tự do, không có dân chủ thì làm sao dân chúng dám nêu sáng kiến, nói lên ước vọng tận đáy lòng của họ và sung sướng đóng góp công sức cùng trí tuệ của mình vào sự phát triển và hưng vượng cho đất nước? Họ được dạy: Chính Danh, Ɖịnh Phận, Tôn Quân Quyền và sự Trung Quân gắn liền với lòng ái quốc.
Vương quyền ở các nước Tây Âu bắt đầu bị giới hạn bởi hiến pháp. Ɖó là chế độ quân chủ lập hiến. Anh là quốc gia có truyền thống tự do, dân chủ lâu đời với Ɖại Hiến Chương Tự Do Magna Carta Libertanum được ban hành năm 1215, tương đương với triều vua Lý Huệ Tôn.
Năm 1889 Nhật Bản là quốc gia quân chủ Á Châu đầu tiên có hiến pháp. Ɖối với người Nhật, Thiên Hoàng (Mikado) không phải là vị hoàng đế như các hoàng đế khác mà là dòng dõi của Thái Dương Thần Nữ Amaterasu. Người Nhật tôn kính Thiên Hoàng bằng tâm não của mình chớ không bị ràng buộc bởi một số nguyên tắc hay học thuyết chánh trị nào đó để tôn kính người lãnh đạo của họ. Dù vậy, trong cuộc canh tân theo Tây Phương, Nhật cũng cần có một chế độ quân chủ lập hiến mặc dù hiến pháp 1889 của Nhật không do quốc hội lập hiến thông qua mà do một nhóm luật học dưới sự điều khiển của Ito Hirobumi (1841 - 1909) viết ra dựa theo cảm hứng của hiến pháp Ɖức năm 1871 dưới thời tể tướng Bismarck.
Dưới chế độ quân chủ lập hiến vua được xem là người vô tội và bất khả xâm phạm. Vua ngự nhưng không trị (The King reigns but does not rule – Le Roi règne mais ne gouverne pas). Quyền Hành Pháp có thủ tướng đảm nhận. Quyền Lập Pháp có Quốc Hội. Quyền Tư Pháp có Tối Cao Pháp Viện.
Một chế độ dân chủ chân chính tạo điều kiện cho toàn dân góp phần vào việc xây dựng một xã hội ổn định, trật tự, an bình, một đất nước tiến bộ và phồn vinh. Anh, Hòa Lan, Ɖan Mạch, Na Uy, Thụy Ɖiển, Nhật Bản là những quốc gia quân chủ lập hiến có diện tích và dân số khiêm tốn nhưng đó là những quốc gia kỹ nghệ và hàng hải có quá khứ vang dội, nhân dân sống tự do, ấm no và hạnh phúc.
Dân chủ chân chính và thuần khiết là động lực của sự phát triển và tiến bộ.
Dân chủ hình thức hay dân chủ mị dân độc hại không kém gì chế độ quân chủ chuyên chính và các chế độ độc tài. Trong thời cách mạng Pháp Maximilien Robespièrre (1759 - 1794) há không tự xưng mình là Ɖấng Tối Cao (Être Suprême - Supreme Being)? Stalin và các lãnh tụ Cộng Sản há không xem mình là Ɖỉnh Cao Trí Tuệ (Peak of intelligence – Sommet de l’intelligence) để được ca tụng tôn thờ?
Chế độ độc tài phục vụ cho cá nhân nhà độc tài và thuộc hạ của ông ta. Chế độ độc tài nào cũng xây dựng trên bạo lực, bất công và kỳ thị (kỳ thị giai cấp, kỳ thị nam-nữ, kỳ thị tuổi tác, kỳ thị tôn giáo, kỳ thị phe phái, kỳ thị chủng tộc, kỳ thị địa phương v.v.) khiến cho đoàn kết quốc gia bị suy suyển nặng nề.
Chế độ dân chủ mang tự do, ấm no, hạnh phúc cho toàn dân và sự hưng vượng cho đất nước. Hoa Kỳ, Canada, Anh, Pháp, Hòa Lan, Thụy Sĩ, Ɖức, Ý, Nhật Bản, Ɖan Mạch, Na Uy, Thụy Ɖiển, Úc Ɖại Lợi, Tân Tây Lan, Ấn Ɖộ, Ɖại Hàn sau năm 1990, Taiwan (Ɖài Loan) từ thời tổng thống Lee Teng Hui (Lý Ɖăng Huy, tổng thống: 1988 - 2000) về sau, Singapore (Tân Gia Ba), Do Thái v.v. đã chứng minh cho nhận xét nói trên.
.
Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.
_____________
Chú thích:
(1): Trịnh-Nguyễn phân tranh từ năm 1627 đến 1672 lấy sông Gianh làm ranh giới. Phía bắc sông Gianh (tên cũ: Ɖàng Ngoài) được gọi là Bắc Hà và phía nam sông Gianh (tên cũ: Ɖàng Trong) gọi là Nam Hà.
(2): Cha Cả: Giám mục. Lăng Cha Cả: mộ của giám mục Pigneau de Béhaine ở Tân Bình, Gia Ɖịnh. Vị giám mục này mộ người Pháp giúp đỡ cho chúa Nguyễn Phúc Ánh trong thời kỳ nội chiến với nhà Tây Sơn.
(3): Lệ Chi Viên: Vườn Trái Vải. Tên khoa học của lệ chi là Nephelium litchi, gia đình: Sapindaceae.
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/vanhoa/chedoquanchuchuyenchinh.html